Ngày 14-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống hiệp thông chia sẻ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
11:47 14/05/2008
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Sống hiệp thông chia sẻ

Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.

Cậu bé hỏi: tại sao?

Người cha trả lời: vì nó tức nên nó đâm trái.

Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.

Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?

Mẹ đáp: vì ông nội già rồi.

Bé lại hỏi: thế bà nội già rồi sao không chết ? Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.

Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng. Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu nổi. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau: Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực, qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa như vậy nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm vậy.

Thế nhưng, tình yêu ấy có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất. Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu,trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiễu nổi.Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1 ?.

Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.

- Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước ( Đnl 6,4-5). Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.

- Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”( Mt 28,19).Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô,tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa,dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về về thần tính và ưu phẩm,nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II: Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha, Chúa Cha chia sẽ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.Đức Kitô thực hiện phần đầu.Ngài nhập thể,mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên,đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bổng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa,hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết,chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ,ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quang Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo hội là dân tộc lữ hành,phát xuất từ Chúa Cha,sẽ trở về với Chúa Cha,nhờ trung gian của Đức Kitô,dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô,được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH 1; GLCG số 772).Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội.Giáo hội là công trình của Ba Ngôi.Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá,Nhà Tạm,Bàn Thờ.Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.Trên Thánh Giá,Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.Ngài tự nguyện chịu đau khổ,chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha,để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực. Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh,cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô,Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một( Ga 17,21).

Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa,tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu,không gặp mâu thuẫn đau khổ.Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẽ,là ở lại trong tình yêu.Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác ”Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẽ trong cuộc sống hàng ngày của mình.
 
Giải đáp phụng vụ: Gậy dùng trong đám rước của Đức Giáo Hoàng.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
12:48 14/05/2008
“Và nói thêm về Thánh Lễ tại Trung Quốc”.

ROME (zenit.org).- Gải đáp của Cha Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum.

Con đã lưu ý về việc Đức Thánh Cha cầm một cây GẬY đi kiệu mới. Cha có thể nói cho chúng con biết về cây GẬY mới này và có lẽ tại sao Đức Thánh Cha quyết định cầm gậy mới này hơn là gậy ngài đã cầm trong nhiều năm qua—cũng một cây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cầm? Có những qui luật và những chỉ thị nào cho kiểu cây gậy mục tử Đức Thánh Cha có thể cầm chăng? B.D., Columbia City, Indiana.

Tôi cũng đã lưu ý về cây gậy mục tử mới này mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sử dụng. Đang khi tôi không có những nhận thức đặc biệt về tâm trí của Đức Thánh Cha, tôi nghi ngờ đến việc chúng ta ra sức đào sâu những lý do thần học sâu xa. Lý do có lẽ nhất là ngài cho cây gậy này hạp với sở thích của ngài hơn là một cây gậy khác.

Cây gậy mục tử có hơi trừu tượng mà Đức Gioan Phaolô II đã cầm đi khắp thế giới là cây gậy đầu tiên do Đức Giáo Hoàng Paul VI vẽ kiểu, ngài là người sành và cổ võ về nghệ thuật thánh. Đức giáo Hoàng người Ý đã thiết lập một toà nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong các bảo tàng viện Vatican và đã đặt làm một tượng to lớn Chúa Kitô Phục Sinh bằng đồng trong sảnh đường Phaolô VI.

Trước sự cải tổ công đồng, việc sử dụng một cây gậy phép hay gậy mục tử hầu như không được biết trong những phụng vụ giáo hoàng.

Điều này xảy ra là vì việc ấn định cây gậy mục tử cho một giám mục không phải bắt nguồn tại Roma nhưng, có lẽ tại Tây-ban-nha trong thế kỷ thứ bảy từ đó mới lan rộng tới phần còn lại châu Au.

Các giáo hoàng không bao giờ chấp nhận việc sử dụng gậy phép. Cả ngày nay nghi thức mới công nhận một giáo hoàng dự liệu sự trao pallium và đeo nhẫn Ngư Phủ, chớ không trao gậy mục tử.

Trong những lý do viện dẫn cho sự bỏ này trong Thời Trung Cổ là điếu đó không thích hợp bởi vì sự lãnh gậy mục tử bao hàm sự tấn phong nhân danh một kẻ bề trên đang khi các giáo hoàng lãnh nhận quyền hành của mình bởi một mình Thiên Chúa.

Trong một số dịp hoạ hiếm, như sự mở Cửa Thánh và sự hiến thánh một nhà thờ, các giáo hoàng sử dụng một cây gậy có thánh giá trên đầu gậy, và tập quán này đã được chấp nhận sau sự cải tổ phụng vụ dự liệu sự sử dụng thường hơn gậy mục tử trong các phụng vụ giáo hoàng.

Cây gậy Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sử dụng có nguồn gốc từ Đức Giáo Hoàng Chân Phước Pius IX và xem ra nhẹ hơn nhiều. Đây là một cái gì có ưu thế, khi xem xét thời đại Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Không có luật riêng biệt nào bắt buộc Đức Thánh Cha chọn một mẫu vẽ gậy nầy hơn gậy khác, và đó là hoàn toàn một vấn đề nhạy cảm nghệ thuật giáo hoàng.

* * *

Tiếp theo: Thánh Lễ được nhà nước Trung Quốc cho phép

Theo sau những giải thích của chúng tôi về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, một linh mục với kinh nghiệm lâu ngày làm việc tại Bắc Kinh viết, ngài “đã thất vọng” vì tôi có thể cho ấn tượng là chúng ta đang xử lý với hai chớ không phải với một Giáo Hội Trung Quốc.

Tôi không hoàn toàn xác tín rằng điều tôi đã viết để lại một ấn tượng như thế. Bằng cách đặt tiếng “official-chính thức” trong dấu ngoặt kép, tôi đã cố ý nhấn mạnh rằng tôi chấp nhận một kiểu nói thường dùng nhưng không chính xác hoàn toàn.

Cũng vậy, bằng cách vẽ một đường song song với tình huống cuộc Cách mạng Pháp tôi đã hy vọng chứng tỏ rằng chúng ta không xử lý với hai Giáo Hội nhưng với hai cách đáp ứng cho một sư can thiệp không thể biện minh bởi nhà nước trong sự sống của Giáo Hội. Một số người đã chấp nhận một sự thông cảm với nhà nước; những kẻ khác đã chống đối cách anh hùng và đã phải trả, và tiếp tục trả bằng một giá nghiêm khắc cho lòng trung của mình với Roma.

Tuy nhiên, vì lòng tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm cá nhân của độc giả chúng tôi, và để làm sáng tỏ những nghi ngờ kéo dài, tôi thuật lại dưới đây nội dung sứ điệp của độc giả.

“Cha McNamara thân yêu, con thất vọng khi đọc những giải thích của cha về giáo hội ‘chính thức’ Trung Quốc. Dầu cha đã không tuyên bố điều gì sai, ‘ấn tượng” cha để lại nên cớ cho con phải trả lời trong đức ái và để làm sáng tỏ.

“Sự kiện là: lập trường chính thức Vatican luôn luôn vẫn là một giáo hội tại lục địa Trung Quốc—nhưng như Đức Gioan Phaolo II đã thỉnh thoảng lập đi lập lại, đó là một giáo hội ‘chia rẽ’. Giáo Hội ‘chính thức’ Trung Quốc không phải là một giáo hội ly giáo. Các bí tích của giáo hội này thì thành sự nhưng bất hợp lệ.”

“Hai là, như hầu hết các nhà Hán học sẽ nói với cha, lối 97% giám mục hiện giờ đã được Vatican hợp thức hoá. Để bảo đảm sự an ninh của các giám mục Trung Hoa, Vatican không bao giờ nói những ai đã được hợp thức hoá.

“Tuy nhiên, trong vài trường hợp, lúc phong chức một số giám mục, thơ hợp thức hóa của Đức Giáo Hoàng đã được đọc trước hoặc sau thơ bổ nhiệm bởi Hiệp Hội Yêu Nước Công Gíáo Trung Hoa. Ví dụ, giám mục Bắc Kinh mới được phong chức, Giuse Li Shan, được phê chuẩn bởi CCPA và được hợp thức hóa bởi Vatican. Trong cuộc thăm viếng Bắc Kinh mới đây của con, con đã ghi nhận rằng…linh mục kẻ sau con tiếp quản viêc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo nước ngoài, đã được phép từ Giám Mục Li để ban thêm sức.

“Thơ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một lúc ‘bước ngoặt trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa…Thơ đó công nhận rằng một giáo hội bí mật không nhất quán với lịch sử chúng ta, và khuyên các giám mục được hợp thức hóa ‘khi tiện lợi’ chấp nhận sự hợp thức hóa của họ.

“Con muốn xin cha vui lòng vẽ một hình ảnh chính xác của những người Công Giáo Trung Hoa.”

Tất cả những gì tôi có thể nói để kết thúc là mời tất cả những đọc giả chúng tôi cầu nguyện cho sự hiệp nhất và sự hài hoà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ao ước cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, được hoàn thành sớm hết sức.
 
Sức mạnh của sự sống
LM Nguyễn Hồng Phúc
18:04 14/05/2008
SỨC MẠNH CỦA SỰ SỐNG

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng về Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con…

Ở ngay công thức tuyên xưng đầu tiên, chúng ta đã tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Chính vì vậy, khi lật giở những trang đầu tiên của Cựu Ước thì trong sách Sáng Thế đã mô tả, Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước… Một cách diễn tả Chúa Thánh Thần là sự sống và là Đấng ban sự sống. Sự sống được thể hiện khi Đức Chúa Trời thổi hơi vào lỗ mũi ban sự sống cho con người đầu tiên Adam, Eva. Một hình thức diễn tả rất đơn sơ nhưng rõ ràng, rằng: Hơi thở là sự sống. Hơn nữa còn là hơi thở của Thiên Chúa là chính sự sống của Thiên Chúa. Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện xuống trên các thánh Tông đồ trong ngày lễ hôm nay. Chúa Giêsu cũng trao ban Thánh Thần khi Người thổi hơi trên các Tông đồ và phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20,22-23). Chúng ta thấy sự sống được nâng lên… Không phải sự sống thể lý mà còn là sự sống tâm linh: Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại. Quyền lực ấy đến từ Thánh Thần, tội bị cầm lại là sự chết, tội được tha là sự sống. Vì vậy thánh Gioan nói với dân chúng rằng: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần” (Mt 3,11). Như vậy Thánh Thần là sự sống siêu nhiên, không chỉ là sự sống cho các tín hữu mà thôi mà còn tôn vinh sự sống của Thiên Chúa nữa.

Tại sao chúng ta nói như vậy, bởi lẽ, chúng ta bắt đầu từ sự sống nơi Chúa Thánh Thần. Tất cả chúng ta quan sát các hoạt động trong hệ mặt trời cho thấy là, muôn vật trên trái đất sáng lên là nhờ phản chiếu từ ánh sáng mặt trời, kể cả mặt trăng sáng lên, cũng là nhờ mặt trời bừng chiếu sáng. Vậy ánh sáng từ mặt trời do đâu? Các nhà khoa học phân tích rằng: Ánh sáng từ mặt trời là do chính năng lượng từ mặt trời tiêu hao, toả sáng ra. Vì thế, mặt trời trước đây năm tỉ năm là một mặt trời đỏ rực, còn bây giờ mặt trời của chúng ta được các nhà khoa học gọi là Chú lùn vàng. Bởi lẽ, năng lượng mặt trời tiêu hao và ngả sang màu vàng. Rồi thời gian sẽ trôi qua, từ mầu vàng, mặt trời sẽ ngả sang mầu trắng. Khi không còn năng lượng tiêu hao thì chu trình vật chất sẽ bị co lại. Mặt trời nguội lạnh, đồng thời bị tiêu tan. Quả vậy, nếu mặt trời không còn tiêu hao chính mình nó sẽ bị tự huỷ do chu trình vật chất co giãn theo nhiệt độ, khi không có năng lượng cho mình thì vật chất sẽ bị phá tan.

Từ những quan sát khoa học thực tế, chúng ta hiểu một chút về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật ra, đã là mầu nhiệm, chúng ta không thể hiểu hết được … nhưng từ thực tế chúng ta có thể hình dung được phần nào Thiên Chúa Ba Ngôi sống bằng năng lượng tình yêu toả sáng. Năng lượng tình yêu làm cho Thiên Chúa Ba Ngôi luôn sống động, Đó là chính Thánh Thần, Đấng Nhiệm xuất từ tình yêu Chúa Cha và Chúa Con. Ngày nào không còn năng lượng tình yêu thì mặt trời công chính kia cũng sẽ tắt. Vì thế, thánh Phaolo khuyên nhủ chúng ta rằng: “Anh em đừng dập tắt lửa Chúa Thánh Thần” (Ep 4,30 ). Mỗi người chúng ta sống được trong đời sống tâm linh cũng là nhờ hơi thở hay là gió của Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần - Đấng ban sự sống thì chúng ta hãy nghe lời Kinh Thánh nói:

“Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,

mà trở về cát bụi.

Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,

và Ngài đổi mới mặt đất này. ” (Tv 103, 29 - 30)

Quan trọng như vậy, cho nên Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng: “Còn nhiều điều Thầy muốn nói với các con, nhưng bây giờ các con chưa thể hiểu được. Khi nào Thần Chân Lý, Đấng từ Cha Thầy mà đến, Ngài dạy các con biết tất cả về sự thật.” (Ga 14,26 ) Đó cũng là lý do tại sao ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lại là ngày khai sinh Giáo Hội, vì Chúa Kitô nói rằng: “Ngày ấy các con không phải hỏi Thầy về điều gì nữa” (Ga 16,23). Chính Đức Giêsu đã dạy cho các Tông đồ từ chân tơ kẽ tóc mà các ông còn hỏi nhiều điều mà chúng ta thấy rất là ấu trĩ: “Xin Thầy tỏ Cha cho chúng con, và như thế chúng con lấy làm mãn nguyện” (Ga 14,8 ) đến nỗi Chúa Giêsu phải nói rằng: “Con không tin là Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao? Sao con còn nói xin tỏ Cha cho chúng con?” (Ga 14,10).

Với các Tông đồ khác thì hỏi rằng: “ Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy thiết lập nước Israel chăng?” ( Cv 1,6). Chúa Giêsu cũng phải nói là: “Đây không phải là việc để các con nói về quyền năng của Thiên Chúa…”. Giacôbê và Gioan, hai Tông đồ thân tín nhất mà còn xin Chúa cho ngồi bên tả, bên hữu Chúa ngay trước khi Chúa đi chịu khổ nạn. Các ông tỏ ra không hề hiểu biết gì vì sắp đến lúc hoàn tất mà các Tông đồ không hề hỏi gì về công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rằng: Phải đợi Thánh Thần Chân Lý đến, dạy các con biết tất cả sự thật và ngày đó các con không phải hỏi Thầy điều gì nữa. Đó là ngày hôm nay, ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày khai sinh Giáo Hội trần gian. Tất cả các Tông đồ đều tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hiện xuống lấy hình lưỡi lửa biểu hiệu của ngọn lửa là sự thánh hoá, thiêu đốt, có sức mạnh biến đổi lòng người trong phút chốc để được cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, trong ngọn lửa tình yêu thánh hoá. Và biểu hiệu thứ hai, gió mạnh thổi vào nhà. Đó là sức mạnh của sự sống. Hai biểu hiệu của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Ngoài ra còn có thêm biểu hiệu nữa là các Tông đồ nói tiếng mẹ đẻ của mình nhưng tất cả mọi người đều nghe tiếng mẹ đẻ của họ mặc dù họ đến từ khắp các miền trên thế giới. Và như vậy, Chúa Thánh Thần là sự sống, là sức mạnh và là sự hiệp nhất. Vì nhờ Thánh Thần mà ngay từ giây phút đầu tiên, những người nói các thứ tiếng khác nhau lại hiểu chung trong một ngôn ngữ mà các Tông đồ đang nói. Vì vậy, ngày hôm nay, Giáo Hội ở khắp trần gian vẫn còn tiếp tục nói những thứ tiếng khác nhau nhưng hiểu chung trong Chúa Thánh Thần. Ngài là nguyên uỷ của sự hiệp nhất, nguyên uỷ của sự thánh thiện và nguyên uỷ của sự sống.

Một lần nữa, chúng ta cùng Giáo Hội tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống để như Chúa Thánh Thần đã xuống tràn ngập tâm hồn của các Tông đồ ngày xưa thế nào thì ngày nay Ngài vẫn sống và xuống trong tâm hồn mỗi tín hữu trên toàn Giáo hội như vậy.

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, mời gọi m người chúng ta mở rộng lòng, đón nhận Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ hiểu biết những tiếng lạ và chúng ta sẽ hiểu biết nhau trong ngôn ngữ của tình yêu thương, hiệp nhất. Chúng ta biết Giáo hội là Mẹ và hiểu về Thiên Chúa là Cha. Chúng ta sẽ luôn có Thánh Thần cùng hoạt động và làm cho cả thế giới này cùng chung một ngôn ngữ Tình Yêu. Biết rằng, dù phân chia ở khắp mọi nơi nhưng như thánh Phaolô diễn tả: “Có nhiều chi thể khác nhau nhưng trong cùng một cơ thể” (Ep 4,16). Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động, liên kết mọi thành phần trong Giáo Hội trao ban sự sống cho Giáo Hội và hướng Giáo Hội về sự thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến tràn ngập vũ trụ và canh tân bộ mặt trái đất cũng canh tân tâm hồn mỗi người chúng con. Giáo Hội luôn nhắc chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi cầu khẩn điều gì: “...Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con.”

Trong tâm tình đó, chúng ta mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống cho chúng ta. Amen.
 
Tri ân lòng nhân lành của Đức Mẹ Maria
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
18:22 14/05/2008
TRI ÂN LÒNG NHÂN LÀNH ĐỨC MẸ MARIA

Vào đầu thập niên 1920, ông Rodolfo Cucculelli là thợ rèn giỏi giang nơi làng quê ở miền Nam nước Ý. Từ 12 năm qua, ông tận tâm phục vụ khách hàng không ngơi nghỉ. Sở dĩ được như vậy là vì ông học nghề với Ông Nội Enzo ngay từ thưở mới lên 7 tuổi.

Hồi ấy, cứ mỗi buổi chiều từ trường trở về nhà, Rodolfo đều dừng lại nơi nhà Ông Nội là thợ rèn. Cậu bé ở lại đó mãi cho đến khi mẹ cho người đến gọi mới về. Mỗi ngày, giữa hai ông cháu đều đặn diễn ra cuộc trao đổi ”văn hóa”. Rodolfo kể lại cho Ông Nội nghe tất cả những gì cậu bé học được tại trường. Phần Ông Nội Enzo, luôn luôn dành sẵn cho chú bé một món đồ chơi mới! Mỗi ngày mang lại cho hai ông cháu một niềm vui lạ. Vì thế, ngày Ông Nội cao niên, dĩ nhiên Ông Nội giao trọn cái lò rèn cho người cháu thân yêu, luôn 'hủ-hỉ' gần kề trong những tháng ngày xuân xanh tươi trẻ.

Từ đó, ông Rodolfo làm chủ cái lò rèn cùng với một chú thợ giúp. Một buổi sáng, chú thợ đi vắng, ông chủ làm việc một mình. Vì làm việc quá nhiều và quá mệt, ông Rodolfo lơ đãng đặt trên đầu kệ một thanh sắt nặng. Ông bỏ đó rồi đi nghỉ. Đến chiều, khi trở lại lò rèn, ông đi ngang cái kệ có thanh sắt. Thanh sắt bỗng rớt trúng ngay đầu ông Rodolfo. Sau vài phút hoàn hồn, ông bắt đầu làm việc như thường.

Ông làm không được lâu, vì ông cảm thấy đau đầu kinh khủng. Ông quyết định đóng cửa lò rèn. Nhưng chỉ đi được vài bước, ông bị ngã quị vì đau đớn. Ông kêu người đến giúp. Người nhà thấy tình trạng khẩn trương vội vàng mang ông Rodolfo đến ngay nhà thương. Tại nhà thương, tình trạng sức khoẻ ông càng trầm trọng hơn. Chỉ trong vòng vài giờ, ông bị bán thân bất toại và mất hẳn con mắt trái.

Tuy nhiên, trong tất cả tiến trình tai nạn thảm thương bất ngờ này, ông Rodolfo vẫn giữ nguyên nét bình thản. Rồi ông khẩn thiết cầu nguyện và cầu nguyện. Ông cầu nguyện với trọn tâm tình. Trong khi đó thì các bác sĩ tỏ ra tuyệt vọng, bó tay chịu trận. Sau vài ba ngày giữ ông tại nhà thương, họ ký giấy cho ông xuất viện.

Ngay buổi tối hôm ấy tại nhà, ông Rodolfo Cucculelli nằm mơ thấy Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA hiện ra trong phòng mình. Hai Vị nói chuyện thì thầm với nhau khiến ông không nghe được gì. Cho tới một lúc, ông Rodolfo thấy Đức Chúa GIÊSU cúi đầu tỏ dấu khiêm tốn vâng phục và ông chỉ nghe rõ ràng từ miệng Đức Mẹ phát ra 4 tiếng:

- tháng 5 ngày 8!

Khi tỉnh dậy, ông Rodolfo thấy mình được khỏi chứng bán thân bất toại. Ông vui mừng không tả xiết. Đây là một phép lạ tỏ tường khiến không ai chối cãi được, kể cả các bác sĩ.

Thế nhưng, vẫn luôn luôn có những kẻ ”bán tín bán nghi”. Họ nghi ngờ đặt vấn nạn:

- Nếu đúng là phép lạ, tại sao chỉ có một phần? bởi vì, con mắt trái vẫn còn bị mù?

Về phần ông Rodolfo, mặc ai phản ứng thế nào tùy ý, ông vẫn một lòng yêu mến cùng dâng trọn niềm tri ân lên Đức Mẹ. Ông trở lại với công việc thường ngày nơi lò rèn. Nhưng ông không bao giờ quên 4 tiếng:

- tháng 5 ngày 8!

Hai tháng lặng lẽ trôi qua. Đúng ngày mùng 8 tháng 5, ông Rodolfo đóng cửa lò rèn và mau mắn đến nhà thờ. Ông dự định sẽ ở lại nhà thờ lâu thật lâu để cầu nguyện. Trong đầu ông luôn vang vọng:

- mùng 8 tháng 5!

Khi vào nhà thờ, ông Rodolfo đến thẳng trước Nhà Tạm, cúi mình thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Xong, ông đến bàn thờ dâng kính Đức Mẹ MARIA. Nhưng ông ngạc nhiên biết bao khi nhận ra Đức Mẹ trong bức ảnh cũng là Đức Mẹ đã hiện ra với ông trong giấc mộng. Ông bối rối phủ phục trước bức ảnh và khi ngước mắt nhìn lên, ông ngạc nhiên như thấy bức ảnh Đức Mẹ cứ mỗi lúc một đẹp hơn, đẹp hơn mãi. . Lúc đó, ông Rodolfo mới nhận ra mình chiêm ngắm bức ảnh Đức Mẹ MARIA với cả hai con mắt nguyên vẹn.

Nói sao xiết, kể sao cùng nổi niềm tri ân của ông Rodolfo Cucculelli đối với lòng từ ái bao la của Hiền Mẫu Thiên Quốc.

Hôm ấy là ngày mùng 8 tháng 5.

... Đức Chúa GIÊSU nói với các môn đệ: ”Anh em hãy tin vào THIÊN CHÚA. Thầy bảo thật anh em: Nếu có ai nói với núi này: 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển!' mà trong lòng chẳng chút nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Máccô 11,22-24).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.13, 23-3-2003, trang 15)
 
Chủng sinh Ý ''nô lệ Tình yêu Đức Mẽ Maria''
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
18:23 14/05/2008
CHỦNG SINH Ý ”NÔ LỆ TÌNH YÊU ĐỨC MẸ MARIA”

- Lạy Đức Trinh Nữ MARIA dịu hiền, Mẹ của lòng tin tưởng, con chạy đến cùng Mẹ để xin Mẹ ban cho ơn tin cậy, can đảm và sức mạnh hầu sống thánh thiện trên con đường tiến lên bàn thánh. Xin Mẹ cho con ơn quảng đại yêu mến Đức Chúa GIÊSU, không từ chối Ngài điều gì, theo mẫu gương của Mẹ. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho con được làm một Linh Mục thánh thiện, nếu không, xin Chúa đem con về Trời để chúc tụng THIÊN CHÚA đến mãi muôn đời.

Trên đây là lời kinh dâng lên Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA của một tiểu chủng sinh 12 tuổi. Đó là Bruno Marchesini.

Bruno chào đời ngày 8-8-1915 tại Bagno di Piano, tỉnh Bologna (Bắc Ý). Bruno là con thứ 7 trong một gia đình Công Giáo vừa đạo đức vừa đông con. Ngay từ thơ ấu, lúc vừa biết nói, bé Bruno đã thuộc làu các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh và nhất là ba mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng cũng như Kinh Cầu Đức Bà. Cậu bé luôn có mặt trong các buổi lần hạt Mân Côi chung trong gia đình. Vì thế, năm lên 5 tuổi, bé Bruno đã là chú giúp lễ trang nghiêm. Nhìn thấy cậu bé chững chạc trong chiếc áo giúp lễ, ít có người tưởng tượng được rằng bé Bruno mới lên 5! Chưa hết, vào ban chiều, nơi nhà thờ giáo xứ, với giọng trong trẻo, lảnh lót, cậu bé Bruno xướng kinh lần hạt Mân Côi. Cha xứ thường âu yếm nói đùa:

- Bé Bruno là cha phó của tôi!

Về phần Bruno, cậu bé không nhút nhát cũng không vênh vang tự đắc. Cậu bé chu toàn ”nghĩa vụ trao phó” với nét vừa trang trọng vừa hồn nhiên của một thiếu nhi. . Ban đầu, toàn thể giáo xứ nức lời khen ngợi. Ai ai cũng trầm trồ một thiếu nhi phi thường. Nhưng rồi, dần dần mọi người quen đi và không ai còn coi đó là chuyện khác thường nữa. Tuy nhiên, bé Bruno vẫn giữ nguyên tư cách trang trọng và trung tín trong hai nghĩa vụ: giúp lễ và xướng kinh lần hạt Mân Côi, cho đến khi gia nhập tiểu chủng viện vào năm 12 tuổi. Đối với chủng sinh Bruno thì đây là khoảng đời 7 năm vàng son nhất của thời thơ ấu.

Năm 1927, Bruno gia nhập tiểu chủng viện giáo phận Bologna. Vừa tựu trường, chú chủng sinh cảm thấy ngay là phải tận hiến cuộc đời cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Và chú chọn ngày 10 tháng 12. Trên một bức ảnh thánh, Bruno ghi hàng chữ: ”Tận hiến cho Đức Mẹ MARIA ngày 10-12-1927”. Bruno cũng ghi trong nhật ký lời dốc lòng:

- Phải luôn luôn sống ẩn mình. Phải đạt cho được nhân đức sống ẩn mình.

Bốn năm sau - 16 tuổi - Bruno cảm thấy việc tận hiến cho Đức Mẹ MARIA vào năm 1927 mới chỉ là một việc tận hiến sơ sài, hời hợt. Chú nghĩ rằng, đã đến lúc mình phải tận hiến toàn thân cho Đức Mẹ. Và Bruno chọn tháng 5 để thực hiện việc tận hiến này. Chú đọc và suy gẫm cuốn ”Thành thực sùng kính Đức Mẹ MARIA” của thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1673-1716). Sau cùng, ngày 13-5-1931, Bruno tận hiến cho Đức Mẹ MARIA như người con ”nô lệ tình yêu vĩnh viễn” của Mẹ.

Và chú Bruno đã trung thành với việc tận hiến này cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1938. Tình yêu đối với Đức Mẹ MARIA đã làm cho chủng sinh Bruno như luôn luôn giữ được nét đẹp trong trắng, hồn nhiên và tươi mát của tuổi trẻ. Bruno luôn cố gắng thi hành lời đoan hứa:

- Hãy yêu mến Đức Mẹ MARIA bằng một tình yêu đậm đà thắm thiết.

Chủng sinh Bruno trung thành với việc lần hạt Mân Côi hàng ngày. Chú viết trong nhật ký:

- Hãy suy niệm các mầu nhiệm đọc trong khi lần hạt Mân Côi, cũng như các lời khẩn cầu tương ứng với các mầu nhiệm này. Trước khi vào nhà nguyện, hãy hồi tâm thống hối những lỗi lầm và xin Chúa ban ơn tha thứ.

Ngoài ra, Bruno còn trung thành với việc xưng tội vào mỗi ngày thứ bảy. Cứ mỗi lần dọn mình xưng tội, chủng sinh Bruno lại đọc lời nguyện dâng lên Đức Mẹ MARIA:

- Lạy Đức Trinh Nữ dịu hiền, Mẹ của lòng tin tưởng, con chạy đến cùng Mẹ để xin Mẹ ban cho ơn tin cậy, can đảm và sức mạnh hầu sống thánh thiện trên con đường tiến lên bàn thánh. Xin Mẹ cho con ơn quảng đại yêu mến Đức Chúa GIÊSU, không từ chối Ngài điều gì, theo mẫu gương của Mẹ. Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho con được làm một Linh Mục thánh thiện, nếu không, xin Chúa đem con về Trời để chúc tụng THIÊN CHÚA đến mãi muôn đời.

Tháng 8 năm 1937, thầy Bruno tròn 22 tuổi. Nhân dịp này, thầy long trọng lập lại lời đoan hứa với Đức Mẹ MARIA là giữ mình trinh khiết đến trọn đời. Nhưng Đức Chúa GIÊSU đến gõ cửa tâm hồn thầy. Chúa muốn đưa thầy về Trời sớm với Ngài. Thầy Bruno ngã bệnh và bác sĩ khám phá ra thầy bị lao phổi nặng, đã đến giai đoạn cuối cùng. Thầy Bruno anh dũng tiếp nhận tin không lành và can đảm chịu bệnh cho đến sáng ngày 29-7-1938 thì êm ái ra đi về NHÀ CHA, hưởng dương 23 tuổi.

... ”Thầy chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. . Thầy chính là Mục Tử Nhân Lành. Thầy biết chiên của Thầy, và chiên của Thầy biết Thầy, như THIÊN CHÚA CHA biết Thầy, và Thầy biết THIÊN CHÚA CHA, và Thầy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10,11-15).

(P. Luigi Faccenda, ”Testimoni di Maria”, Edizioni dell'Immacolata, 1993, trang 84-91)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 14/05/2008
CHUỘT GẢ CON GÁI

N2T


Một gia đình chuột cư ngụ trong kho báu của một gia đình giàu có, suốt ngày không lo lắng, vợ chồng nhà chuột không có con trai, chỉ có đứa con gái mà thôi, do đó mà hai vợ chồng rất cưng yêu con gái, và coi nó như hạt minh châu trong tay.

Tục ngữ nói: con gái lớn tuổi mười tám thì thay đổi. Chuột cô nương lớn rất nhanh và lại rất đẹp, chớp mắt đã đến tuổi lấy chồng, hai vợ chồng nhà chuột muốn hỏi ý tứ tâm trạng của con gái, chuột cô nương mắc cở đỏ mặt nói: “Con muốn tìm một người vĩ đại nhất trên thế giới để làm chồng.”

Nhưng đi đầu tìm cho được người vĩ đại nhất trên thế giới hử ? Yêu cầu này làm cho vợ chồng nhà chuột thật khó xử. Nhưng vì hạnh phúc suốt đời của con gái, nên vợ chồng nhà chuột bắt đầu đi tìm kiếm. Chuột mẹ nhìn mặt trời trên không thì kích động nói: “Tôi nhìn mặt trời làm con rể của tôi lả thích hợp nhất, nó là căn nguyên của sự sống, thì nhất định cũng là người vĩ đại nhất trên thế giới.” Mặt trời nghe được, cười ruồi nói: “Chuột phu nhân, tôi không phải là người vĩ đại nhất trên thế giới.”

Vợ chồng nhà chuột vội vàng hỏi: “Vậy thì ai ?”

Mặt trời trả lời: “Đó là đám mây trắng, chỉ cần nó xuất hiện là che khuất ánh sáng của tôi.”

Vợ chồng nhà chuột nghe xong thì vội vàng chạy đi tìm mây trắng: ”Mây trắng, chúng tôi được biết ngài là người vĩ đại nhất trên thế giới, ngài có đồng ý lấy con gái của tôi không ? Không có cô gái nào đẹp bằng nó.”

Mây trắng đáp: “Đương nhiên là tôi bằng lòng, nhưng gió mới là người vĩ đại nhất trên thế giới, nó thổi một cái thì tôi tan ngay.”

Vợ chồng nhà chuột không cần suy nghĩ nhiều, lại vội vàng đi tìm chàng gió, hỏi: “Gió, con gái tôi là cô gái đẹp nhất trên thế giới, còn anh là người vĩ đại nhất trên thế giới, không ai thích hợp bằng anh và nó.”

Gió đắc ý nói: “Đúng vậy, ngay cả đám mây trắng cũng phải sợ tôi, tôi là người vĩ đại nhất trên thế giới...” nói chưa xong thì nó tông ngay vào vách tường.

Vợ chồng nhà chuột nhìn thấy, đúng là bức tường thì ghê gớm hơn gió, thế là vội vàng nói với bức tường: “Bức tường, ngài là người vĩ đại nhất trên thế giới, con gái tôi có thể trở thành vợ của ngài chăng ?”

Tính cách của bức tường, thì giống như thân của ông ta rất thẳng thắng bộc trực, nó nói trong một góc xó nhỏ có một con vật, đó là người mà nó sợ nhất. Thế là, vợ chống nhà chuột men theo bức tường để tìm “người vĩ đại nhất”, cuối cùng chúng nó nhìn thấy một con chuột đang gặm chân tường. Vợ chồng nhà chuột trợn cặp mắt sắc như dao kêu lên: “Nhìn kìa, đó mới chính là con rể mà chúng ta đi tìm, người vĩ đại nhất trên thế giới.”

Vợ chồng nhà chuột rất thỏa mản với anh chàng chuột đẹp trai này, quyết định đem con gái gả cho nó. Trong hôn lễ, cô chuột mặc áo cưới rất đẹp dắt tay anh chàng chuột và nói với mặt trời, mây trắng, gió và bức tường: “Xin chúc phúc cho tôi, tôi đã tìm được người vĩ đại nhất thế giới.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Bất kỳ người nào cũng có khuyết điểm và không hoàn hảo, khi chúng ta theo đuổi lý tưởng thì phải căn cứ theo tình trạng thực tế và thực lực của mình, bằng không thì sẽ đem hoang tưởng biến thành lý tưởng của mình, muôn đời cũng sẽ không đạt tới mục tiêu của mình.

Vợ chồng nhà chuột vì thương con gái nên tìm chồng cho con, nhưng chúng nó không nhìn thấy thân phận nhỏ mọn và thực tế của chính mình: chuột thì không thể lấy mặt trời làm chồng, cũng không thể chọn gió chọn mây làm bạn trăm năm, nhưng phải là một anh chuột răng nhọn mắt lém mới thích hợp.

Có những em muốn sau này mình làm tổng thống, đó là lý tưởng, thì bây giờ phải lo học hành, vì không một ông tổng thống nào không tốt nghiệp đại học; có những em muốn sau này mình sẽ làm bác sĩ, đó là lý tưởng, thì bây giờ phải học hành và tập tính yêu thương người, bởi vì không một ông (bà) bác sĩ nào lại không có lòng yêu người; có em muốn sau này mình phải làm linh mục, đó là lý tưởng, thì bây giờ phải học hành và tập tành các nhân đức và cầu nguyện, bởi vì không một linh mục nào mà không trổi vượt nhân đức hơn người, và không có một linh mục nào mà không cầu nguyện...

Tất cả những ước mơ ấy đều không hảo huyền nếu chúng ta thấy trong thâm tâm mình thích hợp và cuộc sống thực tế cũng sẽ giúp mình rất nhiều, như: luôn đi dâng thánh lễ, yêu mến đọc Lời Chúa và luôn cầu nguyện.v.v...

Các em thực hành:

- Cầu nguyện cho lý tưởng tương lai của mình.

- Tập làm những việc mà lý tưởng đòi hỏi, như: muốn làm thầy cô giáo thì phải học hành và yêu trẻ em; muốn làm linh mục thì phải tập các nhân đức và cầu nguyện...

- Hỏi ý kiến cha mẹ coi lý tưởng sau này của mình có được không, để cha mẹ góp ý.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 14/05/2008
N2T


23. Người không có ân sủng không thể hành thiện, giống như mắt không sáng thì không thể thấy.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình:Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Phối (2), Vatican 1996
Vũ Văn An
03:00 14/05/2008
Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Phối (2), Vatican 1996

Phần I: Tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo

9. Điểm khởi hành của hành trình chuẩn bị hôn nhân là ý thức rằng giao ứơc hôn nhân đã được Chúa Kitô, qua quyền lực Chúa Thánh Thần, thăng hoa và nâng lên hàng bí tích của Giao Ước Mới. Bí tích này liên kết hai vợ chồng vào tình yêu hiến mình của Chúa Kitô, là Chàng Rể, cho Giáo Hội, là Cô Dâu của Ngài (xem Eph 5:25-32) qua việc biến họ thành hình ảnh của tình yêu này và chia sẻ tình yêu ấy. Nó làm hai vợ chồng ca tụng Chúa, nó thánh hóa sự kết hiệp phu phụ và cuộc sống của người tín hữu Kitô là người đang cử hành nó, và làm phát sinh ra gia đình Kitô Giáo, Giáo Hội tại gia, "tế bào đầu tiên và sống động của xã hội " (Apostolicam Actuositatem, số 11), và là "cung thánh sự sống" (EV số 92, và cả các số 6, 88, 94). Cho nên, các cặp vợ chồng và các gia đình Kitô Giáo không bị cô lập cũng như cô đơn.

Đối với các Kitô hữu, hôn nhân, vốn bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Hóa Công, cũng bao hàm một ơn gọi đặc biệt vươn tới một bậc và một cuộc sống ơn thánh đặc biệt. Để có thể chín mùi, ơn gọi này đòi phải có một sự chuẩn bị đầy đủ, chuyên biệt và một con đường sống đức tin và yêu thương đặc thù. Điều ấy càng cần hơn vì ơn gọi này đã được ngỏ với các cặp vợ chồng để họ phục vụ lợi ích của Giáo Hội và xã hội. Điều này có đầy đủ ý nghĩa và sức mạnh của một cam kết công khai trước mặt Chúa và xã hội, một cam kết vốn vượt quá các giới hạn cá nhân.

10. Với tư cách một cộng đồng sự sống và yêu thương, vừa như một định chế tự nhiên theo thiên luật vừa như một bí tích, hôn nhân luôn luôn sở đắc một nguồn năng lực lớn lao (xem FC số 43), bất chấp mọi khó khăn có thể có. Qua chứng tá của hai vợ chồng, hôn nhân có thể trở thành Tin Mừng, góp phần lớn lao vào việc tân phúc âm hóa, và bảo đảm tương lai xã hội. Tuy nhiên, những nguồn năng lực này cần được khám phá ra, lượng giá và cải thiện bởi chính hai vợ chồng cũng như cộng đồng Giáo Hội trong giai đoạn liền trước khi cử hành hôn phối. Nhiều giáo phận trên thế giới đang cố gắng tìm tòi các hình thức chuẩn bị hôn nhân ngày một có hiệu quả hơn. Nhiều kinh nghiệm tích cực đã được truyền lại cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Chắc chắn các kinh nghiệm này sẽ càng ngày càng được củng cố hơn và sẽ giúp ích lớn lao nếu được các Hội Đồng Giám mục cũng như từng mỗi cá nhân giám mục đang chăm lo mục vụ ở các Giáo Hội chuyên biệt biết đến và lượng giá.

Trong tài liệu này, điều được gọi là chuẩn bị bao gồm một diễn trình giáo dục rộng lớn và toàn diện về cuộc sống phu phụ là cuộc sống cần được xem sét dưới cái nhìn tổng thể toàn bộ các giá trị của nó. Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị hôn nhân lại là một nhu cầu cấp thiết, nếu ta chú ý đến các điều kiện tâm lý và văn hóa hiện nay. Thực thế, chuẩn bị tức là giáo dục để những ai vốn thuộc thành phần những người của sự sống và phò sự sống biết kính trọng và chăm sóc sự sống là điều, trong Cung Thánh các gia đình, phải trở thành việc cấy trồng thực sự và đúng nghĩa sự sống con người trong mọi biểu thức của nó (xem EV 6, 78, 105). Chính thực tại của hôn nhân phong phú đến độ nó đòi hỏi trước nhất một diễn trình nhậy cảm hóa để các cặp đính hôn phải cảm thấy nhu cầu tự chuẩn bị mình để bước vào. Cho nên, mục vụ gia đình cần phải hướng các cố gắng tốt nhất của mình vào việc phẩm chất hóa việc chuẩn bị này, cũng như lợi dụng các phương thế sư phạm cũng như tâm lý học nào xét ra có hướng đi lành mạnh. Trong một tài liệu khác mới ấn hành gần đây (ngày 8/12/1995) cũng do Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tựa là Sự Thật Và Ý Nghĩa Của Giới Tính Con Người: Các Hướng Dẫn Để Giáo Dục Trong Gia Đình, Hội Đồng đã cố gắng giúp các gia đình trong trách vụ giáo dục con cái họ về phương diện tính dục.

11. Sau cùng, vì những hoàn cảnh hiện tại như trên đã nói, mối quan tâm của Giáo Hội ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với việc chuẩn bị hôn nhân. Vì một đàng, ta có thể nhận thấy đang có việc phục hồi các giá trị và một số khía cạnh quan trọng của hôn nhân và gia đình cùng với việc nở rộ các chứng tá đầy hân hoan của rất nhiều các cặp vợ chồng và gia đình Kitô hữu. Nhưng đàng khác, con số những người làm ngơ hoặc bác khước các phong phú của hôn nhân với một hình thức bất tín nhiệm sâu xa đến độ hoài nghi hoặc chối bỏ các thiện ích và giá trị của nó ngày một gia tăng (xem GS, 48). Ngày nay, ta đang chứng kiến một cách đáng ngại sự quảng bá một nền "văn hóa" hoặc một não trạng vô tâm đối với gia đình như một giá trị cần thiết cho vợ chồng, con cái và xã hội. Một số thái độ và biện pháp hiện đang được dự kiến trong luật lệ đã không giúp gì các gia đình được đặt nền tảng trên hôn nhân, thậm chí còn chối bỏ quyền lợi của các gia đình này. Như một chuyện thực tế, bầu khí duy tục đang lan rộng trong nhiều miền trên thế giới; bầu khí ấy đặc biệt tác động trên tuổi trẻ và khuất phục họ dưới áp lực của môi trường duy tục trong đó kết cục con người sẽ đánh mất ý nghĩa về Chúa và do đó ý nghĩa về tình yêu phu phụ cũng như gia đình. Há nó không đang bác khước chân lý về Chúa để khóa lại chính cội nguồn và suối gốc của mầu nhiệm thân tình đó đấy sao? (Xem GS, 22). Việc chối bỏ Thiên Chúa dưới hình thức khác nhau thường bao gồm việc từ khước các định chế và cơ cấu vốn là thành phần trong kế hoạch của Chúa, từng đã được thiết dựng ngay từ lúc Sáng Thế (xem Mt 19: 3 và kế tiếp). Hậu quả là mọi sự đều được giải thích như là thành quả của ý chí con người và hoặc như những thỏa thuận nhất trí có thể thay đổi được.

12. Tại các xứ mà diễn trình phi-Kitô Giáo đang thịnh hành hơn, người ta đang thấy rất rõ cơn khủng hoảng đáng ngại về các giá trị luân lý, đặc biệt, là việc mất căn tính của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo, và do đó, ý nghĩa của việc đính hôn. Thêm vào những mất mát này, còn có cơn khủng hoảng về các giá trị ngay bên trong gia đình trong đó có sự góp phần của hiện tượng buông thả khá phổ biến và được luật lệ bảo vệ, Việc này được khích lệ cổ xuý rất lớn từ các phương tiện truyền thông là thứ chuyên trình bày những mẫu mực phản ngược như thể chúng là những chân giá trị thực sự. Cái nền dệt văn hóa giả tạo đã được dựng nên và dâng hiến cho người trẻ như là thứ thay thế cho quan niệm về cuộc sống phu phụ và gia đình, về giá trị bí tích của chúng, và về mối dây liên kết giữa chúng và Giáo Hội.

Các hiện tượng xác nhận các hoàn cảnh trên và củng cố thứ văn hóa ấy được nối kết với những lối sống mới là những lối sống đang hạ giá các chiều kích nhân bản của các bên đính ước với những hậu quả thảm khốc đối với gia đình. Các hiện tượng này bao gồm việc buông thả tính dục, việc giảm con số kết hôn hoặc liên tục đình hoãn, việc gia tăng ly dị, não trạng chống thụ thai, sự lan tràn của việc cố tình phá thai, sự trống rỗng tâm linh và bất mãn tận cùng là những thứ góp phần làm lan tràn ma túy, rượu chè, bạo lực và tự sát nơi thanh thiếu niên. Ở những khu vực khác trên thế giới, trạng huống kém mở mang bao gồm tình trạng nghèo khốn cùng cực, cũng như sự hiện diện cùng lúc các yếu tố văn hóa chống lại hoặc nằm bên ngoài cái nhìn Kitô Giáo làm cho cả sự bền vững của gia đình lẫn việc xây dựng một nền giáo dục có chiều sâu về tình yêu theo quan điểm Kitô Giáo trở nên khó khăn và bấp bênh.

13. Các luật lệ buông thả góp phần làm gia trọng tình trạng trên với tất cả sức mạnh của nó trong việc uốn nắn ra não trạng gây hại cho gia đình (xem EV, 59) về các phương diện ly dị, phá thai và tự do làm tình. Nhiều phương tiện truyền thông đã quảng bá và làm vững mạnh bầu khí buông thả và tạo nên cái nền dệt văn hóa giả tạo làm cản trở người trẻ không phát triển bình thường trong đức tin Kitô Giáo, trong mối liên hệ của họ với Giáo Hội, và trong việc khám phá ra giá trị bí tích của hôn nhân cũng như những đòi hỏi từ việc cử hành của nó phát sinh ra. Quả thật việc giáo dục hôn nhân luôn luôn cần thiết, nhưng chính nền văn hóa Kitô Giáo khiến việc đào luyện và hấp thụ nó trở nên dễ dàng hơn. Ngày nay, đôi khi những việc ấy trở nên khó khăn và khẩn thiết hơn.

14. Vì tất cả những lý do ấy, trong Tông Huấn Familiaris Consortio, là Tông huấn tổng kết các kết quả của Thương Hội Đồng Giám Mục Thề Giới năm 1980 về Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã chỉ ra rằng: "Trong thời đại ta, việc chuẩn bị người trẻ về hôn nhân và gia đình là điều cần thiết hơn bao giờ hết" (FC, 66). Ngài thúc giục việc cổ võ "những chương trình dự bị hôn nhân tốt hơn và thâm hậu hơn hầu có thể loại bỏ càng nhiều càng tốt các khó khăn mà nhiều cặp vợ chồng hiện đang gặp phải, và còn cần hơn thế nữa để tích cực dễ dàng hóa việc thiết dựng và làm chín mùi các cuộc hôn nhân thành công" (Ibid.).

Cũng trong chiều hướng này, và để đương đầu với các đe doạ và đòi hỏi hiện nay một cách có hệ thống, dường như đã đến lúc các Hội Đồng Giám mục nên khẩn thiết công bố các "Tập Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình" (Ibid.). Trong các tập hướng dẫn này, những yếu tố được coi là cần thiết cho một mục vụ sâu sắc hơn phải được tìm ra và trình bày tỉ mỉ nhằm phục hồi căn tính của hôn nhân và gia đình Kitô Giáo ngõ hầu chính gia đình sẽ thành công trong tư cách là một cộng đồng của những người phục vụ sự sống con người và đức tin, tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, một cộng đồng tin và rao truyền phúc âm, một "Giáo Hội tại gia, trung tâm của hiệp thông và phục vụ Giáo Hội" thực sự (Ibid.), "được kêu mời để công bố, cử hành và phục vụ Phúc Âm Sự Sống" (EV, 92 và các số 28, 78, 79, 105).

15. Ý thức tầm quan trọng của đề tài và những sáng kiến khác nhau của nhiều Hội Đồng Giám mục cũng như các cá nhân giám mục thực hiện theo chiều hướng trên, Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình xin ngỏ lời kêu mời tiếp tục công việc mục vụ trên với một quyết tâm mới. Các Hội Đồng Giám Mục đã soạn thảo nhiều tài liệu hữu ích có thể góp phần vào việc chuẩn bị hôn nhân và theo dõi cuộc sống gia đình. Để giữ liên tục tính với các chỉ thị của Tòa Thánh, Hội Đồng Giáo Hoàng xin đề ra những điểm khởi hành để suy nghĩ này với tham chiếu duy nhất về một phần trong Tập Chỉ Dẫn đã nhắc đến trên đây tức là phần liên quan đến việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn Phối. Do đó, phần này của tập chỉ dẫn có thể hữu ích hơn khi vẽ ra và khai triển những khía cạnh cần thiết cho một cuộc chuẩn bị đúng nghĩa về hôn nhân và cuộc sống gia đình Kitô Giáo.

16. Sống động trong truyền thống Giáo Hội và được Huấn quyền thâm hậu hóa, Lời Thiên Chúa nhấn mạnh rằng hôn nhân đối với các cặp vợ chồng Kitô Giáo bao hàm một đáp trả đối với ơn gọi của Chúa và việc chấp nhận sứ mệnh làm dấu chỉ của tình yêu Chúa đối với toàn thể các thành viên của gia đình nhân loại, qua việc tham dự vào giao ước vĩnh viễn của Chúa Kitô với Giáo Hội Người. Vì vậy, hai vợ chồng trở nên những cộng tác viên của Chúa Hóa Công và Chúa Cứu Thế trong ơn phúc tình yêu và sự sống. Từ đó, việc chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo có thể được miêu tả như là một hành trình đức tin không chấm dứt với việc cử hành hôn phối nhưng tiếp diễn trong suốt cuộc sống gia đình. Bởi thế, viễn tượng của chúng ta không đóng lại ở chỗ coi hôn nhân như một hành vi, chấm dứt ở giây phút cử hành, nhưng là một cái gì cứ tiếp diễn hoài. Đó là lý do tại sao chuẩn bị cũng là "cơ hội đặc biệt cho những người đã đính hôn tái khám phá và đào sâu đức tin đã lãnh nhận lúc Rửa Tội và được nền dưỡng dục Kitô Giáo nuôi sống. Bằng cách này, họ sẽ nhận ra và tự ý chấp nhận ơn gọi bước theo Chúa Kitô và phục vụ Nước Chúa trong bậc sống hôn nhân" (FC, 51).

Các Giám Mục đều ý thức nhu cầu khẩn thiết và không thể miễn chước được phải đưa ra và miêu tả tỉ mỉ những chương trình huấn luyện đặc thù để khai triển một diễn trình đào luyện Kitô Giáo có tính tiệm tiến và liên tục (xem Ordo celebrandi matrimonium, 15). Thực tế, điều hữu ích phải nhớ là việc chuẩn bị đích thực phải hướng đến mục tiêu có được một cử hành bí tích Hôn Phối đầy ý thức và tự do. Tuy nhiên, việc cử hành này là suối nguồn và biểu thức của những hệ luận có tính trói buộc và vĩnh viễn hơn.

17. Do kinh nghiệm của nhiều mục tử và nhà giáo dục, dường như thời kỳ đính hôn là thời gian cùng nhau khám phá nhưng cũng là thời gian đào sâu đức tin. Do đó, nó là thời kỳ của ơn phúc siêu nhiên đặc biệt giúp tu đức bản thân và liên bản ngã. Bất hạnh thay, đối với nhiều người, thời kỳ dành cho trưởng thành hoá về nhân bản và Kitô Giáo này lại bị khuấy động bởi việc sử dụng tính dục cách vô trách nhiệm không giúp gì cho tình yêu phu phụ trưởng thành, mà chỉ là những biện minh cho các liên hệ tính dục tiền hôn nhân.

Việc hai người đính hôn đào sâu đức tin chung cuộc có thành công hay không cũng còn tùy công việc đào luyện họ trước đó. Một mặt, cách sống của giai đoạn này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trên cuộc sống tuơng lai trong tư cách vợ chồng và gia đình của họ. Do đó ta thấy sự giúp đỡ của các gia đình liên hệ cũng như của cộng đoàn Giáo Hội cho những người đính hôn có tầm quan trọng quyết định. Điều này gồm luôn lời cầu nguyện nữa. Về phương diện này, việc chúc lành cho các cặp đính hôn dự liệu trong sách Chúc Lành (De Benedictionibus, các số 195-214, rất có ý nghĩa vì trong đó, ta thấy nhắc đến các dấu chỉ của sự cam kết sơ khởi này: nhẫn, tặng quà nhau và các thói tục khác (các số 209-210). Dù sao, cái sâu sắc nhân bản của việc đính hôn phải được nhìn nhận và được bảo toàn từ bất cứ phương thức thông thường nào. Cho nên, cả các phong phú của hôn nhân và bí tích Hôn phối lẫn tầm quan trọng quyết định của thời kỳ đính hôn mà ngày nay thường kéo dài nhiều năm (với khá nhiều khó khăn trong đó) đều là những lý do đòi phải có sự vững chắc đặc biệt trong việc huấn luyện này.

18. Từ đó, việc thảo chương trình cấp giáo phận và giáo xứ - với các kế hoạch mục vụ đặt ưu tiên vào mục vụ gia đình để phong phú hóa toàn thể sinh hoạt Giáo Hội - cấn phải dự liệu sao cho trách vụ giáo dục tìm được chỗ đứng và sự khai triển đích đáng, và giữa các giáo phận trong khuôn khổ các Hội Đồng Giám Mục, những kinh nghiệm tốt nhất được lượng giá và trao đổi cho nhau. Cũng quan trọng là phải biết các thanh thiếu niên đã được cung ứng hình thức giáo lý và giáo dục nào liên quan đến các ơn gọi khác nhau và tình yêu Kitô Giáo, các chương trình nào đã được soạn thảo cho các cặp đính hôn, cách thế nào đưa các cặp vợ chồng tương đối đã trưởng thành hơn trong đức tin vào việc đào luyện này cũng như những kinh nghiệm tốt nhất nào nhằm tạo ra một môi trường tâm linh và văn hóa thích hợp cho người trẻ đang bước vào hôn nhân.

19. Trong diễn trình đào luyện, như đã được nhắc đến trong Tông Huấn Familiaris Consortio, ba giai đoạn hay ba thời kỳ phải được phân biệt rõ trong việc chuẩn bị hôn nhân: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị kế cận (immediate). Mục tiêu đặc thù của mỗi giai đoạn sẽ thực hiện được nếu, ngoài những đức tính nhân bản căn bản và những chân lý chủ yếu của đức tin, các cặp đính hôn còn học được những nội dung thần học và phụng vụ chính yếu đánh dấu từng mỗi giai đoạn chuẩn bị. Kết quả là khi cố gắng thích ứng đời họ theo các giá trị này, các cặp đính hôn sẽ thủ đắc được một sự đào luyện đích thực chuẩn bị họ cho cuộc sống lứa đôi.

20. Dự bị hôn nhân phải được đặt bên trong nhu cầu phúc âm hóa văn hoá - qua việc thẩm thấu nó đến tận gốc (xem Tông huấn Evangelì Nuntiandi , 19) - về mọi phương diện liên quan đến định chế hôn nhân: làm cho tinh thần Kitô Giáo vào sâu tận tâm não và tác phong cũng như luật lệ và cấu trúc của cộng đoàn nơi Kitô hữu sinh sống (xem Sácg Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 2105). Việc chuẩn bị này, cả mặc nhiên lẫn minh nhiên, sẽ tạo nên một khía cạnh của phúc âm hóa, đến độ nó có thể thâm hậu hóa sức mạnh trong lời xác quyết của Đức Thánh Cha: "Gia đình là trái tim của Tân Phúc Âm Hóa..." Chính việc chuẩn bị là "trách nhiệm trước nhất của các cặp vợ chồng, vốn được kêu gọi trở nên người cho sự sống, trên căn bản ý thức ngày một hơn ý nghĩa của việc phụ tạo (procreation) như là biến cố duy nhất có thể bày tỏ cách rõ ràng rằng sự sống con người là quà phúc nhận được là để cho đi cũng như một quà phúc" (EV, 92).

Ngoài các giá trị tôn giáo, nhiều lợi ích và giá trị dồi dào để củng cố tình liên đới, lòng kính trọng, đức công bình và lòng tha thứ trong các quan hệ bản thân cũng như tập thể đã phát sinh từ hôn nhân như nền tảng của gia đình. Ngược lại, gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân, chờ mong xã hội " nhìn nhận căn tính của nó và chấp nhận vị thế của nó như một chủ thể trong xã hội" (Gratissimam Sane, 17), và do đó trở nên "trái tim của văn minh tình yêu" (Ibid., 13). Toàn thể giáo phận nên can dự vào trách vụ này và cung hiến những trợ giúp thích đáng. Lý tưởng là thiết dựng được một Ủy Ban Dự Bị Hôn Nhân Giáo phận, bao gồm một nhóm chuyên lo mục vụ gia đình gồm các cặp vợ chồng có kinh nghiệm giáo xứ, các phong trào và các chuyên gia. Trách vụ của Ủy Ban Giáo phận này sẽ là huấn luyện, theo dõi và phối trí trong liên hệ cộng tác với các trung tâm thuộc các cấp bậc khác nhau có quan hệ tới việc phục vụ này. Về phần mình, Ủy Ban sẽ được thành lập do sự phối hợp của nhiều nhóm giáo dân chọn lọc cùng làm việc với nhau cho việc chuẩn bị hôn nhân theo nghĩa rộng chứ không phải chỉ trong các lớp học mà thôi. Nên có một phối trí viên cho Ủy Ban, vị này thường là một linh mục để đại diện Đức Giám mục giáo phận. Nếu việc phối trí phải do một giáo dân hoặc một cặp vợ chồng đảm nhiệm, thì nên có một linh mục cố vấn. Phải qui định tất cả những điều ấy vào khung cảnh tổ chức của giáo phận với những cơ cấu tương ứng, như có thể có các khu vực do một vị Đại diện Giám mục hoặc các vị đại diện có thẩm quyền khác cầm đầu.
 
Các Giám Mục Nghiên Cứu Các Ân Sủng Mới Của Chúa Thánh Thần
Bùi Hữu Thư
09:28 14/05/2008

Các Giám Mục Nghiên Cứu Các Ân Sủng Mới Của Chúa Thánh Thần



Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân Triệu Tập một Hội Nghị về các Phong Trào và các Cộng Đồng trong Giáo Hội

VATICAN: 13 tháng 5, 2008
– Được sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân đã triệu tập các Giám Mục để suy tư về “các phong trào và các cộng đồng trong giáo hội như là một quà tặng của Chúa Thánh Thần."

Hội nghị được tổ chức từ ngày Thứ Năm đến Thứ Bẩy sẽ tụ họp khoảng 100 giám mục tới Rocca di Papa, gần Rôma để nghiên cứu các phong trào và suy tư về bài huấn dụ Đức Giáo Hoàng gửi cho các giám mục Đức ngày 18 tháng 11, 2006: "Tôi xin quý vị hãy đến với các phong trào này bằng tình thương mến."

Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân tuyên bố trong một thông cáo là “mong muốn tiếp tục suy nghĩ về các phong trào và các cộng đồng mới như là một quà tặng của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội hiện đại với các vị chủ chiên đến từ khắp bốn phương trời.”

Hội Đồng cũng nhắc lại một hội nghị tương tự năm 1999, nói rằng từ đó đến nay, thời gian qua chứng tỏ “đã thấy có kết quả là đạt được một kiến thức sâu rộng hơn và một ý thức lớn mạnh hơn về vai trò các thực thể này đã thực hiện được trong việc Tân Phúc Âm hóa. Hội Đồng cũng ghi nhận “sự tiếp nối huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Người Đầy Tớ của Chúa trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI."

Các giám mục cũng sẽ có đại diện của 20 phong trào và cộng đồng mới trong giáo hội tháp tùng để tham dự hội nghị.

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone,Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Toà Thánh sẽ khai mạc hội nghị ngày Thứ Năm.
 
Châu Âu nay là một “đại lục già nua” trong “mùa đông dân số”
Phụng Nghi
09:41 14/05/2008
Brussels (CNA) – Một bản tường trình mới chuyển đạt đến Nghị viện châu Âu hôm 7 tháng 5 đưa ra nhiều bằng chứng rõ rệt về một “mùa đông dân số” ở châu Âu, nơi hiện nay mức suy giảm tỷ lệ cả sinh đẻ lẫn kết hôn đã góp phần tạo nên một “đại lục già nua.”

Bản tường trình của Viện Chính sách Gia đình (Institute for Family Policy) có nhan đề “Sự Tiến hóa của Gia đình ở châu Âu năm 2008”. Đây là một nghiên cứu thực hiện do các chuyên gia thuộc nhiều ngành, gồm cả những nghiên cứu về dân số, tâm lý, xã hội học và gia đình.
Bản tường trình của Viện Chính sách Gia đình


Bà Lola Velarde, chủ tịch Viện Chính sách Gia đình, mạng lưới châu Âu, nói rằng mối quan ngại về gia đình ở châu Âu và các vấn đề liên quan đã gia tăng, bằng chứng là các tài liệu mới được Liên hiệp châu Âu chấp nhận. Tuy nhiên, bà nói rằng hành động này “rõ ràng còn bất cập” và các vấn đề về gia đình tiếp tục tồi tệ hơn.

Theo bản tường trình, được phổ biến cho hãng thông tấn CNA, chỉ số dân số, sinh đẻ, kết hôn và thành phần gia đình đã xấu đi từ 27 năm qua. Người già trên 65 tuổi nhiều hơn số trẻ em 14 tuổi đến 6 triệu. Thêm vào đó, số sinh mỗi năm bây giờ ít hơn số sinh vào năm 1980 tới 1 triệu.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 1.2 triệu trường hợp phá thai tại Liên hiệp Âu châu, làm cho phá thai trở thành nguyên nhân tử vong chính tại châu Âu. Con số này tương đương với dân số của Luxembourg và Malta cộng lại. Gần 18.5% những vụ thụ thai tại Liên hiệp Âu châu chấm dứt bằng cách phá thai.

Tỷ lệ kết hôn xuống thấp tại Liên hiệp Âu châu cũng thật nghiêm trọng. Năm 2006, có 732.752 vụ kết hôn ít hơn năm 1980, giảm 23.9%. Ngay cả khi kết hôn, người ta cũng lấy nhau trễ hơn, phụ nữ kết hôn ở tuổi trung bình là 29 và nam giới trung bình ở tuổi 31, như vậy tuổi trung bình khi kết hôn đã gia tăng tới hơn 5 năm.

Theo bản tường trình cho biết, năm 2006 có hơn 1 triệu vụ ly dị, nhiều hơn năm 1980 tới 365 ngàn vụ. Giữa năm 1996 và 2006 có trên 10.1 triệu cuộc hôn nhân đổ vỡ, ảnh hưởng tới hơn 15 triệu con trẻ.

Các gia đình trong Liên hiệp Âu châu cũng co rút lại về số người, mỗi gia đình chỉ còn trung bình 2.4 thành viên. Cứ 4 gia đình thì có 1 gia đình chỉ có 1 thành viên.

Ngay cả sự gia tăng dân – từ năm 2000 đến 2007, Liên hiệp Âu châu có thêm 14.2 triệu người – cũng báo hiệu những bài toán về dân số. Trong số dân gia tăng này, có tới 12 triệu người, tức 84%, là do những người di cư đến. Di dân nay có 27 triệu người, chiếm 5.5% dân số châu Âu.

Bản tường trình nói rõ không có tổ chức nào trong Liên hiệp Âu châu phụ trách về chính sách gia đình, và kêu gọi gia đình gia tăng số con cái. Theo bản tường trình này thì có mối tương quan rõ rệt giữa sự trợ giúp trực tiếp cho gia đình và số con cái. Nước nào cung ứng mức phúc lợi cho gia đình cao hơn thì sinh suất cao hơn.

Viện Chính sách Gia đình đề ra một số kiến nghị để phát triển các chính sách của chính phủ nhằm phúc lợi hơn cho gia đình, gồm có: tạo nên một chính sách “hướng tới gia đình” áp dụng cho mọi luật lệ trong Liên hiệp Âu châu; công nhận và thúc đẩy các quyền lợi gia đình trong mọi lãnh vực, đặc biệt là chăm sóc và giáo dục trẻ thơ; đề cao sự đồng nhất về các chính sách gia đình trong quốc gia để tránh những dị biệt giữa các quốc gia; và thiết lập sự bình đẳng về cơ hội cho mọi gia đình để tránh việc kỳ thị dựa trên số con, mức lợi tức, hoặc phân phối lợi tức.

Toàn bộ bản tường trình của Viện có thể tham khảo tại www.ipfe.org
 
Người Công giáo Trung quốc sau cơn động đất
Phụng Nghi
11:24 14/05/2008
Chengdu (Thành Đô, Trung quốc) - CNA – Sau trận động đất kinh hoàng 7.9 độ xảy ra hôm thứ hai vừa qua, các linh mục trong khu vực phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) bị tàn phá đang nỗ lực giúp đỡ những nạn nhân sống sót và thẩm định thiệt hại và mất mát sinh mạng trong những cộng đồng các ngài phụ trách. Các giám mục và linh mục kêu gọi trợ giúp và cầu nguyện, các tổ chức Công giáo đang nhận vật phẩm ủng hộ để giúp đỡ nạn nhân.

Bộ Công dân vụ Trung quốc tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Bắc kinh chiều hôm qua rằng trận động đất đã giết hại 11,921 người và tàn phá 500 ngàn nhà cửa tại Tứ Xuyên (Sichuan) và các tỉnh kế cận.

Các linh mục tại địa phương cho hãng thông tấn UCA News biết rằng thông tin đó chưa đầy đủ, một phần vì các hệ thống điện thoại liên lạc bị cắt đứt và đường xá bị hư hại. Các linh mục này xác nhận có ít nhất một ngôi thánh đường bị sập và hàng chục nhà thờ khác bị hư hại do trận động đất mạnh 7.9 độ trên địa chấn kế Richter.

Linh mục Simon Li Zhigang, quản trị giáo phận Thành Đô (Chengdu), cho thông tấn xã UCA News biết rằng ngài không thể liên lạc bằng điện thoại với các linh mục ở Weichuan, nơi có chừng 100 người Công giáo, và ở Beichuan, nơi có mấy trăm giáo dân.

Cha nói rằng một giáo dân làm việc tại nhà thờ ở Mianzhu bị chết vì gạch đá rơi, còn hai giáo dân khác bị thương. Hai ngôi thánh đường trong giáo phận bị sập một phần, một nhà thờ khác sụp đổ hoàn toàn, và 30 nhà thờ khác bị hư hại.

Tại giáo phận Nanchon, cách trung tâm địa chấn khoảng 150 dậm, dì phước Wang Yan cho UCA News biết phòng sinh hoạt kế cận thánh đường rung chuyển tới 7 phút, ném mọi vật dụng xuống sàn nhà, và bà tưởng chừng như là ngày tận thế đang tớí.
Một linh mục Trung quốc thăm vùng bị động đất


Cả mấy chục giáo dân hiện đang tạm trú trong thánh đường thị trấn Nanchong. Nhà thờ này bằng gỗ, nên giáo dân cảm thấy an toàn hơn những căn nhà bằng gạch đã bị hư hại.

Cha Xie Bangyong thuộc giáo phận Trùng Khánh (Chongquing) nói rằng các linh mục đã chia thành từng nhóm đi thăm những người Công giáo trong vùng và ước tính thiệt hại của các nhà thờ cũ kỹ. Các linh mục, nữ tu và giáo dân đều được an toàn, nhưng một người không Công giáo làm việc bảo trì thánh đường bị gẫy chân. Nơi một số nhà thờ cũ xưa cũng xuất hiện các vết nứt.

Giám mục phụ tá Paul He Zeqing giáo phận Vạn Châu (Wanzhou) cho biết ngôi nhà cư trú cho các linh mục và ngôi nhà khác cho các nữ tu trong vùng Lương Bình (Lianping) đều không còn an toàn. Còn các ngôi nhà thờ khác, tất cả đều mới xây nên không bị ảnh hưởng của trận động đất.

Trong thánh lễ cử hành sáng thứ Ba, Đức giám mục He hướng dẫn giáo dân cầu nguyện cho các nạn nhân; ngài cũng thúc giục họ ủng hộ cho các nỗ lực cứu trợ.

Tại miền đông Trung quốc, giáo phận Thượng Hải đã ủng hộ 1 triệu đồng nguyên (khoảng 143 ngàn mỹ kim) để cứu trợ. Giám mục Thượng Hải là Aloysius Jin Luxian đã chỉ thị cho tất cả linh mục tại các giáo xứ cầu nguyện cho các nạn nhân và người sống sót trong các buổi chầu Thánh thể dự định tổ chức vào Chủ nhật này. Ngài cũng yêu cầu các linh mục ủng hộ tiền thu trong các thánh lễ hôm đó vào quỹ cứu trợ.

Giám mục Joseph Wei Jingyi, thuộc giáo hội chui ở Tề Tề cáp nhĩ (Qiqihar trong vùng đông bắc tỉnh Hắc long giang (Heilongjiang), đã soạn thảo và cho lưu hành một bản kinh ngài viết xin Chúa chữa lành các vết thương tâm linh và thể xác của những người bị thiên tai này.

Tại miền nam Trung quốc, tổ chức Tianrun của giáo phận Giang Môn (Jiangmen) đã dùng mạng lưới internet thúc giục người Công giáo ủng hộ thuốc men, quần áo, lều và tiền bạc. Tổ chức này cho biết vật phẩm thu được sẽ gửi tới các nạn nhân qua bộ Công dân của chính phủ hoặc các tổ chức bác ái khác.

Cơ quan Bác ái Jinde trụ sở đặt tại miền bắc Trung quốc, một tổ chức Công giáo toàn quốc không trực thuộc nhà nước, cũng đã kêu gọi cầu nguyện và ủng hộ cứu trợ nạn nhân động đất trên mạng lưới của tổ chức này.
 
Có thể có người ngoài địa cầu
Phụng Nghi
12:32 14/05/2008
Nhà thiên văn thủ lãnh của Đức giáo hoàng nói rằng không thể loại bỏ giả thuyết có sinh vật trên Hỏa tinh (Mars).

Linh mục Gabriel Funes, một nhà thiên văn học, viết trong báo của Tòa thánh Vatican rằng các vật thể thông minh do Thiên Chúa tạo dựng có thể hiện diện bên ngoài không gian.

Cha Funes, giám đốc Đài Thiên văn Vatican ở gần Roma, là một nhà khoa học được tôn trọng từng cộng tác với các trường đại học khắp thế giới.
Đài Thiên văn của Tòa thánh


Cha nói rằng việc truy tìm các hình thức cuộc sống bên ngoài địa cầu không xung khắc với niềm tin vào Thiên Chúa.

Tờ báo chính thức của Tòa thánh Vatican đặt nhan đề bài viết của ngài như sau: “Người Ngoài Địa Cầu Là Anh Em Của Tôi”.

“Không mắc tội tổ tông truyền”

Cha suy đoán rằng: Cũng như nhiều hình thức sự sống trên mặt đất, cũng có thể có các vật thể thông minh bên ngoài không gian do Thiên Chúa tạo dựng. Và một số người ngoài địa cầu này có thể không mắc tội tổ tông truyền.

Khi được hỏi về việc giáo hội Công giáo bốn thế kỷ trước đây đã kết án Gallileo, nhà thiên văn và vật lý học người Ý, cha Funes khéo léo trả lời rằng có những lầm lỗi đã xảy ra, nhưng đã đến lúc mở sang một trang sách khác và hướng về tương lai.

Ngài trấn an độc giả là khoa học và tôn giáo cần đến nhau, và có nhiều nhà thiên văn tin nơi Chúa.

Để tăng cường uy tín về khoa học, Tòa thánh Vatican tổ chức một hội nghị họp vào năm tới để đánh dấu 200 năm ngày sinh của tác giả cuốn Nguồn gốc muôn loài (Origin of Species), là ông Charles Darwin.

Nguồn: David Willey/BBC News
 
Thánh Thần ban sự sống cho Giáo Hội phổ quát.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
12:45 14/05/2008
VATICN 2008 (Zenit.org).- Trong Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho một cộng đồng vừa là một vừa là phổ quát, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói.

Đức Giáo Hoàng khẳng định điều này hôm nay trong bài giảng trong Thánh Lễ cử hành ngày Lễ Hiện Xuống trong Quảng Trường Thánh Pherô.

“Tôi muốn suy tư về một phương diện đặc biệt của Chúa Thánh Thần, về sự xoắn nhau của tính vô số và tính hiệp nhất. Trong biến cố Hiện Xuống điều rõ ràng là nhiều tiếng nói và những văn hóa khác nhau thuộc về Giáo Hội; người ta có thể hiểu và mang lại lợi ích cho nhau. Thánh Luca rõ ràng muốn gởi đến một ý niệm căn bản, tức là, trong chính hành vi được sinh ra Giáo Hội đã là ‘công giáo,’ phổ quát.

“Giáo Hội nói tất cả những thứ tiếng ngày từ đầu, bởi vì Tin Mừng được trao phó cho Giáo Hội thì dành cho mọi dân tộc, theo ý muốn và mệnh lệnh của Chúa Kitô phục sinh.”

“Giáo Hội sinh ra trong ngày Lễ Hiện Xuống không phải hơn hết là một cộng đồng riêng biệt—Giáo Hội Jerusalem—nhưng Giáo Hội phổ quát, nói tiếng nói của mọi dân tộc,” Đức Thánh Cha giải thích. “Từ Giáo Hội, những cộng đồng khác trong mọi góc thế giới sẽ được sinh ra, những Giáo Hội địa phương là những thực tại hóa tất cả và luôn luôn của một Giáo Hội duy nhầt của Chúa Kitô. Do đó Giáo Hội Công Giáo không phải là một liên hiệp các giáo hội, nhưng là một thực tại duy nhất: Giáo Hội phổ quát có sự đặc ân hữu thể. Một cộng đồng không phải là công giáo theo nghĩa này không phải là một Giáo Hội.”

Hoà Bình và Hoà Giải

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng đề cao ân huệ hoà bình, Chúa Kitô đã đoạt được với giá máu của Người.

“Tin Mừng Gioan cống hiến chúng ta một lời, rất phù hợp với mầu nhiệm Giáo Hội do Thánh Thần sáng taọ,” Đức Giáo Hoàng nói. “Lời được nói hai lần bởi Chúa Giêsu phục sinh khi Người hiện ra giữa các môn đệ trong Phòng Tiệc chiều Phục Sinh: ‘Shalom –bình an cho anh em!”

“Tiếng ‘shalom’ không chỉ là một lời chào đơn giản; còn nói nhiều hơn,” Đức Thánh Cha giải thích. “Đó là ân huệ bình an được hứa cho và đạt được bởi Chúa Giêsu bằng giá máu của Người, đó là hoa quả chiến thắng của Người trên tinh thần sự dữ. Như vậy đó là một sự bình an ‘không phải do thế gian ban tặng nhưng chỉ Thiên Chúa có thể ban tặng mà thôi,”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần của Giáo Hội này, chúng ta muốn cảm tạ Chúa đã ban cho dân Người, được tuyển chọn và hình thành từ các dân tộc, ân huệ vô song bình an, bình an của Người.

“Đồng thời chúng ta hồi phục lại trách nhiệm liên kết với ân huệ này: trách nhiệm của Giáo Hội phải nên một dấu và một dụng cụ bình an của Chúa cho mọi dân tộc. […] Giáo Hội thực hiện việc phục vụ của mình cho sự bình an của Chúa Kitô hơn hết trong sự hiện diện và hành dộng bình thường của mình giữa nhân loại, với sự rao giảng Tin Mừng và với những dấu tình yêu và thương xót đồng hành Tin Mừng.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng giữa những dấu này, bí tích hoà giải phải được nhấn mạnh.

“Ân huệ hoà giải mang lại sự bình an cho các tâm hồn thì quan trọng là dường nào và, vô phúc thay, không được hiểu cho đủ là dường nào,, ” Đức Giám Mục Rome khẳng định. “ Bình an của Chúa Kitô chỉ trải rộng qua các tâm hồn đổi mới của những người nam và người nữ đã được hoà giải và tự mình làm những tôi tớ đức công chính, sẵn sàng trải rộng bình an trong thế giới chỉ bằng sức mạnh chân lý, không thoả hiệp với tâm lý thế giới, bởi vì thế giới không thể ban sự bình an của Chúa Kitô.

“Điều này chứng tỏ Giáo Hội có thể nên một chất men của sự hoà giải đến từ Thiên Chúa. Giáo hội chỉ có thể làm điều này nếu vẫn trung thành với Thần Khí và làm chứng cho Tin Mừng, chỉ khi Giáo Hội vác thánh giá như Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu. Đó chính xác là điều các thánh của mọi thời đại chứng tỏ !

“Trong ánh sáng của lời sự sống này, hỡi anh chị em thân yêu, xin cho sự cầu nguyện mà hôm nay chúng ta dâng lên Chúa trong sự hiệp nhất thiêng liêng với Đức Trinh Nữ Maria trở nên sốt sắng và mãnh liệt càng hơn. Mong Đức Trinh Nữ Đấng nghe, Mẹ của Giáo Hội, xin được cho cộng đồng chúng ta và cho mọi người Kitô hữu một sự tuôn xuống mới mẻ Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi.”
 
Đức Giáo Hoàng tán đồng những cố gắng phò sự sống tại Italia
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
12:47 14/05/2008
Italia đánh dấu 30 năm được phép phá thai”.

VATICAN (Zenit.org). Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cám ơn Phong Trào Italy phò sự sống đối với vô số trẻ em chưa sinh được họ cứu sống, Đức Thánh Cha khuyến khích nhóm tiếp tục trong việc làm không sợ sệt của họ.

Đức Giáo Hoàng nói điều này hôm Thứ Hai 12/5 nay khi ngài tiếp kiến những thành viên tổ chức Italia, được hướng dẫn bởi chủ tịch Carlo Casini. Năm nay, Italy đánh dấu kỷ niệm thứ 30 được phép phá thai.

Đức Thánh Cha nói với các thành viên phong trào, “Ý định của anh em là đề xuất những suy tư về các hậu quả nhân bản và xã hội luật đã phát sinh trong cộng đồng dân sự và kitô hữu trong thời gian này.

“Chúng ta chỉ có thể thừa nhận rằng, trong những điều kiện thực tế, việc bảo vệ sự sống nhân bản đã trở thành khó hơn ngày nay, bởi vì đã phát triển một tâm lý từ từ hạ giá sự sống nhân bản và phó thác sự sống cho phán đoán từng cá nhân.

“Một hậu quả phát xuất từ đó là sự bớt tôn trọng con người, một giá trị nền tảng của bất cứ hình thức chung sống dân sư nàọ, trên và cao hơn đức tin một người có thể tuyên xưng.”

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng việc phá thai “không những đã không giải quyết các vấn đề ảnh hưởng nhiều người nữ và số không nhỏ các gia đình, lại còn mở ra một vết thương khác trong những xã hội chúng ta.”

Giúp đở các gia đình

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kêu gọi tới những cố gắng kết hợp để bảo đảm “những thể chế lại một lần nữa tập trung những sinh hoạt của họ về sự bênh đở sự sống nhân bản và sự quan tâm ưu tiên đối với các gia đình. […] Các gia đình phải được giúp đở bằng cách sử dụng tất cả những phương tiện hợp pháp hầu dễ dàng hóa sự đào tạo và công trình giáo dục của họ trong bối cảnh xã hội khó khăn ngày nay.”

“Điều cần thiết là minh chứng cụ thể cho sự kiện việc tôn trọng sự sống là hính thức đầu tiên công bằng phải được áp dụng,” ngài nói tiếp. “Đối với những kẻ có ân huệ đức tin điều này trở nên một mệnh lệnh không thể trì hoản. […] Chỉ Thiên Chúa là Chúa sự sống. Mỗi con người được biết, được yêu, được muốn và được hướng dẫn bởi Người, và mỗi người có nguồn gốc của mình trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng đã nói rõ năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm thứ 60 của Tuyên Ngôn Phổ Quát Nhân Quyền, và ngài đã ca ngợi sự dấn thân của phong trào “trong phạm vi chính trị, bằng cách giúp đở và khuyến khích các thể chế bảo đảm rằng những lời ‘phẩm giá con người” phải được công nhận đúng’”

“Sáng kiến của anh em trong Ủy Ban Quốc Hội Châu Au đối với những Kiến Nghị, trong đó anh em quả quyết những giá trị căn bản của quyền sự sống từ lúc mới thụ thai, của gia đình được xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, của quyền tất cả những con người đã thụ thai được sinh ra và được giáo dục trong một gia đình có cha mẹ,(sáng kiến đó) là sự ủng hộ hơn nữa cho tính liên đới của sự dấn thân và sự hiệp thông trọn vẹn của anh em với huấn quyền Giáo Hội, luôn luôn công bố và bênh vực những giá trị như thế là ‘không thể thương lượng được.’”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã kết thúc bằng cách cám ơn cử tọa vì việc phục vụ của họ “cho Giáo Hội và cho xã hội. Biết bao nhiêu sự sống nhân bản anh em đã cứu sống! Hãy tiếp tục theo đường hướng này và đừng sợ, ngõ hầu nụ cười sự sống có thể đắc thắng trên những môi miệng của tất cả các em nhỏ và mẹ các em.”
 
Lịch Năm 2009 với Hình Ảnh của Hai Vị Giáo Hoàng
Anthony Lê
12:59 14/05/2008
Lịch Năm 2009 với Hình Ảnh của Hai Vị Giáo Hoàng

VATICAN CITY (VIS) - Dịch vụ về nhiếp ảnh của tờ báo "Người Quan Sát Viên Rôma" (Osservatore Romano) vừa mới cho ấn hành ra hai phiên bản khác nhau về hình ảnh của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 và của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị có trong Lịch Năm 2009, và mỗi cuốn lịch có tới 13 hình ảnh về một trong hai Vị Giáo Hoàng vừa kể.

Các hình ảnh này có kích thước là 42x30cm, chưa từng được thấy hay chụp trong bất kỳ sự kiện nào, và tại bất kỳ nơi đâu, mà đó chính là một tập hợp những hình ảnh đẹp nhất và được chụp gần nhất của hai Vị Giáo Hoàng, vốn cũng có thể được cắt ra từ Cuốn Lịch để đóng khung và treo trên tường.

Các Cuốn Lịch này do Nhà Phát Hành Sách của Vaticăn xuất bản, và mỗi cuốn có giá là 5 Euros (tiền Âu Châu) - tức khoảng 7.75449 USD và có thể được đặt mua tại Trung Tâm Nhiếp Ảnh của Tờ Báo ở Rôma, hay qua các quầy bán báo và sách bên cạnh Vatican. Hoặc có thể được đặt mua qua email bằng cách liên lạc đến địa chỉ email sau:

photo@ossrom.va
 
ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân động đất ở Trung Hoa
Đức Long
17:46 14/05/2008
Vatican- Thứ tư ( 14/08), ĐTC kêu gọi cầu nguyện « cho người dân tỉnh Sichuan và các tỉnh phu cận » bị tàn phá bởi cơn động đất mạnh nhất từ hơn 30 năm nay làm chấn động Trung Hoa.

« Lúc này, tôi nghĩ đến nhân dân tỉnh Sichuan và các vùng phụ cận bị cơn động đất tàn phá nặng nề. Tôi mời tất cả anh chị em cùng hiệp nhất với tôi trong lời nguyện sốt sắng cho những đã người chết », ĐTC nói với những người hành hương tập trung tại quảng trường Thánh Phê rô.

ĐTC nhấn mạnh rằng ngài cảm thấy « tinh thần gần gũi với những người bị đau khổ vì thiên tai tàn phá ». Ngài cầu xin Thiên Chúa để Ngài nâng đỡ nổi đau của họ », và giúp đỡ mọi người dấn thân trong việc cứu trợ.

Sichuan là tỉnh năm phía tây nam Trung Quốc, bị thiệt hại nặng nề do cơn động đất, 7,9 độ hiter hôm thứ Hai, là cơn động đất mạnh nhất ở Trung Hoa từ 30 năm nay.

Theo thống kê chính thức hôm nay, thứ tư (14/05/08) đã có hơn 14.000 chết, nhưng bản thống kê này sẽ tăng số người chết lên dần từ các vùng hẻo lánh.
 
Dionigi Areopagita ông tổ của nền thần học thần bí
Linh Tiến Khải
18:20 14/05/2008
VATICAN -- Sáng thứ tư 14-5-2008 đã có gần 40 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Ngoài các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các nhóm hành hương Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Slovac và Croat. Từ Á châu có các đoàn hành hương Nhật Bản và Philippines. Trong khi từ Châu Mỹ Latinh có các nhóm hành hương Costa Rica, Mehicô và Peru.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một nhà thần học thuộc thế kỷ thứ VI, sáng tác với tên giả là Dionigi Areopagita. Tên gọi này liên quan tới biến cố thánh Phaolo rao giảng tại Athènes cho một nhóm các nhà trí thức Hy Lạp như thánh Luca kể trong chương 17. Thánh sử nhắc tới tên hai nhân vật là ông Dionigi, thành viên của Hội Đồng Areopago và bà Damaris. Khi chọn tên gọi Dionigi Areopagita 5 thế kỷ sau đó tác giả cố ý dùng sự khôn ngoan Hy Lạp để phục vụ Tin Mừng, giúp nền văn hóa và tri thức Hy Lạp gặp gỡ lời loan báo Chúa Kitô.

Lý do chính của tên giả chắc hẳn là một cử chỉ khiêm tốn, không muốn vinh danh mình mà chỉ phục vụ Tin Mừng, tạo ra một nền thần học của Giáo Hội chứ không phải của cá nhân. Và ông đã thành công trong việc tạo ra một nền thần học diễn tả một tư tưởng chung, chứ không phải tư tưởng riêng tư. Thế kỷ thứ VI sau thời Công Đồng Chung Calcedonia là thời gian có nhiều tranh luận sôi nổi. Vì thế trong thư thứ VII tác giả viết: ”Tôi không muốn các cuộc tranh luận, nhưng chỉ muốn nói lên sự thật”. Với nguyên tắc đó ông thanh tẩy tư tưởng Hy Lạp để cho nó bước vào tương quan với Tin Mừng.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Dionigi Areopagita đã gặp tư tưởng Hy Lạp trong các sách của ông Proclo qua đời năm 485 tại Athènes. Ông Proclo thuộc trào lưu hậu Platon, là trào lưu đã biến triết thuyết của Platon thành một loại tôn giáo, với mục đích biện hộ cho thuyết đa thần Hy Lạp và trở lại với tôn giáo cổ Hy Lạp, sau sự thành công của Kitô giáo. Ông muốn chứng minh rằng các thần linh là các sức mạnh hoạt động trong vũ trụ. Con người có thể đạt tới các thần linh bằng các con đường khác nhau cho người đơn sơ và các hiền nhân. Đề cập tới sự độc đáo của Dionigi Areopagita dùng tư tưởng phản Kitô trên đây để cho thấy sự thật về Chúa Kitô Đức Thánh Cha nói:

Như chúng ta thấy đó tư tưởng này phản Kitô một cách sâu xa. Nó là một phản ứng chống lại chiến thắng của Kitô giáo. Một việc dùng Platon để chống Kitô giáo, trong khi đã có việc sử dụng triết gia lớn này để trình bầy Kitô giáo.

Và thật là điều hay khi ông Dionigi đã dùng chính tư tưởng này để chứng minh sự thật về Chúa Kitô: biến đổi thế giới đa thần thành vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành, trong sự hài hòa. Trong vũ trụ của Thiên Chúa tất cả mọi sức mạnh đều chúc tụng Thiên Chúa. Và ông cho thấy sự hài hòa lớn lao đó của vũ trụ: đi từ các seraphim cho tới các thiên thần và tổng lãnh thiên thân, và mọi thụ tạo đều phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa và chúc tụng Người.

Thế là ông biến đổi hình ảnh đa thần thành lời chúc tụng ngợi khen Đấng Tạo Hóa và các thụ tạo của Người. Như thế chúng ta có thể khám phá ra các đặc thái chính trong tư tưởng của ông. Trước hết đó là một lời ca tụng của vũ trụ. Toàn thụ tạo nói về Thiên Chúa và ca khen Người. Thần học của Dionigi Areopagita là một nền thần học phụng vụ. Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, khi chúc tụng Người chứ không phải chỉ trong lúc suy nghĩ về Người.

Cử hành phụng vụ là cùng với ca đoàn thụ tạo bước vào vũ trụ để ca ngợi Thiên Chúa. Phụng vụ giáo hội trở thành rộng rãi to lớn kết hiệp chúng ta với tất cả mọi loài thụ tạo. Không thể nói về Thiên Chúa một cách trừu tượng; nói về Thiên Chúa luôn luôn là hát ca chúc tụng Người. Tuy đây là một nền thần học vũ trụ, giáo hội và phụng vụ, nhưng từ đó Dionigi Areopagita đã tạo ra một nền thần học thần bí. Với ông từ thần bí mang ý nghĩa mới. Cho tới thời đó các Kitô hữu dùng từ ”mysterion” để ám chỉ bí tích, với ông từ thần bí có tính cách cá nhân và thân tình hơn: nó điễn tả con đường dẫn đưa linh hồn con người tới với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Xem ra những điều Platon và triết lý lớn nói về Thiên Chúa thì cao vượt hơn và thật hơn những gì Kinh Thánh nói. Nhưng đối với Dionigi thì đây là điều cần thiết, vì các ý niệm cao vời về Thiên Chúa không bao giờ đạt tới sự cao cả đích thật của Thiên Chúa, vì chúng không phù hợp. Các hình ảnh đó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa ở trên mọi ý niệm: trong sự đơn sơ của các hình ảnh chúng ta tìm thấy nhiều sự thật hơn trong các ý niệm. Chúng ta không có khả năng diễn tả gương mặt của Thiên Chúa. Vì thế Dionigi nói về nền thần học tiêu cực. Chúng ta chỉ có thể nói về những gì Thiên Chúa không là hơn là diễn tả thật sự Người thế nào. Và Dionigi cho thấy sau cùng con đường dẫn đến Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Người đến gần loài người chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Và như thế một nền thần học lớn lao và nhiệm mầu cũng trở thành rất thực tế trong giải thích phụng vụ cũng như trong lới giảng dậy của Chúa Giêsu Kitô.

Các tư tưởng của Dionigi ảnh hưởng rất lớn trên nền thần học thời trung cổ và trên toàn nền thần học thần bí của Đông Phương cũng như Tây Phương. Nó được tái khám phá ra trong thế kỷ XIII đặc biệt với thánh Bonaventura rồi với thánh Phanxicô thành Assisi. Cả hai vị đều khẳng định rằng: tình yêu thấy rõ hơn lý trí. Nơi đâu có ánh sáng của tình yêu, thì không có các bóng tối của lý trí. Tình yêu trông thấy, tình yêu là con mắt, và kinh nghiệm trao ban cho chúng ta nhiều điều hơn là sự suy tư. Rồi Đức Thánh Cha nêu bật tính cách thời sự của nền thần học thần bí của Dionigi Areopagita như sau:

Ngày nay tư tưởng của Dionigi Areopagita là một biến cố thời sự mới: ông nói như một người trung gian trong cuộc đối thoại tân tiến giữa Kitô giáo và các nền thần học thần bí của Á châu. Các nền thần học này có đặc thái là xác tín rằng không thể nói Thiên Chúa là ai; mà chỉ có thể nói về Người trong các hình thái tiêu cực mà thôi; chỉ có thể nói về Thiên Chúa bằng cái ”không”, và chỉ khi bước vào trong kinh nghiệm của cái ”không” này chúng ta mới đạt tới Thiên Chúa.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Như thế chúng ta thấy đối thoại không chấp nhận sự hời hợt. Chính khi bước vào trong chiều sâu của sự gặp gỡ với Chúa Kitô, thì khoảng không rộng rãi cho cuộc đối thoại cũng mở ra cho chúng ta. Khi một người gặp gỡ ánh sáng chân lý, thì nhận ra rằng nó là một ánh sáng cho mọi người; và khi đó các tranh luận biến mất, người ta có thể gặp gỡ nhau, và ít ra nói chuyện với nhau và tiến tới gần nhau. Con đường đối thoại là gần gũi Thiên Chúa nơi Chúa Kitô trong chiều sâu của cuộc gặp gỡ Người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hành hương bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Rumani, Slovac, Croat và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói hôm qua Giáo Hội mừng lễ thánh Matthia, được gia nhập đoàn Mười Hai Tông Đồ để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa. Ngài xin gương sống của thánh nhân giúp đỡ các bạn trẻ trong việc thường hằng kiếm tìm Chúa Kitô; khích lệ các anh chị em đau yếu hiến dâng mọi khổ đau để cho Nước Chúa được phổ biến khắp thế giới; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô trong gia đình.

Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Top Stories
Parmi les destructions causées par le tremblement de terre du 12 mai figure un ancien grand séminaire édifié il y a tout juste un siècle
Eglises d'Asie
16:07 14/05/2008
Parmi les destructions causées par le tremblement de terre du 12 mai figure un ancien grand séminaire édifié il y a tout juste un siècle

Le 14 mai, à l’issue de son audience publique, le pape Benoît XVI a lancé un appel à la prière pour les victimes du tremblement de terre qui a frappé une partie de la Chine populaire, le 12 mai: « Mes pensées vont aux populations du Sichuan et des provinces voisines durement affectées par le tremblement de terre qui a causé de très importantes pertes en vies humaines, un grand nombre de disparus et des dégâts incalculables. » Trois jours après la catastrophe, les secours, mobilisés sur une vaste échelle (1), continuaient à déblayer les constructions effondrées à la recherche de survivants, mais, déjà, les informations affluent sur les dégâts matériels considérables causés par la secousse. Au nombre des destructions figure l’ancien grand séminaire de Hebachang, une magnifique et vaste bâtisse dont le centenaire devait être célébré à la fin de ce mois.

Selon les témoignages reçus de Chine, le séminaire de l’Annonciation a été complètement détruit. Situé dans le district de Pengzhou, au lieu-dit de Hebachang, il se trouve à 45 km au sud de Wenchuan, épicentre du tremblement de terre. Inhabités depuis des lustres, les bâtiments se sont effondrés en ne blessant que trois catholiques, présents sur les lieux en prévision des festivités du centenaire, mais il semble que l’ensemble a subi des dommages irréparables. La grande chapelle du séminaire, qui avait déjà souffert des conséquences d’un glissement de terrain survenu il y a des années, s’est elle aussi effondrée.

La construction de ce séminaire avait débuté en 1895, à l’initiative des pères des Missions Etrangères de Paris, qui avaient alors la responsabilité du Sichuan. Elle avait été achevée en 1908. Séminaire diocésain dans un premier temps, puis régional, Hebachang a formé des générations de prêtres chinois, jusqu’en 1949, où l’arrivée des communistes au pouvoir entraîne la fermeture du lieu. Connu également sous le nom de Bailu Shangshuyuan (‘collège d’en-haut’ de Bailu), le séminaire était installé à flanc de colline, surplombant une vallée boisée; un petit séminaire (collège d’en bas) était installé plus en aval, près de l’église paroissiale de Bailu. Durant la Révolution culturelle, le grand séminaire eut à souffrir des exactions des gardes rouges, mais, mis à part des graffitis et des slogans maoïstes, le lieu est resté intact. En 2004-2005, le diocèse de Chengdu en obtenait la restitution et le curé de Bailu avait le projet de le rénover pour en faire un centre catholique d’importance. Les autorités locales, soucieuses de développer le tourisme dans la région, étaient parties prenantes du projet, et, en 2006, Hebachang était inscrit sur la liste des monuments historiques nationaux.

En prévision de ces développements et pour affirmer l’attachement de l’Eglise locale à ce lieu, le centenaire de Hebachang devait être célébré avec un certain faste. Une association de la jeunesse catholique de Chengdu avait prévu de s’y rendre en pèlerinage le 24 mai prochain, fête de Notre-Dame, Secours des chrétiens. En compagnie de séminaristes du Séminaire régional du Sichuan, ils devaient assister à une messe célébrée sur place le samedi 24, puis à la messe dominicale, en la solennité du Saint-Sacrement, le lendemain, à l’église paroissiale de Bailu. Depuis le tremblement de terre, tout a été annulé, les deux lieux de culte se sont effondrés. Outre Hebachang, de nombreuses églises catholiques ont souffert de la secousse tellurique; dans le diocèse de Chengdu, une trentaine de lieux de culte ont été endommagés, dans celui de Chongqing, pourtant éloigné de l’épicentre, ce sont au moins une dizaine d’églises qui ont souffert. Sur le plan humain, quatre membres de la chorale de la cathédrale de Chengdu, en déplacement à Beichuan, n’ont donné, à ce jour, aucune nouvelle.

Ce tremblement de terre, qualifié de plus important en Chine depuis celui de Tangshan, en 1976, a atteint l’amplitude de 7,8 sur l’échelle de Richter. Selon les médias chinois du 14 mai, 14 866 personnes y ont trouvé la mort, des dizaines de milliers de personnes seraient sous les décombres, disparues ou n’ont pas donné de nouvelles. Il s’est produit très exactement 88 jours avant la cérémonie d’ouverture des Jeux olympiques de Pékin, prévue pour le 8 août 2008, à 8 h. (ce que certains interprètent comme un signe néfaste).

(1) L’Eglise catholique en Chine s’est elle aussi très rapidement mobilisée pour porter secours aux victimes du tremblement de terre. A Shijiazhuang, dans le Hebei, Mgr Peter Feng Xinmao, évêque de Hengshui (Jingxian) et président de Jinde Charities, la branche d’action caritative montée par le P. Zhang Shijiang (voir EDA 446), a lancé un appel aux catholiques chinois à se montrer généreux de leurs dons pour les victimes, appel relayé par Xinde, le principal journal catholique de Chine, et son site Internet. Au-delà des aides financières, Jinde tente d’envoyer sur place une vingtaine de religieuses infirmières du Hebei, mais les difficultés de transport et de déplacement les empêchaient, le 14 mai, de parvenir sur les lieux. A Hongkong, le diocèse et la Caritas locale ont débloqué une première aide équivalent à 200 000 euros.

(Source: Eglises d’Asie – 14 mai 2008)
 
Statement of Congressman Ed Royce about Human Rights Conditions in Vietnam
Ed Royce
17:44 14/05/2008
WASHINGTON, D.C. -- Today, Rep. Ed Royce (R-CA), member of both the Congressional Caucus on Vietnam and the Congressional Human Rights Caucus, gave the following statement during a hearing to address the human rights conditions in Vietnam:

We received some good news the other day. It appears as if Viet Tan party member and U.S. citizen Dr. Nguyen Quoc Quan will be coming home very soon. All of us here are familiar with the story of Dr. Nguyen Quoc Quan, who was arrested on November 17, 2007 along with 5 other democracy activists for distributing pro-democracy leaflets. This peaceful dissent landed him in a Vietnamese prison, where he's been ever since.

For the crime of passing out pieces of paper, the Vietnamese government charged Dr. Quan as a "terrorist" in a sham trial that lasted less than six hours. The charge of terrorism here is laughable. Dr. Quan didn't come to Vietnam armed with guns and ammo. He came armed with ideas. Evidently, the one-party government in Vietnam sees this as just as dangerous.

While the news of Dr. Quan's imminent release is heartening, we should not forget that hundreds more remain imprisoned under similar circumstances for their peaceful political and religious beliefs. Hanoi continues its oppression of religious freedom and human rights... just as it has been doing for decades. In the Foreign Affairs Committee- on which I am a member - we have had several hearings on Vietnamese human rights violations. The song has remained the same, as we continue to hear testimony on the disregard for religious freedom, political dissent, and other basic human rights.

In their most recent report, Human Rights Watch tells of Nguyen Vu Binh, who "is serving a seven-year sentence for espionage after participating in internet discussions about democracy." Indeed, Vietnamese officials have brought their harassment of religious leaders, political dissidents, and student activists to new, draconian levels.

In Congress, it is important that we continue to speak out against Vietnam's continued human rights violations, like we are doing today, but there is more we can do. It is critical that the Senate pass the Vietnam Human Rights Act. Unfortunately, the actions of a few in the other body have stopped all progress. This is unacceptable, and if the Senate is serious about addressing this issue, they need to act.

But another important issue is freedom of the press. Of particular concern to me is the control over the media that the Vietnamese government has put in place. Newspapers, television and radio stations remain under strict government control. Again, in its annual report on freedom of the press, the NGO Freedom House listed Vietnam as "not-free," noting that more than a dozen journalists were imprisoned last year for pushing for a more open media.

As longtime dissident Dr. Nguyen Dan Que correctly stated some years ago, "The state hopes to cling to power by brain-washing the Vietnamese people through stringent censorship and through its absolutist control over what information the public can receive." This is why I have been so supportive of Radio Free Asia's broadcasts to Vietnam - so people can actually learn what is going on in their country.

U.S.-backed Radio Free Asia is a "surrogate" broadcasting service, acting as a free press for Vietnam would if the Communist government in Hanoi would allow one to flourish. I authored legislation to expand Radio Free Asia's (RFA) broadcasts in this critical region of the world. With the Vietnam Human Rights Act, Radio Free Asia will now be better able to bring objective news – the truth – to the Vietnamese people.

RFA launched its Vietnamese service in February 1997. Vietnam has a history of heavily jamming RFA - jamming it since the first day of its broadcasts. RFA employs six times the frequencies than it would to a non-jamming country. It is difficult to describe in words what the jamming is like. A faint voice can barely be heard over all the "stuff" that is created by the Vietnamese government. If you want to hear what it sounds like, contact my office, where we have a sample of a typical jammed RFA program by the Vietnamese. I wonder what news the communist regime is afraid of?

Vietnam's efforts to block radio broadcasts from Radio Free Asia tells me that not only are these broadcasts having a positive effect in combating state propaganda, but Hanoi is feeling increased political pressure.

To conclude, I would like to just mention the importance of applying political pressure on Vietnam. We know that Hanoi is sensitive to criticism and is overly conscious of its image abroad. When I met with Thich Quang Do and Le Quang Liem in Saigon, I was immediately denounced. This showed me that the government is listening to what we say - and it has impact.

We need to tell Hanoi that if we are going to bolster our relations with Vietnam, it must embrace political pluralism in all of its forms. Silencing dissidents and suppressing religious freedoms are not the ways towards a close partnership.

It is time for Vietnam to emerge from the dark ages and embrace freedom, the rule of law and universal human rights.
 
Red Cross: Up to 128,000 may have died in Myanmar
Associated Press
17:51 14/05/2008
YANGON, Myanmar - The Red Cross estimated Wednesday that the cyclone death toll in Myanmar could be as high as 128,000 — a much higher figure than the government tally. The U.N. warned a second wave of deaths will follow unless the military regime lets in more aid quickly.

The grim forecast came as heavy rains drenched the devastated Irrawaddy River delta, disrupting aid operations already struggling to reach up to 2.5 million people in urgent need of food, water and shelter.

"Another couple of days exposed to those conditions can only lead to worsening health conditions and compound the stress people are living in," said Shantha Bloemen, a spokeswoman for UNICEF.

A tropical depression in the Bay of Bengal added new worries, but late in the day forecasters said it was weakening and unlikely to grow into a cyclone.

Myanmar's government issued a revised casualty toll Wednesday night, saying 38,491 were known dead and 27,838 were missing.

The International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies, however, said its estimate put the number of dead between 68,833 and 127,990. The Geneva-based body said the range came from a compilation based on other estimates from 22 different organizations, including the Myanmar Red Cross Society, and on media reports.

Even though the figures seemed precise, spokesman Matthew Cochrane said they were not based on body counts, but were only rough estimates designed to provide Red Cross donors and partner organizations with an idea of the numbers being discussed within the aid community.

U.N. officials have said there could be more than 100,000 dead.

The Red Cross estimated the number of people needing help after cyclone surged over the low-lying delta on May 3 at between 1.64 million and 2.51 million.

But the junta still refused to accept help from foreign aid experts, who have vast experience in handling humanitarian crises.

It insisted Myanmar can handle the disaster on its own — a stance that appeared to stem not from the isolationist regime's ability but from its deep suspicion of most foreigners, who have frequently criticized its human rights abuses and crackdowns on democracy activists.

"The government has a responsibility to assist their people in the event of a natural disaster," said Amanda Pitt of the U.N. Office for Humanitarian Affairs.

"We are here to do what we can and facilitate their efforts and scale up their response. It is clearly inadequate, and we do not want to see a second wave of deaths as a result of that not being scaled up," she said.

Myanmar's prime minister, Lt. Gen. Thein Sein, told visiting Thai Prime Minister Samak Sundaravej on Wednesday that the government was in control of the situation and didn't need foreign experts.

"They have their own team to cope with the situation," Samak said after returning to Bangkok. He said the junta gave him a "guarantee" that there was no starvation or disease outbreaks among survivors.

But critics say the government is woefully lacking in helicopters, trucks and boats as well as planning expertise needed to distribute aid to survivors, who have jammed into monasteries and relief centers or are camping outside.

U.N. agencies and other voluntary groups have been able to reach only 270,000 of the affected people, said Elisabeth Byrs of r the U.N. Office for Humanitarian Affairs in Geneva.

She said the World Food Program would need 55,000 tons of rice to feed 750,000 people for three months, but the agency had been able to ship in only 361 tons so far.

The junta did grant approval Wednesday for a Thai medical team to visit the delta, said Dr. Thawat Sutharacha of Thailand's Public Health Ministry. If the team goes as scheduled Friday, it will be the first foreign aid group to work in the ravaged delta.

Myanmar has limited the few international aid workers in the country to Yangon, the country's biggest city, and used police to keep foreigners from going to the delta.

The government gave a little ground to demands that it let in more experts. It announced it would allow in 160 relief workers from neighboring countries — India, China, Bangladesh and Thailand. It was not clear whether they would be permitted to go to the delta.

In New York, U.N. humanitarian chief John Holmes welcomed the junta's move. But he said it was not enough and demanded that Myanmar open its borders to foreign relief specialists and let outsiders work in the Irrawaddy delta.

"The relief getting through under the kind of restrictions we're operating under is by no means adequate to the task, and it's hard to see how just continuing with the status quo can ever be sufficient in the current critical time period that we're working in," Holmes said.

U.N. Secretary-General Ban Ki-moon called a meeting of key donors and Myanmar's neighbors to weigh options for speeding aid to cyclone victims.

"Even though the Myanmar government has shown some sense of flexibility, at this time it's far, far too short," he said. "The magnitude of this situation requires much more mobilization of resources and aid workers."

He also expressed frustration that he had not been able to arrange direct talks with the junta's chairman, Senior Gen. Than Shwe, despite repeated phone calls and letters.

While it has kept out all but a few foreign aid workers, the regime has accepted tons of provisions sent by international donors, including the United Nations and the United States.

Five U.S. C-130 military transport planes delivered drinking water, blankets, mosquito nets and plastic sheets Wednesday. Lt. Col. Douglas Powell said 197,080 pounds of provisions had been sent in on eight U.S. flights since Monday.

Adm. Timothy J. Keating, head of the U.S. Pacific Command, said he did not get the junta's formal approval for American aid flights when he met with the Myanmar navy commander Monday in Yangon. But he said Myanmar officials were allowing the planes to fly in.

"In approving our flight plans, they are giving us permission — it is kind of implicit permission," Keating said in an interview with National Public Radio's "Morning Edition" program.

The State Department renewed an appeal for the junta to allow in outside disaster relief experts and more assistance. "This is not a political issue. This really is simply a humanitarian issue," said deputy spokesman Tom Casey.

The European Union's top aid official, Development Commissioner Louis Michel, said he was not opposed to the idea of parachuting aid into Myanmar, but said he did not think it was workable. Others have suggested unilateral air drops to circumvent the junta's restrictions.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ an táng Đức Viện Phụ Châu Sơn - Đơn Dương Đà Lạt: Stephanô Trần Ngọc Hoàng
Trần Tiến
11:42 14/05/2008
ĐÀ LẠT - Sau cả tuần mưa như trút ở vùng Tây Nguyên, Dalat, sáng nay 14. 5. 08 trời lai tạnh mưa. Thật Trời thương quá sức. Các giáo dân vùng chung quanh, các thân nhân tang quyến Bắc Nam, các dòng tu nam nữ, nhất là các đan viện khắp nơi và các linh mục quen biết và thuộc giáo phận Dalat tuôn về Đan viện Thánh Mẫu Châu sơn Đơn Dương Dalat rất đông, để tiễn đưa Viện Phụ 80 tuổi về nơi an nghỉ muôn đời,.

Thánh lễ đồng tế do Đức cha Phêrô, Giám mục Gp Dalat và kiêm chủ tịch HĐGMVN chủ sư, cùng hai viện phụ Ephrem Đức của đan viện Châu sơn và viện phụ Hiền, đan viện Phước Sơn Hội trưởng, và gần 200 linh mục đồng tế. Lòng nhà nguyện không đủ sức chứa ngần ấy người… Mọi người trong ngòai đều hiệp thông Thánh lễ an táng rất sốt sắng và trang nghiêm.

Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn mở lời trước lễ với cung giọng nghẹn ngào, rưng rưng nuớc mắt thương nhớ NGƯỜI CHA nhân ái yêu hết mọi người như khẩu hiệu:”YÊU TU LUẬT và THƯƠNG ANH EM’, như tôn chỉ của thánh Biển Đức và giới luật mới yêu thưoung của Chúa Giêsu….

Khi giảng lễ Đức cha Phêrô còn khai triển nhiều cụ thể hơn. có nhiều liên hệ với giáo phận Dalat. Giáo phận Dalạt thật diễm phúc có được một dan viện chiêm niệm ở giữa để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của giáo phận. Khi có du khách hỏi thăm, Ngài chỉ giới thiệu hai nơi:tìm nơi an bình cầu nguyện thì đến Châu Sơn, còn tìm bài học Bác Ai thì đến làng cùi Di Linh với các Nữ tiử Bác Ai…. Ngài cũng kể đến mối hiệp thông cá nhân của viện phụ với Tòa Giám Mục Dalat và bản thân Giám mục từ năm 1964 khi Cha làm Viện phụ tiên khởi của Châu Sơn. Rồi những tháng ngày khó khăn do hòan cảnh, do đủ thứ bệnh, viện phụ vẫn bình thản đón nhận và vui chịu đựng theo thánh ý Chúa, không để người khác biết. Thánh hóa cuộc đời bằng chính các đau khổ bản thân. Ngài giao tiếp hài hòa với mọi hạng nguời nên mọi người mến thương Người, kể cả chính quyền các cấp và khắp nơi trong Nam ngòai Bắc….

Hôm nay ngài nằm yên nghỉ vĩnh viễn bên Chúa.

Tân viện phụ trẻ trung Ephrem cũng nghẹn ngào cám ơn Đức cha, các cha và mọi người,. . và nguời Cha, nguời Thày, nguời Bảo trợ nay vắng bóng nên cảm thấy trọng trách đè nặng trên đôi vai bé bỏng. Xin mọi người thêm lời cầu nguyện…

Phần mộ của viện phụ Stephano ở ngay ngòai cửa của nguyện đường Châu Sơn, cũng gần cửa sổ căn phòng của viện phụ tưng ở. Mọi qúy khách tới Châu Sơn dễ dàng viếng thăm Ngài, hơn ở ngòai nghĩa địa của hội dòng….

11g15 mọi sự an táng đã hòan tất. Lời Chúa qua thư thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1. 21)
 
Ngày 'Hiền Mẫu' đi thăm Nữ Tu Việt Nam
Lại Thế Lãng
11:54 14/05/2008
VERMONT -- Hôm Chúa nhật 11/5/2008 cũng là ngày Mother’s Day, một nhóm người trong cộng đoàn của chúng tôi do cha Francis Holland hướng dẫn đã đến thăm tu viện Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria ở Westfield, tiểu bang Vermont, cách thành phố Burlington nơi chúng tôi ở khoảng 67 miles. Nói là thăm tu viện nhưng thực tế là cha Holland muốn đưa chúng tôi đi thăm một nữ tu Việt Nam đang tu tại đậy

Cha Francis Holland trước đây từng được Đức Giám Mục chỉ định trông coi cộng đoàn Việt Nam bé nhỏ tại tiểu bang Vermont. Một thời gian sau ngài về hưu nhưng rồi vì nhu cầu của giáo phận ngài trở lại phục vụ thêm 3 năm nữa ngay tại giáo xứ nơi gia đình tôi cư ngụ. Dù đã về hưu lần thứ hai, thỉnh thoảng ngài vẫn trở lại dâng lễ tại giáo xứ cũ khi linh mục quản xứ có việc phải vắng mặt tại giáo xứ.

Cách đây mấy tháng trong một lần trở lại dâng thánh lễ ở giáo xứ của chúng tôi, ngài đón tôi ở cuối nhà thờ và vui vẻ báo cho tôi biết có một sơ Việt Nam đang tu ở một tu viện trong tiểu bang. Nói về người nữ tu này điều ngài biết duy nhất là tên nhưng ngài phát âm rất khó nghe cho nên kể như tôi chẳng biết tý gì về ngưới nữ tu ngài đề cập tới. Ít lâu sau gặp lại tôi ngài hỏi tôi đã đi thăm sơ Việt Nam chưa. Tôi hơi bối rối vì cho tới lúc đó tôi mới hiểu ra rằng khi báo tin cho tôi, ngài đã có ý muốn chúng tôi đến thăm người nữ tu mà ngài có vẻ quan tâm đến. Tôi đề nghị khi nào ngài có dịp đến tu viện thì chúng tôi đi theo chứ không biết đường đi, hơn nữa chúng tôi cũng không rõ luật lệ của nhà dòng như thế nào. Dịp đó đã đến hôm Chúa nhật vừa qua cũng là ngày Mother’s Day. Đến thăm tu viện của các nữ tu trong ngày Mother’s Day hôm đó thât là một sự trùng hợp rất có ý nghĩa.

Trên đường tới tu viện, cha Holland rất vui. Ngài nói chuyện không ngừng. Ngài chỉ cho chúng tôi ngôi nhà thờ và căn nhà ngài đã phải thuê để ở tại giáo xứ nơi ngài đã phục vụ 10 năm khi vừa thụ phong linh mục. Ngài kể cho chúng tôi rằng trong giáo xứ lúc đó chỉ có khoảng 50 gia đình và số tiền quyên được mỗi tuần lễ chưa đầy $50.00 nhưng do sự quan phòng của Chúa, một thời gian sau ngài đã xây dựng được nhà xứ và hoàn thành nhiều công việc khác.

Trong lúc chuyện trò vui vẻ và trả lời câu hỏi của chúng tôi, ngài cho biết sơ Bề trên của nhà dòng biết rõ ngài rất gần gũi với cộng đoàn Việt Nam cho nên trong một dịp ngài đến nhà dòng, sơ Bề trên đã khoe với ngài về một nữ tu Việt Nam ở trong tu viện. Chỉ có vậy thôi mà ngài đã hăng hái báo tin cho tôi, có ý hối thúc chúng tôi đi thăm và hôm nay chính ngài hướng dẫn chúng tôi đến tu viện chứng tỏ ngài rất quan tâm và thương mến giáo dân Việt Nam.

Chúng tôi đến tu viện sau khoảng 2 giờ lái xe. Đến nơi nhìn tấm bảng trên đường dẫn vào tu viện chúng tôi mới biết tu viện Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria thuộc dòng Bênêdictô. Tu viện này được thành lập từ năm 1981 trên một khu đất rộng khoảng 70 acres trong một vùng vắng vẻ của thành phố Westfield, một thành phố nhỏ của tiểu bang Vermont nằm sát Canada. Những nữ tu đầu tiên lo việc xây dựng tu viện đến từ nhà dòng ở Canada. Cho tới nay trong tu viện có 16 nữ tu và một linh mục cùng dòng lo việc dâng lễ hàng ngày trong tu viện. Tu viện này là một trong số 8 tu viện nữ và 21 tu viện nam của dòng Bênêđictô ở trong 8 quốc gia trên thế giới.

Bấm chuông tại cửa, chúng tôi được một sơ ra đón và hướng dẫn đến ngồi chờ ở phòng khách. Sau đó chúng tôi lại được hướng dẫn đến phòng tiếp xúc với nữ tu. Ở đây sơ Bề trên, sơ Phó Bề trên và nữ tu mà chúng tôi muốn đến thăm đang chờ sẵn ở bên kia một bức ngăn thoáng. Chúng tôi được mời vào một dãy ghế kê đối diện với bức ngăn. Các nữ tu tươi cười chào đón chúng tôi vì “khách thăm viếng được đón nhận như chính Chúa Kitô” theo phương châm của tu viện. Sau một vài câu xã giao giữa chủ và khách, cha Holland tách rời chúng tôi để đến nhà nguyện. Sơ Bề trên và sơ Phó Bề trên cũng rời khỏi phòng để lại chúng tôi và sơ Việt Nam, tạo cơ hội cho chúng tôi được thoải mái dùng ngôn ngữ của mình.

Sau một lúc trao đổi chúng tôi mới được biết chính xác tên của sơ Việt Nam là Kim Bảo Phạm. Chúng tôi cũng được biết gia đình sơ đến Mỹ được 32 năm và hiện sống ở California. Sơ có 6 anh chị em và sơ đã là kiến trúc sư trước khi xin vào tu viện. Sơ cho biết đã đến sống thử ở nhà dòng trong 3 tháng, sau đó trở về gia đình rồi mới nộp đơn xin nhập dòng. Sơ đã vào dòng được 4 tháng. Ngoài những giờ cầu nguyện, sơ chưa được phân công làm việc gì kể cả nấu ăn mà các sơ trong tu viện phải luân phiên phụ trách. Sơ dành nhiều thì giờ để học tiếng La tinh. Được biết trong các buổi cầu nguyện ở trong tu viện, nhiều bài thánh ca bằng tiếng La tinh thời trung cổ vẫn còn được dùng đến.

Đến thăm nhà dòng chúng tôi mới được biết luật của nhà dòng rất nghiêm ngặt. Từ khi bước chân vào tu viện, các nữ tu không được phép bước ra bên ngoài. Ngay ở trong tu viện, ngoại trừ những nữ tu có phận sự, các nữ tu khác cũng chỉ đươc lui tới trong một phạm vi nhất định. Các nữ tu có thể liên lạc với gia đình qua thư từ nhưng không được phép dùng điện thoại và một năm chỉ được gặp gia đình một lần khi có gia đình đến thăm. Trung bình nữ tu cần ở trong nhà dòng 6 năm mới có thể khấn trọn đời nghĩa là phải trải qua 3 giai đoạn: 1 năm tu sinh (postulant), 2 năm tập sinh (novice) và 3 năm khấn tạm. Nhưng có nữ tu đã sống ở đây đến 8 năm vẫn chưa được khấn trọn đời. Tuy khó khăn như vậy, tu viện vẫn thu hút được người thích đi tu. Tu viện mới thâu nhận một cô gái mới 24 tuổi và mới trở thành người công giáo được 2 năm.

Những nữ tu sống trong tu viện này hẳn phải là những người thực sự khát khao đi tìm kiếm Chúa và đầy lòng hy sinh, hãm mình. Nghe theo tiếng chuông, hàng ngày các nữ tu cầu nguyện 7 lần về ban ngày và 1 lần vào buổi tối. Ngoài những giờ cầu nguyện, các nữ tu còn phải làm nhiều công việc bao gồm công việc làm bánh lễ cung cấp cho các giáo xứ. Hiện tu viện sản suất và cung cấp cho các giáo xứ khoảng 40,000 bánh lễ mỗi tuần.

Chuyện trò với sơ Kim Bảo xong chúng tôi kéo nhau đến cầu nguyện tại nhà nguyện được thiết lập riêng biệt ngay bên hông của nhà nguyện dành cho các nữ tu. Tại nhà nguyện này khách thăm viếng có thể dự thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng, tham dự các buổi cầu nguyện với các nữ tu hay là chỉ ghé qua cầu nguyện trong chốc lát. Chúng tôi cũng ghé thăm và mua một vài thứ làm lưu niệm tại gift shop của tu viện nơi bày bán sách báo, dĩa CD, tượng ảnh và tràng hạt do chính các nữ tu làm ra. Sau đó chúng tôi trở lại phòng tiếp xúc để chào từ biệt sơ Bề trên và sơ Kim Bảo. Cũng như khi chúng tôi mới đến, sơ Bề trên tươi cười vẫy chào chúng tôi và mong chúng tôi sẽ trở lại thăm tu viện trong một dịp khác.

Trên đường về tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì đã nghe và thấy tại tu viện và về sự an bài lạ lùng của Chúa. 32 năm trước, trên con thuyền vượt đại dương với bao sóng gío, Chúa đã đưa cô bé Kim Bảo đến đất Mỹ để rồi đến khi trưởng thành, đến khi công đã thành danh đã toại thì Kim Bảo lại từ bỏ tất cả. Rồi cô gái Mỹ 24 tuổi kia mới biết Chúa có 2 năm cũng đã từ giã gia đình để đi theo Ơn Gọi. Bước vào tu viện với nhiều luật lệ nghiêm ngặt và sẽ sống ở đó cho đến cho đến ngày lìa cõi thế là cả một quãng đường đầy gian na, thử thách. Tôi thành tâm cầu nguyện cho sơ Kim Bảo và các bậc tu trì được bền đỗ với Ơn Gọi để đi theo con đường đã chọn.

Vermont ng ày 13/5/2008
 
Một linh mục Việt kiều với chương trình Mái Ấm Mẹ Việt Nam cho giáo xứ Bình Thuận
Trần Đức Hà
16:36 14/05/2008
NGHỆ AN - Cuộc đời quanh ta vẫn còn có những nỗi đau khôn tả, có những số phận bất hạnh với một tương lai thật xa vời, những trẻ em mồ côi, khuyết tật; những người gặp căn bệnh hiểm nghèo; những người neo đơn, cơ nhỡ…. Đau khổ vẫn luôn hiện diện quanh ta, đồng hành với cuộc sống của nhiều anh chị em mặc dù trong con mắt của chúng ta không phải lúc nào cũng cảm nghiệm được nỗi đau đó như tâm sự của Lm Xuân Đường, CSsR trong một nhạc phẩm: “Ngày nào ôm nỗi đau, tôi mới hiểu nổi đau là gì, lần mò trong khát khô, tôi mới hiểu phận người ăn xin…..”

Mong muốn sẻ chia những khó khăn của những anh chị em bất hạnh trên quê hương Việt Nam, Lm Phêrô Trần Trọng Mỹ thuộc TGP Adelaide – Australia đã thành lập nhiều cơ sở bác ái ở nhiều địa phương, thực hiện những chuyến hành trình từ thiện xuyên Việt nhằm thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin và niềm hi vọng đã mất nơi những anh chị em đó. Giáo phận Vinh là quê gốc của Lm Phêrô và cũng là nơi Ngài hiện đang hoạt động mục vụ. Nhân dịp Ngài thành lập Mái ấm Mẹ Việt Nam nhằm bảo vệ sự sống, phòng chống phá thai tại giáo xứ Bình Thuận (Nghi Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An) ngày 10.5.2008, chúng tôi đã được gặp Ngài. Sau đây là một số chia sẻ của Ngài về các hoạt động từ thiện mà Ngài đã thực hiện.

Hỏi: - Trọng kính cha, con xin chúc mừng cha đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong công cuộc từ thiện ở Việt Nam,nguyện xin Thiên Chúa cho công việc của cha luôn được thành công về mọi mặt. Nhân dịp này chúng con muốn được biết đôi nét về cha và công cuộc từ thiện bác ái của cha.

Trước hết, xin Cha cho biết Cha về quê hương mà cha đã từng sinh sống?

Lm Mỹ: - Cha trước khi rời Việt Nam sống ở Nha Trang nhưng quê gốc cha ở xứ Kim Đôi thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha rời Việt Nam vào cuối năm 1983 lúc 13 tuổi. Sau hai năm sinh sống tại Philippin, cha được chính phủ Úc cho định cư tại bang South Australia.

Hỏi: - Cha trở lại thăm quê hương Việt Nam từ năm nào? Bắt đầu công cuộc từ thiện bác ái khi nào và thực hiện ở đâu?

Lm Mỹ: - Vào năm 1999 tức là hai năm trước khi Cha chịu chức Lm, Cha trở lại thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 16 năm xa cách. Tuy nhiên, phải đến sau khi chịu chức năm 2001 thì Cha mới có thể bắt đầu công cuộc từ thiện của Cha được.

Hỏi: Vì sao Cha thực hiện công cuộc mục vụ từ thiện ở quê hương Việt Nam?

Lm Mỹ: - Trong lần trở về quê hương lần đầu tiên, Cha đi từ Bắc đến Nam, Cha tận mắt chứng kiến cảnh khổ đau của những thân phận bất hạnh như người mồ côi, khuyết tật, người bệnh tật, cô đơn không nơi nương tựa.... Những thân phận đó đã gây xúc động lớn lao trong tâm hồn Cha. Cha nghĩ rằng phải làm cái gì đó để sẻ chia những bất hạnh này. Đó chính là lý do thúc đẩy Cha trở lại Việt Nam nhiều lần để làm từ thiện.

Hỏi: Con biết rằng Cha đã từng đi qua nhiều ngõ ngách, từ thành thị đến miền quê, từ miền sơn cước Cao Bằng – Lạng Sơn đến miền sông nước như Đồng Bằng Sông Cửu Long.v.v. xin Cha cho chúng con biết một số kết quả của công việc từ thiện của Cha? Cha thường giúp đỡ những ai và giúp đỡ bằng cách nào?

Lm Mỹ: Cha đã thực hiện nhiều chuyến hành trình từ thiện và đã thành lập một số trung tâm bác ái như Trung tâm bác ái Mẹ Têrêsa Calcutta ở giáo phận Bùi Chu, ở Tân Hương – giáo phận Vinh….. Bộ VCD “Hành Trình Kết Nối Yêu Thương 2007-2008” gồm 12 tập Cha vừa thực hiện xong sẽ cung cấp toàn bộ hình ảnh công việc của Cha ở Việt Nam như là giúp đỡ các em mồ côi khuyết tật của nhiều địa phương trong nước; giúp đỡ bệnh nhân cùi ở Hải Hậu –Nam Định, Di Linh – Lâm Đồng, Quỳnh Lập – Nghệ An, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Qui Nhơn, Sóc Trăng; người nhiễm HIV-AIDS ở Vinh, Qui Nhơn, Huế; thăm đồng bào dân tộc ở Cao Bằng – Lạng Sơn, dân tộc Thái ở Nghệ An, dân tộc Thượng ở Tây Nguyên, giúp đỡ những người nghèo, người neo đơn, người phụ nữ lầm lỡ, xây dựng nghĩa trang cho trẻ tàn tật, trẻ mồ côi, cứu trợ đồng bào lũ lụt Miền Trung. v.v. Đặc biệt, Cha đã thành lập một số cơ sở bác ái như Trung tâm bác ái Mẹ Têrêsa Calcutta tại Tân Hương – GP Vinh, tại GP Bùi Chu và mới đây nhất là Mái ấm Mẹ Việt Nam nhằm bảo vệ sự sống,chống phá thai tại Bình Thuận-GP Vinh. Cha chia sẻ tình thương yêu với họ bằng những món quà như tiền mặt, gạo, mỳ tôm, thuốc men, sách vở, chăn màn, áo quần.v.v.

Hỏi: Cha đến đây với tư cách cá nhân hay là thuộc nhóm từ thiện nào khác?

Lm Mỹ: Cha đến đây và thi hành công tác từ thiện với tư cách cá nhân. Nếu cha làm việc trong một nhóm từ thiện nào đó thì phải tuân theo lịch trình đã định sẵn, cha đi với tư cách cá nhân nên rất dễ dàng di động đến nhiều địa điểm, nhất là đến những nơi vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam Cha rất vui vì đi đến đâu Cha cũng nhận được sự cộng tác nhiệt tình của một số anh chị em thiện nguyện viên.

Hỏi: Theo con được biết thì hôm 12.5.2008 này, Cha sẽ kỷ niệm 7 năm ngày Cha lãnh nhận chức Lm, xin Cha cho chúng con biết công việc mục vụ của Cha khi ở Tổng giáo phận Adelaide?

Lm Mỹ: Được lãnh nhận thiên chức Lm là niềm vinh dự lớn lao. Trước hết, xin tạ ơn Thiên Chúa đã chọn Cha vào công việc người mục tử để Cha có thể phục vụ những người anh em một cách tốt nhất. Cha chịu chức và phục vụ ở TGP Adelaide phía nam nước Úc ngày 12.5.2001. Công việc của Cha bên đó là coi xứ, phục vụ trong các viện dưỡng lão, nhà thương, trường học công giáo, trại tù, cảm hóa những người nghiện hút, ma túy, mại dâm và cả những thổ dân Úc mà cuộc sống của họ còn khốn khổ và tệ hơn những người Việt Nam chúng ta bây giờ.

Hỏi: Ngày 10.5.2008 vừa qua, con được biết ĐGM Phaolô Cao Đình Thuyên đã đến cắt băng khánh thành Mái ấm Mẹ Việt Nam do cha thành lập để cưu mang những cô gái lầm lỡ tránh cho họ phải đi đến việc phá thai, xin Cha cho chúng con biết đôi nét về Mái ấm này?

Lm Mỹ: Trong một dịp đi Huế, Cha đã chứng kiến một sơ dòng Mến Thánh Giá trên 70 tuổi giúp đỡ hàng chục cô gái lầm lỡ, một công việc thầm lặng nhưng kết quả vô cùng cao và thuyết phục. Được sự đồng ý của Đức Cha Phaolô, Cha đã cho xây dựng Mái ấm mang tên Mẹ Việt Nam tại giáo xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trên mảnh đất 600m2 cùng cơ sở vật chất của một giáo dân là anh Hồ Văn Huynh dâng cúng. Trong vòng hơn 1 tháng, mái ấm đã được hoàn thành với sự giúp đỡ tận tình của giáo dân toàn xứ. Ngoài nơi ăn nghỉ gồm 5 phòng chứa được 16 chiếc giường thì còn có công trình phụ và khu vực chăn nuôi…Bảo trợ cho Mái ấm là Mẹ Việt Nam, Cha đã đắp một pho tượng Mẹ Maria theo hình ảnh một bà mẹ Việt Nam mặc áo dài, đội nón ẵm Chúa Giê su trước sân trung tâm. Thời gian tới đây, Cha sẽ bắt đầu nhận người vào Mái ấm. Hiện tại, Mái ấm Mẹ Việt Nam đang nhận được sự giúp đỡ của các sơ thuộc hội dòng Thừa Sai Bác Ái Bình Thuận và nhóm Bảo Vệ Sự Sống dòng Chúa Cứu Thế và một số ân nhân khác. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, mong tất cả mọi người cùng cầu nguyện cho hoạt động phò sự sống tại giáo phận Vinh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hỏi: Cha có một lối sống đặc biệt gần gũi với quần chúng giáo dân. Cha thường tham gia mọi hoạt động của giáo dân. Đến Bình Thuận, mọi người đều gọi Cha với cái tên trìu mến - “Cậu”. Người dân ở đây thường nhớ đến hình ảnh Cha cùng lăn lộn trên đồng ruộng để đi cày, bừa, gieo vãi với dân; đi chăn trâu với các em, đi đào khoai giữa trưa cho thợ.. .và biết bao nhiêu việc làm khác nữa. Đến nỗi người ta đã thốt lên chưa có ông cha nào bình dân đến thế. Người dân Bình Thuận đều rất muốn Cha ở lại với họ. Cha nghĩ sao về việc ở lại phục vụ Việt Nam vĩnh viễn?

Lm Mỹ: Cha rời quê hương lúc 13 tuổi, qua Úc sống 24 năm, Cha đã đi qua nhiều quốc gia, nhiều phương trời rồi nhưng Cha vẫn cảm nhận không nơi nào ấm cúng và đầy đắp tình người như ở quê hương chúng ta. Không có gì quí hơn việc được sống trên mảnh đất đã từng “chôn nhau cắt rốn” của mình, mảnh đất mà hàng thế kỷ trôi qua ông cha chúng ta đã sống bởi vì:

“Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Xin Thiên Chúa thực hiện mọi điều Ngài muốn nơi con người của Cha, Cha nguyện đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì miễn là sáng danh Thiên Chúa và Mẹ Maria nhân hiền.

Chúng con xin hết lòng cảm ơn Cha và nguyện xin Thiên Chúa đổ dồi dào muôn hồng ân trên Cha và công cuộc bác ái mà Cha đang thực hiện.
 
Nhóm Ve Chai Nhân Ái Hải Phòng thăm trại cùi Quảng Yên
Minh Nguyệt
16:49 14/05/2008
HẢI PHÒNG - Vừa qua, cha đặc trách nhóm ve chai Nhân ái Hải Phòng Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã tổ chức hành hương thăm Giáo xứ Trà Cổ Giáo Phận Hải Phòng, giúp các thành viên có thời gian cầu nguyện, tham quan và nhất là mọi người được sống gần gũi với nhau hơn với tâm nguyện là thu gom ve chai giúp đỡ cho các bệnh nhân HIV- AIDS, những người nghèo khổ...

Các thành viên đã chọn cho mình điểm đến là Giáo xứ Trà cổ là một giáo xứ cách Toà giám mục Hải Phòng 290 Km. Tại đây Cha đặc trách đã dâng Thánh lễ cho nhóm tại nhà thờ Giáo xứ trong bầu khí ấm cúng và thân tình. Trong bài chia sẻ, cha đã nói đến sự hiệp nhất như la điều cần thiết trong một cộng đoàn khi phục vụ những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi. Nhóm ve chai là sự hiệp nhất của mọi thành viên khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hoá, tôn giáo, môi trường sống và sở thích của mỗi người, nhưng đã hiệp nhất với nhau trong một lý tưởng là mang đến niềm vui cho những người đau khổ và nghèo khó. Từ những mảnh ve chai, chiếc lon bia, mẩu giấy, miếng bìa nhưng đã được gom lại từ những bàn tay nhỏ bé của các thành viên, những vật kể như bỏ đi đó đã được anh chị em thổi hồn vào nó trở thành những món quà thật ý nghĩa mang đến niềm vui, sự cảm thông cho những anh chị em kém may mắn.

Thật vui và cảm động khi nhóm tổ chức một buổi đốt lửa trại tại bãi biển Trà Cổ, mọi người cùng hát, cùng cầu nguyện mỗi người đã dâng lên Chúa những ước nguyện cho công việc phục vụ của mình, có mấy thành viên đã khóc vì sung sướng khi được tham gia trong nhóm ve chai, mọi người coi nhau như anh em, và nhất là được thăm viếng và phục vụ những người đau khổ nghèo khó và bỏ rơi. Lời cầu nguyện của Cha đặc trách là xin ngọn lửa Chúa Thánh Thần tiếp tục đốt lên trong lòng mỗi thành viên, để sức nóng của lòng hăng say phục vụ ngày càng ra tăng trong lòng mỗi người.

Trên đường trở về Thành Phố Hoa Phượng Đỏ, Nhóm ve chai đã ghé thăm Trại cùi Quảng Yên nằm trong tỉnh Quảng Ninh. Trong trại chỉ có 12 bệnh nhân, cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng các bệnh nhân rất cần sự động viên thăm hỏi, vì khu trại này nằm cách xa với khu dân cư, nên rất ít người đến đây thăm hỏi.Cha đặc trách đã ân cần thăm hỏi, bắt tay từng người, trao quà và tổ chức một buổi văn nghệ rất đơn sơ nhưng đã mang lại nụ cười cho các bệnh nhân ở đây. Cuối cùng các thành viên chụp hình kỷ niệm với các bệnh nhân.

Sau hành trình hai ngày thật mệt nhưng các thành viên trong nhóm thật vui vì có dịp đi thăm Giáo xứ Trà Cổ, có dịp cầu nguyện, hát với nhau, cùng nhau chia sẻ tình thương với người đau khổ và nhất là sống với nhau chia sẻ cho nhau những công việc đời thường của mình, những thuận lợi và khó khăn khi dành thời gian phục vụ người nghèo....Vâng tất cả được tóm lại trong bài hát: Mỗi khi con giúp đỡ ai, vì lòng thương yêu bác ái, dù là việc đơn sơ nhỏ bé thì cũng là làm cho Chúa đấy thôi....Bài hát này như bài hát truyền thống của Nhóm ve chai mà mọi người vẫn hát và lời hát ấy vẫn được áp dụng trong công việc phục vụ của mình mỗi ngày. Xin Chúa chúc lành cho mọi thành viên trong Nhóm Ve Chai Nhân ái của chúng con.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Cỏ Dại
Lê Trị
00:20 14/05/2008

HOA CỎ DẠI



Ảnh của Lê Trị

Hồn anh như hoa cỏ may

Một chiều gió cả bám đầy áo em.

(Trích thơ của Nguyễn Bính)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News