Vị đại diện của Vatican tại Ủy Ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc ở Geneva cảnh báo nghị quyết "định hướng tình dục và bản sắc giới tính" mới đây tại LHQ là một phần trong chương trình nghị sự nhằm hạn chế tự do Tôn Giáo.

"Nghị quyết này đánh dấu một sự thay đổi. Đó là sự bắt đầu của một phong trào trong cộng đồng quốc tế và LHQ để lồng quyền đồng tính vào các chương trình nghị sự toàn cầu về nhân quyền," Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, người đứng đầu văn phòng thường trực của Tòa Thánh của Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho biết như vậy.

Đức Tổng giám mục lưu ý rằng một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã mô tả nghị quyết là "một khởi đầu của một tiêu chuẩn quốc tế sẽ được thực hiện dần dần." "Nếu tiêu chuẩn đó được chấp nhận," Đức Tổng Giám Mục Tomasi tự hỏi, "thì phải quy định làm sao về sự tự do ngôn luận của các nhà lãnh đạo tôn giáo? "

Ngài "quan tâm sâu sắc" rằng định chế hôn nhân và nền tảng gia đình tự nhiên sẽ bị xã hội hạ thấp xuống bởi những đạo luật nâng việc "hôn nhân đồng tính" ngang hàng với hôn nhân giữa một người đàn ông và một phụ nữ ". Vị Đại diện của Tòa thánh cũng cho biết định chế hôn nhân có thể bị đe dọa vì nhiều biện pháp liên hệ như cho phép người đồng tính nhận con nuôi và "giáo dục giới tính đi ngược với các giá trị Kitô giáo bị bắt buộc phải dậy ở trường học."

Nhắc lại sự kiện ngày 27 tháng 6 trong một buổi liên hoan tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và những nhân viên đồng tính, ngoại trưởng Hilary Clinton đã ghi nhận có một "nỗ lực lớn lao của những nhà ngoại giao Mỹ" trong việc thông qua nghị quyết ngày 17 tháng 6, mà bà mô tả là " nghị quyết đầu tiên của Liên Hiệp Quốc công nhận nhân quyền của những người LGBT (Đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới) trên toàn thế giới. "

Bà Clinton gọi nghị quyết trên là một "bước nhảy vọt về phía trước", và nói rằng "Đối với Hoa Kỳ, đối với chính sách đối ngoại, và đối với các giá trị của chúng ta ...thì quyền đồng tính là nhân quyền và nhân quyền là quyền đồng tính."

Được biết nghị quyết nói trên chính yếu là để bày tỏ "sự quan ngại nghiêm trọng đối với các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử ... đối với các cá nhân bởi vì khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính của họ," tuy không có hiệu lực ngay lập tức trên các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng nó chính thức yêu cầu Cao ủy Nhân quyền thực hiện một cuộc điều tra về những hành vi như vậy, để chuẩn bị cho cuộc bàn cãi tại đại hội đồng trong năm 2012.

Mặc dù Nghị quyết không có tác dụng gì trong ngắn hạn, bà ngoại trưởng Clinton đã mô tả việc thông qua này là một trong những "thành tựu quan trọng" của những vấn đề có "ưu tiên cao ".

Cũng được biết nghị quyết đã bị phản đối bởi khối các quốc gia Ả Rập và châu Phi, cũng như bởi Nga và Moldova.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi nhắc lại rằng Giáo Hội không hỗ trợ bạo lực chống lại những người có hành vi đồng tính, hoặc hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào của nhà nước để trừng phạt một cá nhân đơn giản chỉ vì "cảm xúc và suy nghĩ."

"Tôi nghĩ rằng bạo lực đối với người đồng tính luyến ái là không thể chấp nhận được và phải bị lên án, mặc dù điều lên án này không hàm ý tán thành các hành vi của họ."

"Khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính là các điều không có định nghĩa trong luật quốc tế", ĐGM lưu ý. Phạm vi liên quan đến họ không phải là những hành động bên ngoài, nhưng là cảm xúc và suy nghĩ, do đó họ không thể bị luật pháp trừng phạt. "

Khai triển thêm quan điểm mà ngài đã trình bày trước Ủy Ban Nhân quyền, Đức Tổng giám mục đưa ra quan sát rằng tất cả mọi xã hội đều hạn chế hành vi tình dục đến một mức độ nào đó để phục vụ cho lợi ích chung, chẳng hạn như cấm loạn luân, cấm tình dục với trẻ em, hoặc cấm hiếp dâm.

Ngài mô tả những thuật ngữ được dùng trong bản nghị quyết như "định hướng tình dục" và " bản sắc giới tính" là mơ hồ giả tạo, tương phản với ' thông điệp rõ ràng' của Tạo Hóa, nhấn mạnh đến sự bổ sung cho nhau giữa hai giới tính.

"Thay vì từ 'bản sắc giới tính' (gender)" Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói, "chúng ta nên sử dụng từ 'giống tính, giới tính' (sex), là một từ ngữ phổ quát tự nhiên đề cập đến nam và nữ."

"Trong thực tế, những thuật ngữ như "bản sắc giới tính "hay" định hướng tình dục "đã được đưa ra với mục đích để tách rời vấn đề ra khỏi thực tế khách quan và để thích ứng với một loạt các cảm xúc và đòi hỏi, rồi sau đó vấn đề được chuyển đổi ra thành một quyền."

Việc sử dụng ngôn ngữ "quyền" để biện minh cho các hoạt động như "hôn nhân đồng tính", bề ngoài có vẻ vô hại, miễn là các quyền đó được giới hạn trong cuộc sống riêng tư. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cảnh báo rằng những đòi hỏi về "quyền" này tạo ra xung đột với những quyền đích thực như tự do tôn giáo, và giáo dục trẻ em.

Ngài đưa ra một "nước truyền thống Công Giáo" là Tây Ban Nha làm ví dụ của hậu quả mà xu hướng hiện tại có thể dẫn tới.

Trong quốc gia đó, pháp luật "ủng hộ hôn nhân đồng tính đã được thông qua từ bốn hoặc năm năm qua , cho phép phá thai miễn phí trong 22 tuần đầu của thai kỳ, giáo dục về các vấn đề như thủ dâm, hôn nhân đồng tính, ngừa thai và phá thai là bắt buộc ngay cả đối với trẻ em tuổi từ 8 đến 12 "

Việc thực hành chính sách này chiếm ưu thế ở Tây Ban Nha ", mặc dù trên thực tế có hàng ngàn phụ huynh đang chống lại chính sách này vì nó phủ nhận quyền cơ bản của cha mẹ để quyết định về việc giáo dục con cái của họ."

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đề nghị rằng người Công giáo ngày nay có một trách nhiệm "để làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý và đạo đức của nền văn hóa hiện nay" bằng cách phác họa ra sự khác biệt giữa mong muốn và quyền lợi, người Công Giáo phải thúc đẩy những ý niệm về sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, và phải rõ ràng rằng một phán quyết chống lại đồng tính luyến ái không phải là để lên án người đồng tính.

Ngài nhận định thêm rằng "Với một số người thì thật là khó khăn...khi phải kết hợp sự tôn trọng và bảo vệ một cách thích đáng tất cả mọi người - bao gồm cả người đồng tính - với việc hỗ trợ các vai trò không thể thiếu của một gia đình, quyền của cha mẹ để giáo dục con cái, sự hỗ trợ cho gia đình tự nhiên nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích chung. "

Nến văn hóa phương Tây có vẻ coi đặc tính này (việc kết hợp khó khăn trên) là không thể hiểu nối, nhưng Giáo hội sẽ tiếp tục thúc đẩy nó. Giáo huấncủa Giáo Hội không phải là điều kiện đồng thuận chính trị, đức tổng giám mục lưu ý. "Đôi khi, Giáo Hội bị hiểu lầm và thậm chí còn trở thành mục tiêu của trả thù và khủng bố."

"Tuy nhiên, lý trí và luật tự nhiên sẽ hỗ trợ cho các quan điểm lấy cảm hứng từ đức tin đó", Đức TGM nói, "và chính sự hội tụ của đức tin và lý trí mới đưa tới hiệu quả đặc biệt cho sự tiến bộ và hạnh phúc của gia đình nhân loại."