Kế Hoạch Hóa Gia Đình Tự Nhiên (KHHGĐTN)

Là Khóa Học Bắt Buộc Cho Chương Trình Dự Bị Hôn Nhân


Ngày 19 tháng 7 năm 2005: Thông Tấn Xã CNA loan tin ĐGM Samuel J. Aquila của Giáo Phận Fargo, ND, vừa tuyên bố là từ nay giáo phận sẽ buộc các đôi nam nữ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân phải hoàn tất khóa học về KHHGĐTN, vốn là hình thức điều hòa sinh sản duy nhất mà Giáo Hội chuẩn nhận.

Giáo Phận Fargo đã theo chân Tổng Giáo Phận Denver, là điạ điểm đầu tiên trong toàn quốc áp dụng đòi hỏi này mấy năm trước đây. Cùng với hầu hết các giáo phái Kitô khác, cho đến một vài thấp niên gần đây, Giáo Hội liên tục dậy rằng các hình thức ngừa thai phản tự nhiên đều vô luân, và tạo nên giữa đôi vợ chồng sự cách ngăn không đáng có.

Theo nữ phát ngôn viên của giáo phận, bà Tanya Watterud, đôi hôn phối sẽ được huấn luyện về nền Thần Học Xác Thân của ĐGH Gioan Phaolô II, và “hoàn tất trọn khóa học về phương pháp điều hòa sinh sản được giáo hội phê chuẩn, tức KHHGĐTN, như một phần của chương trình dự bị hôn nhân.”

Bà giải thích: “KHHGĐTN là tên gọi của các phương pháp có nền tảng khoa học cho phép vợ chồng am hiểu những thời kỳ thụ tinh hầu có thể theo đó mà tiến tới hoặc đình hoãn việc thụ thai bằng cách kiêng cữ thân mật phái tính trong những ngày có khả năng thụ tinh cao.”

Còn ĐGM Aquila thì nói rằng, “qua kinh nghiệm cá nhân trong việc chuẩn bị cho đôi hôn phối, cũng như qua những trao đổi với các linh mục, tôi đã thấy một nhu cầu lớn về việc giảng dậy này hầu giúp họ sống bí tích hôn phối một cách trọn vẹn.”

Ngài nói thêm rằng: “Giới trẻ hôm nay phải va chạm với đủ mọi hình ảnh tiêu cực về dục tính, với các thái độ khinh thị sự cam kết phu phụ, những lời dối trá về cái gọi là ‘tự do’ mà ngừa thai đem lại. Họ cần biết, và đáng được biết kế hoạch mà Thiên Chúa đã vạch sẵn cho họ về vần đề dục tính và tình yêu phu thê mà họ sẽ chia sẻ như vợ chồng.”

Rachalle Sauvageau, Giám đốc văn phòng Tôn Trọng Sự Sống của giáo phận cho biết thêm rằng khóa học này không chỉ dành riêng cho các đôi đã đính hôn. Bà lưu ý rằng nhiều đôi vợ chồng sau khi đã sử dụng nhiều cách thức để ngừa thai, trong vòng một vài tháng hoặc vài năm sau khi kết hôn, đã tự ý bỏ hết. Bà nói: “Càng hiểu nhau, càng yêu nhau nồng nàn, đôi lứa càng quay về với KHHGĐTN, vì thấy rằng đó là phương pháp tuyệt hảo cho họ, cả về thể lý, cảm xúc, lẫn tinh thần.”

Linh Mục Ross Laframboise, trong một bài báo đăng trên tờ “Đất Mới” của giáo phận, nói thêm rằng: “Thật khó mà bỏ qua cái tỉ lệ ly dị bớt đi 5 phần trăm hoặc hơn nữa đối với những người theo KKHGĐTN so với 50 phần trăm trong toàn xã hội nói chung.” Ngài còn cho rằng phương pháp này chẳng tốn kém, hoàn toàn tự nhiên và không hề có phụ ứng tiêu cực.

Thống kê cho thấy, khi sử dụng đúng cách, KHHGĐTN đạt hiệu quả gần 99 phần trăm, khiến nó trở thành hình thức điều hoà sinh sản hiệu quả nhất hiện nay.

Bản tin vừa loan thật là một trùng hợp lý thú sau khi chúng ta vừa kết thúc chương 8 của loạt bài THXT của ĐGH Gioan Phaolô II tuần qua. Hôm nay, như một phụ trương, xin cống hiến quý độc giả phần lược dịch bài nhận định dưới đây được viết bởi tác giả Christopher West đăng trên trang nhà Christianity.com, với tựa đề: “Naked Without Shame.” Chris West là Giám Đốc Văn Phòng Hôn Nhân & Đời Sống Gia Đình của Tổng Giáo Phận Denver. Ông tốt nghiệp Cao Học Thần Học tại Học Viện Gioan Phaolô II, chuyên nghiên cứu về Hôn Nhân và Gia Đình.

TRẦN TRUỒNG MÀ KHÔNG XẤU HỔ:

Thiên Chúa, Dục Tính, và Ý Nghĩa Cuộc Đời


Cách thức tốt nhất để khám phá ra ý nghĩa chân thực của chúng ta là tìm hiểu chính ngọn nguồn của mình. Có nghĩa là con người phải học hỏi từ Thiên Chúa và từ dục tính, bởi vì Thiên Chúa và dục tính nối kết nhau chặt chẽ trong ngọn nguồn của chúng ta.

THÂN XÁC NHƯ MỘT ‘XÚC PHẠM’

Thánh Kinh và lời giáo huấn của ĐGH Gioan Phaolô II chất đầy những bằng chứng cho thấy thân xác ta không phải là một điều xấu, trái lại, nó chính là phương tiện nhờ đó ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Đạo Công giáo được xây dựng trên Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Con, đã mặc xác phàm nhân loại như ta, để ta ‘trở thành những kẻ thông chia thần tính Ngài.’

ĐGH Gioan Phaolô II lưu ý rằng thân xác con người, và chỉ nó mà thôi, mới có khả năng biến hoá mầu nhiệm của Thiên Chúa trở thành hữu hình. Điều này cần phải nói cho rõ hơn. Làm thế nào mà một cái gì rất ‘xác thịt phàm hèn’ lại có thể mạc khải được điều ‘cao sang trên trời’? Ta không được quên rằng trọng tâm niềm tin chúng ta chính là gắn bó chặt chẽ với sự nhập thể của Thiên Chúa: Ngôi Lời đã mặc xác phàm. (xem Jn 1:14). Không gắn bó với Ngài, ta sẽ không có sự sống (xem Jn 6:53). Bởi thế, ta không nên lấy làm lạ khi thấy ĐGH Gioan Phaolô nói đến một nền THXT. Ngài viết: “Qua sự kiện Ngôi Lời mặc xác phàm mà thân xác đã đi vào thần học bằng lối cửa chính” (Buổi triều yết ngày 2 tháng 4 năm 1980). Thiên Chúa là Đấng vô hình, không chạm tới được. Thế mà thánh Gioan đã công bố: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống, đã được tỏ bầy…chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Jn 1:1-3). Làm sao có thể như thế được? Thưa, chính là nhờ ở thân xác nhân loại của Chúa Kitô. Sống đời thiêng liêng không có nghĩa là phủ nhận thân xác. Ta phải kiên quyết chống lại thứ cám dỗ này. Bởi vì thần khí nào “không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô…là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì đó là thần khí của tên phản Kitô.” (xem 1 Jn 4:2-3)

MỘT TÔN GIÁO ĐẦY NHỤC CẢM

Không chỉ không phủ nhận xác thân, đạo Công giáo là đạo mang nhiều chất xác thịt, đầy nhục cảm--nếu không dám nói là nhiều dục tính-hơn là nhiều người có thể tưởng nghĩ đến. Quả vậy, đạo Công Giáo nhìn toàn thể mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người dưới dạng thức và ngôn từ mang đậm nét phái tính. Tỉ như ĐGH Gioan Phaolô II mô tả Bí Tích Thánh Thể như là “bí tích của Cô Dâu và Chú Rể.” (Mulieris Dignitatem, số 26) Sự hiệp thông ‘một thịt một xương’ giữa vợ chồng--tức Hội Thánh và Chúa Kitô--nằm ngay ở trọng tâm niềm tin và phượng tự của chúng ta. Nó trở nên nguồn mạch và chóp đỉnh đức tin chúng ta. Hơn nữa, trong nhiều kinh ta đọc hàng ngày, nhan nhản nào là ‘sinh ra,’ ‘chịu thai,’ ‘chung sống.’ Thánh Kinh, phụng vụ, Kinh Kính Mừng tôn vinh và ca ngợi Mẹ Maria như là “bụng dạ đã cưu mang Thầy, và đôi vú đã cho Thầy bú” (xem Lk 11:27). Thực ra, chính qua các thực tại nhục cảm và xác thịt (tức các bí tích) mà ta lãnh nhận được sức sống thần linh: giội nước lên đầu, xức dầu thân thể, đặt tay, dùng môi miệng để xưng thú tội lỗi, ăn Mình Chúa và uống Máu Ngài. Vấn đề ở đây rõ ràng là ta gặp gỡ Thiên Chúa không phải thông qua các thực tại siêu linh, mà nhờ ở thế giới vật chất, theo kiểu nói của ĐGH Gioan Phaolô II: Qua mầu nhiệm Nhập Thể, vật chất hoàn toàn có khả năng khiến ta tiếp xúc được với Chúa Cha. Kitô giáo không phủ nhận vật chất. Trong Chúa Kitô, thân xác được đánh giá đúng với chân giá trị của nó. Thân xác, qua mầu nhiệm thập giá, đang ở trong tiến trình biến đổi và linh thiêng hóa. (xem Ánh Sáng Miền Đông, số 11)

THỰC TẠI HÔN PHỐI

Điều này có nghĩa là thân xác đang được thần hóa. Như lời linh mục đọc trong Phụng Vụ Thánh Thể: “Nhờ mầu nhiêm nước và rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thiên tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.”

Thật là một trao đổi rực rỡ! Thực là một hôn phối diệu kỳ! Nhờ Nhập Thể, Chúa Kitô đã cưới lấy nhân tính chúng ta, để ta cũng có thể cưới lấy thiên tính của Ngài. Ta hoàn hợp cuộc hôn nhân này trong bí tích Thánh Thể. Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Chúa Kitô đã trao cho ta món quà thân xác Ngài trong bí tích Thánh Thể, ngõ hầu ta có thể hiểu được mối tương quan giữa nam và nữ, những dị biệt bổ túc nhau và tiếng gọi hiệp thông. Mối tương quan này ‘được chính Thiên Chúa muốn trong cả hai mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc.” (Mulieris Dignitatem, số 26) Có nghĩa là mỗi thực tại đều mang một ‘tính cách hôn phối,’ bởi vì trong thế giới hữu hình, thực tại tối hậu được mạc khải qua ý nghĩa của nam tính và nữ tính, và lời mời gọi chúng ta trở thành ‘một thịt một xương.’ Không thể hiểu Kitô giáo nếu không hiểu ý nghĩa xác thân, ý nghĩa tính dục. THXT không phải là dục tính hoá Kitô giáo, cũng không là Kitô hoá tính dục. Đó chỉ đơn thuần là suy tư về thân xác như Thiên Chúa đã tạo dựng nên nó-như dấu chỉ mạc khải sự hiện diện của Ngài-và tập đọc ‘ngôn ngữ xác thân’ trong sự thật. Ađam và Evà đã hiểu và sống sự thật về thân xác mình “tự thuở ban đầu.” Vì thế, tuy nhìn thấy nhau trần truồng, nhưng họ không hề thấy xấu hổ (xem St 2:25). Trong Đức Kitô, ta cũng được kêu gọi sống như thế. Phải, trong Chúa Kitô ta tìm được sức mạnh thực sự để nhìn ngắm, thấu hiểu, và kinh nghiệm về thân xác đúng như Thiên Chúa đã tạo dựng. Thế nhưng, tại sao ta lại thấy khó khăn và không thoải mái khi phải dấn bước mạo hiểm vào phía sau những mảnh lá vả?

CUỘC PHÂN RẼ TRẦM TRỌNG

Là con người, ta không là thiên thần, cũng chẳng là thuần túy thú vật, mà là thân xác-nhân vị. Chúng ta đã từng cảm nghiệm những hậu quả của cuộc phân rẽ trầm trọng giữa tinh thần và vật chất--gọi là chủ trương nhị nguyên--khởi từ sau sự sa ngã của con người trong vườn địa đàng. ĐGH Gioan Phaolô II đã tìm cách hàn gắn mối rạn nứt này qua lối tiếp cận độc sáng, là đến với thân xác. Một trong những bước hàn gắn quan trọng đầu tiên là nhìn rõ vấn đề. “Tự thuở ban đầu” Ađam và Evà cảm nhận rằng thân xác mình thì mạc khải mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu. Hai ông bà biết rằng mình được kêu gọi chia sẻ tình yêu này bằng cách trở nên ‘một thịt một xương.’ Khi người này nhìn thấy người kia trần truồng, điều duy nhất họ muốn chính là yêu thương như Thiên Chúa đã yêu thương. Đó là lý do tại sao thoạt tiên, họ không cần đến lá vả. Điều quan trọng với ta lúc này đây là biết rằng thật khó mà hiểu chính xác được cái ngôn ngữ của xác thân.

PHỐI NGẪU TRỞ THÀNH XA LẠ

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm một ‘phân rẽ trầm trọng’ bên trong nội tâm do nguyên tội gây ra. Đây là một rạn nứt rất thường thấy, nên có khuynh hướng cho đó là điều bình thường. Bi thảm hơn, do ảnh hưởng của một gian trá đen tối, một số người còn cố bênh đỡ cho sự phân rẽ này nhân danh việc theo bước Chúa Kitô, trong khi trên thực tế, Chúa Kitô đến thế gian chính là để hàn gắn vết rạn nứt này. Ta đang nói đến sự phân cách giữa hồn và xác, tinh thần và thể chất. Quan niệm nhị nguyên này đến từ sự cách ngăn giữa Thiên Chúa và Con Người, giữa đất và trời, nhưng nó biểu lộ rõ nhất, căn bản nhất trong mối rạn nứt giữa nam và nữ. Ý Chúa là kết hợp, thông hiệp, và hôn phối. Từ đó sức sống càng vươn lên. Mục tiêu của Satan là phân cách, rạn nứt và ly dị. Điều này đem lại cái chết. Một thế giới suy sụp là một thế giới của những cặp vợ chồng đã trở thành xa lạ: xa lạ giữa thần tính và nhân tính; nam tính và nữ tính, linh thiêng tính và dục tình. Khi những xa lạ này len lỏi vào trong cơ cấu xã hội, xã hội sẽ trở thành không gì khác hơn là một “nền văn hoá sự chết.”

(còn tiếp)