THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

CHƯƠNG 7: HÔN NHÂN

Bài 1

Loạt bài THXT chu kỳ 4 vừa qua bàn luận về vấn đề độc thân và đồng trinh trong ánh sáng các kết quả gặt hái được qua các nghiên cứu về nhân vị-xác thân con người được đề cập tới trong ba chu kỳ trước, trong đó, ĐGH luận về con người lúc còn ở trong Địa Đàng trước khi phạm tội (chu kỳ 1), đến thời kỳ sau khi phạm tội, tức con người lịch sử (chu kỳ 2), kế đến là giai đoạn khi Chúa tái lâm và cuộc sống lại sau hết (chu kỳ 3). Ba chu kỳ này bắt nguồn từ những lời nói của Chúa: lời giảng cho thấy rằng việc ly dị đã không hề được cho phép ‘tự thuở ban đầu’ (chu kỳ 1), cái nhìn đầy dục vọng thì đồng nghĩa với ‘ngoại tình trong lòng’ (chu kỳ 2), và sau cuộc sống lại sau hết, sẽ không còn cảnh dựng vợ gả chồng chi nữa (chu kỳ 3). Trong mỗi tình huống, thân xác con người đều mạc khải, bộc lộ và diễn đạt nhân vị, cho dù bằng những phương cách khác nhau. Kết quả của những phân tích này đã soi sáng cho vấn đề đồng trinh và độc thân.

Chu kỳ thứ 5, từ các số 87-113, ứng dụng kết quả của ba chu kỳ đầu vào hôn nhân. ĐGH khởi sự bằng việc giới thiệu lời giảng của thánh Phaolô về hôn nhân trong thư Êphêsô đoạn 5:21-33. Như ngài viết: “Điều chất chứa trong đoạn thư Êphêsô này thực giống như việc ‘đăng quang’ của các lời nói then chốt--tức ‘ba lời giảng’ của Chúa Kitô: về vấn đề ly dị, ngoại tình trong lòng, và hôn nhân trên thiên đàng-là chất liệu của ba chu kỳ đầu. Nếu từ đó nẩy sinh nền thần học xác thân dựa vào các dòng tin mừng, vừa đơn sơ vừa căn bản, thì một cách nào đó, cần phải giả định nền thần học này khi giải thich đoạn thư Êphêsô vừa nói.” ĐGH còn ghi nhận rằng trong Êphêsô 5, Phaolô nói đến thân xác, vừa trong thực tại cụ thể của nó, là nam và nữ, nghĩa là ‘trong định mệnh muôn thuở của nó là kết hợp trong hôn nhân,’ vừa như một hình ảnh của Giáo Hội, tức là thân thể Chúa Kitô. Kế đó ĐGH khảo sát hai ‘ý nghĩa’ của thân xác con người, nhất là trong ánh sáng của việc Phaolô so sánh hôn nhân với Giáo hội.

ĐGH ghi nhận rằng Phụng Vụ Giáo Hội luôn dùng đoạn thư Êphêsô vừa nói để ám chỉ bí tích hôn phối. Quả thế, đoạn thư này mở đường cho cách phân tích hôn nhân như một bí tích. Tuy nhiên, việc thấu hiểu hôn nhân như bí tích cũng tùy thuộc vào nền THXT, bởi vì ‘nguyên tắc lớn’ của THXT chính là bí tích, hiểu theo nghĩa: thân xác diễn đạt nhân vị. Bí tích chính là dấu chỉ biến cái vô hình thành hữu hình và hoàn tất điều nó ám chỉ, tỉ như, trong bí tích Thánh Tẩy, việc đổ nước lên đầu đứa trẻ ám chỉ việc thanh tẩy linh hồn và đem lại sự sống. Biểu hiệu này cho thấy thực tại che dấu của tác động thần linh trên linh hồn đứa trẻ. Nhưng dấu chỉ cũng là phương tiện nhờ đó Thiên Chúa tạo nên những thay đổi trong tâm hồn: đó là món quà ân sủng Chúa.

Thân xác diễn đạt nhân vị. Nó cho thấy điều ẩn chứa trong mầu nhiệm nhân vị, cùng lúc ấy, biểu hiệu hữu hình của nhân vị thì bao gồm các kinh nghiệm vốn ảnh hưởng và làm thay đổi nhân vị. “Vì thế, một cách nào đó, cho dù rất tổng quát, thân xác đi vào định nghĩa của một bí tích.” Rõ ràng thân xác cũng “đi vào” thần học bằng ‘cửa trước’ theo nghĩa là phương tiện Chúa Kitô dùng để mạc khải cho ta chính mình Ngài, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nơi Ngài, thân xác trở thành dấu chỉ hữu hình tuyệt hảo của một thực tại vô hình.

Sau khi tóm lược điều ngài đề nghị thảo luận trong chu kỳ thứ 5 (số 87), rồi phác hoạ nội dung thư Êphêsô (số 88), ĐGH khởi sự phân tích chi tiết thư Ephêsô, đoạn 5 (số 89), qua đoạn văn nói về một trong những vấn đề gay go nhất của Tân Ước đối với nền văn hoá hiện tại: đó là đoạn thư thánh Phaolô khuyên quý vị làm vợ hãy “tùng phục chồng.” (Ep. 5:22). Lời khuyên này cũng xuất hiện trong các thư khác nữa của Phaolô, mà đôi khi được phiên dịch ra rằng quý vị làm vợ phải “tùng phục chồng” (Col. 3:18). Đối với nhiều người thời đại, thứ ngôn ngữ như thế có tính chất xúc phạm đến cực độ, vì nó được coi như sản phẩm của nền văn hoá do phái nam thống trị vào thời của Phaolô. Nhiều người biện luận rằng những đoạn văn như thế sẽ không bao giờ ‘nhìn lại được ánh sáng ngày mới,’ngoại trừ trong phụng vụ. Nhưng các đoạn văn này trên thực tế đều được linh ứng và hàm chứa Lời Thiên Chúa. Ta phải hiểu ý nghĩa của chúng. Hơn nữa, có dư luận cho rằng các đoạn văn nào khó hiểu nhất và khó áp dụng thực tế nhất thì càng cần phải cố gắng tìm hiểu để ứng dụng vào ơn gọi của mình.

Trước khi ngỏ lời khuyên quý vị làm vợ, thánh Phaolô đã sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ cho cả quý ông chồng lẫn quý bà vợ. Trong câu 21, Phaolô khuyên vợ chồng ‘hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Chúa.’ (Ep. 5:21) Rõ ràng ‘lệ thuộc’ hoặc ‘tùng phục’ được áp dụng cho cả vợ lẫn chồng, chứ không phải chỉ áp dụng cho người vợ mà thôi. Câu 22 tiếp đó nói riêng cho các bà vợ, rồi câu 25 thì thánh Phaolô khuyên các ông chồng ‘hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh (Ep. 5:25).

Lòng ‘kính sợ’ Chúa không phải là một khiếp đảm hèn nhát, mà đúng hơn là sự kính trọng đầy oai nghiêm đối với điều linh thánh. Chúa Kitô là Chúa Con nhập thể làm người. Nơi Ngài, Thiên Chúa được mạc khải. Nơi Ngài, Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Cũng như Phêrô, Giacôbê và Gioan đã sững sờ đến câm lặng trước việc Chúa Biến Hình, thì ta cũng luôn phải có thái độ kính tôn trước mầu nhiệm Nhập Thể thánh thiện và oai nghiêm. Vì lẽ mỗi người vợ hoặc chồng trong hôn nhân đều là ‘các Kitô khác’ (Phaolô nói về hôn nhân của người được chịu phép Thánh tẩy), do đó họ sẽ nhìn thấy ở nơi nhau chính mầu nhiệm của Chúa Kitô. Thái độ thích đáng duy nhất khi đứng trước mầu nhiệm là ‘kính sợ,’ và do đó mà tùng phục lẫn nhau như họ đã tỏ ra với Chúa Kitô. ĐGH viết: “Mầu nhiệm Chúa Kitô, vốn thấu nhập lòng họ, và làm nẩy sinh trong họ niềm ‘kính sợ Chúa’ (tức là lòng đạo đức), phải đưa họ đến chỗ tùng phục lẫn nhau.” Không thể có sự người này thống trị người kia.

Quả vậy, ĐGH đã nhìn thấy trong câu 21 phần nào cách giải thích cho lời thánh Phaolô khuyên các bà vợ trong câu 22. Một khía cạnh khác của lời giải thích nằm trong câu thánh nhân viết rằng: các người làm chồng ‘hãy yêu thương vợ’ (Ep. 5:25, 28). “Tình yêu loại bỏ hết mọi lệ thuộc, qua đó người vợ trở thành một thứ đầy tớ hay nô bộc cho người chồng, một thứ đối tượng của sự thống trị đơn phương. Tình yêu làm cho người chồng lệ thuộc vào người vợ. và do đó tùng phục chính Chúa, y như người vợ tùng phục người chồng. Cái cộng đồng hợp nhất mà họ phải xây dựng qua hôn nhân sẽ được tạo nên bằng sự trao ban hỗ tương chính bản thân mình: đó cũng là sự lệ thuộc hỗ tương vậy.”

(còn tiếp)