Ngày 16.1.2009 đài BBC và đài RFA đã đưa hai bản tin gây khá nhiều hoang mang trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Bản tin của đài BBC đặt câu hỏi “VN có thể thu 10% VAT tiền ngoại hối”. Bản tin của đài RFA cũng đưa ra nghi vấn tương tự: “Gởi Tiền Về Việt Nam Bị Đánh Thuế 10%?”. Nhiều báo, websites, đài phát thanh và đài truyền hình Việt ngữ đã phổ biến hai bản tin này.

Chúng ta cần đọc lại kỹ hai bản tin nói trên để đoán xem chuyện gì đã xẩy ra. Thuế VAT hay Thuế TVA hay Thuế Giá Trị Gia Tăng là thuế gì? Có thể dùng loại thuế này để đánh trên các số tiền Việt kiều gởi về cho các thân nhân và các tổ chức bất vụ lợi ở Việt Nam hay không? Nếu nhà cầm quyền cương quyết đánh thuế, hậu quả sẽ như thế nào?

BẢN TIN CỦA ĐÀI BBC

Đài BBC có ghi rõ rằng bản tin này do “Vũ Quí Hạo Nhiên viết riêng cho BBC từ Little Saigon, California”. Sau đây là nguyên văn của bản tin:

Một số doanh nghiệp cho biết Hải quan Việt Nam trong ngày 16/01 bắt đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT 10% đối với kiều hối ngoại tệ gởi về.

Theo đó, cứ 100 USD Việt kiều gởi về, thân nhân bị đánh thuế 10 USD và chỉ nhận được 90 USD nếu nhận bằng ngoại tệ (đô la hoặc euro).

Một ngân hàng tại Việt Nam khi đi lãnh tiền mặt bằng ngoại tệ để phân phát cho khách hàng đã bị ép phải ký giấy nợ 10% thuế.

Nhân viên ngân hàng Đông Á, với văn phòng chính tại quận Phú Nhuận, TPHCM, cho biết Hải quan từ chối xuất ngoại tệ và đặt điều kiện ngân hàng phải “ký vào tờ giấy nợ 10%.”

Thông tư 131

Người này yêu cầu giấu tên và kể lại rằng nhân viên Hải quan cũng nói “đây là luật mới”.

Số tiền thuế 10% được dựa trên Thông tư số 131/2008/TT-BTC của Bộ Tài chánh, mang tên “Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng.”

“Thông tư này ấn định suất thuế VAT trên “giấy bạc (tiền giấy), được đấu thầu hợp pháp” là 10%, và đã được Hải quan áp dụng cho kiều hối gởi về.

Tại các nước khác, việc chuyển tiền không bị thuế giá trị gia tăng vì giá trị không gia tăng trong công đoạn gởi tiền.

Ước tính năm ngoái Việt kiều gửi về nước khoảng 8 tỷ USD

Ngược lại, với hạng mục thuế VAT mà hải quan Việt Nam áp dụng, tại các nước khác hạng mục này chỉ áp dụng cho giá trị của hợp đồng in tiền.

Giải nghĩa văn bản

Phản ứng với số tiền thuế bất ngờ và khổng lồ này, ngân hàng Đông Á đã gởi văn thư đến các đối tác chuyển tiền tại ngoại quốc, trong đó có nhiều công ty chuyển tiền tại Mỹ, và cho biết nếu không giải quyết được vấn đề này trước ngày 17/01, từ ngày đó trở đi ngân hàng Đông Á sẽ chuyển ngân bằng tiền Đồng Việt Nam thay vì bằng ngoại tệ.

Một trong những đối tác của ngân hàng Đông Á tại California là ông Phú Nguyễn từ công ty Hoa Phát cho biết:

“Chi phí gởi tiền ở California thường là 1% tới 3%. Nếu vẫn giữ thuế suất 10% này,” ông Phú nói, “chi phí gởi tiền sẽ tăng vụt lên 11% hay 13%, một mức gia tăng gấp mười lần, không khách nào chịu nổi.”

Số thuế 10% ngoại hối đến vào một thời điểm bất tiện cho người Việt tại hải ngoại.

Ngân hàng Đông Á: Từ 17/01 sẽ chuyển đổi và giao bằng tiền đồng theo tỷ giá hàng ngày.

Mùa Tết là lúc người ta gởi tiền về nhiều nhất cho thân nhân; theo ước tính, gần 30% số tiền gởi về Việt Nam là gởi vào dịp Tết Nguyên Đán.

Ông Long Nguyễn, sống ở Westminster, California là người thường xuyên gởi tiền về Việt Nam cho gia đình và ngạc nhiên với quyết định của Hải quan Việt Nam:

“Người ta gởi tiền về thì Việt Nam có lợi chứ sao lại ngăn.”

Ông tỏ ra không thích giải pháp nhận tiền Đồng Việt Nam và cho hay “nếu đường chuyển tiền chính thức không được nhận đô-la nữa, tôi sẽ phải gởi qua đường chui. Sẽ là dịp làm ăn cho giới gởi tiền chợ đen.”

Theo trang web bộ ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết năm 2008 lượng kiều hối gửi về nước ước đạt 8 tỷ USD. (Hết trích dẫn)

2.- BẢN TIN CỦA ĐÀI RFA

Dưới đầu đề “Gởi Tiền Về Việt Nam Bị Đánh Thuế 10%?”, phóng viên Thiện Giao của đài RFA đã ghi nhận như sau:

Một văn thư của Ngân Hàng Đông Á tại Việt Nam gởi cho các công ty chuyển tiền ở nước ngoài cho biết Hải Quan Việt Nam sẽ đánh thuế 10% lên ngoại tệ gởi về Việt Nam kể từ ngày 17 tháng Giêng.

Điều này liệu có phù hợp với tinh thần một công văn mà Bộ Tài Chánh Việt Nam ban hành cuối năm 2008 hay không?

Ông Nguyễn Trọng Phú, đại diện công ty Hoa Phát chuyển tiền về Việt Nam, có văn phòng tại miền Nam California, cho biết, hiện phía Việt Nam chưa có quyết định dứt khoát về điều này. Nhưng, cũng theo lời ông Phú, một bức thư từ ngân hàng Đông Á gởi cho các công ty chuyển tiền ở nước ngoài ngày 15 tháng Giêng cho thấy bắt đầu từ ngày 17 tháng Giêng, tiền mà người Việt ở nước ngoài gởi về cho thân nhân tại Việt Nam sẽ bị đánh thuế 10%.

Luật thuế 10% trên kiều hối sẽ gây rối loạn

“Sáng hôm nay, chúng tôi nhận được thư của ngân hàng Đông Á. Văn thư có nói, bắt đầu từ ngày 17 tháng Giêng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và Bộ Tài Chánh sẽ đánh thuế 10% số tiền gởi về trong nước.

Tuy nhiên, qua xác định với Văn Phòng Quản Lý Kiều Hối, thì văn phòng này nói thông tin ấy có thể không chính xác và họ sẽ có cuộc họp ngay trong ngày hôm nay để làm sáng tỏ việc này. Ngay bây giờ thì chúng tôi cũng không biết điều này có đúng hay không? Chúng tôi đang chờ đợi.”

Bức thư của ngân hàng Đông Á, có số hiệu 29, gởi đi ngày 15 tháng Giêng với chữ ký của ông Phó Tổng Giám Đốc Lê Trí Thông.

Bức thư được gởi cho các công ty chuyển tiền ở nước ngoài, có đoạn viết rằng “chiếu theo thông tư 131/2008/TT-BTC ban hành ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài Chánh, Hải Quan Việt Nam sẽ đánh thuế giá trị gia tăng 10% lên tiền nước ngoài nhập vào Việt Nam.”

Ông Nguyễn Trọng Phú cũng xác định thêm rằng Hải Quan đã bắt đầu đánh thuế từ ngày 14 tháng Giêng, khi nhân viên ngân hàng Đông Á đến Hải Quan nhận tiền được chuyển vào trong nước.

“Ngân Hàng Đông Á vào ngày hôm qua đến Hải Quan nhận số tiền được gởi vào trong nước, thì Hải Quan nói Ngân Hàng Đông Á phải đóng 10% thuế. Phía Đông Á không chịu. Phía Hải Quan yêu cầu ký tờ nợ, phía Đông Á không chịu.

“Sau đó thì các công ty chuyển tiền ở nước ngoài nhận được thư của Đông Á, nói rằng tiền gởi về trong nước có thể bị đóng 10% thuế.”

Thông Tư của Bộ Tài Chánh có nội dung căn cứ trên Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng ban hành tháng 6 năm 2008 cùng với Nghị Định do chính phủ Việt Nam ban hành tháng 12 năm ngoái.

Trong số hàng mấy trăm loại hàng hóa được liệt kê chi tiết trong thông tư của Bộ Tài Chánh, thì mặt hàng được mô tả là “Giấy Bạc (tiền giấy), được đấu thầu hợp pháp” sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng 10%.

Một luật sư Việt Nam nói rằng, đánh thuế giá trị gia tăng lên tiền của người Việt ở nước ngoài gởi về trong nước sai ở hai phương diện. Thứ nhất là loại thuế được áp dụng, và thứ hai là khái niệm “giá trị gia tăng” của ngoại hối, hay nói chung là của tiền.

Trong số hàng mấy trăm loại hàng hóa được liệt kê chi tiết trong thông tư của Bộ Tài Chánh, thì mặt hàng được mô tả là “Giấy Bạc (tiền giấy), được đấu thầu hợp pháp” sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng 10%.

“Tiền mà người trong nước là thu nhập đột xuất. Luật thuế thu nhập có đề cập điều này. Nhưng thu nhập đột xuất cũng có định mức, từ bao nhiêu trở lên mới thu thuế, và dựa trên đó áp dụng thuế xuất.”

Luật sư này cũng nhận định, rằng áp dụng thuế thu nhập lên thu nhập loại này có thể hợp lý hơn là thuế giá trị gia tăng.

“Khoản tiền mà người nước ngoài chuyển cho thân nhân trong nước mang tính chất quà tặng. Nếu là quà tặng thì không có tính lưu thông. Quà tặng là thu nhập bất ngờ, ngoài thu nhập cố định. Áp dụng thuế thu nhập cá nhân lên thu nhập bất ngờ sẽ hợp lý hơn là thuế giá trị gia tăng.”

Văn thư của Ngân Hàng Đông Á gởi các công ty chuyển tiền ở nước ngoài có đoạn, là “chính sách thuế mới này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp chuyển tiền.” Ngân hàng này đưa ra giải pháp trong công văn. Thứ nhất, họ sẽ tiếp tục trao ngoại tệ cho khách hàng Việt Nam cho đến ngày 16 tháng Giêng. Nhưng đúng vào ngày 17, ngày có hiệu lực của Thông Tư Bộ Tài Chánh, thì Ngân Hàng Đông Á sẽ trả bằng tiền đồng dựa theo tỷ giá hối đoái hàng ngày của họ.

Thông tư được đề cập, theo nguyên bản, đáng lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng vừa rồi.

Khuyến khích việc chuyên ngân lậu

Ông Nguyễn Trọng Phú, đại diện Hoa Phát, hay còn gọi là Saigon Central Post, với 30 chi nhánh trên khắp nước Mỹ, nhận định rằng luật thuế 10% trên kiều hối sẽ gây rối loạn nhiều cộng đồng ở nước ngoài và cả trong nước, nhất là vào thời điểm Tết đang đến.

Ông Phú đưa ra một so sánh, và nhận định rằng luật thuế 10% là vô lý: “Hiện văn phòng tính phí khách hàng chỉ 1 hay 2% thôi. Mà trong nước thì tính thuế đến 10%.”

Một số người thường gởi tiền về cho thân nhân trong nước nhận định rằng luật thuế mới đánh trên kiều hối sẽ kích thích tình trạng chuyển ngân lậu, làm khó thêm khả năng kiểm soát ngoại tệ của chính phủ, làm giảm số tiền gởi về trong nước, và qua đó làm giảm nguồn thu ngân sách của chính phủ Việt Nam.

Nguồn kiều hối gởi về Việt Nam tăng mạnh liên tục và đạt đến hơn 8 tỷ Mỹ kim trong năm 2008. Trong số này, một tỷ lệ không nhỏ đến từ người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Theo nhận định của một luật sư, thì luật thuế giá trị gia tăng trên kiều hối sẽ đặt ra rất nhiều thắc mắc. Chẳng hạn, liệu tiền đồng Việt Nam có giá trị gia tăng hay không? Tiền tệ nói chung, trong vòng luân chuyển của kinh tế, có sự gia tăng giá trị hay không? Liệu việc áp dụng luật này có nhầm lẫn giữa chi phí làm ra tiền tệ và giá trị mà các Ngân Hàng Trung Ương gán cho tiền tệ hay không?

Tuy nhiên, điều trước mắt, là nếu lượng kiều hối 8 tỷ Mỹ kim, với thuế suất 10%, hàng năm chính phủ Việt Nam sẽ thu được 800 triệu đô la

Và hiển nhiên, điều này chỉ đúng khi người gởi tiền không tìm cách khác để chuyển tiền về Việt Nam! (Hết trích dẩn)

CHỈ THỊ THI HÀNH

Bản tin của đài BBC cũng như RFA đều nói rằng số tiền thuế 10% được thâu dựa trên Thông Tư số 131/2008/TT-BTC của Bộ Tài Chánh, mang tên “Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng.”

Thật ra, đây là Thông Tư của Bộ Tài Chánh ban hành ngày 26.12.2008 có tên là “Thông tư số 131/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ Tài Chính ban hành.”

Chúng tôi chưa tìm ra toàn văn của thông tư nầy để biết chắc trong danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu có ghi số tiền do Việt kiều hải ngoại gởi về hay không. Chúng tôi chỉ đọc được bản tóm lược của thông tư này ở trên báo hanoimoi.com ngày 19.12.2008, dưới đầu đề “Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng”. Chúng tôi đăng lại để độc giả theo dõi:

Ngày 08/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế.

Về thời điểm xác định thuế GTGT: đối với hàng hóa, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua; đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Hàng hóa, dịch vụ (HHDV) sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ; nếu sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ. Trường hợp HHDV sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của HHDV sử dụng cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ, nếu không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ % giữa doanh số chịu thuế so với tổng doanh số HHDV bán ra…

Về hoàn thuế GTGT, cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT nếu trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết. Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, chủ dự án hoặc nhà thầu chính thức, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với HHDV mua ở Việt Nam để sử dụng cho dự án…

Ngoài ra, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về đối tượng không chịu thuế như: đối với kinh doanh chứng khoán bao gồm các hoạt động môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Bảo hiểm nhân thọ bao gồm cả bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tai nạn con người trong gói bảo hiểm nhân thọ…

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2009. (Hết trích dẫn)

THUẾ GTGT LÀ THUẾ GÌ?

Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT) tiếng Pháp gọi là “Taxe sur la Valeur Ajoutée” viết tắt là TVA, còn tiếng Anh gọi là “Value Added Tax” viết tắt là VAT. Dưới thời VNCH, thuế này được gọi là Thuế Trị Giá Gia Tăng, nay nhà cầm quyền Việt Nam đổi lại thành Thuế Giá Trị Gia Tăng.

Thuế GTGT là một loại thuế thương vụ được coi là tân tiến nhất, vì người thọ thuế không bị đánh thuế hai hay ba lần như thuế Sale Tax của Mỹ. Thuế Giá Trị Gia Tăng được áp dụng đầu tiên tại Pháp từ năm 1954 do sáng kiến của Thanh Tra Tài Chánh Pháp Maurice Lauré để thay thế các sắc thuế tiêu thụ (impôts sur la consommation). Sau đó thuế này được dần dần áp dụng cho các nước trong Liên Hiệp Pháp và ngày nay tại Âu Châu.

Chúng tôi xin đưa một thí dụ rất giản dị để giúp độc giả hiểu thế nào là thuế GTGT và có thể đánh thuế GTGT trên số tiền Việt kiều gởi về cho gia đình không:

Một hảng sản xuất giường nệm bán ra cho người bán lẻ mỗi cái là 1.500 USD. Người bán lẻ sẽ chịu thuế (chẳng hạn 10%) trên giá hàng mua và nộp thuế 150 USD. Người bán lẽ bán lại cho khách hàng mỗi cái 2.000 USD. Theo nguyên tắc người mua giường phải trả thuế 200 USD, nhưng vì người bán lẻ đả trả 150 USD rồi, nên người mua hàng chỉ phải trả thêm 50 USD mà thôi. Khoảng cách giữa giá hàng bán sĩ và giá hàng bán lẻ là 500 USD. Số tiền 500 USD này được gọi là “Giá trị gia tăng” “Valeur Ajoutée” hay “Value added” và thuế đã đánh trên giá trị gia tăng này.

Năm 1974, chính phủ VNCH đã thử đem áp dụng loại Thuế GTGT tại miên Nam để thay thế thuế gián thâu, nhưng không thành công, vì chưa tổ chức được các cơ cấu căn bản. Năm 1997, nhà cầm quyền CSVN cho đem áp dụng tại Việt Nam.

Ngày 10.5.1997 Quốc Hội CSVN ban hành Luật số 2/1997/QH9 quy định Thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT). Điều 1 của luật này định nghĩa Thuế GTGT như sau:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Ngày 3.6.2008, Quốc Hội lại ban hành Luật số 13/2008/QH12 hủy bỏ các luật về Thuế GTGT cũ và ấn định Thuế GTGT mới. Nhưng điều 2 của luật mới này cũng định nghĩa Thuế GTGT như luật cũ năm 1997.

Nói tóm lại, theo luật cũ hay luật mới của Việt Nam, Thuế GTGT ở Việt Nam từ 1997 đến nay được đánh “trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG

Khi cho áp dụng Thuế GTGT trên các số tiền biếu tặng do các Việt kiều gởi về, nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm hai sai lầm nghiêm trọng:

1.- Sai lầm về việc áp dụng luật pháp

Điều chắc chắn số tiền Việt kiều gởi về tặng cho thân nhân hay các tổ chức bất vụ lợi không phải là “giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng” như luật đã định nghĩa, nên không thể đánh Thuế GTGT được.

Như chúng tôi đã nói ở trên, Thuế TGGT đã được áp dụng tại Pháp từ năm 1954, sau đó lan ra các nước trong Liên Hiệp Pháp rồi đến các nước Âu Châu. Từ đó đến nay, không nước nào áp dụng Thuế GTGT trên số tiền biều tặng này.

Luật Thuế GTGT được áp dụng tại Việt Nam từ 1997 và nhà cầm quyền đã không áp dụng thuế này trên các số tiền biếu tặng do Việt kiều gởi về, tại sao kể từ 1.1.2009 nhà cầm quyền lại cho áp dụng, mặc dầu định nghĩa của luật không thay đổi? Phải chăng nhà cầm quyền đã giải thích luật tùy tiện?

Có thể kể từ nay nhà cầm quyền muốn đánh thuế trên các dịch vụ chuyển tiền. Nếu thế thì nhà cầm quyền chỉ có thể thâu Thuế GTGT trên các số tiền mà các cơ quan cung cấp dịch vụ đã hưởng (như 0,5%, 1%, 2% hay 3% chẳng hạn) chứ không thể đánh trên tổng số tiền Việt kiều đã biếu tặng được.

2.- Sai lầm về chính sách

Trong những năm qua, nhà cầm quyền đã cho hợp thức hoá việc chuyển số ngoại tệ của Việt kiều từ hải ngoại gởi về là để số ngoại tệ này không bị thất thoát.

Mặc dầu dịch vụ chuyển tiền chính thức đã hoạt động, nhưng các dịch vụ chuyển tiền chui vẫn còn tồn tại vì các lý do sau đây: (1) Không muốn cho chính quyền biết người gởi cũng như người nhận số tiền đã gởi. (2) Khi cần chuyển một số tiền lớn. Luật Hoa Kỳ bắt buộc mỗi khi chuyển ra ngoại quốc một số tiền từ 3.000 USD trở lên đều phải trình báo, nên nhiều Việt kiều đã phải chia số tiền gởi ra nhiều lần để gởi, hoặc gởi chui.

Dịch vụ gởi tiền chui cũng an toàn không kém gì dịch vụ chuyển tiền chính thức. Với những tổ chức gởi tiền và nhận tiền có uy tín, những người làm dịch vụ chuyển tiền chui sẵn sàng đưa tiền trước ở Việt Nam và sau khi có biên nhận, mới nhận tiền của người gởi ở hải ngoại.

Với những đường dây chuyển tiền chui có hệ thống và có uy tín như vậy, khi chính quyền đánh thuế 10% trên số tiền chuyển về, đa số Việt kiều sẽ gởi tiền qua hệ thống chui để khỏi phải đóng thuế, lúc đó chính quyền sẽ bị mất một số ngoại tệ đáng kể. Nếu so sánh sự mất mát này với số thuế thu được, phần thiệt hại chắc chắn sẽ về phía chính quyền.

Chúng ta đang chờ đợi chính quyền có văn kiện chính thức về vấn đề này.