Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn lần thứ 94 (13 tháng giêng năm 2008)

Những Di Dân Trẻ

Chủ đề của Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn năm nay gọi mời chúng ta suy tư đặc biệt về những người di dân trẻ. Thực ra, các tin tức hàng ngày thường đề cập đến họ. Tiến trình toàn cầu hóa rộng lớn hiện đang xảy ra trên khắp thế giới mang đến nhu cầu chuyển dịch, thúc đẩy nhiều người trẻ tuổi di cư và sống xa gia đình hoặc đất nước của họ. Kết quả là nhiều khi những người trẻ được phú cho những tài nguyên trí thức tốt đẹp nhất phải rời bỏ xứ sở gốc gác của mình, trong khi đó tại các quốc gia tiếp nhận những người di cư lại áp dụng những luật lệ làm cho sự hội nhập thực tế của họ thêm khó khăn. Quả vậy, hiện tượng di dân đang càng ngày trở nên rộng rãi hơn, bao gồm một số lớn những người thuộc mọi thành phần xã hội. Vì vậy, các cơ quan công cộng, các tổ chức nhân đạo và cả Giáo hội Công giáo nữa đang cung ứng đúng đắn nhiều nguồn tài nguyên để giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn này.

Đối với những người di dân trẻ tuổi, các vấn đề của điều gọi là “khó khăn vì lưỡng thuộc (dual belonging)” dường như được cảm nhận theo một đường hướng đặc biệt: một mặt, họ cảm thấy nhu cầu mạnh mẽ không được làm mất đi nền văn hóa cố hữu của mình, trong khi đó, nổi lên trong lòng họ niềm ao ước muốn được hội nhập có hệ thống vào xã hội đang tiếp nhận họ, nhưng không muốn vì đó mà bị đòi hỏi phải đồng hóa hoàn toàn và gây ra sự mất mát các truyền thống tổ tiên họ để lại. Trong số những người trẻ này, cũng có những thiếu nữ dễ trở thành nạn nhân để lợi dụng khai thác, các hình thức hăm dọa về luân lý, và ngay cả lạm dụng dưới mọi hình thức. Thế thì, chúng ta có thể nói gì về những thanh thiếu niên, những trẻ em vị thành niên không có phụ huynh đi kèm, tạo thành một loại người có nguy cơ giữa đám người đang xin nơi cư trú kia? Những thiếu niên nam nữ này chung cuộc thường buông mình vào phố xá, làm mồi cho những kẻ khai thác vô đạo đức, biến chúng thành những mục tiêu cho các bạo hành về thể lý, luân lý và tình dục.

Kế đến, nhìn kỹ hơn vào một bộ phận của những người bị ép buộc phải thiên cư, tị nạn và các nạn nhân của nạn buôn người, chúng ta buồn rầu thấy cũng có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên nữa. Về vấn đề này không thể giữ im lặng trước những hình ảnh khốn khổ của các trại tị nạn lớn lao ở nhiều nơi trên thế giới. Làm sao chúng ta không thể nghĩ rằng những sinh vật nhỏ bé này đã đi vào cuộc đời với cùng những mong đợi chính đáng được hưởng hạnh phúc như những người khác? Và, đồng thời, làm sao chúng ta không thể nhớ rằng tuổi ấu thơ và tuổi trẻ là những giai đoạn quan trọng cơ bản cho việc phát triển thành con người nam nữ, cần đến ổn định, thanh thản và an ninh? Những nhi đồng và thanh thiếu niên này chỉ có được kinh nghiệm trường đời là những “trại” cưỡng bách, cố định lâu dài, nơi chúng bị tách riêng ra, xa các đô thị có cư dân, ít có khả năng được đến trường để học hành bình thường. Làm sao chúng có thể nhìn về tương lai với niềm tin tưởng? Vẫn biết trong thực tế nhiều điều đang được thực hiện cho chúng nhưng vẫn còn cần những cam kết nhiều hơn nữa để giúp chúng, bằng cách tạo ra sự tiếp đãi ân cần và các cơ cấu đào tạo thích hợp.

Rõ rệt là từ quan điểm này, câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để đáp ứng các mong muốn của những người di dân trẻ? Có thể làm được gì để giúp họ? Dĩ nhiên, điều cần thiết trước nhất là yểm trợ gia đình và học vấn. Nhưng các thực trạng thật phức tạp dường nào! Và có biết bao nhiêu khó khăn những người trẻ này gặp phải trong bối cảnh gia đình và học đường! Trong gia đình, vai trò truyền thống cố hữu nơi xứ sở quê hương đã bị đổ vỡ, và thường thấy giữa các bậc cha mẹ vẫn còn cố bám lấy văn hóa của mình có một sự va chạm với đám trẻ đã mau chóng nhập vào văn hóa trong bối cảnh xã hội mới. Tương tự, không được đánh giá thấp nỗi khó khăn những người trẻ gặp phải khi được đưa nhập vào các khóa học vấn hiện hành tại xứ sở tiếp nhận họ. Vì thế, chính hệ giáo dục phải xem xét đến các điều kiện của chúng và cung ứng những đường lối đào tạo đặc biệt về hội nhập, thích hợp cho nhu cầu của những trẻ em trai gái di dân này. Cũng quan trọng là phải có sự cam kết tạo ra một khí hậu tương kính và đối thoại giữa đám học sinh trong các lớp học, dựa trên các nguyên tắc và các giá trị phổ cập chung cho mọi nền văn hóa. Cam kết của mọi người – giáo viên, gia đình và học sinh – chắc sẽ đóng góp cho việc giúp đỡ – một cách tốt đẹp nhất có thể làm được – những di dân trẻ tuổi đối diện với thách đố về hội nhập và cung cấp cho chúng khả năng đạt được những gì có thể giúp đào tạo chúng về nhân bản, văn hoá và chuyên môn. Điều này còn cần hơn nữa đối với những thanh thiếu niên tị nạn, những người cần được chuẩn bị các chương trình thích hợp cả về bối cảnh học vấn và công ăn việc làm để bảo đảm sự chuẩn bị họ và cung ứng những nền tảng cần thiết để hội nhập đúng đắn vào xã hội, văn hoá và thế giới chuyên môn mới.

Giáo hội đặc biệt quan tâm đến thế giới những người di dân và yêu cầu những người đã được đào tạo về Kitô giáo nơi các quốc gia xuất phát hãy làm cho gia tài đức tin và các giá trị Tin Mừng này được nảy nở nhằm làm chứng nhân kiên vững nơi các bối cảnh khác nhau trong cuộc đời. Liên quan chính xác đến vấn đề này, tôi mời gọi các cộng đồng Hội thánh nơi tiếp nhận hãy chào đón ân cần những thanh thiếu niên và trẻ em cùng cha mẹ chúng, và cố thông cảm nỗi thăng trầm của cuộc đời họ và ủng hộ sự hòa nhập của họ.

Tiếp theo, giữa những người di dân, như tôi đã viết trong Thông điệp năm ngoái, có một loại người cần được xem xét theo đường hướng đặc biệt: đó là các sinh viên từ các nước khác, do nhu cầu học vấn, phải xa nhà. Con số này đang gia tăng không ngừng: họ là những người trẻ cần được chăm sóc đặc biệt về mục vụ vì họ không chỉ là các sinh viên như người khác nhưng còn là những di dân tạm thời. Họ thường cảm thấy cô đơn dưới áp lực của học vấn và đôi khi họ cũng bị eo hẹp vì các khó khăn kinh tế. Giáo hội, trong niềm quan tâm mẫu tử, nhìn họ bằng yêu thương trìu mến và nỗ lực biến các sự can thiệp về mục vụ và xã hội đặc biệt thành hành động mà sẽ chú tâm vào nguồn tài nguyên lớn lao là tuổi trẻ của họ. Cần giúp họ tìm ra cách cởi mở lòng mình vào tính năng động của sự giao lưu văn hóa, và được phong phú khi tiếp xúc với các học sinh thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Đối với người trẻ theo Kitô giáo, sự học hỏi và kinh nghiệm đào tạo này có thể là một lãnh vực hữu ích cho sự trưởng thành về đức tin, một sự kích thích để mở rộng vào chủ nghĩa phổ quát, là yếu tố xác định làm nên Giáo hội Công giáo.

Hỡi các di dân trẻ tuổi, hãy chuẩn bị để cùng với những người đồng trang lứa xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn bằng cách làm tròn, tỉ mỉ và cẩn trọng, những nhiệm vụ đối với gia đình các bạn và đối với Đất nước. Hãy tôn trọng luật pháp và đừng bao giờ để mình bị hận thù và bạo lực lôi kéo đi. Thay vào đó kể từ nay hãy cố trở thành người chủ đạo của một thế giới nơi sự cảm thông, tình đoàn kết, công lý và hòa bình sẽ ngự trị. Còn đặc biệt là các con, những tín hữu trẻ tuổi, Cha xin các con lợi dụng thời gian học tập để lớn mạnh trong sự hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Đức Giêsu muốn các con là những bạn hữu chân thật của Người, và để được như thế cần bồi đắp sự liên kết chặt chẽ với Người bằng cầu nguyện không ngưng nghỉ và lắng nghe Lời Người. Người muốn chúng con thành những chứng nhân cho Người và để được như thế các con cần cam kết sống theo Tin Mừng một cách can đảm và thể hiện việc đó bằng hành động cụ thể là yêu mến Chúa và phục vụ đại lượng các anh chị em khác. Giáo hội cũng cần đến các con nữa và trông cậy vào sự đóng góp của các con. Các con có thể đóng một vai trò rất đúng ý Chúa quan phòng trong bối cảnh truyền giáo hiện nay. Đến từ những nền văn hóa khác biệt, nhưng tất cả được hiệp nhất khi thuộc về cùng một Giáo hội của Đức Kitô, các con có thể chứng tỏ rằng Tin mừng vẫn sống động và thích hợp cho mọi hoàn cảnh; đó là một sứ điệp cũ nhưng vẫn còn mới. Đó là lời của hy vọng và cứu độ cho các dân tộc thuộc mọi nòi giống và văn hóa, thuộc mọi niên kỷ và thời đại.

Nơi Đức Mẹ Maria, Mẹ của toàn thể nhân loại, và nơi Thánh Giuse, người phu quân thanh khiết nhất của Đức Mẹ, cả hai cùng với Chúa Giêsu là những người tị nạn ở Ai cập, ở nơi những vị đó cha muốn trao phó mỗi một người các con, gia đình các con, những người đang chăm sóc thế giới rộng lớn của các di dân trẻ bằng nhiều phương cách khác nhau, những người thiện nguyện, các nhân viên mục vụ đang sát cánh bên chúng con với lòng thiện chí và trợ giúp thân thiện.

Nguyện cầu Thiên Chúa luôn ở gần các con và gia đình các con để cùng nhau các con có thể vượt qua được các trở ngại và các khó khăn vật chất cũng như tinh thần gặp phải trên đường đời. Kèm theo với những nguyện ước này cha ban phép lành Tòa thánh đặc biệt cho mỗi một người các con và cho những người thân thương của các con.

+ Giáo hoàng Bênêđictô XVI