THẦN HỌC XÁC THÂN

của ĐGH Gioan Phaolô II

Chương Năm: Sự Phục Sinh của Thân Xác


Bài 2

Để có một hình ảnh tuy bất toàn nhưng có nét tương tự về sự kiện thân xác bị cuốn hút vào trong sự kết hợp với Thiên Chúa, ta có thể nghĩ đến trường hợp một em bé đang háo hức vì nghe tin mình sẽ được đi nghỉ hè cùng với gia đình tại Disney World. Em hoàn toàn tập trung chú ý vào niềm vui của cuộc nghỉ hè mà chẳng còn nghĩ đến điều gì khác nữa. Hoặc như khi mùa Giáng Sinh về, em bé hoàn toàn tập trung vào những món quà mình sẽ nhận được trong đêm Chúa giáng trần. Cũng thế, niềm hoan lạc khôn tả của việc kết hợp với Thiên Chúa sẽ lôi cuốn tất cả mọi năng lực của thân xác để từng giác quan, từng khả năng đều tập trung vào Chúa, đến độ ta sẽ lãng quên tất cả mọi sự. Những kinh nghiệm thần bí của một vài vị thánh khi cầu nguyện, đắm sâu trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đến độ lãng quên cả thời gian, cả các tiếng động chung quanh, ngay cả những đau đớn thể xác, đã nói lên phân nào, một cách nhạt mờ, sự cuốn hút của các năng lực thân xác vào trong cuộc kết hợp với Thiên Chúa.

Chúng ta cũng có thể hiểu sự cuốn hút các năng lực thân xác trong cuộc kết hợp với Thiên Chúa trong ánh sáng của các cảm xúc trỗi dậy khi được diện kiến tôn nhan Chúa. Sự kết hợp với Thiên Chúa trên thiên đàng là một kết hợp của tình yêu. Tình yêu lúc nào cũng ôm lấy các năng lực cảm xúc của thân xác. Khi đã có một ít kinh nghiệm, hiển nhiên là nhiều người sẽ thấy các năng lực thể lý của thân xác con người thì liên kết mật thiết với các cảm xúc. Khi gặp các trở ngại về cảm xúc, ngay cả người lực sĩ tài ba nhất cũng không thể phô diễn hết tài năng của mình được. Ta thường nói là ‘đừng chia trí khi đi vào sân vận động.’ Ta cũng nói rằng ‘đừng mang văn phòng về nhà.’ Những câu nói này muốn nhấn mạnh rằng cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc thao luyện các năng lực thể lý: trong sân vận động như một lực sĩ chuyên nghiêp; ở nhà khi biểu lộ tình yêu và tình cảm. Cũng thế, vợ chồng thường biết ý nhau. Trên thiên đàng, các cảm xúc của ta sẽ bị cuốn hút bởi niềm hoan lạc khôn tả khi được kết hợp với Thiên Chúa đến độ ta không thể vận dụng được bất kỳ năng lực thể xác nào trong một sự kết hợp nào khác ngoài sự kết hợp với Thiên Chúa. (Do đó, sự biểu lộ tình yêu qua thân xác trong sự hợp hoan vợ chồng sẽ không xẩy ra. Sự biểu lộ tình yêu qua thân xác này sẽ hoàn toàn tập trung vào chính Thiên Chúa.)

Điều rất quan trọng là phải hiểu rằng sự vắng thiếu việc hợp hoan vợ chồng trên thiên đàng không là một thiếu sót tiêu cực. Hiện tại, hầu hết chúng ta đều cảm nghiệm được nỗi khao khát sâu xa và nồng đậm biểu tỏ hoàn toàn hơn về tình yêu đối với Thiên Chúa, với vợ hay chồng, với con cái và bè bạn. Dù kỳ diệu, thân xác con người cũng không có khả năng diễn tả những vận hành của tinh thần, nghĩa là, của linh hồn, (nói chi đến các tác động của Ngôi Vị Thần Linh, tỉ như của Chúa Kitô hoặc Chúa Thánh Thần.) Điều này đúng cả cho tình trạng con người trưóc khi phạm tội, nhưng đặc biệt đúng cho con người “lịch sử.” Trên thiên đàng, khi thân xác phục sinh, những giới hạn này sẽ không còn nữa, bởi vì ý Chúa thấu nhập từng khả năng con người, và ta sẽ có thể diễn tả và cảm nghiệm sự kết hợp yêu thương với Thiên Chúa bằng các năng lực của thân xác, Do đó, ta không cảm thấy bị mất mát khi vắng thiếu sự kết hợp vợ chồng trên thiên đàng. Trái lại, chính mục đích của kết hợp vợ chồng, tức là yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương ta, sẽ đạt tới mức kiện toàn vì sẽ biết và cảm thấy rằng mình đã hoàn toàn thỏa mãn, nghĩa là đang yêu thương theo đúng đường lối yêu thương của Chúa khi tạo đựng nên ta. Do đó, thay vì thấy mất mát hay thiếu vắng, ta sẽ được mãn nguyện vì đã biểu lộ thỏa đáng tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và với người khác. Sự mãn nguyện khi biểu lộ thỏa đáng tình yêu đối với Chúa sẽ đem lại cho ta một niềm vui khôn tả. Nói một cách hạn hẹp, sự kết hợp với Chúa ‘diện đối diện” sẽ không mang tính chất hôn phối, nếu hiểu hôn phối theo nghĩa kết hợp phái tính của người nam với người nữ. Thiên đàng là một hôn phối hoàn hảo và một hôn lễ: điều này phải hiểu theo nghĩa loại suy. “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc. 20:35) “Hôn nhân và sinh sản, tự nó, không hề xác định dứt khoát ý nghĩa nguyên thủy và căn bản của sự kiện có một thân xác hoăc có một thân xác là nam hay nữ. Hôn nhân và sinh sản chỉ đem lại một thực tại cụ thể cho ý nghĩa ấy trong các chiều kích của lịch sử. Sự phục sinh đánh dấu sự tận cùng của chiều kích lịch sử.”

Đối với các lời giáo huấn của Chúa Kitô và những suy tư của ĐGH Gioan Phaolô II, việc so sánh sự kết hợp nhân vị trong duy nhất tính hồn-xác sau khi sống lại với hôn lễ dường như chỉ là một lời nói dối. Sự so sánh thật là sai lệch, nghĩa là, nó chất chứa quá nhiều hình ảnh của sự kết hợp vợ chồng (tức các khía cạnh phái tính) nơi dương thế vốn không là một phần của sự kết hợp với Thiên Chúa trên thiên đàng, đến độ sự so sánh này dễ gây ngộ nhận. Đã có sự sai lạc ngay trong sự thật nguyên thủy, tức là trong hôn nhân, vợ chồng phải thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương, và trên thiên đàng ta sẽ yêu Ngài như Ngài yêu ta, sự sai lạc đã có, bởi vì trên dương thế, chẳng có hôn nhân nào, dù hoàn hảo đến đâu chăng nữa, mà vợ chồng tự hiến cho nhau đúng như cách thức ta sẽ có thể tự hiến cho Thiên Chúa khi ở trên thiên đàng.

Khi bảo rằng thật là dễ hiểu lầm--chứ chẳng soi sáng gì cả--nếu đem so sánh tình trạng con người phục sinh trên thiên đàng với hôn nhân, thì ta mới chỉ lập lại điều mà các tác giả thần bí đã nói cách đây bao nhiêu thế kỷ rồi. Các tác giả ấy vạch ra rằng ngôn ngữ và hình ảnh nhân loại thì đều gắn liền với các khái niệm rút ra từ trần thế này. Còn Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt đến độ, khi áp dụng các khái niệm và hình ảnh này, ta sẽ vướng vào lỗi ngụy tạo bởi vì Thiên Chúa thì khác xa các khái niệm của nhân phàm và các hình ảnh trần tục. Trong tư tưởng thần bí, đã có một truyền thống lâu dài là giữ im lặng khi đứng trước Thiên Chúa. Bất cứ điều gì ta nói ra cũng đều khác xa với thực tế, và sẽ sai nhiều hơn là đúng, do đó giữ thinh lặng là hay hơn cả.

Tuy thế, ta cũng vẫn cần nói một điều gì đó! Cái giá trị của thinh lặng trong truyền thống thần bí là muốn nói lên một chân lý hiển nhiên: mọi điều ta nói chỉ có tính chất loại suy chứ không thể áp dụng như sự kiện thực tế. Khi so sánh tình trạng phục sinh trên thiên đàng với hôn lễ, ta cần ghi nhớ điểm quan yếu ấy.

Sự khác biệt giữa hôn nhân trần thế và sự kết hợp với Chúa trên thiên đàng được ĐGH minh hoạ qua nhận xét này là “tình trạng đồng trinh của thân xác sẽ hoàn toàn được biểu lộ như một thành toàn cánh chung ý nghĩa “hôn phối” của thân xác.” Trên thiên đàng, ta sẽ đều là những kẻ đồng trinh, nghĩa là, không còn cưới hỏi gì cả. Hơn nữa, ta sẽ được Chúa thấu nhập và được thần hoá. Ta sẽ được đưa vào trong tình yêu “diện đối diện” với Thiên Chúa. Ý nghĩa ‘hôn phối’ của thân xác, nghĩa là, ta biết rằng mình được mời gọi để yêu thương như Chúa, sẽ được thể hiện hoàn hảo trong việc ta tự hiến thân cho Chúa và việc Chúa hiến mình Ngài cho ta. Thế nhưng, ta sẽ không bước vào hôn nhân. Ta sẽ là những kẻ đồng trinh. Cả hôn nhân lẫn tình trạng đồng trinh, độc thân hay trinh tiết, đều được thành toàn trong cùng một sự kết hợp: sự kết hợp với Thiên Chúa.

(còn tiếp)