Ngày 24-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngôi Lời tỏ tình yêu Thiên Chúa
Pm. Cao Huy Hoàng
10:27 24/04/2008
NGÔI LỜI TỎ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh (Ga 14,15-21)

Chung quanh chúng ta và ngay trong chúng ta, còn có rất nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhưng họ tin có Tình Yêu. Họ cũng đang yêu, đang khát khao được yêu. Họ đang sống nhờ tình yêu vợ chồng, cha mẹ, anh em, bạn hữu, và cả tình yêu tha nhân cộng đồng. Họ không thể thiếu tình yêu, nhưng họ chưa nhận ra Thiên Chúa vì họ vẫn cho rằng tình yêu trong mỗi con người là một khả năng tự nhiên, một nhu cầu tự nhiên. Họ không hiểu được cội nguồn siêu nhiên của tình yêu là Thiên Chúa, và có thể, họ đã thể hiện cách yêu tự nhiên ở một cấp độ dưới bản tính con người.

Kitô hữu công giáo được Chúa Giêsu mạc khải cho biết cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa và thật là diemx phúc khi được tuyên tín mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của các mầu nhiệm khác. Lý trí con người không thể hiểu thấu mầu nhiệm, vì mầu nhiệm chỉ được hiểu thấu khi con người chấp nhận để chính mình tan hòa trong mầu nhiệm ấy: Hòa Tan Trong Tình Yêu Ba Ngôi.

Bài tin mừng hôm nay-trong diễn từ từ biệt của Chúa Giêsu, trước lúc vào cuộc thương khó- được Mẹ Giáo Hội đưa vào tin mừng phụng vụ chuẩn bị cho việc Chúa Giêsu về trời, cho thấy sự viên mãn của tình yêu Ba Ngôi đến mức tuyệt hảo. Nội dung bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra cho các tông đồ lời mời gọi tan hòa vào mầu nhiệm Ba Ngôi hơn là giải thích để hiểu được mầu nhiệm ấy. Đời sống và bản chất nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu ân cần bày tỏ trong lúc chuẩn bị rời bỏ các tông đồ, để các ông được tháp nhập vào mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,15-16). Lời tình tha thiết Chúa Giêsu muốn dặn dò các tông đồ là yêu mến và tuân giữ giới răn Người, để được Chúa Cha yêu thương và ban cho Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Lời Chúa Kitô tồn tại trong thế gian, và trong mỗi tâm hồn; sẽ làm cho Lời Chúa Kitô trở nên nguồn sống dồi dào và sống động cho giáo hội và cách riêng cho mỗi tâm hồn sẵn sàng đón nhận Ngài như Đấng Bảo Trợ cho ơn cứu rỗi của mình; sẽ làm cho chúng ta khi đón nhận Ngài, trở nên can đảm sống Lời Chúa Kitô và hiên ngang làm chứng cho Thiên Chúa. Vì “Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”(Ga 14,17). Ôi! Còn hạnh phúc nào bằng khi được sống trong tình yêu vô biên của Ba Ngôi Thiên Chúa: yêu như Chúa Giêsu yêu, dưới ánh sáng của Thánh Thần, để dìm mình trong tình yêu Thiên Chúa Cha. Còn hạnh phúc nào bằng khi tình yêu của Chúa Giêsu vẫn luôn liên tục, không gián đoạn, mà còn dồi dào hơn và kéo dài cho đến ngày Người lại đến: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy"(Ga 14,20-21).

Tình yêu của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa thật tha thiết và Ngài tỏ bày tình yêu ấy cách trọn vẹn chu đáo cho các tông đồ, cùng là cho mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi người được mời gọi tháp nhập vào mầu nhiệm Thiên Chúa qua việc Yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người.

Nếu yêu mến Chúa Giêsu mà không tuân giữ điều răn của Người, thì không thể đón nhận thần khí, càng không thể đi vào huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người là yêu như Người đã yêu: Yêu thương người khác để người khác được sống và được sống lại

Nếu tình yêu của chúng ta là động lực để người khác sống được chỉ ở đời nầy mà thôi, thì ấy chưa phải là tình yêu của Chúa Giêsu. Việc bác ái đối với tha nhân nếu chỉ dừng lại ở việc xây cái nhà tình nghĩa, giúp đồng vốn vượt khó, giúp xóa nợ lâu năm… thì có thể nói, cũng chưa phải là việc bác ái Kitô giáo đúng nghĩa. Tình yêu Chúa Giêsu đòi hỏi vượt xa hơn thế nữa: yêu người để người được sống và được phục sinh. Vì thế, làm cho người khác có một cuộc sống mới, cuộc sống bình an thánh thiện, cuộc sống phục sinh ngay ở đời nầy là tiêu chuẩn của tình yêu và việc bác ái mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện. Rất tiếc, ở những đất nước đang sống trong một nền giáo dục không Thiên Chúa, con người cũng có tình yêu, tình yêu cũng được giáo dục, nhưng là loại tình yêu tự nhiên dừng lại ở những gì cho nhau ở đời nầy, và hầu như không màng đến cái chung cuộc ở đời sau. Thế hệ trẻ được giáo dục yêu nhau như người lớn đã yêu, và đã chết, không cần biết đi về đâu, miễn là đã yêu và đã sống trong cuộc đời nầy thoải mái. Tình yêu ấy, cách yêu ấy không phải là cách yêu của Chúa Giêsu, vì không bắt nguồn từ Thiên Chúa và càng không thể nào dẫn đến sự tan hòa trong cội nguồn tình yêu là ba ngôi Thiên Chúa để tình yêu ấy sống, và sống mãi muôn đời.

Để gia đình được sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, vợ chồng không chỉ yêu thương tôn trọng chung thủy và lo lắng cho nhau sống hạnh phúc đời nầy; cha mẹ không chỉ hy sinh lo cho con cái có cái ăn, cái mặc, cái chữ…mà còn lo cả nhà sum họp trên nước trời, về với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Yêu như Chúa Giêsu là làm cho người khác sống và sống lại. Giữa xã hội tôn thờ vật chất ngày nay, đây là một thách thức không nhỏ. Giữa nền giáo dục loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng trí con người, đây là một thách thức không nhỏ. Nhận định của ban giáo lý GP. Qui nhơn: “Không còn trường Công Giáo. Xuất thân từ trường nhà nước, các bạn trẻ từ 40 tuổi trở xuống đã được trang bị những cái nhìn về Thiên Chúa, về con người, về vũ trụ, về lịch sử, về xã hội và về cuộc sống rất khác với cái nhìn Kitô giáo” làm cho những người làm cha mẹ phải nghĩ đến vế thứ hai của tình yêu Chúa Giêsu “yêu làm cho người khác phục sinh”. Người khác ấy chính là người bạn đời, con cái mình, trước tiên. Không chỉ người trẻ, mà có cả người lớn, cũng cần nhìn lại thực trạng đau lòng nầy: người ta cũng đang yêu, nhưng là tình yêu đưa nhau vào hố thẳm của tội lỗi, của sự chết ngàn thu; nhưng là tình yêu vun quén cho chính mình, cho tập đoàn mình, cho những người đồng tình, đồng phe, đồng đảng với mình những mối lợi mối mọt có thể gặm nhấm, những kho tàng không có sức phục sinh; nhưng là tình yêu thỏa mãn những thú tính…. Tình yêu phải là hoa quả của việc kết hiệp bản thân với Thiên Chúa, tiến đến việc giúp nhau nên thánh thiện nhờ việc tuân giữ toàn bộ Lời Chúa Giêsu trong tin mừng, để được chiếm hữu tình yêu ba ngôi Thiên Chúa, để được sum họp với nhau một nhà ở đời sau, ấy mới là tình yêu của một nền giáo dục Kitô Giáo, tình yêu mà Chúa Giêsu tha thiết dặn dò trên trang Tin Mừng hôm nay.

Trở lại với trào lưu có tình yêu mà không tin có Thiên Chúa, và qua những suy tư trên đây, chúng ta có thể thấy được một âm mưu của thế lực chống lại Thiên Chúa dùng chính tình yêu làm nhản hiệu cho một công cuộc thoái hóa, hoặc chống lại tình yêu đích thực. Sự rạn nứt nội tại nơi tâm hồn các tín hữu bắt nguồn từ tình yêu dành cho thế gian, vật chất nhiều hơn dành cho Thiên Chúa và dần dần lề luật của Thiên Chúa, lời dạy của Tin Mừng, bóng dáng của Thiên Chúa cũng mờ dần trong tâm trí họ-mờ dần rồi biến mất lúc nào không hay biết.

Vì thế, việc chân thành khao khát sống kết hiệp với Chúa Giêsu, giữ Lời Chúa dạy trong Tin Mừng làm mực thước, rước lấy Thánh Thể Chúa làm sức sống thiêng liêng mới là bảo đảm cho phần rỗi chúng ta và bảo đảm cho việc thực hiện các điều răn Chúa dạy, nhất là đức ái. Nói một cách khác, trước khi yêu người như Chúa muốn, hẳn chúng ta phải yêu Chúa để sống và yêu được như Chúa yêu, thì tình yêu cho đi, thì việc thực hiện các điều răn của Chúa mới thực mang lại cho chúng ta một giá trị cao cả: sống trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Yêu mến Chúa Giêsu để nên thánh: chiếm hữu được Thiên Chúa. Tuân giữ điều răn Chúa: giúp cho người khác nên thánh, giúp cho người khác chiếm hữu được Thiên Chúa. Nếu không, hãy coi chừng tình yêu và việc bác ái của ta lại rơi vào kế hoạch của những giả dối, dẫn đến cái vô ích cho mình và cho tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc được Chúa Giêsu dạy cho chúng con cách sống yêu, để cuộc đời chúng con nên một chuỗi ngày hạnh phúc vì khi sống yêu, là chúng con sống trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa chí ái. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người dạy để Lời Mạc Khải, Lời Tỏ Tình Thiên Chúa của Người không trở nên uổng phí cho phần rỗi chúng con. A men.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:01 24/04/2008
HOA BẢY MÀU

N2T


Trân Ni cầm bánh mì trên đường về nhà, đột nhiên xuất hiện một con chó chạy đến, giựt mất cái bánh trong tay nó, Trân Ni thấy như vậy thì chỉ biết khóc mà thôi.

Lúc ấy, có một bà lão đến tặng cho nó một đóa hoa, trên đóa hoa có bảy cánh hoa với bảy màu khác nhau, bà lão nói: “Nó có thể giúp cháu thực hiện bảy nguyện vọng.”

Trân Ni cầm lấy đóa hoa, xé ra cánh hoa màu xanh và nói: “Cánh hoa xanh, đem bánh mì trả lại cho ta, và đưa ta về nhà.”

Chỉ chớp mắt, Trân Ni đã cầm bánh mì và hoa ở trong nhà. Nó nhón chân lên muốn cắm hoa vào trong bình hoa, nhưng vì không cẩn thận nên bình hoa rơi xuống đất và vỡ nát, Trân Ni vội vàng xé cánh hoa đỏ và nói: “Cánh hoa đỏ, mau làm cho bình hoa hồi phục lại như cũ”, quả nhiên trong nháy mắt hoàn toàn trở lại như cũ.

Trân Ni đi vào trong sân, nhìn thấy một bọn trẻ em nam đang đùa giỡn trò “thám hiểm bắc cực”, nó xé ra cánh hoa màu xanh lam và nói: “Nhanh, mang ta đến bắc cực !” lời vừa nói xong, trước mắt Trân Ni biến thành những tảng băng tuyết trắng xóa. Ở bắc cực, Trân Ni lạnh đến phát run, nó vội vàng lấy ra cánh hoa màu xanh lục và nói: “Mau đưa ta về lại nhà !” không đợi Trân Ni phản ứng thì nó đã cầm hoa đang đứng trong sân nhà.

Tiếp theo, nó lại nhìn thấy bầy em bé gái đang đùa giỡn, trong lòng rất ngưỡng mộ, thế là xé ra cánh hoa màu tím và nói nó muốn tất cả đồ chơi của toàn thế giới. Kết quả, đồ chơi từ bốn phương tám hướng bay lại đầy cả trong nhà ngoài sân, lại còn không ngừng bay lại, Trân Ni vội vàng xé ra cánh hoa màu cam đem tất cả đồ chơi mất tiêu.

Lúc này, Trân Ni phát hiện mình chỉ còn dư lại một cánh hoa trên tay mà thôi, nó rất hối hận vì đã lãng phí nhiều cánh hoa. Lúc bấy giờ, có một em bé trai chống cái nạng đi đến, thế là Trân Ni cầm lấy cánh hoa còn lại và nói: “Mau làm cho chân của em bé lành lại”, cái chân của em bé trai tức khắc khỏe mạnh, em bé trai và Trân Ni rất vui mừng và cùng vui đùa với nhau rất vui vẻ.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Những chuyện để mình vui vẻ nhất không phải là đóng kịch diễn trò, cũng không phải là mình có đầy đủ tất cả các đồ chơi, nhưng chính là khi có thể giúp đỡ người khác, hoặc làm một vài công việc có ý nghĩa, đó chính là niềm vui thật.

Niềm vui lâu dài nhất chính là giúp đỡ người khác, và niềm vui trọn vẹn chính là tự nguyện làm một vài việc thiện.

Khi chúng ta tìm niềm vui qua những trò diễn kịch và khi màn kịch kết thúc thì niềm vui cũng kết thúc, khi chúng ta tìm niềm vui qua các đồ chơi, mà đồ chơi thì chơi hoài cũng nhàm chán, và thế là nhàm chán lại kéo theo nỗi buồn...

Là người Ki-tô hữu nên chúng ta có những niềm vui chân thực phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, chỉ có lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân mới có khà năng làm cho niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn mà thôi, bởi vì như thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi đã nói rằng: khi cho đi là khi được lãnh nhận dồi dào.

Các em thực hành:

- Để ý giúp đỡ một vài người bạn gặp khó khăn.

- Mỗi ngày cố gắng làm một việc thiện, như: thăm bạn bị bệnh, dẫn một người già qua đường.v.v...

- Vui cười khi làm việc thiện.
 
Người chăn nuôi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 24/04/2008
NGƯỜI CHĂN NUÔI

Yêu đàn chiên hoàn toàn không có nghĩa là tỏ ra trong ngày nghỉ cho chúng nó ăn kem cốc.

Điều này tỏ rõ chúng ta thấy lúc nào cũng phải chuẩn bị vì đàn chiên mà hy sinh danh dự, thậm chí hy sinh đến cả tính mạng của mình. Bày tỏ chúng ta đem chính mình hoàn toàn trao cho đàn chiên, tuyệt đối không phải hệ tại luật lệ nào đó hoặc che chắn bịt miệng để chạy trốn, bởi vì đó chính là sự kháng cự hoặc chống lại cách chân chính vì cộng đoàn mà giáo phó bản thân mình.

Đàn chiên -rất nhanh- thì có thể biết được ý người nào thực sự quan tâm đến họ cách sâu sắc: đó là sự rộng mở, lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe... Mục tử nhân lành phải luôn đón tiếp và rộng mở, bởi vì họ quan tâm đến đàn chiên của họ, và tự nguyện vì đàn chiên mà bị tổn hại đến mình.

Đàn chiên có thể phân biệt được người mục tử chân chính quan tâm đến họ và người mục tử khi gặp khốn khó thì tháo chạy bỏ mặc họ. Khi người cha tình nguyện tử bỏ việc được thăng cấp, thì ông ta cũng không muốn bớt đi thời gian chăm sóc gia đình của họ, con cái có thể nhìn thấy sự hy sinh của bố mẹ dành cho chúng nó.

Con người ta rất dễ dàng cảm nhận được người mục tử là người quan tâm đến toàn thể cộng đoàn, mà không chỉ là quan tâm đến một hai đoàn viên, mà trong đó họ cảm thấy có “thú vị”.

Có một vài thầy cô giáo chỉ quan tâm đặc biệt đến một hai học sinh đặc biệt thông minh: họ không năng động đối xử với những học sinh khiêm tốn nhỏ bé, những học sinh khiếm khuyết, những học sinh bị tổn thương, những học sinh bị thất lợi, mà trên thực tế những học sinh này rất cần được họ quan tâm, và đáng được chiếu cố.

Tác giả: Ôn Lập Quang

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. dịch từ tiếng Hoa.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 24/04/2008
N2T


3. Khi Thiên Chúa tuyển chọn một người làm một công việc, thì nhất định Ngài sẽ ban ân sủng cho họ trước, khiến họ có thể hoàn thành công việc ấy của mình.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Chúa về trời
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22:23 24/04/2008
CHÚA THĂNG THIÊN, năm A

Mt 28, 16-20


Chúa về trời đã trả lời dứt điểm những vấn nạn của con người: người ta sinh ra để làm gì ? Chết rồi con người đi đâu ? Những câu hỏi ấy đã được giải mã rõ ràng. Chúa về trời, ra đi về với Chúa Cha và dọn đường cho các môn đệ, cho mọi người:” Vì Người ở đâu các con cũng sẽ ở đó với Ta “. Sau những ngày tháng sống lại, Chúa Phục Sinh luôn hiện giữa các môn đệ, để minh chứng Ngài đã sống lại thật và qua đó các môn đệ sẽ nhìn nhận Chúa đã sống lại thật như lời Ngài đã tiên báo trước. Hôm nay, Chúa Phục Sinh từ giã các môn đệ để về với Cha của Ngài, các môn được Ngài ủy thác sứ vụ tiếp tục công trình cứu thế của Ngài:” Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” ( Mt 28, 18 ).

CHÚA VỀ TRỜI SAU 40 NGÀY Ở VỚI CÁC MÔN ĐỆ:

Thực tế, con số 40 sau ngày Chúa Phục Sinh có một ý nghĩa hoàn toàn vượt lên trên hình thức của một con số. Số 40 này trong Thánh Kinh chỉ định một thời gian có thời hạn, thời gian Thiên Chúa hoàn thành công việc của Ngài. Thánh Matthêô kể lại việc Chúa về trời xẩy ra trên một ngọn núi. Đối với thánh Matthêô mọi biến cố quan trọng Chúa làm đều bắt nguồn từ trên núi: bài giảng tám mối phúc thật (Mt 5, 1 tt ), Chúa Biến Hình ( Mt 17, 1tt ). Núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa như Môsê đã gặp gỡ Chúa trong bụi gai trên núi. Núi là nơi con người gặp Thiên Chúa để tôn thờ và làm vinh quang Ngài. Chúa về trời để chỉ những hành động cuối cùng của Ngài đã hoàn tất nơi trần gian. Chúa về trời, Ngài đã để lại một lời hứa thật quan trọng để dù Ngài có ra khỏi thế giới này trong thân xác hữu hình, Ngài vẫn luôn hiện diện với con người, với thế giới cho đến tận thế. Chúa Phục Sinh sau khi đã về với Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần của Ngài xuống trên Giáo Hội. Chúa về trời không phải chấm dứt tại đó, nhưng Ngài đã sai các môn đệ: ” Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Các con hãy đi giảng dạy muôn dân” ( Mt 28, 18-19). Chúa về trời nhưng đây lại là ngày khởi đầu lên đường rao giảng Tin Mừng của các môn đệ.Hôm nay đây, các môn đệ vâng lệnh Chúa Phục Sinh, ra đi chinh phục con người. Các Ngài trở thành những ngư phủ lành nghề lưới người. Các Ngài ra đi chinh phục thế giới bằng lời rao giảng, bằng phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Các môn đệ ngơ ngác nhìn Chúa về trời, rồi các Ngài ý thức sứ mạng Thầy mình trao phó, họ xuống núi trở về xây dựng Giáo Hội.

SỨ MẠNG RAO GIẢNG CỦA CÁC MÔN ĐỆ CŨNG LÀ SỨ MẠNG CỦA HỘI THÁNH, CỦA MỖI NGƯỜI CHÚNG TA:

Khi sai các môn đệ rao giảng, Chúa muốn các Ngài trung thành trao ban cho muôn dân, cho mọi người những gì các Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa. Điều trao ban cho muôn người không gì ngoài Tình Yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu như thánh Gioan nói. Tình yêu vô biên, hy sinh, tự hiến:” Không Tình Yêu nào cao vời bằng Tình Yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).Chính vì yêu mà Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm làm người. Chính vì yêu mà Chúa đã gánh tội cho nhân trần, cho con người, cho mỗi người. Và cũng chính vì yêu, Chúa đã giang tay chịu đóng đinh trên Thập Giá, để lại Thịt và Máu làm bánh trường sinh nuôi sống loài người, nuôi sống mỗi người. Chúa không ước mong gì hơn là nhân loại hãy sống giới luật yêu thương:” Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con (Ga 15, 17 ).” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau “. Yêu thương như Chúa nghĩa là dám hy sinh mạng mình vì người mình yêu, dám lấy Thịt Máu mình nuôi sống người mình yêu. Chúa trao sứ mạng rao giảng cho các môn đệ và hứa đưa các Ngài về trời với Ngài. Do đó, Chúa cũng đang mời chúng ta rao giảng và cùng về trời với Ngài, nhưng rao giảng là làm sống lại chân lý tình thương của Chúa và về trời không riêng lẻ cho một ai mà Chúa đang mời gọi chúng ta về trời cùng với anh em chúng ta khi chúng ta xây dựng thành công một cộng đồng đầy ắp tình yêu thương. Chúa trao sứ mạng:” Rao giảng cho muôn dân “ nghĩa là Chúa muốn chúng ta làm sống lại đời sống yêu thương của Chúa để tất cả mọi người đều có một Cha chung trên trời, đều sống tình huynh đệ với nhau không còn hận thù, không còn tranh giành, chia rẽ, hờn oán và chiến tranh nữa.Sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa trao cho con người, cho mỗi người Kitô hữu là sứ mạng cao cả, con người không chỉ nói suông, nói trên bờ môi chóp lưỡi về Chúa mà còn phải sống bằng chính gương sáng đời sống Kitô của mình để ai ai cũng nhận ra chúng ta là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa.

CHÚA VỀ TRỜI. MỘT BIẾN CỐ CỨU ĐỘ :

Chúa về trời giúp chúng ta xác tín sâu xa rằng Ngài đã hoàn tất công trình cứu độ Chúa Cha trao phó cho Ngài ở trần gian này. Chúa Giêsu đến trần gian để làm theo ý Chúa Cha.” Lạy Cha nếu được thì xin cất chén đắng này đi nhưng đừng theo ý Con mà theo ý Cha”. Chúa về trời để chuẩn bị sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội. Biến cố Thăng Thiên giúp mọi Kitô hữu nghĩ đến tương lai và niềm hy vọng của mình.Nhìn về trời không có nghĩa là sao lãng công việc trần thế nhưng càng lúc mọi Kitô hữu phải nhớ đến lời Chúa và những thực tế của cuộc đời này:” Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời ”.Quả thực, Chúa Giêsu đã sống giữa chúng ta, đã sống ở Nagiarét, ở các vùng Galilêa, Giêsrusalem, đã đi qua nhiều con đường mà nhiều người Do Thái đã đi qua: Samaria, Capharnaum vv…Và đó là những nét Tin Mừng đã nói về Chúa Giêsu, như một con người sống giữa thế giới này và bây giờ đã về trời. Biến cố Chúa về trời mang một ý nghĩa rất sâu xa: Ngài sống trong mầu nhiệm khôn dò của Ba Ngôi Thiên Chúa và Chúa Phục Sinh là khát vọng, là niềm hy vọng của mọi người. Và như thánh Phaolô viết:” Đức Kitô, Đấng đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” ( 2 Co 5, 15 ).

Lạy Chúa xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con: ” Đem niềm vui đến chỗ ưu sầu. Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH giúp Giáo hội Mỹ khép lại “chương sách tủi hổ và đau buồn”
Phụng Nghi
08:58 24/04/2008
Vatican (CNA) – Trong bản thông cáo do Đài Phát thanh Vatican phổ biến, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh là Linh mục Federico Lombardi nói rằng nhờ cuộc thăm viếng Hoa kỳ mới đây, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã giúp giáo hội nước này khép lại tai tiếng lạm dụng tình dục, một chương sách tủi hổ và buồn thương.

Cha nói: “Đức giáo hoàng đã giúp Giáo hội Hoa kỳ khép lại một chương sách tủi hổ và đau buồn về các lỗi lầm và trách nhiệm nặng nề trong quá khứ” và ngài làm thế “mà không trốn tránh các khó khăn, bằng lương tâm trung thành, ngay thẳng và trong sáng.”

Lm Federico Lombardi


Theo Đài phát thanh Vatican thì tuy chỉ viếng thăm hai đô thị - New York and Washington DC - Đức giáo hoàng “cũng đã có một thời biểu bận rộn, để lặp lại trên đất Mỹ một số chủ đề thiết yếu trong triều đại giáo hoàng của ngài. Điểm trọng tâm của chuyến tông du là bài diễn văn về nhân quyền tại Liên hiệp quốc. Lúc cảm động nhất là cuộc thăm viếng khu vực Ground Zero.”

“Đức giáo hoàng cũng ca ngợi mẫu mực thế tục của nước Mỹ, thay vì loại bỏ, lại khuyến khích sự hiện diện của đức tin trong sinh hoạt công cộng. Sự hiện diện đó làm cho nền dân chủ duy trì được tính cách lành mạnh và sinh động mà không mất đi các “giá trị”.
 
Bóng của Phêrô phủ trên Mỹ quốc
Phụng Nghi
13:46 24/04/2008
Toronto (Zenit) – Tuần lễ trước, Bênêđictô XVI đã thăm viếng Hoa kỳ lần đầu tiên trong chức vị giáo hoàng, và nhiều người đã quan tâm tìm xem ảnh hưởng của vị giáo tông người nước Đức này sẽ ra sao trên một Giáo hội gần như đang bị vây bủa.

Họ hỏi xem Bênêđictô XVI có khả năng “kết nối” được với công chúng như vị tiền nhiệm là Giáo hoàng Gioan Phaolô II trước kia đã làm được hay không. Dù sao, Bênêđictô XVI đặt chân đến nước Mỹ ở tuổi 80, trong khi Gioan Phaolô II chỉ mới 59 tuổi khi thăm viếng Hoa kỳ lần đầu năm 1979.

Cho mãi tới tuần lễ vừa qua, nhiều người cả trong và ngoài Giáo hội vùng Bắc Mỹ chỉ đơn giản chẳng biết Joseph Ratzinger, và còn một số người không muốn bận tâm biết đến ngài nữa.

Họ chỉ biết một nửa sự thật về con người trước kia đã bảo vệ Vatican, người thường được mô tả như con mọt sách, học vấn uyên thâm và nghiêm khắc, thiếu sức lôi cuốn và năng khiếu của người tiền nhiệm trên ngai tòa thánh Phêrô.

Nhưng tuần lễ trước, có điều gì đó đã thay đổi đáng kể nhãn quan của dân chúng về con người Bênêđictô XVI.

Cuộc tông du Hoa kỳ được sắp xếp thận trọng và đã được thực hiện đầy đủ bằng buổi đón tiếp vương giả hôm thứ Tư tại Bạch ốc để mừng sinh nhật thứ 81, một bài diễn văn quan trọng đọc trước các chủ tịch và các nhà giáo dục đại học Công giáo, một cuộc gặp gỡ riêng tư nhưng rất cảm động tại toà sứ thần Vatican ở Washington với các nạn nhân vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, một buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo nhiều tôn giáo khác nhau, và buổi đại lễ cử hành tại Vận động trường Washington Nationals.

Di chuyển đến New York vào chặng cuối cuộc hành trình, Đức giáo hoàng đọc một diễn văn quan trọng tại phiên họp khoáng đại của Liên hiệp quốc, tiếp theo sau cũng là bài diễn từ quan trọng đọc trước những người ở hậu trường tổ chức LHQ: đó là các thư ký, những người quét dọn, tập việc và ban yểm trợ. (Không có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị nhìn nhận công lao của những con người nhỏ bé đã làm cho các tổ chức lớn lao vận hành được!)

Vị Giáo hoàng người Đức này cũng thăm một nguyện đường Do thái ở Manhattan vào buổi chiều trước ngày thứ nhất của mùa lễ Vượt qua. Hôm 19 thàng 4, Ngài cử hành thánh lễ đánh dấu năm thứ ba được bầu chọn là Giáo hoàng tại Nhà thờ Chính tòa St. Patrick tại New York, địa điểm được nhiêu người coi là biểu tượng của đạo Công giáo ở Hoa kỳ.

“Mùa xuân mới”

Trong thánh lễ đó ngài phát biểu một tiếng kêu gọi kết đoàn cho “mùa xuân mới” trong một Giáo hội mà theo lời ngài thì quá chia rẽ và bị thương tổn nhiều cách, đặc biệt là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Nhìn những hình ảnh máy hình thu được trong thánh lễ đó, chúng tôi thấy nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ đã nhỏ lệ.

Vào cuối thánh lễ cử hành để kỷ niệm năm thứ ba được tuyển chọn làm Giáo hoàng, ngài cất tiếng nói những lời riêng tư và tự phát: “Vào lúc này đây, tôi chỉ biết cảm ơn các bạn, vì lòng các bạn yêu mến đối với Chúa và Giáo hội, vì lòng yêu thương các bạn dành cho Người Kế nhiệm khiêm tốn của Thánh Phêrô. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để xứng đáng làm người kế nhiệm vị đại Tông đồ, tuy cũng là người có lỗi có tội, nhưng trung thành làm tảng đá kiên cố cho Hội thánh đến cùng. Và vì thế, dù với tất cả sự nghèo nàn trong tâm linh, lúc này đây, nhờ ơn Chúa giúp, tôi cũng có thể là Người Kế nhiệm của Phêrô.”

Vào buổi chiều ngày thứ Bẩy, Bênêđictô XVI, hiền từ như một người ông nội ông ngoại, đã làm kinh ngạc cả thế giới, và cả bản thân ngài, với sự tỏ bầy lớn lao tình nhân đạo, lòng thương cảm, niềm xác tín, hoàn toàn vui vẻ và những lời nói rất khơi động tại cuộc họp của giới trẻ ở chủng viện vùng Yonkers giáo phận New York.

Trước khi nhập vào không khí của Ngày Giới Trẻ Thế giới, Đức giáo hoàng gặp mấy chục trẻ em khuyết tật trong nguyện đường chủng viện – đa số ngồi trên xe lăn. Ngài chậm rãi bước dọc theo lối đi giữa nguyện đường, có các em xếp thành hàng.

Đức giáo hoàng cầm tay mỗi em, hoặc hôn lên trán. Phụ huynh và người săn sóc đứng bên cạnh, gần như công khai nhỏ lệ.

Phía bên ngoài có gần 30 ngàn người trẻ tập trung. Bênêđictô XVI đề cập – đây là điều rất họa hiếm - đến thời niên thiếu của ngài ở một nước Đức theo chế độ Quốc xã: “Những năm thiếu thời của cha bị thiệt hại vì một chế độ hung hiểm, nó tưởng giải quyết được mọi vấn đề; ảnh hưởng của nó lớn mạnh – xâm nhập vào học đường và các cơ chế dân sự, cũng như chính trị và ngay cả tôn giáo nữa – trước khi bị coi hoàn toàn là con quái vật.” Đó là lời của vị giáo hoàng đã từng đào ngũ khỏi quân đội Đức vào gần ngày kết thúc Thế chiến thứ II.

Suốt cả tuần lễ, Tòa thánh Vatican rất cẩn trọng khi phát biểu lập trường của Đức giáo hoàng về vấn đề di dân, nói lên nhu cầu phải bảo vệ sự hợp nhất của gia đình và nhân quyền của di dân, nhưng cố ý tránh mọi điểm đặc biệt của cuộc tranh luận về di dân ở Mỹ, chẳng hạn vấn đề có nên cho các di dân bất hợp pháp được hưởng quy chế hợp pháp hay không. Chắc rằng, những lời nói tuần qua của Bênêđictô XVI đã khơi động các ý kiến đối nghịch nhau trong cuộc tranh luận vào chính lúc có cuộc bầu cử chức vụ tổng thống ở Hoa kỳ.

Ở đó có Giáo hội

Một thành ngữ tiếng Latinh xưa cũ, được thánh Ambrosio sử dụng lần đầu vào thế kỷ thứ tư, chợt hiện đến trong tâm tưởng tôi tuần qua trong những giây phút của cuộc viếng thăm lịch sử của Đức giáo hoàng tại Hoa kỳ: “Ubi Petrus ibi ecclesia” có nghĩa là “Ở đâu có Phêrô, ở đó có Giáo hội.”

Phêrô tuần trước đã ở Mỹ, nơi Sân cỏ phía nam tòa Bạch ốc, nơi trường Đại học Công giáo Hoa kỳ. Nụ cuời rộng mở và khuôn mặt thanh thản rõ rệt của Phêrô, đã thắp sáng một quốc gia, một giáo hội và một đại lục bằng niềm hy vọng giữa không gian hoài nghi và tuyệt vọng, giữa khi nhiều người có lẽ mong muốn cái chết đến mau cho một giáo hội còn đang sống động và trẻ trung.

Những lời Phêrô nói với đại diện của hơn 190 nước thành viên LHQ về nhân quyền, phẩm giá, đối thoại và hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh ở nhiều nơi. Sự im lặng, lời nguyện cầu và các cử chỉ hùng hồn tại Ground Zero của Phêrô đã mang lại ủi an và an bình cho các nạn nhân những cuộc tấn công khủng bố vào cả một quốc gia hôm 11 tháng 9 năm 2001.

Sách Công vụ các Tông đồ trong Tân ước kể lại cho chúng ta rằng “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành thị chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.”

Bênêđictô XVI đến Mỹ quốc tuần qua để đem lại sự hàn gắn và hy vọng. Lời nói và cử chỉ giản dị của ngài là điều tối cần thiết cho một quốc gia tơi tả vì khủng bố và chiến tranh, cho một Giáo hội chia rẽ vì nhiều phe phái. Chỉ có thời gian, suy tư và cầu nguyện, mới phô bầy ra cho biết xem sự hàn gắn vết thương nơi người Công giáo Hoa kỳ, bắt đầu từ tuần trước, sẽ mang lại kết quả cho giáo hội tại Mỹ hay không.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Tuần trước bóng của Phêrô đổ trên hàng triệu người ở Mỹ và xa hơn thế nữa. Nhiều người đã lãnh nhận được niềm hy vọng và cảm nghiệm được sự chữa lành khỏi nhiều bệnh tật của chúng ta. Và còn có một điều nữa đã xảy ra tuần qua: đó là Joseph Ratzinger đã thể hiện được chính mình.

Tuy được tuyển chọn và tuyên phong làm Giáo hoàng từ ba năm trước, tôi thiết nghĩ chức vị Giáo hoàng của ngài thực sự bắt đầu trong tâm tưởng và trong cõi lòng của người dân miền Bắc Mỹ tuần trước, khi “Phêrô ở giữa chúng ta.”

Nguồn: Linh mục Thomas Rosica, CSB/ Zenit News Agency
 
LM Federico Lombardi nhận định về chuyến tông du của ĐTC Biển Đức XVI tại Hoa Kỳ
Linh Tiến Khải
18:10 24/04/2008
VATICAN - Lúc sau 10 giờ rưỡi sáng ngày 21-4-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã về tới phi trường Ciampino của Roma bằng an, kết thúc chuyến tông du 6 ngày tại Hoa Kỳ. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã diễn ra tốt đẹp ngoài sự chờ mong của mọi người, kể các Giám Mục Hoa Kỳ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phái viên Alessandro Gisotti phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc đài Phát thanh Vaticăng, kiêm Phát ngôn viên Tòa Thánh, về chuyến tông du nói trên.

Hỏi: Thưa cha Lombardi, Đức Thánh Cha Biển Đức vừa kết thúc chuyến tông du 6 ngày tại Hoa Kỳ. Trong tư cách là Giám đốc đài phát thanh Vaticăng, kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh tháp tùng Đức Thánh Cha, cha có cảm tưởng gì?

Đáp: Tôi xin nhắc lại là trong sứ điệp gửi nhân dân Mỹ một tuần trước khi lên đường viếng thăm Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng đề tài chuyến tông du là ”Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Và đó đã là đề tài thống nhất biết bao nhiêu sứ điệp, trong nhiều hướng khác nhau, mà Đức Thánh Cha đã muốn nhắn gửi nhân dân và Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, cũng như tất cả mọi quốc gia trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tôi thực sự có cảm tưởng đây là điều đã đạt đích, và chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã là một chuyến viếng thăm loan báo niềm hy vọng cho tất cả mọi người: loan báo niềm hy vọng cho một đại quốc, phải có phẩm giá và ý thức về sự cao cả trong ơn gọi của mình trên thế giới ngày nay; loan báo niềm hy vọng cho một Giáo Hội đã sống một giai đoạn đặc biệt giao động trong các năm gần đây và vì thế rất cần được tái củng cố và vươn tới tương lai; và cả Giáo Hội nữa cũng phải ý thức về các trách nhiệm địa phương của mình cũng về trách nhiệm trong Giáo Hội đại đồng. Và sau cùng là loan báo niềm hy vọng cho Liên Hiệp Quốc, nghĩa là cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới, nhân dịp kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Mọi người có dip suy tư về các nền tảng đích thật giúp xây dựng tương lai, và như thế cũng là dịp để nhìn về phía trước. Chúa Kitô giúp có cái nhìn này về con người, về số phận của nó, về thực tại của con người cho phép xây dựng tương lai nhân loại trên các nền tảng vững chắc.

Hỏi: Người ta đã rất cảm phục sự rõ ràng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, khi thấy Đức Thánh Cha nói với Giáo Hội và xã hội Mỹ, bằng cách can đảm đương đầu với các đề tài khó khăn như việc lạm dụng tính dục trẻ em. Đâu là các kết qủa có thể chờ đợi từ kiểu cách khiêm tốn và cứng rắn mạnh mẽ này của Đức Thánh Cha?

Đáp: Vâng, qúy vị nói đúng. Xem ra Đức Thánh Cha đã dùng kiểu cách riêng của ngài để đương đầu với các vấn đề: nghĩa là rất liêm chính, không bao giờ trốn chạy trước các khó khăn, nhưng nhìn thẳng vào các khó khăn đó, nhìn xa hơn tới phía trước một cách sáng suốt và với ý thức rõ ràng. Khi nhìn vào các vấn đề của Giáo Hội tại Hoa Kỳ Đức Thánh Cha đã đương đầu với chúng với cả ý thức nhìn nhận lỗi lầm, và dấn thân để chữa lành các vết thương và sử dụng tinh thần trách nhiệm đó cho tương lai, để các sự kiện trầm trọng như thế không bao giờ lập lại nữa. Tuy nhiên điều này đã được đưa vào trong diễn văn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với Giáo Hội Mỹ trong một bối cảnh rất rộng rãi, qua đó điều đã được loan báo là bổn phận giới thiệu sứ điệp của Chúa Kitô một cách toàn vẹn trong xã hội ngày nay, tìm lại vẻ đẹp và sự cao cả của ơn gọi giáo dục của Giáo Hội.

Diễn văn Đức Thánh Cha nói với các đại học và giới chức giáo dục Hoa Kỳ đã là một bài diễn văn đáng ghi nhớ, trong đó Đức Thánh Cha nêu bật những gì mà tín hữu công giáo Mỹ đã làm được trong lãnh vực giáo dục và văn hóa. Chúng ta phải nhớ điều này: đó là đã không có một quốc gia nào trên thế giới, trong đó Giáo Hội đã hoạt động nhiều cho nền văn hóa như Giáo Hội Mỹ, không phải chỉ cho tín hữu công giáo, mà còn cho tất cả mọi người dân nữa. Đây là điều Đức Thánh Cha đã thấy và đã tái đề cao với sự tin tưởng lớn lao nơi tương lai. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc lại biết bao công lao của tín hữu công giáo Mỹ trong tình liên đới đối với các người nghèo, các dân tộc khác cũng như tất cả mọi người cần được trợ giúp. Ngài mời gọi có cái nhìn tích cực đối với Giáo Hội Công Giáo, mà trong bài giảng tại nhà thờ chính tòa Thánh Patrick Đức Thánh Cha dùng một hình ảnh rất đẹp để so sánh. Đó là hình ảnh các kính mầu xinh đẹp của nhà thờ. Chúng sáng lên và ai sống kinh nghiệm từ bên trong mới hiểu được vẻ đẹp, sự cao cả và cảm tạ Chúa đã mời gọi mình làm thành phần của Giáo Hội này.

Trong diễn văn nói với giới trẻ cũng thế, Đức Thánh Cha đã biết khơi dậy một sự hăng say lớn và trình bầy sự tích cực và vẻ đẹp của ơn gọi Kitô. Vì thế tôi nghĩ Đức Thánh Cha đã thực sự giúp Giáo Hội Mỹ khép lại một trang sử xấu hổ, vì đây là từ mà chính Đức Thánh Cha đã dùng, một trang sử đớn đau vì các lỗi lầm và các trách nhiệm nặng nề của qúa khứ, cả khi chỉ do một nhóm nhỏ trong số đông đảo các linh mục của Giáo Hội Mỹ, gây ra. Chắc chắn đây là thời gian khó khăn đối với các nạn nhân cũng như đối với các người có trách nhiệm và các vết thương mà Giáo Hội cảm nghiệm trong chính thân thể mình; nhưng trong tình bác ái và trong nỗ lực chữa lành các vết thương qúa khứ, giờ đây Giáo Hội Mỹ có thể tin tưởng nhìn về tương lai, vì biết rằng có sự tha thứ, có sự hòa giải, có khả năng tiếp tục sống ơn gọi Kitô với sự tích cực lớn lao hơn.

Hỏi: Thưa cha, Đức Thánh Cha đã chinh phục con tim không phải chỉ của các tín hữu công giáo mà của toàn dân Mỹ, khi nói tới các giá trị xây nền cho Hoa Kỳ, các giá trị mà trong bao nhiêu thế hệ đã khiến cho vùng đất này trở thành một đích tới của niềm hy vọng. Chuyến tông du này của Đức Thánh Cha có thể giúp nước Mỹ suy tư về vai trò của mình trong thế giới ngày nay hay không?

Đáp: Chắc chắn là có rồi. Đức Thánh Cha đã dùng một khoa sư phạm cổ điển của các Giáo Hoàng, cũng là của vị tiền nhiệm của ngài, đó là nói với cả một dân tộc và nhận diện các gốc rễ, các giá trị và ơn gọi lịch sử của nó với tất cả uy tín của một vị lãnh đạo tinh thần. Đức Thánh Cha đã nói với người dân Mỹ về các đặc tính chung sống giữa biết bao nhiêu dân tộc có các nền văn hóa và niềm tin khác nhau, trong việc cùng nhau chung xây một cộng đoàn lớn trong tự do và dân chủ. Đây là điều có thể trở thành một sứ điệp hòa bình, hòa giải và chung sống cho toàn nhân loại, trong tự do, một sự tự do được xây dựng một cách rõ ràng trên việc thừa nhận Thiên Chúa Tạo Hóa, và như thế thừa nhận các giá trị nền tảng của bản chất con người, như là hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là điều mà Đức Thánh Cha đã rút tỉa ra và đã nói một cách hết sức rõ ràng, và người dân Mỹ cảm thấy họ được hiểu biết và được thừa nhận trong giá trị lịch sử và các khía cạnh tốt đẹp nhất của họ. Và dĩ nhiên đây là một thiện ích rất lớn. Cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Hoa Kỳ như tổng thống Bush và phó tổng thổng Cheney, cũng đã thừa nhận khả năng này của Đức Thánh Cha, trong việc gợi lại các khía cạnh tích cực của người dân Mỹ và trao ban cho nó một sứ điệp lớn.

Chiều ngày 20 tháng 4 khi nghe diễn văn của phó tổng thống Cheney, tôi nghe những người Mỹ đứng chung quanh nói: những lời ca tụng quan trọng từ một trong các nhân vật cao cấp như thế trong chính quyền của đất nước chúng tôi đối với vị Thủ Lãnh của Giáo Hội Công Giáo là điều mà cho tới cách đây vài năm chúng tôi đã không thể tưởng tượng được. Điều này có nghĩa là nhân dân Hoa Kỳ, trong tất cả mọi khía cạnh của họ kể cả các giới lãnh đạo, thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo và Đức Thánh Cha là những người đối tác xứng đáng và hữu hiệu, vì giúp tìm ra điều tốt đẹp nhất của chính dân tộc Mỹ.

Hỏi: Chuyến tông du của Đức Thánh Cha, như cha đã biết, cũng có thể được kể lại bằng các hình ảnh nữa. Chắc chắn cảnh tượng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI qùy cầu nguyện tại Ground Zero, nền của Tháp Song Sinh, sẽ là hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong ký ức của từng người chúng ta và đặc biệt trong ký ức của người dân thành phố New York. Vượt ngoài các cảm xúc thì đâu là ý nghĩa sâu xa nhất của biến cố này thưa cha?

Đáp: Đức Thánh Cha đã đến cầu nguyện tại Ground Zero, và ngài đã không đọc diễn văn lớn nào. Ngài đã đến để suy niệm, và qua đó ngài mời gọi chúng ta tất cả suy tư về mầu nhiệm của biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Đó là mầu nhiệm của sự dữ, lộ hiện ra với một sự hiếu chiến và bạo lực không thể nào hiểu nổi trong lịch sử của chúng ta, trong thời đại ngày nay. Sự dữ sát nhân đó giết chết hàng ngàn người vô tội, mà không lo âu gì, còn hơn thế nữa nó tìm sát hại để giữ thế đứng của nó trong cuộc sống của chúng ta, để khuấy động và đảo lộn cuộc sống. Nhớ lại sự kiện này nhưng đồng thời cũng là để nhớ lại rằng Ground Zero cũng đã là nơi nảy sinh ra điều tốt đẹp nhất của tình liên đới đối với những ai đang phải đau khổ.

Tôi đã rất xúc động vì không biết rằng 400 trên tổng số gần 3000 người đã chết, là những nhân viên cấp cứu. Đã có 340 nhân viên cứu hỏa bị chết trong biến cố này. Trộn lẫn với cái chết của người vô tội là sự hy sinh của người liều mạng để cứu giúp họ. Đây là điều chúng ta không được quên. Nó diễn tả yếu tố của niềm hy vọng gắn liền với biến cố thê thảm buồn thương này, và nó là điều khiến cho chúng ta nhìn tới trước, hay đúng hơn là điểm tựa giúp nhìn tới trước và nói: ”Không phải chỉ có sự dữ, mà cũng có sự thiện nữa!”.

Với thái độ này chúng ta phải nhìn về tương lai và không để cho mình bị khuấy động và sợ hãi qúa đáng, bằng cách tiếp tục tìm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dựa trên nền tảng của các nguyên tắc, mà Đức Thánh Cha đã nhắc tới trong bài diễn văn trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nghĩa là phẩm giá con người, thừa nhận Thiên Chúa Tạo Hóa và tất cả các nguyên tắc, mà chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta, giúp chúng ta trông thấy. Như thế, cả việc suy niệm biến cố thê thảm này nhưng rất đặc thù của lịch sử ngày nay, xem ra cũng được dẫn tới đề tài hy vọng trong chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha. Thực tế trong việc nhìn và trông thấy sự dữ hiện diện, nhưng cũng hy vọng vì biết rằng sự dữ không có tiếng nói cuối cùng, và có một tình yêu thương cho phép chúng ta bắt đầu trở lại và tái xây dựng cuộc sống. (RG 21-4-2008)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục vùng Caucase
LM Trần Đức Anh OP
18:12 24/04/2008
VATICAN- ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các GM miền Caucase khích lệ các tín hữu sống niềm vui tuyên xưng đức tin và được thuộc về Giáo Hội Công Giáo giữa bao nhiêu thách đố khó khăn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-4-2008, dành cho 4 GM miền Caucase, gồm các nghi lễ Arméni, la tinh, Canđê tại hai nước Arméni và Azerbaigian, nhân dịp các vị Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Ngài nhận định rằng tuy dân chúng tại những nước miền này đã đạt được nhiều tiến bộ về xã hội từ sau khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ, nhưng vẫn còn nhiều tình cảnh khó khăn: nhiều người nghèo, người thất nghiệp và tị nạn, mà chiến tranh đã xô đẩy họ rời xa gia cư của họ. Giáo Hội Công Giáo tại miền này chỉ là đoàn chiên bé nhỏ, trước bao nhiêu thách đố về xã hội và văn hóa, trong một bối cảnh đa tôn giáo và nghi lễ.

ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các GM miền Caucase làm sao để căn tính Công Giáo không bị hao mòn trước những hình thức áp lực tinh vi khiến các tín hữu ít cảm thấy mình thuộc về Giáo Hội. Ngài nói: ”Vì thế tôi hỗ trợ khát vọng của các cộng đoàn Công Giáo của anh em mong chính quyền nhìn nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Công Giáo, trong niềm tôn trọng bản chất riêng của Giáo Hội. Ngoài ra, tôi cũng cầu mong rằng, tiếp theo cuộc đối thoại hiện nay giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, tình huynh đệ giữa hai bên được gia tăng, làm cho quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống thấm đượm niềm tôn trọng lẫn nhau mặc dù vẫn còn những khác biệt.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM miền Caucase tăng cường việc mục vụ gia đình, ngày nay đang gặp nhiều khó khăn vì não trạng lan tràn trong xã hội thời cộng sản và còn kéo dài ngày nay. Anh em hãy giáo dục các tín hữu về gia trị của tính chất bất khả phân ly và sự chung thủy trong hôn nhân, đây thực là một trong những nghĩa vụ quí giá và cấp thiết nhật của các đôi vợ chồng Kitô ngày nay” (Fam. Consortio 20).

Miền Causase gồm 3 cộng hòa cựu Liên xô nay đã trở thành các nước độc lập, đó là Arméni, Azerbaigian và Georgia.

Azerbaigian có hơn 8 triệu dân trong đó 93% theo Hồi giáo và Công giáo chỉ có hơn 200 tín hữu; 5% theo Chính Thống Nga; Arménie có 3 triệu dân trong đó 95% theo Giáo Hội Arméni tông truyền, Giáo hội này từ khước công đồng chung Calcédonia năm 451. Các tín hữu Kitô khác trong đó chiếm 4%. Sau cùng là Georgia có 4,6 triệu dân, trong đó 83,9% theo Chính Thống. Các tín hữu Kitô khác chiếm 7%. Công Giáo tại đây thuộc 3 nghi lễ: la tinh, Arméni và Assiri (SD 24-4-2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Trì Chính, Phát Diệm
Vũ Văn Được
09:19 24/04/2008
PHÁT DIỆM 23/04/08 -Chiều nay, ngày 23 tháng 4 năm 2008, hồi 15g, tại giáo xứ Trì Chính, giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh cùng linh mục đoàn Phát Diệm, quý cha đến từ các giáo phận Hà Nội, Hải phòng, Thanh Hóa, Bùi Chu, Thái Bình, đã dâng Thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Trì Chính (1908-2008).

Từ cổng vào nhà thờ Trì Chính, chúng tôi đọc được băng rôn « Hồng Ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Người » và trên lễ đài là một câu trong Thánh vịnh 99 « Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ». Trong thánh lễ, cả hai bài đọc (Sir 50, 24-26; 1 Cor 1,3-9) và bài Tin Mừng (Lc 19,11-17) đều nói lên tâm tình tri ân Thiên Chúa. Năm Thánh là dịp để giáo xứ Trì Chính cảm tạ muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên giáo xứ, trên mỗi người và cũng là dịp để các thế hệ người Trì Chính tri ân tổ tiên, các Đấng các bậc đã hy sinh, nhiệt tình gieo và vun trồng đức tin cho họ trong suốt một trăm năm qua.

Nằm dọc theo bờ sông Vạc, cách Tòa Giám Mục Phát Diệm khoảng 1 km, giáo xứ Trì Chính là một giáo xứ chỉ có 1.300 nhân danh với 3 giáo họ: Trị Sở, Kiến Thái, Thủy Cơ. Trì Chính nhỏ bé, nhưng lại là một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận Phát Diệm. Họ Kiến Thái vinh dự là nơi sinh trưởng của Đức Cha Gioan B. Phan Đình Phùng, vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm. Hơn nữa, đầu thế kỷ XX, Trì Chính là nơi tọa lạc những cơ sở tu trì, đào tạo, in ấn của giáo phận Phát Diệm: Dòng Kín Carmel (1939), Trường Thử, Nhà in Lê Bảo Tịnh, trụ sở Nguyệt san Đường Sống. Một trăm năm đã đi qua, biết bao nhiêu sự kiện thăng trầm đã diễn ra, để lại bao nhiêu mất mát và thương tích trên mảnh đất của giáo xứ nhỏ bé và nghèo nàn này. Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, nhiều trận bom đạn dội xuống đây, phá hủy bình địa Dòng Kín, (sau này là nhà in Lê Bảo Tịnh), Cô nhi viện, trường học. Hiện nay Trường Thử (do Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng mua đất năm 1936 và Đức Cha Anselmo T. Lê Hữu Từ thực hiện từ năm 1946-1954) vẫn còn đó, nhưng Chính quyền đang mượn từ nhiều năm nay.

Trong biến cố 1954, đa số giáo dân Trì Chính đã đi di cư vào miền Nam, từ con số 2.100 nhân danh, sau 1954 chỉ còn lại 8.000 người, dưới sự coi sóc của Cha Giuse Trần Văn Lại. Trong những thập kỷ 60 và 70, Trì Chính xơ xác điêu tàn vì chiến tranh, vì những khó khăn mọi mặt của thời thế kéo theo thiếu thốn về nhân sự. Đã có lúc tưởng chừng cái tên giáo xứ Trì Chính bị xóa sổ. Quá khứ đau thương và đen tối như thế, nhưng hôm nay, nhìn vào một giáo xứ sầm uất với những sinh hoạt phong phú của nhiều hội đoàn, một cộng đoàn sống đạo sốt sắng, trong bài giảng của mình, Đức Cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói đến cuộc đời thánh Phaolô Tông đồ, đến gương của thánh Alphongsô trạng sư, để làm nổi bật một chân lý: cho dù lịch sử có thế nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương, quan phòng; Thiên Chúa có thể biến những sự dữ thành sự lành, và theo thánh Phaolô « mọi sự đều có ích lợi cho những ai có lòng yêu mến » (Rm 8,28). Như vậy, dưới con mắt đức tin, tất cả đều là hồng ân của Chúa. Cuối bài giảng, Đức Cha Giám quản lấy hình ảnh một em bé nép vào lòng mẹ vì em hoàn toàn tin tưởng vào mẹ mình để nói lên đời sống đức tin, tâm tình phó thác, tri ân như sức mạnh, như nền tảng để xây dựng một giáo xứ hiệp nhất và yêu thương.

Thánh lễ kết thúc khi chiều đã tắt nắng. Các xe ôtô biển số 29D, 16N, 36E vội vã lên đường. Trong dòng người từ thánh đường tỏa ra các lối, tôi như đọc được niềm vui, một niềm vui thiêng thánh, trên những khuôn mặt của giáo dân Trì Chính, nhất là của cha quản nhiệm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, người đã trực tiếp cùng giáo dân Trì Chính cả tháng trời miệt mài làm đường, trồng cây, sửa sang khuôn viên nhà thờ để đón chào sự kiện trọng đại này. Tôi cũng thấy những nụ cười rạng rỡ của những người ngoài Công giáo, hàng xóm của nhà thờ, như ông Như, bà Lan và rất nhiều người khác nữa. Cả một tháng qua, họ đã xóa tan những mặc cảm, họ hiểu hơn vấn đề đất đai của giáo xứ, họ hòa mình cùng giáo dân Trì Chính xây dựng khuôn viên thánh đường cho khang tranh hơn, đẹp đẽ hơn. Cha Hồng Phúc nói với tôi: « Đó là dấu hiệu đầu tiên của ơn Chúa xuống cho giáo xứ Trì Chính đấy ! ».
 
Một Đức Giám Mục Việt Nam Viếng Thăm Việt Kiều Thái Lan
Phương Nghi Vũ
21:56 24/04/2008
Băng-Cốc--- Vào Chúa nhật ngày 20/04 vừa qua, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, trong chuyến đi dự cuộc họp của Hội Đồng Giám mục Á Châu, đã kết hợp tới viếng thăm sinh viên Việt Nam và cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Băng-Cốc, Thái Lan.

• Alô! Nghi hả? Em gọi điện thoại thông báo cho các bạn chiều mai 4 giờ có thánh lễ tiếng Việt nhé! Có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, từ Việt Nam sang thăm đấy!. Nhắn chị Thoa tập hát nữa nghe!

• Cha Đức ơi, ngày mai thì làm sao chuẩn bị kịp?

• Thì cứ cố gắng hết sức đi!!!

Vậy mà, bất chấp nỗi lo lắng của sinh viên chúng tôi, thánh lễ Việt Nam tại trường đaị học Assumption, vẫn diễn ra trong sự ấm cúng, thân tình của các Kitô hữu Việt Nam trên xứ sở Chùa Vàng.

Cùng đồng tế trong thánh lễ với Đức cha Phêrô, có cha Giuse Nguyễn Tiến Đức- dòng Đa Minh Việt Nam, và cha Gioan Phan Quốc Trực- dòng Ngôi Lời. Hiện diện trong thánh lễ hôm nay, có qúy xơ Việt Nam-dòng Mân Côi, qúy xơ Việt Nam- dòng Lasan Thái Lan và qúy thầy dòng Chúa Cưú Thế Việt Nam..

Đến tham dự thánh lễ với sinh viện Việt Nam, còn có các bạn lao công Việt Nam ở Băng-Cốc. Họ là những bạn trẻ người Việt vì hoàn cảnh khó khăn đã sang Thái lao động. Vì là những người sang Thái làm việc không được chính phủ công nhận, nên họ luôn lo âu, bất ổn vì sợ cảnh sát Thái bắt. Vậy mà, họ đã vượt những chặng đường dài, bất chấp khó khăn, đến với Chúa và để gặp gỡ Đức Cha Phêrô trong tâm tình của những con dân Việt Nam đến gặp mặt vị chủ chăn.

Thánh đường Assumption bé nhỏ như càng ấm cúng hơn bởi cộng đoàn chúng tôi ngồi xích lại gần nhau để cùng chia sẻ tâm tình với nhau, với vị chủ chăn, và với Chúa.

Số người tham dự vượt ngoài dự đoán, nên khi chia nhau tờ giấy hát, có chỗ hai người phải coi chung một tờ. Tiếng hát dù thiếu tiếng đàn piano đệm thường ngày, nhưng vẫn không kém phần trang trọng và thân tình. Mọi người ai cũng hồ hởi bởi ai cũng hiểu đâu phải dễ có dịp được tham dự thánh lễ của Đức Cha Việt Nam trên đất nước đền chùa Thái Lan này!

Một sự trùng hợp thú vị là bài tin mừng ngày hôm nay đề cập về sự mạc khải của Chúa Giêsu “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống.” Trong bài giảng, đức cha Phêrô đã hun đức đức tin cho chúng tôi khi nói: “Chúa Giêsu là đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha…” Ở đất nước Phật Giáo như Thái Lan, tìm đường đến với Chúa, đi lễ, đến nhà thờ quả không thuận tiện như ở Việt Nam, nhất là đối với các bạn trẻ sang lao động. Đối với sinh viên chúng tôi, việc giữ Chúa trong lòng, tránh xa các cám dỗ của đời sống xa nhà, thật là khó!. Huống hồ những bạn trẻ cùng tuổi với chúng tôi, họ vừa phải đánh vật với cuộc sống bên này, vừa phải tìm đường đến với Chúa, nên họ vất vả hơn chúng tôi bội phần!

Những tâm tình của cha Đức với Đức Cha Đệ tự nhiên làm tôi xúc động! Để tổ chức một thánh lễ cho người Việt quả là một sự cố gắng lớn của các cha cũng như của cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Băng- Cốc. Khởi sự từ việc tìm nhà thờ, đến việc tránh cảnh sát Thái, và trốn chủ nhà để đến nhà thờ, những người đi lao động vẫn không quản ngaị để đến với Chúa.

Tôi cảm phục những người dù vất vả, khổ cực nhưng vẫn giữ trọn niềm tin và hướng về Chúa như một điểm tựa vững chắc! Và tôi cũng thầm cảm ơn Chúa, cảm ơn những đóng góp của các bạn sinh viên đã tạo điều kiện để tôi và những bạn trẻ khác được đến gần Chúa và muốn sống theo Lời Chúa daỵ.

Buổi lễ đã kết thúc trong tình thân ái của mọi người. Những nụ cười thật tươi bên đức cha Phêrô, bên qúy cha qúy xơ và các bạn trẻ công giáo, có lẽ không chỉ lưu laị trong quyển album của sinh viên công giáo, mà còn trong trái tim mỗi người tham dự thánh lễ ngày hôm đó!!!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Từ chuyện ''Tu viện dòng Thánh Phaolô '' nghĩ về Thông tin trong Giáo hội
Alfonso Hoàng Gia Bảo
11:11 24/04/2008
Từ chuyện "Tu viện dòng Thánh Phaolô " nghĩ về thông tin trong giáo hội

Kính thưa Qúi Cha,

Bây giờ đã quá nửa đêm. Vào giờ này mọi ngày con đã đi ngủ. Nhưng tối nay sau khi đọc bản tin "Tu viện dòng Thánh Phaolô bị nhà nước chiếm làm khách sạn" bỗng dưng con thấy người 'tỉnh như sáo sậu' đành nán lại cùng VietCatholic để xin 'trút bầu tâm sự' vậy…

Thật là tội cho các Soeurs ở Tu viện Thánh Phaolô. Những người đã dâng hiến trọn đời mình làm việc thiện góp phần giúp đỡ tha nhân, những người bất hạnh trong xã hội, mà lẽ ra trách nhiệm là của chính quyền. Thế mà không hiểu sao người ta lại nỡ đối xử với các Soeurs tàn nhẫn đến thế? Nhìn những tấm hình kèm theo bài viết chụp từ một dòng tu bình dị biến thành đống đổ nát như vậy, chắn chắn không ai không cảm thấy bất mãn với việc làm của họ.

Những kẻ làm điều bất nhân, phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ đã đành. Tuy nhiên, sự việc khiến con cũng không khỏi thắc mắc vì sao những chuyện 'động trời' như thế (cùng bao trường hợp tương tự khác) xảy ra cho giáo hội, mà những giáo dân như con, hằng ngày hay theo dõi tin tức (tất nhiên không chỉ đọc mỗi báo quốc doanh), ngày Chúa Nhật cũng thường đi lễ nhà thờ mà chẳng bao giờ được chia sẻ, dù chỉ bằng một thông báo nhỏ từ các cha?

Thắc mắc là vì con nghĩ, thông tin nội bộ của bất cứ tổ chức nào, dù lớn hay bé cũng cần phải có và là nhu cầu chính đáng mà chẳng ai có quyền ngăn cấm. Hình thức thông tin có thể cũng khác với việc xuất bản một tờ báo, tạp chí mang tính chất truyền thông rộng rãi đến nhiều đối tượng hơn. Thông tin trong đạo mình có khi chỉ là những thông báo miệng sau mỗi thánh lễ ngày CN như các nhà thờ hay làm trước nay cho giáo dân biết việc này việc nọ.

Phần giáo dân chúng con cũng rất mong được chia sẻ cùng quí cha những chuyện buồn vui của giáo hội. Nhất là những việc càng khó, càng nhiều người biết các cha cũng đỡ phần lo lắng hơn. Như nhiều vụ giáo xứ khắp nơi bị chèn ép một cách mà mãi sau này nhờ có thêm phương tiện internet giáo dân chúng con mới rõ đầu đuôi ngọn ngành.

Cũng giống như trong một gia đình, việc hỏi han, thăm hỏi nhau xưa nay là luôn được xem bổn phận. Giáo hội tuy qui mô lớn hơn nhiều, nhưng con nghĩ không vì thế mà trở nên quá khó đến mức không thể làm được.

Về việc thông tin trong giáo hội. Cũng chính vì đánh giá tầm vóc quan trọng của nó, mà nhà nước sau 1975 đã sớm dựng lên tờ 'Công Giáo và Dân tộc'.

Thật ra cũng là điều tốt vì chúng ta được nhà nước 'tặng' cho một tờ báo mang tên đạo mình như vậy. Các các linh mục, tu sĩ 'bất đắc dĩ' phải tham gia vào cũng chẳng có gì đáng chê trách nếu như những vị ấy khôn khéo biết tận dụng sự hỗ trợ này vào mục đích truyền đạo thuần tuý.

Nếu những loại tin tức bị cho là loại 'nhạy cảm' trong quan hệ nhà nước - giáo hội, họ không đồng ý cho đăng tải, thì ngược lại những gì gây bất lợi cho giáo hội, các vị ấy cũng nên dùng 'gậy ông đập lưng ông', dựa vào chính sự can thiệp, ngăn cấm ấy để có cớ xin thoái thác mới là công bằng, sao lại nhắm mắt 'hại đạo' như những bài bênh đảng như trong vụ Tòa Khâm Sứ vừa qua?

Có một tờ báo mang danh nghĩa công giáo chào bán khắp các họ đạo, mà giáo dân vẫn mù tịt mọi chuyện giáo hội bị người ta chèn ép. Như vậy phải chăng từ trước đến nay việc giữ thông tin nội bộ trong giáo hội chưa được các đấng bề trên quan tâm đúng mức?

Bất công thì xưa nay thời nào cũng có. Nhưng kể từ 1975 đến nay, con thấy bất công mới ngày càng lộng hành dữ dội và công khai hơn.

Thời học thuyết Mácxít còn được nhà nước xem là lý tưởng, thì đối tượng 'chẳng ưa' của họ là những người có dính dáng đến chế độ cũ và các tôn giáo bị cho là 'thuộc phiện ru ngủ nhân dân'. Đến khi lý tưởng hão huyền này bị thực tế 'vả vào mặt' làm họ phải sáng mắt ra, thì lập tức họ quay sang đeo bám chặt lấy của cải, vật chất (duy vật biện chứng mà!) lúc này thì những người có tài sản, ruộng vườn lại trở thành nạn nhân. Giáo hội mình hiện diện khắp cả nước, cơ sở cũng nhiều. Vì vậy giai đoạn nào cũng là 'giáo oan' cả!

Những gì đọc được từ lịch sử cho con thấy, quyền lực càng trong tay người kém hiểu biết lớn chừng nào, thì tai họa càng dễ dàng ập xuống đầu người lương thiện càng nhiều chừng nấy và xảy ra bất cứ lúc nào họ muốn. Nhưng cũng từ sử sách, còn cho biết thêm trong những tình huống như vậy, những người bị bách hại nếu biết đoàn kết lại với nhau, dù chỉ ở mức độ chia sẻ tin tức cho nhau, số phận họ vẫn tốt hơn là im lặng theo kiểu 'hồn ai nấy giữ'.

Nói đến việc này, con chợt nhớ lại lá 'tối hậu thư' của bà Phó chủ tịch Quận Hoàn Kiếm trong vụ 'Tòa Khâm Sứ'. Sở dĩ đã không có chuyện đàn áp xảy ra hôm ấy, con nghĩ chẳng phải vì gần đến giờ G có thêm hàng trăm, hàng ngàn giáo dân khắp Hà-Nội đổ về khiến chính quyền thấy đông mà họ bối rối.

Lý lẽ này thật ra mới chỉ là bề nổi vì dễ cảm nhận nhưng thực tế chưa thật thuyết phục lắm. Bởi trong quá khứ đã từng có những vụ người biểu tình phản đối còn đông hơn thế nhiều lần, những 4-5 ngàn người như ở Thái Bình (4/1997) chẳng được mấy hôm đã bị hàng ngàn công an điều về dọn dẹp sạch sẽ.

Vụ 'Tòa Khâm Sứ' tuy có những đặc thù riêng của sự việc, tầm vóc cũng khác. Nhưng lý do khiến chính quyền không dám ra tay không phải vì con số 2 ngàn giáo dân có mặt vào 'giờ G'. Nhưng con nghĩ vì họ chưa giải được 'bài toán' ai, bằng cách nào kêu gọi giáo dân đến và liệu còn thêm chuyện gì xảy ra nếu tiếp tục đàn áp? Vì vậy mà họ đã chẳng dám ra tay 'dọn dẹp'. Tóm lại, vì chính quyền biết chắc mình làm sai nên họ rất sợ dư luận.

Ngày xưa, muốn bày tỏ sự đoàn kết đúng là chẳng dễ chút nào. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây internet trở thành thứ vũ khí hữu hiệu mà thời đại văn minh đã tặng không cho những người thấp cổ bé họng đang bị chèn ép khắp nơi. Ai bị đàn áp muốn lên tiếng xin cứ tự nhiên và chính nó đang làm 'đau đầu' các chính thể bất minh hiện nay, trong đó tất nhiên có cả VN mình.

Tuy nhiên, với súng đạn, nhà tù sẵn trong tay, họ sẵn sàng bỏ tù bất cứ người nào công khai chống đối những điều sai trái do chính họ gây ra mà chẳng cần biết lắng nghe ý kiến là gì. Điều này khiến ai nấy đều phải lo sợ, dù rất nhiều người bất mãn nhưng chẳng mấy ai có đủ can đảm như một số trí thức trẻ hiện đang bị giam cầm, và cả cha Tadéo Nguyễn Văn Lý nên hầu hết vẫn phải chọn giải pháp 'im lặng là…chì'.

Sống trong sự bế tắc như vậy, đôi khi ngẫm nghĩ 'cái sự biết' của mình nó có vẻ 'vô duyên' làm sao! Biết mà chẳng làm được tích sự gì, thôi chi bằng chẳng thà đừng biết, cứ làm ngơ cho qua, chỉ lo việc đọc kinh cầu nguyện cho yên chuyện. (mà cũng chưa chắc vậy đã được yên ổn?)

Thật chẳng may cho một đất nước, trong hoàn cảnh như vậy mà ai nấy cũng chọn giải pháp né tránh, chịu đựng chẳng dám cùng nhau lên tiếng thì không biết bao giờ xã hội mình mới chấm hết chuyện bất công? Mà chuyện bác ái - công bằng, cũng còn là mục tiêu sống đạo của những ai tin vào Chúa Jésus, bởi chính Thầy của mình vì nó mà phải chịu bao khổ nhục.

Vả lại, cuộc sống cũng còn những lý lẽ luôn ủng hộ cho hiểu biết ấy. Chẳng những thế đôi khi nó còn yêu cầu phải biết đúng nữa là đằng khác. Như những khi nhìn người thân trên giường bệnh trong giây phút lâm chung, mọi người ai nấy cũng chỉ còn biết khóc. Nếu có ai tỉnh táo hơn thì lo chạy 'cầu cứu' Cha sở, lâm râm kinh nguyện v.v…

Cũng là sự bất lực đấy! Nhưng nếu vì trục trặc thông tin sao đó mà họ đã không thể gặp được người thân yêu của mình trước lúc ra đi, thì cái sự 'không biết' ấy còn khiến họ phải ray rứt mãi sau này.

Ở một nhà thờ nhỏ ở Quận Bình Thạnh nơi con hay dự lễ. Những năm gần đây con thấy sau thánh lễ ngày Chúa Nhật, Hội đồng Giáo xứ hay phát cho mỗi người một tờ giấy nhỏ cỡ khổ A5 in hai mặt. Trên đó ngoài phần dành cho lịch phụng vụ, suy niệm phúc âm trong tuần, còn có cả một số tin tức đó đây liên quan đến giáo hội.

Với cách làm như vậy, chứng tỏ Cha sở ở đó Ngài không những quan tâm đến thông tin mà còn khá tâm lý giáo dân. Bởi với tỷ lệ người trẻ cao như ở VN hiện nay, (trong độ tuổi làm việc là gần 60%, số liệu 2006), quan sát giáo dân một buổi lễ cũng thấy điều này đúng, mà giới trẻ bây giờ họ rất năng động, nhu cầu hiểu biết cũng hơn thế hệ trung niên chúng con rất nhiều.

Tuy nhiên, con nghĩ thông tin cũng nên gần guĩ với thực tế hơn nữa vi cũng vẫn tại nhà thờ này, ngay hôm vụ 'Tòa Khâm Sứ' đang đến đỉnh điểm vào đúng vào chiều Chúa Nhật cuối tháng Giêng vừa qua, con hy vọng sẽ đọc được ở tờ thông tin nội bộ ấy chút tin tức liên quan nhưng rất tiếc chẳng thấy dòng chữ nào. Mà thay vào đó lại là tin về giáo hội một nước Châu Phi xa xôi và một tin khác về vị giám mục là tù nhân của Trung Quốc mới từ trần, trong khi chuyện lớn nhà anh láng giềng mình kế bên đang 'bốc lửa' thì chẳng thấy nhắc đến?

Con nghĩ chẳng phải Cha Sở không biết sự kiện đang diễn ra ở Tòa Khâm Sứ khi ấy nhưng có thể ngài còn ngại nên chưa dám chi in cho mọi người biết.

Tóm lại, trong hoàn cảnh mình bị áp bức thì càng là những chiếc đũa lẻ càng dễ bị họ mạnh tay bẻ gãy. Chân lý này cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Có khác chăng là quan niệm của mỗi thời đại về sự đoàn kết. Bây giờ là kỷ nguyên thông tin, ai quan tâm đến điều gì, chẳng cần phải lặn lội đến tận nơi như ngày xưa để tìm hiểu, rồi mới 'tham gia biểu quyết' được.

Việc tạo nên dư luận thời nay cũng chẳng cần phải tốn kém và nguy hiểm như phải in ấn, đi rải truyền đơn… mà chỉ cần chiếc máy tính đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cũng chẳng thua kém chút nào.

Tuy nhiên, ở xứ mình hiện nay quan trọng hơn cả vẫn chính bằng những sinh hoạt trong các nhà thờ.

Vài ý xin gởi đến các Quí Cha, nếu có gì không đúng con mong được chỉ bảo thêm.

(Một giáo dân Sàigòn)
 
Văn Hóa
Quê Mẹ (thơ)
lykhách
10:33 24/04/2008
Quê Mẹ

Hàng dừa đứng nghiêng chiều ven sông lặng gió
Dòng nước lờ lững trôi theo muôn thuở trầm ngâm
Tình non nước đầy trong tim từ thuở nhỏ
Lai láng yêu thương tình tự lúc nôi nằm

Quê hương ơi con yêu người lắm lắm
Như yêu mẹ hiền nhẫn nhục đến tội tình
Tình yêu ấy con không vội vàng say đắm
Nhưng dịu dàng theo con từng bước điêu linh

Con ra đi trong một buổi chiều nắng chết
Đèn nhà ai thắp sớm hiu hắt buổi hoàng hôn
Tuổi hai mươi bước đầu đời chừng thấm mệt
Trốn chạy quê hương vì chẳng biết khác hơn

Ôi cái đêm cô đơn trên trần toa xe lửa
Trốn về nơi chẳng chắc hướng tương lai
Sao trời long lanh như mẹ già lệứa
Cố cầm tiếng nấc để an ủi thằng con trai

Trong túi con là một mảnh khăn tay
Cắt từ chiếc áo bà ba cũ của mẹ may
Chẳng biết vì sao mẹ làm vậy?
Để lau lệ chăng? Sao lau hết lệ quê hương này?

Con quên cả rồi quê hương ơi
Thù xưa hận cũđã phai phôi
Chỉ còn lại trong tim niềm xa xót
Với nỗi đau theo đất nước con người

Quê hương bây giờ vẫn réo gọi trong con
Âm thầm, dữ dội như nước nguồn
Tình khe suối muốn trào ra biển lớn
Sau hơn ba mươi năm róc rách điệu ru buồn

Điệu ru ấy một thời nuôi con lớn
Đêm hỏa châu trời thắp sáng che sao
Tiếng đại bác tiếng khóc đêm lẫn lộn
Át cả tiếng ru của mẹ đến nghẹn ngào

Nghìn đêm tiếng súng im, hỏa châu trời đã tắt
Sao soi tình người hiu hắt như sao
Chiến tranh để lại bao tan nát
Hòa bình khâu lành vá víu được mấy nỗi đau?

Quê hương ơi còn bao nhiêu năm nữa
Cho người nhận ra niềm đau khổ của nhau
Cho người hiểu tình đồng bào chan chứa
Trong trăm con từ bọc mẹ đẻ đau

Trường Sơn đứng rũ buồn phía đằng Tây
Nhìn Hoàng Sa, Trường Sa cúi mặt chia tay
Mỗi tất đất có máu xương ông bà chảy
Trộn máu cháu con nên huyền thoại núi sông này

Mũi Cà Mau con nước chảy đục ngầu
Khóc Ải Nam Quan chắc đã mất còn đâu
Trên tiếng sấm còn vẳng lời thơ Nam Quốc
Như tiếng Lý Thường Kiệt xưa trách cứ nghìn sau!

“Nam quốc sơn hà của dân Nam
Ý trời chăng? sao cắt đất dâng sang
Ta chẳng cần khói nhang phúng điếu
Hãy giữ cho cháu con chút khí phách nguội tàn!”

Quê hương ơi dăm hàng thơ con viết
Khóc với người lời tha thiết Việt Nam
Nói với người nay và với nghìn sau nữa
Dù chỉ rã rời trong một tiếng thở than

Hàng dừa đứng ven sông chiều bỗng dưng dậy gió
Dòng nước trôi nhanh muôn sóng gợn lăn tăn
Tình non nước lớn lên từ thuở xa người đó
Réo gọi trong hồn con lời tổ quốc ăn năn!
 
Kinh nghiệm đau buồn với Bưu Điện Việt Nam!
Bùi Vũ
10:40 24/04/2008
Kinh nghiệm đau buồn với Bưu Điện Việt Nam

Hôm qua, ngày 23.4.2008 tôi đến bưu điện Thành phố Saigòn nằm cạnh nhà thờ chính tòa Sài Gòn, để gởi cho một người bạn tại Pháp một bức tranh thư pháp. Một bà già nhờ viết thánh vịnh 129 câu 5, để mừng cháu nhân dịp cháu tham dự lớp giáo lý bao đồng. Nhân viên bưu điện nói với tôi, chị phải điền nhiều giấy tờ lắm đó. Rồi anh tươi cười đưa cho tôi một xấp giấy, tất cả 6 tờ giấy A4 để điền, có những tờ có cả giấy than ở dưới để in thành ba bản giống nhau. Nếu gỡ chúng ra thì thủ tục có tất cả là 10 tờ khai giấy A4.

Nội dung trong những tờ giấy để điền đó là tên người gởi, tên người nhận, mô tả vật mình gởi, định giá tiền của bưu phẩm, để dán lên bên ngoài bao bì của bưu phẩm. Mô tả vật mình gởi để nhân viên hải quan biết trong bưu phẩm đó là cái gì. Và nhân viên bưu phẩm biết mình chuyển cái gì để mình cẩn thận như thế nào. Tôi phải mất 45 phút, vừa điền tất cả những giấy tờ đó, tôi mới hoàn thành thủ tục gởi bưu phẩm ra nước ngoài. Nhân viên bưu phẩm sau khi tính tiền gởi bưu phẩm là 643.000 nói với tôi, chị cho tôi 4000 đồng tiền tôi gói bưu phẩm cho chị. Tôi đưa tiền và cám ơn anh nhân viên tử tế ấy.

Tôi cất bước ra khỏi bưu điện vì cách làm việc tử tế ấy và an tâm vì món quà mình gởi sẽ đến nơi an toàn và đẹp. Như đã nói giá cước chuyển phát nhanh 1 bức tranh thư pháp loại vừa tới Pháp là 643.000 đồng. Tiền nhiều cũng tiếc nhưng tôi an tâm vì hy vọng quà mình gởi đến nơi an toàn. Còn nguyên vẹn.

Hôm nay,

Ngày 24.4.2008 một nhân viên đưa thư của bưu điện chuyển đến cho tôi một bưu phẩm gởi từ Roma về. Bưu phẩm là một phép lành tòa thánh, tôi xin để mừng 50 năm thành hôn của cha mẹ. Nhận bưu phẩm từ tay nhân viên, cũng một ống dài tựa như bức tranh thư pháp tôi gởi hôm qua mà tôi đau lòng muốn ứa nước mắt. Bưu phẩm của tôi bị nhân viên hải quan và nhân viên viên bưu điện gỡ bóc ra, chắc hẳn họ muốn kiểm duyệt nội dung bên trong. Các lớp băng keo bóc ra dán lại trông thật thô. Hai đầu ống xé rách chứ không gỡ hẳn hoi. Phần thân ống bẹp dúm méo mó. Tôi từ từ gỡ phép lành bên trong ra, thì ôi thôi “phép ấy là phép rách chứ đâu phải phép lành”.

Tôi chợt nghĩ, khi đi gởi phép lành cho tôi, người gởi nào chắc hẳn cũng bị nhân viên bưu điện bắt làm các thủ tục kỹ lưỡng như hôm qua tôi gởi bức tranh thư pháp. Vậy mà phép lành của tôi nó đã rách và xấu đi nhiều. Không lẽ nhân viên hải quan không biết đọc các chữ mà nhân viên bưu điện gởi bằng các phiếu gởi mô tả món đồ. Mà nếu không biết đọc chữ thì ít ra họ cũng là những người có văn hóa, được dạy cho “cách ăn, cách nói, cách gói, cách mở” như truyền thống Việt Nam dạy cho con cháu “học ăn, học nói, học gói, học mở” ngay khi còn bé chứ.

Nhận gói bưu phẩm mà lòng tôi buồn, vì những người đại diện cho một đất nước làm công việc giao dịch văn hóa, lại chẳng có tí nào văn hóa. Nếu họ không biết đọc chữ, mà nghi ngờ nội dung bên trong thì ít ra họ cũng mở nắp ống cách khéo léo, dán lại cho đẹp mắt. Mà nói đến chuyện nghi ngờ thì tôi lại càng đánh giá thái độ đó là thái độ không được có của người làm giao dịch. Vì nhiệm vụ nghi ngờ vật gởi đó là nhiệm vụ của người nhận ở bưu điện chứ đâu phải của người giao dịch trên đường.

Nhận gói bưu phẩm mà tôi buồn, vì không biết đến khi nào nhân viên hải quan mới được giáo dục cho xứng đáng để cho người dân dám tin tưởng để trao cho họ vận chuyển quà tặng của người khác. Nhận gói bưu phẩm mà tôi buồn, vì đất nước tôi phải sống dưới một chế độ mà người ta dốt không biết đọc chữ mà làm nhân viên hải quan và nhân viên bưu điện, người ta không xứng đáng để giữ gìn và chuyển trao sự bí mật nhân bản của người khác, người ta không có khả năng làm nhiệm vụ mà không xúc phạm dến người khác.

Ước chi khi nền giáo dục Việt Nam được quan tâm để không có những chuyện như thế xảy ra, để người nước ngoài không còn đánh giá dân Việt Nam kém văn hóa, 4000 năm văn hiến mà tràn ngập những người thiếu văn hóa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Điệu Nhạc Jazz Trên Bờ Sông Mississippi
Lm. Trần Cao Tường
11:26 24/04/2008

Điệu Nhạc Jazz Trên Bờ Sông Mississippi



Ảnh của Cao Tường

Điệu nhạc Jazz với tiếng kèn saxo sao mà trầm buồn ray rứt quá, nhưng cũng rất hào sảng cao ngạo.

Nó cười vào mặt nhân gian.

Nó như cũng nhắc cho người ly hương

nhìn theo hướng sông kia mà tìm về nguồn ngọn mình giữa những xô bồ nổi trôi của kiếp nhân sinh..

(TCT)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền