Dịp 30 Năm Ngàn Ngàn Dặm Ra Đi:

Công Chúa Huyền Trân, Hoàng Hậu Paramecvari

Nguyễn Ngọc Danh

(tiếp theo)

Để tìm hiểu xem Trần Khắc Chung có phải là người tình của Huyền Trân công chúa trước khi đi lấy chồng hay không? Hoăc việc thông dâm trên đường về Đại Việt theo như chính sử và những chuyên bên lề lịch sử thực hư thế nào. Chúng ta phải có trách nhiệm lần mò vào lịch sử để tìm hiểu thực hư của một số dữ kiện, cũng như xem tuổi tác của công chúa Huyền Trân có xứng đôi vừa lứa với Trần Khắc Chung để trở thành một cặp tình nhân hay không?. Chính những câu trả lời có mức độ khả tín cao và xác đáng cho những nan đề trên thì chúng ta mới vén lên được bức màn tăm tối đã che khuất từ bao nhiêu thế hệ.

Theo tinh thần và phong tục tập quán Việt Nam, nhất là vào các thời đại phong kiến xa xưa, một người con gái khi đi lấy chồng phải theo sự quyết định và xếp đặt của cha mẹ và thường là cô con gái ấy không quá 20 tuổi, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu không muốn nói tới hủ tục tảo hôn thời xa xưa là gả con rất sớm khoảng 12 tới 14 tuổi. Như vậy việc triều Trần từ chối lời câu hôn của Chế Mân cũng có thể lúc ấy Huyền Trân còn quá trẻ, khỏang 12 hoặc 14 tuổi, nên phải đợi cho tới năm 1306 khi nàng tới tuổi lý tưởng lập gia đình. Có thể vì điều này mà Chế Mân hiểu lầm triều Trần hoàn toàn không muốn gả Huyền Trân cho mình nên mới đem dâng thêm hai châu Ô và Lý làm sính lễ. Như vậy khi Huyền Trân về Chiêm Thành vào năm 1306 Nàng đang vào lứa tuổi trăng tròn 16 hoặc 18 tuổi. Lấy 1306 trừ đi 16 tuổi (1306- 16 = 1290 ) tức Huyền Tran sinh năm 1290. Hoặc lấy năm 1306 trừ đi 18 tuổi (1306-18 = 1288) tức Huyền Trân sinh năm 1288. Chúng ta tạm chấp nhận Huyền Trân sinh năm 1288. Đem so sánh năm sanh của hai người: 1288 của Trần. H. Trân và 1260 của Trân. K. Chung ( 1288-1260 = 28 ). Tới đây chúng ta thấy Trần Khắc Chung hơn Huyền Trân tới 28 tuổi. Vậy khi Huyền Trân đi lấy chồng lúc 18 tuổi thì Trần khắc Chung đã 46 tuổi rồi (28t+18 t= 46t ). Với tuổi tác cách biệt như vậy và chỉ là một vị quan không quá quan trọng của triều đình. Lúc đó Ông đã vợ con đùm đề còn Huyền Trân là một công chúa rất trẻ. Trần Khắc Chung xứng đáng là bậc cha chú và một kẻ thừa hành chứ làm sao lại có thể là người tình của một công chúa non trẻ cành vàng lá ngọc như Huyền Trân. Việc vua Trần Anh Tôn cử ông vào Chiêm Thành để giải cứu Huyền Trân ông là một nhà thuyết khách giỏi và cơ trí có thể xoay chuyển thế cuộc giống như Thượng hoàng Trần Nhân Tôn ngày trước (1285) đã cử ông đi thuyết khách quân Nguyên mà thôi (vào lúc ấy Huyền Trân chưa sanh, nàng sanh năm 1288 như đã nêu trên), chứ không phải vì Trần Khắc Chung là người tình cũ của Huyền Trân như truyền thuyết đã nói. Như vậy cái truyền thuyết và sử liệu cho rằng Trần Khắc Chung là người tình của Huyền Trân công chúa trước khi đi lấy chồng và thông dâm với nhau theo thiển kiến của tôi không thể nào chấp nhận được.

Giả thuyết thứ hai : Nếu chúng ta chấp nhận thuyết Trần Khắc Chung là người tình của Huyền Trân như các sử sách đã ghi thì nàng cùng lắm chỉ thua ông 10 tuổi. Như vậy năm sinh của Huyền Trân sẽ là : Lấy năm sinh của Trần Khắc Chung công thên 10 năm nữa ( 1260 + 10=1270) Vậy năm sinh của Huyền Trân là 1270.

Sử sách ghi chép rất rỏ ràng năm 1306 Huyền Trân lên đường về Chiêm Thành. Lấy năm 1306 là năm đi lấy chồng trừ đi 1270 là năm sanh của Nàng ( 1306-1270=36 ). Kết quả cho chúng ta thấy nếu đúng theo thuyết của các sử gia đã ghi thì mãi cho tới 36 tuổi Huyền Trân mới đi lấy chồng. Trời ơi! Chúa Phật ơi! Một công chúa cành vàng lá ngọc mà mãi tới gần 40 tuổi mới đi lấy chồng. Hay cũng có thể nói rằng Nàng là một tặng phẩm cho nền hòa bình của hai dân tôc. Mà phàm là một tặng phẩm, nhất là tặng phẩm ấy cho Vua của một nước mà mình đang muốn cầu hòa thi nó phải có một gía trị tuyệt vời. Như vậy Nàng phải còn rất trẻ và rất đẹp chứ không phải là một người đàn bà đã tới tuổi về chiều (36 tuổi). Xin nhường quyền phán xét cho độc giả!

Khi Chế Mân qua đời hoàng hậu Paramecvari tức công chúa Huyền Trân có phải lên dàn hỏa hay không? Dẫn chứng cho sự kiện này tôi xin đưa ra hai bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng Huyền Trân không bị lên dàn hỏa như chúng ta thưởng.

Thứ nhất : Theo sử gia Trần Gia Phụng một sử gia rất khả tín đang được nhiều người ái mộ đã trình bày trong cuốn Những Kỳ Án Trong Việt Sử : Vào tháng 5 năm đinh mùi 1307 vua Chế Mân từ trần. Vì quá thương em, Trần Anh Tôn gởi Trần K Chung qua Chiêm vào tháng 10 năm ấy, kiếm cách cứu Huyền Trân. ( NKATVS trg 35)

Dù là một vì vua, Chế Mân đã từ trần tại một vùng nhiệt đới với khí hậu nóng bức khắc nghiệt của tháng 5 thuộc mùa hạ của thành Đồ Bàn (huộc Bình Định, Miền Trung VN ngày nay) Thi thể một người đã qua đời không thể nào để quá 5 hoặc 10 ngày. Hơn nữa tục lệ Chiêm thành hồi đó không có việc ướp xác các vì vua. Như vậy Chế Mân phải được hỏa táng trong tháng 5 và nếu Huyền Trân phải lên dàn hỏa thì cũng phải lên ngay khi y, tức là vào tháng Năm. Theo mạch văn trên mãi cho tới tháng 10 năm ấy tức là 5 tháng sau Trần Khắc Chung mới nhận lệnh qua Chiêm cộng thêm hơn một tháng lênh đênh trên mặt biển vị chi là 7 tháng. Kể từ khi Chế Mân chết, mãi cho tới 7 tháng sau Trần Khắc Chung mới tới được thành Đồ Bàn. Như vậy nếu Huyền Trân bị lên dàn hỏa thì Trần Khắc Chung đã tới muộn rồi. Nếu muốn dưa Huyền Trân về thì chỉ là nắm tro tàn mà thôi. Chính vì Huyền Trân không bi thiêu theo Chế Mân nên sau đó mới đưa được công chúa về Thăng Long bằng an vô sự. Điều đó chứng tỏ rằng hòang hậu Paramecvari tức Huyền Trân không phải lên dàn hỏa như chúng ta nghĩ. Để xác định cho lập luận này tôi liên lạc với cụ Lưu quang Sang, một nhà trí thức của cộng đông người Chăm để xin ông cho biết ý kiến về việc này. Cụ đã cho biết như sau: Tục lệ các hoàng hậu phải lên dàn hỏa cùng một lúc với vua khi băng hà là một điều rất đúng theo luật lệ của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Nhưng tục lệ này khi du nhập vào Chiêm Thành đã thay đổi đi chút ít. Sự thay đổi đó là: Khi một vị vua Chiêm qua đời không bắt buộc tất cả các hoàng hậu phải lên dàn hỏa mà chỉ cần một người mà thôi. Việc này hoàn toàn có tính cách tự nguyện. Nếu có nhiều bà cùng xin được hỏa thiêu, hoặc không có vị nào tình nguyện thì hội đồng hoàng tộc sẽ nhóm hop và bình chọn người nào xứng đáng, nết na, đức độ nhất để được chết theo vua. Vì đối với người Chăm đựóc chết theo vua là một vinh dự lớn lao vì sau khi chết tượng bia của bà cũng được tôn thờ trong đền tháp cùng với vua thần là chồng mình. Người Chiêm Thành rất bảo thủ nên trong việc bình bầu, hoàng tộc Chăm không thể nào tuyển chọn Huyền Trân vì nàng là một cô dâu ngoại tộc, không thuộc giáo phái Bálamôn và gần như là một kẻ thù truyền kiếp của họ. Gỉa sử nếu bà được chọn thì ít nhất Bà phải có công trạng rất lớn với dân tộc và quốc gia của họ. Nhưng trong thực tế Bà chỉ mới về Chiêm quốc vỏn ven có một năm chưa có một công trạng nào cả. Nên bằng bất cứ giá nào họ cũng không thể để Huyền Trân lên dàn thiêu để nàng được vinh dự tôn lên gần giống như một vị thần của dân tộc họ và rồi tượng bia của nàng cũng đươc tôn thờ trong đền tháp của họ. Việc này đã được chứng minh tại ngôi tháp Pôrômê, thuộc huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận như sau:

Vào thời chúa Nguyễn để tránh khỏi ảnh hưởng của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Chúa nguyễn theo đuổi chính sách sâm thực về phương Nam. Nên Năm 1631 Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên gả người con gái thứ ba của mình là Nguyên Phúc Ngọc Khoa cho vua chiêm Pôrômê để giữ vững sự hòa hiếu giữa hai nước. Vua Pôrômê có ba hoàng hậu :

1- Chánh hậu Bia THUCHIH - bà là công chúa Chàm, khi lấy bà, PÔRÔMÊ được tôn lên làm vua vì vua cha của bà THUCHIH không có con trai

2- Thứ hậu Bia THAN CHAN- bà người gốc Rhade theo Bàlamô giáo Bà này lên dàn hỏa với vua Pôrômê

Thứ hậu Bia UT - tức công chúa Ngọc Khoa của Đại Việt

Vì bà thứ hậu Than Chan lên dàn hỏa nên tượng bia của bà được đặt thờ trong tháp Pôromê bên cạch vua thần Pôromê. Bà THUCHIH tuy là chánh hậu và là một công chúa gốc Chàm nhưng không chịu lên dàn hỏa nên bia tượng của bà chỉ được đặt phía ngoài tháp và có tạc ba hàng chữ có tính cách miệt thị là Bia Thuchih, chánh hậu không chịu lên dàn hỏa. Còn Bia tượng của bà Bia UT tức Công chúa Ngọc Khoa bỏ nằm lăn lóc ngoài khu đồng hoang Hmu-Bruh, đây là hành động tỏ sự khinh miệt. Tất cả những di chỉ này hiện còn tai đền tháp Pôrômê gần làng Hậu Sanh.

Theo như sự trình bày của cụ Lưu Quang Sang và những điều tôi nêu trên thì Huyền Trân chắc chắn không phải lên dàn hỏa và việc đưa Huyền Trân về Thăng Long phải đi theo một chiều hướng khác có tính cách thuyết phục và êm thắm hơn để nàng trở về Đại Việt tránh khỏi phải trở thành một góa phụ mãn đời khi còn quá trẻ nơi đất khách quê người. Chứ không phải vào đó để bày mối hòa khí giữa hai dân tộc của triều Trần, một triều đại huy hoàng về đạo hạnh, chính trị, quân sự và văn học, và nếu cần giải quyết bằng đương lối cướp giật như vậy thì không cần tới một vị quan văn trọng tuổi như Trần Khắc Chung. Hơn nữa dân tộc Chiêm Thành khi đó cũng là một dân tộc văn minh hùng mạnh, họ thấm nhuần một nền văn hóa rất cao và thâm nghiêm của Ấn Độ không thua gì nền văn hóa Đại Việt chịu ảnh hưởng một phần văn hóa Trung Hoa. Hoàng tộc của Chiêm Thành là lớp người trí thức không phải là lớp trẻ con mà tin vào lời bịa đặt của Trần Khắc Chung nêu trên là đưa Huyền Trân ra bãi biển làm chủ đàn chay để thuyền Đại Việt đên cướp đi. Giả sử, lịch sử nếu việc này xảy ra đúng như vậy thì một số ít ỏi thuyền bè của Đại Việt (Vì đi thương thuyết chứ không phải đi đánh giặc, nên số thuyền nhiều lắm cũng chỉ từ 15 tới 20 chiếc là cùng) có chạy thoát nổi những đoàn chiến thuyền thiện chiến của họ đang đóng dọc theo bờ biển từ Đồ Bàn (Bình Định) ra tới tận Quảng Nam, Quảng Ngãi hay không? Việc thuyết phục Hoàng tộc Chiêm Thành không phải là một chuyện dễ dàng một sớm một chiều là xong, hơn nữa nếu hoàng tộc có bằng lòng đi chăng nữa thì cũng còn có thể bị ràng buộc rất nhiều bởi các điều cấm kỵ nếu có hoặc còn phải xem phản ứng của dân chúng nữa. Trần Khắc Chung không thể chỉ trong vài ngày là đưa được Huyền Trân về một cách an lành, mà có thể phải mất một tháng, hai tháng, sáu tháng hoặc nhiều hơn nữa cho tới khi nào đạt được mục đích. Vì nếu ra về mà không chu toàn nhiệm vụ đúng theo lệnh của vua chúa thời phong kiến thì phạm tội khi quân, nhẹ thì bãi chức hoặc bị lưu đầy, nặng thì phải tử hình.Vậy việc Huyền Trân và Trần Khắc Chung phải mất một thời gian dài mới về tới Thăng Long không thể cho rằng đó là nguyên nhân việc thông dâm của họ trên biển cả. Đó là chưa kể tới những trở ngại về thời tiết như: Sóng gió, mưa bão bất chợt của Miền Trung từ tháng 10 tới tháng 12 trên đường về. Hoặc giả trước cái chết của chồng mình và việc mình có thể lên dàn hỏa đã làm cho Huyền Trân, một cô gái còn trẻ lòng non dạ đang ở trong tình trạng cô đơn đau khổ và kích động tới tột cùng. Nàng có thể bỏ ăn mất ngủ mà phát sinh bệnh hoạn, hoặc suy nhược một cách rất trầm trọng. Cho nên khi đoàn người của đại Việt vào tới Chiêm Thành, ngoài việc thuyết phục còn có thể phải chăm sóc, thuốc thang, tẩm bổ chờ cho Huyền Trân bình phục mới có đủ sức khỏe chống chọi với sóng gió trên biển cả trên con đường thiên lý về cố quốc. Ai đã là người đi thuyền chắc đã hiểu nỗi khổ của việc say sóng như thế nào. Việc rước công chúa về là một việc rất quan trọng đối với sự sống còn và con đường hoạn lộ của Trần Khắc Chung. Nếu lịch sử có một chữ NẾU sự việc thông dâm này đã xảy ra thực sự mà triều Trần và vua Trần Anh Tôn, (người rất thương yêu em mình) biết rõ theo như sử sách của các ngài sử gia đã ghi chép. Tôi xin lấy tư cách của một kẻ hậu bối thiển cận đặt một câu với các sử thần : Nếu các ngài ở vào địa vị của Trần Khắc Chung, Các ngài có đủ cam đảm làm cái chuyện lỗi lầm tầy đình ấy để rồi lảnh lấy bản án tử hình, hoặc bản án của lương tâm suốt cả cuộc đời hay không? Nếu Trần Khác Chung gây nên điều tồi bại ấy mà vua quan nhà Trần ai cũng biết vì trên ghe (thuyền) không chỉ có hai người mà còn rất nhiều khác nữa thì khi về tới Thăng Long cái đầu của Trần Khắc Chung có còn dính trên cổ hay không? Câu trả lời của một kẻ thấp hèn và ngu muội như tôi chắc chắn sẽ là KHÔNG!. Hơn nữa Trần Khắc Chung lúc ấy đã gần 50 tuổi thuộc vào hàng đức cao trọng vọng nên ông chỉ xem Huyền Trân như một người con đáng thương đang rơi vào tình trạng đau khổ, truyệt vọng. Huyền Trân lại là một vị công chúa của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn, em ruột của vua Trần Anh Tôn đang trị vì. Với Huyền Trân ông chỉ là kẻ cấp dưới làm sao giám mạo phạm. Tinh thần của một kẻ sĩ đáng tuổi cha ông và đã thấm nhuần đạo đức lễ nghĩa của Nho Giáo trong cái thời đại xa xưa đầy cấm kỵ ấy không thể nào cho phép ông làm cái điều thương luân bại lý đó trong khi đang gánh lấy trọng trách bảo toàn sự an nguy và mạng sống cho một Công Chúa Huyền Trân. Vậy vì lý do nào mà các sử thần đã đổ cái tội nhơ nhuốc tày đình đó lên đầu một vị quan trọng tuổi được sự kính nể của triều đình và một vị Công chúa non trẻ của Đại Việt cũng là hoàng hậu của dân Chiêm. Có một ngầm ý ác hại nào để chia rẽ hai dân tộc chăng? Đây có phải la một đòn ly gián tuyệt diệu cuả kẻ thống trị? Nếu các điều tôi dẫn chứng bằng lịch sử và chứng minh bằng khoa học nêu trên được chấp nhận, điều đó chứng tỏ rằng các đoạn văn nói về Huyền Trân - Trần Khắc Chung rất hồ đồ, thiếu thận trọng của sử tính. Thế mà từ xưa tới nay, hễ nhắc tới chuyện tình Huyền Trân và Chế Mân thì hầu như chúng ta ngay cả các nhà học gỉa, các sử gia cũng đều đồng thuận và đương nhiên cho sự việc ấy đúng, nên không một lời biện hô nào cho Huyền Trân. Thật tội nghiệp và oan ức cho nàng. Không biết những giòng chữ ngày hôm nay có được cái duyên làm một cơn mưa, dù rất nhẹ rửa đi một lớp bùn nhơ cho người con gái đáng thương của dân tộc đã có công mở cánh cửa cho con đường Nam Tiến để chúng ta có một giải giang sơn gấm vóc ngày nay. Nhưng nàng đã bị đổ vạ một cách oan ưổng. Hãy trả lại sự thực và trong trắng cho nàng để những cuốn sử Việt cũng bớt đôi giòng mà khi bất cứ người Việt nào đọc tới đó cũng đều cảm thấy một chút ray rứt hổ thẹn, và nhất là để con cháu chúng ta không còn xấu hổ vì những hành động của tổ tiên mình./.

Nguyễn ngọc Danh

Phần phụ chương

Tinh thần của câu ca dao.

Trong những cái ê ẩm vừa nêu trên, chúng ta lại gặp phải tính cách khinh thường, kiêu hãnh của câu ca dao:

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Từ ngày còn là một cậu học sinh tiểu học, tôi đã được các thầy cô gieo rắc trong tâm hồn : đó là câu ca dao ám chỉ việc Huyền Trân gả cho vua Chiêm Chế Mân. Tâm hồn non trẻ của tôi nghe vậy thì biết vậy. Không suy xét lôi thôi- Chơi cái đã - nên chẳng hiểu một chút nào về chiều sâu, và cái thâm ý có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao của nó. Khi lớn lên đọc lai câu ca dao ấy mới thấy giật mình tự hỏi: Hai câu ca dao này xuất hiên từ nơi chốn nào, thời gian nào?. Ai là tác giả hai câu lục bát quái ác như vậy? Độc địa quá! cay đắng quá! kiêu mạng quá! Dân tộc Chăm khi đọc hoặc nghe được hai câu ca dao này hoặc bài thơ ông cử nhân Hoàng Cao Khải thời Pháp thuộc thì lập tức trong tâm thức họ sẽ bùng lên một trận cuồng phong đâỳ phẩn nộ và uất hận. Còn lớp trẻ Việt chúng tôi sau này chẳng thấy hãnh diện về hai câu ca dao đó một chút nào và khi đoc tới còn phải nhăn mặt là đàng khác. Sự thực hai câu ca dao này như thế nào? Có phải thực sự xoi móc việc Huyền Trân về làm dâu xứ Chêm hay không? Chúng ta cứ lần mò thử xem.

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán, Thằng Mường nó leo

Đọc lên hai câu thơ chúng ta hiểu ngay được rằng Huyền Trân được ví như cây quế. Quế là một loại cây quý hiếm, nhưng lại mọc ở giữa rừng hoang vô chủ thì cái quý hiếm thì có nhưng nét đài các vọng tộc thì thiếu hẳn. Vì mọc ở chốn rừng hoang nên ai tới trước, kiếm được, ai tài gỏi thì cứ chiếm lấy mà trèo, bất luận là sang hèn, Kinh, Thương, Rhadé, Mán, Mường, Thái, Mèo, Hmông, LôLô. v. v. như vậy chủ thể than lên hai chữ Tiếc Thay ở vào vị trí nào đây? Trâu chậm thì uống nước đục, phận mình hẩm hiu, thiếu may mắn thì đành chiụ vậy thôi? Than lên một chút cho giải cơn sầu thì cũng là hành động đáng mến thay.. Nhưng có vẻ như thua cuộc. Nhưng nếu :

Tiếc thay cây quế giữa vườn - thì sao đây!

Trường hợp này hoàn toàn khác hẵn. Cây quế quý hiếm ấy đã được ương trồng trong vườn, hơn nữa lại được người chủ trông nom phân bón cẩn thận, tỉa ngọn, cắt cành rất kỹ lưỡng, công phu thì thằng Mán, thằng Mường chui vào mà trèo lên thì không than: Tiếc Thay làm sao cho được.

Nhưng nếu thực sự hai câu ca dao đó ám chỉ vào trường hợp của Huyền Trân thì không phải là thằng Mán, thằng Mường mà ông chủ vườn lại mời được một ông vua nước khác, hùng mạnh, giầu sang phú quý và cũng có một nền văn minh rực rở không thua gì của nhà mình vào vườn để trèo lên cây quế. Như vậy thì quả quá xứng đáng rồi còn than “Tiếc Thay” làm gì nữa. Nếu cứ vẫn cố chấp mà than thì tỏ ra mình là kẻ hẹp hòi, tối tăm, không thức thời rồi ghen tuông tầm phào. Nhưng nghĩ ra cho cùng thì giữa cuộc đời ô trọc này ai mà chẳng ghen! Ghen là bản chất muôn thủa của loài người. Tìm đâu ra những tâm hồn giác ngộ đây!

Như vậy hai câu cao dao trên tôi xin được thử (thử thôi nhé) mạo muội đỏi thành:

Tiếc thay cây quế giữa vườn

Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo

Mường, Mán là hai dân tộc thiểu số sống tại miền thương du và trung du Bắc Việt. Người Mường sinh sống rải rác trên các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tại đây 5 huyện Trường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lạc, Như Xuân va Hồi Xuân lập thành một chiến lũy thiên nhiên ngăn cách Lào với bao rừng núi thâm u, hiểm trở. Theo các nhà nhân chủng học họ chính là người Việt cổ. Chế độ quan Lang là một chế độ phong kiến, xây dựng trên đặc quyền của nhiều dòng họ. Các dòng họ danh tiêng đó là : Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, Hà, Cẩm, Lê, Phạm. Chúng ta nhận thấy tên họ của người Mường chính là những tên Họ của người Việt chúng ta.

Người Mán sinh sống tại vùng thượng du Bắc Việt và Thượng Lào. Các nhà nhân chủng học cho rằng gốc gác của họ là người Thái. Họ là giống người hay nghi kỵ. Họ tin chó là tổ tiên của họ nên không bao giờ ăn thịt chó. Giống như người Ấn Đô không ăn thịt bò. Ngày xưa họ chiếm cứ một vùng rộng lớn tại thung lũng sông Dương Tử Giang gồm Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây v. v Họ tiến về phái Nam và lọt vào Bắc Việt vào thế kỷ 13.

Tại vùng thượng du Bắc Việt đã từ bao đời là đất sinh sống của rất nhiều dân tộc thiểu số. Họ chiếm cứ và sinh sống trên những vùng, miền có tính cách chiến lược. Do đó kể từ khi nhà Lý lên cầm quyền và củng cố nền đôc lập nước nhà. Triều Lý đã có chính sách chiêu dụ và tạo thêm vây cánh và thắt chặt tình thân thiện với các thị tộc này bằng cách đem gả các công chúa cho các thủ lãnh châu mục. Vào Năm 1029 vua Lý thái Tông gả công chua Bình Dương cho châu mục Lạng Châu (Lạng Sơn) là Thân thiên Thái Năm 1036 ngài lại gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu (Phú Thọ, Sơn Tây) là Lê tông Thuận và gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà thiện Lãm. Năm 1082, Lý Nhân Tông gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục Vị Long (Tuyên Quang) là Hà Di Khánh. Và năm 1127 ngài lại gả công chúa Diên Bình cho thủ lãnh phủ Phú Lương (Thái Nguyên) là Dương Tự Minh, vào năm 1144 chính Dương Tự Minh lại cưới thêm một công chúa nữa là Thiều Dung. Như vậy trong suốt trièu đai nhà Lý đã gả tổng công sáu công chúa cho các châu mục người thiểu số. Những thủ lãnh châu mục này có tên Họ Thân, Hà, Dương, Lê. Điều đó cho chúng ta một giả thuyết : Những dòng họ ấy là của người Mường, Mán. Vậy hai câu ca dao;

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Sự thực dùng để ám chỉ cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân, hay để chỉ tất cả sáu công chúa triều Lý đã gả cho các châu mục người Mường, Mán, Tày Nùng v.v.. Câu hỏi này mãi mãi vẫn còn lơ lững giữa trời mây không biết tới bao giờ mới có câu trả lời đây.

Đất cày lên sỏi đá :

Đây là một đoạn trong một bài hát nào đó đã được cố ca sĩ Anh Thoại, một ca sĩ hiền như cục cơm hát cách nay rât lâu tôi không nhớ tên - dùng để tả cảnh đất đai khô cằn, khó nghèo, mà người dân phải lam lũ cực nhọc lắm mới có miếng cơm manh áo. Đó chính là vùng đất nằm giữa Miền Trung chạy từ phái bắc chân Đèo Hải Vân ra tới Hà Tỉnh. (Vùng đất này thuộc lãnh thổ phía băc nước Chiêm Thành từ năn 192 tới 1306). Ở đây chỉ có những bình nguyên hẹp chạy dọc theo duyên hải, đất đai khô cằn. Vào mùa hạ thường bị thủy triều xâm nhập. Các con sông phát nguyên từ dãy Trường Sơn đổ xuống, nhiều gềnh đá nên thừơng hay gây nên những trận lũ lụt. Khí hậu thì khắc nhiệt. Mùa hạ gió Lào thổi xuống như bỏng da cháy thịt, mùa đông bão tố lũ lụt liên miên:

Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi!. Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm... à à à. ơi!

Hoặc Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi. Làng tôi có những ông già rách vai cuốc đấy bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày.

Đó! cái cảnh một vùng chó ăn đá gà ăn muối thuộc miền Trung là như vậy đó. Hai người nghệ sĩ tài danh Phạm Đình Chương, Phạm Duy đã có cái nhìn sâu sắc, tinh vi và với một tâm hồn nghệ sĩ bén nhạy, chan chứa tình người, hai ông đã thay cho người dân nơi đây nói lên những cái mà với tâm hồn chân quê chất phát, chỉ biết cắn răng chịu đựng mà tranh đấu mà sống còn, họ không thể nào thốn nên lời. Cái vùng đất chai cằn sỏi đá ấy cha ông chúng ta đã phải trả bằng biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu là xương máu, kể cả một tâm hồn trong trăng, tình yêu và chia lìa của một người con gái thơ ngây Huyền Trân.

Lịch sử đã kể rằng : Vào những năm vua Lý thánh Tôn trị vì, Vua Chiêm là Chế Củ đem quân xâm lấn nước ta năm 1068. Vua Lý Thánh Tôn phải thân hành đi dẹp. Bắt được Chế Củ đêm về Thăng Long. Để đổi lấy tự do Chế Củ xin dâng đất ba châu phía bắc Chiêm Thành là Bố Chính (Từ Hà Tỉnh tới bắc Quảng Bình), Địa Lý (trung vá Nam Quảng Bình). Ma Linh (bắc Quảng Trị).

Vào thời đại nhà Trần Chế Mân lại dâng thêm hai châu Ô (Nam Quảng Tri và bắc Thừa Thiên) và Lý (Nam Thừa Thiên vá bắc Quảng Nam) để làm sính lễ cưới Huyền Trân như đã kể phần trên. Kể từ đó vùng đất này thuộc chủ quyền của Đại Việt. Theo thiển ý của tôi sở dĩ các vua Chiêm Thành dâng phần đát ấy cho chúng ta một cách dễ dàng như vậy vì họ chê, không quý trọng vùng đất này. Họ thấy đất đai hẹp, khô cằn và nghèo nàn quá, khí hậu thì khắc nghiệt. Nó giống như một khúc xương chỉ bọc một lớp da khô héo nhăn nheo. Dân Chiêm Thành có lẽ không sinh sống trên vùng đất này hoặc nếu có cũng rất thưa thớt. Bằng chứng xác thực cho điều suy đoán này là Từ Ninh Thuận chạy dài ra tới Quảng Nam, Quảng Ngãi, đồng bằng và đất cát khá phì nhiêu, khí hậu tương đối dễ chịu mát mẽ hơn, đời sóng dân chúng sung túc no đủ, nên các vua Chiêm đã thiết lập các kinh đô Mỹ Sơn (Đà Nẵng) Đồ Bàn (Bình Định), Panduran (Phan Rang) và các đền tháp được xây rải rác trên các ngọn đồi từ Phan Thiết ra tới Đà Nẵng. Nhưng bắt đầu từ phái bắc chân Đèo Hải Vân qua Huế, Quảng Trị, Quàng Bình, Hà Tỉnh hoàn toàn không có một ngôi đền, một ngọn tháp, dù là những phế tích quan trọng nào ghi dáu ấn chứng minh nét sinh hoạt tập thể cuả dân Chiêm. Họ chê thật mà. Họ đâu thèm ở. Nhưng họ đâu ngờ rằng khi vùng đất khô cằn ấy đã thuộc vào giòng sinh mệnh của Đại Việt thì với tinh thần tranh đấu mãnh liệt, lòng kiên trì, nhẫn nại tới đá mòn sông lở. Dân Việt đã biến vùng đất làm nản lòng dân Chiêm ấy trở thành mảnh đất có những thắng cảnh xinh đẹp như : Đèo Hải Vân, sông Hương núi Ngự, động Phong Nha. Tuy cho tới ngày nay nó vẫn còn nghèo nhưng bởi thời cuộc chứ không bởi lòng dân, và cũng từ mảnh đất các vua Chiêm coi rẻ này dân tộc Việt vươn vai đứng lên bước một bước thật dài tới tận mũi Cà Mau để ngày nay chúng ta có một giang sơn tuyệt vời

Lịch sử của nhân loại là lịch sử của chiến tranh và lầm lỗi. Kể từ khi con người biết bỏ đi cái bản chất súc sanh thời tiền lịch sử để đứng thẳng trên hai chân mà làm con người trí tuệ thì chính trị cũng bắt đàu khai sinh. Chiến tranh cũng từ trong hang động, rừng rú xuất hiện. Con người chạy bộ mà tranh dành. Ngồi trên lưng ngựa mà chiến đấu và con người hôm nay ngự trị trên các kỹ thuật khoa hoc để nhân danh văn minh tiến bộ mà bắn phá tàn sát lẫn nhau. Chiến tranh cái đuôi của chính trị. nên nó không rời khỏi con người, mãi mãi là chiếc bóng của con người. Chiếc bóng ấy khổ nỗi nó không bỏ được bản tính súc sanh muôn đời của nó. Chính con người thực cũng mãi mãi là một sinh vật mang lưỡng thể tính. Vai phải ngự trị thiên thần, vai trái ngự trị một ác quỷ. Lịch sử nhân loại từ thượng cổ cho tới thời cận kim nhất là thời trung cổ có một định luật : Kể thắng thì dành dân chiếm đất. Kẻ yếu thì mất nưóc nhà tan hoặc bị đồng hóa. Dân Việt và Chiêm Thành cũng nằm trong cái định luật chung đó. Chỉ tiếc một điều là các vị vua Chiêm họ không giống các vua của Đại Việt. Họ quá ích kỷ, chi nghĩ tới cái ngai vàng của mình mà không nghĩ tới lẽ sinh tồn của dân tộc. Họ đã đi sai nhiều nước cờ sanh tử để cuối cùng thua cả một ván cờ. Lịch sử đã sang trang, dân tộc Chiêm và nền văn hóa của họ vẫn được mọi người Việt kính trọng và gìn giữ. Chúng ta hãy cố gắng hàn gắn lại mọi đổ vỡ. Gìn giữ và bảo trì thật cẩn trọng các di sản văn hóa Chăm vì chính đó là hành động biểu lộ lòng tôn trọng một dân tộc đã cùng chúng ta trải qua bao thăng trầm chua xót và họ cũng đã có một thời đại quá khứ uy hùng, vàng son, cao đẹp. Họ thật xứng đáng được chúng ta tôn trọng

Nguyễn Ngọc Danh