Những công tác "an ủi" người cao niên của hội Hồn Nhỏ Las Vegas

Tôi và vài người trong Hội Hồn Nhỏ Liên Đảo Têrêsa Las Vegas đến Viện Dưỡng Lão ( nursing home ) nằm hướng Tây Nam thành phố Las Vegas “ The Heights Of Summerlin “ để thăm bà Hồn Nhỏ Maria Hoàng Thị Mít. Trước khi đến, tôi gọi điện thoại cho thân nhân của bà để biết số phòng và địa chỉ hầu đi cho khỏi bị lạc. Anh Phát rể của bà nói: “ Anh đến thăm bất thình linh, họ chưa kịp tắm rửa, mùi cứt đái hôi hám lắm ráng mà chịu nghe. Hôm nọ tưởng cha vô sức dầu cho bà cụ, em phải gọi nói bà y tá tắm rửa để phái đoàn vô thăm cho sạch sẽ, vậy anh gọi cho bà Lisa điện thoại (702) 515-6200 “. Chúng tôi làm như anh Phát đề nghị, gọi bà y tá báo là chúng tôi sẽ đến thăm bà Mít khoảng 11:00 AM. Hôm nay.

Bà Mít nằm tại lầu ba phòng 331, một y tá tại đây hướng dẫn chúng tôi đi đến phòng của bà, đi vừa tới lối rẽ ngã ba hướng về phòng bà nằm, chúng tôi bắt gặp ngay bà trên một ghế xe lăn dài với hai bên là hai bà nữa, một người Mỹ, một người Phi. Chúng tôi bước lại chào và hỏi thăm bà, bà thấy chúng tôi lại gần, bà rất vui, cười và hỏi chúng tôi: “ Các ông bà đi bằng máy bay đến hả ? Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau ngạc nhiên! Không ai dám nói gì, một lúc sau bà móc trong túi áo ra một xâu chuỗi tràng hạt và bà tiếp tục nói:” Các ông bà có đạo không ? tôi cho cỗ tràng hạt này! “ . Chúng tôi nói : Thôi, bà cất đi để lần hạt nhen, bà bỏ lại vào túi áo, rồi bà lại lần túi áo móc ra tờ giấy bạc 5 Dollars đưa lên nói: “ Trong này có tiền mà chả ai bán gì để mua !”. Chúng tôi lại nói: Bà cất tiền đi để dành mai mốt họ bán gì thì mua. Bà lại giơ tay chụm năm ngón tay lại ra hiệu nói : “ Ở đây họ cho ăn có một chút xíu à!”.

Hai năm trước đây khi cha Sáng Lập Giuse Nguyễn Đức Trọng còn trông nom Đền Thánh, tôi nhớ một buổi lễ sáng Chúa Nhật 9:30 AM., cha giới thiệu bà tròn 100 tuổi, bà đứng dậy, mọi người vỗ tay chúc mừng thượng thọ bà. Bà có dáng dấp một bà mẹ quê hiền thục, đầu quấn khăn mỏ quạ, răng còn đen huyền vì nhuộm lâu năm vẫn còn in nét lại theo phong tục cổ xưa miền Bắc Việt Nam, thích mặc áo quần màu nâu nhạt, người nhỏ nhắn nhưng đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt ai cũng phải phục, chỉ có cái tội nghếch ngác, nghe không rõ, nên đọc kinh rất lớn tiếng ai đọc sao bà mặc kệ, một mình bà một bè, cứ đọc thật lớn. Sau một lần té ngã, bà ra nông nỗi như thế này, nay phải ngồi xe lăn, ăn uống phải có người đút ăn như em bé, tắm rửa phải có người lo cho, đó là lý do người nhà bất đắc dĩ phải đưa bà vô nursing home.

Nhìn thấy bà thật hồn nhiên như một trẻ thơ, cứ cười và nói những câu nói ngớ ngẩn, không ăn nhập vào đâu cả. Hai người ngồi kế bà Mít thì khuôn mặt đăm chiêu, nhìn dõi xa xa, vẻ tư lự, giống tình trạng bệnh trầm cảm (depression ), chúng tôi hỏi thăm chẳng nói, chào chẳng thưa gửi gì cả. Chúng tôi nhìn nhau nói nhỏ vừa đủ nghe: “ Điểm hẹn “ này rôi ai ai cũng phải bước đến, không trước thì sau. Đến đây, tôi chợt nhớ câu chuyện của một cô bạn đã kể cho tôi nghe cách nay khoảng 3 năm: Cô rất thương mẹ cô, vì chỉ có hai mẹ con dắt dìu nhau qua Mỹ, đi theo diện HO. Cha cô bị chết trong ngục tù Cộng Sản mà người ta gọi với danh từ hoa mỹ: Cải Tạo! Có lẽ những tháng ngày lam lũ, cực khổ nuôi con, thăm nuôi chồng, nên khi qua Mỹ một thời gian sau mẹ cô mắc chứng bệnh Alzheimer facility ( mất trí nhớ ). Bà rất thích nấu ăn, và hay trổ tài nấu ăn ngon cho chồng con thưởng thức, cũng như để biểu lộ sự săn sóc và thương yêu của bà đối với chồng con. Một hôm cô đi làm về, thấy mùi khét và khói xông lên đầy nhà, cô chạy vô bếp thấy một nồi thịt kho cháy khét đang bốc khói nghi ngút, sau khi tắt bếp, cô rảo quanh tìm mẹ cô, thì thấy bà ngồi tỉnh bơ tại phòng khách, đang nhìn chăm chú ra ngoài sân như đang tìm kiếm một vật gì ! tôi hỏi mẹ tôi: Sao mẹ kho thịt để cháy khét hết rồi ? bà như chợt tỉnh cùng tôi đi vội xuống bếp.

Hôm sau tôi đưa bà đi bác sĩ khám bệnh và xin xét nghiệm, họ cho biết bà bị bệnh Alzheimer! Và bác sĩ khuyên không thể để bà ở nhà một mình được, có ngày cháy nhà, phải có người coi giữ. Tôi và chồng tôi bàn tính, không biết làm sao giải quyết, đưa vô nursing home thì không đành vì tôi thương mẹ tôi lắm, mà để ở nhà thì không có người trông nom vì nhà đơn chiếc, lại thêm mấy cháu nhỏ, tôi và nhà tôi phải đi làm. Tôi xin nghỉ mấy ngày để suy nghĩ và cuối cùng chúng tôi đành chọn giải pháp cuối cùng, đưa bà vô nursing home. Ngày đưa bà đến nursing home, bà hỏi tôi:” Con đưa mẹ đi đâu? “ tôi nói dối: “ Dạ con đưa mẹ đi bác sĩ “. Khi đưa bà vô phòng, chúng tôi chuẩn bị quay về, bà nói: “ Sao con không cho mẹ về ? “ tôi trả lời: “ Mẹ ở đây để họ còn khám bệnh thêm cho mẹ !”. Bà níu lấy tay tôi, tôi quay ra phía sau để dấu hàng lệ. tôi thương mẹ tôi quá, nhưng biết làm gì hơn được! Khi ngoắn ngoắt ra về, tôi bàng hoàng, cảnh trí quanh tôi chao đảo, chồng tôi an ủi, giải thích: “ Đâu còn giải pháp nào hơn đâu em? vài ngày sau vô thăm mẹ vào những ngày chúng mình nghỉ vậy!”( no choice ! ).

Đọc bài viết về “Viện Dưỡng Lão “ ( Nursing home ) của bác sĩ Trần Công Bảo là Medical Director “ Giám Đốc Y Tế “ tại Mỹ, ông phân tích các loại nursing home và cho biết: Hiện nay người ta ước lượng trên đất Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 nursing home, riêng tại Nam California có 400 nghìn người Việt sinh sống và có 15 nghìn người đang ở lứa tuổi 65 ăn tiền già hay hưu trí ( retired ), trong số này 1/3 may mắn được ở chung với con cái, số còn lại 2/3 đang ở trong các Nursing home. Các nursing home này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt do Centers for Medicare & Medicaid Services ( CMS ) giám sát. Hàng năm các Nursing Home này phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao ( survey ) của CMS. Nếu Nursing Home nào không đúng tiêu chuẩn, có thể bị đóng cửa ! Nói là nói vậy, họ chỉ chú trọng những ngày kiểm tra, xong rồi đâu lại vào đó. Như vậy hầu hết đến tuổi mà cha cố Giuse Nguyễn Đức Trọng thường nói đùa “ Hội ACCC “ ( Ăn Chơi Chờ Chết ), thì ai cũng chuẩn bị để đi đến một “ Điểm Hẹn “ nào nó thuận lợi và gần nhà. Sở dĩ nói nó thuận lợi là “ vừa với túi tiền chính phủ cấp “ ( Medicare & Medicaid ), gần nhà vì dễ cho con cái, thân nhân muốn đến thăm không phải đi xa, và nhất là điều kiện tối ưu: Sạch sẽ !
Những giai đoạn để bước vào Điểm Hẹn, có ba giai đoạn: (1) Housing, (2) Nursing Home, (3) Hospice. Tôi biết một gia đình ở Việt Nam rất thương yêu nhau, lúc đó ông ta làm ra tiền nhiều, cuộc sống rất phong lưu, sung túc, nhưng qua đây hết thời bay nhảy, làm dealer tại một casino vừa đủ sống, vì lâu lâu ông cũng có máu đỏ đen nên hai ông bà tối ngày xích mích. Ông nhịn hoài, bà làm tới và cuối cùng một ngày đang đứng chia bài ông bị strock và phải chở đi bệnh viện điều trị rồi ông phải nghỉ việc luôn. Nghỉ việc càng là nỗi khổ tâm cho đôi tai của ông phải nghe ra rả cả ngày bà tố khổ ông và cuối cùng ông bỏ tất cả nhà cửa cho bà và đứa con, làm giấy ly dị và xin vô ở housing cho yên thân. Vài năm sau ông lại phát thêm chứng bệnh nhức vai và cột sống, bác sĩ cho thuốc dán, thuốc uống. Một hôm ông bác sĩ đề nghị mổ. Ông chần chừ cả một năm sau mới chấp nhận mổ. Khi mổ xong, ông bị liệt luôn, phải nằm một chỗ, từ ăn uống, đi tiêu, tiểu phải có người giúp, lúc đầu nhờ bạn bè cùng ở xung quanh khu nursing home giúp và bà con góp tiền thuê mướn người đến săn sóc. Sau ngày càng nặng thêm, ông không muốn phiền bà con hay xóm giếng ở cùng housing . Ông chấp nhận vô nursing home. Vô nursing home được 3 tháng ông từ chối vô nước biển, ký giấy chấp nhận không muốn săn sóc thêm và ông đã được chuyển đến Hospice chờ đi đến Điểm Hẹn !

Cuộc sống ở Mỹ nhiều cái khác hẳn với lối sống ở Việt Nam, khi cha hay mẹ còn mạnh khỏe, còn giùp đỡ được con cái như trông nom cháu, đưa đón chúng đi học, nấu cơm cho con cháu ăn, lau dọn nhà cửa hay săn sóc cây cối, vườn tược, tưới cây… thì còn có lợi cho chúng. Tiền bạc có thì đưa nhờ chúng giữ vì ăn tiền già hay hưu trí ( retires ) không dám giữ tiền nhiều. Có khi đưa chúng mà còn là phúc, khi cần không biết có lấy được hay không! Khi cha mẹ không còn làm được gì, mà còn là gánh nặng cho chúng thì, chúng giải quyết bằng cách gửi vô nursing home, ( no choice ). Chúng không có thì giờ và tiền bạc để mà chăm sóc ông bà, rồi lại con cái, rồi sức đâu để đi làm! tuổi già ở Mỹ đành phải chấp nhận vì cuộc sống gia đình nào cũng vậy, tuy nhiên tôi chứng kiến vài trường hợp ngoại lệ:

Tôi có người bạn khá thân, gia đình đông con, lại có các con đi tu làm cha, làm soeur, có lẽ tình thương của họ dành cho ông nhiều nên họ nhất định không chịu đưa ông vô nursing home, để nhà săn sóc. Chỉ khi nào cần cứu cấp thì đưa vô bệnh viện thôi. Các soeur thì xin phép nhà dòng cho về nhà săn sóc bố, còn cha thì ghé thăm lui tới động viên tinh thần ông bố. Khi còn sống ông làm nghề bấm huyệt chữa bệnh, số tiền ông dành dụm cho các con đi học thành cha hay soeur, nay số tiền đó gia đình dùng để săn sóc lại cho ông, ông bị ung thư phổi rất nặng, gia đình mua sâm loại tốt sắc cho ông uống, mua loại yến thứ tốt nấu cho ông ăn. Bác sĩ cho biết bệnh tình ông không qua khỏi trong vòng 6 tháng, nhưng vì tình thương của con cái đã kéo dài tuổi thọ thêm được 7 năm, ông mất đi ở tuổi 72.

Trong một thánh lễ Chúa Nhật, Mùa Chay, cha Quang giảng và tôi còn nhớ rõ, cha nói về nét đặc biệt của loài chim yến: “ Chim yến có những đặc tính ít ai biết tới: Nó luôn luôn bay về hướng Đông là hướng mặt trời mọc, không uống nước tạp nhạp như các loài chim khác, chúng uống nước từ những giọt sương mai tinh khiết, chúng làm tổ cho con bằng nước giãi của chúng, nhiều khi thiếu giãi, nó phải cố gắng nhả ra có lẫn cả máu của yến, chính vì vậy huyết yến rất tốt và rất đắt tiền, hiếm quí, chính vì đặc tính này, yến là lọai thuốc bồi bổ cực mạnh cho người bệnh và suy nhược. Ngài ví loài chim yến hy sinh cho con như tình thương vô bờ bến của Chúa đối với loài người, Chúa hy sinh chịu chết đổ máu vì loài người. Chim yến khi làm tổ cho con cũng đổ biết bao máu đào cho con chúng được có cái tổ ấm êm để sống, tuy nhiên loài người đã ma mãnh chiếm lấy mất tổ của yến con“.

Chính vì mãnh lực của tình thương các con cái dồn cho cha mà kéo dài cuộc sống của ông bạn tôi thêm được 7 năm! hơn nữa cuộc sống tu trì, Lời Chúa luôn văng vẳng bên tai các vị như một câu trong sách Huấn Ca: “ Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, “ Để nhờ người mà con được chúc phúc !” Hoặc ý niệm công sinh thành dưỡng dục bao la của cha mẹ như câu: “ Biển cả mênh mông đong đầy sao tình mẹ, “ “ Gió trời lồng lộng sao ngăn nổi công cha. “
Chính vì người ta không ý thức được cuộc sống thế gian là mỏng dòn, hợp tan, tan hợp, mau qua, chỉ là tạm bợ nên nhiều cảnh gia đình có những chuyện xẩy ra rất thương tâm mà tôi chứng kiến rất nhiều như : Bà ăn tiền già dành dụm mua được căn nhà, nhờ cháu đứng tên dùm, sau nó lấy chồng, chồng là người Mỹ, hai vợ chồng bàn mưu kế dựt luôn căn nhà và đuổi bà đi chỗ khác ở ! hoặc một gia đình khác cha vừa nằm xuống, con cái tra xét hỏi mẹ và bắt mẹ phải chia gia tài do cha chúng để lại cho chúng, bà mẹ buồn, bỏ nhà đi nơi khác sống. Sáng Chúa Nhật vừa qua trong bài giảng tại Đền Thánh, cha Hòa nhân ngày Hiền Mẫu, ngài kể câu chuyện có thật, và câu chuyện của ngài cũng xẩy ra rất nhiều ở nước Mỹ này cũng như khắp nơi: “ Bà mẹ ăn tiền già, không thể giữ tiền nhiều trong ngân hàng nên gửi cô con gái giữ dùm, dần dà cô gái và chàng rể lấy ra sài hết, khi bà cần đến chúng nói một cách không có tình nghĩa gì cả: “ tiền má gửi con trừ vào tiền nhà má ở với con hết rồi ! “. Bà đã phải tìm cách xin housing để ở ! Ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ thời đại nào cũng có những đứa con rất hiếu thảo và cũng có những đứa con thật bất hiếu nhiều khi đến tàn nhẫn ! Nếu chúng ta may mắn gặp được con cái có hiếu thảo, lo lắng cho chúng ta, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa, ngược lại chúng ta bất hạnh gặp con cái bất hiếu, không ra gì, đối xử tệ bạc với chúng ta, âu cũng có lẽ là tại cái nghiệp của chúng ta, theo luật nhân quả, gieo gió gặp bão, gieo nhân thiện hảo gặp được phúc trường sinh là như vậy, tùy thuộc vào hành vi báo hiếu của mỗi người đối với đấng sinh thành dưỡng dục, để lại được đáp trả từ con cháu.

Trong một Nursing home, trên bức tường có một bài thơ viết nguệch ngoạc do một cụ bà tuổi 80, tay đã run run cảm kích khi viết lên: “ Con ơi ! bây giờ mẹ đi chân không vững, nhắc không nổi bước, “
“ Mẹ xin con nắm tay mẹ, “
“ Dìu mẹ chậm thôi, “
“ Như năm xưa đó, …”
“ Mẹ dìu con đi những bước đầu đời ! “

Một trường hợp ngoại lệ khác không chịu ở nursing home hay hospice, tôi biết một anh bạn 71 tuổi, bị ung thư phổi thời kỳ thứ 3, bác sĩ cho biết anh chỉ sống được 3 tuần lễ và bệnh viện bó tay chuyển đến nursing home, nhưng anh cương quyết không vô, anh nhất định nằm nhà, ấy vậy chỗ nursing home cũng cử y tá đến tuần 2 lần tắm rửa, thay tã, họ cũng rất lịch sự chở đến một cái gường, loại giường chỉ có trong bệnh viện, điều chỉnh lên xuống cho bệnh nhân nằm. Cũng may anh có một người bạn tốt bụng ở lại săn sóc dùm anh và cô con gái từ Hawai qua giúp anh và người bạn gái đã engage đến giúp anh sống kéo dài cũng được hơn một tháng.

Một trường hợp nữa, có một ông cụ lớn tuổi, trên 86, rất thương vợ, bằng lòng để vợ ở nhà để tự săn sóc cho vợ, nhất định không đưa vô nursing home. Một hôm tôi và vài người cùng đi với cha Quang vô sức dầu cho bà vì bác sĩ nói bà chỉ sống được 2 giờ nữa thôi. Chúng tôi thấy ông khóc và kể lể: “ Tôi và bà đã chung sống với nhau trên 62 năm, tôi thương bà lắm, tôi hy sinh cả đêm không ngủ để lo cho bà, sao bà nỡ lòng nào bỏ tôi ra đi…”. Thật hiếm có trên đời một cụ lão ông 86 tuổi, còn khỏe mạnh nhờ tập Tài- Chi, một tuần chở bà đi lọc thận 3 lần, đêm khuya bà lên cơn đau bất thình lình, ông thức với bà cả đêm. Thấy lòng thành của ông, Chúa và Mẹ La Vang đã cho bà tỉnh lại sau khi cha Quang sức dầu kẻ liệt. Ông lại nhất quyết đòi đem bà về nhà nữa ! Ôi tình yêu tuyệt vời của hai ông bà cụ một 86, một 79 ! Tuy nhiên sức người có hạn, ông chịu đựng được vài tháng, kiệt sức, con cái lơi là bỏ mặc mình ông vì chúng phải bận rộn với công việc làm ăn, ông đành phải tìm một nursing home gần nhà để đưa bà vô vì không thể bế ẵm hay thay tả nổi cho bà, nhưng hằng ngày mỗi buổi chiều ông vẫn lái xe vào thăm bà. Thật là một mối tình… love story thời đại! không kém gì truyện tình Romeo và Juliette xa xưa.

Trên đường về nhà sau khi ghé nursing home thăm mấy người bệnh trong Hội Hồn Nhỏ, nhìn họ tôi cảm thấy thật ngậm ngùi thương họ và thương cả chúng tôi vì ai nấy cũng xồn xồn ở lứa tuổi trên ngũ tuần, thất tuần hết rồi, nghĩ đến thân phận mình và những người lớn tuổi ở đây dần dần ai cũng phải chấp nhận bước đến Điểm Hẹn , “ thân già mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu! “ vì sống ở nhà, con cái chúng phải đi làm hết , trẻ thì đi học đâu có ai săn sóc trông coi cho người già với những bệnh tật và lú lẫn xâm nhập hoặc không thể tự lo cho mình? Khi còn khỏe mạnh giúp chúng như nấu ăn, đưa đón cháu đi học, lau dọn nhà cửa, tưới cây, săn sóc cây cối quanh nhà… nay thì không giúp ích được gì, lại còn báo hại và nếu thuê mướn người đến săn sóc thì rất tốn kém chúng không kham nổi, chỉ có gia đình khá giả mới chịu đựng nổi, cho nên chỉ còn một con đường duy nhất , chỉ Một Lối Đi, Một Con Đường ( như bài giảng cho hai đám tang của cha Quang ) cho những người già sống trên đất Mỹ phải tuân thủ đó là từng bước từng bước thầm bước tới… Housing, Nursing home, rồi Hospice là cửa ngõ để ra nghĩa địa hay thành than để về với cát bụi. Cầu xin cho những bậc lão niên được đi thanh thản như câu hát : “ Khi Chúa thương gọi tôi về…Chúa dẫn đưa về như dòng nước xuôi miền nam! “ ( Bài Ngày Về của nhạc sĩ Kim Long ). Xin Chúa cho những người tuổi già khi bước đến Điểm Hẹn được đi trong an bình thanh thản./.
Las Vegas Tháng Năm /2013
Tháng Hoa Kính Mẹ Maria