TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC



VERBUM DOMINI



LỜI CHÚA



Phần 1 - B: SỰ ĐÁP TRẢ CỦA CON NGƯỜI VỚI THIÊN CHÚA

ĐẤNG NÓI VỚI CHÚNG TA



Được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa

22. Nhờ nhấn mạnh đến nhiều hình thức của Lời, chúng ta đã có thể chiêm ngắm được một số cách thức mà trong đó Thiên Chúa nói với và gặp gỡ con người, làm cho con người biết đến Ngài trong cuộc đối thoại. Chắc chắn, như các Nghị Phụ đã nói, “Khi nói đến Mặc Khải, cuộc đối thoại đưa đến tính ưu việt của Lời Thiên Chúa nói với con người”.[71] Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ này giữa Thiên Chúa, là Đấng mời gọi con người bằng Lời của Ngài, và con người, là những kẻ đáp lại, mặc dù trong khi cho thấy rõ rằng đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người ngang hàng; điều mà chúng ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không phải là một khế ước giữa hai bên ngang hàng với nhau, nhưng thuần túy là một hồng ân của Thiên Chúa. Qua hồng ân tình yêu này, Thiên Chúa vượt qua mọi khoảng cách và thực sự làm cho chúng ta trở thành “đồng bạn” của Ngài, để tạo nên mầu nhiệm hôn nhân của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Trong viễn tượng này, mỗi người xuất hiện như một người được Lời ngỏ cùng, thách đố và mời gọi bước vào cuộc đối thoại tình yêu này bằng một sự đáp trả tự do. Như thế, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp lại Lời Ngài. Chúng ta đã được tạo dựng trong Lời và sống trong Lời; chúng ta không thể hiểu được mình trừ khi mở lòng ra với cuộc đối thoại này. Lời Chúa để lộ ra bản chất con thảo và liên hệ của cuộc sống con người. Quả thật, chúng ta được ơn thánh mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa nghe và trả lời các thắc mắc của ta

23. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, chúng ta hiểu được chính mình và khám phá ra một câu trả lời cho những thắc mắc sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta. Thực ra Lời Chúa không thù nghịch với chúng ta; nó không bóp nghẹt những khát vọng chân chính của chúng ta, nhưng trái lại soi sáng chúng, thanh lọc chúng và đem chúng đến viên mãn. Trong thời đại chúng ta, việc nhận ra rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đáp ứng nổi những khát vọng trong tâm hồn mỗi người chúng ta là điều quan trọng biết bao! Thật đau buồn mà nói rằng trong thời đại chúng ta, nhất là ở Tây Phương, đang có ý tưởng được phổ biến rộng rãi là Thiên Chúa xa lạ với cuộc sống cùng những vấn đề của con người, và chính sự hiện diện của Ngài có thể trở thành mối đe dọa đối với sự tự lập của họ. Trên thực tế, toàn bộ công trình cứu độ đều chứng tỏ rằng Thiên Chúa nói và hành động trong lịch sử vì ích lợi của chúng ta và để cứu độ chúng ta một cách toàn diện. Như thế, điều dứt khoát, theo quan điểm mục vụ, là phải trình bày Lời Chúa trong khả năng có thể nhập cuộc đối thoại với những vấn đề thường nhật mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người đến để chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10:10). Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng hết sức làm cho mọi người nhận ra Lời Chúa như cởi mở đối với các vấn đề của chúng ta, một câu trả lời cho các thắc mắc của chúng ta, một sự mở rộng các giá trị của chúng ta và một sự thoả mãn những khát vọng của chúng ta. Hoạt động mục vụ của Hội Thánh cần phải làm sáng tỏ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và lời cầu xin giúp đỡ của chúng ta thế nào. Như Thánh Bonaventura nói trong Breviloquium: “Hoa quả của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa quả nào, nhưng chính là sự viên mãn của hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Kinh là cuốn sách chứa đựng những Lời ban sự sống đời đời, để chúng ta không những chỉ tin mà còn có được sự sống đời đời, một sự sống trong đó chúng ta sẽ thấy và yêu, cùng mọi ước vọng của ta sẽ được thỏa mãn”.[72]

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính Lời của Ngài

24. Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta vào cuộc đàm thoại với Chúa: Thiên Chúa Đấng đang nói để dạy chúng ta cách thưa chuyện với Ngài. Ở đây, chúng ta đương nhiên là nghĩ đến Sách Thánh Vịnh, trong đó Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời để thưa chuyện với Ngài, để đặt đời sống của chúng ta trước mặt Ngài, và như thế biến chính đời sống mình thành một con đường đến cùng Thiên Chúa.[73] Thực ra trong các Thánh Vịnh, chúng ta thấy diễn tả mọi cảm nghĩ có thể có của con người trong cuộc sống, và chúng được trình bày một cách khôn ngoan trước Thiên Chúa; niềm vui và đau khổ, buồn phiền và hy vọng, sợ hãi và lo âu: tất cả đều được diễn tả ở đây. Với các Thánh Vịnh, chúng ta cũng nghĩ đến nhiều đoạn văn khác của Sách Thánh diễn tả việc chúng ta hướng về Thiên Chúa trong kinh nguyện chuyển cầu (x. Xh 33:12-16), trong bài ca mừng chiến thắng (x. Xh 15) hay trong cơn lo buồn vì những khó khăn gặp phải trên đường thi hành sứ vụ của mình (x. Gr 20:7-18). Bằng cách này, lời chúng ta thưa cùng Thiên Chúa trở thành Lời Thiên Chúa, và như thế xác nhận bản chất đối thoại của mọi Mặc Khải Kitô giáo,[74] và toàn thể cuộc sống của chúng ta trở thành một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi chúng ta và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Ở đây, Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta rằng trọn cuộc đời chúng ta ở dưới lời mời gọi của Thiên Chúa.[75]

Lời Chúa và đức tin

25. “Đối với Thiên Chúa Đấng mạc khải, chúng ta phải bày tỏ “lòng vâng phục trong đức tin” (x. Rom 16:26; Rom 1:5; 2 Cor 10:5-6). Nhờ đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do ‘dâng lên Thiên Chúa Đấng mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí’, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho.”[76] Với những lời này, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã diễn tả một cách chính xác thái độ mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa. Câu trả lời thích đáng của con người đối với Thiên Chúa Đấng đang nói là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ rằng “để đón nhận Mặc Khải, con người phải mở tâm trí của mình đối với tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ có khả năng hiểu Lời Chúa hiện diện trong Thánh Kinh”.[77] Thực ra, chính việc rao giảng Lời Chúa phát sinh ra đức tin, nhờ đó, chúng ta hết mình gắn bó với chân lý đã được mặc khải cho chúng ta và hoàn toàn tín thác vào Đức Kitô: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức Kitô” (Rom 10:17). Toàn thể lịch sử cứu độ đã chứng minh cách từ từ mối dây liên hệ sâu xa này giữa Lời Chúa và đức tin, là một đức tin xuất phát từ một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Như vậy, đức tin được hình thành như một cuộc gặp gỡ với Đấng mà chúng ta tín thác trọn đời cho Người. Đức Chúa Kitô Giêsu vẫn hiện diện hôm nay trong lịch sử, trong thân thể của Người là Hội Thánh; vì thế, hành vi đức tin của chúng ta cùng một lúc vừa có tính cá nhân vừa có tính Hội Thánh.

Tội lỗi là không chịu nghe Lời Chúa

26. Lời Chúa cũng không thể tránh được việc mặc khải sự thể bi thảm này là tự do con người có thể làm cho họ rút khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, mà vì nó chúng ta đã được tạo thành. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vẫn ngấm ngầm ẩn nấp trong tâm hồn con người. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, chúng ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả như một sự chối từ không chịu nghe Lời Chúa, như một sự xúc phạm đến giao ước, và như thế đóng cửa lòng chúng ta lại với Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta hiệp thông với Chính Ngài.[78] Sách Thánh chỉ cho thấy tội lỗi con người chính yếu là việc bất tuân và không chịu nghe [Lời Chúa]. Sự vâng lời đến cùng của Chúa Giêsu, ngay cả [vâng lời] cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi này. Sự vâng lời của Người đã phát sinh Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người, cùng ban cho chúng ta khả năng hòa giải. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền tội thay cho chúng ta và toàn thế giới (x. 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng có thể được cứu độ nhân từ và bắt đầu một đời sống mới trong Đức Kitô. Vì lý do đó mà điều quan trọng là phải dạy cho các tín hữu biết nhận ra rằng căn nguyên của tội lỗi chính là việc chối từ không chịu nghe Lời Chúa, và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, ơn tha thứ là điều mở lòng chúng ta đón nhận ơn cứu độ.

Đức Maria, “Mẹ của Lời Chúa” và “Mẹ của Đức Tin”

27. Các Nghị Phụ đã công bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp lần Thứ Mười Hai này là “canh tân đức tin của Hội Thánh trong Lời Chúa”. Để làm được như thế chúng ta cần nhìn lên Đấng mà trong Ngài tác động hỗ tương giữa lời Chúa và đức tin đã trở nên hoàn hảo, đó chính là Đức Nữ Trinh Maria, “Đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ với lời giao ước và với sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa”.[79] Thực tại nhân loại được tạo ra nhờ Ngôi Lởi, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng phục của Đức Maria. Từ lúc Truyền Tin cho đến Lễ Hiện Xuống, Mẹ luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn mở long ra đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (x. Lc 1:28) và vâng phục Lời Ngài một cách vô điều kiện (x. Lc 1:38). Đức tin vâng phục của Mẹ đã uốn nắn cuộc đời Mẹ trong mọi giây phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Một Trinh Nữ hằng chăm chú lắng nghe Lời Chúa, sống hoàn toàn hoà nhịp với Lời ấy; Mẹ giữ trong lòng mọi biến cố của Con mình, chắp nối chúng lại với nhau như một bức khảm duy nhất (x. Lc 2:19, 51).[80]

Trong thời đại chúng ta, các tín hữu cần được giúp đỡ để nhìn thấy rõ ràng hơn mối dây liên hệ giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc lắng nghe Lời Chúa bằng một đức tin tràn đầy. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu về sự liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và thần học về Lời Chúa. Điều này chứng tỏ là rất hữu ích cho cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Quả thật, điều mà sự hiểu biết về đức tin đã giúp chúng ta có khả năng hiểu biết về Đức Maria nằm ở trọng tâm của chân lý Kitô giáo. Việc nhập thể của Ngôi Lời không thể hình dung được nếu tách rời khỏi sự tự do của người thiếu phụ trẻ này, là Đấng nhờ sự ưng thuận của Mẹ, đã dứt khoát hợp tác vào việc Đấng Vĩnh Cửu bước vào thời gian. Đức Maria là hình ảnh của Hội Thánh đang chăm chú lắng nghe Lời Chúa, là Lời đã mặc lấy xác phàm trong Mẹ. Đức Maria cũng tượng trưng cho việc mở lòng ra cho Thiên Chúa và tha nhân; cho việc lắng nghe cách tích cực, là điều nội tâm hóa và đồng hóa, một điều mà trong đó Lời Chúa trở thành một cách sống.

28. Ở đây tôi muốn nhắc đến sự quen thuộc của Đức Maria với Lời Chúa. Điều này chứng tỏ rõ ràng trong Kinh Magnificat (Ngượi Khen). Ở đó chúng ta thấy, theo một nghĩa nào đó, Mẹ đã đồng hóa với Lời Chúa và nhập vào Lời Chúa như thế nào; trong thánh thi kỳ diệu này của đức tin, Đức Trinh Nữ đã hát những lời ca tụng Chúa bằng chính lời của Ngài: “Kinh Magnificat, có thể nói là một bức chân dung minh họa chính linh hồn Mẹ, đã được dệt hoàn toàn bằng những sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi được rút ra từ Lời Chúa. Ở đây, chúng ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa ra sao, Mẹ ra vào Lời ấy cách thoải mái. Mẹ nói và nghĩ bằng Lời Chúa. Lời Chúa trở thành lời Mẹ, và lời Mẹ phát xuất từ Lời Chúa. Ở đây chúng ta thấy tư tưởng của Mẹ hòa hợp với tư tưởng Thiên Chúa ra sao, ý của Mẹ làm một với ý Chúa thế nào. Vì Đức Maria thấm nhuần Lời Chúa cách sâu xa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể.[81]

Hơn nữa, khi nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế gian luôn bao hàm sự tự do của mình thế nào, vì nhờ đức tin, Lời Chúa biến đổi chúng ta. Việc tông đồ và mục vụ của chúng ta không bao giờ có thể hữu hiệu nếu không học từ Đức Maria cách thế để cho mình được công trình của Thiên Chúa uốn nắn từ nội tâm: “việc sùng kính và quý yêu chú tâm vào Đức Maria như mẫu gương và nguyên mẫu của đức tin Hội Thánh là điều quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời đại chúng ta một thay đổi cụ thể mẫu mực trong sự liên hệ của Hội Thánh với Lời Chúa, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn việc quyết tâm dấn thân cách quảng đại vào sứ vụ và việc rao giảng [Tin Mừng]”.[82]

Khi chiêm ngắm nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc sống hoàn toàn được uốn nắn bởi Lời, chúng ta ý thức rằng cả chúng ta cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó Đức Kitô đến cư ngụ trong cuộc sống chúng ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở chúng ta rằng, mọi Kitô hữu có đức tin, bằng một cách nào đó đều thụ thai và sinh hạ Lời Chúa: mặc dù chỉ có một mình Mẹ Đức Kitô là [thụ thai] theo thân xác, còn về phương diện đức tin, Đức Kitô là hoa trái của tất cả mọi người chúng ta.[83] Như thế, điều đã xẩy ra cho Đức Maria cũng có thể xẩy ra hàng ngày nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và cử hành các bí tích.

------------------------------

Chú Thích

71 Propositio 4.

72 Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

73 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 721-730.

74 Cf. Propositio 4.

75 Cf. Relatio post disceptationem, 12.

76 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 5.

77 Propositio 4.

78 For examPle: Dt 28:1-2,15,45; 32:1; among the prophets, see: Jer 7:22-28; Ez 2:8; 3:10; 6:3; 13:2; up to the latest: cf. Zech 3:8. For Saint Paul, cf. Rom 10:14-18; 1 Th 2:13.

79 Propositio 55.

80 Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic EXhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 33: AAS 99 (2007), 132-133.

81 ID., Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 41: AAS 98 (2006), 251.

82 Proposition 55.

83 Cf. Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, 1559-1560