Họ Đã Trả Cái Giá Cao Quý Nhất

Nhớ Về Những Người Lính Công Giáo Anh Hùng Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong

Trong số ra đặc biệt Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day), tờ báo National Catholic Register đã cho lên trang đầu bài viết của Paul A. Barra có nhan đề: "Họ Đã Trả Cái Giá Cao Quý Nhất" (They Paid the Ultimate Price).

Bài viết được lược dịch như sau:

Vì những người Công Giáo chiếm hơn 1/4 trong tổng số các binh lính trong Quân Đội Hoa Kỳ, cho nên cũng vì lý do đó mà đã có rất nhiều người đã phải trả cái giá ca quý nhất trong việc phục vụ cho quốc gia.

Theo Đức Tổng Giám Mục Thomas Broglio của Tổng Giáo Phận đặc trách việc Mục Vụ Cho Quân Đội Hoa Kỳ thì:

"Những người binh sĩ Công Giáo nổi tiếng là gan dạ và anh dũng. Đã từ lâu họ đã từng được biết đến vì việc phục vụ can đảm và vì lòng trung thành của họ. Tôi nghĩ rằng họ rất xứng đáng với những lời ngợi khen đó."

Hạ Sĩ Monsoor (www.navy.mil/moh/Monsoor)
Điều này đúng là sự thật với buổi lễ rất cảm động tại Tòa Bạch Ốc trong Tháng 4/2008 vừa qua, khi cha-mẹ của Hạ Sĩ Quan (Petty Officer Second Class)Michael Monsoor thuộc Navy SEAL (đội đặc nhiệm của Hải Quân) lên nhận Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) từ chính tay của Tổng Thống Bush thay cho con mình.

Hạ Sĩ Quan Monsoor đã từng phục vụ tại Ramadi, Irắc, và đã tử nạn khi lao mình vào làn đạn để cứu lấy cuộc sống của các bạn đồng đội của Anh vào Tháng 9/2006 vừa qua.

Theo nguồn tin từ trang Web của Ngành Hải Quân cho biết, Hạ Sĩ Quan Monsoor "đã tham dự Thánh Lễ rất sốt sắng trước khi thực hiện chiến dịch." Anh là người thứ ba được tặng thưởng Huy Chương Danh Dự trong cuộc chiến tại Irắc.

Bà Judy McCloskey - người điều hành trang Web dành cho các binh sĩ Công Giáo trong mọi quân ngành của Quân Đội Hoa Kỳ, đã nói về sự hy sinh của Hạ Sĩ Quan Monsoor như sau:

"Đối với những người lính Công Giáo, sự hy sinh không bao giờ được hiểu là một sự hoang phí, nhưng nó luôn luôn được xem như là vô giá, cũng giống với đức tin nền tảng của chúng ta là tin vào sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá."

Trong bài diễn văn đọc trong Ngày Đại Thánh năm 2000, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã ca ngợi vai trò của những người phục vụ trong Quân Đội và Ngài nói thêm rằng:

"Cha muốn tỏ bày lòng kính trọng của Cha đến cho các bè bạn của chúng con, những người đã phải trả giá bằng chính mạng sống của họ vì sự trung thành trong sứ mạng. Bằng việc tự quên đi chính bản thân của họ và mặc cho sự hiểm nguy, họ đã cống hiến một sự hy sinh vô giá cho cộng đồng nhân loại. Ngày hôm nay, trong lúc cử hành Phép Bí Tích Thánh Thể, chúng ta hãy cùng phó dâng họ lên cho Thiên Chúa với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn." - Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Vĩ Đại (Bài Giảng Ngày 19 Tháng 11 Năm 2000).

Theo Đức Ông Ronald Newland thuộc Tổng Giáo Phận đặc trách việc Mục Vụ Cho Quân Đội thì:

Hiện tại có khoảng 294 vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo [chưa kể đến Cha Kevin Thomas Peek của Tổng Giáo Phận Atlanta, GA - Người sẽ giả từ Tổng Giáo Phận qua Thánh Lễ chiều Chủ Nhật hôm qua tại Giáo Xứ St. Brigid Catholic Church ở Thành Phố Johns Creek sau hơn 10 năm làm Linh Mục triều của TGP, để trở thành vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo cho Sư Đoàn 4 của Hoa Kỳ vào Tháng 6/2008 sắp tới này - ND] đang phục vụ toàn thời gian (Active Duty) cho tất cả mọi quân ngành của Quân Đội Hoa Kỳ trên khắp cả thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio
Điều này có nghĩa là việc mang Thánh Lễ tới những vùng đang xảy ra chiến cuộc quả thật là khó khăn nếu như không muốn nói là không thể được, thì đó cũng chính là một mối quan tâm chính của Hạ Sĩ Quan (Sergeant hay Sgt.) Joseph Richard, III, một binh sĩ Công Giáo đến từ tiểu bang Louisiana - người đã tử thương trong cuộc giao chiến rất ác liệt ở Baghdad vào ngày 14 tháng 4 vừa qua.

Richard "đã tìm thấy trở lại sự hăng hái trong đức tin của mình khi Anh tham gia vào Lục Quân. Anh vẫn thường hướng dẫn nhóm tiểu đội của Anh cầu nguyện trước khi tất cả ra ngoài tham chiến." Theo lời kể của Cô Carmen Billedeaux, Chị ruột của Anh Richard: "Tôi đã yêu cầu tất cả các bạn bè của tôi trong Nhóm Tông Đồ Đạo Binh Chúa Kitô hãy cầu nguyện cho sự an toàn của em trai tôi."

Giờ đây Chị cảm tạ Thiên Chúa vì đã không chấp nhận những lời nguyện cầu đó. Các bạn bè của Chị đã cầu nguyện sự an toàn đến cho đứa em trai của Chị hay cùng lắm là cầu nguyện cho Richard có được một cái chết nhanh chóng mà không phải hứng chịu sự thương đau, thế nhưng Richard đã sống được 30 phút, khi toàn thân thể của Anh đã bị xé nát bởi các mảnh đạn.

Chị Billedeaux nói:

"Thế rồi tôi thật biết ơn vì Richard đã kịp sống để lãnh nhận Nghi Thức cuối cùng từ tay vị Linh Mục tuyên úy. Thiên Chúa đã chấp nhận những lời nguyện cầu của chúng tôi để gìn giữ em tôi khỏi mọi sự hiểm nguy bằng cách đảm bảo rằng em tôi có cơ hội để rời khỏi thế giới này trong ân huệ của Ngài và không còn phải mắc tội nữa."

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị - là người con trai của một vị Sĩ Quan Quân Đội, vào năm 1999 đã từng nói rằng:

"Thế giới Quân Đội, xưa và nay, thường được xem như là một khí cụ để rao giảng Phúc Âm và là nơi đặc ân nhất để đạt đến đỉnh cao của sự nên thánh: điều mà Cha muốn nói chính là việc một sĩ quan chỉ huy một trăm binh sĩ của Phúc Âm, hay những vị binh sĩ tử đạo đầu tiên và tất cả những ai đã làm điều đó trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, bằng việc phục vụ cho chủ quyền quốc gia, để qua đó học biết được cách làm thế nào để có thể trở thành những binh sĩ và những chứng tá viên của một Thiên Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô."

Đối với hai gia đình của Hạ Sĩ Quan Monsoor và của Hạ Sĩ Quan Richard, thì ngày hôm nay chính là Ngày Chiến Sĩ Trận Vong đầu tiên đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của họ sau khi người thân nhất của họ đã ra đi. Thế nhưng, khoảng thời gian này cũng sẽ mang lại những ký ức củ về cho gia đình của Cha Timothy Vakoc - một vị Linh Mục Tuyên Úy gương mẫu của Quân Đội Hoa Kỳ.

Chaplain Father (Major) Timothy Vakoc - United States Army
Chẳng bao lâu sau Ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm 2004, Cha Vakoc - vị Linh Mục Tuyên Úy của Lục Quân đã bị thương nặng vì bom nổ được gài bên đường ở Irắc. Lần đó cũng là lần kỷ niệm 12 năm ngày Cha được chịu chức Linh Mục, và Cha đang trên đường để trở về căn cứ quân sau khi Cha đã đến đó để cử hành Thánh Lễ.

Cha Vakoc bị chấn thương sọ não và đã bị tê liệt khiến Cha không còn thể nói được. Kể từ đó trở đi, vị Linh Mục người gốc tiểu bang Minnesota phải trải qua nhiều cuộc chữa trị y học và vật lý trị liệu, và giờ đây Cha có thể tham dự Thánh Lễ trở lại được. Cha Vakoc vẫn chưa thể cử hành Thánh Lễ được, thế nhưng dần dà, mặc dầu chậm chạp, rồi Cha cũng sẽ làm được điều đó.

Cha chính là một trong những hàng dài các vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo anh dũng, trong đó cũng có Cha Vincent Capodanno - một vị Linh Mục Tuyên Úy của Hải Quân đã bị giết chết tại Việt Nam vào năm 1967. Không những Cha Capodanno được trao tặng Huy Chương Danh Dự - giải thưởng cao quý nhất của quốc gia dành cho những ai gan dạ nhất trong chiến trận, mà vị Linh Mục Dòng Maryknoll này cũng đang còn được Giáo Hội xem xét để nâng lên bậc Hiển Thánh.

Vị tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Broglio là Đức Tổng Giám Mục Edwin O'Brien [nay là Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Baltimore, Maryland - ND] đã cho khởi sự hồ sơ phong Chân Phước và Phong Thánh cho Cha Capodanno vào Tháng 5/2006 vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục O'Brien đã viết trong hồ sơ tuyên bố phong Chân Phước của Cha Capodanno rằng: "Tôi đã xác minh về sự nổi tiếng nên thánh lan rộng của Linh Mục quá cố Capodanno."

Cha Capodanno hiện đang được biết đến như là Một Bậc Tôi Tớ của Thiên Chúa (A Servant of God) và bước kế tiếp sẽ là phong Chân Phước nếu như một phép lạ tuyệt vời được xảy ra nhờ sự chuyển cầu của Cha Capodanno.

Đức Tổng Giám Mục Broglio cho biết:

"Phép lạ tuyệt vời đó đã được khám phá ra rồi và hiện đang chờ đợi sự xác nhận về mặt y học. Cha Capodanno chính là một người rất đặc biệt và rất tận tụy trong việc phục vụ cho tất cả các binh sĩ của Cha nơi đầu chiến tuyến. Cha đã ngang nhiên xem thường sự an toàn tính mạng của riêng mình, để có thể đến, lắng nghe và cử hành Thánh Lể hay các nghi thức cần thiết khác cho các binh sĩ."

Nếu vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo này được Giáo Hội nâng lên bậc Hiển Thánh, thì chẳng có gì là ngạc nhiên cho lắm đối với những người vẫn hay thường đến cầu nguyện và thờ phượng nơi các Nhà Nguyện nhỏ mang tên của Cha. Rồi đến các con đường, các tòa nhà, các đài tưởng niệm, và thậm chí ngay cả một chiến hạm thủy chiến của Hải Quân đã được đặt tên của Cha Capodanno.