CẤY ĐƯỢC HỒNG VÀO TIM

 Lm. Trần Cao Tường

Thế là các tay làm tiền đã thành công chế tạo ra được một thế hệ trẻ mới toanh. Báo Newsweek số tuần này đã cho lên hình bìa một bé trai và một bé gái đứng dựa lưng vào nhau, với những bộ quần áo thời trang mới nhất ống rộng thùng thình, đôi giầy to tướng tưởng như nặng hơn người, cổ thì đeo cặp "earphone" để nghe nhạc nóng hổi vừa ra lò.

Đấy là "lễ nghi" ra mắt xưng danh của một đợt tuổi mới gọi là tuổi Tweens, vào khoảng từ 8 đến 14. Tweens là tiếng mới toanh vừa được chế ra để cộng thêm vào cơn nhức đầu của nhiều gia đình vốn đã khốn đốn với đám choai choai tuổi Teen! Bên trong tờ báo là một loạt những phóng sự, nhận định và tìm cách ứng xử với cái hiện tượng nóng bỏng này. Có phải đám trẻ bây giờ lớn lên quá nhanh, hay những tay làm tiền đã tạo ra được một lớp trẻ bị kích thích ham hố hưởng thụ một cách kỳ quặc chưa từng có không? Quần áo thì chỉ vài tháng đã phải thải đi để mua cho bằng được kiểu mới nhất, và dĩ nhiên cũng rất mắc tiền. Đi học về là phải có computer để nói chuyện cả mấy tiếng với bạn bè tình cờ mới vớ được trên mạng lưới, thành ra điện thoại chẳng mấy khi liên lạc được. Đám Tweens cũng có những tạp chí đầy hình ảnh màu mè về băng nhạc 'N Sync và những thúc bách khát thèm những mẫu trẻ được tô vẽ là rất "ngầu", rất "cool" biết nghe những đĩa CD vào loại bán chạy nhất. Và phòng riêng của các "đấng nhô con" này thì, ôi thôi, đầy ắp không thiếu một mặt hàng nào mới nhất của các hãng sản xuất.

Nhìn vậy ai cũng nghĩ ngay rằng số tiền chi phí của cha mẹ phải còng lưng tới mức nào, không chiều không được vì con mình sẽ bị mặc cảm chẳng giống ai! Nhưng điều đặt ra là cơn khát thèm của đám trẻ bây giờ không bao giờ thỏa. Vì cả một sức ép của xã hội đẩy chúng vào cái đà luôn vơ vào cho mình mà chẳng bao giờ được đào tạo để hy sinh và chia sẻ cho người khác. Chúng trở thành bất mãn nhiều hơn, ích kỷ hơn ra. Chả bù cho thời mình còn nhỏ chỉ mơ chặt ổi đẽo được một con quay mà chơi với bạn bè lối xóm là hạnh phúc quá rồi.

THỜI ĐIỂM KHÁM PHÁ RA PHƯƠNG CÁCH CHỮA TẨU HỎA NHẬP MA

Bắt đầu từ ngày 5 tháng 10 năm 1999 đến 28 tháng giêng năm 2000, xương của một vị thánh trẻ là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng từ Pháp được du hành qua Mỹ, tới trên 120 nơi trên hầu hết các tiểu bang. Đây là một hiện tượng khác thường vào thời điểm này. Dấu gì lạ vậy?

Thánh nữ Têrêsa chỉ là một nữ tu Dòng Kín ở Lisieux miền Bắc nước Pháp, qua đời lúc mới 24 tuổi. Cả cuộc sống của thánh nữ thật bình lặng tưởng chừng chẳng có gì để nói. Một hôm nằm bệnh sắp chết, thánh nữ nghe một chị xì xào:

“Têrêsa Hài Đồng sắp chết rồi. Chị ấy qua đi không biết mẹ bề trên phải nói chuyện chị làm sao. Chắc mẹ sẽ lúng túng lắm, vì chị ấy đáng yêu thì đáng yêu thật, nhưng chị chẳng làm nên truyện gì đáng nói”.

Vậy mà vào tháng 10 năm 1997, đúng 100 năm sau khi qua đời, thánh nữ đã được tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh. Đây là tước hiệu rất hiếm trong Hội Thánh Công Giáo. Các vị được phong như thế, ngoài đời sống thánh thiện ra, thường đã để lại những pho sách với những học thuyết sống Tin Vui của Chúa đáp ứng thời điểm ở mức độ cao, trong truyền thống vẫn gọi là các đường tu đức. Nhưng riêng thánh Têrêsa thì có để lại sách vở gì đâu ngoài những đoạn văn ngắn như nhật ký chụp ghi những gì xảy ra chung quanh trong cuộc sống thường ngày dưới ánh sáng Tin Vui.

Nhưng đây lại chính là điềm thời đại, khi đời sống mỗi ngày mỗi trở nên phức tạp và phiền toái một cách khủng khiếp, rướn mãi cũng không sao bắt kịp. Chẳng phải chỉ đám trẻ mới bị thúc bách lên cơn thèm khát tiêu thụ vật chất không bao giờ thỏa, mà ngay cả người lớn cũng đang bị ném vào cái đà trớn như vòng xích kéo lết mình đi, càng ngày càng bận rộn và hối hả thêm lên, đời sống cứ gia tăng độ căng thẳng lo âu ngột ngạt. Như vậy đúng là bị "tẩu hỏa nhập ma" rồi! Cũng giống chứng ung thư tinh thần vậy, những tế bào tự hủy hoại lẫn nhau theo một tốc độ khủng khiếp chứ không còn do vi trùng nào từ bên ngoài nữa.

Đó là chứng bệnh nan y của thời đại, nhà bác học nào khám phá ra cách chữa trị thì chắc chắn là ân nhân của nhân loại, và đáng nhận tước hiệu gấp triệu lần giải thưởng Nobel. Thì đây, nhà "khoa học" đó là Têrêsa đã được công nhận và tuyên dương vào đúng thời điểm nhân loại cựa mình vào thiên niên mới. Phương pháp lại rất đơn giản: chính là tìm lại được con mắt nhìn ra vẻ đẹp tình yêu và nét giầu có qua bất cứ gì xem ra tầm thường và nhỏ bé trong cuộc sống đời thường, chứ không phải những ảo tưởng hay những viễn mơ đâu đâu.

Mùa hè năm 1969, người Mỹ trong tự hào tiến bộ đã đặt bước chân thứ nhất xuống được mặt trăng. Cũng vào kỳ hè đó, lúc còn là sinh viên trọ học ở Paris, tôi có dịp tìm đến Lisieux lần đầu. Hồi đó, tôi chưa kịp thấy hai chuyện này có liên hệ gì với nhau. Nhưng nay, sau hơn ba mươi năm tôi mới sực nhận ra rằng lúc cứ tưởng phải lo chạy tìm ý nghĩa cuộc sống ở mãi xa vời trên cung trăng hay phía ngọn núi bên kia, thì mình lại được dun dủi tìm tới một con đường gần kề giản đơn của thánh nữ Têrêsa.

Chỉ cần bơm chất tình yêu vào là con đường nào cũng nở hoa, mọi nhỏ bé tầm thường biến thành kỳ diệu, mọi đen tím đỏ vàng kết lại thành cầu vồng rực rỡ, mọi cung bậc bổng trầm mâu thuẫn hòa lại thành khúc hát dịu êm. Con mắt nhà nghệ sĩ thứ thiệt khám phá ra nét giầu có và vẻ cao quí nơi mọi cảnh vật, mọi chuyện xảy ra chung quanh. Một bông hoa nhỏ, một cành lá, tất cả đều lạ lùng quá. Truyện tự thuật "Một Tâm Hồn" đã được thánh nữ gọi là "Truyện Bông Hoa Trắng Nhỏ Mùa Xuân", đúng là những đoạn văn đầy ắp muôn loài hoa đang nở tràn mọi ngóc ngách trong mỗi phút giây:

“Người mở ra trước mắt con cuốn sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết: mầu thắm hoa hồng và sắc trắng tinh hoa huệ, cũng không át được mùi hương hoa tím, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh đẹp của loài hoa cúc. Phải rồi, nếu tất cả những hoa nhỏ xíu ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở... Những linh hồn ngây thơ chất phác này chính là những hoa nở ngoài đồng, mà vẻ đơn sơ mộc mạc làm say lòng Chúa, và bởi sự tự nhún nhường ấy, Chúa đã tỏ uy quyền cao cả vô cùng của Chúa ra.”

TIN VUI RẮC HOA HỒNG MỖI BƯỚC CHÂN ĐI

Với cùng một lối văn bình dị trong sáng như vậy, thánh nữ đã để lại trên 60 bài thơ rất dễ thương. Thánh nữ là một nhà thơ theo đúng nghĩa nhất, là nhìn thấy chất thơ trong bất cứ gì. Bài nào cũng nở tràn hoa hồng mỗi bước chân đi như những phép lạ của đời sống, đúng như lời hứa "sẽ làm mưa hoa hồng xuống mặt đất."

Chúa là bông huệ rất xinh tươi

Lan tỏa hương thơm khắp cõi trời

Và Chúa chính là hoa mộc dược

Trên lòng ôm xiết chẳng buông lơi.

 

Tình Chúa luôn luôn ấp ủ con

Nơi Ngài có ruộng, có rừng hoang.

Có bờ lau sậy có đồi núi,

Có những trận mưa, có tuyết buông.

      (Xuân Thu chuyển thơ từ bài Ce que J'amais)

Chìa khóa của phương cách chữa chứng "tẩu hỏa nhập ma" của thời đại chính là nụ hồng tình yêu, hé nở từ những gì nhỏ bé của đời thường, chứ không phải những đua hòi ham hố. Chính vì vậy mà chương trình đón di tích xương thánh đã được tổ chức rất qui mô, và tạo ra được bầu khí hào hứng nơi đại chúng Mỹ, vì đáp ứng đúng nhu cầu thời điểm. Khám phá quan trọng nhất cho ngàn năm mới là phương cách cấy hồng vào tim, làm nở hoa tình yêu trong một thế giới đang tàn lụi chất sống này. Đó chính là cốt tủy Tin Vui của Chúa:

"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy." (Mt 22:37-40)

PHÚT CẤY HỒNG VÀO TIM

Đúng vậy, tình yêu có sức làm phép lạ. Chấp nhận và yêu thương cuộc đời trong tầm tay thì cuộc đời tự nhiên bật lên những nụ hồng. Để cho ánh sáng Tình Yêu chiếu vào cuộc sống mình thì mọi đen xám mang màu sắc mới.

Truyền thống đạo Chúa có một phương cách kết hoa hồng rất đơn giản nhưng đầy lực tình là chuỗi kinh Mân Côi, có nghĩa là vòng hoa hồng, hoa tình yêu. Mình muốn được giây phút cấy hồng vào tim, miệng lâm râm lời kinh Mân Côi mời đón Tình Yêu bước vào. Từng hạt kinh bật lên nụ hoa mới trải dài khắp các lối đi. Hình ảnh diễm lệ này được thánh nữ Têrêsa diễn lên thành những vần thơ tuyệt diệu như trong bài "Tôi Yêu" (Ce que J'amais):

Có Chúa Giêsu là có cả,

Có đồng lúa chín có hoa tươi.

...

Có bản đàn dây rất diệu huyền

Dòng sông chảy xiết, thác giao duềnh

Vỉ van tiếng suối thầm than thở

Chim cũng đàn lên khúc nhạc êm.

 

Có cầu vồng đẹp, có bình minh,

Có cả chân trời biếc biếc xanh:

Có đảo xa khơi có ruộng lúa,

Có mùa xuân nhộn, bướm huy hoàng.

....

Trong Ngài con có bồ câu trắng

Đầy ngọc đầy vàng dưới ao thô

Nào nhẫn nào kiềng, nào hoa, xuyến

Toàn hàng ngọc quí sáng sao sa.

...

Trong Ngài con có vì sao sáng

Tình ái luôn chơi cuộc hú tim

Giữa bóng đêm dầy con vẫn thấy

Chính bàn tay Chúa ẩn hiện bên.



(Xuân Thu chuyển thơ)



Lm. Trần Cao Tường 

(từ tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình, Thời Điểm xuất bản)