1. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher kêu gọi duy trì nghĩa trang Công Giáo

Đức Tổng Giám Mục Sydney, Úc Đại Lợi vừa đưa ra chiến dịch chống kế hoạch của chính quyền bang New South Wales đặt tất cả các nghĩa trang của các tôn giáo dưới quyền kiểm soát của chính quyền, và điều này sẽ chấm dứt vai trò của Giáo hội trong việc săn sóc mộ phần của các tín hữu Công Giáo ở địa phương.

Kế hoạch kiểm soát tất cả các nghĩa trang đã được chính quyền bang New South Wales thông báo hôm 25 tháng 5 vừa qua, theo đề nghị của tạp chí độc lập về luật năm 2013, liên quan đến các nghĩa trang và nhà hỏa táng tại tiểu bang này, và thay thế năm cơ quan cho đến nay vẫn phụ trách các nghĩa trang, trong đó có The Catholic Metropolitan Cemeteries Trust, nghĩa là Hội Nghĩa trang đô thị Công Giáo, gọi tắt là CMCT, là cơ quan quan lý ba nghĩa trang Công Giáo ở Sydney và mới đây đã mua thêm đất để làm hai nghĩa trang nữa.

Trong thư đề ngày 27 tháng 5 vừa qua gửi các linh mục trong giáo phận, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, Dòng Đa Minh, nhận định rằng “quyết định của chính quyền sẽ chấm dứt sự can dự của các nhóm tôn giáo vào việc quản lý và hoạt động tại các nghĩa trang, để nhường chỗ cho guồng máy bàn giấy của chính quyền. Điều này sẽ chấm dứt hơn 150 năm vai trò của Giáo hội trong việc chôn cất người chết, chăm sóc các mộ và nâng đỡ các gia đình tang chế.”

“Săn sóc người chết là một sứ mạng tinh thần, chứ không phải là một sứ vụ đời. Đức tin dạy chúng ta rằng đó là một trong số bốn công việc thương xác, và điều này ảnh hưởng trên cách thức chúng ta quan niệm về các nghĩa trang của chúng ta. Chính phủ dường như chỉ thực sự coi các nghĩa trang như một tài sản về tài chánh mà không tỏ ra nhạy cảm đối với yếu tố tinh thần hoặc ước muốn của các gia đình người quá cố”.

Kế hoạch trên đây được bà bộ trưởng Melinda Pavey về “Nước, Tài sản và gia cư”, loan báo và cho biết cần đưa ra các biện pháp này để đối phó với tình trạng thiếu nơi an táng và thiếu tài chánh do các nhà khai thác độc lập.

Trong thư gửi các linh mục, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho biết chính phủ đưa ra kế hoạch này mà không thể tham khảo ý kiến của Giáo hội hoặc các cộng đồng tín ngưỡng khác, và ngài cũng nhấn mạnh rằng các nghĩa trang Công Giáo không hề bị thiếu nợ, và kế hoạch của chính phủ sẽ làm cho phí tổn chôn cất gia tăng. Công ty an táng của Công Giáo đã quản lý thành công trong hơn 150 năm. Đức Tổng Giám Mục cũng cảnh giác rằng vì các tổ chức từ thiện như Công ty nghĩa trang Công Giáo từ nay bị loại trừ khỏi việc lo an táng, nên phí tổn chôn chất cá nhân chắc chắn sẽ gia tăng. Bà Bộ trưởng Pavey thì cho rằng hệ thống mới sẽ hỗ trợ định giá nhất quán, minh bạch và giá cả phải chăng”.
Source:Catholic News Agency

2. Lễ phong Chân Phước cho nữ tu Maria Laura Mainetti

Hôm Chúa nhật 6 tháng 6 vừa qua, đúng 21 năm sau khi bị sát hại, nữ tu Maria Laura Mainetti, đã được tôn phong chân phước, trong buổi lễ do Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Thánh lễ diễn ra lúc 4 giờ chiều, tại sân vận động Sondrio, một thị trấn gần 22 ngàn dân cư ở miền bắc Italia, giáp giới Thụy Sĩ. Đồng tế trong buổi lễ, còn có Đức Cha Oscar Cantoni, Giám mục giáo phận Como sở tại, cùng với nhiều giám mục và linh mục khác.

Nữ tu Maria Laura Mainetti, nhũ danh là Teresina Elsa, thuộc dòng Nữ tử Thánh Giá, quen gọi là các nữ tu thánh Anrê, bị một nhóm ba thiếu nữ tôn thờ Satan sát hại, vào ngày 6/6/2000, trong một buổi tế ma quỷ tại một công viên ở Chiavenna.

Ba thiếu nữ đó đã bị bắt và kết án tù. Họ biết nữ tu Mainetti vì chị là người dạy giáo lý cho họ. Chị bị chúng đánh lừa gọi đến công viên, nói rằng một người trong nhóm cần nói chuyện với chị vì bị hãm hiếp, có thai và đang tính chuyện phá thai. Ba thiếu nữ đó, thoạt đầu nói rằng vụ giết chị Mainetti là một “trò chơi”, nhưng sau họ thú nhận đã giết chị như một hy tế ma quỉ.

Tại công viên ở Chiavenna, tối ngày 6/6/2000, ba thiếu niên bắt nữ tu Mainetti quì xuống và lăng mạ chị. Một cô cầm cục gạch đập vào đầu chị và một người khác đập đầu chị nhiều lần vào tường, rồi họ thay phiên nhau dùng dao nấu bếp đâm chị 19 lần. Theo báo chí, chúng có ý định đâm 18 đợt mỗi đợt 6 nhát, để đạt tới con số 666, là số tượng trưng ma quỷ. Chị Mainetti cầu nguyện trong lúc bị tấn công và lời cuối cùng của chị là: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho các em”. Năm đó chị được 61 tuổi.

Chị Mainetti là Bề trên tu viện Thánh Giá ở thị trấn Chiavenna, chuyên giúp đỡ các thiếu nữ phạm pháp. Chị nhập dòng năm 18 tuổi, và phục vụ các trẻ em, người trẻ, các gia đình tại Vasto, Roma và Parma trước khi chuyển tới Chiavenna năm 1984. Năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã ca ngợi chị Mainetti rằng: Chị là “người hoàn toàn hiến thân, hy sinh mạng sống, trong khi cầu nguyện cho những kẻ tấn công chị”.

Ngày 20/6 năm ngoái, 2020, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cái chết của chị Mainetti là một cuộc tử đạo. Khi thông báo lễ phong chân phước cho nữ tu Mainetti, Đức Cha Cantoni cũng nói rằng: “20 năm đã trôi qua từ sau cái chết thê thảm của chị Laura Mainetti, nhưng cái nhìn đầy từ ái của chị đối với mọi người, ước muốn làm chứng cho tình thương của Chúa Giêsu đối với những người bé mọn, nghèo hèn, tiếp tục thu hút những người được may mắn sống gần hoặc quen biết chị, hoặc qua chứng từ của những người trong những năm qua, vẫn luôn cố gắng giữ cho ký ức về chị được luôn sinh động”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, và các nhà lập pháp Hoa Kỳ tưởng niệm vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn

Hôm thứ Sáu 4 tháng 6, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, đã cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn nhân kỷ niệm 32 năm ngày họ bị giết. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết như trên.

Ngài cũng kêu gọi công lý trong bài giảng của mình tại một thánh lễ tưởng niệm vào thứ Sáu.

Đức Hồng Y nói: “Chúng ta không bi quan. Chúng ta sẽ không thất vọng. Để tưởng nhớ những người đã chết - những người đã bị giết 32 năm trước, lời cầu nguyện của chúng ta là xin Chúa dẫn dắt những người cầm quyền đi trên con đường công lý và hòa bình”.

Vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, những người biểu tình Trung Quốc đã bị bọn cầm quyền giết chết sau gần hai tháng biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Bọn cầm quyền Trung Quốc đã giết những người biểu tình bằng xe tăng và súng đạn. Mặc dù chế độ tuyên bố rằng 241 người chết và 7,000 người bị thương, nhưng một bức điện ngoại giao của đại sứ Anh tại Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết ít nhất 10,000 người đã thiệt mạng.

Trong hai năm liên tiếp vừa qua, nhà chức trách Hương Cảng đã hạn chế các sự kiện tưởng nhớ vụ thảm sát, chủ yếu là vì các lý do liên quan đến đại dịch. Vào năm 2020, hàng nghìn người đã bất chấp lệnh của cảnh sát để tham gia các lễ tưởng niệm. Năm nay, các buổi thắp nến và tưởng niệm vụ thảm sát đã diễn ra tại 7 nhà thờ ở Hương Cảng.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đại lục đã nắm được quyền lực lớn hơn ở Hương Cảng, sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia đối với khu vực này vào năm 2020.

Theo Đức Hồng Y Quân vụ thảm sát có thể “dần dần đi xa chúng ta, nhưng nó dường như xuất hiện trở lại trước mắt chúng ta trong thực tế của những cuộc đàn áp đang diễn ra”.

Các chính trị gia Hoa Kỳ từ cả hai đảng cũng lên tiếng trong ngày kỷ niệm vụ thảm sát.
Source:Catholic News Agency

4. Đức Hồng Y Marx nộp đơn từ chức để áp lực Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục 67 tuổi của Munich và Freising, đã nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vị Hồng Y rất có ảnh hưởng này là thành viên của Hội đồng Các Hồng Y Cố Vấn cho Đức Thánh Cha, điều phối viên của Hội đồng Kinh tế Vatican, và cho đến năm ngoái là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Tổng giáo phận Munich và Freising đã công bố bức thư của Hồng Y gửi cho Đức Giáo Hoàng và tuyên bố cá nhân của ngài vào ngày 4 tháng 6 bằng tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Ý.

Trong bức thư ngày 21 tháng 5 gửi cho Đức Giáo Hoàng, Hồng Y Marx đã nêu ra những lý do để từ chức.

Ngài viết: “ Không nghi ngờ gì nữa, đây là những thời khắc khủng hoảng đối với Giáo hội ở Đức. Tất nhiên, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này – không chỉ ở Đức mà trên toàn thế giới - và tôi tin rằng không cần thiết phải trình bày chi tiết ở đây”.

“Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng có nguyên nhân từ sự thất bại của chính chúng ta, bởi tội lỗi của chính chúng ta. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi khi nhìn vào Giáo Hội Công Giáo nói chung, không chỉ hôm nay mà còn trong những thập kỷ qua”.

“Ấn tượng của tôi là chúng ta đang ở 'ngõ cụt', và niềm hy vọng vượt qua của tôi, là điều này cũng có khả năng trở thành một 'bước ngoặt'“

Hồng Y Marx nói tiếp: “Tóm tắt lại, điều quan trọng đối với tôi là chia sẻ trách nhiệm về thảm họa lạm dụng tình dục của các quan chức Giáo hội trong những thập kỷ qua”.

Theo CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, Đức Giáo Hoàng đã thông báo với Đức Hồng Y rằng lá thư của ngài có thể được công bố và ngài nên tiếp tục phục vụ cho đến khi có quyết định cuối cùng về việc từ chức của ngài.

Trong lá thư, Hồng Y Marx nói rằng các cuộc điều tra và báo cáo về lạm dụng trong 10 năm qua cho thấy đã có “nhiều thất bại cá nhân và sai lầm trong lãnh vực quản trị Giáo Hội nhưng cũng có những thất bại về thể chế hoặc hệ thống”.

Hồng Y Marx bộc lộ rõ tính toán trong việc từ chức của ngài khi cho rằng: “Các cuộc tranh luận gần đây cho thấy rằng một số thành viên của Giáo hội từ chối tin rằng có một thứ trách nhiệm chung về mặt này, thành ra, Giáo hội với tư cách là một định chế cũng bị đổ lỗi cho những gì đã xảy ra và cho việc không chấp nhận thảo luận về cải cách và đổi mới trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục”.

“Tôi chắc chắn có một quan điểm khác. Cả hai khía cạnh phải được xem xét: những sai lầm mà cá nhân bạn phải chịu trách nhiệm và sự thất bại về thể chế đòi hỏi phải thay đổi và cải tổ Giáo hội”.

Ngài tiếp tục: “Theo tôi, một bước ngoặt của cuộc khủng hoảng này là chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta đi theo một 'con đường đồng nghị', một con đường thực sự cho phép 'sự phân định các thần khí' như Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhấn mạnh và nhắc lại trong lá thư của mình gửi tới Giáo Hội ở Đức”.

Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Thực ra, tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu. Chẳng hạn, tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo?

Hồng Y Marx, Tổng Giám Mục của Munich và Freising từ năm 2007, nói rằng ngài hy vọng việc từ chức của mình sẽ “gửi một tín hiệu cá nhân cho một khởi đầu mới, cho một sự thức tỉnh mới của Giáo hội, không chỉ ở Đức”.

“Tôi muốn chứng tỏ rằng vấn đề trước mặt không phải là vấn đề mục vụ mà là sứ mệnh của Tin Mừng. Đây cũng là một yếu tố của chăm sóc mục vụ. Do đó, tôi thực sự yêu cầu Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức này”.

Vào tháng 4, Hồng Y Marx đã yêu cầu Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đừng trao tặng Bằng khen Liên bang cho ngài sau một làn sóng phản đối kịch liệt của những người ủng hộ các nạn nhân bị lạm dụng vì giải thưởng này.

Ngài đã được lên kế hoạch để nhận Bundesverdienstkreuz, huân chương liên bang duy nhất của Đức, tại Cung điện Bellevue ở Berlin vào ngày 30 tháng 4.

Hồng Y Marx nói rằng ngài không muốn thu hút sự chú ý tiêu cực đến những người nhận giải thưởng khác.

Vào tháng 2 năm 2020, ngài thông báo cho các giám mục Đức rằng ngài sẽ không ứng cử vào nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Đức. Giám mục Georg Bätzing của Limburg kế vị chức vụ này.

Hồng Y Marx là giám mục người Đức thứ hai trong những tháng gần đây đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg thông báo rằng ngài đã từ chức vào tháng Ba. Ngài nói: “Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ hành vi che đậy nào. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về vấn đề của hệ thống”.

Đầu tuần này, có thông tin cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra lệnh cho một chuyến thanh tra tông tòa đến tổng giáo phận Köln đang gặp khó khăn trong bối cảnh bị chỉ trích dữ dội về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 rằng ngài đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng xem xét lại các quyết định mà ngài đã đưa ra liên quan đến một linh mục bị buộc tội - chỉ được xác định là “Cha O” - vào năm 2015.

Trong tuyên bố cá nhân của mình, Hồng Y Marx nói rằng ngài đã nhiều lần nghĩ đến việc từ chức trong vài tháng qua.

“Các sự kiện và cuộc tranh luận trong những tuần qua chỉ đóng một vai trò phụ trong bối cảnh này,” ngài giải thích rằng yêu cầu từ chức của ngài là một “quyết định hoàn toàn cá nhân”.

Ngài viết: “Với việc từ chức, tôi muốn nói rõ rằng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân không chỉ về bất kỳ sai lầm nào mà tôi có thể đã mắc phải mà còn đối với Giáo hội như một tổ chức mà tôi đã giúp hình thành và hun đúc trong nhiều thập kỷ qua. Gần đây, người ta đã nói: 'Đối mặt với quá khứ phải đau đớn.'“

“Quyết định này không hề dễ dàng đối với tôi. Tôi thích trở thành một linh mục và giám mục và hy vọng rằng tôi có thể tiếp tục làm việc cho Giáo hội trong tương lai. Sự phục vụ của tôi cho Giáo hội này và người dân không kết thúc”.

“Tuy nhiên, để hỗ trợ một khởi đầu mới là cần thiết, tôi xin chia sẻ trách nhiệm về những sự kiện đã qua. Tôi tin rằng 'ngõ cụt' mà chúng ta đang đối mặt vào lúc này có thể trở thành một 'bước ngoặt'. Đây là hy vọng vượt qua của tôi và tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và làm việc để điều đó xảy ra”.
Source:Catholic News Agency