THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

Chương Sáu: Độc Thân và Đồng Trinh

Bài 2

Sự đòi buộc nơi những người ôm ấp đời độc thân hoặc đồng trinh vì Nước Trời đã làm nổi bật và phân biệt cách sống của họ với tình trạng không kết hôn sau khi thân xác phục sinh trên thiên đàng (lúc Chúa đến lần thứ hai), vào ngày tận thế, khi hồn và xác tái hợp trong vinh quang. Như ĐGH viết: “Có một khác biệt cốt yếu giữa một bên là tình huống con người trong cuộc phục sinh thân xác và một bên là việc tự ý chọn lưạ sống khiết tịnh nơi dương thế vì Nước Trời và trong trạng thái “lịch sử” của con người sa ngã và được cứu chuộc. Sự thiếu vắng có tính chất cánh chung của hôn nhân sẽ là một ‘tình trạng,’ nghĩa là, cách thức con người, nam cũng như nữ, hiện hữu một cách thích đáng và căn bản, trong thân xác vinh hiển. Như là kết quả của một chọn lựa mang tính đặc sủng, sự khiết tịnh vì Nước Trời chính là một ngoại lệ so với tình trạng khác, nghĩa là, tình trạng trong đó con người ‘từ thuở ban đầu’ đã trở thành, và mãi mãi là một thông dự viên trong suốt cuộc hiện hữu trên dương thế.

Không hề có mâu thuẫn giữa lời giáo huấn của Chúa Kitô về độc thân hoặc đồng trinh và về hôn nhân. Cả hai đều đặt nền trên duy nhất tính hồn-xác của con người. Cả hai đều được xây dựng trên thiên hướng của chủ thể con người (có tri thức và lựa chọn) đối với người khác: hoặc là Chúa Kitô hay người phối ngẫu. Cả hai đều biểu hiện một hành vi tự hiến, một động tác của tình yêu, vốn được biểu tỏ trong và qua thân xác. Cả hai đều dựa trên mạc khải là con người được kêu gọi để yêu thương và biểu tỏ tình yêu này trong và qua thân xác.

Không hề có mâu thuẫn giữa việc cam kết với người phối ngẫu và việc cam kết sống đời độc thân và đồng trinh; điều này được chứng minh một cách mạch lạc theo lối biểu tượng trong một số các dòng nữ, tại đó, người sắp được nhận vào dòng sẽ mặc trang phục như áo cưới bởi vì họ là những nàng dâu của Chúa Kitô. Trong lễ nghi, họ sẽ tuyên khấn với Chúa Kitô. Nghi thức không hề khác với nghi thức hôn phối. Nếu sự cam kết sống độc thân hay đồng trinh mà lại không là một cam kềt của tình yêu được biểu tỏ trong và qua thân xác (như thấy nơi hôn nhân), thì việc thực hành của các dòng nữ trên đây sẽ mang tính chất xúc phạm nào đó.

Cần ghi nhận rằng, lời giáo huấn của Chúa Kitô về đồng trinh hay độc thân rõ ràng cho thấy là ơn gọi này bổ túc cho ơn gọi hôn nhân. ĐGH Gioan Phaolô II ghi nhận rằng lời Chúa giáo huấn về đồng trinh hay độc thân vì Nước Trời không được đặt chung với lời Ngài giải đáp vấn nạn của nhóm Sađốc về người phụ nữ kết hôn với bẩy anh em. Khi họ hỏi là trên thiên đàng người phụ nữ ấy sẽ là vợ ai, thì Ngài trả lời rằng trên thiên đàng “người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa.” (Mc. 12:18-27) Cho dù sự độc thân và đồng trinh Kitô giáo là nhắm đến Nước Trời, Chúa Kitô đã không đặt lời giáo huấn này chung với lời giáo huấn về sự phục sinh và cách thức thể hiện mối duy nhất tính thân xác-nhân vị trên thiên đàng. Lý do là vì đồng trinh và độc thân trong đời sống này được chọn lưạ vì Nước Trời chính là một lưạ chọn được thực hiện trong bối cảnh của ‘con người lịch sử,’ tức là tình trạng sa ngã (vì nguyên tội) của mọi người hiện tại trên dương thế. Như vậy, sự chọn lưạ bậc độc thân Kitô giáo thì song hành với sự chọn lưạ bậc hôn nhân. Cả hai ơn gọi được lưạ chọn trong bối cảnh của di sản nguyên tội và các hậu quả của nó. Sự kiện Chúa Kitô đặt lời giáo huấn về độc thân và đồng trinh vì Nước Trời ngay đàng sau lời giáo huấn về hôn nhân rõ ràng chứng tỏ rằng hôn nhân là quy luật, còn độc thân và đồng trinh Kitô giáo là ngoại lệ. Chính vì thế Chúá Kitô mới thêm rằng, “Ai hiểu được thì hiểu.” Hơn nữa, cái ý tưởng ‘vì Nước Trời’ cho thấy rằng sự lưạ chọn này không hướng đến một kết quả trần tục và tự nhiên, (tỉ như hôn nhân là hướng đến sự sinh sản), mà là hướng đến một mục tiêu siêu nhiên vốn không phải là quy luật cho cuộc sống trên trần gian.

Cả hai ơn gọi đều là biểu hiện của tình yêu. Cả hai đều bén rễ trong sự khám phá ra ý nghĩa hôn phối của thân xác, nghĩa là khám phá ra rằng con người được kêu gọi để yêu thương theo phong cách tình yêu của Chúa Ba Ngôi và biểu tỏ tình yêu này trong và qua thân xác. Người kết hôn biểu tỏ tình yêu trong sự hiệp thông gia đình, còn người độc thân hay đồng trinh thì biểu tỏ tình yêu trong sự hiệp thông của Giáo Hội, vốn là sự kết hợp của Chúa Kitô với mỗi thành viên của Giáo Hội và với Giáo Hội xét như một toàn thể. Ơn gọi hôn nhân và ơn gọi sống đời độc thân hay đồng trinh thì xác nhận và nâng đỡ cho nhau. Người độc thân hay đồng trinh là dấu chỉ của tình yêu mà mọi người, nam cũng như nữ, đều mắc nợ với Chúa do muôn vàn ơn huệ Ngài đã ban cho, nhất là ơn tạo dựng ta giống hình ảnh Ngài, cùng kệu gọi ta sống yêu thương như Ngài đã yêu. Người độc thân và đồng trinh cũng chứng minh thiên đàng là định mệnh chân chính của con người trong duy nhất tính hồn-xác. Người kết hôn thì làm chứng cho ý định của Tạo Hoá khi Ngài dựng nên con người ‘có nam có nữ.’ Gia đình đem lại mầm sống cho các nhân vị mới, và qua sự cộng tác với Chúa trong hành vi tạo dựng, gia đình làm chứng cho món quà vẫn còn đang tiếp diễn là đời sống/tình yêu cho nhân loại (thực ra chỉ có một thực tại, vì đời sống luôn luôn là một phần của tình yêu). Không có sự liên tục nhắc nhở về quà tặng đời sống/tinh yêu, làm thế nào người độc thân hay đồng trinh lại có thể giữ ơn gọi của mình được, ơn gọi nhắc nhở mọi người về món quà Chúa đã tặng ban trong cuộc Tạo Dựng? Hiển nhiên là gia đình hướng nhìn lên cái định mệnh chân chính của nhân loại, bởi vì cha mẹ hiểu rằng ơn gọi căn bản của họ là giúp nhau và giúp con em mình đạt đến mức vinh quang của thân xác-nhân vị trên thiên đàng sau khi thân xác phục sinh.

Toàn thể luận lý của ơn gọi hôn nhân và ơn gọi độc thân hay đồng trinh vì Nước Trời đã đạp đổ quan niệm cho rằng độc thân hay đồng trinh dầu sao cũng là một lời phê phán mặc nhiên đối với sự phối hợp vợ chồng. Thực ra, điều ngược lại mới đúng. Ơn gọi độc thân hay đồng trinh được lựa chọn trên chính căn bản ý nghĩa hôn phối của thân xác. Quả thế, ơn gọi sống không kết hôn vì Nước Trời chính là lời xác nhận ý nghĩa hôn phối của thân xác, nghĩa là, lời xác nhận rằng nam tính và nữ tính chính là một món quà để hiến tặng cho người khác. Thật là sai lầm nếu cho rằng chỉ người độc thân hay đồng trinh mới sống bậc hoàn thiện Kitô giáo, còn kẻ kết hôn thì sống bậc bất toàn, như thể Giáo Hội được chia làm hai cấp bậc, và người đồng trinh hay độc thân chính là thành viên cao cấp của Giáo Hội.

Lời giáo huấn của Chúa Kitô về độc thân và đồng trinh gây chấn động nơi các Tông Đồ. Trong niềm tin tôn giáo của Dân Tuyển Chọn trong Cựu Ưóc, hôn nhân là một bậc sống thánh thiêng. Chính trong lời hứa Chúa dành cho Abraham khi biến ông trở thành ‘người cha của mọi dân tộc,’ (Gen. 17:4) mà hôn nhân và sinh sản đã trở thành phương tiện để lời hứa này được thực hiện. Như ĐGH Gioan Phaolô II viết, “Trong truyền thống Cựu Ước, như là nguồn mạch của sự phong nhiêu và sản sinh ra đàn hậu duệ, hôn nhân là một bậc sống đặc quyền xét về mặt tôn giáo: đặc quyền bởi chính Mạc Khải.” Việc Thiên Chúa phê chuẩn hôn nhân qua giao ước với Abraham được xây dựng trên lời Thiên Chúa mời gọi toàn thể nhân loại ghi trong chương nhất sách Sáng Thế: ‘Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều’ (Gen. 1:28). Ngay cả trước khi Chúa Kitô ca ngợi hôn nhân, các Tông Đồ vẫn coi hôn nhân như một bậc sống cao cả mà Thiên Chúa đã mong muốn vào buổi hừng đông của cuộc Tạo Dựng, và nhất là được Thiên Chúa xác nhận đối với dân Do Thái như là phương tiện thực thi giao ước Chúa ký kết với họ qua tổ phụ Abraham.

Khi nghe Chúa khuyến cáo việc sống độc thân hoặc đồng trinh vì Nước Trời, nghĩa là, vì yêu Chúa, các Tông Đồ không dấu được nỗi giao động. Hôn nhân và sinh sản đã là phương tiện xây dựng Nước Thiên Chúa theo lời Chúa hưá với Abraham. Việc đặt Abraham làm cha của mọi dân tộc qua việc sinh sản và sự bành trướng vương quốc Do Thái đã là sự thể hiện giao ước đóng ấn giữa Abraham và Thiên Chúa. Theo não trạng của các Tông Đồ và theo toàn thể truyền thống Cựu Ước, việc xây dựng và bành trướng vương quốc Do Thái cũng đồng nghĩa với việc xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa. Khái niệm này là một trong các lý do khiến các Tông Đồ và môn đệ gặp khó khăn trong việc hiểu rằng Nước Chúa không thuộc về thế gian này. Hôn nhân và sinh sản đồng nhất với giao ước và phúc lành của Thiên Chúa ban xuống trên Dân Tuyển Chọn. Hẳn nhiên, tình trạng thần học này của hôn nhân và sinh sản đã là một trong các lý do khiến cho sự son sẻ bị coi như sự bất bình của Thiên Chúa. Các Tông Đồ là những người nghe Chúa giảng về đồng trinh và độc thân vì Nước Trời đã đón nhận điều Chúa rao giảng như thế nào? Hỏi thế tức là đặt ra cả một lô những câu hỏi liên quan, tỉ như, làm thế nào các ông đã đón nhận lời Chúa rao giảng về phép Thánh Thể khi Ngài bảo họ phải ‘ăn thịt và uống máu Ngài’ (Jn. 6:54). Các Tông Đồ dù sao chăng nữa đã không bỏ Ngài, như một số người, bởi vì ‘Ngài có những lời ban sự sống đời đời.’ (Jn. 6:68) Nói khác đi, họ chấp nhận điều Chúa nói bởi vì Ngài là Mạc Khải của Chúa Cha, và họ hiểu biết như thế qua ơn của Chúa Thánh Thần: “Không phải phàm nhân mạc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”(Mt. 16:17) Họ phó thác nơi Ngài và tin điều Ngài giảng dậy. Về vấn đề đồng trinh và độc thân vì Nước Trời thì cũng thế, họ chấp nhận điều Chúa giảng dậy, bởi vì Ngài nói và sống điều Ngài nói: Ngài không kết hôn. Chứng tá và đời sống độc thân của Chúa chính là căn bản duy nhất để họ chấp nhận lời Ngài giảng dậy.

Hẳn nhiên, còn có một chứng tá khác nữa minh chứng về sự tối hảo của nếp sống khiết tịnh vì Nước Trời, đó là cuộc hôn nhân của Maria và Giuse. Không phải chỉ nguyên đời sống công khai của Chúa mới làm chứng cho sự tối hảo của đồng trinh và độc thân; mà phải nói là toàn thể cuộc sống của Ngài từ lúc đầu thai cho đến khi về trời. Ngài được thụ thai bởi một trinh nữ và trinh nữ ấy trọn đời đồng trinh ngay cả khi đã lấy Giuse làm chồng. Còn Giuse, dù là một người chồng, nhưng vẫn sống đời độc thân! Các Tông Đồ đã không biết lịch sử cha mẹ của Chúa Kitô, việc Ngài thụ thai, hạ sinh, nhưng khi Giáo Hội hiểu được hiệu quả kỳ diệu của đời độc thân và đồng trinh của Giuse và Maria, thì những lời Chúa rao giảng về độc thân và đồng trinh lại được mến chuộng một cách hoàn toàn mới mẻ. Và hiển nhiên, sau khi Chúa sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần Phục Sinh, các Tông Đồ hẳn đã được nghe Mẹ Maria nói về các chân lý sâu xa của câu chuyện ngày Chúa giáng sinh. Với Giuse và Maria, sự phối hợp hôn nhân được thể hiện qua sự trao hiến cho nhau và cho Thiên Chúa vì Nước Trời. Chính qua các Ngài mà thực tại và chân lý trọn vẹn của Nước Thiên Chúa được rao truyền bởi đó chính là Tin Mừng mà Người Con của mình đã trao ban cho thế gian. Thử hỏi độc thân và đồng trinh còn có thể làm được gì hơn nữa cho Nước Thiên Chúa? Đồng thời, trong sự kết hợp tại Nazarét, các Ngài đã giao kết với nhau trong tình yêu y như bất kỳ cặp hôn phối nào. ĐGH Gioan Phaolô II đã ghi nhận mầu nhiệm kỳ diệu này khi viết: “Cuộc hôn phối của Maria và Giuse-qua đó Giáo Hôị tôn vinh Giuse như bạn đời của Maria, và Maria là bạn thanh sạch của Giuse-trong cùng một lúc, đã chất chứa mầu nhiệm hiệp thông nhân vị hoàn hảo, mầu nhiệm hiệp thông của người nam và người nữ trong hôn ước, và cũng chất chứa cả mầu nhiệm của ‘đức khiết tịnh vì Nước Trời,’ sự khiết tịnh mà trong lịch sử cứu độ đã phục vụ cho ‘hoa quả trọn hảo nhất của Chúa Thánh Thần.” Điều xem là nghịch lý giữa một bên là sự tối hảo của hôn nhân, và một bên là độc thân và đồng trinh vì Nước Trời đã hoàn toàn được giải quyết qua cuộc hôn phối của Maria và Giuse. Nhờ suy niệm mầu nhiệm này, trong thời gian sau khi Chúa sống lại, Giáo Hội đã hiểu rõ hơn lời giảng dậy của Chúa về độc thân và đồng trinh, mà các Tông Đồ đã lãnh hội trước khi Chúa sống lại. Dù sao chăng nữa, đối với các Tông Đồ, cho dẫu không am hiểu về mẫu gương Maria và Giuse, các Ngài vẫn chấp nhận lời Chúa giảng dậy về sự tối hảo của đức đồng trinh hay độc thân khi được theo đuổi và ôm ấp lấy vì Nước Trời.

Các Tông Đồ càng có công hơn nữa vì đã chấp nhận lời giảng dậy của Chúa cho dù khi rao giảng về đồng trinh hay độc thân vì Nước Trời, Chúa Kitô đã mặc nhiên phi bác cái kết luận của các ông khi thưa lại với Ngài rằng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” (Mt. 19:10) Các Tông Đồ đi đến kết luận là thà đừng kết hôn còn hơn, bởi vì nếu ly dị và tái hôn là không thể chấp nhận được, xét về mặt luân lý, thì hôn nhân tất sẽ dẫn con người đến tội lỗi, đơn giản là vì có ai sống được như thế. Y như thể cá Tông Đồ đang thưa với Chúa rằng: “Chẳng có người kết hôn nào có thể tiếp tục sống đời hôn nhân như Chúa mong đợi được. Không chóng thì chầy thế nào họ cũng sẽ ly dị rồi tái hôn, như thế thì thà không kết hôn còn hơn.” Chính đến lúc này mà Chúa mới lên tiếng giảng dậy về độc thân và đồng trinh. Tuy nhiên, Chúa dậy rằng đồng trinh và độc thân phải được ôm ấp bởi những ai được kêu mời sống ơn gọi phi thường, không phải bởi vì hôn nhân mà không ly dị thì quá khó, rồi ra sẽ đưa người ta vào vòng tội lỗi, mà chính bởi vì Chúa Kitô kêu mời những ai được gọi sống đồng trinh hoặc độc thân vì Nước Trời phải biết từ khước đời hôn nhân và gia đình, chẳng bởi vì đời sống gia đình sẽ đưa đến tội lỗi hay quá khó khăn, nhưng bởi vì nó tối hảo. Chỉ hy sinh điều tối hảo mới là một từ khước có ý nghĩa trước mặt Chúa. Nếu có em nhỏ nào bảo rằng: “Mùa Chay Thánh năm nay tôi sẽ hy sinh không làm bài tập” thì ai cũng biết đó chỉ là một lời giỡn chơi, bởi vì làm bài tập thì có gì vui đâu. Hy sinh không làm bài tập thì sướng quá rồi còn gì! Nhưng nếu em hy sinh một chương trình truyền hình mà em rất say mê thì đó lại là chuyện khác, bởi vì chương trình truyền hình đối với em thật hấp dẫn. Cũng vậy, sự hy sinh vì Nước Trời chỉ có ý nghĩa khi từ khước một điều tối hảo. Từ khước hôn nhân vì Nước Trời chỉ có ý nghĩa khi hôn nhân là một điều thực sự tối hảo và thánh thiện, là một phúc lành Thiên Chúa ban cho nhân loại. Như vậy, khi dậy rằng độc thân và đồng trinh vì Nước Trời phải được ôm ấp bởi những kẻ được mời gọi, Chúa Kitô đã mặc nhiên phi bác kết luận của các Tông Đồ cho rằng hôn nhân là điều không đáng sống bởi vì nó sẽ đem đến tội lỗi do ly dị và tái hôn.

Hôn nhân và đời sống gia đình như là phúc lành của Thiên Chúa là ơn kêu gọi thông thường của con người, nam cũng như nữ. Chúa đã cho thấy rõ ràng như thế khi dậy về đồng trinh và độc thân vì Nước Trời rằng: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu…Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt. 19:11-12) Hơn nữa, qua những lời này, Chúa cho thấy rõ là đồng trinh hay độc thân là điều được ‘ban cho,’ nhưng cũng phải được ‘đón nhận.’ Đến đây ta đã bước vào mầu nhiệm của ơn gọi. Dù được gọi sống kết hôn hay độc thân, tác động yêu thương của ơn Thánh Thần đều gọi mời ta đến môt nẻo đường chắc chắn sẽ dẫn đến thiên đàng, một ơn gọi minh nhiên tỏ tường. Đây là điều được ‘ban cho’ mà Chúa ám chỉ. Nhưng tác động yêu thương của ơn thánh gợi lên trong tim ta cũng phải được ý chí ta chọn lưạ. Trong mỗi ơn gọi đều có hai khía cạnh: một bên là quà tặng của Chúa, một bên là sự đón nhận của ta. Hẳn nhiên, có thể ta đã quá quan tâm tới chính mình đến độ không nhận ra những thúc đẩy của ơn Chúa vốn dĩ nhiều khi rất khó có thể nhận ra. Cũng có khi ta đã nhận ra, nhưng lại chọn lưạ thái độ phớt lờ đi. Những ai được mời gọi sống độc thân hay đồng trinh thì “phải đón nhận” ơn gọi này, nghĩa là, phải chọn lựa với hết cả tâm hồn, với trọn vẹn ý chí, y như những ai được mời gọi sống đời hôn nhân cũng phải chọn lựa hôn nhân với hết cả trái tim và với trọn vẹn ý chí.

Tuy nhiên, do bởi mỗi ơn gọi đều được ‘ban cho,’ nghĩa là, mỗi ơn gọi là một quà tặng từ Thiên Chúa, nên ta không thể chỉ chọn lựa món quà của riêng mình. Dĩ nhiên, lúc nào thì con người cũng có xu hướng để làm thế. Nếu được kêu gọi để kết hôn với một người rõ rệt nào đó, đôi khi người ta sẽ không cộng tác với ơn Chúa. Họ có thể hồ nghi không biết Chúa có thực sự kêu gọi họ kết hôn hoặc kết hôn với một người rõ rệt nào đó chăng. Nhưng dù biết rằng Thiên Chúa thúc đẩy mình kết hôn với một người rõ rệt nào đó, ta vẫn có thể quyết định không kết hôn, nghĩa là, vẫn có thể chối từ ơn gọi Chúa ban. Thông thường thì khi chối từ quà tặng của Chúa, con đường dẫn đến thiên đàng sẽ gian nan hơn. Đối với mỗi người chúng ta, không phải chỉ có một ơn gọi (tức là một con đường dẫn đến thiên đàng), tỉ như ta chỉ thích hợp sống đời hôn nhân, hay cụ thể hơn, chỉ có một người phối ngẫu nào đó dành cho mỗi người được gọi sống đời hôn nhân. Tuy nhiên, dường như Thiên Chúa kêu gọi ta hướng đến cái ơn gọi tốt đẹp nhất, xứng hợp với cá tính và tài năng của ta. Nếu ta từ khước ơn gọi này, thì đương nhiên vẫn luôn có những chọn lưạ khác, có điều là có thể đó không phải là ơn gọi tốt đẹp nhất, xứng hợp nhất đối với ta. Nếu không có hơn một ơn gọi để chọn lưạ, cho dù không phải tối hảo, thì ơn gọi không thể coi là ‘được đón nhận.’ Vai trò ý chí tự do của ta, điều mà ĐGH gọi là chủ thể tính con người, sẽ không thể hiện hữu bởi vì, với tất cả thương yêu mà Thiên Chúa lại ‘ép buộc’ ta chọn lựa một ơn gọi duy nhất để lên thiên đàng. Nhưng sự ‘ép buộc’ này không thể có được bởi vì nó sẽ là một mũi tấn công vào chính nhân phẩm con người. Do được tạo thành bằng tác động sáng tạo của chính Thiên Chúa, con người chỉ có thể hành động bằng chính sự chọn lưạ tự do và trong ánh sáng tri thức của mình. Thiên Chúa KHÔNG BAO GIỜ vi phạm tác động sáng tạo của Ngài bằng cách ép buộc con người hành xử theo một cách thức nào đó. (Bởi thế mà Thiên Chúa ‘chịu đựng’ cả việc con người chọn lựa tội lỗi). Do đó, đối với mỗi người chúng ta, phải có hơn một nẻo đường dẫn đến thiên đàng. (còn tiếp)