ĐẠI HỘI MỤC VỤ 49

Giáo Xứ Việt Nam Paris Chúa nhật 09.12.2007

Chúa nhật 30 tháng 10 năm 1983, Ðại Hội Mục Vụ lần thứ nhất đã được tổ chức, trong đó Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi của Giáo Xứ đã được thành lập với bốn thành phần cơ bản : Ðại Diện các Ðịa Ðiểm Mục Vụ, Ðại Diện các Hội Ðoàn Mục Vụ, Ban Thường Vụ, Ban Cố Vấn. Từ đó, 48 đại Hội Mục Vụ khác đã được tổ chức. Hai lần một năm, vào tháng 06 và tháng 12, Ðại Hội Mục vụ lượng giá các công việc mục vụ đã thực hiện và dự thảo những chương trình mục vụ sẽ thực hiện.

Hai mươi lăm năm sau, chúa nhật 09 tháng 12 năm 2007, Ðại Hội Mục Vụ thứ 49 đã được tổ chức. Như các đại hội mục vụ khác, Ðại Hội Mục Vụ 49 làm công việc xem lại và xem tới các chương trình mục vụ. Nhưng khác các đại hội mục vụ khác, Ðại Hội Mục Vụ 49 không chỉ xem lại công việc của sáu tháng qua, mà xem lại công việc mục vụ đã được thực hiện 25 năm trước. Ðại Hội Mục Vụ 49 muốn « ôn cố tri tân », muốn ÐẶC BIỆT KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP HỘI ÐỒNG MỤC VỤ.

Từ 13 giờ trưa, Ông Chủ Tịch Lê Ðình Thông, Ông Phó Chủ Tịch Bùi Trọng Khang, Ông Tổng thơ ký Trần Khắc Đạt, Bà Phó tổng thơ ký Trần Thị Kim Chi, Bà Uỷ viên Giáo lý Nguyễn Thị Mỹ Phước, Bà Ủy viên Phụng Vụ và thánh ca Huỳnh Thị Anh Thư, Ông Ủy viên Văn hoá Nguyễn Ðức Minh, Ông Ủy viên Thông tin liên lạc Nguyễn Anh Hải, Ông Ủy viên Xây dựng Nguyễn Văn Thơm,… và những nhân viên khác của Ban Thường Vụ đã tề tựu đông đủ để tiếp đón các đại biểu của các địa điểm mục vụ và các hội đoàn mục vụ về tham dự đại hội.

13 giờ 30, với một giọng nói chĩnh chạc, ông Tổng Thơ ký Trần Khắc Ðạt mời các đại biểu vào phòng họp để khởi đầu đại hội, xin Ðức Ông xướng « Kinh Chúa Thánh Thần », xin ông Phó Chủ Tịch Bùi Trọng Khang trích dọc một đoạn phúc âm và chia sẻ Lời Chúa.

XEM LẠI VIỆC THÀNH LẬP HỘI ÐỒNG MỤC VỤ VÀO NĂM 1983

Ðể giúp các đại biểu xem lại các sinh hoạt mục vụ, đặc biệt là những sinh hoạt đã được thực hiện cách đây 25 năm, Luật Sư Lê Ðình Thông trước hết đã vẽ lại bức tranh tám tháng chuẩn bị Ðại Hội đầu năm 1983, chụp lại tấm hình Ban Thường Vụ Tiên khởi và quay lại cuốn phim 25 năm của Hội Ðồng Mục Vụ, trong đó có kẻ đã đi rồi, có người còn ở lại. Ông nói :

Tám tháng trước Đại hội Mục vụ kỳ I (1ère Assemblée pastorale), Cộng đoàn đã tiến hành ba Hội nghị (Assises pastorales) chuẩn bị thành lập Hội đồng Mục vụ vào các chủ nhật 27-2-1983, 27-3-1983 và 10-4-1983. Trong Hội nghị khoáng đại vào chủ nhật 27-2-1983, Cha Giám đốc Mai Đức Vinh đã nhắc lại trong sắc lệnh Ecclesiae Sanctae công bố ngày 6-8-1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lập Hội đồng Mục vụ đồng thời quy định mục đích và nhiệm vụ của Hội đồng Mục vụ : ‘‘nghiên cứu và khảo sát tất cả mọi vấn đề liên hệ đến các công việc mục vụ rồi từ đó rút ra những kết luận thực tế, hoặc định những chương trình giúp cho đời sống và hoạt động của dân Chúa phù hợp với Phúc Âm’’. Cũng trong Hội nghị Mục vụ ngày 27-2-1983, Cha Tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách đã trình bầy về Tình hình mục vụ chung của cộng đoàn trong đó ngài đề cập đến 9 địa điểm mục vụ năm 1983 là Paris, Sarcelles, Villiers-le-Bel, Goussainville, Villiers-sur-Marne, Roissy-en-Brie, Sevran, Issy-les-Moulineaux, Créteil và Noisy-le-Grand. Bản Nội quy của Hội đồng Mục vụ đã được hình thành từng bước thông qua ba hội nghị chuẩn bị thành lập Hội đồng Mục vụ. Giáo Sư Trần Văn Cảnh là người có công soạn thảo Nội quy cùng với Cha Giám đốc Mai Đức Vinh cho biết : ‘‘Chúng tôi đã phải viết đi viết lại đến ba lần. Lần thứ nhất, xong vào ngày 27-02-1983, sau khi đã cân nhắc từng chữ, từng câu, từng khoản, và đã so sánh với các bản nội quy khác của các ban hành giáo ở Việt Nam. Đại hội ngày 27-03-1983 đã sửa một số điều. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau hai ngày để viết một bản mới, sửa theo những tiêu chuẩn của đại hội đã đề ra. Bản thứ hai này đã được đại hội ngày 10-04-1983. Qua một ngày đại hội rất sôi nổi, ngày 30-10-1983, một Ban Thường vụ tiên khởi đã được bầu ra. Yếu tố cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đã được hoàn tất. Từ đây, cụ thể mà nói, ta có thể bảo Hội đồng Mục vụ đã được thành lập.’’ Trong tài liệu Ba giai đoạn lịch sử của Hội đồng Mục vụ, Giáo sư Trần Văn Cảnh cho biết Đức Ông Giám đốc Mai Đức Vinh đã có công rất lớn trong việc thành lập Hội đồng Mục vụ. Ban Giám đốc lúc đó gồm 6 vị : Cha Mai Đức Vinh, Cha Hoàng Quang Lượng, Cha Đinh Đồng Thượng Sách, Sœur Têrêxa Huỳnh Thị Na, Sœur Sophie Nguyễn Thị Phú và Sœur Têrêxa Thân Thị Lim Liên. Cha Lượng ít nói nhưng tận tụy và tích cực trong việc làm. Ngài là cựu bề trên đầu tiên của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Làm việc cho Giáo xứ từ năm 1969, về hưu năm 1985, nhưng vẫn đến làm việc cho cộng đoàn cho đến ngày qua đời (15-5-1991). Sœur Huỳnh Thị Na, cựu bề trên tiên khởi Tỉnh Dòng Dòng Chúa Quan Phòng Việt Nam (Sœurs de la Providence), làm việc cho Giáo xứ từ năm 1975 cho đến ngày qua đời (11-12-1999). Sœur rất tích cực trong các công tác xã hội và cộng tác chặt chẽ với các Ban Thường vụ từ ngày cơ chế này được thành lập. Ngoài ra, quý Cha Giám đốc tiền nhiệm Trần Thanh Giản, Nguyễn Quang Toán, Trương Đình Hòe, Lương Tấn Hoàng đều đã tạo cơ sở tiến tới việc thành lập Hội đồng Mục vụ.

Ngày 30-10-1983, Đại hội Mục vụ lần I đã thông qua bản Nội Quy và bầu Ban Thường vụ, nhiệm kỳ I. Theo Bản tin Giáo Xứ Việt Nam, số 260 (13-11-1983), danh sách Ban Thường vụ nhiệm kỳ I gồm có :

Chủ tịch : Ông Phan Quang.

Phó Chủ tịch đặc trách Tôn giáo và Mục vụ : Ông Nguyễn Văn Hộ.

Phó Chủ tịch đặc trách Xã hội : Ông Trần Louis.

Phó Chủ tịch đặc trách Văn hóa và Tuổi trẻ : Ông Võ Phước Thiện.

Chánh Thơ ký : Ông Trần Văn Cảnh.

Phó Thơ ký : Bà Tạ Thanh Minh.

Chánh Thủ quỹ : Bà Nguyễn Đình Thái.

Phó Thủ quỹ : Ông Nguyễn Tiến Đạt.

Ngoài ra, Đại Hội cũng đã thỉnh mời các vị sau đây vào Ban Cố vấn của Hội đồng Mục vụ : Cha Trần Thanh Giản, Cha Nguyễn Quang Toán, Sư huynh Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phạm Văn Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bà Phạm Văn Nhi, Bà Chu Đức Tích, Ông Nguyễn Văn Đông, Ông Vũ Văn Nghi, Ông Thái Văn Hiệp.

Trong số những vị tham gia Đại hội Mục vụ lịch sử này, một số vị đã qua đời : Cha Nguyễn Quang Toán, Cha Hoàng Quang Lượng, Sœur Huỳnh Thị Na, Sư huynh Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phạm Văn Phán, Ông Bà Vũ Văn Nghi, Bà Nguyễn Ðình Thái, Ông Lê Bái, Ông Thân Văn Hân, Bà Girard, Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bà Nguyễn Tấn Hớn, Ông Nguyễn Văn Nghi. Xin Đại hội Mục vụ dành một phút tưởng niệm hương hồn những vị tiền nhiệm khả kinh đã qua đời.

Có ba vị tham gia Ban Thường Vụ nhiệm kỳ 1 ngày nay đều là cố vấn Hội đồng Mục vụ : Ông Nguyễn Văn Hộ, Giáo sư Trần Văn Cảnh và Giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh. Chúng tôi xin Đại hội vỗ tay bầy tỏ lòng biết ơn của cộng đoàn đối với quý vị cố vấn và quý liệt vị có công xây dựng định chế Hội đồng Mục vụ được luôn vững mạnh.

XEM TỚI HƯỚNG ÐI MỤC VỤ CHO NĂM 2008 : « Tình Liên Ðới Tin Mừng »

Sang phần phác thảo hướng đi mục vụ tương lai, Ðức Ông Mai Ðức Vinh cho biết :

Chúng ta đang sống trong năm mừng Ngọc Khánh của Giáo xứ và Ngân khánhcủa Hội Đồng mục Vụ. Theo truyền thống Thánh kinh và tinh thần của Giáo Hội, lễ kỷ niệm 25, 50 hay 60 năm đều là lễ ‘Cảm Tạ Hồng Ân’. Theo sự suy nghĩ của các bậc Thánh Hiền Á Châu, 50 hay 60 năm là năm tuổi của người thông quán mệnh Trời (Lục thập tri thiên mệnh), và theo quan niệm dân gian, 50 năm, 60 năm là tuổi nhiều kinh nghiệm, là tuổi đáng kính trọng, là ‘tuổi đắt như vàng, quý như ngọc’…Vì thế, ước chi Đại Hội Mục Vụ hôm nay là đại của niềm vui, của tâm tình cảm tạ và của nhiều hy vọng nhìn về phía trước. Và đó là tâm ước tôi xin gửi đến quý vị lời chào thân ái trong niềm vui và hy vọng cho năm mục vụ sắp tới.

Thưa Đại Hội, hướng đi mục vụ của Giáo Xứ chúng ta trong năm tới là thể hiện «Tình Liên Đới Tin Mừng» qua những việc làm cụ thể sau đây :

1. Tuần lễ Các Bệnh Nhân từ 04-11.02. 2008 (lễ Đức Mẹ Lộ Đức, ngày Giáo Hội cầu nguyện riêng cho các bệnh nhân). Đề nghị ba việc chúng ta sẽ làm là cầu nguyện, thăm viếng bệnh nhân, và gửi tới mỗi bệnh nhân một lá thư.

2. Tuần lễ Bác Ái, từ 21-29. 06.08 (Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) : Đề nghị ba việc sẽ làm là cầu nguyện riêng cho người nghèo, quyên tiền cho người nghèo (giao về cho văn phòng xã hội của Giáo xứ, hay góp phần với Ủy Ban Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, hay tổ chức Emmaus…), ra một số báo đạc biệt về các tổ chức bác ái của Giáo Hội hay về mục vụ xã hội của giáo xứ.

3. Tuần lễ Truyền Giáo từ 13-19.10. 08 (Khánh nhật Truyền Giáo), đề nghị ba việc làm ‘cầu nguyện, bó hoa thiêng cho việc Truyền Giáo, quyên tiền cho truyền giáo (gửi về cho Ủy Ban Tuyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hay cho Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo), ra số báo về Truyền Giáo.

4. Hội Tobia chính thức ra mắt vào chúa nhật ‘lễ các Đẳng, 02.11. 08. Hôm nay Đại Hội sẽ thảo luận những điểm chính yếu được đề nghị (tờ giấy gửi đến mỗi vi) và chúng ta dành một năm để ‘cho giai đoạn đầu’, dịp Đại hội tháng 6.08 chúng ta góp ý bổ túc…

5. Tăng cường tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp : Mục đích gây tinh thần hiệp nhất và huynh đệ cách thực tế và hữu hiệu trong nghề sống, đồng thời phát triển và đào tạo nhân sự trong cộng đoàn… (chúng tôi đã gửi 167 lá thư đi đén các bạn trẻ và đang chờ đợi thư hồi âm).

THẢO LUẬN CỦA ÐẠI HỘI

Sau khi đã nghe Ðức Ông Giám Ðốc và Luật Sư Chủ Tịch trình bày, các đại biểu đã tích cực thảo luận về sự tiếp nối giữa quá khứ cách đây 25 năm với hiện tại hôm nay và tương lai ngày mai.

Ðề tài thứ nhất đã được nhiều người góp ý liên hệ đến công việc mục vụ xã hội.

Sinh hoạt mục vụ của giáo xứ rất đa dạng, nhưng qui tụ vào ba nhóm chính : 1- Tôn giáo, Thiêng liêng, Phụng vụ,.. 2- Văn hoá, giáo dục, đào tạo,..3- Xã hội, bác ái, từ thiện, gia đình, liên đới,..

Chương trình mục vụ cho năm 2008 đặc biệt chú trọng đến lãnh vực thứ ba với bốn hành động có tính cách bác ái và liên đới : tuần lễ các bệnh nhân vào tháng hai, tuần lễ bác ái vào tháng sáu, hội Tobia vào tháng 11, liên đới nghề nghiệp cho cả năm.

Ngay từ lúc khởi đầu, vào những năm 40 và kéo dài đến những năm 70, giáo xứ đặc biệt chú trọng đến sinh hoạt xã hội : rất nhiều hoạt động đã được thực hiện để “giúp đỡ những đồng bào thiếu thốn ở Việt Nam” và để tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trong những ngày viễn xứ cầu học ở Pháp.

Từ năm 1975 cho tới 1997, phát triển mạnh chương trình mục vụ xã hội “Tiếp đón người tỵ nạn việt nam và á châu”, giáo xứ tấp nập với những sinh hoạt hằng ngày rất bận rộn xoay quanh những công việc như : tiếp đón, tiếp tế nhu yếu phẩm thức ăn, quần áo và thuốc men, chi dẫn thủ tục hành chánh và lo giùm các giấy tờ, giúp tìm nhà ở và công ăn việc làm, tổ chức những nhóm xã hội, thanh niên thiện chí đi thăm viếng kiều bào trong các trại tiếp cư, đưa đón đi thăm Paris, đưa đón đến Giáo xứ tham dự các lễ nghi, phát quà cho các em trong những dịp Giáng sinh, tết nhất, gởi đi nghỉ hè với các gia đình pháp, tổ chức trại hè chung cho kiều bào mới đến, tổ chức các lớp học tiếng pháp và văn minh văn hoá pháp, giúp kiếm người pháp đỡ đầu,...

Vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, từ năm 2000, các sinh hoạt xã hội dường như đang rục rịch đổi hướng. Cuộc sống của người việt nam tại Việt Nam và tại các nước Âu Mỹ tương đối ổn định và phát triển hơn, các hoạt động bác ái tại giáo xứ xem ra thưa thớt hơn. Các hoạt động xã hội có chiều giảm bớt về cứu trợ, mà hướng về tiên phòng mang tính chất đào tạo văn hoá và thăng tiến gia đình. Hướng mới thứ hai là các các hoạt động xã hội nói chung và cứu trợ nói riêng không chỉ hướng vào người việt nam mà mở ra với hết mọi người có những nguồn gốc khác. Hướng mới thứ ba là các hoạt động xã hội và cứu trợ đã được nhiều giáo dân của giáo xứ thực hiện ngoài giáo xứ, trong các hội đoàn từ thiện dân sự, do chính họ lập ra cùng với những người khác, không phải công giáo và không phải việt nam.

Hôm nay chương trình của giáo xứ muốn trở lại với những hoạt động xã hội bác ái. Ðó là điều đáng mừng. Nhưng ba hướng xã hội mới mở ra từ năm 2000 vẫn cần phải được phát triển và nâng đỡ.

Ðề tài thứ hai về việc lập HỘI TOBIA càng làm nhiều người nhộn nhịp tham gia hơn.

Mở đầu là phần trình bày dự án của ông Phó Chủ Tịch Bùi Trọng Khang. Ông trình bày năm điểm của dự án TOBIA :

1. Thánh Kinh : Biết giờ ra đi của mình đã gần đến, ông Tobít liền gọi con trai của ông là Tobia lại gần và dặn dò như một lời trối sau cùng : «Này Tobia yêu dấu, con hãy chôn cất cha cho tử tế. Con hãy luôn thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng : mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, ngay khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ» (Tb 4,3-4).

2. Hình thức đã có: Từ lâu trong Giáo Xứ chúng ta đã có nhiều hình thức ‘hội Tobia’ : Nhóm Paris với sự điều động của thầy Nha, theo hướng ‘mục vu an táng của Giáo Phận Paris’ - Tại mỗi địa điểm mục vụ : Cergy-Pontoise, Ermont, Marne la Vallée, Sarcelles, Villiers le Bel. Còn có Thân Hữu Taxi.

3. Những việc quen làm : Báo tin cho nhau - Đến chia buồn với tang quyến - Họp nhau đọc kinh tại tang quyến hay tại nhà quàn – Đi dụ lễ an táng – Mua vòng hoa – Xin lễ cho người quá cố - Chia sẻ phí tổn với tang quyến.

4. Cần cơ cấu hóa và chínhthức hóa : Tổ chức Hội Tobia hôm nay không phải là ‘thể hiện một sáng kiến mục vụ mới mẻ’, mà chỉ là : 1) Thể hiện trong Giáo Xứ chúng ta một sinh hoạt mục vụ mà giáo phận Paris và nhiều giáo phận khác đã khuyến khích các giáo xứ làm (đọc các tài liệu). 2) Đáp ứng nhu cầu mục vụ hiện nay của Giáo Xứ, đánh dấu ‘tuần lễ Bác Ái’, mở rộng ‘tinh thần Liên Đới’ và ‘sinh hoạt Xã Hội’. 2) Co cấu hóa những ‘hình thức Tobia’ hiện nay bằng một ‘nội quy đơn giản’.

5. Nội quy đề nghị :

5.1. Danh xưng : Hội Tobia

5.2. Mục đích : Gây tạo tình huynh đệ và liên đới trong cộng đoàn theo tinh thần hiếu thảo của Thánh kinh và của văn hóa Việt Nam.

5.3. Cơ cấu : Hội gồm nhiều chi hội và được phối hợp điều hành bởi một linh mục trong Ban Giám Ðốc. Mỗi địa điểm mục vụ là một ‘Chi hội Tobia’, và người đứng đầu là người Đại Diện (hay một thành viên của Ban Đại Diện). Riêng ở Paris có hai ‘Chi hội Tobia’ và đứng đầu là một Thầy Phó Tế.

5.4. Việc làm : Gia quyến liên hệ với ‘Chi trưởng’ để thông báo, - tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức đọc kinh hoặc ở gia đình hay ở nhà quàn hay tại nhà nguyện và một, hai hay ba buổi cũng tùy hoàn cảnh. - Ai có thể, xin đi dự lễ an táng. - Cha Tuyên Úu Ðịa Ðiểm Mục Vụ Cộng Đoàn sẽ dâng 1 thánh lễ cầu nguyện cho ngưới mới qua đời trong thánh lễ cộng đoàn gần nhất. - Ðịa Ðiểm Mục Vụ sẽ xin cho người quá cố 2 thánh lễ. – Tháng 11 hàng năm, cha Tuyên Úy sẽ dâng 1 thánh lễ cầu cho những người đã qua đời trong năm của toàn cộng đoàn.

5.5. Tài chánh : Tạm thời có thể xử dụng quĩ cộng đoàn.

5.6. Thành lập : Ngày thành lập và áp dụng nội qui này sẽ do Ban Ðiều Hành quyết định.

5.7. Dự kiến tương lai : Ban Ðiều Hành sẽ quyết định các hoạt động thêm ợ tương lai.

Rát nhiều ý kiến đã được đưa ra liên hệ đến tên gọi, đến quyền lợi và bổn phận, đến công việc nặng nề của những người trách nhiệm và đến những chuẩn bị phải thực hiện. Một lịch làm việc cuối cùng đã được đưa ra, gồm ba giai đoạn : 1- thảo luận của mỗi địa điểm mục vụ từ nay đến tháng tư 2008; 2- Ðúc kết của Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ vào Ðại Hội Mục Vụ tháng sàu 2008; 3- Bản văn cuối cùng phổ biến vào ngày thành lập, lễ các linh hồn, ngày 02.11.2008.

Kết thúc đại hội, Luật Sư Lê Ðình Thông tóm kết những bá cáo và thảo luận trong đại hội, toàn thể các tham dự viên hát « Kinh Hoà Bình » và Ðức Ông Giám Ðốc ban phép lành. Ðại Hội chấm dứt vào lúc 16 giờ 30.