Anh chị em thân mến,

Trong bài phúc âm chúng ta vừa nghe, có một câu nói của Đức Giêsu luôn đánh động tôi: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9,13). Khởi đi từ câu nói này, tôi để mình được hướng dẫn bởi ba từ: làm môn đệ, tình bạn và chia sẻ.

1. Trước tiên: Ai là người mà tôi phải cho họ ăn? Câu trả lời được tìm thấy ở đầu bài Tin mừng: Đó là dân chúng, đám đông. Đức Giêsu đang ở giữa dân chúng: Ngài đón tiếp họ, nói chuyện với họ, chữa lành họ, bày tỏ cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ giữa họ, ngài chọn 12 tông đồ để ở với Ngài, để nhấn chìm họ trong hoàn cảnh cụ thể của thế giới. Dân chúng đi theo Ngài, lắng nghe Ngài, bởi vì Đức Giêsu nói và hành động một cách mới mẻ, với thẩm quyền của một con người chân chính và nhất quán, Ngài nói và hành động trong chân lý, đem lại niềm hy vọng phát xuất từ Thiên Chúa, Ngài mặc khải khuôn mặt của một Thiên Chúa tình yêu – và dân chúng ca tụng Thiên Chúa trong niềm hân hoan.

Chiều hôm nay chúng ta là đám đông dân chúng mà Tin mừng nói đến: chúng ta cũng hãy cố gắng đi theo Đức Giêsu để lắng nghe Ngài, để đi vào sự hiệp thông với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, để đồng hành với Ngài và để Ngài đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đi theo Đức Giêsu như thế nào? Đức Giêsu âm thầm nói với chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể và mọi lúc nhắc nhở chúng ta rằng đi theo Ngài có nghĩa là đi ra khỏi chính mình và làm cho chính cuộc sống chúng ta không phải trở thành một sự chiếm hữu, nhưng là một quà tặng cho Ngài và cho người khác.

2. Chúng ta hãy đi bước tiếp theo: do đâu mà có lời mời gọi của Đức Giêsu với các môn đệ là nuôi sống đám đông? Nó phát sinh từ hai yếu tố: trước tiên, đám đông đi theo Đức Giêsu đang ở ngoài trời, một vùng hiu quạnh, chiều tối đang ập xuống, và vì thế, do sự quan tâm mà các môn đệ đã xin Đức Giêsu giải tán đám đông để họ có thể tìm thức ăn và trú ngụ trong những làng mạc gần bên (x. Lc 9,12). Đối diện với cảnh túng thiếu của đám đông, giải pháp của các môn đệ là mỗi người hãy tự lo cho chính mình: “Giải tán đám đông!” Biết bao lần chúng ta, những kitô hữu, bị cơn cám dỗ đó! Chúng ta không quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác, đuổi họ với lòng trắc ẩn: “Xin Chúa giúp bạn.” Trái lại, giải pháp của Đức Giêsu đi theo một hướng khác, một hướng làm các môn đệ ngỡ ngàng: “Chính các con hãy cho họ ăn đi.”

Nhưng làm sao có thể nuôi sống đám đông? “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” Nhưng Đức Giêsu không nản chí. Ngài bảo các môn đệ cho đám đông ngồi thành nhóm năm mươi người, Ngài ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và trao cho các môn đệ đi phân phát.

Đây là giây phút hiệp thông sâu xa: đám đông, được thoả cơn khát nhờ Lời Chúa, nay được nuôi sống bằng bánh sự sống của Ngài – và mọi người đều ăn no nê, tác giả Tin mừng kể cho chúng ta như vậy.

Chiều nay, chúng ta cũng ngồi chung quanh bàn ăn của Chúa, bàn ăn hy tế Thánh Thể, qua đó Ngài lại trao ban cho chúng ta Thân mình Ngài, hiện tại hoá hy lễ duy nhất của thập giá. Chính khi lắng nghe Lời Ngài, được nuôi sống bởi mình và Máu Ngài, mà Ngài làm cho chúng ta đi từ một đám đông trở thành một cộng đoàn, từ những người xa lạ đến những người hiệp nhất. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông, đưa chúng ta ra khỏi chủ nghĩa cá nhân để cùng sống cuộc hành trình bước theo Ngài của chúng ta, sống niềm tin của chúng ta là gắn bó với Ngài. Vì thế chúng ta phải tự hỏi trước mặt Chúa: Tôi đã sống bí tích Thánh Thể như thế nào? Chúng ta sống cách nặc danh hay như một khoảng khắc hiệp thông đích thực với Chúa, và cũng là với nhiều anh chị em đang chia sẻ cùng một bàn ăn? Các cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta như thế nào?

3. Yếu tố cuối cùng: do đâu mà nảy sinh việc hoá bánh ra nhiều? Câu trả lời nằm ở lời mời gọi của Đức Giêsu với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ...,” “cho,” chia sẻ. Các môn đệ chia sẻ điều gì? Họ có ít biết bao: năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng chính những chiếc bánh và con cá này trong bàn tay Thiên Chúa mà nuôi sống đám đông.

Và chính các môn đệ, bối rối vì thiếu phương tiện, vì nghèo nàn về của cải, đã mời dân chúng ngồi xuống, và – tin vào Lời của Đức Giêsu – phân phát bánh và cá cho đám đông. Điều đó nói với chúng ta rằng trong Giáo Hội, và cả trong xã hội nữa, một từ chủ chốt mà ta không phải sợ, đó là “liên đới,” nghĩa là, biết để Chúa sử dụng điều chúng ta có: những khả năng khiêm tốn của chúng ta, bởi vì chỉ khi chia sẻ, khi trao ban chúng, mà cuộc sống chúng ta trở nên phong phú, sinh hoa kết trái. Liên đới: một từ mà tinh thần thế gian nhìn không mấy thiện cảm!

Đêm nay, một lần nữa, Chúa ban cho chúng ta bánh là Thân mình Ngài, Ngài trao ban cho chúng ta chính Ngài. Cả chúng ta nữa, chúng ta cảm nghiệm “sự liên đới của Thiên Chúa” với loài người, một sự liên đới không bao giờ chấm dứt, một sự liên đới không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên: Thiên Chúa đến gần chúng ta; trong hy lễ thập giá Người hạ mình, đi vào sự tăm tối của cái chết để ban cho chúng ta sự sống của Người, sự sống vượt thắng sự dữ, tính ích kỷ, cái chết.

Chiều nay Đức Giêsu trao ban chính mình cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể, chia sẻ cùng một cuộc hành trình với chúng ta – quả thế, Ngài trở nên của ăn, của ăn đích thực nâng đỡ đời sống chúng ta dù đôi khi đường xá gồ ghề, những trở ngại làm nhịp bước chúng ta chậm đi. Đức Chúa trong Thánh Thể làm chúng ta đi theo vết chân của Ngài, vết chân phục vụ, chia sẻ, trao ban – và dù nhỏ bé thế nào đi nữa, nếu được chia sẻ, sẽ trở thành giàu có, bởi vì quyền năng của Thiên Chúa, vốn là quyền năng của tình yêu, ngự xuống trên sự nghèo khó của chúng ta để biến đổi nó.

Chiều nay chúng ta tự hỏi, khi thờ lạy Đức Kitô hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể: Tôi có để Chúa biến đổi tôi không? Tôi có để Chúa trao ban chính mình cho tôi, hướng dẫn tôi ngày càng ra khỏi hàng rào nhỏ bé của tôi và không sợ phải trao ban, chia sẻ, yêu mến Ngài và người khác?

Làm môn đệ, hiệp thông và chia sẻ. Chúng ta hãy cầu xin cho sự tham dự vào bí tích Thánh Thể luôn chuyển động chúng ta để đi theo Chúa mỗi ngày, trở nên khí cụ của sự hiệp thông, chia sẻ với Ngài và người lân cận cái chúng ta là. Như thế đời sống chúng ta sẽ sinh hoa kết quả thật sự. Amen.