(Đài Vatican) Giống như Đức Maria, chúng ta phải học cách đón nhận và giữ lấy Lời Thiên Chúa trong tâm hồn.

Để đánh dấu ngày lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Trinh Nữ Maria trong Thánh lễ sáng Thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Đức Maria thấm nhuần Lời Thiên Chúa trong cuộc sống của Mẹ, bằng cách suy niệm và tự hỏi đâu là sứ điệp mà Chúa gởi đến cho Mẹ qua Lời Người. Đức Thánh Cha nói, đây là ý nghĩa của việc "gìn giữ".

Đức Thánh Cha Phanxicô triển khai bài giảng xung quanh 2 chủ đề là ngạc nhiên và gìn giữ, khởi đi từ đoạn Tin Mừng trong ngày theo thánh Luca chương II. Đoạn tin mừng kể lại thái độ ngạc nhiên của các kinh sư khi nghe Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ và việc Đức Maria gìn giữ Lời Thiên Chúa trong lòng. Sự ngạc nhiên - Đức Thánh Cha nhận xét- "còn hơn cả niềm vui: nó là khoảnh khắc mà Lời Thiên Chúa đến, gieo vào trong lòng chúng ta." Tuy nhiên - Đức Thánh Cha căn dặn- "chúng ta không thể cứ mãi sống trong sự kinh ngạc", điều đó phải được "gìn giữ trong lòng" suốt cả cuộc đời. Và đây chính xác là điều mà Đức Maria đã làm, khi Mẹ "ngạc nhiên" và giữ lấy “Lời Thiên Chúa” trong lòng:

"Giữ lấy Lời Thiên Chúa trong lòng: điều này có nghĩa là gì? Tôi có đón nhận Lời, rồi sau đó lấy một cái bình, đặt Lời vào trong bình và giữ nó ở đó không? Không. Giữ Lời Thiên Chúa có nghĩa là lòng chúng ta mở ra, mở ra cho Lời tựa như đất mở ra để đón lấy hạt giống. Lời Thiên Chúa là hạt giống và được gieo trồng. Và Đức Giêsu nói cho chúng ta biết điều gì xảy ra đối với các hạt giống: một số hạt rơi xuống vệ đường, và chim bay đến ăn mất; Lời này không được giữ gìn, những tâm hồn này không biết cách đón nhận nó".

Những hạt khác, ngài nói, rơi vào đất sỏi đá và chết đi. Đức Giêsu nói rằng ''họ không biết cách giữ gìn Lời Thiên Chúa bởi vì họ không kiên định. Khi đau khổ đến, họ quên mất." Đức Thánh Cha nói rằng Lời Thiên Chúa có thể thường rơi vào mảnh đất chưa được chuẩn bị, bị bỏ hoang, đầy những gai góc. Và Đức Thánh Cha hỏi: gai góc đây có ý nghĩa gì? Đức Giêsu giải thích khi Ngài nói đến "sự bám víu vào của cải vật chất, các thói hư tật xấu". Đức Thánh Cha Phanxicô nói "giữ lấy Lời Thiên Chúa nghĩa là thường xuyên suy niệm về những điều mà Lời này nói với chúng ta và những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta". Và "đây là điều Đức Maria đã làm", mẹ đã “tự hỏi và thấm nhuần lời". Đức Thánh Cha nói: "Đây là một công trình tâm linh thực sự vĩ đại ".

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: vì công việc này mà Đức Maria đã có một nỗi nặng lòng đặc biệt, Mẹ đã có một tâm hồn lao nhọc. Nhưng đây không phải là sự mệt mỏi, đây là lao nhọc, đến từ nỗ lực. Đây là nỗ lực gìn giữ Lời Thiên Chúa: gắng sức tìm ra lời này có ý nghĩa gì trong giây phút hiện tại, Chúa muốn nói gì với tôi ngay lúc này, việc chất vấn ý nghĩa của Lời Chúa là cách chúng ta hiểu ý nghĩa của nó. Đây là đọc lại cuộc sống của chúng ta bằng Lời của Thiên Chúa và đây là ý nghĩa của việc giữ gìn lời trong lòng chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng trí nhớ cũng bảo vệ Lời Chúa. Nó giúp chúng ta bảo vệ lời, giúp ta nhớ mọi sự Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta". Ngài nói tiếp: "nó nhắc nhở chúng ta về mọi kỳ công cứu độ trong dân Người và trong tâm hồn tôi. Trí nhớ bảo vệ Lời Chúa."

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha thúc giục mọi người nghĩ về "cách gìn giữ Lời Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta, cách bảo toàn thái độ ngạc nhiên này, nhờ vậy mà nó không bị chim trời ăn mất, bị những thói hư tật xấu bóp nghẹt".

“Quả là tốt khi chúng ta tự hỏi: Với những gì xảy ra trong cuộc sống, tôi tự hỏi mình câu hỏi này: Chúa đang nói gì với tôi qua Lời Ngài, ngay lúc này đây? Đó chính là giữ gìn Lời ThiênChúa, bởi chưng Lời Thiên Chúa chính là sứ điệp mà Chúa ban cho chúng ta trong từng giây phút. Chúng ta hãy bảo vệ nó bằng điều này: Bảo vệ nó bằng trí nhớ. Và bảo vệ nó bằng lòng trông cậy của chúng ta. Chúng ta xin Chúa ơn biết đón nhận Lời của Thiên Chúa và giữ lấy lời ấy, và cả ơn có một tâm hồn lao nhọc trong nỗ lực này. Amen."