Ngày 20 tháng 1, ông George W. Bush ra đi sau 8 năm làm chủ Toà Bạch Ốc. Ít ai bùi ngùi luyến tiếc tiển đưa ông, vì những hậu quả ông để lại cho đất nước này nặng quá.

Thật ra, ông Bush là người thông minh, tháo vát, dể thương, đầy nghị lực, làm việc có phương pháp và có khả năng làm một tổng thống Hoa Kỳ tốt, nhưng nhóm tư bản đứng đàng sau ông, do Phó Tổng Thống Dick Cheney lãnh đạo, đã đưa ông vào con đường nghiệt ngả.

THOÁNG NHÌN LẠI QUÁ KHỨ

Các nhà chính trị và các nhà phân tích đã thấy rõ con đường mà nhóm tư bản này sẽ đi tới khi chính phủ Bush cuơng quyết mở cuộc tấn công bằng mọi giá vào Iraq, bất chấp luật pháp quốc tế. Vụ 911 là một cơ hội tốt cho họ.

Chính phủ Bush đã thất bại trong việc thuyết phục Hội Đồng Bảo An LHQ áp dụng biện pháp quân sự đối với Iraq, vì những tài liệu do cơ quan tình báo Mỹ và Thủ Tướng Tony Blair của Anh đưa ra để chứng minh Iraq có võ khí giết người hàng loạt đã bị ban thanh tra LHQ coi là giả, không có giá trị.

Không chứng minh được Iraq có tàng trử võ khí giết hại hàng loạt và lo sợ Nga và Pháp sẽ phủ quyết, Hoa Kỳ đã viện dẫn ba căn bản sau đây để dành quyền đơn phương hành động:

1.- Nghị quyết số 1441 ngày 8.11.2002

Hoa Kỳ cho rằng với Nghị quyết 1441, Hội Đồng Bảo An đã mặc thị cho phép xử dụng biện pháp quân sự rồi, không cần phải có nghị quyết khác nữa. Nhưng sự thật Nghị quyết này chỉ nói: “Hội Đồng đã báo động Iraq rằng Iraq sẽ phải đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do kết quả của những sự tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ của mình”.

2.- Quyền tự vệ (self-defence)

Hoa Kỳ cho rằng với quyền tự vệ, Hoa Kỳ được phép xử dụng quân sự đối với Iraq.

Lập luận này cũng sai lầm. Điều 51 của Hiến Chương LHQ chỉ cho phép các thành viên xử dụng quyền tự vệ (self-defence) đề chống lại các cuộc tấn công bằng võ khí cho đến khi Hội Đồng Bảo An đưa ra những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế mà thôi. Các biện pháp được dùng để thực hiện quyền tự vệ phải được báo cáo cho Hội Đồng Bảo An ngay và các biện pháp đó không được ảnh hưởng đến thẩm quyền và trách nhiệm của Hội Đồng trong việc duy trì và vản hồi hòa bình và an ninh.

3.- Quyền ra tay trước

Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12.9.2002, Tổng Thống Bush đã mô tả chế độ của Saddam Hussein là “một sự nguy hiểm nghiêm trọng và tập trung” (a grave and gathering danger). Ông nói nếu Liên Hiệp Quốc không yểm trợ, Hoa Kỳ sẽ dành quyền ra tay trước (preemptive use of force) để tránh hậu họa.

Luật gia Hugo Grotius, một sư phụ của ngành quốc tế công pháp, có nói rằng trong thế kỷ 17, việc “giết kẻ đang chuẩn bị giết chốc được coi là hợp pháp” (It be lawful to kill him who is preparing to kill). Nhưng theo Hiến Chương LHQ và Quốc Tế Công Pháp ngày nay, việc xử dụng vũ lực của một quốc gia đã bị hạn chế. Điều 2 (4) và điều 39 của Hiến Chương dành cho Hội Đồng Bảo An quyền “thẩm định về sự hiện hữu của bất cứ sự đe dọa hòa bình nào, sự phá vở hòa bình, hay hành động xâm lược” và “quyết định những biện pháp nào có thể được xử dụng... để duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.

Tóm lại, Hoa Kỳ không hội đủ điều kiện để xử dụng quyên ra tay trước. Vì vậy, việc tấn công Iraq để phòng ngừa bị coi là bất hợp pháp.

Ngày 13-9-2002, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gởi cho Tổng thống George W. Bush một văn thư nói về việc có thể có hành động quân sự chống Saddam Hussein. Văn thư có đoạn viết:

“Sự đáng tin cậy luân lý của việc sử dụng quân lực cũng tùy thuộc chặt chẽ vào sự kiện có quyền hợp pháp hay không để sử dụng sức mạnh lật đỗ chính phủ Iraq. Theo phán đoán của chúng tôi, những quyết định có tính trầm trọng như vậy cần phải theo đúng những mệnh lệnh hiến pháp Hoa Kỳ, cần sự đồng thuận rộng rải trong nước chúng ta, và một hình thức thừa nhận quốc tế, tốt hơn của Hội đồng Bảo an LiênHiệp Quốc. Đó là điều tại sao quyết định Tổng thống tìm kiếm sự phê chuẩn hiến pháp và của Liện hiệp Quốc rất quan trọng. Với Toà Thánh, chúng tôi rất nghi ngờ về việc sử dụng đơn phương quân lực, nhất là đã thấy rõ các tiền lệ gây rắc rối.”

Mặc dầu có sự phản đối của Hội Đồng Bảo An LHQ, của nhiều quốc gia trên thế giới và của nhiều giới tại Hoa Ký, chính phủ Bush vẫn mở cuộc tấn công Iraq với lời tuyên bố ngăn chận khủng bố và đem dân chủ đến cho Iraq rồi từ đó sẽ lan ra khắp vùng Trung Đông. Khi hành động như vậy, chính phủ Bush thừa biết kết quả của cuộc chiến tranh này rồi cũng gióng cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ không thể thắng được vì chung quanh Iraq có một hậu cần của khối Hồi Giáo qúa lớn. Thế thì tại sao chính phủ Bush vẫn mở cuộc tấn công?

MỤC TIÊU NHẮM TỚI

Các nhà phân tich lúc đó tin tưởng răng chính phủ Bush đã mở cuộc tấn công Iraq bằng mọi giá nhắm vào hai mục tiêu sau đây: Khai thác đầu lửa và thực hiện các cuộc đấu thầu quốc phòng.

1.- Khai thác dầu lửa

Năm 2003 trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất trên thế giới là ở Ả Rập Saudi (262,7 tỉ thùng), Iran (130,7 tỉ thùng) và ở Iraq (115,0 tỉ thùng), kế đến là ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Kuwait và Venezuela. Không có trữ lượng đầu lửa này, không chắc Hoa Kỷ đã tấn công Iraq.

Ngày 31.12.2008, Bộ Dầu Lửa Iraq đã cho các công ty ngoại quốc đầu thầu 11 khu vực khai thác dầu khí và dầu hoả, và nói những mỏ này được khai thác sẽ làm sản lượng dầu của Iraq tăng lên gấp đôi trong vài năm tới. Bộ trưởng Hussain al-Shahristani tuyên bố bắt đầu từ hôm nay, Iraq sẽ cho đấu thầu đợt 2 đối với 11 mỏ dầu lửa và dầu khí trong nước.

Nhưng loạn Quân Iraq Al-qaeda cũng sống được nhờ buôn lậu dầu. Đại úy Joe Da Silva, chỉ huy nhiều trung đội bảo vệ an ninh cho yếu khu có nhà máy lọc dầu Baiji có sản lượng rất lớn, một ngày xuất xưởng 500 xe bồn loại lớn, giá hàng chục triệu đô la, cho biết quân nổi dậy Iraq sống được là nhờ đường dây buôn bán dầu lậu. Quân nổi dậy có nhiều cách để làm việc đó, từ việc chận cướp các xe chở dầu, mua chuộc tài xế để mua dầu lậu với giá thật rẻ, đến việc đánh thuế xe và nếu không chịu đóng thì đốt phá xe.

Để để phòng việc Saudi Arabia trong tương lai có thể làm khó dễ Mỹ trong việc tăng giá dầu, Mỹ đã chuẩn bị dòm ngó Nigeria và vịnh Guinea, phiá tây bờ biển châu Phi, nơi có trữ lượng dầu lửa lớn. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã lập một căn cứ quân sự tại cảng Djibouti và nhiều nơi khác như: Ghana, Senegal, Mali, Equatorial Guinea và một quốc gia rất nhỏ ngự trị trên hòn đảo Sao Tome. Mỹ đã ước lượng vào năm tới Mỹ có thể thu họach dầu lửa ở Tây châu Phi khoảng 20% tổng số dầu lửa trên thế giới mà quan trọng là Nigeria. Và nhờ vào việc can thiệp vào Liberia, Mỹ có thể kiểm soát được tất cả các nước có dầu lửa vùng bờ biển vịnh Guinea ở châu Phi.

2.- Đấu thầu quốc phòng

Đấu thầu quốc phòng gồm hai loại: Loại một là tiêu thụ tất cả vũ khí còn lại đã lỗi thời từ chiến tranh Việt Nam và sáng chế các vũ khí mới. Loại hai là cung cấp cho đạo quân đang chiến đấu về tất cả mọi nhu cầu cần thiết.

Công ty Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hoa Kỳ, đã chính thức cho ra mắt một chiến đấu cơ mới. Trong buổi lễ khánh thành thứ vũ khí mới nhất này hôm 8.6.2006 tại Fort Worth, bang Texas, chiến đấu cơ F-35 Joint Strike đã được trao tặng biệt danh "Lightening Two", xin tạm dịch Thần Sấm Hai. Chiếc P-38, chiến đấu cơ nổi tiếng trong thời Thế Chiến Thứ Hai, cũng do công ty Lockheed chế tạo, đã được đặt biệt danh là Lightening.

Theo dự trù, các chiến đấu cơ F-35 sẽ thay thế chiến đấu cơ F-16 và F-A 18 Hornets, và một số các chiến đấu cơ khác đang được quân lực Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng. Sau các cuộc thí nghiệm cất cánh và hạ cánh theo lối truyền thống thực hiện vào mùa thu năm 2007, vào đầu năm 2008, chiến đấu cơ F-35 được thử cất cánh và hạ cánh theo đường thẳng, và theo chương trình sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2012.

Các cuộc đấu thầu cung cấp các nhu cầu quốc phòng là lộn xộn nhất. Từ ngày 29.10.2007 một nhóm thanh tra của quân đội Mỹ đã bắt đầu điều tra hơn 6.000 hợp đồng quân sự trị giá tới 2,8 tỉ USD phục vụ chiến tranh Iraq nhằm tìm kiếm bằng chứng gian lận và tham nhũng.

Hãng tin AP cho biết đội ngũ 10 người gồm các kiểm toán viên, nhân viên điều tra hình sự và chuyên gia hợp đồng sẽ có mặt tại một văn phòng của quân đội ở Detroit để kiểm tra 314 hợp đồng. Đây là những thỏa thuận được ký kết tại căn cứ quân sự Camp Arifjan ở Kuwait. Mỗi hợp đồng trị giá khoảng 25.000 USD và được ký kết từ năm 2003-2006.

Một nhóm thanh tra khác đang "soi" 339 hợp đồng khác tại Camp Arifjan. Theo AP, các viên chức quân đội khẳng định căn cứ Camp Arifjan là một "ổ tham nhũng". Văn phòng tại căn cứ này mua thiết bị và hàng hóa quân sự cho lính Mỹ ở Iraq. Các cuộc điều tra ban đầu phát hiện hoạt động đấu thầu hợp đồng diễn ra không minh bạch, trong khi chất lượng thiết bị có sự khác biệt giữa giấy tờ và thực tế. Cho đến nay đã có hơn 20 viên chức tại căn cứ này bị khởi tố vì tội nhận hối lộ hơn 15 triệu USD để dàn xếp các cuộc đấu thầu.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ cụ thể.

MỘT CÁCH NHÌN VỀ ÔNG BUSH

Hôm 3.1.2009, trong một bài phân tích dưới đầu đề “Analysis: Bush's personality shapes his legacy”, ký giả Ben Feller của hảng AP đã viết về ông Bush như sau:

Sau này, Tổng Thống George W. Bush sẽ được xét đoán bởi những gì ông đã làm. Ông cũng sẽ được nhớ đến bởi cá tính của ông: một người lanh lẹ, một người gốc Texas sử dụng từ ngữ lộn xộn nhưng lúc nào cũng lạc quan, ngay trong lúc cả nước chẳng được như vậy.

Trong tám năm, đất nước Hoa Kỳ đã được lãnh đạo bởi một người thích ra sân dọn dẹp bờ bụi trong cái nắng nóng chói chang gay gắt và đạp xe ào ào qua cánh rừng. Ông thích đặt tên hiệu cho các nhà lãnh đạo thế giới, và dành cho vị nữ thủ tướng Đức một cuộc xoa bóp bất ngờ, có lẽ chỉ được đón nhận miễn cưỡng, trên cổ của bà ta. Ông khó chịu khi phải chờ đợi và luôn theo đúng chương trình của mình. Ông luôn giữ thái độ lạc quan ngay cả trong tình huống khó khăn nhất, nhưng cũng sẵn sàng nhỏ lệ dù trước công chúng. Ông cũng chẳng dành thời giờ để tìm hiểu về chính mình, và mãi đến thời gian gần đây mới khởi sự nhìn lại chặng đường đã đi qua.

Cách thức điều hành và tính khí của ông đã ảnh hưởng nhiều đến di sản không thua gì các quyết định của ông trong thời gian qua.

Chính sách ảnh hưởng đến đời sống con người, nhưng cá tính để lại những hình ảnh không quên, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Dù thế nào chăng nữa, đó là những hình ảnh đặc thù về ông Bush.

Không được trễ.

Tổng thống Bush đòi hỏi sự đúng giờ và ghét sự không hiệu quả. Mỗi cuộc họp phải có một mục đích rõ ràng. Và không nên lập lại những gì mà ông đã biết.

Ông dậy sớm và thường bắt đầu làm việc ở Văn Phòng Bầu Dục (Oval Office) vào lúc 6 giờ 45 sáng. Đến 9 giờ 30 hay 10 giờ tối là ông đi ngủ. Ông muốn tỉnh táo khi thức dậy và không muốn bị mất giấc ngủ của mình.

Trong các cuộc họp với các chuyên gia về chính sách, Tổng Thống Bush thường hỏi những câu hỏi về ngay điểm chính yếu của một vấn đề phức tạp. Các phụ tá của ông đã lấy làm tiếc là người dân trong nước không bao giờ biết được sự sáng suốt đó của ông, ngay cả sau tám năm cầm quyền. Họ miêu tả ông là một người luôn tìm hiểu kỹ càng sự việc chứ không có cái nhìn hời hợt như phần lớn thế giới nghĩ về ông.

Khi tổng thống Bush muốn có câu trả lời, người được hỏi không nên phỏng đoán.

“Ông có thể nhìn ra điều này ngay lập tức, nếu bạn không nắm vững vấn đề,” theo giám đốc thông tin Tòa Bạch Ốc Kevin Sullivan.

Những người khác có thể viết diễn văn cho tổng thống Bush đọc, nhưng ông sẽ loại bỏ những câu mà ông nghĩ rằng đi ra ngoài một tiến trình hợp lý. Đó là sự kỷ luật của Tổng Thống Bush.

Bạn có thể nhận ra những vấn đề Tổng Thống Bush quan tâm, vì ông nói về những điều này một cách khác hơn, nhiệt thành hơn: đó là giáo dục, giúp ngăn ngừa bệnh AIDS, tự do. Đây là những vấn đề có thể nhìn thấy rõ ràng hơn qua lăng kính của đạo lý. Đó là cách Tổng Thống Bush nhìn thế giới quanh mình.

Tổng Thống Bush đọc Kinh Thánh thường xuyên. Thêm một điều ông cũng thường xuyên làm: thể dục thể thao. Ông dành thời giờ để luyện tập ít nhất sáu ngày trong tuần, dù là ở nơi nào. Và ông tập rất hăng hái, đặc biệt là khi ông leo lên chiếc xe đạp leo đồi vào mỗi cuối tuần, khi ông khiến các nhân viên mật vụ theo bảo vệ phải cố gắng hết sức mới theo kịp ông. Ông là người có tinh thần tranh đua và muốn ở trong vị thế chỉ huy.

Ngay cả việc ăn uống cũng được nhìn với một mục tiêu rõ ràng.

Tổng thống Bush muốn thức ăn trưa của ông sẵn sàng khi ông sẵn sàng để ăn, và ăn nhồm nhoàm thật nhanh. Sự ưa thích của ông cũng rất rõ ràng: có thể là lát bánh mì có mật ong trét đậu phọng (peanut butter and honey sandwich) hay bánh mì kẹp thịt (burger). Cựu đầu bếp chánh Tòa Bạch Ốc Walter Scheib học được một điều là không bao giờ sửa soạn bánh mì cho ông Bush mà không có một chút mù tạc của Pháp.

Người đến từ vùng đất của dân cao bồi với giầy ủng này lại ra lệnh cho mọi người phải ăn mặc đàng hoàng khi vào Tòa Bạch Ốc. Không có chuyện mặc quần jean khi vào khu vực Cánh Tây (West Wing) của tòa nhà. Và vào trong Văn Phòng Bầu Dục là phải có cà vạt và áo vest bên ngoài.

“Sự thứ tự trong tiến trình làm việc cho ông sự mạnh dạn,” theo lời Peter Wehner, một cựu phụ tá của tổng thống Bush và hiện là một viên chức cao cấp tại trung tâm nghiên cứu về Đạo Đức và Chính Sách Công Chúng (Ethics & Public Policy Center).

Và khi đứng trước mặt Tổng Thống Bush, bạn nên tắt máy điện thoại của mình. Thật đáng tội cho người nào phải chịu đựng cái nhìn gườm gườm của Tổng Thống Bush khi chiếc máy Blackberry của họ reng lên không đúng lúc.

Văn phạm trong ngôn từ Tổng Thống Bush sử dụng đôi khi cứ rối tung lên. Thí dụ như khi muốn nói là đã nói chuyện với các gia đình có người thiệt mạng trong cuộc chiến, ông lại nói rằng “I talk to families who die”—có nghĩa là “tôi nói với các gia đình đã chết”. Ông thỉnh thoảng cũng thêm chữ ‘s” vào các danh từ số nhiều như “childrens do learn when standards are high.” Những điều này đã tạo ra những hình ảnh không hay về vị tổng thống tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng Yale ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người đã nói chuyện riêng tư với ông: các nhà báo, sử gia, những người tranh đấu... lại có một hình ảnh rất khác biệt về một người mà họ coi là có sự suy nghĩ rất tỉ mỉ.

Tổng thống Bush thích gọi người khác bằng tên hiệu mà chính ông chọn cho họ. Các ký giả, thành viên nội các, các nhà lãnh đạo thế giới—ông đặt tên hiệu (nick name) cho tất cả mọi người. Điều này thường tạo ra một sự thân thiện giữa tổng thống và người chung quanh và Tổng Thống Bush thích như vậy.

Tổng Thống Bush có thể cho thấy sự nóng nảy và không kiên nhẫn. Nhưng nếu ông là người không chịu bị chỉ trích—và ông thường xuyên bị chỉ trích—ông đã không cho thấy điều đó.

Khi cựu tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Scott McClellan víêt một cuốn sách chỉ trích thậm tệ sự lãnh đạo của Tổng Thống Bush, ông đã nói với các cố vấn cao cấp là hãy bỏ qua điều này.

“Hãy kiếm một cách nào đó để tha thứ, vì đó là cách bạn sống trong đời,” tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc hiện nay là Dana Perino đã kể lại lời khuyên Tổng Thống Bush dành cho bà.

Tổng Thống Bush nhất định giữ sự lạc quan, cho dù số phần trăm người dân Mỹ ủng hộ ông xuống thấp đến đâu.

“Mỗi ngày đều là một ngày vui vẻ,” ông cho hay mới đây, diễn tả một trong những thời đại tổng thống khó khăn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Những lúc đau lòng nhất cho ông là những khi ông gặp gia đình của các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến mà ông đã gửi họ đi. Hay khi ông gặp các thương binh. Nhiều người nói với ông là họ muốn được quay trở lại chiến trường. Ông đã rất cảm động về những hy sinh này.

Tổng Thống Bush đã có lần cho hay: “Tôi nhiều lần khóc khi ở trong nhiệm vụ này,”

Tổng thống Bush không phải là người thích tiệc tùng, hội hè. Ông và bà vợ cũng đến nhà các bạn nhưng không lui tới nhà hàng hay những nơi nhộn nhịp khác ở Washington. Các phụ tá của ông nói rằng ông không muốn những hoạt động bảo vệ an ninh cho mình làm phiền công chúng.

Đó cũng là lý do tại sao ông thường có các chương trình làm việc nhanh chóng ở ngoại quốc. Ngay cả ở những nơi có phong cảnh đẹp đẽ nhất, Tổng Thống Bush cũng không dành thời giờ du ngoạn mà đi thẳng vào công việc, tạo thêm sự hiểu lầm là ông chẵng muốn tìm hiểu gì về thế giới bên ngoài.

Ông Bush nói: “Tôi là người thích ở trong ổ.”

Thật là không nơi nào bằng trang trại thân thương của ông Crawford, tiểu bang Texas. Trong tám năm cầm quyền, ông đã dành khoảng một năm ở trang trại này.

Ông chặt cây, làm sạch bờ bụi, làm đường đạp xe đạp. Sức nóng của mùa hè không làm ông mệt mỏi mà lại tạo sự hứng khởi. Ông giải trí bằng cách đọc sách, thường là sách lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Ông cũng thích xem các phim diễu trinh thám như loạt phim “Austin Powers”. Ông dành thời giờ nghỉ ngơi với vợ.

Chẳng bao lâu nữa ông sẽ có nhiều thời giờ riêng cho mình.

Ôâng Bush nói: “Tôi rời khỏi chức vụ tổng thống ngẩng cao đầu với sự hãnh diện.”

Và ông cũng sẽ để lại nhiều điều để mọi người nhớ tới.

CON NGƯỜI QUYỀN LỰC NHẤT

Không phải chỉ Ben Feller, nhiều nhà phân tích cũng đã công nhận một số ưu điểm của Tổng Thống Bush, nhưng đàng sau lưng ông còn có Phó Tổng Thống Dick Cheney, người nắm nhiều quyền hành của Toà Bạch Ốc.

Phóng viên Stephen F. Hayes của tờ New York Times và tờ Weekly Standard, đã viết cuốn “The Untold Story of America’s Most Powerful and Controversial Vice President”, tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến Phó Tổng Thống Dick Cheny từ thời kỳ ở Đại học Yale, những năm tháng đầu tiên của ông trong ngành luật, những sự kiện khiến cho ông trở thành một cố vấn, rồi một nhà lãnh đạo hết sức quan trọng tại Nhà Trắng, cuộc đối đầu của ông với giới lãnh đạo trong Quốc Hội hay cả việc người ta phản đối gay gắt với quyết định lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ trở lại đề tài này.

Công ty Halliburton chuyên về dịch vụ cho các giếng dầu và đấu thầu quốc phòng, đã được thầu phục vụ cho quân đội Mỹ ở Iraq gần 2 tỷ mỹ kim không có đấu giá, họ bị Bộ Quốc Phòng Mỹ điều tra về việc tính giá xăng và thức ăn quá cao, và đưa hóa đơn tính tiền những việc họ không làm.

Phó Tổng thống Cheney điều khiển công ty Halliburton từ năm 1996 cho đến năm 2000, là thời gian xảy ra những vụ gian lận kế toán và đánh lừa thị trường. Tuy nhiên, Văn Phòng Phó Tổng Thống cho báo chí biết ông không liên can gì đến những vụ bị tố cáo.

MỘT LỐI TIỂN ĐƯA CHUA CHÁT

Hôm 15.12.2008, trong lúc Tổng Thống Bush họp báo với Thủ Tướng Nouri Kamil Mohammed Hassan al-Maliki của Iraq tại Baghdad, phóng viên truyền hình Iraq Muntadar al-Zaidi đứng lên và hô vang trước khi ném giày vào ông Bush và suýt nữa trúng vào người ông: “Đây là cái hôn tạm biệt từ người dân Iraq, con chó.”

Khi ném chiếc giày thứ hai mà ông Bush cũng tránh được, Zaidi nói: “Cái này cho những góa phụ và trẻ mồ côi và tất cả những ai bị giết ở Iraq.”

Zaidi là phóng viên cho hãng truyền hình al-Baghdadiya có trụ sở ở Cairo, đã bị vật xuống đất và bị giải đi. Ông Bush sau đó hài hước nói: “Nếu các bạn muốn sự thật, thì anh ta ném giày cỡ 10.”

Đây là một lối từ biệt quá chua chát được các đài tryền hình Mỹ chiếu đi chiếu lại nhiều ngày.

Chúng ta không thể biết được trong thời gian ông Bush cầm quyền, các công ty dầu lửa và đấu thầu quốc phòng kiếm được mấy trăm tỷ, nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đi xuống, còn các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công Iraq đã làm cho Hoa Kỳ mất quyền lực vô địch trên thế giới đã nắm được kể từ khi khối cộng sản sụp đổ và làm cho tình hình thế giới trở nên bất ổn hơn.

Chúng tôi nhớ lại trong Trong Sứ Điệp Giáng sinh Urbi et Orbi đọc vào trưa 25.12.2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói: “Nơi nào tính ích kỷ cá nhân hay tập thể đang lấn át công ích... Nếu mỗi người chỉ nghĩ tới ích lợi riêng tư của mình, thì thế giới sẽ đi tới chỗ diệt vong.”

Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.