California:

Kính thưa quý độc giả rất thân thương của Vietcatholic

Trong bản tin tuần trước vào ngày 26/9 với tựa đề "Tổng kết Đại Hội Kinh Thánh Quốc Tế tại Roma", ở cuối bài có đưa ra một số câu hỏi xin được lập lại ở đây:

****

...Những câu đố liên quan đến bài trong Kinh Thánh mà ai cũng quen thuộc và đã nghe ít nhất một năm một lần, hoặc đã từng nghe những bài Thánh Ca liên quan cho nên ắt hẳn mọi người đều thuộc. Bài phúc âm là bài dụ ngôn người cha nhân hậu hay là dụ ngôn đứa con hoang đàng (prodigal son)... .

Xin đặt những câu hỏi như sau:

1. Bài Kinh Thánh trên nằm trong quyển phúc âm nào (Matthêu, Maccô, Luca hay Gioan), chương nào và trong những câu nào? Xin liệt kê tất cả.

2. Đoạn Kinh Thánh trên sẽ được đọc trong Bài Phúc Âm ngày nào và trong năm nào của mùa Phụng Vụ. (Nếu bạn không có sách lễ giáo dân, thì bạn có thể đọc phần Phụng Vụ Lời Chúa trong tiết Mục Vụ Phụng Vụ bắt đầu từ ngày mai, và đọc trong hết một năm, đến năm sau thì sẽ biết bài phúc âm ấy được đọc trong ngày nào rồi trả lời cũng không sao).

3. Trong bản tiếng Anh của bài Phúc Âm trên, cụm từ "Fatted Calf" xuất hiện 3 lần, nếu so với bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt, cụm từ này dịch ra làm sao, có giống nhau không, nếu khác biệt thì bạn suy nghĩ cho kỹ, chỗ khác biệt ấy nói lên điều gì? (Bạn có thể coi cuốn Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn hay cuốn Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch CGKPV).

4. Khi người con thứ (đứa con đi hoang) vừa làm quyết định trở về lúc ấy nó có hối hận ăn năn không và tại sao?

5.Khi người con thứ trở về, người cha mở tiệc ăn mừng, người con cả thấy thế không chịu vào nhà khiến cho người cha phải ra năn nỉ. Sau đó cậu con cả này có chịu vào nhà không?

***

Đây chỉ là những câu hỏi, bạn có thể cho nó là những câu hỏi đố vui, có thể là quan trọng cũng có thể là không quan trọng, nhưng khi đặt dưới một tiêu đề "Một bài trắc nghiệm" thí nó phải có tính nghiêm trọng của nó. Có nghĩa là trong cuộc đời tôi, cuộc đời của anh, của chị, của các bạn.. ..Kinh Thánh đến với tôi như thế nào, tôi đối xử với Kinh Thánh với Lời Chúa như thế nào?

Xin đọc tiếp một đoạn Kinh Thánh trong sách Matthêu "Dụ ngôn người gieo giống" mà bạn đã nghe trong bài Phúc Âm vào ngày Chúa Nhật 15 Thường Niên vừa qua (10/7). Chương 13 câu 1-23.

***

Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.9 Ai có tai thì nghe.".....

***

Thật khó hiểu quá, các môn đệ của Chúa Giêsu còn chưa hiểu huống chi là mình, nhưng chính Lời Chúa Giêsu đã giải thích:

***

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

****

Như thế qua Lời Chúa, tôi tự vấn lương tâm tôi thuộc hạng người nào. Trong Hiến Chế Dei Verbum số 25, nếu bạn có cuốn sách Thánh Công Đồng Vaticanô II ấn bản năm 1980 của Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, thì bạn mở trang 516, hoặc ấn bản cũ năm 1969 do Senatus Sài Gòn xuất bản trang 105, bạn sẽ đọ lời của Thánh Giêrônimô.

Trong sứ điệp đọc trước tất cả các Hồng Y, các Giám Mục và các chuyên viên về Kinh Thánh tham dự Đại Hội Kinh Thánh Quốc Tế tại Roma (14-18.9.2005), Đức Giáo Hoàng Biển Đức XXVI đã nhắc lại lời này (Đoạn thứ 5 trong bài sứ điệp). Trong Lá Thư Mục Vụ Năm 2005 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 9.9.2005 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu, các giám mục cũng nhắc lại lời này trong tiết số 7 "Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu". Trong Lời Giới Thiệu của cuốn "Lời Chúa Cho Mọi Người" của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh cũng nhắc lại lời này (đoạn số 5).

Lời của Thánh Giêrônimô quan trọng quá, thật vậy thánh nhân đã nói "Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô". Câu nói này rất là quan trọng và nghiêm trọng.

Tới đây xin được đi vào các phần giải đáp.

Trước tiên nếu bạn không có cuốn Kinh Thánh thì quả là mình đang đứng bên bờ vực thẳm rồi đấy, thời buổi ngày nay không thể nói như ông bà ta ngày xưa vì "tôi mù chữ". Nếu chưa có không sao, theo tinh thần của Lá Thư Chung của HDGMVN tiết số 7 các Đức Cha khuyến khích:

"- Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước".

Trong dịp này bạn hãy đi kiếm ngay đi, chưa muộn!

1. Bài Kinh Thánh có tên "Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu" hay " Dụ Ngôn Người Con Hư Mất" hay "Tình Phụ Tử" hay "Dụ Ngôn Người Con Hư Mất và Được Tìm Thấy".

Để tìm ra đoạn trên, bạn có thể tìm kiếm bằng cách:

- Lấy dĩa CD Thánh Kinh do Vietcatholic xuất bản dùng trên máy com piu tờ, bạn dùng con chuột nhấn vào chỗ có kính hiển vi (icon số 2) nó sẽ hiện lên phần tìm kiếm, bạn đánh một chữ nào đó mà bạn nghi là nó sẽ nằm trong đoạn Kinh Thánh ấy, thí dụ như "người con cả", "người con thứ"... rồi bạn nhấn phần Tân Ước nó sẽ tìm cho bạn. Bạn thử xem hãy đánh "Người con thứ", voilà! Thấy rồi, nó hiện lên 2 đoạn của Chương 15 của Thánh Luca.

- Nếu bạn không có dĩa CD, bạn cũng có nhiều cách khác để tìm thí dụ bạn lấy một cuốn sách tiếng Anh thường với tên "..Concordance of the Bible...", mục đích của cuốn này là tìm những từ trong Kinh Thánh, bạn sẽ nghĩ ngay đến từ "fatted" hay chữ "calf", bạn hãy tìm thử chữ "calf" xem nó sẽ liệt kê hết cho bạn từ này xuất hiện chỗ nào trong cuốn Kinh Thánh, bạn lần lượt nhìn xem nó nằm trong sách nào của bốn cuốn đầu sách Tân Ước (Matthêu, Maccô, Luca, Gioan) ở đây nó sẽ liệt kê cho bạn chữ LK 15:23; Lk 15:27; LK 15:30 nghĩa là trong sách Luke (Luca).

Từ đó bạn mở sách Kinh Thánh ra chương 15 bạn sẽ tìm thấy nó nằm trong chương 15 từ câu 11-32 của sách Thánh Luca.

- Nếu không có dĩa CD, hay cuốn "Concordance", bạn cũng có thể tìm bằng cách lật từng trang trong 4 cuốn sách đầu của Tân Ước.

Với 2 cách tìm trên bạn sẽ khám phá ra rằng, đoạn văn này không có nằm trong một bản văn Kinh Thánh nào khác ngoài sách Luca. Hoặc giả bạn đã tìm ra được bài phúc âm trên bạn có thể kiểm chứng bằng cách mở cuốn:

- "Đối Chiếu Bốn Sách Tin Mừng" của Nhóm PDCGKPV (Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ) trang 192 hay mở ra bài Phúc Âm trong cuốn "Bốn Sách Tin Mừng" của Nhóm PDCGKPV trang 272. Đây là 2 cuốn mà bạn có thể dùng để đối chiếu xem đoạn văn có nằm trong phần nào của cuốn Kinh Thánh khác. Hai cuốn này tiện lợi vô cùng.

Từ đây bạn có thể khám phá ra rằng đoạn văn Kinh Thánh "Dụ Ngôn Người Cha Nhân Hậu" là một dụ ngôn danh tiếng của Luca và là dụ ngôn độc nhất vô nhị không xuất hiện trong các cuốn sách khác ngoài sách của Thánh Luca.

. Sách Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn trang 163 phần Tân Ước.

. Sách Kinh Thánh trọn bộ (PDCGKPV) trang 1976

. Sách Kinh Thánh Tân Ước (PDCGKPV) trang 333

. Sách Kinh Thánh Tân Ước khổ bỏ túi (PDCGKPV) trang 263

2. Đây là câu hỏi đi vào chuyên môn, không dám nói là hóc búa nhưng bạn cũng có thể tìm ra một cách dễ dàng mà không phải lật từng trang trong sách lễ giáo dân. Nhóm PDCGKPV có ấn hành một cuốn "Lời Chúa trong Thánh Lễ" vào năm 2002, liệt kê tất cả các bài đọc trong Thánh Lễ. Khi bạn đã biết đoạn Kinh Thánh nằm trong chương 15 từ câu 11-32 của sách Thánh Luca (Lc 15:11-32), bạn hãy mở trang 1265 của cuốn "Lời Chúa trong Thánh Lễ" trong tiết mục "Xuất Xứ các Bài Đọc", rồi bạn dò chữ Lc bạn sẽ phải mở tiếp đến trang 1273, từ đây bạn tìm số 15,1-32 bạn sẽ tìm thấy đề trang 172, 203, nhìn xuống một chút sẽ thấy đề trang 912.

Có nghĩa là đoạn Phúc Âm này được đọc trong 3 lần trong Mùa Phụng Vụ. Mở ra các trang trên bạn tìm thấy đó là bài Phúc Âm của ngày Thứ Bảy sau Chúa Nhật II Mùa Chay; ngày Chúa Nhật thứ IV mùa Chay năm C; ngày Chúa Nhật tuần XXIV Thường Niên năm C.

Vì là ngày Thứ Bảy sau Chúa Nhật II Mùa Chay có phải rõ ràng là năm nào cũng có đọc.

Trong trang "Xuất Xứ các Bài Đọc" của cuốn "Lời Chúa trong Thánh Lễ" rất hữu ích. Vì đôi khi trong những Cộng Đoàn Việt Nam dùng sách Bài Đọc cũ có đôi khi bài đọc in ra không phải là bài liệt kê trong phụng vụ (bài in sai). Từ cách này bạn có thể giúp Cha chủ tế tìm ra một bài đọc đúng nó được in trong ngày khác (vì đôi khi bài đọc xuất hiện 2 lần hay hơn), thay vì phải cầm một cuốn Kinh Thánh lên để đọc.

3. Trong bản tiếng Anh cụm từ "fatted calf" xuất hiện 3 lần ở câu 23,27,30.

Trong cuốn Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch cả 3 chỗ là "con bò tơ nẫy", "bò tơ nẫy", "bò tơ nẫy". Thường mình chỉ nghe "con nai tơ", cũng có thể nói "gà tơ", "vịt tơ", "trai tơ", "gái tơ". Nhưng con bò con là "con bê", con trâu con là "con nghé". Tiếng Việt đối với Trâu Bò Lợn chữ "tơ" động từ cũng có nghĩa là "giao cấu", cho nên "con bò tơ" dùng ở đây nguy hiểm vô cùng. Chữ "nẫy" khó hiểu.

Trong sách lễ Giáo Dân trang 242 (ấn bản năm 1971 hay ấn bản năm 2003) dịch là "con bê béo", "bê béo", "bê béo"

Trong cuốn Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch CGKPV dịch 3 chỗ là "con bê đã vỗ béo", "con bê béo", "bê béo". Chữ "béo" quá xúc tích làm ta liên tưởng tới chữ béo trong câu: "Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon".

Vì bản văn của Nhóm Phiên Dịch tra cứu từ nhiều sách khác nhau để cốt sao lột hết ý nghĩa của Lời Chúa. Câu 23 "con bê đã vỗ béo" mang một ý nghĩa rất đặc biệt, làm nổi bật tâm tình của Người Cha rất thương và nhớ tới đứa con thứ từ khi bắt đầu bỏ nhà ra đi. "Con bê đã vỗ béo" không phải chỉ kéo dài từ đêm qua, nhưng người Cha đã mong mỏi con và hy vọng đứa con trở về, ông đã sai gia nhân chọn một con bê tốt để vỗ béo nó. Con bê đó phải là con bê khoẻ mạnh không bịnh hoạn. Vỗ con bê con rất công phu, bê còn bú sữa bò mẹ, nó không biết ăn thực phẩm nhân tạo, thực phẩm hỗn hợp mà thời ấy làm gì có. Gia nhân phải nhốt riêng cả bò mẹ lẫn con bê cho nó ăn ở một cánh đồng cỏ non không nhốt chung với đàn bò khác. Nếu tối đến dắt về chuồng lại phải còn cắt cỏ non thêm cho nó ăn dạm. Chẳng những vỗ con bê nhưng phải vỗ luôn cả con bò mẹ để có sữa cho con bú.

Vỗ con bê quá công phu, nhìn được như thế mới thấy tấm lòng nhân hậu của người Cha quá thương con, thổn thức mong chờ đứa con thứ trở về và ông đã chuẩn bị ngay từ buổi đầu.

4. Khi người con thứ làm quyết định trở về, hối hận hay không thì không biết nhưng "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho."

Nó đi ở đợ cho người dân trong vùng, khi gặp nạn đói thì người dân này cũng lâm cảnh đói và heo của người dân này cũng phải đói. Thức ăn của heo này cũng chỉ là của dư phải hôi thối lắm và thằng con thứ muốn ăn là nó phải đói khủng khiếp lắm. Cho nên muốn trở về vì đã quá đói.

Trong cuốn "Tân Ước" của Nhóm PDCGKPV có chú giải phần này ở cuối trang 334 như sau:

"Đức Giêsu cho thấy người thanh niên này trở về không phải vì những lý do cao thượng. Dụ ngôn không tập trung ở việc hối cải của đứa con, mà ở tình thương của người cha".

5. Trong cuốn "Bốn Sách Tin Mừng" của Nhóm PDCGKPV ở cuối trang 273 có giải thích như sau: "Người con cả tượng trung cho những người Pharisêu và các kinh sư. Thái độ nhân hậu của người cha diễn tả lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, ngược hẳn với thái độ của họ. Họ tự phụ là những người công chính không bao giờ vi phạm điều răn của Thiên Chúa, luôn trung thành tuân giữ mọi yêu sách của lề luật".

Qua phần giải thích như thế, đứa con cả vì tự ái ngập đầu cho nên sẽ không vào nhà.

***

Nhân kỷ niệm 40 năm ban hành Hiến Chế Dei Verbum, và theo tinh thần của Lá Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, kính chúc quý vị và các bạn hăng say đọc Lời Chúa, nghiền ngẫm Lời Chúa, hiểu Lời Chúa để rồi thân thưa với Chúa và quyết tâm sống Lời Chúa.