Đức Khiêm Nhường và Đức Mến của Thánh Phêrô

Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Ngày 29 tháng 06

Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta hân hoan mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Giáo họ chúng ta mừng lễ kính thánh Phêrô một cách đặc biệt, vì Ngài là bổn mạng của Giáo họ. Vì vậy, trong bài chia sẻ hôm nay, tôi xin được phép gợi ý suy niệm đôi nét về vị thánh bổn mạng của chúng ta.

Thánh Phêrô sinh tại Bethsaida, miền Galilea, xứ Palestine. Ngài là con trai của ông Giona, là em của Thánh Anrê, làm nghề đánh cá ở Caphanaum (x. Mt 4,23). Phêrô đã có vợ (x. Mt 8,14-15). Qua sự giới thiệu của Anrê, Phêrô đã gặp được Chúa Giêsu và được Chúa Giêsu đặt tên là Kêpha (x. Ga 1,42). Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi làm môn đệ. Ngài là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Trong danh sách các Tông đồ, Ngài luôn được xếp hàng đầu (x. Mt 10,2-4) và tên của Ngài luôn được nhấn mạnh (x. Mt 10,2). Thánh Phêrô luôn là người hoạt bát, lanh lợi, thường đại diện cho các Tông đồ để hỏi hay trả lời những câu hỏi của Chúa Giêsu. Phêrô đã được Chúa Giêsu giao trách nhiệm làm đầu Giáo Hội do chính Ngài thiết lập. Được Chúa Giêsu tín nhiệm và giao trách nhiệm quan trọng như vậy, đó chính là nhờ sự chân thành, lòng quảng đại và nhất là sự khiêm nhường và lòng mến của Thánh nhân.

1. Đức khiêm nhường của Thánh Phêrô

Thánh Phêrô sống rất khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người. Sự khiêm nhường đó được thể hiện qua những hành động sau đây:

Khi Phêrô và một số các Tông đồ thả lưới suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Chúa Giêsu bảo Ngài rằng: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Nghe Chúa bảo tiếp tục thả lưới, chắc chắn Phêrô không muốn, vì các ông đã sử dụng hết tài trí của những ngư phủ chuyên nghiệp và “Đã khó nhọc sốt đêm nhưng không bắt được con cái nào”(x. Lc 5,5). Nếu chúng ta trong trường hợp của Phêrô, chắc chắn chúng ta sẽ từ chối yêu cầu của Chúa Giêsu, nhưng với Phêrô thì khác. Ngài nói: “Vâng lời Thầy nên con thả lưới” (x. Lc 5,5). Hành động “vâng lời” của Phêrô trong lúc này là bằng chứng nói lên sự khiêm nhường của Ngài. Đức khiêm nhường của Phêrô còn được thể hiện cách rõ nét hơn khi ông thấy “mẻ cá lạ lùng”. Tin mừng kể lại rằng: Phêrô đến sụp lạy dưới chân Chúa và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (x. Lc 5,8). Ngài làm như vậy, vì Ngài cảm thấy mình tội lỗi, bất xứng không xứng đáng đứng gần trước sự cao cả, thánh thiện của Chúa.

Khi Phêrô biết được Chúa Giêsu hiện ra đi trên mặt biển. Ông xin Thầy truyền cho mình cũng đi trên mặt biển để đến với Ngài. Chúa truyền cho ông và ông đã đi. Nhưng đi được một lúc, ông bị lún xuống. Ông khiêm tốn kêu xin Chúa rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”(Lc 14,30).

Với cái nhìn dịu hiền của Chúa Giêsu sau khi ông chối Thầy ba lần, Phêrô đã ra ngoài ăn năn khóc lóc (Lc 22,62). Kể từ đó về sau, mỗi khi nghe gà gáy, Phêrô lại ăn năn khóc lóc về tội lỗi của mình. Ăn năn khóc lóc về tội lỗi của mình là thái độ của một con người khiêm nhường.

Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn. Vì lòng thành, ông không muốn Thầy mình phải khổ, nên ông đã can ngăn Chúa. Chúa Giêsu mắng ông một cách thậm tệ: “Satan, lui lại đằng sau Thầy !”(x. Mt 16, 21-23). Phêrô vẫn không một chút phản ứng gì chứng tỏ ông trách móc Chúa.

Sau này, khi đã được Chúa Giêsu trao phó làm đầu Giáo Hội, Phêrô vẫn sống khiêm tốn với mọi người, đặc biệt là với các Tông đồ khác. Tương truyền kể lại rằng, Phêrô chịu chết tử đạo tại đồi Vatican với hình khổ thập giá. Trước khi chịu tử đạo, Ngài xin được đóng đinh đầu lộn ngược xuống đất vì Ngài nghĩ mình không xứng đáng để nên giống Thầy mình.

Như vậy, Phêrô là một vị thánh hết sức khiêm nhường. Nhờ có đức khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã tin nhận Phêrô và trao cho ông chức vụ quan trọng là lãnh đạo Giáo Hội.

2. Đức mến của Thánh Phêrô

Từ khi đáp lại lời mời gọi theo Chúa Giêsu, Phêrô đã thể hiện lòng yêu mến của mình đối với Thầy Giêsu bằng nhiều cách thức khác nhau.

Khi Chúa Giêsu cảnh cáo ông: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta như đã có lời viết: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên và đàn chiên sẽ tán loạn” (Mc 14,27). Phêrô đã thề thốt với Thầy rằng: “Dù cho mọi người có vấp ngã đi nữa nhưng con thì không bao giờ”(Mc 14,29).

Khi Chúa Giêsu báo trước, ông sẽ chối Thầy ba lần, Phêrô đã thề độc rằng: “Dù có phải cùng chết với Thầy con cũng không chối thầy”(Mc 14,31).

Khi Chúa Giêsu giảng dạy về bánh hằng sống, nhiều môn đệ bỏ Ngài mà đi, vì họ cho rằng những lời giảng dạy của Chúa Giêsu “quá chói tai” (x. Ga 6,60). Chúa Giêsu quay sang hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Thánh Phêrô trả lời ngay rằng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”(Ga 6,68).

Trong vườn cây dầu, khi quân dữ đến bắt Chúa Giêsu. Vì muốn bảo vệ Thầy mình, Phêrô đã rút gươm và chém đứt tai một người đầy tớ…(x.Ga 18,10).

Tất cả những lời nói và hành động trên đây của Phêrô đều phát xuất từ lòng yêu mến Chúa, vì muốn được bảo vệ Thầy cho đến cùng. Chúa Giêsu biết điều đó, nên trước khi trao sứ mệnh dẫn dắt các tông đồ, Ngài muốn Phêrô công khai tỏ bày lòng yên mến của mình. Chính câu trả lời của Phêrô lại một lần nữa khẳng định lòng yêu mến của mình một cách chân thành (x. Ga 21, 15-17). Chúa hỏi ba lần: “Phêrô con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Phêrô trả lời ba lần: “Lạy Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

3. Bài học cho mỗi người chúng ta hôm nay

Thứ nhất, chúng ta hãy bắt chước thánh Phêrô luôn sống chân thành, quảng đại với mọi người. Đặc biệt, hãy noi gương Ngài luôn biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người: khiêm nhường là mẹ mọi nhân đức. Kẻ khiêm nhường luôn được Chúa yêu thương và mọi người quý mến. Trái lại, kẻ kiêu ngạo không những bị Chúa ghét mà mọi người cũng không ưa.

Thứ hai, chúng ta hãy bắt chước Thánh Phêrô về lòng mến Chúa: mến Chúa thực lòng, mến Chúa chân thành, mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự… Để có thể nói được với Chúa như Thánh Phêrô rằng: Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.

Thứ ba, chúng ta phải yêu mến Giáo Hội Chúa bằng cách: chu toàn bổn phận của một người kitô hữu trong giáo xứ; bảo vệ Giáo Hội khi cần; đóng góp khả năng của mình để xây dựng Giáo Hội; luôn cầu nguyện cho Giáo Hội, đặc biệt là cho Đức Giáo Hoàng. Khi Phêrô bị bắt, bị giam trong tù, các kitô hữu khắp nơi đã đồng tâm cầu nguyện cho Ngài. Chính vì thế, Chúa đã sai thiên thần đến để giải cứu cho Ngài (x. Cv 12,1-11). Ngày hôm nay, Giáo Hội vẫn luôn bị chống đối, bách hại cách này hay cách khác, chúng ta hãy luôn hiệp ý cầu nguyện cho Giáo Hội, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng để Ngài được đứng vững và vượt qua những gian nan thử thách.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo Hội và đặt Thánh Phêrô làm thủ lĩnh. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Nhân, xin Chúa luôn gìn giữ các thành phần trong Giáo Hội để mọi người biết đi đúng đường lối của Chúa. Sau hết, xin cho mỗi người chúng con luôn sống xứng đáng là thành viên của Giáo Hội bằng cách sống khiêm tốn và hết lòng yêu mến Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành