Nhân kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp thúc giục tăng cường giáo dục nhiều hơn nữa nhằm thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa Hồi giáo và Kitô giáo.

Trong sứ điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến vị thánh trong tông hiệu của ngài, Thánh Phanxicô Assisi, để giải thích cách tiếp cận của ngài và kêu gọi đối thoại liên tôn giữa hai tôn giáo.

Ngài cho hay cuộc cuộc đối thoại như thế phải dựa trên sự giáo dục và thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo, nhất là với những thế hệ trẻ hơn. Trong sứ điệp của mình, Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự đau đớn khi thấy các cuộc tấn công nhắm vào các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ tự.

Hằng năm, Tòa Thánh Vatican đều đưa ra những sứ điệp tương tự gửi đến người Hồi giáo, nhằm đánh dấu sự kết thúc tháng chay Ramadan. Tuy nhiên, lần cuối cùng đích thân vị Giáo Hoàng ký tên vào sứ điệp là vào năm 1991 với chữ ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp:

Thân gửi đến anh chị em Hồi giáo trên toàn thế giới,

Tôi hết sức vui mừng chào thăm anh chị em khi anh chị em cử hành 'Id al-Fitr, để kết thúc tháng Ramadan, tháng chủ yếu dành riêng cho việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí cho người nghèo.

Cho đến nay, đó là một truyền thống, nhân dịp này, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn gửi đến anh chị em một sứ điệp cầu chúc tốt đẹp, cùng với một chủ đề được đề nghị để cùng suy tư. Năm nay, năm đầu tiên trong triều giáo hoàng của tôi, tôi quyết định đích thân ký tên vào sứ điệp truyền thống này và gửi đến anh chị em, những người bạn thân yêu, như một diễn tả của sự quý trọng và tình thân hữu dành cho tất cả những người Hồi giáo, nhất là các vị nhà lãnh đạo tôn giáo.

Như anh chị em đã biết, khi các Hồng Y bầu chọn tôi làm Giám Mục Rôma và là Chủ chăn Hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo, tôi đã chọn tên "Phanxicô", một vị thánh rất nổi tiếng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến mỗi người một cách sâu sắc, đến mức được gọi là "hiền huynh hoàn vũ". Ngài yêu mến, giúp đỡ và phục vụ người khốn cùng, bệnh tật và nghèo khó, ngài cũng hết sức giữ gìn công trình sáng tạo.

Tôi được biết rằng những chiều kích gia đình và xã hội được hưởng sự nổi trội đặc biệt đối với người Hồi giáo trong giai đoạn này, và điều đáng chú ý là có một số điểm tương đồng trong những phạm vi này đối với đức tin và thực hành Kitô giáo.

Năm nay, chủ đề mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em và tất cả những người sẽ đọc sứ điệp này, những người lưu tâm đến cả Hồi giáo và Kitô giáo là: Thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau qua giáo dục.

Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong cách chúng ta hiểu biết nhau, được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. "Tôn trọng" có nghĩa là thái độ tử tế dành cho người mà chúng ta đã lưu tâm và quý trọng. "Lẫn nhau" có nghĩa đây không phải là tiến trình một chiều, mà là điều gì đó được cả hai phía chia sẻ.

Những gì chúng ta được mời gọi tôn trọng trong mỗi người trước hết là tất cả sự sống của người ấy, toàn vẹn thân thể người ấy, phẩm giá của người ấy và các quyền bắt nguồn từ phẩm giá đó, uy tín, tài sản, đặc tính dân tộc và văn hóa của người ấy, những ý kiến và lựa chọn chính trị của người ấy. Do đó, chúng ta được mời gọi suy nghĩ, nói và viết trong sự tôn trọng người khác, không chỉ với sự hiện diện của người đó, nhưng luôn luôn và ở khắp mọi nơi, tránh chỉ trích bất công hoặc phỉ báng. Gia đình, nhà trường, các tôn giáo giảng dạy và tất cả các hình thức truyền thông có vai trò phải thực hiện để đạt được mục tiêu này.

Đối với sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ liên tôn, nhất là Kitô giáo và Hồi giáo, chúng ta được mời gọi tôn trọng tôn giáo của người khác, tôn trọng giáo lý, biểu tượng, và các giá trị của nó, nhất là tôn trọng các vị lãnh đạo tôn giáo và những nơi thờ phượng. Thật đau đớn khi có những cuộc tấn công vào các vị lãnh đạo tôn giáo hay những nơi thờ phượng!

Rõ ràng, khi chúng ta tôn trọng tôn giáo của những người láng giềng chúng ta hoặc chúng ta mang đến cho họ những lời chúc tốt đẹp của chúng ta vào những dịp lễ tôn giáo, chúng ta đơn thuần tìm cách chia sẻ niềm vui của họ, mà không cần đề cập đến nội dung niềm tin tôn giáo của họ.

Liên quan đến việc giáo dục giới trẻ Hồi giáo và Kitô giáo, chúng ta gợi lên cho người trẻ của chúng ta suy nghĩ và phát ngôn tôn trọng các tôn giáo khác và các tín hữu của họ và tránh chế nhạo hay phỉ báng đức tin và thực hành tôn giáo của họ.

Chúng ta đều biết tôn trọng lẫn nhau là điều căn bản trong bất kỳ mối quan hệ con người nào, nhất là trong số những người đã tuyên xưng niềm tin tôn giáo. Bằng cách này, tình bạn chân thành và lâu dài có thể phát triển.

Khi tôi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh vào ngày 22 Tháng Ba năm 2013, tôi đã nói: "Không thể thiết lập mối liên kết đích thực với Thiên Chúa, trong khi bỏ qua những người khác. Do đó, thật là quan trọng để tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau, và tôi nghĩ nhất là đối thoại với Hồi giáo. Trong Thánh Lễ đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của tôi, tôi đánh giá rất cao sự hiện diện của rất nhiều vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo từ thế giới Hồi giáo". Với những lời này, tôi mong muốn nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng hết sức của đối thoại và hợp tác giữa các tín hữu, nhất là những người Kitô và những người Hồi giáo, và cần phải làm cho nó được đề cao.

Với những tình cảm này, tôi nhắc lại hy vọng của tôi rằng tất cả các Kitô hữu và người Hồi giáo có thể trở thành những người khởi xướng đích thực sự tôn trọng và tình thân hữu lẫn nhau, nhất là thông qua giáo dục. Cuối cùng, tôi gửi đến anh chị em lời cầu cầu nguyện tốt đẹp của tôi, cầu chúc sự sống của anh chị em tôn vinh Đấng Toàn Năng và mang đến niềm vui cho những người xung quanh.

Chúc mừng Đại lễ tất cả anh chị em!
Từ Vatican, ngày 10 tháng Bảy, 2013
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô