Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một năm, người Pháp có 11 ngày quốc lễ, trong đó có ngày 15 tháng Tám, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc rước kiệu rất cảm động ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Notre Dame de Paris, đúng 4 tháng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi 2 phần 3 mái nhà thờ.

Các tín hữu đã rước một tượng Đức Mẹ được những người lính cứu hỏa anh dũng cứu khỏi trận hỏa hoạn hôm 15 tháng Tư. Vừa đi, họ vừa ca hát và lần hạt Mân Côi.

Hôm thứ Ba, tòa đô chính Paris đã phong tỏa các con đường chung quanh nhà thờ chính tòa Paris với lý do cần phải giải quyết mức độ nhiễm độc chì sau trận hỏa hoạn. Công việc này phải mất gần 3 tháng mới có thể hoàn tất được.

Động thái này khiến nhiều người âu lo là cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời phải bị hủy bỏ. Tuy nhiên, may mắn là hàng ngàn các tín hữu vẫn có thể tập trung trên cầu Saint Luis gần nhà thờ đang được trùng tu. Họ đi dọc theo bờ kè gần đó về phía Nhà thờ Saint Sulpice ở tả ngạn sông Seine. Cuộc rước, bắt đầu lúc 9g20 sáng, đã do Đức Tổng Giám Mục Paris Michel Aupetitdẫn đầu.

Nói chuyện với France 24, Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói:

“Cuộc rước này diễn ra hàng năm. Mọi người đến để nương tựa vào trái tim của Đức Maria, trái tim của một người mẹ. Rõ ràng ngày hôm nay là một ngày với các cảm xúc thật đặc biệt.”

“Vâng, nhà thờ chính tòa vẫn sống động và tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những gì đã xảy ra với ngôi nhà thờ này. Khi ta đến bên giường của một người bị thương, thì chính là vì người ấy vẫn còn sống,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Các tín hữu đi trong đám rước đã mang theo một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria được vua Charles thứ 10 của Pháp tặng cho nhà thờ vào năm 1830.

“Tất cả mọi người đang chú ý chăm sóc cho nhà thờ chính tòa. Đến đâu, tôi cũng thấy có một cảm xúc tuyệt vời dành cho Đức Mẹ và ngôi nhà thờ dâng kính Mẹ của chúng ta.”

Trong những năm trước cuộc rước kiệu thường đang bắt đầu ở tiền sảnh của nhà thờ Đức Bà, nhưng toàn bộ khu vực và một số đường phố gần đó đã được rào lại dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của những công nhân trong đội khử độc chì.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã nhắc lại lời khấn của Vua Louis XIII khi thánh hiến nước Pháp vào ngày 10 tháng 2 năm 1638 cho Đức Maria. Ngài cũng đề cập đến nội dung thư Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các tín hữu Công Giáo Paris, trong đó Đức Thánh Cha bày tỏ “sự gần gũi về tinh thần” với họ. “Giống như một người mẹ thực sự, Đức Maria đồng hành cùng chúng ta, chiến đấu cùng chúng ta và lan truyền không mệt mỏi cho chúng ta sự gần gũi của tình yêu Chúa.” Đức Thánh Cha hy vọng các tín hữu Paris sẽ trở thành “những người xây dựng một nhân loại mới bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô”. Ngài cũng xin Đức Mẹ cầu bầu để việc tái thiết viên ngọc kiến trúc của thành phố này là một dấu chỉ mạnh mẽ cho sự tái sinh và hồi sinh đức tin nơi các tín hữu Pháp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra chung quanh nhà thờ chính tòa thành phố Strasbourg ở miền Đông nước Pháp gần biên giới với Đức trong khu vực lịch sử Alsace.

Thành phố Strasbourg cũng là nơi có trụ sở của Nghị Viện Âu Châu. Tất cả các cơ quan của Liên Hiệp Âu Châu đều đóng ở một trong ba thành phố là Brussels, Luxembourg và Strasbourg.

Tổng giáo phận Strasbourg là một trong 9 tổng giáo phận đặc biệt của Pháp không có giáo phận phối thuộc, và là tổng giáo phận duy nhất tại Pháp trực thuộc Tòa Thánh. Sử sách nhắc đến tổng giáo phận này rất sớm, ít nhất là từ năm 343 đã có tổng giáo phận này.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, trong tổng số 1,843,000 dân trong vùng, 1,380,000 dân là người Công Giáo chiếm tỷ lệ 74.9% sinh hoạt trong 767 giáo xứ, được chăm sóc bởi 722 linh mục, 80 phó tế, 1,050 nữ tu, 282 nam tu sĩ không có chức linh mục.


Source:Crux