Đại hội Giáo lý Toàn Quốc lần thứ V sẽ diễn ra tại Xuân Lộc từ ngày 28/8 đến 1/9/2017 tới đây với chủ đề “Đào tạo Giáo lý viên, con người hiệp thông để Loan báo Tin Mừng”. Nhân dịp này, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin được phỏng vấn Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý Tổng Giáo Phận Sàigòn, Nguyên Trưởng Ban Giáo Lý Toàn Quốc.

PV. Kính thưa Cha, Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ V mang tầm quan trọng đặc biệt, vì như Cha có nói, đây là một bước tiến mới dựa trên đôi chân vững chắc của mình là Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam 2017. Xin Cha cho chúng con được biết rõ hơn về “đôi chân” này.

Cha Phêrô: Thưa Anh, Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ V là một bước tiến mới, bởi vì bốn đại hội trước mà thành quả là bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam 2017 tựa như đôi chân của một người để có thể bước tới những lãnh địa mới như việc đào tạo giáo lý viên, việc soạn giáo trình giáo lý, sư phạm giáo lý vv... Bản Hướng Dẫn 2017 là một công trình chung của 26 giáo phận trong hai Đại Hội III & IV và đã được HĐGM.VN đón nhận như là của chính các ngài. Thật tuyệt! Bản Hướng Dẫn này rất quan trọng vì nó chính là đường hướng chung về huấn giáo mà Đại Hội Dân Chúa mong đợi (Thư Chung, s.11). Thiếu đường hướng chung, không thể trao đổi và hợp tác với nhau trong lãnh vực này.

PV. Và như thế, thưa Cha, đường hướng chung về huấn giáo trong HDTQ.2017 là gì?

Cha Phêrô: Anh có thể tìm thấy đường hướng chung này trong số 45 & 46 của bản Hướng Dẫn: “Với những chỉ dẫn của Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, khi nhìn vào hiện trạng đất nước, nơi người Công Giáo Việt Nam đang sống và thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, chúng tôi [HĐGM.VN] nhận ra rằng Hội Thánh tại Việt Nam cần phải sống và thể hiện mầu nhiệm Hội Thánh như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Theo định hướng này, việc dạy giáo lý, xét như là công cuộc giáo dục đức tin, phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người”. Như vậy, đường hướng chung có thể thâu tóm trong hai chữ “Hiệp Thông”, đầy đủ hơn “Hiệp Thông mang tính Truyền Giáo”.

PV. Thưa Cha, những từ ngữ “hiệp thông để Loan báo Tin Mừng” có ý nghĩa như thế nào, và hiệp thông ấy sẽ phải thực hiện như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Cha Phêrô: Nói đến “Hiệp Thông” là nói đến tương quan, tương quan ở đây được hiểu trong cả ba chiều kích với Thiên Chúa, với Giáo Hội (ad intra) và với mọi người (ad extra). Trong ý hướng này, hiệp thông không là thứ quan hệ khép kín, nhưng luôn mở ra cho sứ vụ: “Hiệp thông và sứ vụ là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói ‘hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông’” (TH.GH tại Châu Á, s.24). Mong mỏi của huấn giáo tại Việt nam đơn thuần là “làm cho Đức Kitô được nhận biết, yêu mến và bước theo, nơi những người chưa biết Chúa và ngay cả nơi các tín hữu” (Bộ rao giảng Phúc âm cho các dân tộc, Chỉ dẫn dành cho giáo lý viên 1993, s.3)

PV. Chúng con biết lâu nay Cha vẫn thao thức với việc đào tạo Giáo lý viên, Sư phạm giáo lý và Giáo trình Giáo Lý. Xin Cha chia sẻ cho chúng con, đặc biệt cho anh chị em Giáo Lý viên, về những ưu tư này.

Cha Phêrô: Sau khi tham dự Đại Hội Dân Chúa 2010 và đọc Thư Chung Hậu Đại Hội, tôi tự hỏi liệu Thư Chung này có chung một “số mạng vắn vỏi” như những thư chung trước đó không. Tôi tự hỏi như vậy không phải để trách cứ hay đổ lỗi cho ai, nhưng để thúc đẩy mình làm một gì đó cụ thể, đặc biệt là trong lãnh vực huấn giáo mà tôi được bề trên ủy thác, để áp dụng tinh thần của Đại Hội này. Tôi không nhớ rõ câu nào trong Thư Chung, nhận xét rằng đời sống đức tin của giáo dân “còn mang nặng cảm tính”. Câu này chạm đến tôi, bởi tôi đang là người dấn thân cho công cuộc giáo dục đức tin. Một lần nữa tôi lại tự hỏi vậy thì huấn giáo phải làm gì để giúp cho họ có được chiều sâu hay bề dầy nội tâm. Câu trả lời của tôi trước thềm ĐHGLTQ.V là: huấn giáo phải nỗ lực phục vụ cho sự “hiệp thông mang tính truyền giáo”.

PV. Có người đề nghị thống nhất giáo trình Giáo Lý cho tất cả các Giáo phận toàn quốc, ít là chương trình chung. Cha nghĩ điều này có khả thi không ạ, và nếu có thì sẽ bắt đầu từ đâu?

Cha Phêrô: Trong Đại Hội lần trước diễn ra tại TGP.Huế, ý kiến này đã được ghi vào Bản Ghi Nhớ cuối Đại Hội. Tôi nghĩ cần phải có thời gian, vì Đại Hội này cũng như các Đại Hội kế tiếp là những bước tiến vững chắc, dựa trên thành quả của cả bốn Đại Hội trước như đôi chân của chính mình. Tôi thiển nghĩ ý kiến này sẽ chính thức được bàn bạc và trao đổi trong một Đại Hội khác liên quan đến việc biên soạn thủ bản giáo lý. Vừa qua, tôi cùng 7 anh em thuộc Trung tâm Mục vụ Saigon thực hiện chuyến thăm hai trung tâm mục vụ của TGP. Seoul và Busan. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên trong niềm thán phục là nhiều mặt hàng tiêu dùng ở Hàn Quốc đều có giá thống nhất trên toàn quốc và Giáo Hội Hàn Quốc đều dùng chung một bộ giáo lý cho các lứa tuổi.

PV. Thưa Cha, xin Cha cho chúng con biết những kỳ vọng của Cha nơi Đại Hội này, và đôi tâm tình của Cha đối với anh chị em Giáo lý viên nói chung, tham dự cũng như không tham dự Đại Hội.

Cha Phêrô: Theo thiển ý của tôi, Đại Hội này rất quan trọng vì nội dung chính của Đại Hội là việc đào tạo giáo lý viên. Công cuộc đào tạo này hết sức quan trọng, vì phẩm chất của người dạy quan trọng hơn thủ bản và những công cụ làm việc khác. Kỳ vọng của tôi nơi Đại Hội là các tham dự viên được dự phần vào một cuộc Hiện Xuống mới của Chúa Thánh Thần, để mỗi người được Ngài biến đổi nên chứng nhân của niềm vui Tin Mừng; nhờ đó, khi trở về các giáo phận, có thể giúp các giáo lý viên không tham dự Đại Hội nhưng đang tích cực theo các khóa đào tạo huấn giáo cũng được dự phần vào cuộc biến đổi kỳ diệu này.

PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha. Xin Chúa ban phúc lành đặc biệt cho Cha, và Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ V này.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện