Sáng 20-7-1954

Sau giờ lễ ở nhà thờ, ngoài đường phố thiết quân luật, không ai đi lại. Lễ nhà thờ khá đông, lễ xong, không ai về nhà được, vì lúc này trên đường phố không ai được phép di chuyển. Không một người nào trên đường phố, thiết quân luật mà! Bà con không về nhà được, đành vào nhà xứ. Sáng ra chưa ăn uống gì, mọi người đói, không đi ăn quà được. Nhà xứ có gạo, đưa ra nấu cơm, mỗi người một bát điểm tâm. Đợi mãi đến trưa, không thấy ai ngăn cản ở đường phố, mọi người trở về nhà. Quân đội Pháp đã thiết quân luật như thế, để họ rút lui an toàn khỏi thành phố Nam Định.

Đường phố vẫn vắng tanh. Mấy bé con ở nhà xứ chạy sang nhà ngân hàng: không một ai ở bên trong. Chúng sang nhà ông Tỉnh trưởng ở bên cạnh: không một ai. Bấy giờ mới hiểu quân đội Pháp rút lui theo lệnh đình chiến mà các bên Việt - Pháp đã ký kết với nhau từ mấy tháng, để có cái ngày 20-7-1954.

Trước đó ít lâu, thấy quân đội Pháp thiết lập thêm nhiều đồn bốt từ Nam Định lên Hà Nội: người ta nghĩ rằng quân Pháp củng cố vị trí để ở lại lâu. Có ngờ đâu họ làm thế để rút lui an toàn hơn. Thế là từ đây không còn bóng một quân binh Pháp. Nam Định hoàn toàn giải phóng trong bầu khí ngỡ ngàng. Chưa mấy ai dám ra phố. Sáng hôm sau, khi bước chân ra sân nhà thờ, tôi thấy ảnh Bác Hồ rất lớn treo ngay trên cửa ra vào. Tôi về báo sự tình cho các cha còn lại ở nhà xứ biết. Chúng tôi bàn nhau định cử người ra ý kiến với cán bộ. Chưa kịp ý kiến, thì người ta đã cất đi từ lúc nào rồi. Cũng phải mất ba bốn hôm. Chúng tôi đoán lý do người ta cất đi khi chưa ai có ý kiến. Có thể là việc treo ảnh đó, nhiều người thấy rồi đưa tin đi xa, ra tận Hải Phòng là nơi người ta đang tập trung để đi Nam. Trong khi có dư luận, ở lại Bắc thì mất đạo. ảnh treo trước nhà thờ như thế, có ý nghĩa cách mạng đã lấy nhà thờ, và như thế đạo đã bắt đầu mất đi. ở lại Bắc thì mất đạo: tin đồn không sai. Có lẽ vì thế mà cách mạng cho cất ngay ảnh Bác đi, để tránh tiếng xấu.

Tôi và cha Nhân ngó ra phố. Anh bộ đội trông thấy nói: bọn ăn bơ sữa của đế quốc. Là vì thấy chúng tôi trắng trẻo sạch sẽ hơn là những người vừa ở rừng về.

Mấy ngày hôm sau, tôi mới dám ra phố, chỉ mình tôi. Tôi lên Anphong thăm cha Chung và cha Hạnh đang ở đó, tôi sang Khoái Đồng xem còn cha nào không. Gặp được cha Thư, cha Tự. Mấy hôm sau, tôi nghe cha Tự, nhờ người đưa đi Nam. Tôi gặp cha Thư (OP.), tìm mãi mới ra ngài. Tôi đề nghị ngài mở trường. Cả hai nộp đơn, cha mở lại trường Thánh Tôma, tôi mở trường Lê Bảo Tịnh. Một tháng sau, cả hai cùng được phép. Nhưng mà được vài ngày, ngài biến mất, trường chưa kịp mở. Phần tôi được phép và mở lại trường Lê Bảo Tịnh do tôi làm hiệu trưởng. Tôi đưa trường nữ Thánh Tâm của các bà Sơ gộp lại: nữ sinh và hai cô giáo Phương và Thục là người Công giáo. Cũng là trường Lê Bảo Tịnh, nhưng lớp nữ của các sơ vẫn ở nhà bà sơ và lớp nam vẫn ở trường Lê Bảo Tịnh cũ, do ông Thường dạy lớp nhất, rồi ông Thược, ông Thành dạy các lớp dưới. Tôi làm hiệu trưởng, nên tối nào cũng đi họp với các hiệu trưởng các trường tư thục, có độ năm, sáu trường, để lấy chương trình lấy bài về dạy. Có được phép dạy tự do đâu, bài vở do Ty Giáo Dục soạn cho từng lớp, nơi nào nơi ấy đúng chương trình Ty Giáo Dục. Dĩ nhiên là chương trình theo lối cách mạng: nơi nào cũng có chính trị. Một nền giáo dục mới: giáo dục theo Xã hội chủ nghĩa. Người ta chưa nói đến Cộng sản, vì theo họ, ta đang phấn đấu để đi tới Cộng sản, qua con đường Xã hội chủ nghĩa. Chưa có nước nào tới cộng sản, còn phải đang ở giai đoạn Xã hội chủ nghĩa, Cộng sản là đích điểm, chưa biết bao giờ tới.

Tối tối đi lấy bài về dạy: Độ mấy tháng, các hiệu trưởng, giáo sư trường tư lại hội họp để báo cáo. Một hôm họp ở nhà Préau trường Lê Bảo Tịnh, tôi cũng hỏi các công tác trường như các trường khác. Ông hiệu trưởng trường Phan Bội Châu nói với tôi sau khi phát biểu: “Trường cha phải được nhất mới đúng, tại cha không biết trình bầy, nên không được nhất”. Từ lúc đó đã chớm nở phương châm “Làm láo, báo cáo thì hay”. Tôi chưa biết hái cái hay, nên trường kém.

Tạm gác chuyện nhà trường mà nói chuyện địa phận, chuyện nhà xứ.

Trên địa phận

Sau một năm rút ở Hà Nội và hai năm rút ở Hải Phòng. Địa phận Hà Nội xác xơ, các địa phận khác: Hải Phòng, Bắc Ninh xác xơ. Bùi chu một số lớn giáo dân đi Nam.

Rút lui là thế nào? Theo Hiệp đinh Geneve 1954: Đông Dương tạm thời chia cắt làm hai miền từ vĩ tuyến 16. Trong hội nghị các bên giằng co nhau về vĩ tuyến 15, 16, 17, 18 v.v… Cuối cùng thoả thuận vĩ tuyến 16. Vĩ tuyến tạm thời chia đôi nước Việt Nam thành miền Bắc, miền Nam. Miền Bắc trao cho ông Hồ Chí Minh, dưới quyền kiểm soát của Liên Xô, Trung Quốc. Miền Nam trao cho ông Ngô Đình Diệm, dưới quyền kiểm soát Anh - Mỹ. Dĩ nhiên mỗi phần nước trao cho mỗi phe đang phân chia ảnh hưởng trên thế giới. Phe Anh - Mỹ: Tư bản, và phe Trung Quốc - Liên Xô: Xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc thì trong phe Xã hội. Miền Nam trong phe Tư bản. Có như thế thôi mà hai bên không gặp được nhau, chỉ vì các ông trùm hai bên không cho gặp nhau. Sợ gặp nhau thì họ bỏ mình theo địch.

Thế là Việt Nam chính ra chỉ chia cắt theo ranh giới đất đai, cuối cùng chia nhau vì ý thức hệ. ấy là do sự lèo lái của các nhà l•nh đạo, chứ lòng người dù Nam dù Bắc, không chia cách nhau được. Việt Nam vốn có cái truyền thống đó, dù Tầu có đô hộ bao năm cũng không bị đồng hoá, dù có chia cắt vào nhiều thời đại, nhưng chỉ ít lâu, là lại đất nước thống nhất. Lần chia cắt này cũng thế thôi: ngoại bang áp đặt, chứ trước sau rồng tiên lại trở về một tổ.

Lúc nông dân chỉ biết có Hội nghị Geneve, song không biết hội nghị bàn về việc gì, tiến triển làm sao. Chỉ đoán hội nghị gần kết thúc, và những chuyển động ló dạng. Nam Định xem ra là một khởi đầu thi hành hiệp định. Theo hiệp định, Việt Nam bị chia cắt làm đôi, mỗi người dân có thể lựa chọn mỗi miền Nam Bắc tuỳ ý mình. Và việc chọn lựa có thể kéo dài trong hai năm, bắt đầu từ tháng 5-1954. Người di cư có thể đi tới các miền từ tháng Năm đến tháng Mười. Từ tháng Mười đi Hải Phòng, và từ đó đi tàu thuỷ vào Sài Gòn cho đến tháng 10-1956 thì đóng cửa. Nhưng lớp đầu đi Sài Gòn có thể đi bằng máy bay. Máy bay chuyên chở trong vòng hai tháng. Còn từ đó việc di chuyển phải bằng đường thuỷ.

Ta có thể tưởng tượng lại: những đoàn người từ Bùi Chu, Phát Diệm kéo nhau lên Nam Định, lên Hà Nội. Nam Định đã chứng kiến những đoàn người, tối đến tập trung ở nhà Préau trường Lê Bảo Tịnh, để sáng hôm sau, họ đi không còn một mống. Tại sao phải tập trung ở Nam Định? Theo hiệp định Geneve: ai nấy tự do chọn nơi mình sống. Nhưng trên thực tế, người di cư bị ngăn cản một cách khéo léo: có những người ở các chặng đường, thấy có người gồng gánh thúng mủng trên đường, người ta chạy ra đón: nước nhà đã độc lập, tự do, còn phải đi đâu. Thế rồi miệng nói, chân chạy ra mang hộ đồ đạc, bế hộ trẻ em, để đưa trở lại, chứ không tiễn đi. Thế là người di cư, nếu ít người, sẽ phải trở về, không đi được nữa, vì bà con kia khéo léo cầm lại. Nhưng nếu đi đông thì không ai cản được. Có lần người ta mời bà con đang trên đường đi, xuống tàu thuyền, và tàu thuyền lại theo hướng về Nam Định. Có ai nói, bà con được mời lên đất, thế là việc đi Nam lần này lại bất thành.

Cản đường bằng cách giữ lại người hoặc cưỡng bức chưa đủ, người ta còn dùng lối tuyên truyền để chống lại “tuyên truyền của địch”. Thí dụ: Đức Mẹ đi Nam rồi! Chúa cũng đi Nam rồi! Thế là miền Bắc không còn Chúa, còn Mẹ mà thôi. Nghĩa là miền Bắc không còn đạo! Hoặc nói rằng: Đức Mẹ dạy bảo đi Nam. Người ta vu cho Đức Cha Tần ở Thanh Hoá câu chuyện thế này: Ông Tần cho nhốt một đứa trẻ vào trong cái hòm. Ai muốn hỏi ý kiến có muốn đi Nam hay không? Cứ gõ vào cái hòm ba tiếng, rồi hỏi: nên đi Nam hay ở lại. Trong hòm có tiếng vọng ra: Đi Nam!

Để giảm số người đi Nam, người ta đặt ra kế hoạch đó để đánh vào những người mà họ bảo là “dụ dỗ đi Nam”. Cụ thể: Đức Cha Tần.

Khi quân đội Pháp rút đi: nhà xứ Nam Định còn một số cha tản cư: cha Nến, cha Thùy, cha Chung, cha Hoá, cha Thính, cha ứng, cha Tư, cha Hạnh, cha Quý, cha Phương.

Uỷ Ban Cách Mạng ra mắt quần chúng dịp 20-7-1954.

Mấy ngày sau khi tiếp quản Nam Định. Cái gọi là “ủy Ban Cách Mạng” ra mắt quần chúng.

Từ ngày 2-9-1945. Hôm nay mới có cuộc tập họp lớn trước nhà Ngân Hàng Nam Định: kiểu như ngày 2-9 ở Hà Nội. Ngày chính quyền tiếp quản thành phố và Uỷ Ban Cách Mạng ra mắt. Các người chủ trì cuộc ra mắt hôm đó, có lẽ là những người đã l•nh đạo cuộc chinh chiến ở khu vực quân khu III. Mấy chục ông đứng ở hiên gác nhà Ngân Hàng Nam Định. Dân chúng đứng chật sân nhà thờ, một phần phố Paul Bert (Trần Hưng Đạo), phố Hàng Đàn (Hai Bà Trưng), quanh đài Đức Mẹ. Các ông lần lượt đọc diễn văn dài vắn mấy lời. Cuộc mít-tinh kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ.

Buổi tối thì biểu diễn văn nghệ ở sân nhà thờ, ở các đường phố. Từng đoàn người nhảy múa theo nhịp những bài ca cách mạng. Có những bài chỉ có dấu: son son đô đô, son đô rê. Họ làm những chiếc cổng có ba lãnh tụ ở trên: Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Ma-lăng-cốp tượng trưng cho Liên Xô, Trung Quốc hai anh Cả anh Hai, và người em Việt Nam, từng đoàn người múa hát chui qua các cổng đó. Người ta còn tổ chức những cuộc múa hát như thế trên các đường phố vào những tối tiếp theo.

Cũng khéo là trong có mấy ngày, chưa hết khiếp sợ Việt Minh mà người ta tổ chức được những buổi văn nghệ có vẻ rất hào hùng. Chúng tôi nghĩ có một sức nhiệm mầu từ trên ban cho mới có thể phát động đám quần chúng xưa nay quen ù lỳ, mà nổi lên được như thế. Đó là về văn nghệ.

Về chính trị cũng có những cuộc quật khởi như thế. Các cuộc mít-tinh dần dần được tổ chức khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê làng xóm. Mít-tinh lớn, mít-tinh nhỏ với những bài diễn văn tràng giang đại hải. Sao mà người nào cũng nói trơn tru đâu ra đó, lưu loát. Là vì đã có những công thức sẵn mà cách mạng đã đặt ra. Cứ lập một số công thức là thành một bài. Người nào cũng nói như người nào, bài của ai cũng như nhau. Nghe mãi, có bà già than thở: “Bao giờ thì hết cách mạng nhỉ? Đối với bà cụ, cách mạng là đọc diễn văn. Dù sao người ta cũng thu được ít nhiều kết quả bởi các bài đó. Người ta thực hiện từng chữ phương châm của Voltaire, thi hào Pháp: “Cứ nói dối, nói dối khoẻ hơn nữa, thế nào cũng còn một cái gì”.

Các cuộc hội họp

Hội họp là chủ chốt mọi công việc. Làm gì cũng phải hội họp trước, để nghiên cứu, thông qua rồi hành động. Đúng là phương pháp dùng trong Công Giáo Tiến Hành (Action Catholique) thời đó, trước khi làm việc gì, hội họp nhau: nhìn xem vấn đề, rút ra những quyết định rồi đem ra thực hành. Thế mà, lúc đó có người nói: mới giống các hành động của Công Giáo Tiến Hành thế. Họp to, họp nhỏ, họp đêm họp ngày. Một số gia đình đường phố họp lại, cả một giới làm việc họp lại, nào thủ trưởng, nào công nhân, thương nghiệp, công nghiệp. Cả các linh mục: linh mục với nhân dân, linh mục với nhau.

Nam Định đứng đầu tỉnh lớn do các tỉnh họp lại: Hà - Nam - Ninh. Hà là Hà Nam, Nam là Nam Định, Ninh là Ninh Bình. Có lần tất cả các linh mục tỉnh Hà - Nam - Ninh cũng về họp tại Nam Định. Độ hơn ba chục. Chia ra từng tổ, mỗi tổ là một hai linh mục ở miền nào đó, rồi có các cán bộ chung quanh linh mục đó. Thí dụ ở thành phố Nam Định, tôi và cha Nhân, cùng với năm ba giáo dân thường là tiến bộ, một hay hai cán bộ thay nhau đến chủ trì các phiên họp tổ.

Có các cuộc họp chung, các cuộc họp tổ. Họp về một vấn đề gì, ví dụ vấn đề tự do tín ngưỡng. Trong buổi họp chung, một cán bộ lên thuyết trình với hội nghị những nét chung chung thế nào là tự do tín ngưỡng, với những răn đe kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng.

Các tổ đưa vấn đề về tổ họp với nhau dưới sự chỉ dẫn của cán bộ: thí dụ về tôn giáo, chính phủ ta giúp đỡ làm sao, và thường quen nói trừng trị thế nào kẻ lạm dụng tín ngưỡng. Về phần này họ nhấn mạnh hơn. Cuối cùng các ý kiến được đúc lại trong một cuộc thuyết trình chung.

Nói tóm lại: chỉ là cách đưa ra những chỉ thị, người họp suy nghĩ, phân tích các khía cạnh của các chỉ thị để mà noi theo. Họp chỉ là học tập các chính sách để rồi đem ra thi hành. Họp để mà học, học để mà hiểu, hiểu để mà làm. Và đã hiểu rồi thì không có lý do gì mà trốn tránh, không làm. Các chính sách ràng buộc là thế.

Một hai năm đầu, chỉ độ năm ba tháng là một cuộc họp chung các linh mục Hà - Nam - Ninh. Người ta muốn linh mục đi họp thì cũng cử hành Thánh lễ để có vẻ tự do tín ngưỡng. Thời đó, làm lễ phải mặc áo thâm dài. Các linh mục không mang áo thâm dài để lấy lý do không có áo làm lễ. Những linh mục thân nhà nước thích làm lễ để nịnh nhà nước có tự do tín ngưỡng. Nhưng ở Nam Định, chúng tôi không cho làm lễ, bằng cách đòi phải có giấy phép, mà các linh mục đi họp thì làm gì có giấy phép Bề Trên cấp cho.

Người ta còn mời linh mục đi họp các buổi họp của nhân dân, thí dụ họp khu phố về lương thực, họp về hộ khẩu. Thường là linh mục sai người nhà đi thay. Tôi làm hiệu trưởng trường Lê Bảo Tịnh, nên được mời đi họp nhiều lần với tư cách hiệu trưởng.

Họp về dân phố, cùng lắm là thày già Nhung hay thày Thịnh, thày Tuệ. Nhưng hầu hết chỉ là bô Khá hay bô Học, hầu hết chẳng ai đi, có gì thì tổ trưởng đến tận nhà xứ loan báo. Được cái ông tổ trưởng ở khu vực tôi, một người dễ dãi, nên mọi sự bỏ qua. Khi ông đưa cán bộ vào Nhà Chung, đến sân nhà thờ, ông nói lớn tiếng để trong nhà xứ nghe biết có cán bộ đến. Cán bộ đến thăm lúc đó, không phải chuyện vui. Gặp họ là chuyện bất đắc dĩ. Người ta đến với mình không phải như bạn bè thăm nhau, mà là có việc, mang chỉ thị từ trên xuống, hoặc trách móc vì đã có gì thiếu sót…