ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO

CỦA CHA ALEXANDRE DE RHODES TẠI ĐÀNG NGOÀI

Từ 1627 – 1630


  Kim Ân

 

Chúng ta không có những sử liệu chắc chắn về những nhà truyền giáo đầu tiên trên đất Việt. Các nhà sử học chỉ có thể đưa ra những ước đoán dựa vào một số chi tiết rời rạc trong các tài liệu lịch sử. Tuy Nhiên, dựa vào chính sử triều Nguyễn, ta biết được vào triều vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa nguyên niên (1533), có thừa sai I-ni-khu tới giảng đạo Gia-tô ở Ninh Cường, Trà Lũ và Quần Anh (1). Đó có lẽ là mốc sớm nhất được ghi vào sử sách đánh dấu việc Tin Mừng được gieo trên đất Việt.

Kể từ đó, các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch và dòng tu khác nhau với thời gian giảng đạo dài ngắn khác nhau đã nhiều lần ghé vào đất Việt. Tuy nhiên những chuyến truyền giáo này không mang lại nhiều kết quả. Chỉ từ khi các thừa sai dòng Tên đặt chân tới đất Việt (1615) công việc truyền giáo mới thực sự trở nên khởi sắc (2). Do đâu các cha dòng Tên lại thu được nhiều kết quả tốt đẹp như thế? Bài viết này không dám có tham vọng đưa ra một nghiên cứu toàn diện và chi tiết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Việt Nam, song chỉ tìm hiểu một số nét riêng trong công cuộc truyền giáo của cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) tại Đàng Ngòai từ 1627 - 1630 để từ đó rút ra những bài học cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong hiện tại.

Gia đình cha Đắc Lộ vốn thuộc dòng dõi trung lưu xứ Aragon, Tây Ban Nha, di cư sang Avignon, lúc bấy giờ thuộc quyền Toà Thánh Roma, từ đầu thế kỷ XV. Cha sinh năm 1593, vào dòng Tên lúc 18 tuổi. Năm 1618 ngài lãnh tác vụ linh mục. Cũng năm đó, cha khởi hành từ Roma tới Lisbon (1819) rồi sang ấn Độ, Trung Hoa để chuẩn bị cho sứ mạng truyền giáo ở Nhật Bản. Thế nhưng vì lúc đó nước Nhật cấm đạo gắt gao, cha được cử tới Đàng Trong truyền giáo (3). Khởi hành từ Macao tháng 10 năm 1624, sau mười chín ngày lênh đênh trên biển, cha tới Đàng Trong và sau một thời gian ngắn đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt. Năm 1626, khi ghé qua Đàng Ngoài, cha Baldinotti đã nhận thấy nơi đây là một mảnh đất mầu mỡ cho hạt giống Tin Mừng. Vì không thể nói tiếng Việt, cha Baldinotti đành để lỡ cơ hội nên cha đã xin với Bề Trên dòng Tên cử người thông thạo ngôn ngữ tới Đàng Ngoài giảng đạo. Thế là cha Buzomi cử cha Đắc Lộ, lúc đó đang ở Đàng Trong, về Macao để chuẩn bị tới Đàng Ngoài (4). Rời Macao ngày 12-3-1627, ngày lễ thánh Giuse năm đó, hai cha dòng Tên là Đắc Lộ và Pedro Marquez cập bến cửa Bạng và bắt đầu đưa về cho Chúa rất nhiều linh hồn (5).

Sáng kiến đầu tiên khiến cha Đắc Lộ thành công trong công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài là việc khéo léo vận dụng các hiểu biết khoa học để thuyết phục người nghe. Trong những lần đầu tiên tiếp xúc với chúa Trịnh, năm 1627, những hiểu biết về thiên văn, toán học cũng như các khoa học khác, cùng với việc sử dụng thành thạo các máy móc kỹ thuật của cha đã khiến chúa Trịnh rất kính nể, đồng thời gây được cảm tình nơi giới quan lại, thậm chí có người đã xin chịu phép rửa (6). Lần khác, khi bị chúa Trịnh trục xuất khỏi Đàng Ngoài, phải lén lút giảng đạo ở Nghệ An, cha đã chiếm được cảm tình đặc biệt của quan trấn thủ khi báo trước ngày giờ cũng như cách thức diễn ra nhật thực. Nhờ sự kiện này, chính quan trấn thủ đã bênh vực cha trước những lời lẽ vu khống: “Nếu họ tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết và vượt quá khả năng của chúng ta, thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết đạo Chúa trời đất và những chân lý họ rao giảng, mặc dù những chân lý ấy rất xa lạ với tâm trí chúng ta và không dễ cho ta am hiểu”(7). Thành quả của việc này là trong vòng tám tháng, các cha rửa tội được hơn sáu trăm người (8).

Nét đặc sắc thứ hai khiến cha Đắc Lộ gặt hái được nhiều thành công là do cha đã biết vận dụng tối đa hiệu quả của việc dùng ngôn ngữ địa phương. Khi tới Đàng Trong năm 1624, cha hết sức chuyên cần học ngôn ngữ. Lý do của nỗ lực này được chính cha nêu lên: “Tôi thấy cha Fernandez và cha Buzomi dùng thông ngôn để giảng, chỉ có cha Franỗois de Pina không cần thông ngôn vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài ngài giảng có ích nhiều hơn bài các vị khác. Điều này khiến tôi tận tụy học hỏi, tuy vất vả, thế nhưng khó ít mà lợi nhiều” (9). Cha còn nhận thấy bất lợi của việc chưa thật thông thạo ngôn ngữ: “Vì chưa biết các dấu khác nhau này nên có thể xảy ra ngộ nhận ý nghĩa, muốn nói sự thánh thiện lại hóa ra nói sự tục tằn; cho nên những người rao giảng lời Thiên Chúa phải rất cẩn thận để không làm cho lời Thiên Chúa thành ngộ nghĩnh đáng khinh bỉ trước mặt lương dân” (10). Cha còn xác quyết: “Tôi cả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn: thông ngôn chỉ nói điều mình dịch chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng nhà truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí” (11). Do vậy, cha đã cố gắng hết sức học tiếng Việt. Chỉ bốn tháng sau khi tới Đàng Trong, cha đã có thể giải tội, sau sáu tháng, cha đã có thể giảng bằng tiếng Việt (12). Cha còn biên soạn một cuốn giáo lý, vừa giúp giáo dân và các tông đồ giáo dân am hiểu và trình bày đạo cho người khác, vừa giúp các thừa sai chưa thông thạo tiếng Việt có thể giảng đạo bằng thứ tiếng này (13). Có thể nói cha Đắc Lộ đã tận dụng và sử dụng rất hiệu quả việc dùng ngôn ngữ địa phương để giảng đạo. Vì thế, chỉ trong vòng ba năm ở Đàng Ngòai, cùng với cha Pedro Marquez, cha đã đem về cho Chúa trên năm ngàn người (14).

Bên cạnh hiểu biết về khoa học và khả năng vận dụng ngôn ngữ, cha Đắc Lộ còn là người rất nhạy bén trước nhu cầu của người nghe. Khi cập bến cửa Bạng ngày 19-3-1627, dân chúng hiếu kỳ kéo đến rất đông để xem hàng hoá, cha liền mở hàng hoá cho họ xem và nói cho họ biết cha còn có thứ hàng hoá quý hơn và rẻ hơn mọi thứ hàng hoá, đó là đạo thật, đường thật ban hạnh phúc. Cha sẵn sàng biếu không nếu ai muốn. Sau đó cha giảng vắn tắt về đạo Chúa. Kết quả của bài giảng này là hai người xin theo đạo (15). Ngoài ra, cha cũng rất uyển chuyển khi trình bày về đạo Chúa. Trước đối tượng là lương dân người Việt vốn có ý niệm sẵn về hồn, về ông trời, cha đã không theo các lược đồ giáo lý thông thường, song bắt đầu bằng những vấn đề dễ hiểu với người nghe, đi từ những điều có thể hiểu theo ánh sáng tự nhiên đến những mầu nhiệm trong đạo: linh hồn bất tử, sự sống đời sau, bản tính Thiên Chúa, việc Thiên Chúa quan phòng, để rồi đi đến những vấn đề khó hiểu hơn. Kinh nghiệm của cha cho thấy cách giảng như thế rất có hiệu quả (16).

Nét đặc sắc thứ tư là cũng giống như các thừa sai dòng Tên khác, cha rất quan tâm đến các phong tục tập quán địa phương và đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của người Việt lúc đó trong ba ngày Tết đã được thay bằng ba ngày dâng kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Tục dựng cây nêu cũng được thay thế bằng việc dựng cây thánh giá. Cha cũng đã khéo léo làm cho các lễ nghi Công giáo mang mầu sắc riêng phù hợp với tâm tình của người Việt. Nhiều sáng kiến của cha trong lĩnh vực này tỏ ra có hiệu quả rất lớn và còn được người Công giáo Việt Nam lưu giữ cho tới ngày nay như làm phép nến vào dịp lễ Nến, dùng lá dừa thay lá ô liu vào dịp lễ Lá, ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa Giêsu vào Mùa Chay (17)... Ngoài ra, cha còn khuyến khích giáo dân sáng tác và phổ biến thơ văn về đạo. Những tác phẩm này đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu Chúa cho người khác (18).

Cuối cùng, phải kể tới việc cha Đắc Lộ ổn định tổ chức Hội Thầy Giảng. Rút kinh nghiệm từ việc truyền giáo ở Nhật Bản, khi tới đất Việt, các cha dòng Tên đã tổ chức và sử dụng tông đồ giáo dân. Trong thời gian hoạt động ở Đàng Trong, cha Buzomi đã lập tổ chức Thầy Giảng. Tuy nhiên, phải đợi tới khi cha Đắc Lộ truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630), Hội Thầy Giảng mới được kiện toàn với nội quy, đào tạo và lời khấn công khai. Nhờ tổ chức này, những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Đàng Ngoài không những giữ vững được đức tin mà còn phát triển khi vì vua quan cấm cách, các thừa sai không còn có thể thăm viếng hay thậm chí phải rời xa họ (19).

Công việc của cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài đang tiến triển tốt dẹp thì thử thách ập tới. Nghe dèm pha, vu khống, chúa Trịnh bắt đầu rời xa các cha. Tháng 5-1630, cha Đắc Lộ đau đớn rời khỏi Đàng Ngoài để rồi không bao giờ trở lại (20).

Những thành công của cha Đắc Lộ trong công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngòai từ 1627-1630 dĩ nhiên là do nhiều nguyên nhân như hoạt động của Chúa Thánh Thần, do công hy sinh cộng tác và lời cầu nguyện của nhiều người, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể phủ nhận công lao to lớn của ngài đối với việc đưa Tin Mừng đến Đàng Ngoài. Từ việc tìm hiểu những sáng kiến của cha, ta có thể rút ra những bài học hữu ích cho hiện tại.

Tấm gương của cha Đắc Lộ cho ta thấy việc am hiểu các khoa học đương thời là một lợi thế không nhỏ đối với nhà truyền giáo. Dĩ nhiên, ở thời đại hôm nay, thời đại chuyên môn hóa cao độ, ta khó có hy vọng thông thạo cùng một lúc nhiều môn khoa học. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, cũng cần phải có một số hiểu biết tương xứng với nền tri thức thời đại, nhờ đó, ta có thể giới thiệu về Chúa cho người khác một cách dễ dàng hơn. Khi nói với giới truyền thông vào tháng 5-2001, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời Chúa Giêsu “hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 27) để khuyên các Kitô hữu, đặc biệt là những người họat động trong lãnh vực truyền thông, phải biết dùng các phương tiện truyền thông hiện đại để rao giảng lời Chúa, bởi vì ngày nay nhìn lên các mái nhà, ta thấy bao dấu hiệu của các phương tiện đó (21). Lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha và tấm gương cha Đắc Lộ mời gọi ta quan tâm nhiều hơn tới việc dùng các phương tiện hiện đại để rao giảng lời Chúa.

Thành công của cha Đắc Lộ do việc am hiểu ngôn ngữ địa phương cũng khiến ta phải suy nghĩ lại về việc sử dụng ngôn ngữ trong Giáo Hội. Không biết từ bao giờ trong nội bộ người Công giáo Việt Nam hình thành một thứ ngôn ngữ đôi khi khá xa lạ với người ngoài Công giáo. Các mục tử dùng thứ ngôn ngữ như thế thì khó có cơ may chinh phục người khác về cho Chúa. Cha Đắc Lộ đã trở thành người Việt với người Việt (x. 1 Cr 9, 19-23), còn chính người Việt lại muốn trở nên xa lạ với người Việt! Tấm gương cha Đắc Lộ nhắc nhở ta phải biết không ngừng trau dồi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để lời Chúa có thể qua môi miệng ta đến với người khác bằng thứ ngôn ngữ của thời đại, thích hợp với người thời đại.

Sự nhạy bén của cha Đắc Lộ trước tâm lý người nghe cũng là một bài học bổ ích cho chúng ta hôm nay. Lời Chúa là sự thật trường cửu nên luôn thích hợp với con người mọi nơi mọi thời. Người rao giảng lời Chúa cần nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ, sở thích của người nghe để có thể trình bày lời Chúa cách sống động, dễ đi vào lòng người chứ không phải là những lời nói hay con chữ cứng nhắc, thiếu sinh khí.

Những thích nghi về mặt phụng vụ, nghi thức của cha Đắc Lộ cũng là một bài học lớn cho ta. Ngày nay trong Giáo Hội nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, vấn đề hội nhập văn hóa đang là vấn đề thời sự và cấp bách. Thế nhưng, thiết nghĩ hội nhập văn hóa không phải và không bao giờ là bắt chước. Xin đơn cử một thí dụ: Trong các nhà thờ ở Việt Nam hiện nay, việc dùng hương đang bắt đầu phổ biến. Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, số thẻ hương, cách châm hương, cách cầm hương, số lần xá. .. đều hàm chứa một ý nghĩa nào đó, chứ không chỉ đơn thuần là việc đốt cháy cả nắm hương rồi thổi phù cho tắt lửa, sau đó cúi đầu quấy quá vài cái cho xong (22). Đàng khác, đỉnh hương dùng để đốt hương hoặc trầm chứ không phải dùng để cắm chỏng chơ vài que hương như rất nhiều nhà thờ hiện nay đang dùng. Đáng lẽ trước khi sử dụng, ta phải nghiên cứu tương đối tường tận nghi thức, cử chỉ mà ta định đưa vào lễ nghi Công giáo. Chỉ làm điều mình thấy người khác làm mà không hiểu thấu đáo ý nghĩa thì chỉ là bắt chước không hơn không kém.

Sau cùng, vai trò to lớn của Hội Thầy Giảng trong lịch sử Giáo Hội miền Bắc suốt mấy trăm năm là một bài học lớn cho việc tổ chức các hội đoàn, các cộng đoàn dòng tu trong Giáo Hội Việt Nam ngày nay. Một hội đoàn chỉ có thể tồn tại và hoạt động có hiệu quả khi có một cơ cấu ổn định và thực sự phù hợp với nhu cầu của thời đại. Ngày nay, có nhiều người trong Giáo Hội Việt Nam muốn tái lập lại Hội Thầy Giảng ở miền Bắc, nhưng có lẽ Hội Thầy Giảng đã hòan thành sứ mạng của mình đối với Giáo Hội và lịch sử. Dường như Giáo Hội Việt Nam hôm nay đang cần các hội đoàn, các dòng tu có cơ cấu tổ chức và đường hướng hoạt động mới phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.

Tóm lại, những di sản mà cha Đắc Lộ để lại cho Giáo Hội Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam là vô cùng lớn lao, đáng cho mọi người để tâm nghiên cứu. Trong Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam, việc tìm hiểu và học hỏi những sáng kiến truyền giáo của ngài là cần thiết để có được những đường hướng sáng suốt và chính xác trong hiện tại. Thiết tưởng đó là một trong những lợi ích mà lịch sử có thể cống hiến cho mọi người, đặc biệt cho những ai quan tâm đến sự phát triển của Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay.

Hà Nội, 15-01-2004

                                                                                      Kim Ân

Chú thích:

1. X. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, tờ 6b. Gia-tô là cách phiên âm chữ theo Hán tên Chúa Giêsu: 耶穌.

2. X. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Veritas Edition, Calgary - Canada 2002, quyển I, tr. 86-94.

3. X. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 7-47.

4. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 60-62; L.m. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, NXB Hiện tại 1959, tr. 97-98; x. Bùi Đức Sinh, sđd, tr. 122-123.

5. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 69; Bùi Đức Sinh, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, quyển II, Veritas Edition, Calgary - Canada 1999, tr. 363; L.m. Nguyễn Hồng, sđd, tr. 96.

6. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 70-71; Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 98-99.

7. Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr.153.

8. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr.153.

9. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 55.

10. Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 71.

11. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 56.

12. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 55-56.

13. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 56, 73.

14. X. Hai lá thư của giáo dân Đàng Ngoài gửi Đức Urbano VIII năm 1630 lưu trữ trong Thư viện Bộ Truyền Giáo Roma ở mục Cocincia Relationes 1622-1627, ký hiệu Soc. Jesu. Roma - Jap. Sin. 68 và gửi cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên năm 1630 lưu trữ trong thư viện dòng Tên Roma ở mục Espistola Christia noz Tunquinensiu do Admodum in X: Pnro - P. Matino Vitellesco Praepos, ký hiệu : Gnali soc. IESV, đều cho biết người theo đạo trong nước lúc đó là trên năm ngàn người (ngũ thiên dư nhân). Còn theo Bùi Đức Sinh trong cuốn Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Veritas Edition, Calgary - Canada 2002, quyển I, tr. 151, thì con số người theo đạo ở Đàng Ngoài khi cha Đắc Lộ buộc phải ra đi là hơn bảy ngàn người. Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng hầu như chỉ có mình cha Đắc Lộ lo việc giảng đạo trong thời gian này vì chính ngài cho biết trong cuốn Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 78: “Bởi vì chỉ có một mình tôi là linh mục có thể giảng được, còn cha cộng sự với tôi lại không hiểu ngôn ngữ. ..”.

15. X. Alexandre de Rhodes, sđd, tr. 69; x. Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 82.

16. X. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 73; x. Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 113-115; x. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo Sĩ Đắc Lộ Alexandre de Rhodes (1593-1660), 2001, tr.15-24.

17. X. Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr.130-131; x. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo Sĩ Đắc Lộ Alexandre de Rhodes (1593-1660), 2001, tr. 24-28.

18. X. L.m. Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, NXB Hiện tại 1959, tr. 118.

19. X. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 78-79; x. Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 164-165.

20. X. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, bản dịch của Hồng Nhuệ: Hành Trình và Truyền Giáo, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 79-85; x. Histoire du Royaume de Tunquin, bản dịch của Hồng Nhuệ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tủ sách đại kết, TP. Hồ Chí Minh 1994, tr. 135-166.

21. X. “Internet: Thách đố và cơ hội”, VietCatholic News(02/06/2001).

22. X. Bách khoa tri thức phổ thông, NXB Văn hóa thông tin, in lần thứ ba, 2001, tr. 1218-1219.

Kim Ân

www.dunglac.net - mạng lưới văn hóa Công giáo