LXXV. Mọi trò giải trí lớn đều nguy hiểm cho đời sống Kitô hữu; nhưng, trong số tất cả những trò giải trí mà thế giới đã phát minh ra, không có thứ nào đáng sợ hơn là hài kịch. Đó là việc trình bầy tự nhiên và tinh tế các đam mê đến mức nó lay động chúng và phát sinh chúng trong trái tim chúng ta, và đặc biệt là đam mê yêu đương: nhất là khi nó được trình bầy dưới các hình thức rất trong trắng và rất trung thực. Càng xuất hiện vô tội với những linh hồn vô tội thì các linh hồn này càng có khả năng bị nó đánh động. Bạo lực của nó làm lòng tự ái của chúng ta hài lòng, một lòng tự ái ngay lập tức hình thành mong muốn gây ra cùng những hiệu quả mà chúng ta thấy được trình bầy hết sức tuyệt hảo; đồng thời người ta tạo ra cho mình một lương tâm dựa trên sự trung thực của những cảm giác mà họ nhìn thấy ở đó, lương tâm này dập tắt nỗi sợ hãi của những tâm hồn trong trắng, những người này tưởng tượng rằng yêu một tình yêu dường như rất khôn ngoan như thế đâu có hại gì đến sự trong sạch. Vì vậy, khi rời khỏi vở hài kịch với trái tim đầy những vẻ đẹp và dịu dàng, linh hồn và tinh thần xác tín về sự trong trắng của họ đến nỗi người ta ai cũng đều sẵn sàng để đón nhận những ấn tượng đầu tiên của nó, hay đúng hơn là tìm kiếm cơ hội để khiến các ấn tượng này nảy sinh trong trái tim của một ai đó, để họ cũng nhận được cùng những niềm vui và cùng những hy sinh mà họ đã thấy mô tả rất khéo trong vở hài kịch.



LXXVI. Các ý kiến lỏng lẻo làm con người vui thích một cách tự nhiên đến mức thật kỳ lạ khi chúng làm họ không hài lòng. Điều này xẩy ra khi họ đã vượt quá mọi giới hạn. Vả lại, có rất nhiều người nhìn thấy sự thực, nhưng không vươn tới nó. Nhưng có rất ít người không biết rằng sự tinh tuyền của tôn giáo đi ngược lại với những ý kiến quá lỏng lẻo, và thật nực cười khi nói rằng một phần thưởng đời đời được dành cho những phong hóa buông thả.

LXXVII. Tôi sợ rằng tôi đã viết sai, khi thấy tôi bị kết án; nhưng điển hình của rất nhiều bài viết đạo hạnh khiến tôi tin ngược lại. Không được phép viết khéo nữa. Toàn bộ Tòa án dị giáo là đồi trụy hoặc thiếu hiểu biết. Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người. Tôi không sợ gì cả, tôi không hy vọng gì cả: Port-Royal sợ hãi, và việc phân ly với họ là một thứ chính trị tồi tệ; vì khi họ không còn sợ hãi nữa, họ sẽ tự làm cho mình sợ hãi nhiều hơn. Im lặng là sự bách hại lớn nhất. Các thánh chưa bao giờ im lặng. Đúng là chúng ta cần một ơn gọi; nhưng không phải do các phán quyết của hội đồng mà các ngài mới biết liệu các ngài có được kêu gọi hay không; nó là về nhu cầu nói. Nếu các Thư của tôi bị kết án ở Rôma, thì những gì tôi lên án ở đó sẽ bị lên án ở trên trời. Tòa án Dị giáo và Dòng Tên là hai tai họa của sự thật.

LXXVIII. Trước hết, tôi được hỏi, liệu tôi có hối hận vì đã viết Các Lá Thư Gửi Người Ở Tỉnh hay không. Tôi trả lời rằng, còn lâu mới ăn năn, nếu tôi phải viết lại chúng, tôi sẽ viết chúng mạnh mẽ hơn nữa. Thứ hai, tôi được hỏi tại sao tôi lại nói tên tác giả được tôi lấy tất cả những đề xuất ghê tởm mà tôi đã trích dẫn ở đó. Tôi trả lời rằng, nếu tôi ở một thành phố có mười hai đài phun nước, và nếu tôi biết một đài bị đầu độc, tôi buộc phải cảnh báo mọi người không nên đi lấy nước từ đài phun nước này; và như người ta có thể nghĩ rằng đó chỉ là trí tưởng tượng thuần túy của tôi, tôi buộc phải nêu tên kẻ đã đầu độc nó, thay vì để cả một thị trấn bị đầu độc. Thứ ba, tôi được hỏi tại sao lại sử dụng phong cách dễ chịu, châm biếm và giải trí. Tôi trả lời rằng, nếu tôi viết theo kiểu giáo điều, thì chỉ có các học giả mới đọc được; và những người đó không cần nó, ít nhất họ cũng biết nhiều như tôi đã biết về nó. Vì vậy, tôi tin rằng cần phải viết theo cách thích hợp khiến phụ nữ và người đời đọc được Các Lá Thư của tôi, để họ biết mối nguy hiểm của tất cả những câu châm ngôn và mệnh đề đang lan truyền lúc bấy giờ, và người ta rất dễ dàng bị thuyết phục.

Cuối cùng, tôi được hỏi liệu tôi có đọc hết những cuốn sách mà chính tôi đã trích dẫn chưa. Tôi nói là không. Chắc chắn, tôi phải dành phần lớn đời mình để đọc những cuốn sách rất tệ; nhưng tôi đã đọc toàn bộ Escobar hai lần; còn với những tác giả khác, tôi đã nhờ một số bạn bè của tôi đọc chúng; nhưng tôi đã không sử dụng một đoạn văn nào của họ mà không tự đọc nó trong cuốn sách được trích dẫn, và không khảo sát tài liệu được khai triển ớ đó, và không đọc những gì đi trước và đi sau, để tránh mối nguy trích dẫn một phản biện thay vì một câu trả lời; điều này vừa đáng trách vừa bất chính.

LXXIX. Cỗ máy số học tạo ra những hiệu quả gần với suy nghĩ hơn bất cứ thứ gì động vật làm; nhưng nó không làm bất cứ điều gì khiến ta có thể nói rằng nó có ý chí, giống như động vật.

LXXX. Một số tác giả, khi nói về tác phẩm của họ, nói rằng: Cuốn sách của tôi, bài bình luận của tôi, câu chuyện của tôi, v.v. Họ cảm thấy những người tư sản của họ có riêng nhà ở, và luôn miệng nói ngôi nhà của tôi. Tốt hơn họ nên nói: Cuốn sách của chúng tôi, bài bình luận của chúng tôi, câu chuyện của chúng tôi, v.v., vì thông thường trong những công trình ấy có nhiều điều của người khác hơn là của chính họ.

LXXXI. Lòng đạo đức Kitô giáo phá hủy cái tôi con người, và phép lịch sự của con người che giấu và ngăn chặn nó.

LXXXII. Nếu tôi có một trái tim cũng nghèo nàn như tinh thần, có lẽ tôi sẽ hạnh phúc; vì tôi xác tín một cách tuyệt diệu rằng nghèo khó là một phương thế tuyệt vời để đạt được sự cứu rỗi.

LXXXIII. Tôi nhận thấy một điều, là, dù bạn có nghèo đến đâu, bạn vẫn luôn để lại một điều gì đó khi chết.

LXXXIV. Tôi yêu sự nghèo khó, vì Chúa Giêsu Kitô đã yêu nó. Tôi yêu của cải, bởi vì chúng cung cấp phương thế để giúp đỡ những người khốn khổ. Tôi giữ lòng trung thành với mọi người. Tôi không báo oán những người gây oán cho tôi; nhưng tôi ước họ được điều kiện tương tự như của tôi, trong đó, người ta không nhận được điều xấu cũng như điều tốt của đa số người ta. Tôi cố gắng luôn chân thật, chân thành và trung thành với tất cả mọi người. Tôi có một tấm lòng dịu dàng đối với những người mà Thiên Chúa đã kết hợp tôi chặt chẽ hơn với họ. Dù tôi ở một mình, hay trước mắt người ta, trong mọi hành động của tôi, tôi đều nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng phải phán xét chúng, và là Đấng tôi đã dâng hiến chúng tất cả cho Người. Đó là những tâm tư của tôi; và suốt năm tháng đời tôi, tôi đều chúc tụng Đấng Cứu Chuộc của tôi, Đấng đã đặt chúng trong tôi, và từ một người đầy yếu đuối, khốn cùng, tư dục, kiêu ngạo và tham vọng, Người đã làm thành một người được miễn trừ khỏi tất cả những điều xấu xa này nhờ sức mạnh của ơn thánh, nhờ đó, tôi có mọi sự, chứ từ tôi, chỉ có khốn cùng và kinh tởm.

LXXXV. Đau ốm là tình trạng tự nhiên của Kitô hữu, vì chúng ta vốn như thế, như chúng ta luôn phải chịu các điều xấu, mất mọi của cải và mọi thú vui của giác quan, mất mọi đam mê vốn có trong suốt cuộc đời, không có tham vọng, không hám lợi, liên tục mong đợi cái chết. Há chẳng phải đó là cách các Kitô hữu phải sống cuộc sống của họ hay sao? Và há chẳng phải là một ơn phúc lớn lao khi ta thấy mình tất yếu ở trong tình trạng mà ta bắt buộc phải ở, và ta không thể làm gì khác ngoài việc phục tùng một cách khiêm nhường và bình an hay sao? Đó là lý do tại sao tôi không cầu xin gì khác hơn là cầu xin Thiên Chúa ban cho tôi ơn này.

LXXXVI. Điều kỳ lạ là con người muốn hiểu các nguyên tắc của sự vật, và tiến tới việc biết mọi sự! Vì hiển nhiên là ta không thể hình thành kế sách này nếu không có tính tự phụ hoặc không có một năng lực vô hạn như thiên nhiên.

LXXXVII. Thiên nhiên có những sự hoàn hảo, để chứng tỏ rằng nó là hình ảnh của Thiên Chúa; nó cũng có các khuyết điểm để chứng tỏ nó chỉ là hình ảnh của Người mà thôi.

LXXXVIII. Con người nhất thiết phải điên rồ đến nỗi nếu họ không điên rồ thì đó sẽ là một cơn điên rồ khác.

LXXXIX. Lấy xác suất đi, chúng ta không thể làm hài lòng thế giới nữa: đặt để xác suất, chúng ta không thể làm nó mất lòng nữa.

XC. Lòng nhiệt thành của các thánh trong việc tìm kiếm và thực hành điều tốt sẽ vô ích, nếu xác suất là điều chắc chắn.

XCI. Để làm cho một người thành một vị thánh, cần phải có ơn thánh; còn ai nghi ngờ điều này thì quả không biết thánh và người là gì.

XCII. Chúng ta thích sự an toàn. Chúng ta thích thấy Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm trong đức tin, và các Tiến sĩ nghiêm túc không lầm lẫn trong các thực hành của họ, để có được sự bảo đảm của ngài.

XCIII. Chúng ta không được phán đoán Đức Giáo Hoàng ra sao qua một vài lời của các Giáo phụ, như người Hy Lạp thường nói trong một công đồng (quy tắc quan trọng!), nhưng qua hành động của Giáo hội và các Giáo phụ, và qua giáo luật.

XCIV. Đức Giáo Hoàng là người trước hết. Ai khác được mọi người biết đến? Ai khác được mọi người công nhận là có quyền ảnh hưởng tới toàn tập thể vì ngài nắm giữ nhánh chính gây ảnh hưởng khắp nơi?

XCV. Sẽ là dị giáo khi luôn giải thích chữ “omnes” là mọi người, và cũng sẽ là dị giáo khi đôi khi không giải thích nó là mọi người. Bibite ex hoc omnes [mọi người hãy uống từ chén này]: dị giáo Huguenots giải thích nó là mọi người. “In quo omnes peccaverunt” [mọi người đều phạm tội trong điều này]: dị giáo Huguenot loại trừ con cái của các tín hữu. Do đó, cần phải tuân theo các Giáo phụ và truyền thống để biết khi nào, vì có dị giáo mà ta phải sợ hãi ở cả hai phía.

XCVI. Sự chuyển động ít nhất cũng tác động đến trọn thiên nhiên; vì một viên đá, toàn bộ biển khơi thay đổi. Cũng thế, trong ơn thánh, hành động nhỏ nhất, qua hiệu quả của nó, cũng tác động lên mọi sự. Vì vậy, mọi sự đều quan trọng.

XCVII. Mọi người tự nhiên đều ghét mình. Người ta đã sử dụng tư dục bao nhiêu có thể để làm nó phục vụ lợi ích công cộng. Nhưng đây chỉ là một sự giả vờ, và một hình ảnh giả dối của lòng bác ái; thực sự, nó chỉ là sự ghét bỏ. Cái bản chất xấu xa này của con người, figmentum malum [óc tưởng tượng xấu xa], chỉ có tính che đậy; nó không bị loại bỏ.

XCVIII. Nếu chúng ta muốn nói rằng con người quá bé nhỏ, không xứng đáng thông đạt với Thiên Chúa, thì họ phải cao cả đến đâu mới có thể phán đoán về việc ấy.

XCIX. Quả là điều bất xứng đối với Thiên Chúa khi phải kết hợp với con người khốn cùng; nhưng không phải là không xứng đáng để Thiên Chúa lôi kéo họ khỏi sự khốn cùng của họ.

C. Không bao giờ có ai đã từng hiểu điều đó! Thật là vô lý.... Những người tội lỗi được thanh tẩy mà không cần thống hối, người công chính được công chính hóa mà không cần ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa không có quyền lực trên ý chí con người, một tiền định mà không có mầu nhiệm, một Đấng Cứu Chuộc mà không có sự chắc chắn.

CI. Hợp nhất, số đông. khi coi Giáo hội như một sự hợp nhất, Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo hội như một toàn thể. Khi coi Giáo Hội như một số đông, Đức Giáo Hoàng chỉ là một thành phần trong đó. Số đông không thể giản lược thành sự hợp nhất là một sự lầm lẫn; sự hợp nhất mà không phải là số đông là một chế độ chuyên chế.

CII. Thiên Chúa không làm phép lạ trong việc quản trị thông thường Giáo hội của Người. Sẽ là một điều kỳ lạ nếu sự không thể sai lầm nằm nơi một người; nhưng nếu ở trong đám đông, dường như nó rất tự nhiên đến nỗi việc quản trị của Thiên Chúa được che giấu dưới thiên nhiên, giống như trong mọi công trình của Người.

CIII. Do việc Kitô giáo không phải là tôn giáo duy nhất, điều này không phải lý do để tin rằng tôn giáo này không phải là tôn giáo đích thực. Ngược lại, đó là điều làm người ta thấy nó là tôn giáo đích thực.

CIV. Trong một quốc gia được thành lập như một nước cộng hòa, như Venice chẳng hạn, sẽ là một tội ác rất lớn nếu giúp đặt để ở đó một vị vua, và đàn áp quyền tự do của các người mà Thiên Chúa đã ban cho nó. Nhưng, trong một Quốc gia nơi quyền lực hoàng gia được thiết lập, người ta không thể vi phạm lòng tôn trọng người ta phải có đối với nó mà không phạm tôi phạm thánh; bởi vì quyền lực mà Thiên Chúa đã gắn kết vào đó không phải chỉ là một hình ảnh, mà còn là sự tham dự vào quyền lực của chính Thiên Chúa, nên người ta không thể chống lại nó mà không minh nhiên chống lại mệnh lệnh của Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc nội chiến, vốn là hậu quả của việc chống đối này, vì là một trong những tệ nạn lớn nhất mà người ta có thể phạm chống lại lòng yêu người láng giềng, nên người ta không thể phóng đại đủ sự lớn lao của lỗi lầm này. Các Kitô hữu đầu tiên không dạy chúng ta sự nổi loạn, nhưng sự kiên nhẫn, khi các vua chúa không làm tốt nhiệm vụ của họ.

Ông Pascal nói thêm: Tôi tránh xa tội lỗi này cũng như tránh xa việc giết người và trộm cắp trên các lộ đường lớn: không có gì trái với bản chất của tôi hơn, và vì nó tôi ít bị cám dỗ hơn.

CV. Hùng biện là một nghệ thuật trình bầy sự việc một cách 1. Khiến người nghe hiểu chúng một cách dễ dàng và thích thú; 2. họ cảm thấy hứng thú với nó, đến nỗi lòng tự ái cũng khiến họ sẵn sàng suy gẫm về nó hơn. Do đó, nó hệ ở một sự tương ứng mà người ta cố gắng thiết lập giữa tinh thần và trái tim của người nghe một bên, và bên kia là những suy nghĩ và phát biểu được người ta sử dụng; điều này giả thiết người ta phải nghiên cứu kỹ trái tim con người để biết mọi động lực hành đông của nó, và sau đó tìm ra tỷ lệ thích đáng của bài phát biểu mà người ta muốn trình bầy ăn khớp với nó. Phải đặt mình vào vị trí của những người nghe chúng ta, và thử nghiệm, trên chính trái tim mình, lợi thế của bài phát biểu, để xem xem liệu cái này có được làm cho cái kia không và liệu người ta có thể bảo đảm chắc chắn rằng người nghe như buộc phải đầu hàng hay không. Phải tự khép mình, càng nhiều càng tốt, vào tính tự nhiên đơn giản; đừng làm lớn những gì vốn nhỏ, cũng đừng làm nhỏ những gì vốn lớn.

Một sự vật đẹp thôi chưa đủ, mà nó còn phải thích hợp về chủ đề, không có gì quá đáng cũng như không có gì thiếu sót. Hùng biện là một bức tranh của tư tưởng; và do đó, những người, sau khi vẽ xong các tư tưởng, còn phải thêm một điều gì nữa mới thực hiện được một bức tranh, thay vì một bức chân dung.

CVI. Sách Thánh không phải là một môn khoa học của tinh thần, mà là của trái tim. Điều này chỉ có thể hiểu được đối với những người có tấm lòng ngay thẳng. Bức màn che Kinh thánh đối với người Do Thái cũng có đó đối với các Kitô hữu. Đức ái không phải chỉ là đối tượng của Sách Thánh, mà nó còn là cánh cửa của nó.

CVII. Nếu không phải làm gì ngoại trừ điều chắc chắn, thì người ta thực sự không cần phải làm gì cho tôn giáo; vì nó vốn không chắc chắn. Nhưng có biết bao điều người ta đang làm cho điều không chắc chắn: các chuyến hải hành, các trận chiến! Vì vậy, tôi nói rằng không nên làm gì cả, bởi vì không có gì là chắc chắn hết; nhưng có nhiều điều chắc chắn trong tôn giáo hơn là hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy ngày mai: vì đâu có chắc gì chúng ta sẽ thấy ngày mai, nhưng điều chắc chắn có thể có là chúng ta sẽ không thấy nó. Người ta cũng không thể nói như thế về tôn giáo. Không chắc chắn gì tôn giáo là như thế; nhưng ai dám nói rằng chắc chắn tôn giáo không như thế? Tuy nhiên, khi chúng ta làm việc cho ngày mai và cho những điều không chắc chắn, chúng ta hành động có lý lẽ.

CVIII. Những phát minh của con người cứ thăng tiến hết thế kỷ này qua thế kỷ nọ. Nhưng lòng tốt và ác tâm của thế gian nói chung vẫn như cũ.

CIX. Cần phải có suy nghĩ từ phía sau, và đánh giá tổng thể từ đó: tuy nhiên phải nói năng như dân giã.

CX. Sức mạnh là nữ hoàng của thế giới, chứ không phải ý kiến; nhưng ý kiến là nữ hoàng của việc sử dụng sức mạnh.

CXI. Tình cờ mang lại suy nghĩ, tình cờ cũng lấy mất chúng đi; không có nghệ thuật nào để bảo tồn hoặc để có được.

CXII. Bạn muốn Giáo hội không phán xét cả từ bên trong, vì điều này chỉ thuộc về Thiên Chúa, lẫn từ bên ngoài, vì Thiên Chúa chỉ dừng lại ở bên trong; và do đó, khi tước bỏ mọi lựa chọn của con người khỏi Người, bạn giữ lại trong Giáo hội những người bị bỏ rơi nhất, và những người làm mất uy tín của Giáo Hội đến mức các hội đường của người Do Thái và các phái triết gia đã lưu đày họ như những kẻ bất xứng, và ghê tởm họ.

CXIII. Bây giờ ai muốn làm tư tế, như trong thời Giêrôboam.

CXIV. Số đông không tự giản lược thành hợp nhất là lầm lẫn; sự thống nhất không phụ thuộc số đông là chế độ chuyên chế.

CXV. Chúng ta chỉ tham khảo lỗ tai, vì chúng ta thiếu trái tim.

CXVI. Trong tất cả các cuộc đối thoại và bài phát biểu, chúng ta phải có khả năng nói với những người bị xúc phạm: Bạn đang phàn nàn về điều gì?

CXVII. Những đứa trẻ sợ hãi trước khuôn mặt mà chúng đã bôi nhọ hành động như trẻ em; nhưng làm thế nào có chuyện người ta rất yếu khi còn là một đứa trẻ, lúc tuổi cao hơn họ lại rất mạnh mẽ! Người ta chỉ cần thay đổi điểm yếu.

CXVIII. Điều không thể hiểu được là Thiên Chúa hiện hữu, và điều không thể hiểu được là Người không hiện hữu; điều không thể hiểu được là linh hồn kết hợp với thể xác, điều không thể hiểu được là chúng ta không có linh hồn; điều không thể hiểu được là thế giới được tạo ra, điều không thể hiểu được là nó không được tạo ra, v.v.; điều không thể hiểu được là có tội nguyên tội, và điều không thể hiểu được là nó không hiện hữu.

CXIX. Các người không tin phải nói những chuyện hoàn toàn rõ ràng; thế mà, điều không hề hoàn toàn rõ ràng là linh hồn có tính vật chất

CXX. Những người không tin là những người dễ tin nhất. Họ tin các phép lạ của Vespasian, để không tin các phép lạ của Môsê.

Về triết lý của Descartes

Phải nói một cách đại khái: Nó được thực hiện bằng hình và chuyển động, vì đây là sự thật. Nhưng nói về con số và chuyển động nào, và sáng tác một chiếc máy, điều đó thật nực cười; vì nó không cần thiết, không chắc chắn và nặng nhọc. Và khi điều này đúng sự thật, chúng ta không nên cho rằng toàn bộ triết học chỉ đáng giá một giờ lo âu.

Kỳ tới: Mục XVIII. Các suy nghĩ về cái chết, lấy từ một bức thư do Pascal viết về cái chết của cha ông.