Dei Verbum là một trong bốn Hiến Chế của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, bàn về Mặc Khải, được bỏ phiếu ngày 8.9.1965 và được ĐGH Phao-lô VI long trọng công bố ngày 18.11.1965. Hiến Chế gồm sáu chương bàn về : Bản tính Mặc Khải, Truyền thông Mặc Khải, Linh hứng và chú giải Kinh Thánh, Cựu Ước, Tân Ước, Kinh thánh trong đời sống Giáo Hội.

1. Bản tính Mặc Khải

Trong chương 1, Hiến Chế Mặc Khải nhắc lại rằng Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho loài người biết : “Do tình thương và sự khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn tự mặc khải mình.” [1] Ban đầu Người tự mặc khải qua lời các ngôn sứ và lịch sử dân được tuyển chọn, rồi cuối cùng qua chính Người nơi Con Một là Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những gì cần thiết cho loài người đạt tới sự sống thần linh đã được mặc khải và “không còn phải chờ đợi mặc khải chính thức nào khác nữa trước ngày quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” [3] Mặc Khải này đã được ghi chép trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa được ghi chép dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. [3]

2. Truyền thông Mặc Khải

Công Đồng nhắc lại rằng việc truyền thông Mặc Khải trước hết đã được thực hiện qua các Tông Đồ. Sự hiểu biết sâu sắc không ngừng các mầu nhiệm về Thiên Chúa, các mẫu gương mà các ngài và các đấng kế vị đã nêu ra trở thành Truyền Thống. Sự hiểu biết thiết thực điều đã được mặc khải một lần thay cho tất cả, việc chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu từ đời này qua đời khác, những điều công bố của các vị nối quyền các Tông Đồ, tất cả những thứ đó họp lại đã trở thành truyền thống. “Truyền Thống thánh thiêng này chuyển tải toàn vẹn lời Chúa được giao cho các Tông Đồ” [4].

3. Linh hứng và chú giải

Kinh Thánh phải được coi là phán quyết của Thánh Thần. Vì vậy, ai chú giải Kinh Thánh phải tìm hiểu kỹ lưỡng ý nghĩa của các bản văn bằng cách lưu ý đến các thể văn và cách hành văn của mỗi thời. Phải liệu sao cho lời Chúa qua ngôn ngữ loài người trở nên giống ngôn ngữ của họ.

4. Cựu Ước

Trong Kinh Thánh, Cựu Ước cũng có một giá trị trường tồn. Với dân được tuyển chọn, Thiên Chúa tỏ mình ra bằng lời nói và việc làm với tư cách là Thiên Chúa đích thật và sống động. Cựu Ước chuẩn bị cho triều đại của Đức Ki-tô và ẩn giấu mầu nhiệm cứu độ. Nói khác đi, Tân Ước được ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được biểu lộ trong Tân Ước.

5. Tân Ước.

Tân Ước có một tầm quan trọng đặc biệt. Đó là mặc khải ở mức tối hảo trong đó các sách Tin Mừng chiếm một địa vị xứng đáng trổi vượt hơn các sách khác. Trong các sách Tin Mừng, người ta thấy rõ lời nói và các việc làm của Đức Ki-tô. Người là Ngôi Lời hóa thành xác phàm, khi thời gian tới hồi viên mãn.

Bốn sách Tin Mừng phát xuất từ các Tông đồ. Các ngài đã trung thành truyền lại những lời Đức Giê-su nói và những việc Người làm. Tác giả các sách Tin Mừng đã soạn ra và chọn lọc một số điều đã được truyền lại bằng miệng hay chữ viết hoặc sao lại bản tóm tắt của các tác giả khác và giải thích tùy theo hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội địa phương. Tuy vậy, thư qui của Tân Ước không hạn định ở các sách Tin Mừng mà còn bao gồm các thư của thánh Phao-lô và các vị khác. Những vị này thuật lại các giai đoạn đầu và trình bày đạo lý chính thức của Giáo Hội.

6. Kinh thánh trong đời sống của Giáo Hội

Toàn bộ Kinh Thánh đều quan trọng trong Giáo Hội. Giáo Hội kính trọng Kinh Thánh như Mình Thánh Chúa Ki-tô. Đối với Giáo Hội, Kinh Thánh là nền tảng, là điểm tựa vững chắc ; đối với tín hữu, Kinh Thánh là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng họ và là nguồn suối cho đời sống thiêng liêng của họ. Để mọi người có thể tiếp cận với Kinh Thánh, trước hết Giáo Hội khuyến khích nên có nhiều bản dịch từ nguyên ngữ với những lời chú giải cần thiết, và khoa thần học cần được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh. Lời cầu nguyện cũng phải đi đôi với việc đọc lời Chúa.

Như vậy, Công Đồng thôi thúc mọi tín hữu đọc Kinh Thánh để kín múc nguồn sống, nhất là các tu sĩ nam nữ, đồng thời cũng yêu cầu phải phổ biến Tin Mừng cho thế giới hôm nay, ngay cả những người ngoài Ki-tô giáo.

Kết luận

Ngày nay, chúng ta có một bản văn cô đọng như thế này làm hiến chế, tức một bản văn quan trọng chính xác làm nền tảng mẫu mực cho những điều phải tuân thủ khi nói về Mặc khải, thật là một ơn huệ lớn lao, một công trình tập thể rất có giá trị. Có đọc lại diễn tiến khai sinh của hiến chế này mới hiểu được công lao đóng góp của nhiều bộ óc vĩ đại qua những cuộc bàn cãi gay go, cân nhắc từng chút một.

Sau nhiều lần được sửa đổi cho thêm vững vàng chính xác, cuối cùng bản văn đã đươc bỏ phiếu chấp thuận với 2344 phiếu thuận và 6 phiếu chống trong tổng số 2350 phiếu. Cuối cùng với quyền tối thượng, ĐGH Phao-lô VI long trọng tuyên bố tài liệu được Công Đồng chấp thuận và trở thành hiến chế ngày 18.11.1965.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã làm cho nhiều người ngạc nhiên một cách thú vị và tạo ra một bầu khí hạ nhiệt nhẹ nhàng. Các quan sát viên cải giáo tỏ ra hài lòng về bản văn và coi đây là căn bản và “tảng đá góc tường” cho các cuộc bàn luân sau này giữa Công Giáo và Thệ Phản. Phần đông họ cho đây là một môi trường mở rộng cho đôi bên trao đổi về Kinh Thánh và Truyền Thống. Từ trước tới này, Thệ Phản chỉ nhận có Kinh Thánh thôi và Công Giáo thì vừa Kinh Thánh vừa Truyền Thống. Nay thì qua bản văn hiến chế Mặc khải này, xem ra Thệ Phản đã gần với Công Giáo hơn. Và đó là một thành công không nhỏ của bản văn mở đường cho phong trào đại kết tiến thêm một bước. Người ta thường nói Thệ Phản, Tinh Lành biết và thuộc Kinh thánh hơn. Nhưng có lẽ trước đây ở Việt Nam thì đúng hơn, còn bây giờ, tình hình đã biến đổi khác : người Công Giáo Việt Nam bắt đầu biết Kinh Thánh và đọc Kinh Thánh nhiều hơn qua hằng triêu ấn bản dưới nhiều kịch cỡ khác nhau.

Chú thích
[1] Ep 1,9
[2] X 1Tm 6,14 ; Tt 2,13
[3] DS 180 (377) ; DS 1791 (2910)
[4] DS 783 (150) ; DS 1787 (3006)