Trong Lễ Bế Giảng Năm Học 2017-2018 của khóa Đào Tạo Giáo Lý Viên Tổng Giáo phận Sàigòn, cô Mađalena Phạm thị Thúy, Giám Học tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận, muốn tôi nói đôi điều cảm nhận với tư cách là một giảng viên của chương trình đào tạo.

Cô Thúy bảo: “Anh nói vài lời chứ đừng nói dài lời” (!). Mà vài lời trong dịp này thì chưa nói lên được gì nhiều, nên tôi muốn ghi lại, ngắn gọn, những tâm tình sau một năm học của các bạn Giáo Lý viên Tổng Giáo phận.

Là một giáo viên đi dạy đã khá lâu, tôi phải thừa nhận rằng dù mình yêu nghề nhưng chưa bao giờ tôi đến lớp ở trường ngoài với nhiệt huyết và tâm tình như khi tôi đến giúp các bạn giáo lý viên. Điều này cũng dễ hiểu. Truyền đạt cho sinh viên hay cho học viên các khóa ở nhà trường là giúp các bạn lĩnh hội một cái gì đó thuộc tri thức, còn trình bày cho các bạn giáo lý viên thì không những truyền đạt kiến thức cho các bạn, mà các bạn còn có thể nhận thấy tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu và với Hội Thánh như thế nào.

Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý, theo Hướng Dẫn Tổng Quát của Thánh Bộ Giáo Sĩ 1997, “là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”. Để các bạn dạy giáo lý đạt được mục đích đó, người giúp đào tạo giáo lý viên phải cố gắng hết sức để cho các bạn thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Hội Thánh là Nhiệm Thể Người. Điều này thật không dễ dàng, nhưng các bạn giáo lý viên – học viên đã tích cực cộng tác để cùng thực hiện.

Điều làm tôi cảm thấy an ủi nhất là cuối môn học Lịch Sử Giáo Hội, thỉnh thoảng có bạn nhắn cho tôi rằng “Em cảm thấy yêu mến Giáo Hội của Chúa hơn và quyết gắn bó với Giáo Hội ngày càng nhiều hơn”.

Điểm thứ hai tôi muốn chia sẻ với các bạn là quả thật Giáo lý viên Tổng Giáo phận Sàigòn được Chúa ban nhiều ơn huệ đặc biệt qua những điều kiện thuận lợi mà các bạn được hưởng. Khi tôi ra giáo phận Hưng Hóa hay một giáo phận nào ngoài Bắc, tôi nhận thấy các thầy cô Giáo lý viên phải đi hàng mấy trăm cây số để đến với khóa bồi dưỡng Giáo lý, ở Sàigòn các bạn chỉ đi năm bảy cây số là tới nơi học.

Hơn nữa, khóa Đào Tạo Giáo Lý Viên Tổng Giáo phận Sàigòn được điều hành trực tiếp do Cha Trưởng ban Giáo Lý Nguyễn Văn Hiền. Ngài là Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ và là bậc thầy trong việc đào tạo Giáo lý. Khả năng chuyên môn và sự ưu ái mà ngài dành cho giáo lý viên quả là đáng quý.

Khóa Đào Tạo cũng có được một Giám học đầy năng lực là cô Mađalêna Phạm thị Thúy, người vừa có học vị về Giáo lý, có nhiều kinh nghiệm sư phạm, lại có khả năng điều hành, tổ chức và sinh hoạt.

Cộng tác với Cha và Cô Giám học có các Giảng viên đầy nhiệt tâm với công cuộc huấn giáo của Hội Thánh, trong đó có các Cha giáo sư mà Cha Phêrô Hiền đánh giá là không thua gì ban giảng huấn của các học viện đào tạo linh mục tu sĩ.

Với những thuận lợi đó, tôi nhận thấy các bạn giáo lý viên – học viên rất tận tâm với việc học hành của mình. Như một học viên là nữ tu hôm nay nhận xét, có những lúc mệt mỏi, buồn ngủ vì cả một buổi sáng phải lo Giáo lý ở giáo xứ hay vì bổn phận riêng, các bạn vẫn cố gắng hết mình để lãnh nhận những gì mà các giảng viên truyền đạt.

Theo thống kê mà cô Giám học trình bày, thì số giáo lý viên – học viên cuối khóa có giảm so với đầu khóa học. Những học viên còn lại, chiếm đa số, thật đáng khen thưởng vì các bạn đã tận tình và rất chăm chỉ. Chắc chắn chỉ có lòng mến Chúa Giêsu và Hội Thánh mới làm cho các bạn kiên trì như thế.

Lượng kiến thức các bạn thu thập sẽ giúp các bạn thi hành sứ vụ hiệu quả hơn. Ở một giáo xứ Tây Bắc, có một cụ làm Giáo lý viên hơn bốn mươi năm. Cụ tâm sự là chỉ nhớ và tin vào tín điều và cứ dạy bằng cách lặp đi lặp lại mãi như thế trong các lớp. Vì thời thế và vì hoàn cảnh, ở một số nơi việc đào tạo giáo lý viên chưa có thể thực hiện được. Nhưng thời đại đã khác, xã hội thay đổi, khoa học tiến bộ, giáo lý viên cũng phải được đào luyện để khỏi đi sau thời đại.

Nhưng kiến thức mà thôi thì chưa đủ. Điều gì làm cho giáo lý viên thi hành sứ vụ mình hiệu quả và đúng như ý muốn của Hội Thánh?

Câu trả lời nằm ở điều mà Cha Phêrô hôm nay nhắc lại cho mọi người. Ngài đã định ra mục tiêu cho từng năm học trong khóa Đào Tạo Năm thứ nhất là củng cố sự hiệp thông cá nhân với Chúa Giêsu, năm thứ hai là sự hiệp thông với Hội Thánh và năm thứ ba là sự hiệp thông với mọi người. Mỗi giáo lý viên phải kết hiệp với Chúa Giêsu để cùng với Hội Thánh nói về Chúa Giêsu cho mọi người.

Vì thế, đến với lớp Đào Tạo Giáo Lý Viên, các bạn huynh trưởng giáo lý viên không chỉ học và nắm kiến thức, mà trước hết là học cầu nguyện và sống với Chúa Giêsu để có thể giúp cho các em học viên của mình tại giáo xứ.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm điều này. Các lớp Đào Tạo Giáo Lý viên được tổ chức rất chuyên nghiệp về giáo dục, từ chương trình học, giờ học, việc kết hợp giữa học và thực hành ngoại khóa, giữa học hành và cầu nguyện, là cơ hội để các bạn học viên thăng tiến dần dần trong tinh thần giáo lý viên chuyên nghiệp thực thụ.

Tôi vẫn nói với các bạn rằng các lớp học chẳng khác gì ở trường đại học, thậm chí còn hơn về các trang bị dụng cụ giảng dạy và học tập, chỉ có khác là không có mấy bộ môn chung (!) và bảo vệ canh chừng ở hành lang! Đến bãi giữ xe cũng chuyên nghiệp và miễn phí thì còn ưu ái nào hơn nữa cho người đi học?

Chắc chắc chúng ta có chung tâm tình cuối năm là vui mừng tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban tràn đầy hồng ân cho chúng ta trong một năm học, biết ơn Ban Giáo Lý Tổng Giáo phận đã cung cấp cho cả học viên lẫn giảng viên những điều kiện thích hợp nhất đề thực thi bổn phận của mình. Chúng ta củng nhau cố gắng trong bổn phận và môi trường của mình, kéo dài những ân huệ mà Chúa đã ban, để làm cho sứ mạng giáo lý của chúng ta sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.

Gioan Lê Quang Vinh