LỄ CỦA MẸ, TƯỞNG NHỚ MẸ

Nhân Ngày Lễ Của Mẹ sắp đến
vào Chúa Nhật 14 tháng 05 năm 2017,
xin dâng Mẹ đôi lời tưởng nhớ.
Trần Văn Cảnh



Trong các hình ảnh về gia đình mà mỗi người chúng ta còn giữ lại, có lẽ hình ảnh về mẹ là sâu dậm và rõ rệt hơn cả. Nó rõ rệt đến nỗi không chỉ được gợi lại qua các kỷ niệm của cuộc sống thường ngày, mà còn được viết ra cả trong thơ văn. Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần mở bất cứ một cuốn tục ngữ ca dao nào ra, thì ta cũng đọc được nhan nhản những câu ca phác họa hình ảnh mẹ.

1. Bức tranh thứ nhất mà ca dao Việt Nam vẽ về mẹ là bức tranh bà mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái. Công lao này có thể được tóm gồm qua chữ ‘nghĩa‘ :

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Có khi công lao ấy lại được tổng hợp trong chữ ‘đức‘ :
Công cha đức mẹ cao dầy,
Cưu mang trứng nước những ngày thơ ngây.

Có một điều đặc biệt là hình ảnh về mẹ thường gắn liền với hình ảnh cha. Hầu như không bao giờ ca dao nói về mẹ mà không nói về cha. Ngay cả khi dùng những hình ảnh đối chọi nhau, như núi với nước, ca dao luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ là hai người, dẫu khác nhau, nhưng luôn bổ túc cho nhau và không thể chia lià nhau được. Gia đình ấm cúng yên vui, bởi vậy, luôn luôn là cái viễn ảnh, là cái khung trời trong đó mẹ được vẽ.

Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà trường yên vui;
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Là vợ hiền, là mẹ tốt, tất nhiên bà là yếu tố căn bản gây nên cái đức của gia đình, làm cho cuộc sống được vuông tròn, trong đó, chồng vinh hiển, con sang giầu. Và hình ảnh ấy không người chồng nào, không người con nào quên được.

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giầu.

Đó là lý do khiến bất cứ một ai thành thân thành người, cũng đều nghĩ rằng công ơn đầu tiên là của cha mẹ. Nét vẽ thứ ba trong bức tranh về bà mẹ nghĩa đức dầy công lao nuôi nấng và gầy dựng cho con cái là công ơn chăm sóc vun trồng của bà.

Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha sinh mới ra ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.

Nét vẽ vun trồng khó nhọc cho con cái thường được vẽ đậm và biểu tượng bằng hình ảnh sương tuyết.

Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Bởi mẹ chưa dễ ở đời với ta,
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đàu.

2. Bức tranh mẹ nghĩa đức dầy công lao sinh đẻ, nuôi nấng và vun trồng gầy dựng cho con cái là bức tranh tổng quát thường được xếp hàng đầu và thường dễ thấy nhất trong ca dao. Nhưng không chỉ có bức tranh ấy. Bên cạnh bức tranh nghĩa và đức của mẹ, người ta còn thấy bức tranh thứ hai, có lẽ chi tiết hơn, nhưng không kém vẻ kiều diễm. Đó là bức tranh người mẹ, bà giáo hiền dậy con. Trong cái khung cảnh thái bình và hạnh phúc của nền kinh tế và văn hoá nông nghiệp, lý tưởng giáo dục của các bà mẹ không vượt ngoài khuôn khổ lý tưởng giáo dục chung của xã hội, trong đó, trai thì phải xuất xử, gái thì phải cửi canh :

Trên trời có cái cầu vồng,
Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rền
Vua trên đền, cầu vàng cầu bạc,
Các lái buôn cầu nước cầu non
Đôi ta cầu của cầu con,
Con đẹp giống mẹ, con dòn giống cha.
Con gái dệt cửi trong nhà,
Con trai đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thì đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.

Có một ước vọng rõ rệt như vậy về cuộc đời cho con cái, bà không ngần ngại đem ra áp dụng bằng cách khuyên dậy, răn bảo con cái :

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Trong việc dậy bảo, giáo dục ấy, dường như việc khoa bảng và nho học là quan trọng hơn cả.

Mừng nay nho sĩ có tài,
Bút nghiên dóng dả giùi mài nghiệp Nho.
Rõ ràng nên đấng học trò,
Công danh hai chữ trời cho dần dần.
Tình cờ chiếm được bảng xuân,
Ấy là phú quí đầy xuân quế hoè.
Một mai chân bước Cống, Nghè,
Vinh qui bái tổ, ngựa xe đưa mình.
Bốn phương nức tiếng vang lừng,
Ngao du Bể Thánh, vẫy vùng Rừng Nho.
Quyền cao chức trọng Trời cho,
Bõ công học tập, bốn mùa chúc minh.
Vui đâu bằng Hội đề danh,
Nghề đâu bằng nghiệp học hành là hơn.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy xuôi.
Phu nhân thời có công nuôi,
Toàn gia hưởng phúc lộc trời ban cho.
Vì vậy, bà cố sức :
Dậy con từ thủa tiểu sinh,
Gần thầy, gần bạn tập tành lễ nghi.
Học cho cách vật trí tri,
Văn chương chữ nghĩa, nghề gì cũng thông.

Và không quên nhắc nhở con cái về cái gia nghiệp, về đức cần kiệm, về cách làm ăn :

Trăm năm như cõi trời chung,
Trăm nghề cũng phải có công mới thành.
Cứ trong gia nghiệp nhà mình,
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.
Chữ rằng ‘Tiểu phú do cấn’,
Còn như ‘Đại phú‘ là phần ‘do thiên’.
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen,
Còn như lộc nước, có phen dồi dào.

Bà cũng không quên rằng xã hội không chỉ có ‘sĩ‘, mà còn có ‘nông’, ‘công’ và ‘thương’. Và chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Khổng nho, bà vẫn tâm niệm rằng :

Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khỏe thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.

3. Cạnh kề hai bức tranh trên, còn một bức tranh thứ ba rất linh hoạt về mẹ. Đó là bức tranh người mẹ đảm đang. Dĩ nhiên cũng như hai bức tranh trước, trong bức tranh này, người mẹ tốt và người vợ hiền như chồng lên nhau thành một. Sự đảm đang của bà trước nhất là ở việc quán xuyến công việc cửa nhà.

Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Lo cho chồng học hành
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi.
Nữa mai Chúa mở khoa thi,
Bảng vàng choi chói kìa đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên, sắm bút cho anh học hành.
Lo lắng săn sóc nuôi nấng con cái
Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng
Thương con càng lớn mẹ càng thêm lo

Nết đảm đang thứ hai của bà là ở sự thông thạo công việc đồng áng.

Khó thay công việc nhà quê,
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai.
Tháng chạp thời mắc trồng khoai,
Tháng giêng trồng đău, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cầy vỡ ruộng ra,
Tháng tư bắt mạ thuận hòa mọi nơi.
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Bước sanh tháng sáu nước trôi đầy đồng.
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng,
Đi làm ngoài đồng, sá kể sớm trưa.
Tháng sáu, tháng bảy khi vừa,
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa cỏ tranh.
Tháng tám lúa rỗ đã đành,
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người.
Khó khăn làm mấy tháng trời,
Lại còn mưa nắng bất thời khổ trông.
Cắt rồi nộp thuế nhà công,
Từ rầy mới được yên lòng ấm no.

Và nét đảm đang thứ ba của bà được thấy rõ ở việc thành thạo công thương.

Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra.
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về,
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô...

4. Trong ba bức tranh trên, hình ảnh đảm đang của bà mẹ đã được họa trong khung cảnh của một gia đình đầy đủ. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo như thế. Có những lúc người cha đi vắng. Sự can đảm của người mẹ thực là cao cả. Bức tranh thành ra chứa chất những nét đớn đau, vừa hào hùng, vừa bi thảm. Bức tranh thứ tư về mẹ phải là bức tranh ‘Mẹ can đảm sầu bi ‘

Anh đi, em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi, anh liệu chen đua với đới.

Hoặc thì nét nhớ nhung, nét cô đơn phảng phất khắp bức tranh.

Bác mẹ già lơ phơ đầu bạc,
Con chàng còn trứng nước thơ ngây.
Có hay chàng ở đâu đây,
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

Bức tranh này thành ra thống thiết, nếu sự vắng bóng của người cha là vĩnh viễn. Hình ảnh mẹ góa nuôi con côi thực là chơi vơi.

Thiệt hại thay cho thằng bé nên ba,
Nó lăn, nó khóc giữa nhà năm gian,
Khóc than giữa chốn linh sàng,
Ba vuông nhiễu tím đôi hàng chữ vôi.
Chớ thiệt hại thay, người khác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời trơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ,
Đầu đội chữ hiếu, tay xe chữ tình.
Chữ Hiếu Trung, tôi gánh vác một mình,
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp hăng ?
Đường đi Khuất nẻo khói chùng.


Dĩ nhiên về người mẹ, ca dao Việt Nam không chỉ họa có bốn bức tranh trên, mà còn họa biết bao bức tranh khác nữa, trong đó nhiều hình ảnh khác được ghi nhận, nhiều nét vẽ khác được phác họa, nhiều sắc mầu khác được tô điểm. Nhưng đó là bốn bức độc đáo hơn cả.

Trong những bức khác, nét vẽ có vẻ tượng trưng, trừu tượng hơn, thoạt nhìn chẳng thấy nét nào về mẹ, như những bức tranh sơn thủy, tứ thời, đồng áng. Nhưng nếu biết mẹ là biểu tượng của sự khôn ngoan, được diễn tả bằng hình ảnh nước, mẹ là nguồn gốc và là kết quả của việc đồng áng,...thì những bức tranh về mẹ đếm sao cho hết.

Có những bức khác, hình ảnh mẹ lại ẩn hiện trong những cảnh khác của cuộc sống : cảnh cưới hỏi, cảnh đình đám, cảnh chợ búa,... Đâu đâu, nếu biết nhìn, và muốn nhìn, thì người ta cũng thấy những hình ảnh mẹ.

Vì hình ảnh mẹ được vẽ nhiều và khắp nơi như vậy, thành ra nhiều lúc và nhiều người không thấy mẹ, nhất là những lúc còn mẹ, có mẹ. Nhưng khi nào mẹ mất, lúc đó người ta mới thấy mẹ ; đúng hơn là thấy thiếu mẹ./.


Trần Văn Cảnh