THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

Chương Năm: Sự Phục Sinh của Thân Xác

Bài 1

Loạt bài THXT đã bị gián đoạn bởi việc ĐGH Gioan Phaolô II bị mưu sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Sau một thời gian dưỡng bệnh, loạt bài được tiếp tục vào ngày 11 tháng 11 năm 1981. Hôm ấy, ngài chỉ nhập đề vắn tắt: “Sau một thời gian gián đoạn, hôm nay, chúng ta sẽ tiếp nối dòng suy tư thần học về thân xác.”

Ta đã khảo sát hai ‘lời rao giảng’ của Chúa Kitô về vấn đề hôn nhân: (1) lời thứ nhất về ly dị khi Ngài trả lời Biệt phái về một thực hành trong Cựu Ước là cho phép đàn ông ‘rẫy vợ;’ (2) lời thứ hai về ngoại tình khởi từ Bài Giảng Trên Núi; nay đến lời thứ ba về hôn nhân trên thiên đàng.

Cũng như lời giảng về ly dị, lời giảng về hôn nhân và phục sinh là để trả lời câu gài bẫy của nhóm Sađốc đặt ra với Chúa Kitô về việc phục sinh trong mối tương quan với hôn nhân. Họ không tin vào việc thân xác phục sinh mà Chúa rao giảng. Qua biến cố này, họ muốn chứng minh rằng việc phục sinh của thân xác là bất khả thể.

Trong Cựu Ước, có một khoản luật là khi một người nam chết đi mà không có con, thì em trai người ấy sẽ phải cưới chị dâu để có kẻ ‘nối dõi tông đường.’ (xem Gen. 38:8) Dựa vào luật này, nhóm Sađốc đưa ra trường hợp một phụ nữ cưới bẩy anh em mà không ai để lại một người con nào. Rồi đến lượt người phụ nữ ấy cũng chết. Câu hỏi họ đặt cho Chúa là: “Khi sống lại, người phụ nữ ấy sẽ là vợ ai, bởi vì bà đã cưới cả bẩy anh em.”

Hẳn nhiên, vấn nạn xoay quanh thân xác con người. Hôn nhân rõ ràng là một thực tại của thân xác-một kết hợp của hai nhân vị qua xác thịt. Vợ chồng đã nên ‘một xương một thịt.’ Phục sinh cũng là một thực tại của thân xác: sự tái hơp của hồn và xác. Nếu thân xác phục sinh, nếu có những xác thân trên thiên đàng, thì theo nhóm Sađốc, sau khi phục sinh, vẫn còn có hôn nhân. Nhưng nếu một người phụ nữ đã nên ‘một xương một thịt’ với hơn một đời chồng, thì trên thiên đàng, bà ấy sẽ kết hợp xương thịt với người chồng nào đây? Nhóm Sađốc vẫn quan niệm rằng thưc tại hôn nhân vốn có tính chất thể xác nơi trần gian nhất thiết phải được nối dài nếu thân xác được phục sinh thật sự. Mặc nhiên họ đã quan niệm rằng duy nhất tính xác-hồn nơi một nhân vị ở trên trần gian nhất thiết phải đồng nhất với duy nhất tính xác-hồn nơi một nhân vị ở trên thiên đàng. Nếu người phụ nữ bẩy chồng không thể nào cưới hơn một người chồng ở trên thiên đàng, thì dĩ nhiên là không thể có hôn nhân ở trên thiên đàng. Lại nữa, nếu duy nhất tính xác-hồn nơi một nhân vị ở trên thiên đàng thì đồng nhất với duy nhất tính xác-hồn nơi một nhân vị ở trên trần gian, thì không có hôn nhân ở trên thiên đàng, không có duy nhất tính xác-hồn ở trên thiên đàng, có nghĩa là, không có vụ thân xác phục sinh.

Câu trả lời của Chúa Kitô là: “Các ông lầm bởi vì không biết kinh thánh hoặc quyền năng Thiên Chúa. Khi đã phục sinh rồi, người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa, mà sẽ nên giống các thiên thần trên trời.” (xem Mt. 22: 23-32) Chúa đã phi bác luận đề của nhóm Sađốc. Ngài dậy rằng duy nhất tính xác-hồn ở trên thiên đàng không hề đồng nhất với duy nhất tính xác-hồn ở trên trần gian. “Sự phục sinh của thân xác có nghĩa là một tình trạng hoàn toàn mới mẻ của chính đời sống con người.” Vả lại, bởi vì Chúa còn cho biết rằng, sau khi sống lại, con người không còn ‘dựng vợ gả chồng’ nữa, thế nên, rõ ràng là trên thiên đàng, thân xác con người sẽ vẫn còn mang nam tính hoặc nữ tính. Tuy nhiên, trên thiên đàng, ý nghĩa nam nữ sẽ khác với ý nghĩa này “vào thuở ban đầu” trước khi phạm tội, hoặc khi ở trong tình trạng ‘lịch sử,’ nghĩa là sau khi phạm tội. Chúa còn nói rằng, những kẻ từ trong cõi chết sống lại thì “không hề chết nữa, mà sẽ nên giống các thiên thần.” (xem Lc. 20:36) Điều này phù hợp với lời Thánh Vịnh rằng, ngay tự bây giờ, trên trần gian, trong tình trạng “lịch sử” của con người sau lúc phạm tội, chúng ta “chỉ thua kém thiên thần một chút.” (TV 8:5) “Hẳn nhiên, khi sống lại, mối tương đồng này với thiên thần càng rõ ràng hơn nữa: không phải do một cuộc thoát xác, mà là do một tiến trình linh thiêng hóa bản chất thể lý-nghĩa là-nhờ bởi một ‘hệ thống quyền lực khác’ bên trong con người. Phục sinh chính là việc thân xác tái lụy phục tinh thần.” Đến đây, ta có thể nói đến một hệ thống hoàn hảo các năng lực giữa điều linh thiêng và điều vật chất nơi con người. Do ảnh hưởng nguyên tội, con người ‘lịch sử’ trải nghiệm đuợc một bất toàn muôn mặt trong hệ thống các năng lực được Thánh Phaolô diễn đạt trong những lời này: “Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí.” (Rm. 7:23) Con người ‘cánh chung’ sẽ được giải thoát khỏi sự ‘chống đối’ ấy. “Linh thiêng hóa không chỉ có nghĩa là tinh thần sẽ thống trị thân xác (như trong tình trạng trước khi phạm tôi), mà còn theo nghĩa là tinh thần hoàn toàn thấu nhập thân xác, và các năng lực tinh thần sẽ thấu nhập các nguồn sinh lực của thận xác.” Sự linh thiêng hóa thân xác đầy mới mẻ này sẽ múc nguồn ở điều ĐGH gọi là một ‘thần hóa’ nhân tính mỗi người. Nếp sống ơn sủng thần linh, đã được ban cho qua bí tích Thánh Tẩy, sẽ kết hợp tuyệt hảo với đời sống con người đến độ ơn sủng sẽ nhuần thấm hết mọi khía cạnh của nhân tính. “Việc thông phần bản tính Thiên Chúa, việc thông phần đời sống tự nội của chính Thiên Chúa, và sự kiện điều linh thánh thấm nhập vào điều phàm nhân sẽ đi đến mức cao điểm đến độ đời sống tinh thần con người sẽ đạt tới tình trạng sung mãn mà trước đây chưa bao giờ có thể đạt được.”

Việc linh thiêng hóa hết mọi khía cạnh của nhân vị bắt nguồn từ ơn sủng, khiến cho ta, và tất cả mọi khía cạnh nhân vị của ta, trở thành những thông dự viên của thần tính. Sự thần hoá mọi sức lực và khả năng của bản tính nhân loại bao gồm cả thân xác. ‘Việc thần hoá’ trong ‘thế giới bên kia’ sẽ đem đến cho tinh thần con người cả một ‘tầm kinh nghiệm’ về sự thật và tình yêu mà con người khi sống nơi dương thế không thể nào đạt được.” Thực ra thật khó mà lãnh hội được điều ĐGH mô tả về niềm vui của con người trong duy nhất tính hồn-xác trên thiên đàng, bởi vì không có ai trên dương thế có kinh nghiệm về điều ấy hoặc cảm nghiệm được điều tương tự như thế. Vả lại, ngay cả quan điểm của ĐGH về sự phục sinh của thân xác cũng không thể đầy đủ hoàn toàn bởi vì không phải mọi điều về tình trạng này đã mạc khải hết cho ta. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rõ ràng là ta sẽ đuợc hưởng kiến Thiên Chúa, sẽ được thấm nhuần chính Thiên Chúa, đến độ mọi khả năng và sức mạnh ta có sẽ hoàn toàn và vĩnh cửu hướng trọn về Chúa. Không còn điều gì có thể thu hút và hấp dẫn ta được nữa. Có thể trong một khoảnh khắc nào đó khi sống trên dương gian, và trong một cường độ nhỏ bé, chúng ta đã kinh nghiệm được điều ĐGH mô tả. Ta có thể bị cuốn hút trước vẻ đẹp thiên nhiên, hãi sợ trước bão tố cuồng phong, động đất núi lửa, có khi mất hút trong những sự việc chúng ta ưa thích đến độ không còn gì chi phối ta được. Những điều ấy chỉ là một thứ phản ảnh mờ nhạt, bất toàn của điều ĐGH đã cố mô tả. Trong ngôn ngữ thần học, ta có thể hiểu lời Chúa Kitô về sự phục sinh thân xác như là sự hoàn tất trọn vẹn ý nghĩa hôn phối của thân xác. Thân xác con người, qua ý nghĩa hôn phối của nó, mạc khải cho con người rằng ta đươc mời gọi để yêu thương, để tự trao hiến cho người khác, noi theo gương mẫu của Chúa Ba Ngôi. Ý nghĩa hôn phối của thân xác chính là sự kiện trí năng ta hiểu thấu điều này là: ta được tạo dựng để tự hiến cho nhau, người này cho người kia, y hệt như tình yêu trao hiến, tình yêu khẳng định sự sống và tình yêu ban phát sức sống của chính Thiên Chúa. Vợ chồng đem cho ý nghĩa hôn phối của thân xác một thực tại cụ thể qua việc sống đời kết hợp yêu thương được biểu lộ qua sự trao thân cho nhau. Hành vi vợ chồng không chỉ đơn thuần là một bộc lộ tình yêu, mà còn làm phong phú sự kết hợp của họ, cũng như làm cho tình cảm của họ tăng tiến nồng nàn sâu đậm mãi mãi..

Trên thiên đàng, ý nghĩa hôn phối của thân xác, nghĩa là, sự am hiểu rằng ta được tạo dựng để yêu thương, sẽ được bộc lộ và sống thực, không phải qua sự kết hợp thể xác với một phối ngẫu, mà qua sự “thấu nhập cái cốt tủy là thần linh vào trong cái cốt tủy là nhân phàm.” Một khi đã được thiết lập, thì sự kết hợp giữa một nhân vị với Thiên Chúa sẽ không cần tăng tiến hoặc phát triển nữa, bởi vì nó đã đạt đến tuyệt đỉnh ngay từ lúc đầu tiên của sự kết hợp, và nó sẽ giữ mãi tuyệt điểm đó. (Chính vì thế, một trong những khía cạnh của hành vi vợ chồng, tức là sự tăng triển cường độ kết hợp yêu thương của đôi vợ chồng sẽ không còn cần thiết nữa.) Thân xác con người sẽ thông dự vào sự kết hợp này bởi vì, trong sự kết hợp này, toàn thể năng lực thể xác sẽ hoàn toàn nằm ở mức cố định. Niềm vui của sự thần hoá sẽ tự chuyển thành một biểu thị của thân xác vốn sẽ thâu hút tất cả moị năng lực thể xác con người. “Trong nhân vị đang trải nghiệm sự phục sinh trên thiên đàng, sẽ nẩy sinh một tình yêu sâu đậm và có khả năng tập trung hoàn toàn vào Thiên Chúa, đến độ nhuần thấm toàn thể chủ quan tính tâm-sinh lý của nó.”

(Còn tiếp)