Ai theo dõi tin tức Việt Nam về phương diện ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian 2 năm vừa qua, thì nhận thấy một danh gọi Michael Michalak có nhiều ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam trên diễn đàn thế giới.

Trong 2 năm thực hiện sứ mạng đại sứ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Michalak hầu như đã mềm yếu xem nhẹ vấn đề vi phạm nhân quyền do nhà cầm quyền csVN đối xử với người dân VN, đặc biệt với những người bất đồng chính kiến tại đây.

Thí dụ tại cuộc tiếp xúc ngày 6/6/2009 ở Star Performing Art Center, thành phố Fountain Valley, Califonia với cộng đồng người Việt ông đại sứ Michalak cho rằng, không cần thiết đưa Việt Nam trở lại danh sách “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC). Trong khi đó quan điểm của hai dân biểu Ed Royce và Loretta Sanchez hoàn toàn đối chọi lại. Nhiều người Việt hiện diện đã bày tỏ thái độ không hài lòng với nhận định của ông Michalak. Ðây là lần thứ ba ông Michael Michalak đến với cộng đồng người Việt tại Quận Cam sau hai năm nhận chức vụ đại sứ tại Hà Nội.

Sau đó hơn một tháng, vào ngày 23/07/2009 Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Hoa Kỳ đã mở một phiên điều trần về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy Ban tập hợp các thành viên quốc hội nổi tiếng trong lĩnh vực nhân quyền như dân biểu Chris Smith, Ed Royce, James McGovern, Cao Quang Ánh, Dana Rohrabacher, Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Tom Wolf và Joe Pitt. Ủy ban đã gửi thư ngỏ tới chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, yêu cầu trả tự do các tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo dịp mừng quốc khánh, 02/9/2009. Trong danh sách hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo ngoài những nhân vật được nhắc đến như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và nóng bỏng nhất là luật sư Lê Công Định, còn đề cập đến hàng chục người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nữ dân biểu Loretta Sanchez (một người đã từng bị csVN từ chối cấp visa vào VN) cho thế giới biết rằng tại Việt Nam vẫn còn tình trạng thiếu tự do tôn giáo và ngôn luận, đồng thời bà kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cần phải nhắc nhở Hà Nội rằng không thể tiếp tục bác bỏ quyền căn bản của người dân.

Ngoài ra các vị dân biểu nói trên đã tỏ ra hoài nghi đối với lời tuyên bố mới đây của đại sứ Michael Michalak rằng “thiếu bằng chứng” để đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Quyền lợi kinh tế và cách nhìn chính trị của chính phủ Hoa Kỳ luôn gắn chặt với nhau, đôi khi thật khó hiểu về „cách buộc“ và „cách gỡ“ của họ. Lúc cần lá phiếu bầu ở Mỹ thì họ làm tất cả theo nguyện vọng của dân Mỹ bất chấp những hậu quả gây ra cho quốc gia đối tác, đôi khi họ còn sẵn sàng đặt quyền lợi của Mỹ lên trên mà chấp nhận những vi phạm nhân quyền và tôn giáo do nước đó gây ra. Điển hình khi tổng thống Georg Bush muốn tìm một vài thành công bên ngoài để tránh đi được một phần khó khăn tại quốc nội vì cuộc chiến tại Irak thì ông đại sứ Michael Marine, người tiền nhiệm của Michael Michalak đã góp công rất lớn giúp cộng sản Việt Nam được quy chế tối huệ quốc (PNTR) và vào WTO. Nhờ đó tổng thống Bush đã hưởng được những giây phút thoải mái đi dạo và đi dự lễ nhà thờ tại Hà Nội. Lúc đó csVN đã cướp cơ hội hứa hẹn đủ điều trong hội nghị APEC tháng 10/2006 tại thủ đô Hà Nội, nhưng sau đó csVN lại xảo trá trở mặt không giữ lời hứa về cải thiện nhân quyền, nay đã 3 năm trôi qua.

Sau 3 năm gia nhập WTO csVN đã trở thành một đối tác quan trọng của chính sách Hoa Kỳ và ông Michael Michalak đã cố gắng hết mình để gìn giữ những quan hệ tốt đẹp này. Chẳng lạ gì - theo hãng tin Đức DPA cách đây vài ngày, 26/8 cho biết các doanh nhân nước Mỹ đang là giới đầu tư mạnh nhất ở VN. Bà Lê Hải Vân, một giới chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng số vốn đăng ký của các công ty của Mỹ chiếm 37% tổng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay. Tổng vốn đăng ký của các công ty Mỹ là 3,95 tỉ đô la. So sánh trong cùng thời gian này năm 2008, đầu tư từ Mỹ chỉ chiếm có 3% trong tổng số 46,3 tỉ đô la vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài ở Việt Nam. Năm nay Đài Loan rớt hạng đứng thứ hai với 1,35 tỉ đô la, tiếp theo là Nam Hàn với 1,2 tỉ đô la. Hiện nay có 35 quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam và các nước Á châu vẫn giữ vững vị thế đầu tư, đáng kể là Đài Loan với số đầu tư 21,2 tỷ đôla, thứ đến Nam Hàn với 20,1 tỷ đôla kể từ khi csVN mở cửa kinh tế.

Trong 2 năm thi hành sứ mạng đại diện người Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Michalak thường gặp chống đối từ quốc nội và từ cộng đồng người Việt Nam có quốc tịch Mỹ về những nhận định của ông về tôn giáo và nhân quyền tại VN. Thời gian công tác của vị đại sứ đã 2 năm tại Hà Nội và cũng đến lúc vị cóc trời này phải mở miệng lần đầu tiên kêu to nhằm trực tiếp tố giác csVN đang vi phạm nhân quyền qua hãng tin Reuters ghi lại: “Chúng tôi thất vọng về việc (đài truyền hình) VTV đưa tin một số công dân Việt Nam nhận tội về các hoạt động mà tại nhiều nơi khác trên thế giới, đó là một việc làm bình thường, những cuộc thảo luận bình thường nhằm củng cố nhà nước pháp quyền tại Việt Nam”.

Đó là những lời tố cáo mạnh mẽ nhất từ phía đại sứ Michael Michalak để bênh vực những người đấu tranh cho dân chủ tại VN, có thể khi nhà nước VN động chạm trực tiếp đến chính phủ Mỹ thì vị cóc trời này phun nọc độc lại ngay. Vì trong bản nhận tội ngày 19/8 do đài truyền hình VTV diễn tuồng cho một chuyện phim về các tội phạm chính trị Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức để cho họ tự thú về các hành động "vi phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" và mong csVN cho "hưởng khoan hồng". Qua lời thú tội người xem ghi lại được như sau từ anh Nguyễn Tiến Trung: "Rất ân hận vì đã làm liên lụy đến gia đình, người thân và bạn bè và sẽ từ bỏ không tham gia vào Đảng dân chủ Việt Nam và Tập hợp thanh niên dân chủ". Đoạn phim thú tội kéo dài trong 20 phút và lại được phát sóng vào giờ cao điểm nhất, có thể từ một chủ ý rất xấu của nhà cầm quyền csVN muốn cảnh cáo Mỹ.

Quả đấm „thần tốc“ tiếp theo làm ông đại sứ „choáng váng“ khi csVN dùng luật sư Lê Công Định tố cáo cánh tay lông lá của Mỹ dính vào vụ việc này lúc ông Định cho biết về các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các quan chức Mỹ. Các nhân vật người Mỹ được xác định qua tên gọi John Negroponte, cựu thứ trưởng ngoại giao và đại sứ Michael Michalak. Đây là đường bóng thật đẹp và trái banh khôn khéo này được scVN đưa thẳng vào chân của ông Michalak vì theo nhà nước VN đó là những “cấu kết” với các “thế lực thù địch bên ngoài”.

Bị đẩy vào thế thụ động ông Michalak mới thật lòng với chính mình để cho thế giới tự do nhận dạng về những cái xấu của csVN: ''Chúng tôi vẫn quan ngại đối với cách hành xử liên quan tới nhân quyền của Việt Nam”.

Lúc bị chất vấn ngày 6/6/2009 ở Califonia trước cộng đồng người Việt ông đại sứ Michalak vẫn tin tưởng rằng, không cần thiết đưa Việt Nam trở lại danh sách “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”. Đi xa hơn nữa ông ta đã thách thức cử tọa vào lúc tranh luận sôi nổi và gay cấn về nhân quyền tại VN: „Các anh có thể viết thơ cho ông Tổng Thống Obama để “take me out”, đem tôi ra khỏi Việt Nam!“

Bây giờ tại Hà Nội ông Michalak đã mở mắt nhận ra chân tướng tỏ tường của csVN, nhất là với sự xảo trá của báo chí, truyền thông theo lề bên phải: “Tôi rất thất vọng với chương trình truyền hình VTV qua lời thú tội“. Và ông đại diện cho toàn dân Hoa Kỳ phải thốt lên những lời nói nặng nề được diễn tả trong ngôn ngữ ngoại giao: “Chúng tôi cũng bực mình vì đã bị mô tả tiêu cực về cách yểm trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam.”

Cần đến 2 năm đằng đẵng cậu „Cóc Trời“ Michael Michalak mới chịu mở miệng cho thiên hạ nghe về sự dối trá của csVN. Cũng may, trễ còn hơn không!

Một lời „tự thú“ thật lòng của người tiền nhiệm, cựu đại sứ Michael Marine trước khi rời khỏi Hà Nội như một lời nhắn nhủ cần thiết: “Vấn đề thiếu cải thiện nhân quyền là điều thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ của tôi ở Việt Nam”. Điều nhận định quan trọng này cũng chính là mức đo chính trị cho ông Michael Michalak trong chức vụ đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.