Theo tin của The Pillar, đề xuất thay đổi tín lý về tình dục của Con đường Đồng nghị Đức đã bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu của các giám mục Đức tại phiên họp quyết định được tổ chức tại Frankfurt từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 9 vừa qua.



Bản văn được đem ra biểu quyết lập luận rằng “không thể nào tái định hướng việc chăm sóc mục vụ nếu không tái định nghĩa việc nhấn mạnh của giáo huấn Giáo Hội về tình dục một cách đáng kể” và “khẩn thiết cần vượt qua một số hạn chế trong các vấn đề tình dục, bởi các lý do khoa học cũng như thần học”.

Mặc dù bản văn được đa số áp đảo của đại hội đồng Con đường Đồng nghị thông qua, nhưng nó đã không đạt được tỷ số 2/3 cần thiết của lá phiếu Giám Mục trong phiên họp toàn thể tại Frankfurt.

Theo The Pillar, sau cuộc đầu phiếu trên, các thành viên giáo dân đã phản đối, la ó. Và các cuộc phản đối la ó này kéo dài cả hai tiếng đồng hồ. Điều đáng lưu ý là một số giám mục cũng tham gia những cuộc phản đối, la ó này, trong đó, có cả Hồng Y Reinhard Marx và Giám Mục Georg Bätzing, cựu và đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức. Những phản đối la ó này nhắm vào các Giám Mục bỏ phiếu chống đề xuất bằng thể thức bỏ phiếu kín. Họ cho rằng các vị không chịu lắng nghe dân, và quyết định của các vị sẽ chỉ gây hại cho người Công Giáo Đức và gây chia rẽ trong Giáo Hội. Một số nói rằng đáng lẽ các vị nên nói thẳng thừng quan điểm của mình trong các cuộc bàn thảo công khai trước đây. Vì thế nhiều người đề nghị các cuộc bỏ phiếu sau sẽ tiến hành công khai với tên tuổi các Giám Mục ghi trên lá phiếu.

Theo tường trình chính thức của Con đường Đồng nghị Đức, Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, nói rằng ngài rất “thất vọng với cuộc đầu phiếu này” và theo ngài, “thực hành đồng nghị đã không đi xa đủ”. Hồng Y Marx cũng cho hay “rất thất vọng. Các Giám Mục nên giữ vững lập trường của mình và nên biện minh chúng”.

Irme Stetter-Karp, đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị và lãnh tụ của Ủy Ban Trung ương Người Công Giáo Đức nói rằng bà tin các Giám Mục không phát biểu các quan điểm thực sự của các ngài trong cuộc bàn luận. Bà nói “Có một điểm trong đó tôi đặc biệt thất vọng: đó là có những Giám Mục trong đại hội này không sẵn sàng nói lên quan điểm của mình”. Bà còn cho hay “Tại sao chúng ta lại đầu tư quá nhiều năng lực và thời gian như vậy? Vì Giáo Hội của chúng ta. Và đó là lý do tại sao tôi ở lại đây. Cho dù tôi tự hỏi mình liệu đây có phải là việc đầu tư thì giờ đúng đắn hay không”.

Hãng tin CNA thì cho rằng, sau khi các Giám Mục Đức không thông qua đề xuất đòi thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về tình dục, các nhà tổ chức Con đường Đồng nghị thề sẽ đem vấn đề này tới Vatican.

Thực vậy Giám Mục Bätzing nói rằng bản văn không được thông qua, dù gì, vẫn là sản phẩm của Con đường Đồng nghị, “do đó, chúng tôi sẽ mang nó tới bình diện Giáo Hội hoàn vũ khi chúng tôi tới Rôma vào tháng Mười Một nhân chuyến viếng thăm ad limina apostolorum (viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô).

Cũng theo CNA, một số Giám Mục không lên tiếng trước đây vì sợ áp lực của đại hội lúc đó. Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, không chấp nhận lời giải thích như thế và gọi các ngài là "nhõng nhẽo".

Gió đổi chiều: nghị quyết về việc phong chức phụ nữ được thông qua

Tình hình thay đổi vào ngày hôm sau khi thể thức bầu phiếu kiến bị bãi bỏ và thay vào đó lá phiếu có tên tuổi được du nhập. Kết quả, đại đa số 2/3 các giám mục đã nghiêng về phía thông qua các đề nghị cải cách theo chiều hướng ngược lại với truyền thống.

Thực vậy, theo Luke Coppen của The Pillar, hôm thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022, đa số các Giám Mục đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về phụ nữ trong các thừa tác vụ, nghị quyết này thách thức “việc loại phụ nữ khỏi thừa tác vụ bí tích”. Tựa đề bản văn dài 31 trang được đem ra biểu quyết có tựa đề là “Phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ trong Giáo Hội”.

Bản văn trên không chính thức kêu gọi truyền chức để phụ nữ trở thành phó tế hay linh mục, nhưng khẳng định rằng “hàng thế hệ nay, nhiều phụ nữ từng biết rằng họ được Thiên Chúa kêu gọi làm nữ phó tế hay nữ linh mục”. Nó đề nghị, “trong tương lai, phái tính không nên còn là điều quyết định việc phân phối các thừa tác vụ, nhưng là ơn gọi, là khả năng, và kỹ năng để phục vụ việc công bố Tin Mừng trong thời đại ta”.

Tài liệu nói thêm “Không phải việc tham gia của phụ nữ vào mọi thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội cần được biện minh, mà là việc loại phụ nữ ra khỏi thừa tác vụ bí tích”.

Trong tổng số 205 phiếu bầu, 182 phiếu ủng hộ và 16 phiếu chống, với 7 phiếu trắng.

Để được thông qua, các văn bản phải đạt được đa số hai phần ba các giám mục Đức. Những người tham dự đã đứng và vỗ tay khi được thông báo rằng các giám mục cũng đã bỏ phiếu - 45 ủng hộ, 10 chống và 5 trắng - để thông qua văn kiện, giờ đây trở thành một nghị quyết chính thức của Con đường Đồng nghị.

Như trên đã nói, phiên họp toàn thể đã không thông qua vào hôm thứ Năm một bản văn bản kêu gọi Giáo Hội thay đổi cách tiếp cận đối với đạo đức tình dục, sau khi nghị quyết không nhận được đủ sự ủng hộ từ các giám mục. Sau khi các số liệu biểu quyết được công bố, đã có một cuộc phản đối và một số người tham gia đã rời khỏi cuộc họp.

Sáng thứ Sáu, bản văn về thừa tác vụ phụ nữ đã được đem ra biểu quyết, sau khi các thủ tục đã được thay đổi để người phát biểu có hai phút trình bầy quan điểm của mình, thay vì một. Các phiếu bầu không còn được thực hiện ẩn danh nữa mà là bằng tên - điều mà một số nhà bình luận cho rằng nhằm tăng áp lực lên phe thiểu số.

Các giám mục phản đối bản văn về việc phong chức cho phụ nữ,cho rằng nó không phù hợp với tông thư Ordinatio sacerdotalis, năm 1994 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là tông thư tuyên bố “rằng Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội chấp nhận một cách dứt khoát.”

Cổng thông tin điện tử chính thức của các giám mục Đức tường trình rằng chủ tịch hội đồng giám mục, Giám mục Georg Bätzing, đã tổ chức một cuộc họp với các giám mục và sau đó họ đề nghị một sửa đổi bằng cách đặt phần bản văn nói đến Ordinatio sacerdotalis “ở đầu, giống như một lời mở đầu dẫn vào bản văn". Đề nghị này đã được chấp nhận.

Cổng thông tin điện tử cho biết, “Sau đó, nó được thông qua với đa số rõ ràng - có lẽ cũng bởi vì cuộc bỏ phiếu lần này không ẩn danh mà là bằng tên,”

Sau đó, những người tham gia đã bỏ phiếu về một bản văn bản có tên “Đánh giá lại đồng tính trong Huấn quyền” kêu gọi sửa đổi Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Bản văn đã được thông qua với 170 phiếu thuận và 14 phiếu chống, với 9 phiếu trắng. Các giám mục đã bỏ phiếu bởi 40 người ủng hộ và 8 người chống lại, với 8 phiếu trắng.

Bản văn nói rằng “Các đoạn 2357-2359 cũng như 2396 (đồng tính luyến ái và khiết tịnh), trong số những đoạn khác, của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nên được sửa đổi như một phần của việc đánh giá lại về đồng tính luyến ái.”

Nó nói thêm rằng “Giáo hội nên thú nhận rằng Giáo Hội đã khiến mọi người đau khổ và vi phạm phẩm giá của họ ở nhiều nơi qua giáo huấn và thực hành của Giáo Hội liên quan đến đồng tính luyến ái.”

Nó quả quyết, “Đồng tính luyến ái không phải là một căn bệnh. Vì vậy, điều gọi là 'liệu pháp hoán cải' phải bị bác bỏ".

Hội đồng Đồng nghị thường trực giám sát Giáo Hội và các giáo phận tại Đức đã được thông qua

Trong khi ấy, theo A.C. Wimmer của hãng tin CNA, ngày 10 tháng 9, Trong một động thái nhằm đạt được điều bị các nhà phê bình so sánh với các hội đồng cộng sản ở Liên Xô, những người tham gia “Con đường Đồng nghị” của Đức vào thứ Bảy đã bỏ phiếu thành lập một “Hội đồng Đồng nghị” sẽ thường trực giám sát Giáo hội ở Đức.

Tại cuộc họp ở Frankfurt vào ngày 10 tháng 9, đề xuất gây tranh cãi đã giành được gần 93% tổng số phiếu bầu. CNA Deutsch, cơ quan Đối tác tiếng Đức của CNA, cho biết chỉ có năm giám mục bác bỏ bản văn này.

Tên của các giám mục là một vấn đề được ghi lại trong hồ sơ công cộng vì cuộc bỏ phiếu không phải bằng bỏ phiếu kín - một sự thay đổi thủ tục sau khi các giám mục ngăn chặn một bản văn ủng hộ LGBT trước đó.

Giống như những sự kiện khác phát sinh từ biến cố gây tranh cãi của Đức, còn được gọi là “Con đường Đồng nghị”, đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội.

Vào tháng Sáu, Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô, nói rằng căn cứ vào lịch sử và thần học của Giáo hội, không thể có “Hội đồng Đồng nghị”.

“Các Thượng hội đồng không thể trở thành thường trực về mặt thể chế. Truyền thống của Giáo hội không hề biết đến một hình thức cai quản giáo hội theo lối đồng nghị. Một hội đồng tối cao đồng nghị, như hiện nay đã được dự kiến, không có cơ sở trong toàn bộ lịch sử của hiến pháp. Nó sẽ không phải là một sự đổi mới, mà là một sự canh tân chưa ai nghe biết."

Vị Chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ sự Hiệp nhất Kitô giáo này, người từng là giám mục của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999, cho biết diễn trình của Đức khiến người ta so sánh nó với các cơ cấu cộng sản ở Liên Xô. Ngài gọi Hội đồng Đồng nghị là Xô Viết Tối cao.

Đức Hồng Y Kasper nói tiếp: “Xô viết là một từ tiếng Nga cổ có nghĩa chính xác là điều mà chúng ta gọi là Rat, một hội đồng trong tiếng Đức. Một Xô Viết Tối cao như vậy trong Giáo hội rõ ràng sẽ không phải là một ý kiến hay. Một hệ thống hội đồng như vậy không phải là một ý tưởng của Kitô giáo, mà là một ý tưởng đến từ một tinh thần hoàn toàn khác hoặc phi tinh thần ”.

Nhà thần học và giáo chủ người Đức cũng cho rằng điều này “sẽ bóp nghẹt tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng vốn muốn thổi đâu và thổi khi nào Người muốn, và sẽ phá hủy cơ cấu mà Chúa Kitô muốn cho Giáo hội của Người.”

Vào tháng Sáu, một giáo sư thần học từ Đại học Vienna đã đưa ra những lo ngại khác.

Nhà tín điều học Jan-Heiner Tück cảnh cáo rằng một “Hội đồng Đồng nghị” của Đức sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo “từ những người được truyền chức thánh sang các cơ quan, một sự chuyển đổi quyền lực cho thấy sự gần gũi rõ ràng với các hoạt động đồng nghị trong Giáo hội Thệ phản ở Đức.”

Một “Hội đồng Đồng nghị” có tính kiểm soát sẽ hoạt động như thế nào?

Theo tài liệu Frankfurt, một Hội đồng Đồng nghị trước tiên sẽ yêu cầu một "ủy ban đồng nghị" được thành lập; ủy ban này, sau đó, sẽ nghị bàn về các chi tiết của hội đồng mới.

Ủy ban này sẽ bao gồm 27 giám mục giáo phận, 27 thành viên do Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức bầu ra và 10 thành viên do hai bên cùng bầu chọn.

Ủy ban sẽ do chủ tịch hội đồng giám mục và “(các) chủ tịch của Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức chủ trì”.

Đề xuất này nêu rõ, Hội đồng Đồng nghị thường trực sẽ hoạt động “như một cơ quan tham vấn và ra quyết định về những phát triển thiết yếu trong Giáo hội và xã hội”.

Quan trọng hơn, nó sẽ “đưa ra những quyết định căn bản có ý nghĩa siêu giáo phận về việc lập kế hoạch mục vụ, những câu hỏi về tương lai và các vấn đề ngân sách của Giáo hội không được quyết định ở cấp giáo phận.”

Để làm cho hội đồng hoạt động, "nó sẽ được hỗ trợ bởi một ban thư ký thường trực, có đủ nhân viên và tài chính."

Bác bỏ yêu cầu bỏ phiếu kín

Trước cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể, năm người tham gia hôm thứ Bảy đã yêu cầu bỏ phiếu kín theo quy chế.

Qui chế nêu rõ, “Về nguyên tắc, các cuộc bỏ phiếu sẽ được thực hiện trước công chúng. Các trường hợp ngoại lệ đối với điều này là các quyết định về nhân sự và các cuộc biểu quyết có thể được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín theo yêu cầu của ít nhất năm thành viên của phiên họp đồng nghị toàn thể.”

Nói cách khác, một cuộc bỏ phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín ngay sau khi năm thành viên đưa ra yêu cầu tương ứng.

Tuy nhiên, những người điều hành đại hội, với sự ủng hộ từ đoàn chủ tịch dưới quyền Giám mục Georg Bätzing và chủ tịch Ủy Ban trung ương Người Công Giáo Đức Irme Stetter-Karp, đã yêu cầu mọi thành viên của “Con đường Đồng nghị” bỏ phiếu về đề nghị này, dẫn đến việc bác bỏ nó.

Một đề nghị kiểm tra việc giải thích pháp lý, mà một số người tham gia cho là có vấn đề, cũng bị đa số phiên họp toàn thể bác bỏ.

Ít nhất có hai người tham gia rời bỏ phiên họp toàn thể

Phản đối việc xử lý các đề xuất trên của ban tổ chức, ít nhất hai người tham gia đã tuyên bố ý định rời khỏi cuộc họp.

Nhà thần học nổi tiếng và từng đoạt giải Ratzinger Marianne Schlosser, người dạy thần học về tâm linh ở Vienna, nói với EWTN tại biến cố này rằng bà nhận thấy "nói về cảm xúc thì quả là buồn và nói về khách quan thì quả là đáng giận" về cách các đề xuất đã được xử lý.

Bà biện minh cho quyết định ký và đệ đạt yêu cầu bỏ phiếu kín bằng cách nói rằng trọng điểm là “cho phép những người không đứng chung hàng với chính dòng hoặc đa số được tự do bỏ phiếu cho một bản văn hoặc một dự luật.”

Bản thân Schlosser đã đưa ra lập trường công khai chống lại bản văn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức trước đó đã bác bỏ các lo ngại về áp lực đối với các giám mục bác bỏ một tài liệu ủng hộ LGBT, với việc chủ tịch Stetter-Karp gọi các giám mục thiểu số này là “nhõng nhẽo”.

Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy, Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một nhà triết học nổi tiếng, cũng tuyên bố bà sẽ rời phiên họp sớm vì cách xử lý của Con đường Đồng nghị.

Dorothea Schmidt, một trong số ít những người tham gia thường xuyên vào việc chỉ trích các bản văn đang thảo luận, đã ủng hộ quyết định của hai phụ nữ trong một cuộc phỏng vấn với EWTN. Bà cáo buộc sự lãnh đạo của “Con đường Đồng nghị” không chấp nhận các ý kiến thiểu số và “chỉ đơn giản theo đuổi đường lối riêng của họ” trong việc theo đuổi các mục tiêu đã được “ấn định ngay từ đầu”.

“Tôi thấy toàn bộ tình huống này thật không thể chịu đựng nổi,” nữ giáo dân Công Giáo nói với EWTN.