Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 29 tháng Tám, tờ Aleteia, có nghĩa là “Chân lý”, đã đăng một bài của tác giả John Burger, có tựa đề “How Stalin’s daughter became a Catholic” – “Con gái của Stalin trở thành một người Công Giáo như thế nào?”

Tầm quan trọng của ông bà trong cuộc sống của một người không thể bị đánh giá thấp. Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong cuộc đời của Einil Stalina, giờ đây được gọi là Svetlana Alliluyeva.

Từ thời thơ ấu, cô có tên là Einil Stalina, con gái duy nhất của nhà độc tài Liên Sô Josef Stalin. Sau đó, trước những tội ác kinh hoàng của người cha, cô đổi sang lấy họ mẹ, và khi kết hôn với một người Mỹ, cô trở thành Lana Peters. Sau khi chồng qua đời, cô lấy lại tên Svetlana Alliluyeva.

Sinh năm 1926, cô lớn lên trong bầu không khí bài bác Thiên Chúa. Cha cô lúc ấy đã cai trị một Đảng Cộng sản và đang làm hết sức mình để giảm thiểu vai trò của tôn giáo trong cuộc sống của mọi người, hoặc lợi dụng tôn giáo để thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản.

Mặc dù từng là một chủng sinh Chính Thống Giáo, năm 1931, cha cô đã ra lệnh cho nổ tung nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc tại thủ đô Mạc Tư Khoa để có chỗ xây “Cung điện Sô Viết”. Đó là một dự án không bao giờ được hoàn thành.

Tuy nhiên, về lâu dài, sức mạnh tạm thời đó không mạnh hơn gương sáng của bà Ekaterine Geladze, người mẹ của Stalin, một người đàn bà nhà quê ở miền đất Georgia xa xôi.

“36 năm đầu tiên tôi đã sống trong nhà nước vô thần Liên Sô không phải là một cuộc sống hoàn toàn không có Thiên Chúa. Tôi đã được giáo dục bởi cha mẹ vô thần, bởi một trường học thế tục hóa, bởi toàn bộ xã hội duy vật sâu sắc của chúng tôi nơi không ai được nhắc đến Thiên Chúa” Svetlana đã viết trong cuốn tự truyện của mình có tên “Hai mươi lá thư cho bạn bè.” Cô cho biết thêm “Bà nội của tôi, Ekaterine Geladze, là một nông dân gần như không biết chữ, góa bụa nhiều năm, nhưng là người nuôi dưỡng niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Rất ngoan đạo và chăm chỉ, bà đã từng mơ ước đứa con trai duy nhất còn sống của mình, là cha tôi, một ngày nào đó trở thành một linh mục. Tất nhiên, giấc mơ đó không bao giờ thành hiện thực.”

Bà ngoại của Svetlana, là bà Margaret Allilouieva, cũng đóng một vai trò quan trọng. Svetlana cho biết bà ngoại cô “đã rất hân hoan được nói chuyện với chúng tôi về Thiên Chúa: từ bà, chúng tôi đã lần đầu tiên được nghe nói về những từ ngữ như linh hồn và Thiên Chúa. Đối với bà, Thiên Chúa và linh hồn là nền tảng của cuộc sống.”

“Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho những người bà thân yêu của tôi có cơ hội để truyền lại cho chúng tôi những hạt giống đức tin; mặc dù bề ngoài họ khúm núm với trật tự mới của xã hội, họ vẫn giữ niềm tin vào Thiên Chúa, một niềm tin đã ăn sâu trong trái tim của họ”

Những hạt giống đó được nuôi dưỡng bởi kinh nghiệm sống và tưới gội bằng nhiều nước mắt. Svetlana nhớ lại, lần đầu tiên trong đời, cô cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Đó là lúc đứa con trai 18 tuổi của cô bị bệnh nặng. “Tôi không biết bất cứ một lời cầu nguyện nào, thậm chí Kinh Lạy Cha cũng không biết,” cô viết. “Chúa nhậm lời tôi, tôi biết điều đó. Sau biến cố này, một cảm giác mãnh liệt về sự hiện diện của Chúa đã xâm chiếm tôi.”

Trong thời gian đó, cô đã gặp một Cha Nicolás Goloubtzov, là người đã bí mật rửa tội cho những người trưởng thành trong một xã hội không có đức tin. Biến cố này xảy ra tại một Nhà thờ Chính thống Nga vào ngày 20 tháng 5 năm 1962. Lúc đó, Stalin đã qua đời và bị coi là kẻ thù của nhân dân. Cha Nicolás là người đã hướng dẫn cô về các tín điều căn bản của Kitô giáo.

Năm năm sau, tức là năm 1967, cô đào thoát khỏi Liên Sô và sống ở Thụy Sĩ, và tại đây lần đầu tiên cô gặp người Công Giáo. Khi được định cư tại Hoa Kỳ, cô đã chứng kiến một sự đa dạng về các truyền thống tôn giáo.

“Tôi cần phải khám phá những gì là đúng trong sự đa dạng của những truyền thống tôn giáo và có lúc hoang mang trước những gì tôi đã thành tâm tôi tin tưởng. Tôi tìm trong Chính thống các giải pháp cho cuộc sống cá nhân của mình,” cô nói. “Những câu trả lời cho các câu hỏi của tôi có vẻ quá trừu tượng. Bất chấp tình bạn tôi vốn có với những nhà trí thức Chính thống giáo, cơn khát tinh thần của tôi vẫn chưa được thỏa mãn.”

Một ngày nọ, cô nhận được một lá thư từ Cha Garbolino, một linh mục Công Giáo ở Pennsylvania. Cha Garbolino đã mời cô đi hành hương tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 50 năm các cuộc hiện ra ở đó. Cô không thể đi vì lý do sức khoẻ, nhưng đã giữ liên lạc thư từ trong gần 20 năm với Cha Garbolino. Năm 1976, cô kết bạn với một cặp vợ chồng Công Giáo ở California và thường xuyên gặp gỡ họ trong hai năm. “Lòng sùng mộ kín đáo của ông bà và những lời cầu nguyện cho tôi và con gái tôi đã làm chúng tôi xúc động vô cùng,” cô viết.

Năm 1982, cô và con gái chuyển đến Cambridge, Anh. “Liên lạc của tôi với những người Công Giáo đã trở thành tự nhiên, nhẹ nhàng và đầy khích lệ”. Những cuốn sách đáng chú ý như Raissa Maritain [người vợ gốc Nga của Jacques Maritain đã cải đạo sang Công Giáo] đã giúp tôi đến gần hơn với Giáo Hội Công Giáo.

Cuối cùng, cô theo đạo Công Giáo và trở thành người đi lễ hàng ngày. “Trước đây, tôi cảm thấy không sẵn sàng tha thứ và ăn năn, và tôi nghĩ không bao giờ có thể yêu thương kẻ thù của mình. Nhưng tôi cảm thấy rất khác so với trước đây, kể từ khi tôi tham dự Thánh Lễ mỗi ngày. Bí tích Thánh Thể đã được làm thay đổi cuộc sống và trở thành cần thiết cho tôi. Bí tích hòa giải với Thiên Chúa mà chúng ta xúc phạm, từ bỏ và phản bội mỗi ngày, xua đi cảm giác tội lỗi và nỗi buồn xâm chiếm chúng ta: tất cả những điều này khiến chúng ta thấy cần phải nhận lãnh bí tích ấy thường xuyên.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân đây Kim Thúy xin được nói thêm một chút về nhà độc tài Stalin.

Nhà độc tài Stalin không xa lạ lắm đối với người Việt Nam. Thật thế, trong bài thơ “Đời đời nhớ Ông”, nhà thơ Tố Hữu viết:

“Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!”

Bài thơ này được kể vào một trong những bài thơ “Xạo hết chỗ nói”. Con nít vừa chào đời kêu được tiếng “ba”, tiếng “má” đã là mừng. Con nít vừa chào đời mà đã phát âm được “Xít-ta-lin” thì đúng là ma quỷ hiện hình.

Stalin sinh ngày 18 tháng 12 năm 1878 trong một gia đình nông dân nghèo tại Gori, ngày nay thuộc lãnh thổ nước Georgia. 11 ngày sau khi chào đời, Stalin được rửa tội trong Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Gia đình y rất nghèo đến mức y là người con duy nhất của họ sống sót qua thời niên thiếu. Bản thân Stalin cũng mắc nhiều thứ bệnh. Mặt của ông ta đầy những vết sẹo của bệnh đậu mùa. Stalin trải qua một thời niên thiếu khó khăn. Cha nghiện rượu đánh đập tàn nhẫn cậu ta và người mẹ đến mức họ phải trốn đi.

Một linh mục Chính Thống Giáo đã giúp Stalin có được một trình độ học vấn cơ bản bằng cách gởi cậu ta vào một chủng viện Chính Thống Giáo. Tại đây cậu ta nổi bật về môn văn chương Nga. Tuy nhiên, do không có chí tu hành, chỉ mượn chủng viện như một cơ hội học tập, Stalin sớm gia nhập trào lưu cộng sản lúc bấy giờ vẫn chưa cướp được chính quyền. Y thoát ly khỏi chủng viện để tự do tham gia các hoạt động cướp bóc, bắt cóc tống tiền. Y liên tục bị bắt và được trả tự do nhiều lần trước khi bị lưu đầy sang Siberia.

Sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười vào năm 1917, Stalin được cử vào Bộ Chính Trị đảng cộng sản Liên Sô và ngoi lên được địa vị cao nhất sau khi Lenin qua đời vào năm 1924.

Do không có trình độ kinh tế, lại ngạo mạn, Stalin đề ra các kế hoạch ngũ niên, làm xáo trộn việc sản xuất lương thực gây ra nạn đói nghiêm trọng trong hai năm 1932-1933 khiến 7.5 triệu người chết đói tại Ukraine và 2 triệu người chết đói tại Kazakhstan.

Để đối phó với các chỉ trích, Stalin phát động chiến dịch “Đại Thanh Trừng”. 700,000 người bị tử hình trong thời gian từ 1934 đến 1939; và hàng triệu người bị đầy đi Tây Bá Lợi Á.

Stalin qua đời năm 1953. Nikita Khrushchev lên thay kết tội Stalin là kẻ thù của nhân dân và cáo buộc Stalin gây ra nạn đói thứ hai vào năm 1949 còn kinh hoàng hơn nạn đói 17 năm trước đó. Khrushchev cũng tố cáo Stalin đã phạm vào những tội ác chiến tranh kinh hoàng như việc ra lệnh giết chết 60,000 quân Ba Lan.


Source:Aleteia