Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) trong cuốn Kinh Thánh trọn bộ (1999) và cuốn Bốn sách Tin Mừng (2004) dịch ở Mt 1,18; Lc 1,27; 2,5 là thành hôn, và do đó đã gây thắc mắc cho một số độc giả trong nước cũng như ngoài nước : phải chăng dịch như vậy là phủ nhận Đức Ma-ri-a thụ thai mà vẫn còn đồng trinh ?

Vấn đề này khá phức tạp và đã được tranh luận nhiều. Ở đây nên xét về hai mặt ngữ học và phong tục.

1. Về mặt ngữ học

Ở cả ba chỗ dẫn trên đây, Mt và Lc đều dùng một động từ Hy-lạp duy nhất mnestêuo. Vì thế tuy có một vài bản đã dịch Mt 1,18 và Lc 1,27 khác với Lc 2,5, nhưng đa số dịch bằng một từ duy nhất. Cái khó là trong tiếng Việt thì dùng từ nào ? Đến đây ta cần tìm hiểu phong tục Do-thái thời xưa.

2. Về mặt phong tục

Hôn nhân Do-thái thời xưa gồm hai giai đoạn :

a. Nghi lễ cam kết : Trước mặt những người chứng, hai bên nam nữ ưng thuận kết hôn. Từ đó hai người được gọi là chồng là vợ và có đủ quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng theo pháp luật. Vì thế nếu người phụ nữ ăn nằm với người đàn ông khác thì bị coi là phạm tội ngoại tình (x. Đnl 22,23-24).

b. Nghi lễ rước dâu là nghi thức bổ túc : sau một thời gian (khoảng một năm) người phụ nữ mới được rước về nhà chồng để chung sống.

Vậy sau khi đã xét các khía cạnh của vấn đề, nên dùng động từ tiếng Việt nào để dịch mnestêuo : đính hôn hay thành hôn ?

Trong tiếng Việt, đính hôn thường hiểu là giao ước sẽ lấy nhau làm vợ chồng; còn thành hôn là chính thức lấy nhau làm vợ chồng.

Áp dụng vào ba chỗ Tin Mừng nói đây, thiết tưởng từ đính hôn không thích hợp cho Mt 1,18, vì bà Ma-ri-a và ông Giu-se đã thực sự cam kết với nhau theo phong tục Do-thái và, tuy chưa cử hành lễ rước dâu và chưa sống chung (Mt 1,18.24), nhưng về mặt pháp lý cũng được coi là vợ (cc. 20.24) và chồng (c.19). Nếu ở chỗ này dịch là đính hôn, có người sẽ hỏi : mới đính hôn mà sao đã đón vợ về nhà ?

Đính hôn càng không thích hợp cho Lc 2,5, vì khi đó bà Ma-ri-a đang đi Be-lem với ông Giu-se, nên chắc hai người đang chung sống (thậm chí ở chỗ này bản dịch La-tinh Nova Vulgata còn thêm từ vợ - không có trong bản Hy-lạp - để chỉ bà Ma-ri-a).

Riêng về Lc 1,27, bản văn không nói rõ khi đó đã rước dâu chưa - có lẽ là chưa -, nhưng nếu Mt 1,18 và Lc 2,5 dịch là thành hôn, thì ở đây cũng không thể dịch khác.

Tóm lại, chúng tôi nghĩ : nếu hiểu trong bối cảnh phong tục Do-thái thời xưa, nên dịch là thành hôn. Còn về tín điều Đức Ma-ri-a thụ thai mà vẫn còn đồng trinh thì Mt 1,18 và Lc 1,35 đã nói rõ.

***

Riêng về bản dịch Is 7,14 : “Này đây người thiếu nữ mang thai...” là dịch sát nguyên văn Híp-ri, trong đó từ ‘almâh có nghĩa là người rất trẻ thuộc nữ giới, không xác định thêm (trong tiếng Híp-ri còn một từ khác, bơtulâh, có nghĩa đích xác là trinh nữ, ví dụ khi nói về cô Rê-bê-ca ở St 24,16). Bản LXX (bản dịch Hy-lạp cổ) dịch ‘almâh parthênôs nghĩa là trinh nữ. Bản LXX, hình thành trong thế kỷ III-II trước công nguyên, có một số chỗ dịch hơi khác với bản Híp-ri, chứng tỏ có một sự tiến triển trong mặc khải; bản này thường được các tác giả Tân Ước dùng khi dẫn Cựu Ước. Mt 1,23 cũng dẫn Is 7,14 theo bản này, vì thế bản tiếng Việt của Nhóm CGKPV dịch Mt 1,23 là : “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai...”.

***

Những lời giải thích trên đây có thể không giải toả được hết những thắc mắc của một số người, nhưng hy vọng cũng cho thấy rằng các dịch giả trong Nhóm CGKPV đã làm việc cách thận trọng và đắn đo suy nghĩ.

Tp. HCM, ngày 21-09-2005

Tm. Nhóm Phiên Dịch

CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ