CHẤT “HỌC GIẢ” TRONG CUỐN GIAI THOẠI KẺ SĨ VIỆT NAM

Kim Ân

Cuốn Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam do Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên biên soạn đã in xong và nộp lưu chiểu từ tháng 2 - 1997, nhưng mãi thời gian gần đây tôi mới có hân hạnh được đọc. Cuốn sách này đã được “nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà giáo đánh giá cao” (tr. 1047), được HTV7 và nhiều giáo sư giới thiệu với biết bao nhiêu mĩ từ. Tôi đã hăm hở đọc và cũng thấy nhiều giai thoại quả là thú vị. Tuy nhiên, càng đọc tôi lại càng thất vọng vì một cuốn sách được coi là có “giá trị học thuật” (bài viết của giáo sư Hoàng Nhân), "thuộc một trong các dạng từ điển bách khoa" (lời nhận định của PTS Võ Quang Phúc) lại phạm phải những sai sót sơ đẳng về lịch sử. Trong bài viết này, tôi không dám lạm bàn về cách đánh giá các nhân vật, hay về chữ nghĩa văn chương, cũng không bàn về lỗi chính tả vốn xuất hiện quá nhiều trên những cuốn sách xuất bản thời gian gần đây, mà chỉ xin đơn cử mấy dẫn chứng một số sai sót thật đáng tiếc.

1. Ở giai thoại Hầu tinh giáng thế về Mạc Đĩnh Chi, có đoạn tác giả viết: "Đỉnh Chi ngày một phổng phao, học hành tiến tới. Thầy học vốn liếng chữ nghĩa cơ chừng đã cạn, liền gửi gắm cho bạn mình là Chiêu Quốc công Bảng nhãn Trần Nhật Duật (1255-1330) rèn cặp tiếp cho" (tr. 287). Dường như tác giả không thèm tra cứu lịch sử Việt Nam, vì các con trai vua Trần Thái Tông đều có tước vương chứ không phải tước công. Vả lại, tên hiệu của Trần Nhật Duật là Chiêu Văn (ai đã từng quan tâm đến lịch sử Việt Nam đều biết giai thoại rằng khi sinh ra, trên cánh tay của Trần Nhật Duật có những chữ “Chiêu Văn đồng tử”!). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của Ngô Thì Sĩ (ĐVSKTB) cũng như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (VSTGCM) của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đều cho biết năm Đinh Mão, niên hiệu Thiệu Long thứ 10 (1267) ông được vua cha phong là Chiêu Văn Vương, còn Chiêu Quốc là tên hiệu của Trần Ích Tắc. Tác giả đã lầm tên hiệu của hai anh em! Các pho sử lớn của nước ta cũng chưa hề nói tới việc Trần Nhật Duật đỗ bảng nhãn bao giờ.

2. Trong giai thoại có tên Trấn uy ba góc về Hồ Xuân Hương tác giả viết: "... Gia Long lên ngôi, Bắc hành ra Thăng Long (1840), phái một khâm sai đại thần ra trước bắt dân chăng đèn kết hoa, dựng cổng chào. .." (tr. 164). Không hiểu tác giả căn cứ vào sử liệu nào, chứ người Việt Nam ai lại không biết rằng vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và băng hà năm 1819. Vậy thì không hiểu làm cách nào mà hơn 20 năm sau khi mất ông ta lại có thể "Bắc hành ra Thăng Long"?!

Trong một giai thoại khác về Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhan đề Buôn vua, tác giả đã đặt vào miệng "một tôn huynh" của họ Trần tại Vĩnh Lại câu nói: "... Gã Trần Lý (Trần Thủ Độ) xưa kia chẳng hành nghề chài lưới như bọn ta đấy sao?..." (tr. 378). Không biết gã thuyền chài ở Vĩnh Lại có mở ngoặc đơn không, còn người từng học lịch sử Việt Nam đều biết rằng Trần Lý và Trần Thủ Độ là hai nhân vật khác nhau. Mà hình như họ còn có quan hệ chú cháu hay bác cháu nữa thì phải!

Những sai sót trên kể ra cũng đáng tiếc thật, nhưng cũng chẳng đáng kể gì. Đọc đến giai thoại về cụ Nguyễn Công Trứ có tên là Trời đà biết cho, tôi mới thấy rằng cần phải đưa ra ý kiến để xua tan đi một số hiểu lầm tai hại. Trong giai thoại này tác giả viết: "Hồi làm Doanh điền sứ giúp cho dân nghèo Thái Bình và Ninh Bình khai hoang mở hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ được dân lương rất quý mến, quyên góp lập sinh từ cho ông (hiện có đền thờ ông ở huyện Kim Sơn, sau này tên Cố Sáu xây dựng nhà thờ Phát Diệm đã cho lấy một số lớn đá xanh để xây tiền đình và phá hỏng đền). Vùng Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn có nhiều dân đạo chống lại ông, vu cho ông có ý làm phản. .." (tr. 399). Tôi không hiểu tác giả căn cứ vào sử liệu nào mà đã viết sai đến mức như thế?

Trước hết, khi chiêu dân vùng ven biển thuộc tỉnh Ninh Bình vào năm Kỉ Sửu, niên hiệu Minh Mạng thứ 10 (1829), cụ Nguyễn Công Trứ đã kêu gọi được rất nhiều thành phần, trong số đó, già một nửa là người theo Công giáo. Ai cũng hiểu rằng trong một công cuộc khai khẩn gian nan khó nhọc như thế thì chỉ những người tin phục Cụ mới rời bỏ quê cha đất tổ để đi theo Cụ. Như vậy, Cụ được cả người lương và người giáo quí mến. Có thế thì trong thời gian một năm Cụ mới có thể khai khẩn được trên 14620 mẫu ruộng và lập huyện Kim Sơn gồm 7 tổng, 60 làng trại.

Còn về chuyện "sau này tên Cố Sáu xây dựng nhà thờ Phát Diệm đã cho lấy một số lớn đá xanh để xây tiền đình và phá hỏng đền", tôi không hiểu tại sao tác giả lại có một lời vu khống thiếu trách nhiệm đến thế? Đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ ngày nay vẫn còn đó ở làng Lạc Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đền này chưa từng bị Cụ Sáu (tức cha Phêrô Trần Lục, còn được gọi là cha Sáu) phá hỏng, cũng không hề có chuyện cha Sáu lấy đá xanh ở ngôi đền này "để xây tiền đình".

Tác giả còn lầm lẫn hơn khi vu cáo rằng: “Vùng Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn có nhiều dân đạo chống lại ông, vu cho ông có ý làm phản”. Để hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn, tôi xin cống hiến Quí Vị một vài sử liệu:

Cụ Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, mất năm 1859. Sự kiện tác giả kể lại trong giai thoại trên xảy ra sau khi Cụ đã nghỉ hưu, tức là sau năm Tự Đức thứ 1 (1848). Trong khi đó, đối với người Công giáo, vua Gia Long không cấm đạo. Dưới triều Minh Mạng, từ năm 1825 nhà vua bắt đầu ra các chỉ dụ cấm đạo, nhưng mãi đến ngày 6-1-1833 nhà vua mới ra một sắc chỉ cấm đạo áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Vua Thiệu Trị chỉ tiếp tục thi hành chính sách cấm đạo của vua cha và đến mãi cuối đời mới ra sắc chỉ cấm đạo vào ngày 13-5-1847. Đến thời vua Tự Đức việc cấm đạo trở nên khốc liệt nhất với hàng loạt sắc chỉ cấm đạo. Mãi đến hoà ước Nhâm Tuất, ngày 5-6-1862, đời sống của người Công giáo ở Việt Nam mới được dễ thở hơn đôi chút.

Thật buồn cho tôi khi phải khơi lại giai đoạn thật bi thương nồi da nấu thịt trong lịch sử dân tộc, nhưng nói lại như thế để mọi người thấy rằng biến cố mà tác giả thuật lại xảy ra vào thời vua Tự Đức, là lúc mà người Công giáo bị tróc nã, bị giết hại khắp nơi. Lúc đó, họ lo giữ mạng sống còn chưa xong, nói chi đến chuyện vu cáo người khác trước mặt nhà vua, huống hồ người đó lại là một vị đại thần, một ân nhân của họ.

Vì thế, thiết nghĩ cách kể của ông Tôn Thất Bình là hợp lí hơn. Trong mẩu chuyện nhan đề Nỗi oan của Nguyễn Công Trứ, ông Tôn Thất Bình thuật lại: “Nguyễn Công Trứ có công sáng lập hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Năm 75 tuổi, ông lại theo đường bộ ra Bắc thành thăm phong cảnh cũ. Dân hai huyện đón rước rất linh đình. Khi ấy có tên thị vệ quê ở Nam Định thấy các làng tôn sùng ông như thần, muốn tâng công, y liền tâu với Tự Đức là Nguyễn Công Trứ có hành vi khả nghi, có ý muốn mưu đồ đại sự. Tự Đức hạ mật chỉ cho quan Tổng đốc Nam Ninh Hoàng Văn Thu phải dò xét việc ấy và đòi ông lập tức về Kinh” (Kể chuyện chín chúa - mười ba vua triều Nguyễn, NXB Thuận Hoá, 1997, tr. 80).

5. Giai thoại về Nguyễn Quý Đức với nhan đề Anh hoa phát lộ, trang 529 - 530 có đoạn:

"Một hôm, trên đường từ trường về nhà, Đức thấy đông người tụ tập ở quán nước dưới gốc đa làng nên tò mò ghé chơi. Một ông cử ngồi nghỉ trong quán thấy mặt mũi Đức khôi ngô, sáng láng, liền hỏi:

- Cậu em đi học về chứ? Đã học sách gì rồi nào?

- Dạ, thưa hết sách Luận ngữ ạ".

Ở phần chú thích về sách Luận Ngữ, tác giả viết: "Trước tác triết học lớn nhất của Khổng Tử".

Trong một cuốn sách giới thiệu về các kẻ sĩ, phần đông dùi mài kinh sử ở cửa Khổng sân Trình mà các tác giả xem ra lại chẳng hiểu gì về Khổng Tử cũng như các kinh điển quan trọng của Nho giáo! Nếu như ở giai thoại này không có chú thích về sách Luận Ngữ thì chất “học giả” của các tác giả hẳn là đỡ lộ hơn!

Người đã từng có nghiên cứu chút ít về Khổng giáo đều biết rằng sách Luận Ngữ thuộc bộ Tứ Thư gồm các sách Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, và Mạnh Tử. Cả bốn sách này đều do các học trò của Khổng Tử biên soạn. Riêng sách Luận Ngữ do học trò ghi lại ngôn hành của Khổng Tử. Còn đối với việc lập ngôn của Khổng Tử, thì người đời sau đã tóm gọn vào câu san Thi, định Thư, tán Dịch, định Lễ, bút Xuân Thu. Như vậy, kiểu chú thích Luận Ngữ là "Trước tác triết học lớn nhất của Khổng Tử", quả là một sỉ nhục, một lời phỉ báng đối với học vấn của kẻ sĩ Việt Nam.

6. Trong đoạn giới thiệu về Phùng Khắc Khoan, trang 735 - 737 có đoạn: "Thân sinh ra Phùng Khắc Khoan là một nhà khoa bảng, đã từng đỗ thái học sinh triều Lê, nhưng tránh không ra làm quan với nhà Mạc, đi ngao du sơn thuỷ bằng con mắt của thầy địa lý chọn đất tốt".

Trước hết, tôi xin lấy chính những gì tác giả đã viết trong cuốn sách này để cho thấy mâu thuẫn nội tại của tác giả thể hiện trong cuốn sách:

Ở “phụ đề” có tên Học Chế và Học Vị Văn Hoá Ngày Xưa (nhân tiện xin nêu định nghĩa về từ “phụ đề” trong Từ Điển Tiếng Việt năm 2002 của Viện Ngôn Ngữ Học, do Hoàng Phê chủ biên: “Dòng chữ để phía dưới từng hình ảnh để ghi nội dung lời thoại đang phát trong phim, hoặc để dịch lời thoại sang ngôn ngữ khác”!) tác giả viết: “Học vị tiến sĩ ở nước ta bắt đầu có từ thời nhà Trần, dưới tên gọi thái học sinh (gọi từ năm 1232 trở đi). Sở dĩ gọi là thái học sinh là vì chỉ con cháu nhà quan cỡ đại phu mới được quyền đi thi, con cái tiện dân dẫu có tài mà đỗ cũng sẽ bị trị tội nếu phát giác ra [...] Năm 1374, dưới triều Trần Duệ Tông, học vị thái học sinh được đổi thành tiến sĩ. Danh vị tiến sĩ có từ đó. Triều Trần có lệ lấy hai loại trạng nguyên (cho thí sinh kinh đô và quanh vùng đất cũ), trại trạng nguyên (cho thí sinh vùng Thanh Nghệ mới khai phá để khuyến khích văn hoá giữa hai vùng). ..” (tr. 1004 - 1005).

Tác giả đã cho thấy danh hiệu thái học sinh là cách gọi của triều Trần. Nếu thế thì làm sao mãi tới triều Lê thân phụ của Phùng Khắc Khoan vẫn còn đỗ thái học sinh?

Thực ra, danh hiệu thái học sinh được triều Trần (1225-1400) và triều Hồ (1400- 1407) sử dụng. ĐVSKTT chép việc khoa thi năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) như sau: “thi đình cho các tiến sĩ”. VSTGCM cũng chép về sự kiện này: “Tháng 2, mùa xuân. Bắt đầu đặt khoa thi tiến sĩ”. Nhưng khoa thi liền sau đó năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8 (1384) ĐVSKTT lại ghi: “Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng cho thi thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du. ..”. Rồi khoa thi dưới triều Hồ, năm Canh Thìn, niên hiệu Kiến Tân thứ 3 (1400) vẫn ghi: “Mùa thu, tháng 8, Quý Ly mở khoa thi thái học sinh. ..”. Bộ ĐVSKTB chép về những sự kiện kể trên cũng có nội dung tương tự. ĐVSKTT còn cho biết vì loạn lạc nên những năm sau đó không có khoa thi nào. Đến năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434) mới định lệ: “Nay định rõ thể lệ khoa thi, kỳ thi: Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ 5 [1438], thi hương ở các đạo, năm thứ 6, thi hội ở sảnh đường tại kinh đô. Từ đấy về sau, cứ 3 năm một lần thi lớn, coi đó là quy định lâu dài, người nào thi đỗ, đều được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân”. Tuy nhiên, cả hai năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Bình thứ 5 (1438) và Kỉ Mùi, niên hiệu Thiệu Bình thứ 6 (1439), không thấy ĐVSKTT nói gì đến chuyện thi cử, mà mãi tới năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) mới thấy chép: "Tháng 3, tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân". VSTGCM cũng chép về sự kiện này: “Tháng 3, mùa xuân. Thi đối sách để tuyển lấy tiến sĩ. Trước kia, đã bàn đặt khoa thi tiến sĩ; đến đây, cho vào điện đình để thi đối sách, ban cho từ Nguyễn Trực trở xuống 33 người được đỗ tiến sĩ cập đệ, xuất thân, đồng xuất thân có khác nhau”. Như vậy là trên thực tế mãi tới năm 1442 mới có danh hiệu tiến sĩ. Về chuyện này, ông Dương Quảng Hàm cũng viết như sau: "Năm 1232, vua Trần Thái-tôn mở khoa thi Thái-học-sinh 太 學 生 [. .. ]. Năm 1374, vua Trần Duệ-tôn mở khoa Đình-thí (thi ở sân vua) lấy tiến-sĩ 進 士. Tên "tiến-sĩ" bắt đầu có từ đấy. Nhưng mãi đến năm 1442, đời Lê Thái-tôn mới chuyên dùng chữ "tiến-sĩ" mà bỏ hẳn chữ "thái-học-sinh" (Việt Nam văn học sử yếu, NXB tổng hợp Đồng Tháp 1993, tr. 95 - 97). Như vậy, thì dường như việc đổi danh hiệu thái học sinh thành tiến sĩ vào khoa thi năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) mới chỉ là biệt lệ, mãi đến năm 1434 hoặc đúng hơn là năm 1442, danh hiệu thái học sinh mới được đổi hẳn thành tiến sĩ. Dưới triều Lê không có danh hiệu thái học sinh, nên kiểu ghi "Thân sinh ra Phùng Khắc Khoan là một nhà khoa bảng, đã từng đỗ thái học sinh triều Lê" là không chính xác!

Tôi cũng rất lấy làm tiếc phải nói rằng đoạn văn vừa nêu, từ trang 1004 - 1005 là đoạn mà tác giả đã thể hiện quá nhiều sai sót.

Làm gì có chuyện “gọi là thái học sinh là vì chỉ con cháu nhà quan cỡ đại phu mới được quyền đi thi, con cái tiện dân dẫu có tài mà đỗ cũng sẽ bị trị tội nếu phát giác ra”. Trong chính cuốn sách này, trang 466, tác giả viết về Nguyễn Hiền, trạng nguyên khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình thứ 16 (1247): “... Cha Hiền là nông dân. ..”. Rồi khi nói tới Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên khoa thi năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), tác giả viết: “... Cảnh nhà họ Mạc bấy giờ trở nên sa sút, nghèo rớt mùng tơi. ..”. Vậy là chính tác giả đã cho thấy những kẻ “con cái tiện dân” đỗ tới bậc cao nhất trong khoa cử thời Trần. Thế mà không hề thấy bất cứ tài liệu lịch sử nào nói tới những nhân vật trên “bị trị tội” vì tội thi đỗ cao! Ngoài ra, Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, ở mục từ đại phu cho biết như sau: “Chức quan to đời xưa nước Tàu”. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, do Hoàng Phê chủ biên, cũng nói trong mục từ đại phu: “Chức quan tương đối cao ở Trung Quốc”. Tôi cũng đã đọc qua nhiều bộ sử lớn mà không thấy nói tới chức quan “đại phu” dưới triều Trần. Vậy thì chức quan đại phu mà tác giả viết ở đây dường như chỉ là tưởng tượng vô căn cứ! Hơn nữa, dưới triều Trần, việc học hành và ứng thí đâu phải là đặc quyền của con cái nhà quan.

Tác giả còn viết trong đoạn văn đầy những sai sót này: “Triều Trần có lệ lấy hai loại trạng nguyên (cho thí sinh kinh đô và quanh vùng đất cũ), trại trạng nguyên (cho thí sinh vùng Thanh Nghệ mới khai phá để khuyến khích văn hoá giữa hai vùng). ..”. Thực ra, triều Trần chỉ phân biệt kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên ở hai khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256) và Bính Dần, niên hiệu Thiệu Long thứ 9 (1266). Đến khoa thi ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù thứ 3 (1275) ĐVSKTT cho biết: “Hai khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất”.

Qua những sai sót, những mâu thuẫn nội tại mà tác giả thể hiện như vừa được nêu, tôi đã tự hỏi với thư mục khảo cứu đồ sộ được nêu từ trang 1024 - 1030, tại sao nào tác giả có thể phạm phải những sai sót vừa kể, và tôi đành phải đi đến nhận định rằng hình như tác giả đã đọc rất nhiều, nhưng chỉ để cho các con chữ nhảy múa trước mắt, chứ những gì đọng lại hẳn là cũng không nhiều!?

7. Trong giai thoại về vua Tự Đức có tên "Sáng kiến" thành "tối kiến", trang 906 - 909, tác giả thuật lại:

"... Một lần, ngồi trước mặt các ông thám hoa, hoàng giáp, đức Kim thượng đã dùng tiếng Tàu bộc bạch:

- Trẫm bất ứng thí, nhược ứng thí, tất trúng trạng nguyên! (Trẫm không đi thi, nhưng nếu thi, tất đỗ trạng nguyên!)

Vừa buông lời nói vậy, nhưng trong thâm tâm ngài cũng chắc mẩm rằng cái đám đại khoa trong vương triều này, họ đều do mình cân nhắc, tuyển chọn, không thể có người nào giỏi hơn mình đứng ra công nhận thiên tài “đỗ trạng” của mình được. Như thế thì dẫu mình có thi thố nhả ngọc phun châu cũng bằng thừa, quần thần ai người ta phục? Nhà vua liền nảy ra “sáng kiến” cùng các ông đại khoa Hàm, Giao, Đạt. .. làm mỗi người một luận văn rồi rọc phách, gửi qua bên Trung Quốc nhờ vua Mãn Thanh lập một ban giám khảo chấm giúp cho khách quan. .."

Về từ Kim thượng mà tác giả dùng trong giai thoại này, tôi không dám đưa ra lời bình luận nào, mà chỉ xin nêu định nghĩa về từ này trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh: " 今 上 Dân nước quân-chủ xưng ông vua hiện-tại là kim-thượng".

Chú thích thứ nhất của giai thoại này được tác giả viết như sau: "Các vua triều Nguyễn có ba điều quy ước trở thành lời nguyền: không hôn phối khác họ, không lập hoàng hậu và không lấy đỗ trạng nguyên". Hai lời ước “không lập hoàng hậu và không lấy đỗ trạng nguyên" dưới triều Nguyễn là có thật, còn chuyện “không hôn phối khác họ” thì trong các triều đại phong kiến Việt Nam, chỉ có triều Trần mới qui định như thế, chứ triều Nguyễn không hề có “điều quy ước trở thành lời nguyền” như thế!

Còn trong chú thích thứ hai của giai thoại này, tác giả cho biết Giao là ông Nguyễn Văn Giao, đỗ thám hoa khoa Quí Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), còn Đạt là ông Nguyễn Đức Đạt, đỗ thám hoa cùng một khoa với Nguyễn Văn Giao. Tác giả không nói gì tới ông Hàm, nhưng xét tới nội dung giai thoại nói tới việc vua Tự Đức muốn so tài với "các ông thám hoa, hoàng giáp", thì ông Hàm cũng phải đỗ cỡ thám hoa như các ông Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Đức Đạt. Vậy đây hẳn phải là thám hoa Vũ Phạm Hàm. Tuy nhiên, điều vô lí là ở chỗ Vũ Phạm Hàm chỉ đỗ đạt sau khi vua Tự Đức đã băng hà. Vũ Phạm Hàm đỗ giải nguyên khoa Giáp Thân, đời Kiến Phúc (1884), sau khi vua Tự Đức băng hà một năm. Mãi tới khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892), tức là sau khi vua Tự Đức băng hà tới chín năm, ông mới đỗ thám hoa!

Trong lời bình của giai thoại này, tác giả viết:

"Vua Tự Đức vì tự phụ và muốn tỏ ra khách quan trong việc đánh giá tài năng bản thân mà ngài ngự bị một vố đau, khôn quá hoá dại "sáng kiến" thành ra "tối kiến"!

Việc đánh giá trình độ, tài năng của trí thức quả là phức tạp và khó, nhưng không phải là không làm được.

Hàng năm, nhà nước ta vẫn cho hàng trăm nhà khoa học xếp hàng ra nước ngoài làm căngđiđát. Việc xuất nhập khẩu chất xám là chuyện bình thường. Nhưng nó sẽ rất khác thường bởi trong đám này có lẫn một số vì lợi ích kinh tế nhiều hơn là khoa học. Còn những người thuần tuý chuyên môn thì vui vẻ tự nguyện làm công không, dâng nộp những bí mật sáng chế cho nước ngoài đóng két sắt dùng dần, riêng mình thì đem về nước những mảnh bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ! Để làm gì khi tinh hoa của một đời người đã cúng hết rồi? - Chỉ để làm le thôi. Phần không ít trên thực tế, nghè "hữu nghị" hay cả nghè thực "Made in. .. nhập cảng" đều dường như trở thành nghè. .. giấy!

Xưa, trong thời phong kiến từ Lý, Trần, Lê, Mạc, đến Nguyễn, tức từ năm 1075 đến khoa thi cuối cùng 1919, cha ông ta đã mở 187 khoá thi đại khoa, lấy đỗ 46 trạng nguyên, 2.971 tiến sĩ, hàng vạn cống (cử nhân), có người nổi danh, có người vô mây khói. Lẽ nào, con cháu chúng ta đến tận bây giờ lại không có đủ trình độ để phong học vị cho các nhà khoa học Việt Nam mà cứ phải nhờ vả nước ngoài như kiểu Tự Đức mãi sao?

Về kinh tế, chính phủ nên mở cửa đất nước cho đời sống nhân dân thông thoáng, mát mẻ nhưng việc thi cử cao cấp này cần phải bế quan toả cảng!

Bao giờ nhỉ thì ở xứ ta lập được Viện Hàn lâm để chấm dứt hoàn toàn việc thất thoát chất xám cực kỳ quý hiếm này của đất nước?"

Ai cũng biết rằng trong chuyện học hành, tri thức, việc trao đổi qua lại rất cần thiết để mở rộng tri thức cũng như tầm nhìn. Điều này đúng cả trên bình diện cá nhân cũng như quốc gia. Đành rằng việc đưa người đi du học ở nước ta hiện nay quả là còn nhiều bất cập và lạm dụng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta lại tự cô lập mình khỏi dòng chảy tri thức nhân loại, bưng tai bịt mắt trước những tiến bộ của thế giới! Việc làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài, đặc biệt là tại các trường đại học lớn trên thế giới không có nghĩa là "con cháu chúng ta đến tận bây giờ lại không có đủ trình độ để phong học vị cho các nhà khoa học Việt Nam mà cứ phải nhờ vả nước ngoài như kiểu Tự Đức", mà là một kiểu trao đổi, học hỏi cần thiết để theo kịp đà tiến chung của nhân loại. Vả lại, không hiểu tác giả hiểu về cách làm luận án tiến sĩ như thế nào mà lại cho rằng "Còn những người thuần tuý chuyên môn thì vui vẻ tự nguyện làm công không, dâng nộp những bí mật sáng chế cho nước ngoài đóng két sắt dùng dần, riêng mình thì đem về nước những mảnh bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ! Để làm gì khi tinh hoa của một đời người đã cúng hết rồi?"!? Luận án tiến sĩ chỉ là một cách chứng nhận một người nào đó đã đạt được trình độ chuyên môn nhất định trong một lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đó chỉ là một khởi điểm cho những nghiên cứu sau này. Vì thế, không thể nói rằng "Để làm gì khi tinh hoa của một đời người đã cúng hết rồi?"!

8. Trong phần giới thiệu về Vũ Duệ, trang 935 - 936, có đoạn:

"Năm Nhâm Tý 1490 đời Hồng Đức thứ 23 (có tài liệu chép là Hồng Đức thứ 21 (1490) thi đỗ trạng nguyên ở tuổi hai mươi, được Lê Thánh Tông khen: "Ngày sau quốc gia hữu sự, người này có thể đảm đương được", và ban tên là Vũ Công Duệ (quen gọi là Vũ Duệ)".

Quả là tác giả vẫn làm việc theo kiểu không thèm tra cứu, nên mới có kiểu trình bày lấp lửng như vừa nêu. Còn nếu chịu khó tra cứu một chút thôi, hẳn tác giả phải biết rằng năm Nhâm Tý dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 23, là năm 1492, chứ không phải là năm 1490! Còn năm 1490 là năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21.

Về việc Vũ Duệ thi đỗ, ĐVSKTT chép vào năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) như sau: "Tháng 3, thi hội các cử nhân trong nước [. .. ]. Thi điện, Vua thân hành ra đề văn sách [. .. ]. Vua xem bài thi, xếp thứ bậc cao thấp. Cho bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ. ..". Còn năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức thứ 23 ( 1492), ĐVSKTT chép: "Mùa đông, tháng 10, thi hương cac học trò trong nước".

Như vậy, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức thứ 23 ( 1492) chỉ có thi hương chứ không có thi hội và thi đình.

9. Trong giai thoại về Trương Vĩnh Ký, có nhan đề Mừng nhà bác học!, trang 884 - 886, tác giả cho biết:

"... Trương vốn là một trí thức có học ở đất Đồng Nai, đã từng du học qua châu  u, có một vị trí vững chắc trong giới học thuật".

Thực ra, Trương Vĩnh Ký quê ở Cái Mơn, thuộc làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long, chứ không phải Đồng Nai. Ông từng du học tại Pinalu, Campuchia, rồi Pénang, Malaysia, chứ chưa từng "du học châu Âu" như tác giả tưởng tượng.

10. Trong giai thoại về Trần Bích San có nhan đề Đạo Chúa hay đạo tặc, trang 835 - 837, tác giả viết:

"Năm 1872, Tam nguyên Trần Bích San đang làm Tuần phủ Hà Nội. Lúc ấy chưa xảy ra chuyện giặc Pháp chiếm thành Hà Nội và tướng giặc H. Rivie (Henri Rivière) chưa bị quân của Hoàng Tá Viêm có quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc trợ lực giết chết ở ô Cầu Giấy.

Tình hình giữa ta và giặc rất găng. Bọn đạo Gia tô ỷ thế Tây quấy phá khắp nơi, không riêng gì Hà Nội mà cả Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình.

Lúc ấy cố Sáu (hoặc cụ Sáu), tức Trần Lục, tên thật là Trần Triêm, người Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đang cai quản các xứ đạo Phát Diệm, Tĩnh Gia, Nông Cống. Chính hắn gây chuyện lương giáo chém giết lẫn nhau, làm tai mắt cho Tây, nên hồi Phan Đình Phùng còn làm tri phủ Diên Khánh đã trị tội hắn, sai lính nọc cổ đánh 100 hèo.

Cố Sáu giảo quyệt dựa vào Tây để vào Huế xin Tự Đức bỏ lệnh cấm đạo và được Tự Đức phong cho Khâm sai Kinh lược phó sứ chuyên giải quyết những rắc rối, thù hằn giữa lương và giáo. Hắn đã lợi dụng chức vị để giết hại rất nhiều người dân lương thiện.

Thời gian Tam nguyên Trần Bích San còn làm tuần phủ Hà Nội, cũng là thời gian Cố Sáu đi lại từ Phát Diệm - Hà Nội như con thoi để cùng giám mục Cố Phước (Puninier) làm tai mắt cho Pháp chuẩn bị chiếm thành Hà Nội và mấy tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Có lần gặp được Tam nguyên Trần Bích San, hắn bàn chuyện văn chương rồi xin đưa ra một câu đối nhờ đối hộ:

Bẩm quan lớn, các đạo trưởng bên chúng tôi, dân thường gọi là “cụ”. Có một người ra một câu đối để chúng tôi đối mà nghĩ mãi chưa làm sao đối được.

Tam nguyên Trần Bích San thừa biết tên đạo trưởng này đã nhiều lần theo bọn Tây dương nhúng tay đánh giết nghĩa quân cuả thầy học mình là Tam Đăng Phạm Văn Nghị nên đã cảnh giác. ..".

Ở đây, ta lại gặp mâu thuẫn nội tại. Vì ngay trước giai thoại này gần hai trang, tức là trang 836, ở phần giới thiệu về Trần Bích San, tác giả viết: "Năm 1872, ông về quê chịu tang cha trong ba năm. Năm 1875, ông vào Huế nhận chức Thị lang bộ Lại, ít lâu sau giữ chức Tuần phủ Hà Nội. ..". Như vậy chính tác giả cũng thừa nhận sự kiện là sớm nhất cũng phải là năm 1875 Trần Bích San mới làm tuần phủ Hà Nội! Các sách Giai thoại làng nho của Lãng Nhân, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế cũng cho biết là khoảng năm 1875 Trần Bích San mới lãnh chức tuần phủ Hà Nội.

Cũng cần phải biết thêm rằng từ năm 1873 đến năm 1883, quân Pháp hai lần chiếm thành Hà Nội và cả hai lần đều có một sĩ quan Pháp bị giết chết ở Cầu Giấy. Lần thứ nhất, Francis Garnier bị quân của Hoàng Tá Viêm giết chết ngày 21-12-1873, còn lần thứ hai Henri Rivière bị giết vào ngày 19-5-1883. Như vậy, Trần Bích San làm tuần phủ Hà Nội sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội lần thứ nhất và trước khi quân Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai.

Tôi cũng nhận thấy trong giai thoại này, tác giả đã quá chủ quan khi viết: "Tình hình giữa ta và giặc rất găng. Bọn đạo Gia tô ỷ thế Tây quấy phá khắp nơi, không riêng gì Hà Nội mà cả Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình." Đã từ khá lâu rồi, đồng bào Công giáo (mà người ta thường gán cho cái tên là Gia tô hay Thiên Chúa giáo) thường được gắn liền với danh hiệu bán nước, hại dân, phản động. Thiết nghĩ về mặt lịch sử, cần phải công tâm và khách quan thì mới có thể phần nào hiểu được sự thật.

Giai đoạn mà tác giả thuật lại trong giai thoại này là thời gian mà người Công giáo vừa thoát khỏi cuộc bách hại qui mô của triều đình được áp dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, người Công giáo giai đoạn này cũng còn phải chịu rất nhiều mất mát do phong trào Văn Thân phát triển mạnh ở các tỉnh miền Bắc, đặt biệt là miền Trung. Với khẩu hiệu "Bình Tây sát tả", phong trào Văn Thân đã gây ra những cảnh tàn sát thương tâm, nhiều ngôi nhà thờ Công giáo bị phá huỷ, nhiều làng Công giáo bị triệt hạ dã man, và hậu quả là một bầu khí bất hoà trầm trọng giữa đồng bào lương - giáo. Trong hoàn cảnh bị triều đình ngược đãi, bị đồng bào ghẻ lạnh, không tránh khỏi chuyện người Công giáo võ trang chống lại hoặc có những người Công giáo ngả về phía người Pháp. Tuy nhiên cũng không thiếu những tâm gương Công giáo yêu nước như linh mục Đặng Đức Tuấn, ông Nguyễn Trường Tộ.

Ông Nguyễn Trường Tộ nói về việc này: “Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người? Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu trói. .. Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó. Tôi rất lấy làm lo ngại mà không có cách nào giải quyết. Bởi vì sĩ phu trong tỉnh hạt có nhiều ý kiến khác nhau. Đã nói ra khó với lại được. Hơn nữa sự thù hằn này đã sâu sắc, việc làm ác độc này đã kéo dài, lòng không sao yên được. Cho nên không ai chịu tự giải thích cho mình, cũng không chịu giải thích cho người khác.

[. .. ]

Dân tình thế đấy hỏi làm sao yên ổn lâu dài được? Xét cho cùng cũng bởi một là do ơn trên chưa được rộng khắp, hai là do sai lầm trước chưa giải thích được, ba là do bọn ăn không ngồi rồi bịa đặt mà gây liên luỵ, bốn là do bọn cường hào tác uy tác phúc ngoài pháp luật, năm là do bọn quyền quý mượn uy thế doạ nạt người, sáu là do dân đạo không yên tâm phải luôn luôn ngó trước nhìn sau. Những điều ẩn khuất như vậy, ở đây mười điều tôi mới chỉ mới nói một mà thôi. Bởi vì chuyện đời thường ở trong thì nhỏ mà ngoài xé ra to. Huống chi những việc bình dân doạ nạt đâu phải mới một ngày một bữa, lâu rồi phải khiến người ta tin mà sợ.” (trích di thảo số 14, Tình hình lương giáo ở Nghệ An theo Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, NXB Tp. Hồ Chí Minh 1988, tr. 181-183).

Về chuyện này, ông Trần Trọng Kim cũng viết: "Nguyên bấy giờ dân trong nước ta chia làm hai phái: bên lương, bên giáo; hai bên vẫn không ưa nhau. Đến khi xảy ra việc đại uý Francis Garnier lấy Hà Nội, bọn sĩ phu ở mạn Nghệ Tĩnh thấy giáo dân có nhiều người theo giúp ông ấy, thì lấy làm tức giận lắm, bèn rủ nhau nổi lên đánh phá.

[. .. ]

Nước ta mà không chịu khai hoá ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trọng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!" (Việt Nam sử lược, NXB Đà Nẵng, 2003, tr. 513-514).

Như vậy, sự thực không phải như tác giả nói “Bọn đạo Gia tô ỷ thế Tây quấy phá khắp nơi, không riêng gì Hà Nội mà cả Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình”. Linh mục Bùi Đức Sinh nói tới chuyện này: “Hoà ước đã ký và trên nguyên tắc cuộc bách hại chấm dứt, nhưng tại địa phương các quan vẫn còn lập mưu bắt bớ giáo dân; cấm thi cử, cấm làm quan, có kêu quan điều gì cũng chẳng ai nghe. Dân lương biết ý vua quan, thì cũng nạt nộ giáo dân, bới kiện bất công, đòi trái lẽ, cũng phải chịu. Năm 1863, linh mục Phêrô Dũng quê Kẻ Bạng, chính xứ Phát Diệm từ năm 1862, bị bắt và chết rũ tù ở Ninh Bình. Cũng năm ấy cha Alexi Thức, quê Kẻ Sét, bị bắt ở Tôn Đạo bị cấm cốc, chết trong ngục.

Nhóm Văn Thân ở Ninh Bình, Nam Định tổ chức một đạo quân lưu động, đặt dưới quyền chỉ huy của hoàng giáp Tam Đăng, một viên quan hồi hưu rất uy thế, vì các tú tài, cử nhân cùng một số đông quan chức đều là cựu học sinh của ông. Triều đình không bao giờ chấp nhận sự thành lập đạo quân lưu động này. Ngày 14.1.1868, Văn Thân vây đánh Kẻ Trình và nhiều xứ khác thuộc tỉnh Nam Định. Họ tiêu huỷ thánh đường, tu viện và 30 căn nhà của giáo dân. Dân công giáo kháng cự và bắt giữ hai tên khủng bố, trong số này có Tú Đường. Tú Đường bị nhà vua lên án xử giảo giam hậu, song cũng phạt cha xứ Kẻ Trình, và mấy bổn đạo, nhưng nhẹ hơn, vì nhà vua muốn xử hoà đôi bên.” (Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Quyển II, Calgary, Canada, 2002, tr. 488, dẫn theo H. Ravier, Sử ký Hội thánh, Hà Nội 1934, Q. III, tr 569-570).

Còn về chuyện cố Sáu làm tay sai cho Pháp thì cụ Tuyết Huy Dương Bá Trạc có viết trong bài thơ Xem nhà thờ Phát Diệm nhớ ông Trần Lục:

“Trong cơn sấm gió nổi anh hùng

Nam Pháp giao thời có một ông

Chí lớn vẫy vùng chưa được thoả

Giang sơn để lại chút kì công.”

Chính cụ Tuyết Huy chú thích về cụ Trần Lục: “Ông Trần Lục là một người có tài học khác thường, vốn theo đạo Thiên Chúa, học chữ Latinh, chữ Pháp, chữ Hán đều giỏi cả. Người rất thao lược, đúng lúc người Pháp mới sang nước ta, việc giao thiệp hai bên đều phải nương cậy vào ông cả. Nhưng xem ý ông cho sự nghiệp đó chưa được thoả chí mình, về vãn niên ông đứng làm nhà thờ Phát Diệm, cách kiến trúc cực kì đồ sộ lộng lẫy mà tỏ ra cái đặc sắc một nhà thờ của người Nam.” (Nét mực tình, Đông Tây ấn quán, 1937, tr. 10).

Trong đoạn văn của cuốn Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam được kể ra ở đây, tác giả đã viết sai hai tên riêng, tên một địa danh và tên một nhân vật: Phan Đình Phùng từng làm tri phủ Yên Khánh chứ không phải là Diên Khánh, tên của Cố Phước là Puginier chứ không phải là Puninier! Đến đây xin được mượn lời tác giả trong Phụ đề: Thật - Giả trong nghệ thuật, trang 1007 - 1023: “Ôi, một cái tên chép còn sai thì nói gì đến những chuyện khác.” Thế mà ở đây lại là hai cái tên chứ không chỉ là một!

Ngoài ra, tác giả còn lầm lẫn khi viết: “Cố Sáu giảo quyệt dựa vào Tây để vào Huế xin Tự Đức bỏ lệnh cấm đạo và được Tự Đức phong cho Khâm sai Kinh lược phó sứ chuyên giải quyết những rắc rối, thù hằn giữa lương và giáo.” Trước hết Cụ Sáu vào kinh thành Huế sau hoà ước Nhâm Tuất, ngày 5-6-1862, tức là sau khi triều đình Tự Đức đã có chiếu chỉ tha đạo. Do đó không có chuyện Cụ “xin Tự Đức bỏ lệnh cấm đạo”. Hơn nữa vua Tự Đức không hề phong tước quan cho Cụ Sáu, mà chỉ ban một kim khánh và năm kim tiền để tưởng thưởng công lao của Cụ. Mãi tới năm 1886 vua Đồng Khánh mới phong Cụ làm Tham tri bộ lễ, Khâm sai Tuyên phủ sứ. Rồi năm 1899, vua Thành Thái phong Cụ làm Thượng thư bộ lễ.

Tác giả cũng đưa ra thông tin thiếu chính xác như sau: “Lúc ấy cố Sáu (hoặc cụ Sáu), tức Trần Lục, tên thật là Trần Triêm, người Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, đang cai quản các xứ đạo Phát Diệm, Tĩnh Gia, Nông Cống.” Sự thực thì từ năm 1865 đến khi cha Trần Lục qua đời, tức là năm 1899, cha Trần Lục chỉ cai quản xứ đạo Phát Diệm mà thôi.

Trong số những vấn đề liên quan đến cha Phêrô Trần Lục mà tôi vừa nêu ra, có không ít vấn đề hiện vẫn chưa có tiếng nói chung trong giới sử học. Tôi rất mong được các nhà sử học công tâm và chân chính chỉ giáo thêm cho. Dẫu sao, với một cuốn sách được rất nhiều người đánh giá cao, được quảng cáo khá kêu, mà lại phạm phải những sai sót rất đáng tiếc như vừa nêu thì hậu quả gây ra cho nền “học thuật” nước nhà chắc chắn không phải là nhỏ.

Tôi là người học thức nông cạn, chỉ vì thấy những chỗ sai quá rõ ràng, chẳng đừng được nên mạo muội lựa ra vài chỗ nêu lên để rộng đường dư luận. Tôi vẫn nghĩ những lúc trà dư tửu hậu, kể vài giai thoại cho vui thì dẫu có sai sót đôi chút cũng không tai hại gì lắm. Còn hạ bút lập ngôn lại là chuyện khác hẳn, cần phải tra cứu kĩ càng. Người xưa có câu “Nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy”, huống hồ đây lại là chuyện viết sách công bố khắp trong Nam ngoài Bắc. Rất mong những người có trách nhiệm xem xét và sửa chữa những sai lầm tai hại để cho lớp hậu sinh được nhờ.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Văn Hóa Công Giáo