NỮ TU VIỆT NAM

VÀ ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO

CỦA THẾ KỈ 21…


Những câu Kinh Thánh dùng trong sách này:

Tân ước sử dụng bản in của Tòa TGM Saigon.

Cựu Ước sử dụng bản dịch của LM. Nguyễn Thế Thuấn.


Mục lục

Giới thiệu.

A. Thiên Chúa, Đấng chuẩn bị……

1. Ơn gọi.

2. Phó thác.

3. Khiêm tốn.

4. Những đức tính căn bản.

a. Tính dịu hiền.

b. Lòng nhân hậu.

c. Lòng can đảm.

d. Biết tha thứ.

e. Cầu nguyện.

B. Thiên Chúa, nỗi khao khát…

1. Phong tục tập quán.

2. Học - Ngôn ngữ.

C. Tinh thần truyền giáo.

1. Toàn hi sinh.

2. Thật yêu người.

3. Luôn vui vẻ.

D. Thế kỉ 21, niềm vui, lo âu và hi vọng.

E. Lời kết.

F. Phụ lục.

Lời giới thiệu :

Năm nay (1999) là năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai (thế kỷ 20). Giáo hội công giáo, và đặc biệt là Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã có chương trình đón ngàn năm thứ ba (thế kỷ 21) cách long trọng cho toàn thể dân Chúa với năm thánh năm 2000. các quốc gia dân tộc trên thế giới cũng đã chuẩn bị đón chào bình minh của thế kỷ 21 như là một sứ giả Hòa bình của nhân loại.

Năm nay (1999) có thể nói là mùa vọng thiên niên kỷ thứ ba của các nữ tu Việt Nam, bởi vì họ đã làm một công cuộc chuẩn bị vĩ đại cho thế kỷ 21: Đi truyền giáo cho các dân tộc. Ngày giờ của Thiên Chúa đã điểm, những người con của một dân tộc đã tiếp nhận Tin Mừng nới các giáo sĩ ngoại quốc năm xưa, giờ đây đã trưởng thành lớn mạnh, và tiếp tục theo lời mời gọi của Thiên Chúa, ra đi loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15).

“Nữ tu Việt Nam với ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21” là những suy tư, lo âu và hy vọng của người viết, xin được chia sẻ với các Linh mục và các tu sĩ nam nữ Việt Nam đang truyền giáo ở nước ngoài.

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.

THIÊN CHÚA,

ĐẤNG CHUẨN BỊ CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO


Trên các tấm thiệp báo tin mình sẽ chịu chức linh mục, các thầy phó tế thường dùng câu Lời Chúa:

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em…” (Ga 15,16).

Bởi vì các vị ấy thấy rằng, câu Lời Chúa này thật quá thích hợp với mình, cũng đúng thôi, không phải chúng ta chọn Chúa, mà chính Thiên Chúa đã chọn chúng ta.

Nhưng còn các nữ tu thì sao? Tôi cũng đã nhận nhiều tấm thiệp báo tin chị em sẽ khấn trọn đời (hoặc khấn lần đầu), nhưng thú thực, tôi chưa hề thấy qua câu Lời Chúa như trên nới các tấm thiệp báo tin vui của các nữ tu.

Tại sao vậy?

Có phải các nữ tu tự mình thấy không hợp với câu Lời Chúa đó hay sao? Hay tại các chị em quá khiêm tốn, hay tại câu Lời Chúa ấy không hay?

Dù cho là lý do nào đi chăng nữa, thì tôi cũng đã chẳng thấy câu Lời Chúa trên nơi các tấm thiệp mời khấn dòng của các nữ tu, mà chỉ thấy thông dụng một vài câu, mà nơi các tấm thiệp báo tin khấn trọn (khấn lần đầu) của các nữ tu: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38) hoặc là câu: “Lạy Chúa nầy con đây” (Dt 10,7)...

Đúng là các nữ tu Việt Nam của chúng ta khiêm tốn thật. Nhưng tại sao lại không dám viết câu Lời Chúa hay ho như vậy chứ, các nữ tu không phải là đã được Thiên Chúa tuyển chọn sao? Hay là chính các nữ tu đã chọn Chúa trước, rồi Chúa mới chọn các chị em sau?

Làm nữ tu, khoác trên mình một bộ tu phục khác hẳn người đời, không phải là lập dị, nhưng là một dấu hiệu của một ơn gọi đặc biệt, ơn gọi nầy, cũng như ơn gọi làm linh mục đều giống nhau, chỉ khác công việc, nữ tu thì có bổn phận của nữ tu, nhưng dù khác bổn phận, khác chức vụ thì ơn gọi này vẫn giống nhau ở một điểm: thánh hóa bản thân và loan truyền Lời Chúa cho mọi người.

Đất nước Việt Nam, sau 1975 vai trò của nữ tu ngày càng nổi bật hơn trong các lĩnh vực giáo dục, dạy giáo lý, công tác từ thiện, và đặc biệt trong công tác truyền giáo…

Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho các nữ tu Việt Nam một công việc to lớn vĩ đại hơn, trọng trách hơn và nguy hiểm hơn: đi ra khỏi chính môi trường quen thuộc của mình, như tổ phụ Abraham đã từ bỏ tất cả để ra đi đến nơi vùng đất mới, vùng đất hứa chảy đầy sữa và mật ong. Vùng đất mới của các nữ tu đây, không những đầy sữa và mật ong (kinh tế) mà còn là một cánh đồng đang cần những thợ gặt nhiệt tâm (truyền giáo) đến để thu hoạch cho đúng mùa, đúng vụ.

Thiên Chúa, từ muôn thuở, Ngài đã chuẩn bị cho công việc truyền giáo hôm nay của các nữ tu Việt Nam; cũng như, từ muôn thuở, Ngài đã chuẩn bị, và đã chọn Đức Maria làm mẹ Đấng cứu thế, để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Thiên Chúa đã chuẩn bị như thế nào, chẳng ai biết cả, ngay cả Đức Maria là người “trong cuộc” cũng chẳng hay biết gì, nhưng cho dù không biết, Đức Maria cũng đã biết vâng theo thánh ý của Thiên Chúa, khi Ngài mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, chẳng một nữ tu Việt Nam nào nghĩ rằng, mình sẽ trở nên người truyền giáo cho các dân tộc, nghĩa là sẽ từ bỏ “quê cha đất tổ” để ra đi, đến một nơi hoàn toàn xa lạ đem tin mừng cho một dân tộc đã có ngàn năm văn hiến, và hơn ngàn năm khắc sâu “Tam tự kinh”, và “Tứ thư” như một loại kinh thánh của họ. Vậy mà Thiên Chúa - nói theo cách của con người - đã âm thầm chuẩn bị nơi mỗi nữ tu những gì là cần thiết cho chương trình “lên đường”, đem ánh sáng tin mừng chiếu dọi vào nơi một xã hội mà ánh sáng điện “che lấp cả mặt trăng”, vật chất thì quá dư thừa, nhưng hết 98,5% dân số vẫn cứ “đói” lương thực hằng sống và đi trong “tối tăm”, vì không ai đem ánh sáng huy hoàng của Lời Chúa cho họ.

Vậy Thiên Chúa đã chuẩn bị cho công việc truyền giáo như thế nào nơi mỗi một nữ tu Việt Nam, trong những tháng ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này.

1. ƠN GỌI

Hai ngàn năm trước, Maria, một cô gái làng quê Nadarét, đã thắc mắc với sứ mệnh mà Thiên Chúa -qua lời của sứ thần Gabriel- nói cho cô biết: sứ mệnh làm mẹ của Đấng Messia, vị cứu tinh nhân loại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết việc vợ chồng!” (Lc 1, 35-37). Và sau khi nghe lời giải thích rõ ràng của sứ thần (Lc 1, 35-37) thì cô Maria mới thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Thế là hình thành một ơn gọi, ơn gọi làm mẹ, cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và mùa vọng thứ nhất của thiên niên kỷ thứ nhất bắt đầu từ tiếng “xin vâng” ấy của Đức Maria, “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) của Thiên Chúa.

Cũng vậy, “Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua Thánh tử” (Dt 1, 1-2). Và thế là chấm dứt thời Cựu ước, để mở đầu cho thời đại của ân sủng, thời đại của Đức Kitô. Thời đại mà không còn những vị ngôn sứ lừng danh bởi làm nhiều phép lạ, thời đại mà những lời loan báo về cơn thịnh nộ, giận dữ của Thiên Chúa không còn nữa…Nhưng là thời đại của tình thương, của hòa bình, mà những vị tiên tri ấy không ai khác hơn, đó chính là những Kitô hữu, những người đã đón nhận bí tích Rửa Tội, họ là những ngôn sứ “tuyên xưng Đức Kitô đã chết, đã sống lại, và loan truyền việc Ngài lại đến trong vinh quang”.

Các Kitô hữu nam nữ nầy, họ, có một số người cũng đã được Thiên Chúa tuyển chọn, không phải như Đức Maria được chọn làm mẹ Đấng cứu thế, mẹ Thiên Chúa; nhưng được chọn để dấn thân, để ra đi và phục vụ trong ơn gọi linh mục, tu sĩ. Những người mà tôi muốn nói đây, chính là các nữ tu Việt Nam và ơn gọi truyền giáo của họ.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, vì thế, cách gọi mỗi người của Ngài cũng …toàn năng, ai cũng được mời gọi vào làm trong vườn nho của Ngài, nhưng cách gọi mỗi người thì không ai giống ai: có người được gọi vì muốn yêu Chúa cách trọn vẹn hơn, có người được gọi vì thích là..bà xơ cho oai, có người được gọi chỉ vì…thất vọng trong tình yêu...

Đúng là…Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể biến đổi những cái thích tầm thường ấy của con người, mà thánh hóa, ban ơn sủng để làm cho họ trở nên những con người loan báo Phúc Âm tuyệt vời của Ngài.

Đức Maria, trước khi đáp lời “xin vâng” với vị đại diện của Thiên Chúa -sứ thần Gabriel- thì đòi phải có sự giải thích rõ ràng sứ mệnh mà mình sắp lãnh nhận, và suốt đời Mẹ đã suy tư, cầu nguyện và chu toàn bổn phận của mình cách tuyệt hảo. Mặc dù trong cuộc đời của Đức Maria, xét cho cùng -theo cách nhìn của con người- toàn là những chuỗi ngày đau khổ nhiều hơn là sung sướng, từ khi mang thai Đấng cứu thế, cho đến khi con mình chết trên thập giá. Thế nhưng, Đức Maria đã bảo vệ thành công hai chữ “xin vâng” cho đến…tận thế, nói đến tận thế là vì chữ “xin vâng” của Đức Maria, cho đến ngày hôm nay, vẫn có người thực hiện và nối tiếp mãi mãi cho đến…tận thế.

Ơn gọi làm nữ tu cũng như thế, không phải đợi khi khấn (khấn lần đầu hay trọn đời) mới nói tiếng “xin vâng”, nhưng ngay từ khi “thích” làm nữ tu (bởi nhiều lý do) thì Thiên Chúa cũng đã thôi thúc, “nói to nói nhỏ” trong hoàn cảnh của cuộc sống, để chúng ta tự mình giải thích, tự mình chọn lựa và tự mình hình thành hai chữ “xin vâng” nho nhỏ trong tâm hồn, và chữ “xin vâng” này ngày càng lớn lên trong chúng ta, theo chúng ta qua những thăng trầm của cuộc sống, và cứ qua mỗi giai đoạn thử thách của hoàn cảnh bên ngoài (bị bề trên hiểu lầm, bị chị em chế nhạo, bệnh tật…) và những thử thách bên trong (bị cám dỗ vì những so sánh với cuộc sống ngoài đời, lạnh nhạt khi nguyện ngắm…) thì hai chữ “xin vâng” càng lớn gấp bội, lớn nhanh lớn mạnh, và những cái “thích” tầm thường ban đầu không còn nữa, nhường lại cho ơn gọi một vị trí xứng đáng hơn : vị trí làm một nữ tu truyền giáo.

Ơn gọi truyền giáo này, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị từ trước, mặc dù khi chúng ta thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin vâng”, nhưng Ngài chẳng nói năng gì cho công việc truyền giáo, Ngài cũng chẳng bàn hỏi gì với chúng ta cả, Ngài cũng chẳng nói con phải đi đây đi đó để truyền giáo…Ngài chỉ im lặng và chuẩn bị một chương trình truyền giáo cho cô nữ tu nhỏ bé đã can đảm nói tiếng “xin vâng” này.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên người phụ nữ, là để họ làm mẹ, vì thế, Ngài đã chuẩn bị tất cả từ tâm lý, sinh lý, tính tình và cả thân xác, để họ chu toàn chức phận làm mẹ, đây là việc tự nhiên của con người, hay nói cách khác, của Đấng tạo hóa, nói tự nhiên là vì hết thảy mọi phụ nữ trên mặt đất đều như thế. Cho nên cũng như tất cả các phụ nữ khác, các nữ tu cũng không ra ngoài sự tự nhiên ấy, cũng có những “năng khiếu” làm mẹ và đã được Thiên Chúa “đặt sẵn” trong họ. Và nếu cứ theo tính tự nhiên mà nói, thì…chẳng có gì để nói, nhưng các cô gái nầy đã không theo lẽ tự nhiên thường tình ấy của nhân loại, các cô đã vượt ra khỏi cái tự nhiên ấy để đi làm một công việc “ngược đời”, công việc của một “tôi tới hèn mọn” của Thiên Chúa. Nghĩa là, các cô đã đi theo tiếng gọi của tình yêu, không phải tình yêu nam nữ thường tình, mà là tình yêu của Thiên Chúa.

Người ta thường nói, lấy vợ lấy chồng cũng là một ơn gọi -ơn gọi sống trong bậc hôn nhân- nhưng theo tôi -ngoài Đức Maria được gọi làm mẹ của Đấng cứu thế, không những là một ơn gọi, mà còn là một thiên chức- thì đời sống hôn nhân không phải là một ơn gọi, mà là một chức phận đã được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người phụ nữ trên địa cầu là lẽ tự nhiên, người phụ nữ nào cũng như thế cả.

Nhưng làm một nữ tu, nói đúng là ơn gọi, một ơn gọi đặc biệt mà trong trăm, ngàn người mới có một. Vậy, thế nào là ơn gọi đặc biệt?

Khi tôi cùng các bạn đang trên đường đi về nhà sau buổi tan học (lẽ tự nhiên), tình cờ có người bạn gọi tôi theo họ (được gọi) để đi tham dự một buổi dạ hội, vì tính tò mò tôi đi theo (xin vâng nho nhỏ) và từ trên đường đi tôi luôn nghĩ đến nơi mà mình sẽ đến (suy tư, bàn hỏi) đến nơi tôi thấy mọi sự quá đẹp, quá hay và thích ở lại tham dự (xin vâng lớn dần), và thế là hình thành một ơn gọi trong tôi.

Thiên Chúa đã “đặt sẵn” những cái cần thiết trong con người phụ nữ để họ làm mẹ, như tính tình khả ái, dịu dàng, bao dung, thích trẻ em, cần mẫn, dung nhan đẹp đẽ… Thế nhưng, Thiên Chúa không “đặt sẵn” những thứ cần thiết để làm nữ tu cho một phụ nữ, bởi vì -như đã nói- ơn gọi làm một nữ tu là một sự “ngược đời”, vì nó ngược đời, cho nên “không cần làm sẵn”, nhưng cái quan trọng hơn đó chính là sự đáp trả lời mời gọi ấy của Thiên Chúa cách tự do thong dong nơi các cô gái mạnh dạn nói tiếng “xin vâng”, thì chính Thiên Chúa sẽ đem những cái đã “đặt sẵn” để làm mẹ nơi cô gái ấy, biến thành những khí cụ, hổ trợ cho đời sống tu trì dâng hiến của một nữ tu, và còn ban thêm ơn sủng, để họ trở thành những nữ tu theo ý của Ngài muốn.

Làm nữ tu, đó là một ơn gọi, một ơn riêng mà chỉ có Thiên Chúa “độc quyền” xử dụng ban cho ai, gọi ai, đó là ý muốn của Ngài, thế nhưng, có bao giờ chúng ta suy nghĩ đến cái đặc ân qúy báu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta đó không?

Cứ mỗi lần nhìn một nữ tu trẻ, tôi liền thắc mắc: tại sao cô ta lại đi tu? Trong lúc ấy có biết bao cô gái khác lại đi theo lẽ thường tình: lấy chồng. Mặc dù tôi cũng biết đi tu là một ơn gọi, và các cô nữ tu trẻ này đang đi theo con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho họ! Có một lần, sau khi tham dự một thánh lễ khấn trọn đời của một tu sĩ dòng Tiểu Đệ thánh Giaon Tẩy Giả, lúc chuyện trò vui vẻ với các nữ tu của dòng Thánh Tâm Đức Mẹ tại Đài Trung tôi hỏi một tập sinh, người Đài Loan, cô nữ tu trẻ này rất ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi, cười và trả lời: “Em cũng không biết”. Không phãi là không biết, nhưng có lẽ trong cuộc sống các cô nữ tu trẻ này rất ít khi suy tư về ơn gọi của mình: tôi đi tu để làm gì?

Đi tu để làm gì? Hay tại sao tôi đi tu? Là câu hỏi mà mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày các nữ tu cần phải luôn luôn nhớ đên để suy tư, để cầu nguyện và để kiên trì bền đổ đến cùng trong ơn gọi cao qúy mà chính Thiên Chúa đã chọn và gọi đích danh mình. Và cứ mỗi lần tự đặt cho mình câu hỏi như thế, thì chính họ (nữ tu) đã tự mình xác định lại ơn gọi mà Thiên Chúa, vì lòng quảng đại và yêu thương vô bờ bến đã chọn họ, do đó, họ càng xác tín hơn, mạnh dạn hơn và quyết tâm hơn trong đời sống tận hiến.

Ơn gọi là như thế, là thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian, để giữ cho thế gian được thăng bằng trong sức chảy cuồn cuộn của đam mê danh vọng, đam mê xác thịt, và đam mê tiền tài mà theo ngôn ngữ của tu đức, chúng ta gọi tắt là “ba thù”. Chính các nữ tu, những người được gọi để làm những công việc ấy, họ sẽ sử dụng những gì mà Thiên Chúa đã “đặt sẵn” nơi họ, thay vì làm mẹ, họ đem tính dịu dàng khả ái để an ủi những người bất hạnh, đem những lời nói dễ thương ấy để khuyên bảo những người “bất trị”, đem hành vi bác ái của Đức Kitô đế “nói” Tin Mừng cho mọi người mà họ tiếp xúc và công tác trong cuộc sống…

Ơn gọi làm nữ tu thì ai cũng biết cũng nghe, nhưng ơn gọi làm nữ tu truyền giáo thì ít người nghe qua, bởi vì chúng ta có quan niệm đi tu là đi làm công tác dạy học, là đi làm trong bệnh viện, là đi làm các công tác từ thiện…đó cũng là công việc truyền giáo, nhưng chưa quy mô, chưa cụ thể, hay nói rõ ràng hơn, các nữ tu chỉ mới truyền giáo trong phạm vi nhỏ bé của địa phương, chữ truyền giáo mới phát huy có một nửa. Truyền giáo có nghĩa là đem cái đạo mà mình biết, mình tin, mình sống cho người chưa biết, tức là những người ngoại giáo, đơn giản thế thôi. Các nữ tu Việt Nam cũng chưa thoát khỏi “cái lệ” ấy, có lẽ vì quy luật và tôn chỉ của dòng không cho phép họ vượt khỏi phạm vi địa phương mà mình phục vụ, hay nói theo đức tin: giờ của Thiên Chúa chưa đến.

Nhưng đến những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20 này, các nữ tu Việt Nam, những con người vẫn còn e ấp khi tiếp xúc với mọi người, vẫn còn đỏ mặt tía tai -vì xã giao- mà bắt tay với một người đàn ông, con trai; vẫn không dám tranh luận về giới tình khi lên lớp môn luân lý sự sống…đã khăn gói lên đường ra đi theo ơn gọi làm nữ tu truyền giáo của mình.

Giờ của Thiên Chúa đã điểm. Tạ ơn Chúa! Alleluia!

2. PHÓ THÁC

“Yave phán với Abram: “ Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi…”(Kn 12, 1-2). Và ông Abram đã ra đi, đi mà không biết nơi mình sẽ đến nó như thế nào? Nhưng ông vẫn cùng “bầu đoàn thê tử” ra đi, bởi vì ông tin vào Thiên Chúa, tin vào Đấng chẳng bao giờ lừa dối ai, thế là ông đã phó thác, đã đem tất cả những gì mình có (vợ, cháu, tôi trai tớ gái, của cải súc vật…) đặt vào trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Tin là phó thác.

Đức Maria cũng là một mẫu gương tuyệt vời của sự phó thác, từ lúc mẹ nói hai chữ “xin vâng” thì chính bản thân Mẹ cũng đã sẵn sàng chấp nhận những gì mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã tin và Mẹ đã phó thác cho Thiên Chúa.

Cũng như tổ phụ Abraham đã tin và phó thác, cũng như Đức Maria đã tin và phó thác. Ơn gọi làm nữ tu cũng là một sự phó thác cho Thiên Chúa, nhưng sự phó thác của người nữ tu không giống như ông Abraham, cũng chẳng giống như Đức Maria đã trực tiếp phó thác cho Thiên Chúa, mà các nữ tu hôm nay phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa qua hội dòng, qua bề trên của mình. Sự phó thác nầy đòi hỏi nười nữ tu phải có tâm tình “xin vâng” triệt để, hay nói theo chữ nghĩa của…nhà tu, là đòi hỏi để các nữ tu phải trưởng thành trong đức tin của mình. Bởi vì, khi vâng lời hay phó thác cho bề trên của mình, thì không phải là mình vâng lời hay phó thác cho cá nhân vị bề trên ấy, mà là vâng lời và phó thác cho hội dòng trong con người của vị bề trên ấy, vì bề trên đã được Thiên Chúa ủy nhiệm “quyền” qua sự đồng ý hợp pháp của toàn thể hội dòng. Do đó, người nữ tu hôm nay khi đặt mình trong sự vâng phục, phó thác nơi bề trên, thì đó chính là vâng phục và phó thác nơi Thiên Chúa, và nhìn thấy ý muốn của Thiên Chúa qua sự phán quyết của bề trên vậy.

Phó thác, cũng có nghĩa là nói với Thiên Chúa: con giao cho Chúa mọi thứ của con có, tâm hồn, thể xác, sức lực, trí óc… để Chúa toàn quyền sử dụng như ý muốn của Chúa. Mà xét cho cùng, những thứ mà chúng ta có chính là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, bây giờ đem dâng lại cho Ngài thì cũng là điều hợp lý, nhưng Thiên Chúa sẽ không nhận lại những gì mà chúng ta dâng cho Ngài với sự miễn cưỡng, gượng ép.

Phó thác cũng không có nghĩa là ù lì, bề trên “sai đâu đánh đó”, nhưng là chủ động trong công tác được giao phó, là như người đầy tớ trung thành khôn ngoan biết làm lợi thêm năm nén bạc cho ông chủ (Mt 25, 16), cũng có nghĩa là đem hết tài năng để chu toàn bổn phận, bởi vì khi giao phó trách nhiệm cho chúng ta, bề trên (và hội dòng) đã nhìn thấy khả năng của chúng ta có thể làm tới đâu, và sẽ trợ giúp khi chúng ta làm hết sức mình. Và khi chúng ta đã làm được như thế, là chúng ta đã được chuẩn bị để đi xa hơn, gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Một tổ phụ Abraham đã được chúc phúc làm tổ phụ một dân tộc của Thiên Chúa chọn, dân tộc Israel, bởi vì ông đã không ù lì khi phó thác tất cả cho Yavê Thiên Chúa, ông đã hành động, đã nổ lực trong lao động trong tin yêu và phó thác. Một Đức Trinh Nữ Maria đã được chúc phúc, bởi vì Mẹ đã không ỷ lại vào lời hứa của Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã nổ lực cộng tác vào trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Mẹ đã làm hết sức mình trong thiên chức làm mẹ của Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa làm người.

Các nữ tu là những con người được chọn để sống phó thác, để làm mẫu mực cho người đời noi theo trong cuộc sống phó thác vào Thiên Chúa. Vì thế, không ai có thể chối cãi được khi nghe nói: họ (các nữ tu) là những con người sống có lý tưởng, có mục đích, vì họ đã phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Lý tưởng và mục đích của các nữ tu chính là làm sáng danh Thiên Chúa, và mưu ích lợi cho tha nhân, thì việc các nữ tu sống phó thác là chuyện phải trở nên bình thường đối với các nữ tu, bình thường như em bé hồn nhiên, đơn sơ chạy tung tăng trước mặt mẹ nó mà không sợ lạc đường.

Vậy, khi các nữ tu biết phó thác vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham, như Đức Maria và như các thánh, thì các chị em đã được Thiên Chúa chuẩn bị để làm một nữ tu truyền giáo rồi vậy.

3. KHIÊM TỐN

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và học hỏi với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường…”(Mt 11, 29).

Khiêm tốn, hay khiêm nhường cũng thế thôi, là một nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, là nền móng của một ngôi nhà cao tầng hay nhà trệt (tùy theo túi tiền của người xây nhà, có nghĩa là tuỳ theo sự… khiêm tốn của mỗi người), có nghĩa là xây nhà cao tầng thì nền móng phải vững vàng, chắc chắn gấp trăm lần ngôi nhà trệt. Cũng vậy, người có nhân đức khiêm tốn càng cao, thì việc làm của họ càng trở nên vĩ đại, bởi vì khi có nhân đức khiêm tốn thì tất cả mọi nhân đức khác sẽ theo đó mà phát triển, và ngược lại, nếu không có nhân đức khiêm tốn, thì mọi tài năng, mọi nhân đức khác đều sẽ sụp đổ, tan thành mây khói (mặc dù cũng có một thời nổi tiếng). Một Luther đã lìa bỏ Giáo hội, hay một vua HenryVIII (nứơc Anh) đã được Đức thánh cha Leo X tặng tước hiệu là “ Người bảo vệ đức tin”, cũng đã trở thành người bách hại đức tin của dân Chúa ngay trong đất nước mình…Tất cả chỉ vì sự kiêu căng mà ra.

Các nữ tu truyền giáo cũng vậy, không thể thiếu nhân đức khiêm tốn trong ơn gọi làm nữ tu truyền giáo của mình, bởi vì:

Chính Đức Kitô là con người truyền giáo đầu tiên trên thế giới, chính Ngài, như lời thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Philipphê đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như nười trần thế…”(Pt 2,6-7) Ngài đã khiêm tốn đến tận cùng, nghĩa là không còn gì để khiêm tốn nữa, và như thế, Ngài đã hoàn toàn trở nên như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để cho chúng ta, mỗi người trờ nên con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của nhau trong Đức Kitô.

Các chị em, trước khi trở thành một nữ tu của một hội dòng, có người đã là bác sĩ, có người đã trở nên cô giáo, có người vừa trở thành “cô tú”, có người vừa từ giã giảng đường đại học, và cũng có người đã lăn lộn với đời…Tóm lại là trong quá trình của ơn gọi, các hị em đã có tính cách và sự giáo dục không giống nhau, cho nên trong đời sống cộng đoàn khó tránh những xích mích dáng tiếc, đến nỗi có người phải lìa bỏ cộng đoàn. Cho nên, đức khiêm tốn của mỗi thành viên đối với đời sống cộng đoàn rất cần thiết, cần thiết như một nền móng vững chắc để xây dựng một tòa nhà cao tầng.

Khiêm tốn là quên đi chính mình, quên đi những học vị tiến sĩ, quên đi mảnh bằng bác sĩ, quên đi những nghề nghiệp chuyên môn của mình và quên đi thân phận trước đây của mình, để chỉ còn lại trong mình một cái tôi trống không được hướng dẫn bởi Lời Chúa và hiến chương của hội dòng.

Quên đi, không có nghĩa là vứt bỏ, là đoạn tuyệt, nhưng là đem nó biến thành những công cụ giúp cho ơn gọi chúng ta trưởng thành hơn, đem sự vâng phục để thánh hóa nó, để nó giúp ích cho mình và cho cộng đoàn, để chỉ biết có cuộc sống hiện tại cùng với chị em, cùng với cộng đoàn tiến lên phía trước trong ơn sủng, trong thánh đức, mà chính chúng ta đã chọn ở trong cộng đoàn ấy. Chẳng hạn như, khi chúng ta cùng với các chị em nghiên cứu hiến chương của hội dòng, thì chúng ta có thể đem những tri thức, những hiểu biết về chuyên môn của mình để giúp ích, để làm cho “những chữ vô tri trong bản hiến chương trở thành sống động hơn” nơi mỗi một thành viên của cộng đoàn chúng ta.

Khiêm tốn cũng có nghĩa là không tranh cãi hơn thua với chị em trong cộng đoàn, nhưng biết lắng nghe và quan tâm đến họ, biết trở thành cái cầu nối để chị em bước qua, thông cảm nhau và cùng nhau tương thân tương ái mà không sợ vấp té.

Khiêm tốn không có nghĩa là nhút nhát, sợ hãi mà không dám đối diện với những bất công trong cộng đoàn. Thánh Gioan Tẩy Giả đang lúc được mọi người ủng hộ khen ngợi như là vị đại tiên tri ở giữa họ, thì ngài đã khiêm tốn trả lời cho các người thuộc phái Pharisiêu: “…Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết, Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 26-27), nhưng sau đó, chính ngài đã can đảm, cương quyết can ngăn vua Herode không được lấy vợ của anh mình (Mt 14, 3-12), và ngài đã bị chém đầu.

Khiêm nhường cũng chính là ở trong một đức tính can đảm, can đảm để nhận ra cái sai trái của mình, can đảm để nhìn thấy sự trỗi vượt của chị em mà hoan hô, mà bắt chước, can đảm để nhìn thấy được giới hạn khả năng của mình mà cảm tạ Thiên Chúa, vì khi chúng ta khiêm nhường như thế, không những chúng ta kéo ơn sủng của Chúa xuống trên chúng ta, mà chị em cũng được vui tươi, vì chúng ta đã tặng cho họ một bông hoa đẹp nhất: bông hoa của lòng khiêm tốn.

Giáo hội của Chúa Kitô được xây dựng trên đả tảng Phêrô, và tồn tại mãi cho đến ngày tận thế, ngoài sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà không ai có thể phủ nhận được, thì nguyên nhân khách quan của sự tồn tại của một Giáo hội công giáo có tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, có bề dày lịch sử nhất, nhất quán nhất, thông suốt nhất của nhân loại, chính là nhân đức khiêm nhường của những phần tử trong Giáo hội.

Cũng vậy, để trở thành một nữ tu truyền giáo, nhân đức căn bản để thành công trong đời hoạt động tông đồ truyền giáo, và đem lại ích lợi cho cộng đoàn, chính là khiêm tốn, không khiêm tốn đủ, chúng ta đừng hòng đem Lời Chúa đến cho mọi người. Linh mục Vincent Lebbe (1877-1940), người Bỉ, thuộc dòng thánh Vincent de Paul, trong thời gian truyền giáo tại Trung quốc, ngài đã bị biết bao nhiêu là chống đối của hàng giáo sĩ ngoại quốc vì cách nhìn thấy xa, thấy rộng của ngài: ngài thành lập hàng Giám mục Trung quốc (Giáo hội địa phương), ngài bị chống đối, bị đi đày, bị bề trên hiểu lầm, bị các bạn đồng môn chỉ trích…nhưng ngài vẫn cứ vâng lời và khiêm tốn nghe theo bề trên, dù trong lòng rất đau khổ, nhưng vẫn cứ từ bỏ những thành quả đã đạt được trong việc truyền giáo ở Thiên Tân (Trung quốc). Và phần thường dành cho sự khiêm tốn của đức vâng lời ấy, đã được Đức Giáo hoàng Piô XI đền bù xứng đáng: 6 vị giám mục tiên khởi của Trung quốc do cha Vincent Lebbe tự tay viết danh sách đưa cho ĐGH, đã được tấn phong trọng thể tại Rôma vào ngày 28.10.1926.

Để trở nên một vị thánh cần phải có đức khiêm tốn, và để trở thành một nữ tu truyền giáo, đức khiêm tốn phải được đặt làm nền tảng của mọi hoạt động tông đồ, nhất là truyền giáo trong một xã hội mà dân chủ, dân sinh, dân trí đã phát triển rất cao, nhưng “dân đạo” thì xuống dốc trầm trọng, chủ nghĩa hưởng thụ và tự do quá độ đã làm cho người ta không còn nhìn hấy đâu là nhân, đâu là ái…Người ta không còn nhìn thấy nhân và ái, vì chẳng có ai “sống” cho họ coi, vì vậy, sống và thực hành nhân và ái thì chỉ có các nữ tu với ơn gọi truyền giáo của mình, nói cho họ nghe, làm cho họ thấy, đó là đem cuộc sống khiêm tốn của Đức Kitô, thực hành trên con người của mình, để “Lời Chúa được xuôi chạy tiến bước” đến với mọi tâm hồn.

Khi các nữ tu đã thành tâm thực hành đức khiêm tốn, thì chính Thiên Chúa đã chuẩn bị cho các chị em trở thành một nữ tu của ơn gọi truyền giáo rồi vậy.

4. NHỮNG ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN

Làm một nữ tu thì khác với các cô gái khác trong cuộc sống đời thường, sự trưởng thành của các nữ tu phải trổi vượt trên các thiếu nữ đồng trang lức, bởi vì nhân cách của chúng ta nói lên được nội tâm của chính mình. Mà một nữ tu có đời sống nhân bản thì chính họ là chiếc cầu nối làm cho người nữ tu dễ dàng gặp gỡ, đối thoại, cảm thông cới những người chung quanh, khiến cho Lời Chúa càng dễ dàng được mọi người vui lòng đón nhận.

Những đức tính nhân bản này, là con người thì ai cũng có, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng cách hoàn hảo, thế nhưng, một nữ tu thì cần phải tập luyện trau dồi và hành sử các đức tính nhân bản này cách thành thục, nhưng không phải chỉ vì phép lịch sự xxã giao, mà còn là đượm thắm tinh thần bác ái chân thật của Đức Kitô, qua cử chỉ và hành động của người “tôi hèn mọn”, chính là cá nữ tu vậy.

A/ Tính dịu hiền

Là một phụ nữ ai cũng có tính dịu hiền, nếu không dịu hiền thì Thiên Chúa sẽ không “cho” làm mẹ, dù bà mẹ có dữ “như sư tử Hà đông” với người hàng xóm, nhưng đối với con cái họ, thì họ trở nên dịu dàng “như con chim bồ câu”.

Một nữ tu lại càng phải có đức tính dịu hiền bởi vì không phải dịu hiền cho chính vản thân mình, hay với những người quen biết, nhưng là vì để Thiên Chúa được tôn vinh qua đức dịu hiền khả ái của mình. Sự dịu hiền phản ánh lại hình ảnh của Đức Maria khi nhìn thấy quân lính Rôma đóng đinh Con mình vào thập giá, mẹ không la hét chưởi rủa như những người mẹ khác, khi thấy con mình bị hành hạ cho đến chết, Mẹ chỉ dịu hiền đứng lặng yên, can đảm và âm thầm cầu nguyện cho những người đã làm hại con mình.

Sự dịu hiền của một nữ tu có giá trị gấp trăm lần đời răn đe của một cô giáo đối với học sinh, và có hiệu quả hơn hẳn nhà tù trại giam đầy những lính canh và giám thị khắc nghiệt. Bởi vì sự dịu hiền nầy, không như sự nhu mì của những cô gái bình thường, họ chỉ dịu hiền vì bản tính…nó là như thế, chấm hết. Nhưng các nữ tu thì họ ý thức được sự dịu hiền phải được phát xuất từ Thiên Chúa, do đó, ngoài sự dịu hiền mà bản tính tự nhiên đã có, các nữ tu còn biết vận dụng tinh thần yêu thương của Đức Kitô trong cái dịu hiền đáng yêu của mình. Chẳng hạn như khi họ đem sự dịu hiền để khuyên bảo một người có tính cộc cằn, thì chính họ -các nữ tu- đã nhìn thấy được hình ảnh của Đức Kitô trong con người cộc cằn thô lỗ này. Và như thế, sự dịu hiền càng tăng thêm giá trị đích thực, mà không phải làm bộ làm tịch phô diễn cái dịu dàng của mình cho mọi người biết.

Vậy, sự dịu hiền chính là một đức tính mà bất kỳ một nữ tu nào cũng đều phải có, nếu chưa đạt được đến mức độ “nhìn thấy Chúa trong người mình phục vụ” thì ngay từ bây giờ cần phải luyện tập, bởi vì sự dịu hiền càng làm cho Thiên Chúa được tôn vinh, tại sao vậy? Vì nếu một nữ tu truyền giáo mà biết đem sự dịu hiền này đi phục vụ ở miền truyền giáo để mọi người nhận biết và tin vào Chúa, đó không phải là Thiên Chúa được tôn vinh thì là gì chứ? Hay là để cho bản thân mình được tôn vinh?

Các chị em đã thấ các cô tiếp viên hàng không của các nước Á Châu chưa, họ là những con người rất khả ái, phục vụ hành khách cách niềm nở và vui vẻ, để cho khách hàng ngồi trên máy bay của công ty mình được thoải mái và dễ chịu; các chị em đã thấy các cô y tá phục vụ trong các bệnh viện chưa, có rất nhiều cô dịu dàng khả ái với bệnh nhân, tận tình chăm sóc và ân cần thăm hỏi như những người yêu của mình.

Các cô tiếp viên hàng không, vì lợi nhuận của công ty, và có khi vì nghề nghiệp mà họ phải vui vẻ và dịu dàng với khách hàng, chứ chưa chắc trong lòng họ thật sự yêu mến khách hàng. Các nữ y tá trong bệnh viện, có bao nhiêu người thật sự yêu thương bệnh nhân như chính Chúa Kitô?

Các cô gái ấy vì nghề nghiệp, vì kế sinh nhai mà họ phải dịu dàng với mọi người, vậy thì các nữ tu truyền giáo lại không thể hơn họ hay sao? Các chị em không vì dịu dàng cho một công ty, không vì khả ái cho một bệnh viện, nhưng là vì Thiên Chúa, vì tình yêu của Ngài thôi thúc các chị em từ bỏ tất cả để ra đi, không phải đi du lịch, cũng chẳng phải đi để nghiên cứu khao học, mà ra đi để đem tình yêu, đem tin mừng của Thiên Chúa bằng chính sự dịu hiền mà Thiên Chúa đã trao ban cho các chị em, như là một khí cụ đắc lực trong công cuộc hoạt động tông đồ truyến giáo.

Sự dịu hiền chính là một sức mạnh của các nữ tu, có khả năng quật ngã những cản trở trên đường truyền giáo.

Sự dịu hiền cũng nói lên được tính cách và con người của các nữ tu: các chị yêu Chúa yêu người nhiều hay ít?

Vậy, khi các chị em đã có đức tính dịu hiền, thì chính Thiên Chúa đã chuẩn bị, mời gọi các chị em làm một nữ tu với ơn gọi truyền giáo rồi vậy!

B/ Lòng nhân hậu

“Nhân” có nghĩa là nhân ái, lòng nhân

“Hậu” có nghĩa là dày, to, lớn, sâu, đậm.

Như vậy, người nhân hậu là người có lòng nhân ái rộng lớn, sâu đậm…

Trên trần gian này, ngoại trừ Đức Kitô và Đức Maria, thì chẳng có ai là người nhân hậu bao la, to lớn cả, lòng nhân hậu của Đức Kitô thì to lớn bao la vượt qua các tầng trời, vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua mọi thế hệ. Nếu Đức Kitô không có lòng nhân hậu, thì từ nguyên tổ Adong cho đến con người cuối cùng trên mặt đất, chẳng ai được cứu độ; nếu Đức Kitô không có lòng nhân hậu, thì chỉ một lỗi phạm của chúng ta thôi, chúng ta cũng bị phạt tức khắc ngay trong hỏa ngục…Nhưng chính lòng nhân hậu của Đức Kitô đã làm cho chúng ta từ thân phận tội nhân, được làm con của Thiên Chúa, nhờ sự chết và sống lại của Ngài: “Vậy thưa anh em, nhờ máu của Đức Kitô đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thành. Người đã mở ra cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10, 19-20)

Trong toàn bộ sách Tân ước, mỗi một trang chúng ta đều có thể thấy được lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, chỉ ba năm truyền giáo ngắn ngủi, nhưng lòng nhân hậu của Ngài đã lan ra tận cùng thế giới, và “nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25)

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa, qua Đức Kitô đã thúc giục Giáo hội của Ngài -Giáo hội công giáo- từng người một quãng diễn lại lòng nhân hậu của Ngài qua cuộc sống và hành động của mình. Hai ngàn năm qua, Giáo hội Chúa đã sản sinh không biết bao nhiêu là những con người có tấm lòng nhân hậu để bao bọc, yêu thương thế gian khỏi chìm ngập trong cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì những ích kỷ của họ.

Không có lòng nhân hậu thì không thể làm một nữ tu được, người ta có thể thấy một nữ tu tính nóng như lửa, người ta cũng có thể chấp nhận một nữ tu mặt mày không được… đẹp cho lắm.v.v…nhưng người ta không thể chấp nhận một nữ tu không có tấm lòng nhân hậu. Nếu các nữ tu không có lòng nhân hậu, thì không biết cảm thông với những đau khổ của mọi người, nếu các nữ tu không có lòng nhân hậu, thì không thể cúi xuống ôm ấp một đứa bé bất hạnh, nếu không có một tấm lòng nhân hậu nơi tâm hồn của nữ tu, thì các chị em đi đến đâu, làm gì cũng đều trở thành vô ích, bởi vì sự nhân hậu chính là mở rộng con tim mình, để cho người ta nhìn thấy quả tim bằng thịt của Đức Kitô, một quả tim biết cảm thông và biết rung động trước những bất hạnh của con người nơi bản thân mình.

Những người có lương tâm tốt đều có tính nhân hậu tự nhiên, bởi vì con người từ khi sinh ra khỏi lòng mẹ, đã có “tính bản thiện”, do đó, mọi người ai cũng đều có thể thực hành lòng nhân hậu này. Nhưng làm một nữ tu truyền giáo thì lòng nhân hậu phải nổi bật hơn tất cả, bởi vì giữa bao người đủ mọi thành phần khi các chị em phục vụ, truyền giáo, đủ mọi hạng người, mọi tính tình, mọi dị biệt về phong tục tập quán…nếu các chị em không có lòng nhân hậu, thì không ai tin là các chị đang phục vụ vì Chúa Kitô. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, là một mẫu gương tuyệt vời về lòng nhân hậu, mẹ đã giang tay ấp ủ biết bao nhiêu là những trẻ em nghèo đói, bệnh tật, bất hạnh, mẹ đã trút tất cả lòng nhân hậu mà mẹ có, để xoa dịu tất cả những gì mà những người bất hạnh phải gánh chịu trong một xã hội mà sự mê tín và phân biệt giai cấp rất trầm trọng. Và khi qua đời trong bình an của Thiên Chúa và giữa sự thương tiếc của mọi người trên thế giới, mẹ đã để lại cho nhân loại một gia tài vô giá: lòng nhân hậu.

Các nữ tu Việt nam, có truyền thống đạo đức và tình người sâu đậm trong quan hệ hàng xóm, láng giềng, đó chính là cái “vốn” mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho các chị em, tuy nhiên lòng nhân hậu không phải tự cá nhân của các nữ tu hoàn chỉnh nó, mà là cần phải được thử luyện qua cuộc sống thực tế, bằng sự hi sinh to lớn và lòng yêu người cách thành thật. Ra đi truyền giáo giữa một nơi hoàn toàn xa lạ, thì lòng nhân hậu của các nữ tu cần phải tỏa sáng hơn tất cả, vì con người của xã hội hôm nay, người ta quen sống trong lừa đảo, dối trá, ghen ghét, ích kỷ, hận thù.v….người ta cần một tấm lòng nhân hậu để xoa dịu, để an ủi những khiếm khuyết trên của họ. Hình ảnh đẹp nhất của các nữ tu không phải là ngày khấn trọn đời với vòng hoa trắng trên đầu, tượng trưng cho lòng thanh khiết, cho mũ triều thiên, cho sự kết hợp giữa các chị em và Chúa Kitô, nhưng đẹp nhất chính là hình ảnh một nữ tu truyền giáo cúi xuống ôm ấp một em bé nghèo trần truồng bên hè phố. Đó chính là lòng nhân hậu của Chúa Kitô khi ôm ấp các trẻ em, đặt chúng nó trên đầu gối mình mà chúc phúc: “…Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18,5), đó cũng chính là lòng nhân hậu của người Samari tốt lành (10, 29-37).

Nếu một nữ tu có một tấm lòng nhân hậu, thì các chị em sẽ nhận thấy Đức Kitô đau khổ đang ở trong những người bất hạnh; nếu một nữ tu có tấm lòng nhân hậu, thì Chúa Kitô sẽ được tiếp đón giữa những hận thù ghét ghen; và hơn thế nữa thề gian sẽ nhìn thấy chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa nơi chính con người của các nữ tu.

Và thật rõ ràng, khi một nữ tu có tấm lòng nhân hậu, thì đó là dấu chỉ của Thiên Chúa đã chuẩn bị mời gọi chị em trở nên một nữ tu truyền giáo rồi vậy.

C/ Lòng can đảm

Một nữ tu Têrêsa thành Calcutta đã đơn thân độc mã, đi vào những nơi nghèo nàn cùng tận của xã hội Ấn Độ mà không sợ nguy hiểm xảy ra cho mình, không phải vì chị liều lĩnh, nhưng là chị có thừa lòng can đảm, vì chị tin rằng, không phải chị đi một mình, mà có Chúa đi với chị, và chị đã thành công trong việc cứu tế, săn sóc cả trẻ em lẫn người lớn bất hạnh. Chị đã có lòng can đảm.

Một linh mục Vincent Lebbe (người Bỉ) đã một mình, vận động, đấu tranh để có cho bằng được hàng Giám mục địa phương (Giáo hội Trung quốc) bất chấp bị trù dập (đuổi về Châu Au), bất chấp đau khổ trong tâm hồn và nơi thân xác…Và ngài đã thành công rực rỡ, được hàng Giám mục Trung quốc tặng danh hiệu cao quý: “Tông đồ Trung quốc”.

Đây là hai vị tông đồ truyền giáo lừng danh của thời đại chúng ta, một vị được gọi là ân nhân lớn của An Độ, một vị được gọi là đại ân nhân của Trung quốc, thành công của các ngài chính là nhờ sự can đảm dám đấu tranh cho người bất hạnh, dám làm những gì có ích lợi cho mọi người, nơi địa phương mình công tác.

Các nữ tu Việt nam cần phải có đức tính can đảm để can trường ra đi, ra đi như những chiến sĩ tiên phong (mà thật ra các chị đã là những người tiên phong của các nữ tu Việt nam) mở đường cho các “chiến sĩ Tin mừng” khác đi theo. Người tiên phong càng can đảm, thì làm được nhiều việc, đặt nền móng cho những người đi sau bớt đi được những khó khăn sẽ gặp phải trong cuộc đời truyền giáo, làm một chiến sĩ truyền giáo mà không có đức tính can đảm thì không thể đạt được thành công.

Đức tính can đảm, người ta thường gán nó cho đàn ông con trai, cho những chiến sĩ nơi trận mạc, cho các tay anh hùng săn bắt cướp.v.v..ít người nói đến can đảm ở đàn bà con gái, mà đàn bà con gái ấy lại là một nữ tu, thì quả là…hiếm hoi quá chừng. Nhưng can đảm không phải là chỉ xông pha ngoài trận địa, là bắt được nhiều tên tội phạm.v.v..mà còn là đối đầu với những bất công, bênh vực người bất hạnh.

Một nữ tu can đảm, không phải ngày ngày luyện…võ nghệ cho thật cao cường, cũng chẳng phải ở đâu có gay cấn, khó khăn là ùn ùn…vác cái mặt ngây thơ đến, nhưng cái can đảm của một nữ tu phải có, là sự can đảm trong khôn ngoan của Thánh Thần ban tặng, can đảm nhưng không liều lĩnh. Đi truyền giáo cũng giống như một cuộc đi ra chiến trường, địch thù chính là bóng đêm của tội lỗi của ma quỷ và những hận thù ghét ghen của nó; vũ khí chính là lời cầu nguyện, là Lời Chúa và Thánh Thể, chiến thuật chính là những đức tính dịu hiền, nhân hậu, yêu thương…và sự can đảm chính là bước quyết định tối hậu của sự thắng bại.

Đức tính can đảm của một nữ tu nó ẩn hiện trong sự dịu dàng, nó ẩn núp trong sự yêu thương tha nhân, nó bộc lộ trong sự hi sinh quên mình của các chị em, vì vậy, khi các chị em thi hành công việc bác ái, phục vụ tha nhân, thì đức tính can đảm nó cũng đồng thời tỏ rộ ra nơi việc làm của các chị em. Bởi vì, làm công việc truyền giáo -như đã nói là đi ra chiến trường- nó không phải là một loại vũ khí xách trên tay hay mang trên vai, mà nó được các chiến sĩ -là các nữ tu- mang trong tim, đặt trên mắt, đặt trên miệng, đặt trên khuôn mặt…nói tắt một lời là con người của các chị em phải tỏa lên nét can đảm của một chiến sĩ truyền giáo của Chúa Kitô.

Can đảm là lúc cần nói thì nói mà không sợ bị trù dập, can đảm là khôn ngoan tiến sâu vào trong trận địa của tôi lỗi, của cám dỗ mà đã được chuẩn bị rất kỹ càng bằng cầu nguyện và hi sinh, can đảm là dám nói “không” trước cám dỗ và nói “vâng” trước sự rụt rè nhát gan của người khác.

Các chiến sĩ tiền tiêu, họ chỉ có 3-5 người, làm một tiểu tổ, được chọn trong đội ngũ quân thiên chiến, họ luôn luôn đi trước mở đường, họ rất “ăn khớp” với nhau, cùng nhau bàn bạc công tác, cùng nhau thống nhất phương án khi xảy ra chiến trận, họ có thừa can đảm để nói lên những cái chưa tốt của đồng đội, chỉ vì ích lợi, sự sống còn của họ và cả đoàn quân đi sau.

Các cộng đoàn nhỏ của các nữ tu cũng thế, nơi đất lạ quê người với sứ mạng to lớn mà Thiên Chúa đã ủy thác cho hội dòng, và hội dòng lại tin tưởng và ủy thác cho các chị em, các chị em phải thấy được sứ mạng to lớn ấy của mình để hân hoan (nhưng không phải là kiêu ngạo). Bên trong, các chị em cần phải có can đảm để xây dựng một “tiểu tổ” 3, 4 chị em trong tinh thần yêu thương và bác ái, can đảm góp ý cho nhau những điều chưa tốt để công việc truyền giáo được tốt đẹp. Bên ngoài, các chị em phải biết can đảm tiếp xúc với giáo dân, với người chưa biết Chúa, phải can đảm dấn thân cùng sinh hoạt với mọi người, để qua sự tiếp xúc ấy, các chị em đã “giới thiệu” Chúa cho họ rồi vậy…

- Can đảm mà không liều lĩnh, đó là can đảm của người khôn ngoan.

- Can đảm mà không sợ nguy hiểm đến tính mạng, là can đảm của người anh hùng. Nhưng can đảm trong khôn ngoan và không cần được phong danh hiệu anh hùng, chính là các nữ tu truyền giáo Việt nam của thế kỷ 21.

Như vậy, khi luyện tập cho mình được đức tính can đảm, thì chính Thiên Chúa đã chọn và gọi các chị em đi theo Ngài để làm một nữ tu truyền giáo rồi vậy.

D/ Biết tha thứ

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến cpn, thì con phải tha mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22)

Người ta nói: đàn bà con gái thường…thù dai như…đỉa đói, không biết có thật không, nếu quả thật như thế thì các nữ tu cũng rất là…thù dai, vì các nữ tu cũng là đàn bà con gái, thật đơn giản. Nhưng tôi cũng tìm ra một lý do, hay nói cách khác, tìm ra một con người, để bênh vực và chứng minh cho “bàng dân thiên hạ” biết là cá nữ tu không biết thù dai, mặc dù các nữ tu cũng là con cháu Eva, đó chính là Đức trinh nữ Maria, Mẹ cũng là con cháu Eva, nhưng Mẹ không biết thù dai, mặc dù -nói theo kiểu thế gian- Mẹ có rất nhiều lý do để thù dai, nếu Mẹ thù dai thì một Herode bạo chúa sẽ bị Mẹ làm phép lạ cho chết tươi…ăn năn tội chẳng kịp, nếu Mẹ thù dai thì những tên biệt phái kiêu căng đã lên án giết chết con mình sẽ bị Mẹ tru di…bảy tộc, chứ đừng nói là tam tộc, nếu Mẹ biế thù dai thì những tên quân dữ đóng đinh con Mẹ trên thập giá sẽ bọ đất nức ra nuốt lấy…Và nếu Mẹ thù dai, thì cả nhân loại chúng ta bây giờ sẽ chẳng còn một…mống sống sót vì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng Mẹ Maria không hề biết đến hai chữ “kẻ thù”, nơi Mẹ chỉ có yêu thương và yêu thương, tình yêu thương nầy rộng lớn hơn tất cả mọi tình cảm mẹ con trên trần gian gộp lại.

Các nữ tu của Mẹ cũng thế, ngày mà các chị em cất bước đi theo tiếng gọi làm nữ tỳ của Thiên Chúa và cũng là nữ tỳ của Mẹ, thì Thiên Chúa đã thấy lòng quảng đại đáp lại tiếng mời gọi của Ngài nơi các chị em rộng lớn như thế nào, thì sự tha thứ của các chị em cũng sẽ rộng lớn như vậy.

Tha thứ như Chúa Giêsu trên thánh giá đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm: (Lc23,34). trong cuộc đời truyền giáo biết bao nhiêu lần các nữ tu sẽ phải tha thứ cho những người thù ghét các chị, nhất là những nơi mà sự phân biệt tôn giáo đến độ gay go, đổ máu, họ ghét CGS thì họ cũng ghét luôn các nữ tu của Ngài, bởi vì các nữ tu là những nhân chứng sống động của tình thương, của hòa bình và của bác ái, chính khi tha thứ là lúc các nữ tu lau dần khuôn mặt bụi bặm của Chúa Giêsu trên khuôn mặt đầy rẫy hận thù của họ, để nơi họ, chân dung Chúa Giêsu từ ái nhân hậu được lô diện cách rõ ràng hơn.

Hình ảnh một nữ tu truyền giáo Têrêsa thành Calcutta không những đã khắc đậm trong tâm hồn của những con người nghèo nàn, bất hạnh của Ấn Độ, mà ngay cả những người giàu có quyền thế cũng luôn tôn vinh một con người đã hết lòng quảng đại vì dân tộc họ, người mà có lúc, vì thành kiến tôn giáo, giai cấp, đã bị họ đuổi từ chỗ này qua chỗ khác, và cuối cùng họ đã nhìn thấy lòng tha thứ quãng đại to lớn của nữ tu Têrêsa thành Calcutta ngay trong cuộc sống của chị. Một tâm hồn luôn biết tha thứ, luôn biết bỏ qua lỗi lầm của tha nhân, không ai khác hơn chính là các nữ tu truyền giáo, họ đã học được sự tha thứ nầy nơi thập giá của Đức Kitô, nơi sự khiêm tốn của Đức Maria, nơi các thánh tử đạo, đặc biệt là các thánh tử đạo Việt nam.

Phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, có nghĩa là phải tha thứ luôn luôn, bởi vì trên thế gian nầy có ai là không phạm tội, có ai suốt đời chỉ phạm sơ sơ vài tội? Không có ai cả, vì vậy, mỗi ngày chúng ta đều được Thiên Chúa tha thứ, không phải bảy mươi lần bảy, mà bảy tỷ hay bảy ức lần bảy, cũng có nghĩa là Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta hoài hoài như thế nào, thì Ngài cũng muốn chúng ta phải tha thứ cho anh chị em hoài hoài như vậy, vì chính khi thứ tha là lúc được tha thứ. Một nữ tu ruyền giáo được mọi người thương mến, là một nữ tu biết tha thứ, mà tha thứ tức là yêu thương, không yêu thương thì không thể tha thứ cho kẻ làm hại hoặc ghét mình được. Tha thứ là một khí cụ rất lợi ích cho công việc truyền giáo, nếu các nữ tu có thừa can đảm, hiền lành rất mực, nhưng không có tha thứ, thì chỉ làm cho người ta đứng xa xa mà nhìn hình ảnh Chúa cách móp méo nơi bản thân của các chị em, nhưng nếu các chị em có tấm lòng biết tha thứ sẽ làm cho người ta, không những đến gần bên các chị em, nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu cách hoàn hảo nơi bản thân của các chị em, mà còn trò chuyện, tìm hiểu “thân thế và sự nghiệp” của Chúa Giêsu nơi các chị em, thử hỏi còn gì lợi ích hơn nữa chứ?

Vậy thì, chúng ta có thể xác tín được rằng, khi các chị em đã có tấm lòng biết tha thứ cho tha nhân, thì chính Thiên Chúa đã chọn và gọi chị em trở nên một nữ tu truyền giáo đắc lực cho Ngài rồi vậy!

4.CẦU NGUYỆN

Các chị em đã có:

Ơn gọi để được sai đi,

Phó thác để an tâm truyền giáo,

Khiêm tốn để thấy mình nhỏ bé,

và những đức tính nhân bản để sống và ứng xử với thế gian trong việc truyền giáo.

Và cái quan trọng nhất trong tất cả mọi cái quan trọng, đó chính là việc cầu nguyện.

Nếu không cầu nguyện, thì các chị em sẽ không biết thánh ý của Thiên Chúa muốn các chị em làm gì, hay nói cách khác, nếu không cầu nguyện, các chị em sẽ không trở thành một nữ tu, mà nữ tu của ơn gọi làm tông đồ truyền giáo thì lại càng không thể có.

Nếu không cầu nguyện, các chị em sẽ không có tâm tình phó thác cho Thiên Chúa là Đấng đã an bài mọi sự cách khôn ngoan, và như thế các chị sẽ trở thành người kiêu ngạo, mà người kiêu ngạo thì không thể được Thiên Chúa chúc lành, chứ đừng nói là làm nữ tu truyền giáo của Ngài.

Nếu không cầu nguyện, các chị em sẽ không biết khiêm tốn đón nhận thánh ý của Thiên Chúa, mà thánh ý của Thiên Chúa qua bề trên, qua chị em, qua cuộc sống, qua người thương yêu, qua kẻ thù…

Khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, và theo tôi, thì cầu nguyện chính là xi-măng bê-tông cốt sắt để làm cho cái nền ấy được vững vàng, chắc chắn, để chịu đựng được tòa nhà nhân đức to lớn là tâm hồn của cá chị em.

Nếu không cầu nguyện, các chị em sẽ không thể phát huy được những đức tính nhân bản để giao lưu, để công tác, để trò chuyện tiếp xúc với những đối tượng truyền giáo, nếu những đức tính nhân bản tự nhiên ấy nơi các nữ tu không phát triển, thì coi như các chị em chưa cầu nguyện, tại sao vậy? Bởi vì, người đời họ cũng có những đức tính nhân bản như các chị em, và có khi họ thực hành còn “ga-lăng” hơn các chị em nữa, nhưng họ chỉ thực hành vì tính xã giao lịch sự; còn các nữ tu, không những vì xã giao, vì lịch sự, mà còn vì nhìn thấy Chúa Kitô nơi đối tượng mà mình giao tiếp và phục vụ.

Công cuộc truyền giáo ví như một cây…xoài (thực ra cây gì cũng được, nhưng cây xoài thì…trái ngon hơn): thân cây chính là các nhân đức (như hi sinh, vâng lời.v.v…); các cành cây, hoa lá, bông trái là những hoạt động truyền giáo bên ngoài (như dạy học, dạy giáo lý, chăm sóc người già, trẻ em, ấu nhi viện, bệnh viện.v.v… và.v.v..); rễ cây là nhân đức khiêm nhường; và chất dinh dưỡng nuôi sống cây…xoài ấy chính là sự cầu nguyện, không cầu nguyện, các nữ tu truyền giáo đừng mong được thành công, cũng là nói, đừng mong được có…trái xoài mà ăn, vì cây xoài ấy đã chết khô rồi còn đâu nữa mà ăn trái với ăn hoa.

Lao động và cầu nguyện, ngày xưa thì chỉ dành cho dòng Biển Đức và các dòng khổ tu, sống theo tinh thần của Ngài, bởi vì tôn chỉ của họ là lao động (chân tay hoặc trí óc) và cầu nguyện, nhưng nay theo đà văn minh của xã hội, cuộc sống của các dòng tu có nhiều biến đổi, họ không còn khép kín trong bốn bức tường tu viện nữa, mà đi ra bên ngoài coi sóc họ đạo, tham gia các đoàn thể.v.v..

Tôn chỉ của hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả thì hoạt động và cầu nguyện, hoạt động và cầu nguyện phải đi đôi với nhau.

Cũng vậy, các nữ tu truyền giáo không nên chỉ quá chú trọng vào công việc truyền giáo, mà cần phải có thời gian cầu nguyện chung, thời giờ cố định, để dễ dàng kết hợp với Chúa, tôn vinh và tạ ơn Chúa vì những thành quả đã gặt được trong ngày. Cầu nguyện chính là “hâm nóng” lại tinh thần truyền giáo, mà đôi lúc vì quá hăng say hoạt động mà các chị em đã để nguội lạnh tinh thần kết hợp với Chúa.

Có rất nhiều tu sĩ, linh mục vì quá chuyên tâm hoạt động tông đồ, hết hội đoàn này đến đoàn thể nọ, hết thăm bệnh nhân đến dạy giáo lý, mà không có (hay là coi thường, ỷ lại) thời giờ lo cho tâm hồn mình nghĩ ngơi đôi chút kết hợp với Chúa, cho nên họ đã ra đi vĩnh viễn không trở lại với ơn gọi của mình. Không cầu nguyện, các linh mục đừng hòng mong giáo dân tiếp nhận bài giảng của mình, mặc dù họ vẫn nghe mình giảng, tại sao? Đơn gản vô cùng: vì bài giảng của mình không có “lửa” để nung nóng, thôi thúc tâm hồn tín hữu, “lửa” đây chính là ơn của Chúa Thánh Thần, mà không cầu nguyện thì làm gì có “lửa” chứ?

Cầu nguyện phải là báu vật hộ thân của các nữ tu trong cuộc đời truyền giáo.

Tất cả chúng ta đều biết, hai chị em Matta và Maria đều phục vụ Chúa Giêsu khi Ngài đến nghỉ chân nơi nhà họ. Matta chạy lui chạy tới để phục vụ chu đáo vị khách quý, còn Maria thì ngồi hầu chuyện với vị khách, Matta tượng trưng cho sự hoạt động tông đồ, Maria tượng trưng cho sự cầu nguyện, và Chúa Giêsu đương nhiên đều quý cả hai, nhưng Ngài khẳng định cho chúng ta biết: “Matta! Matta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). Cái phần nhất mà Chúa Giêsu nói, chính là sự cầu nguyện, lắng nghe lời của Ngài, do đó, có thể nói, khi các nữ tu biết chuyên tâm cầu nguyện, biết thánh hóa công việc bằng lời cầu nguyện, thì chính các chị em đã có một kho tàng vô giá, mà đã có kho tàng vô giá rồi, thì muốn gì mà lại không được, làm gì mà chẳng xong chứ?

Tóm lại, cầu nguyện chính là “đìều chỉnh” tâm hồn mình cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, vì trong khi quá hăng say với việc truyền giáo, chúng ta đã đi xa dần ơn gọi của mình, và đôi lúc, vì ỷ lại mà chúng ta không còn hăm hở như…”thuở ban đầu lưu luyến” ấy với Thiên Chúa nữa.

Vậy thì, khi các chị em biết yêu thích sự cầu nguyện, và hiểu rõ hiệu quả của nó, thì chính Thiên Chúa đã chuẩn bị mời gọi các chị em trở thành nữ tu truyền giáo rồi vậy.

***

Trên đây là những bước căn bản cần phải có của các nữ tu trước khi “ra đi”, đến nơi xa lạ để rao truyền tin mừng của Chúa Giêsu cho mọi người.

Và giờ đây chúng ta đi vào thực té của công việc truyền giáo, mà từ ngàn xưa Thiên Chúa đã chuẩn bị cho các chị em vào những ngày tháng cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này, và chuẩn bị cho ngàn năm thứ ba sắp tới.

Một mùa bội thu của các nữ tu truyền giáo Việt Nam trong thế kỷ 21.

THIÊN CHÚA,

NỖI KHAO KHÁT CỦA CÁC DÂN TỘC


Thói quen thánh thiện của Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II là: đi đến thăm mục vụ một quốc gia, dân tộc nào, việc đầu tiên khi bước xuống phi trường của nước ấy là ngài quỳ xuống hôn đất, tượng trưng cái chúc bình an cho toàn thể quốc gia, dân tộc ấy.

Hôn đất, một cử chỉ khiêm tốn của người tôi tới Chúa, là dấu chỉ của lòng ưu ái, quan tâm, và là một hành vi nói lên sự hòa bình, thân thiện.

Các nữ tu truyền giáo là những người, có thể nói, là những sứ giả hòa bình của Thiên Chúa, họ ra đi không phải để cướp đất giành dân, không phải để kiếm nô lệ, nhưng là để đem ánh sáng tin mừng cho dân ngoại, đó chính là truyền giáo, các chị em không hôn đất như Đức giáo hoàng, các chị em không được dân bản xứ đón tiếp rầm rộ khi bước chân xuống phi trường. Trái lại, trong lòng các chị em mang tâm trạng vừa lo âu vừa sợ sệt, không biế nơi mình đến nó như thế nào, “dân tình thế sự” ở đây ra sao? Biết bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra cho mình, nhưng rồi cũng chẳng trả lời được, thế là phó thác cho Thiên Chúa quan phòng vậy!

Truyền giáo và làm công tác mục vụ là hai việc không giống nhau, các nữ tu cần phải phân biệt và hiểu cho rõ ràng. Trước đây ở quê nhà, các nữ tu thường làm công tác mục vụ hơn là truyền giáo, làm công tác mục vụ chính là đi đến một xứ đạo nào đó đã có..đạo rồi, các nữ tu chỉ việc dạy học, dạy giáo lý, tập hát, lo cắm hoa, trang hoàng nhà thờ.v.v…nghĩa là các nữ tu cùng cộng tác với cha sở họ đạo ấy để làm cho đức tin nơi người tín hữu càng phát triển và trưởng thành hơn, nói tắt một lời là: các nữ tu đi làm công tác mục vụ thì đã có sẵn mọi thứ ở đó cho các chị, các chị chỉ đến và làm ! Chấm hết.

Còn làm công tác truyền giáo thì không phải như thế, truyền giáo tức là đem đạo của mình đã tin, đã biết, đã thực hành mà nói cho người chưa có đạo nghe biết, đó là truyền đạo, do đó, các nữ tu đi truyền giáo thì khổ cực trăm bề hơn các nữ tu đi làm công tác mục vụ. Nhưng đó là phân tích theo sách vở và…lý thuyết, chứ thực ra, ngay trong khi làm công tác mục vụ thì đã truyền giáo, và khi truyền giáo thì cũng là lúc làm công tác mục vụ rồi vậy.

Đến một vùng đất xa lạ để truyền giáo, hành trang mà các nữ tu mang theo, theo cách nhìn của người đời: là con số không to tổ bố. Không sản nghiệp, không tiền bạc của cải, không nhà không cửa, nhưng để bù lại, các chị em có trong tâm hồn một tình yêu Chúa Kitô mãnh liệt, các chị mang một tâm hồn to lớn quảng đại để phụng sự Thiên Chúa trong dân tộc mà các chị em được sai đến. Nhưng, tình yêu nào cũng có thử thách, lòng quảng đại nào cũng được thử lửa, và những khó khăn trước mắt đang chờ đón các nữ tu truyền giáo, như là anh chị em của các chị chờ đón các chị em vậy. Những khó khăn này, tất cả những người ra đi truyền giáo đều phải có, phải phấn đấu, và phải thắng, mới mong niềm vui được trọn vẹn. Những khó khăn nầy, xét cho cùng, thì các chị em dư sức vượt qua, bởi vì các chị em đã có một căn bản tu đức vững chắc, và được huấn luyện cách kỹ càng, hơn nữa các chị em đã có Thiên Chúa hậu thuẫn qua sự bảo trợ của Giáo hội địa phương, và các chị em bè bạn xa gần cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần.

Vậy, những khó khăn nào mà các nữ tu truyền giáo phải vượt qua?

1.PHONG TỤC TẬP QUÁN

Việc trước tiên mà các nữ tu cần phải tế nhị để học, hay học trong sự tế nhị của mình, đó là tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương mà mình sẽ truyền giáo cho họ.

Chính thánh Phaolô tông đồ đã được Thánh Thần soi sáng, mới nghĩ ra cách truyền giáo hữu hiệu này, ngài nói: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ cho nhiều người. Với người Do Thái, tôi đã trở thành người Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo lề luật, tôi đã trở nên người sống theo lề luật…”(1Cr 9,19-20). Các nữ tu truyền giáo của thế kỷ 21 cũng thế, phải trở nên người bản xứ để chinh phục người bản xứ, không phải chinh phục trái tim của một người cho mình, mà là chinh phục trái tim cả cộng đồng dân tộc họ, và dâng lên cho Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Phong tục tập quán, chính là những tinh hoa truyền thống văn hóa của cả một dân tộc, nếu các nữ tu không chấp nhận truyền thống văn hóa của họ, thì đừng mong họ chấp nhận các chị em, và việc truyền giáo thì đừng nhắc tới với họ, bởi vì, theo cách nhìn của họ, thì đạo của chúng ta (công giáo) cũng là một sản phẩm văn hóa của phương tây, tại sao lại bắt họ bỏ đi cái phong tục truyền thống của cha ông mà tin theo cái phong tục ngoại lai chứ?

Ngày 15-6-1549 thánh Phanxicô Xavier đã đến truyền giáo ở Nhật Bản (Kagoshima), bốn mươi ngày học tiếng Nhật, khi vào trong thành Yamaouchi, ngài theo phong tục tập quán của thành này: ăn mặc sang trọng, có đầy tớ theo hầu và mang theo lễ vật…Và khi yết kiến tướng quân xứ Bungo (đảo Kiushiu) ngài phục sức rất sang trọng, mặc áo dài mới, có thêu kim tuyến lộng lẫy, có phường kèn đi trước và ba mươi người quý phái đi sau…

Các linh mục dòng Tên, đang khi truyền giáo ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt nam…đã sống hòa mình trong mọi trường hợp: y phục, ăn uống ngôn ngữ, lễ nghi, văn hóa, phong tục, và đặt biệt có linh mục Ricci học triết lý của Khổng tử và khoa học Trung hoa…(LS Giáo Hội, Lm. Bùi Đức Sinh, OP)

Thánh Phanxicô Xavier và các cha dòng Tên, ngay từ những thế kỷ trước đã biết áp dụng các truyền giáo của Thánh Phaolô: trở nên người bản xứ, để rao truyền Tin Mừng của Thiên Chúa cho họ.

Gần đây nhất, linh mục Vincent Lebbe (người Bỉ), dòng Vincent de Paul, đã được hàng Giám mục Trung Quốc tặng danh hiệu “Tông đồ Trung Quốc”, ngài đã thực sự trở thành người Trung quốc, không những trong tâm hồn, mà ngay cả trong cách sống, trong cách làm việc của ngài cũng đã thành người Trung quốc rồi, ngài nói với các phóng viên chiến trường lúc kháng chiến chống Nhật(1933) tại Trường thành: “Không nên nhìn cái mũi của tôi, không nên nhìn mắt của tôi, nên nhìn thấu lòng thành của tôi, tôi là một người Trung quốc chính hiệu”. Cha Vincent Lebbe đã nhập quốc tịch Trung Quốc, và đã trở thành người Trung Quốc như mọi người Trung Quốc khác.

Hiểu biết phong tục tập quán của người bản xứ, đó không những là các chị em tôn trọng nền văn hóa truyền thống của họ, mà còn là một sự giao lưu quan trọng trong công cuộc truyền giáo của các chị em. Một thánh Phaolô đã trở nên người Do Thái (1Cr 9,20), một thánh Phanxicô Xavier đã trở nên như người Nhật Bản, một Linh mục Vincent Lebbe đã trở thành người Trung Quốc, và các nữ tu cũng sẽ trở thành người Trung quốc-Đài Loan chính hiệu, tôi nói chính hiệu là vì các chị em và dân bản xứ đều là những người Á châu nên rất giống nhau, xét theo hình dáng bên ngoài, đó là một cái lợi cho công việc truyền giáo.

Phong tục tập quán bao gồm cách ăn mặc, cách sinh hoạt, cách giao tiếp, cách nói năng.v.v..có nghĩa là các chị em phải ăn những thức ăn không quen khẩu vị, các chị em sẽ nhìn không quen cách ăn mặc của các cô ca sĩ trên truyền hình, hoặc là các chị em sẽ lấy làm khó chịu khi thấy các cô gái mặc…xà lỏn đi tham dự thánh lễ, có khi lên bục đọc Lời Chúa cho cộng đoàn nghe, các chị em sẽ phải đỏ mặt nhiều lần khi phải bắt tay -và có lúc ôm thân thiện- một đấng mày râu người bản xứ…Tất cả những điều ấy, đều là những thói quen của họ, mà đối với các chị em thì cảm thấy lạ lùng vì chưa hề thấy qua.

“Ra đi” tức là để lại sau lưng những gì mà mình đã có, có nghĩa là các chị em không còn là các chị em của ngày hôm qua, tức là một nữ tu được trọng vọng ở quê nhà, “ra đi” ngay cả thân phận của một nữ tu, các chị em cũng tạm thời quên đi để hòa đồng với những con người mà mình muốn đem Chúa đến cho họ. Tạm quên đi không có nghĩa là các nữ tu của chúng ta không thèm mặc áo dòng, không cần đọc kinh nguyện ngắm theo luật dòng, mà tạm quên đi thân phận của một nữ tu, có nghĩa là, khi cùng với một cộng đoàn những người chưa biết Chúa, hoặc đã biết Chúa, các chị em đừng đòi hỏi họ phải coi trọng các chị em vì mình là một nữ tu, nhưng nếu trong cuộc sống của các chị em tỏa nên nét rạng ngời tình yêu Chúa, yêu tha nhân, thì chính họ sẽ khám phá ra những điều “kỳ lạ” nơi các nữ tu đang phục vụ họ, lúc đó, chính họ sẽ kính trọng các nữ tu như thân phận đáng được kính trọng của các chị.

Người dân bản xứ sẽ rất hân hoan, phấn khởi khi biết các nữ tu truyền giáo có tâm hồn học hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán của họ, và họ tự coi các nữ tu như là người nhà của họ vậy.

Tại Viện Thần học - Đại học Phụ Nhân (Đài Loan) trong lớp thần học mục vụ cho người dân bản địa gốc (Aborigines), tôi là người được các thầy và các nữ tu người bản địa “thích” nhất, chẳng phải vì tôi là người tài giỏi, đẹp trai gì, nhưng bởi vì tôi là người ngoại quốc duy nhất theo học môn này: tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Đài Loan, đơn giản là vì tôi “khoái” văn hóa truyền thống của họ, và từ văn hóa ấy tiến đến việc truyền giáo cho họ…mấy hồi, bởi vì yêu thích văn hóa truyền thống của họ, thì cũng là yêu thích con người của họ vậy.

Học hỏi phong tục tập quán của dân bản xứ là tự mình trở thành một nhà nghiên cứu “bản sắc dân tộc địa phương” mà mình truyền giáo, học hỏi phong tục tập quán của dân bản xứ là tự mình trang bị thêm cho mình những kiến thức phong phú, để công việc truyền giáo của mình phong phú hơn, mỹ mãn hơn.

Các nữ tu truyền giáo Việt nam của thế kỷ 21, có thể nói như cha Vincent Lebbe đã nói, để mỗi ngày ý thức mình là một nữ tu đang truyền giáo cho một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa Khổng tử và Lão tử: “Nếu thánh Phaolô vĩnh viễn là người Do Thái, thì làm thế nào mà mở rộng giáo hội được? Nếu tôi vẫn là người Châu Au, thì tôi chỉ là một xác chết khô cứng! Nếu nghĩ là phải cứu tha nhân, thì nhất thiết phải trở thành một người ở giữa họ!”

2.HỌC- NGÔN NGỮ

Thánh Phanxicô Xavier đã học tiếng Nhật trong bốn mươi ngày, quả là một người thông minh, cha Vincent Lebbe đã viết được chữ Trung quốc bay bướm như một sĩ tử Trung quốc chính hiệu, và dĩ nhiên là ngài nói được tiếng Trung quốc.

Ngôn ngữ là chìa khóa vạn năng để cho các nhà truyền giáo nói chung, và các nữ tu trẻ Việt nam nói riêng, mở kho tàng văn hóa, văn minh của dân tộc bản xứ mà các chị em đến để truyền giáo, không thể truyền đạt gì được cho người bản xứ nếu các nữ tu không biết nói tiếng của họ, không biết nói tiếng của họ, thì dù cho các chị em là những con người uyên thâm thiên văn, thông đạt địa lý, có trong tay một hai văn bằng tiếng sĩ giáo luật, tiến sĩ kinh thánh, thì cũng vô dụng, nhưng nếu các nữ tu biết nói thông thạo ngôn ngữ của người bản xứ, thì tất cả những tri thức ấy sẽ là công cụ đắc lực, là “bảo bối” của các chị em trong việc rao giảng Tin Mừng cho họ vậy.

Thế kỷ 21 là thế kỷ có nhiều điều mới lạ, mà nhân loại đang mong đợi, người ta đang hy vọng thiên niên kỷ thứ ba này sẽ là một thiên niên kỷ của hòa bình, của yêu thương và của tiến bộ về khoa học, các nữ tu Việt nam đang truyền giáo trên một đất nước có nền khoa học kỹ thuật cao, có sự văn minh vật chất hiện đại, thì ngôn ngữ lại trở thành vấn đề cấp thiết cho các chị em. Làm sao để dạy giáo lý cho trẻ em khi mình không hiểu ngôn ngữ của họ, làm sao để cho họ biết ý muốn của mình, khi họ không hiểu mình muốn gì?

Thời sơ khai của các tông đồ truyền giáo, chính Thiên Chúa đã nhìn thấy sự quan trọng của ngôn ngữ trong việc loan truyền “Đức Kitô đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha” của các tông đồ, cho nên trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Thánh Thần đã ban cho các tông đồ đặc ân nói được các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,4), để các ngài rao giảng Tin mừng.

Thánh Phanxicô Xavier khi truyền giáo tại An độ, cũng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân: ngài nói tiếng Tây Ban Nha nhưng mọi người đều nhe và hiểu.

Nhưng nhà truyền giáo của thế kỷ 21 thì không phải như thế, Thiên Chúa đã ban cho họ một khối óc và những phương tiện hiện đại để họ học hỏi ngôn ngữ của người địa phương, vì thế, các nữ tu Việt nam cần phải chuyên tâm trau dồi ngôn ngữ để công việc truyền giáo được hữu hiệu hơn.

Học để làm và làm để học.

Tất cả các nhà truyền giáo từ cổ chí kim đều làm như thế, Thiên Chúa không làm phép lạ cho những người không muốn học, và không chúc lành cho những người không muốn làm. Nhưng các nữ tu truyền giáo Việt Nam của chúng ta thì không những vừa học vừa làm, vừa làm vừa học, mà còn là những nhà nghiên cứu “phong tục tập quán” của người dân bản xứ.

Vì vậy, họ đang được Thiên Chúa chúc lành và ban ơn xứng đáng.

TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Tất cả những gì chúng ta vừa nói ở trên, đều chuẩn bị cho nội dung của nó, tức là tinh thần truyền giáo của các nữ tu.

Nói đến tinh thần truyền giáo, tức là nói đến lực thúc đẩy bên trong của một tâm hồn khát khao đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, lực thúc đẩy bên trong này, ai cũng biết đó chính là Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần cũng “đành bó tay” nếu chúng ta không sẵn lòng đón nhận ơn sủng của Ngài, hay nói cách khác, nếu chúng ta không chấp nhận thánh ý của Ngài qua những biến cố trong cuộc đời truyền giáo của chúng ta.

Tinh thần truyền giáo thì mỗi thời mỗi khác, mỗi vị thánh có mỗi phương thức tu đức khác nhau, nhưng chung quy cũng là làm sáng sanh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Tôi muốn đề nghị với các nữ tu Việt nam đang truyền giáo ở nước ngoài, một tinh thần tu đức mới nhất, tinh thần truyền giáo mới nhất, ngắn gọn nhất, dễ nhớ nhất và thành công nhất của thời đại hiện nay, đó là tinh thần truyền giáo của linh mục Vincent Lebbe, ngài không những là vị tông đồ của Trung quốc, mà còn là một đại ân nhân của Trung quốc.

Tinh thần tu đức của cha Vincent Lebbe chỉ ngắn gọn trong 9 chữ:

- Toàn hi sinh

- Thật yeu người

- Luôn vui vẻ

Và ngắn gọn hơn nữa thì chỉ có ba chữ đầu: Toàn-Thật-Luôn, đúng là dễ nhớ và…nhớ lâu. Cuộc đời và sự nghiệp thành công của ngài (cha Vincent Lebbe) cũng chính là đã thực hành ba tinh thần này vậy.

I. TOÀN HI SINH

Toàn hi sinh là điều kiện để được cứu độ mà Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố.(V.Lebbe)

a. Hi sinh tình cảm thân thuộc

Chúng ta thường nghe nói: cha X…đi truyền giáo ở Phi châu; cha B…đi truyền giáo ở Hồng Kông; Xơ Ng…đi truyền giáo ở Trung quốc; dì phuớc M…đang đi truyền giáo ở tận Mỹ châu.v.v..”Đi truyền giáo” tức là bỏ nơi mình đang cư ngụ, đang học hành, đang công tác…để đi đến một vùng đất nào đó, hoàn toàn xa lạ để làm công tác truyền giáo, nó chỉ đơn giản thế thôi.

Đức Giêsu đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa, từ trời cao hạ xuống làm thân con người thấp hèn như chúng ta, sống như chúng ta (Pl 2,6-8), như thế, nói theo tình cảm của con người, thì Ngài đã hi sinh tình cảm riêng mình với Chúa Cha, hi sinh ngôi vị Thiên Chúa, hi sinh tất cả những gì là cao sang dành cho một vị Thiên Chúa, để trở nên một con người nghèo hèn cùng cực nhất trong xã hội con người, là vì để cho nhân loại biết được tình yêu bao la của Thiên Chúa, nên Ngài đã trở nên một con người, có một trái tim bằng thịt, biết yêu thương và tha thứ, như thế là Chúa Giêsu đã “đi truyền giáo”.

Các vị thừa sai ra đi truyền giáo, đã từ bỏ tất cả những gì tại quê hương, các ngài đã hi sinh tình cảm gia đình cha mẹ, anh chị em, bạn bè…hi sinh tình cảm của cá nhân để được lại tình cảm của một dân tộc mà mình đến truyền giáo, nơi đất khách quê người, cái làm cho người truyền giáo nhụt chí nhất, không phải là công việc truyền giáo nặng nề, mà chính là sự cô đơn.

Việc truyền giáo trong thế kỷ 21 cũng như thế, và có lẽ, còn phải hi sinh nhiều hơn nữa. Các nữ tu được ơn gọi ra đi truyền giáo, cũng không thể đi ra ngoài sự hi sinh ấy, các chị em phải từ bỏ những ưu ái mà gia đình, bè bạn, người thuơng yêu…dành cho các chị em, đây là một hi sinh to lớn, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm của người phụ nữ mới thấm thía và cảm nhận được. Nhưng khi chúng ta hi sinh từ bỏ như thế, thì chính Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: “…Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và con sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Hi sinh tình cảm thân thuộc, cũng có nghĩa là các chị em đem những tình cảm ấy, biến thành tình cảm của Chúa Giêsu, tức là tình cảm quãng đại yêu thương những tâm hồn, mà các chị em đang chia sẻ niềm vui của ơn cứu độ cho họ.

Trở thành một nữ tu truyền giáo, tức là các chị em -trong tinh thần- không còn là người Việt Nam nữa, bởi vì tâm hồn và thân xác của các chị em đã hiến dâng cho Thiên Chúa, để phục vụ một dân tộc khác, hay nói cách khác, các chị em đã hi sinh con người cũ của mình với những tình cảm thân thuộc, thuờng tình của thế gian, vì vậy, bao lâu các chị em chưa hi sinh được tình cảm thân thuộc, thì công cuộc truyền giáo vẫn chưa được tốt đẹp, vì tâm hồn của các chị em vẫn còn bị trói buộc trong tình cảm vô hình ấy.

b. Hi sinh sở thích riêng

Nếu không hi sinh được sở thích riêng của mình, thì người ta vẫn chưa thấy được các nữ tu truyền giáo thật lòng yêu mến họ, ai cũng có những đam mê riêng, nói đam mê thì e rằng các cô nữ tu trẻ hiểu lầm, thôi thì nó “sở thích” vậy, cái sở thích này nó luôn đi đôi với cái tôi của các chị em, cái tôi chính là ý riêng của mình, một cộng đoàn có bao nhiêu thành viên, là có bấy nhiêu cái tôi. Vì thế cha Vincent Lebbe đã nói, chính cái ý riêng của mình đã ngăn cản con đường nên thánh của mình, và làm cho công cuộc truyền giáo bị đứng lại, do đó, hi sinh ý riêng cũng là hi sinh cái sở thích riêng của mình, mà cái sở thích của mình thì ít khi giống với mọi người, có người thích ăn ngon, có người thích mặc đẹp, có người thích làm dáng, cũng có người thích ba hoa, thích “nổ”…mọi cái thích ấy không phải là xấu, nhưng nếu không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của cuộc sống thì thật không đúng chút nào, đặc biệt là cá nữ tu truyền giáo, các chị em là những con người, cho nên các chị em cũng có một cái tôi, cái sở thích riêng, và nếu không kìm hãm cái tôi, để cho nó cứ tự nhiên thoải mái bộc lộ, thì chính bản thân của các chị em sẽ làm cản trở công việc truyền giáo của cộng đoàn và của cá nhân mình.

Vì vậy, cha Vincent Lebbe đã đi bước thứ nhất của hi sinh cái tôi là:

1. Đánh tôi

Cha Vincent Lebbe nói: “Ý riêng tôi, con người cũ là kẻ tử thù của tinh thần tu đức, mà lại là kẻ nọi thù rất xảo quyệt khó mà khắc phục được, nó thường nhắm thời cơ mà hành động, gọi nó là “ông không đổ” thật là thích đáng. Mặc dù cha đã đến tuổi già, nhưng vẫn còn cảm thấy “con người cũ” của cha, thường phá hoại công việc truyền giáo và đời sống tinh thần tu đức của cha”

Ý riêng mình, nó chính là kẻ thù ở bên trong con người của các chị em, hay nói cách khác, nó chính là tên “nội công”, tức là đánh chị em từ bên trong mà đánh ra, thường thường đánh từ bên trong thì nguy hiểm hơn đánh từ bên ngoài, bởi nó chính là bản thân của mỗi người, cho nên nó dễ đánh chị em, mà chị em thì lại khó đánh nó, bởi vì trên thế gian nay có ai thích tự mình đánh mình không? Thưa không.

Nhưng những tâm hồn thành tâm yêu mến Chúa, thành tâm cộng tác với trong việc rao giảng tin mừng cho mọi người, thì lại quyết tâm đánh mình, nhưng không phải là lấy cây roi da, hay cây “roi mây” mà quất vào thân mình, quất như thế, hết đau thì cái tôi lại ngóc đầu lên nữa, bởi vì đánh như thế chỉ là đánh bên ngoài da mà thôi, mà cái tôi, cái ý riêng thì nó ở trong tâm, trong óc não. Vậy, muốn đánh nó thì phải có sự hi sinh cao độ, hi sinh cái mà nó thích, mà cái nó thích thì luôn luôn là thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của thân xác, đòi hỏi phải có tiện nghi, phải có ăn ngon, phải được mọi người tôn trọng, phải làm “chị hai” của công đoàn, phải được nổi tiếng.v.v…

Đã là con người thì ai cũng có cái tôi, kể cả Chúa Giêsu trong thân phận con người, ai nói Chúa Giêsu không có cái tôi, cái ý riêng của mình là người không biết tí gì về Ngài cả. Chúa Giêsu cũng có ý riêng của mình, trong vườn cây dầu (Giết sê ma ni) Ngài đã than thở với Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đừng theo ý con cũng có nghĩa là đừng theo cái sở thích của con, mà cái sở thích của con thì không muốn khổ cực, không muốn uống chén đắng khổ nạn, nhưng Ngài đã vượt thắng được ý riêng mình, bằng tình yêu Cha của Ngài vô cùng. Chúa Giêsu đã dùng tình yêu của Ngài đối với Cha và đối với nhân loại để thắng cái tôi, cái ý riêng của mình. Yêu Cha, Ngài đã vâng lời và vâng lời cho đến chết (Pt 2,8). Yêu nhân loại, Ngài đã trở nên con chiên sát tế để xóa tội cho nhân loại.

Các nữ tu truyền giáo cũng như thế, hi sinh cái sở thích của mình để làm cho cá nhân trưởng thành hơn, để làm cho công việc truyền giáo của các chị em được đạt kết quả hơn. Chẳng hạn như để cho công việc truyền giáo được tốt đẹp, chị em trong cộng đoàn quyết định ngày thứ bảy hàng tuần, mọi người đều ăn “mản thẩu” thay cơm, để tập quen với người địa phương, nhưng có chị em không quen dùng loại thức ăn này, nên tỏ ra khó chịu và âm thầm tìm cách chống đối..như thế là người chị em này đã chưa đánh tôi, chưa thật sự là hi sinh cái ý riêng của mình, để phù hợp với thói quen của người bản xứ.

Tuy nhiên, không phải đánh một lần mà cái tôi nó chịu “đầu hàng” không ngóc đầu lên nữa, trái lại, nó vẫn tìm cách vụt đứng lên như con “lật đật”, do đó, bước thứ hai mà cha Vincent Lebbe muốn người truyền giáo (và các linh mục, tu sĩ) phải thực hiện là:

2. Đánh ngã tôi

Cha Vincent Lebbe rất biết “cái tôi cũ” trong cuộc sống không dễ dàng diệt tận gốc được, sau khi đánh ngã nó, nó thường “biết” bò dậy…”

Cha Vincent Lebbe nói: “Nếu chúng ta đem khuynh hướng dục tình của tội lỗi xóa bỏ tận gốc rễ, thì e rằng trong cuộc sống hôm nay làm không nổi điều đó. Nghĩa thật của “đánh ngã tôi” là ở chỗ quyết tâm “thoát khỏi cái tôi cũ” và tiếp tục không ngừng nổ lực “xóa bỏ hành vi tội lỗi”….

Hôm qua tôi đã hi sinh cái ý riêng của tôi, để cho cộng đoàn sinh hoạt tốt đẹp, nhưng hôm nay cái tôi của tôi lại vùng lên không muốn nghe theo cộng đoàn nữa, cụ thể là chị trưởng, bởi vì chị kém hơn tôi về tri thức, chị mới đến, nên không hiểu người dân bản xứ bằng tôi…do đó, ý riêng tôi vẫn cứ thôi thúc trong tôi biểu tôi “nổi loạn”, thế là cái tôi cũ, cái thích riêng của tôi lại ngóc đầu lên. Như vậy đủ biết là không dễ dàng đánh cái tôi cũ một lần là xong, mà phải đánh mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày, đánh bằng lời cầu nguyện, bằng hi sinh hãm mình, đánh bằng cách vâng lời triệt để, dùng mọi phương thức để đánh cái tôi, thì cũng như là “vác thánh giá” mỗi ngày mà theo Chúa Giêsu vậy. Đánh cho cái tôi gục ngã không gượng dậy nổi sau cú đếm thứ mười của trọng tài -như hai võ sĩ trên võ đài- mới thôi, dù phải trả giá rất đắt như: bị chúng bạn chê cười, như phải bỏ chương trình học đang dở dang, phải đi nấu cơm thay vì đi học…những thứ đó so với cái hi sinh ý riêng của mình để công việc truyền giáo được tốt đẹp, thì đằng nào hơn chứ?

Đánh ngã tôi, một loại hi sinh mà những người ra đi làm công tác truyền giáo như các nữ tu cần phải có, bởi vì, nơi vùng đất mới, phải tự mình cáng đáng mọi việc, tốt hay xấu cũng do mình mà ra, mà nếu các chị em không tự mình hi sinh cái tôi cũ, cái ý thích cũ như hồi còn ở quê nhà, thì e rằng nắm chắc phần thất bại. Đánh ngã tôi là thấy cái tôi “nhúc nhích ngóc đầu” lên là đánh ngay khi chúng nó chưa kịp đứng lên, đó chính là chiến thuật “tiền công hậu thủ” của các võ sĩ chuyên nghiệp, truyền giáo cũng là một võ đài, trên võ đài này, chỉ có mình và cái tôi của mình chiến đấu mỗi ngày, để cho tình yêu của Thiên Chúa nơi vùng đất mới được phát triển qua sự hi sinh của chính bản thân mình.

Nhưng để hi sinh cách triệt để cái sở thích riêng của mình, còn có bước thứ ba mà cha Vincent Lebbe đưa ra cho những người muốn nên thánh thực hiện là:

3. Đánh chết tôi

Là hi sinh triệt để, là không còn cái tôi cũ, không còn cái ý thích riêng của mình nữa, mà tâm hồn hoàn toàn trống rỗng, để cho ơn sủng của Thiên Chúa dễ dàng phát huy tác dụng hơn trong tâm hồn của mình.

“Đánh chết tôi” là không còn đòi hỏi những gì theo ý của mình, vì cái tôi cũ đã chết rồi, mà chỉ đòi hỏi nổ lực thực hành đức ái cách hoàn thiện.

“Đánh chết tôi” cũng có nghĩa là đem cái tôi chôn trong lòng đất, biến nó thành một hạt giống hi sinh, để nó đâm chồi nẩy lộc, sinh ra những bông hạt bác ái yêu thương, quãng đại, để cho cộng đoàn truyền giáo, cho mọi người vui vẻ hưởng dùng. Đức Kitô đã “đánh chết tôi” khi cầm chén đắng khổ nạn uống cạn một hơi (chịu chết và mai táng trong mồ), và Ngài đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại(Dt 2,10). Theo chân Chúa Giêsu, thánh Phaolô tông đồ cũng đã “đánh chết tôi” khi ngài nói: “ Tôi đã cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô rồi, cho nên tôi sống, mà không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gt 2,20). Thật vậy, thánh Phaolô trước khi chưa được chọn làm tông đồ, ngài đã hoàn toàn sống theo ý riêng mình, bách hại các tín hữu của “đạo mới”…(Cv 9,1-2), nhưng sau khi được Chúa gọi và chọn làm tông đồ thì ngài đã “chết hoàn toàn” cho cái tôi của mình, với bao nhiêu là gian nan, bao nhiêu roi vọt, tù đày…(Cr 6,4-5), đối với ngài chẳng là gì cả so với cái lợi là được Đức Kitô.

Cha Vincent Lebbe cũng đã nhìn thấy cái “chết hoàn toàn” nơi con người của Chúa Giêsu, nơi thánh Phaolô, và suốt cuộc đời của ngài, ngài đã không ngừng đánh chết cái tôi cũ trong con người của ngài, ngài thực hành hi sinh đến đổ máu trong tâm hồn, đến nỗi có lúc ngài viết thư “than thở” với mẹ ngài: “Trù dập con lần này là đày đến Ninh ba, so với cái chết thì càng đau khổ hơn…tâm huyết con đã đổ ra không ít”, nhưng không vì thế mà ngài không quyết tâm “đánh chết tôi”, cuộc đời truyền giáo của ngài có thể nói đây là lần “chảy máu” lớn nhất, nhưng cuối cùng ngài cũng đã thắng được cái tôi của mình, làm cho việc truyền giáo ở Trung quốc như được chấp cánh bay cao.

Hai chữ “truyền giáo” tự bản thân nó cũng đã nói lên được “Toàn hi sinh” của các chị em, nhưng “Toàn hi sinh” này đòi hỏi người truyền giáo (các nữ tu) phải không ngừng nổ lực thực hành đau khổ trong tâm hồn, phải thực hành tiết chế những ham muốn về tính xác thịt, tức là những gì làm thỏa mãn ý riêng của mình. Noi theo gương tổ phụ Abraham đem đứa con duy nhất của mình sát tế -giết con thì cũng như là sát tế mình- làm của lễ tiến dâng cho Yavê Thiên Chúa.

Làm một nữ tu truyền giáo cũng phải biết can đảm đem con mình, tức là “cái tôi cũ”, “ý riêng”, “sở thích riêng” đóng vào thập giá với Đức Kitô mỗi ngày, để mỗi một nữ tu truyền giáo là một vị tông đồ được mọi người bản xứ yêu mến, vì các chị đã có cuộc đời “Toàn hi sinh” dấn thân phục vụ họ và tổ quốc họ.

Trên đây là tinh thần thứ nhất của tinh thần truyền giáo, mà cha Vincent Lebbe đã thực hiện và đã thành công trong cuộc đời truyền giáo của ngài tại Trung quốc, nếu các chị em nữ tu Việt nam đem áp dụng vào tron cuộc đời truyền giáo của mình, thì sẽ thấy đời sống truyền giáo rất có ý nghĩa. Nhưng tinh thần này sẽ không tách lìa tinh thần thứ hai của ngài:

II. THẬT YÊU NGƯỜI

Thật yêu người là trọng tâm của tất cả các lề luật, là dấu hiệu môn đồ của Đức Kitô (V.Lebbe)

Không ai đi truyền giáo mà mang theo một tâm hồn đầy thù hận, và cũng chẳng ai trở thành người truyền giáo chân chính mà không có tâm hồn yêu người, cha Vincent Lebbe nói: Toàn hi sinh, xét cho cùng chỉ là điều kiện, còn Thật yêu người mới là trung tâm của đời sống linh đạo tu đức, cũng là hoàn thành ý nghĩa của “Toàn hi sinh”, bởi vì hi sinh mà thiếu yêu thì vô nghĩa, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới

là anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em.

ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết

anh em là môn đệ Thầy:

là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13, 34-35).


Như vậy, “Thật yêu người” chính là động cơ thôi thúc những người truyền giáo ra đi và thực hành hi sinh, vì yêu nhân loại, cho nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng cứu thế, Đấng cứu thế này không phải là một người xa lạ mà Thiên Chúa chọn làm vật hi sinh, nhưng chính là Con Một của Ngài -Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người- và Chúa Giêsu đã đến trong thế gian, mang một quả tim bằng thịt, tinh tuyền, tràn đầy yêu thương và thương xót, cảm thông những đau khổ của nhân loại do tội lỗi gây ra, và suốt cuộc đời trần thế, Ngài đã thực hiện không biết bao nhiêu là dấu lạ để tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại:

“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:

thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian

để nhờ Con Một của Người

mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9)


Có người hỏi cha Vincent Lebbe: “Thật yêu người là gì? Xét cho cùng, phải làm như thế nào mới kể là thật yêu người?” - Ngài trả lời cách nhẹ nhàng, thích hợp: “Thật yêu thương tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta được an ủi thật sự”. Đây chính là kinh nghiệm trong cuộc đời truyền giáo của ngài, cả đời hoạt động truyền giáo của ngài -40 năm- tại Trung quốc, tất cả tinh thần và thể xác của ngài, ngài vì tình yêu Chúa Kitô mà phục vụ, để cho dân tộc Trung quốc quy thuộc về Giáo hội của Chúa.

Các nữ tu Việt nam ra đi truyền giáo cũng phải có tinh thần “Thật yêu người” như thế, mặc dù ra đi đến vùng đất mới với hai bàn tay trắng và một tâm hồn quảng đại, các chị em cũng nên “làm cho người ta trước, sau đó đến mình”, làm cho người ta trước, không phải là cho người ta tiền bạc, vật chất trước khi giảng đạo (mà tiền bạc có đâu mà cho), nhưng là yêu người ta trước khi họ yêu mình, cũng là nói, phải tạo mọi hoàn cảnh để cho người ta thấy người nữ tu truyền giáo yêu Chúa Kitô, phục vụ Chúa Kitô qua con người của họ.

Vậy phải như thế nào để “làm cho họ trước”?

a. “Thật yêu người” là tha thứ trước

Mỗi ngày ba lần, các linh mục, tu sĩ nam nữ chính thức đọc ba lần kinh Lạy Cha, và hiểu sâu sắc về y nghĩa của kinh ấy, ở đây khỏi nhắc lại, nhưng điều muốn nói ở đây chính là sự tha thứ phải có, như chúa Giêsu đã dạy chúng ta:

“…xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con” ( Mt6, 12)


trước mặt Thiên Chúa không ai là không có tội; và trước mặt mọi người không ai vỗ ngực nói mình vô tội và có quyền kết án người khác, và vì như thế mỗi ngày giáo hội nhắc nhở chúng ta cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi của mình.

Các nữ tu truyền giáo, bản tính là phụ nữ, cho nên, cũng có những khuyết điểm của nó, và những khuyết điểm này mặc dù, các chị em cũng đã tự mình sửa chữa, điều chỉnh cho phù hợp với ơn gọi của mình. Tuy nhiên, cái khuyết điểm này nó như là máu, là thịt ở trong con người của các chị em, cho nên khó mà sửa chữa cho tòan vẹn được, khuyết điểm này là: tính hẹp hòi. Tính hẹp hòi này, nếu là một cô gái đã lập gia đình và đã có con cái, thì họ chỉ biết có chồng và con mình là tốt, là đẹp, là nhất… và những gì không phải là chồng, là con, là mình, thì là đồ… bỏ, không đáng nói. Nhưng tính hẹp hòi này, nếu ở một cô gái độc thân, không lập gia đình thì sẽ trở nên ích kỷ, chỉ biết có mình và… mình thôi.

Các nữ tu cũng thế, vì hẹp hòi nên khó mà tha thứ cho người khác, đôi lúc, chỉ một chuyện cỏn con xảy ra giữa các chị em trong cộng đòan, mà vì tính hẹp hòi, cho nên khó mà “ khơi thông” cho nhau được, trong cộng đòan mà không thể nói những lời tha thứ cho nhau thì làm sao mà biết tha thứ cho người bản xứ, khi mà vì không hiểu chúng ta, hay vì thành kiến với giáo hội, mà có những hành vi, những lời nói, xúc phạm đến chị em, đến Giáo hội? Thánh Stéphanô đã xin Thiên chúa tha thứ cho những người ném đá mình, mà một Phaolô đã trở lại thành tông đồ Chúa Giêsu (Cv 7, 58-60), và thánh nữ trẻ Maria Goretti đã tha thứ cho một người giết mình, nhưng vĩ đại nhất đó chính là Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá, đã lớn tiếng cầu xin với Chúa cha: “ Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết những việc họ làm” (Lc 23, 34) một lời cầu xin tha thứ, mà cả nhân loại được thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên chúa.

Tha thứ trước, đó chính là hành vi “thật yêu người” của người công giáo nói chung, và của các nữ tu truyền giáo nói riêng, không tha thứ cho những chị em nói “móc họng” mình, hay công kích hành vi bác ái của mình, thì không thể cầu mong Chúa tha thứ tội lỗi cho chính mình, không tha thứ cho người khác trước, thì chúng ta không thể nói về một tình yêu tha thứ của Thiên chúa cho họ nghe được.

Vì hẹp hòi mà không thể tha thứ trước, đó là một hành động ngăn trở Lời Chúa đến với các linh hồn, là phương thức mà mà ma quỷ thích dùng nơi các nữ tu, phải dùng tâm hồn thấm nhuần Lời Chúa mà cụ thể là kinh Lạy Cha, để thực hành sự quảng đại tha thứ cho những người đã vì ghen ghét mà chống đối, nhạo báng mình. Đó là hành vi “ thật yêu người” của các nữ tu truyền giáo Việt nam của thể kỷ 21.

B- “ Thật yêu người “ là yêu người vô điều kiện

Yêu người vô điều kiện hay yêu người vô vị lợi cũng là một ý nghĩa như nhau, vô điều kiện tức là giúp đỡ ai một việc gì đó, mà không cần phải đưa ra cho họ điều kiện nào phải làm; hoặc giúp cho người khác mà không nghĩ đến cái lợi cho mình, cho giáo hội. Giúp người đơn giản chỉ vì yêu người, về điểm này, cha Vincent Lebbe đã nói rất rõ ràng: “Cứu người, phải cứu người vô điều kiện, không hỏi người ta có vào đạo hay không” . Các nhà truyền giáo trước đây, khi đến truyền giáo ở một miền đất mới nào, đều đưa điều kiện trước và giúp người sau, việc này dẫn tới hai hậu quả không lường được, hậu quả thứ nhất là chính bản thân người truyền giáo, họ chỉ vì công việc truyền giáo mà làm chứ không yêu thương người cách thành thật như lời họ rao giảng; hậu quả thứ hai là khi hết giúp được cho người ta, thì phần đông đều bỏ đạo, họ theo Chúa không phải vì tin theo lời giảng đạo, mà vì cái bụng của họ.

Người Samaria nhân hậu đã yêu người một cách vô điều kiện (Lc 10, 29-35), ông không cần biết người bị nạn là người Do Thái có trả ơn lại cho ông không, ông cũng chẳng ghi lại tên họ, địa chỉ, số điện thọai của người mà ông cứu giúp để sau này gửi thư đòi lại tiền thuốc men hay kể công lao của ông đối với họ, thế nhưng ông ta chỉ là một người Samaria, thù địch với người Do thái lúc bấy giờ.

Yêu người vô điều kiện cũng là mình chịu thiệt thòi để cho người khác được hạnh phúc, người truyền giáo của thế kỷ 21 không giống như người truyền giáo của cá thế kỷ trước, đối tượng mà họ đến truyền giáo là những dân tộc còn man di, ánh sáng văn hóa, văn minh chưa chiếu dọi tới, cho nên họ rất là sùng bái đến sợ hãi những người truyền giáo, vậy là tạo điều kiện cho một số người truyền giáo trở thành những chủ nhân ông. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo của thế kỷ 21 thì không phải như thế, đối tượng của các chị em là những phần tử trí thức, là những nhà khoa học, là những thanh thiếu niên được hấp thụ một đời sống hưởng thụ, thích thực dụng và chơi “ video game” giỏi hơn đọc kinh, sử dụng máy vi tính giỏi hơn các chị em nhiều. Thế thì làm sao gọi là chịu thiệt thòi để người khác được hạnh phúc chứ? Thật là rắc rối nhưng chẳng rắc rối tí nào cả.

“Mình chịu thiệt thòi” không phải như mua bán để chịu lỗ lã, ngày chủ nhật có giờ học giáo lý cố định, nhưng chẳng thấy một cô cậu học sinh nào đến học cả, các chị em chịu thiệt thòi là lúc này đây, chịu thiệt thòi cái thời gian học hành, viết thư cho gia đình, gặp gỡ bạn bè quý báu của mình để nhấc máy điện thoại “phôn” đến nhà từng em một, để gọi chúng nó đến, để hỏi thăm sức khoẻ, lý do tại sao lại không đến học giáo lý, nếu gia đình có vấn đề cần các nữ tu giúp đỡ thì nên mau mắn nhận lời trong phạm vi có thể được, và nếu các chị em phục vụ trong bệnh viện, thì cũng như vậy, chịu thiệt thòi trong thời gian nghỉ quý báu của mình để giúp đỡ một bệnh nhân khó tính nhờ mình đi mua quà ăn vặt cho họ. Và còn có biết bao nhiêu là thiệt thòi để người khác được vui, được hạnh phúc mà các nữ tu truyền giáo thế kỷ 21 có thể làm, có thể thực hiện vì “thật yêu người” trong tâm hồn các chị em.

Trong cộng đoàn truyền giáo nhỏ của các nữ tu cũng vậy, mỗi người đều có thể chịu thiệt thòi cho mình để các chị em được vui vẻ, hạnh phúc, về điều này cha Vincent Lebbe đã nói với các tu sinh của “ Hội trợ tá truyền giáo ( SAM) - Bỉ trong một bức thư gửi cho họ: “Trong toàn bộ cuộc sống, mọi nơi mọi lúc, phải chú ý thực hành yêu người khác cách chân thật, không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào, “ tự mình hy sinh, vì người khác mà phục vụ”, chẳng hạn như ở trong tu viện của các anh, đồ vật tốt thì nên dành cho người khác, tự mình dùng loại xấu hơn; khi ngồi xe đi xa, thì nhường ghế cho người khác; có người cần giúp đỡ; bất luận về phương diện vật chất hay tinh thần- dù không có khả năng giúp đỡ tiên bạc, thì cũng phải giúp đỡ bằng lời nói”.

Một cộng đoàn truyền giáo như thế, thì không lo gì đạt được kết quả to lớn trong khi rao giảng Lời Chúa cho mọi người, bởi vì họ chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác trước khi nghĩ đến họ, thật yêu người chính là ở đó vậy.

Ngoài ra, thật yêu người nó cũng ẩn tàng trong những hành vi trong lúc phục vụ tha nhân của các chị em, mà ở đây không đề cập đến, bởi vì, nếu trong tâm hồn các nữ tu truyền giáo Việt Nam có yêu người thật sự, thì chính các chị em diễn tả lại cuộc sống của Chúa Giêsu giữa những người chưa hề nghe biết Tin Mừng của Ngài, hoặc có nghe nói, nhưng theo cách méo mó, thì chính các chị em đã làm công việc “cải chính” cho Chúa đó là sống thật yêu người vậy.

Và tinh thần tu đức thứ ba của cha Vincent Lebbe chính là :

3. LUÔN VUI VẺ

“Luôn vui vẻ” là hiệu quả tất yếu của việc đi theo Chúa Giêsu, cũng là tác phong phải có để nhắm tới mục tiêu.( V. Lebbe)

Các tông đồ khi được chúa Giêsu mời gọi đi theo làm môn đệ Ngài, các ông đã vứt bỏ mọi sự (cha mẹ vợ con, nghề nghiệp) và hân hoan đi theo chúa Giêsu, mặc dù ông chẳng biết tương lai của minh ngày mai sẽ ra sao? Điểm đáng lưu ý nơi các tông đồ trong toàn bộ sách Tân ước là : các ông vui vẻ đi theo Chúa Giêsu mà không một chút băn khoăn, ưu tư, buồn phiền cho số phận, bởi vì các ông đã tin vào Chúa, phó thác hoàn toàn cho Chúa, và chính Chúa Giêsu cũng đã nói cho các ông biết: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” ( Mt 5, 12)

Hiệu quả tất yếu của việc đi theo Chúa Giêsu chính là vui vẻ, bộ mặt luôn vui vẻ là nói lên một tâm hồn trẻ trung thánh thiện, một tâm hồn biết phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, dù họ gặp nhiều đau khổ, thử thách, thánh Phaolô đã hân hoan loan báo cho chúng ta : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui cuả Thiên Chúa, tôi nhắc lại: vui lên anh em” ( Pl 4, 4)

Vậy, phải như thế nào mới là luôn vui vẻ?

a._ Vui vẻ trong tinh thần

Thánh Phaolô đem vui vẻ của mình đặt nơi Đức Kitô, ngài nói : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với một mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi, vì người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như không đáng kê, để được Đức Kitô” ( Pl 3, 8). Được biết Đức Kitô là được một sự vui vẻ to lớn của ngài, và chiụ thiệt thòi vì Đức Kitô là một niềm vui khôn tả cho ngài, và ngài coi đó như là hạnh phúc, một sức mạnh trong cuộc đời truyền giáo của ngài : “Vì vậy, tôi cảm thấy sung sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô, vì khi tôi yêú, chính là lúc tôi mạnh.” ( 2Cr 12, 10)

Vui vẻ trong tinh thần, cũng giống như các thánh tử đạo hiên ngang đi ra pháp trường, nơi nét mặt các ngài sáng lên một niềm vui, làm cho ai nhìn cũng phải ngạc nhiên tự hỏi: điều gì đã làm cho họ vui đến thế, khi mà sự chết đã kề bên? Người đời làm sao mà hiểu được niềm vui trong lòng của các ngài, bởi người đời chỉ biết sự vui vẻ của nhục thể, hưởng thụ vật chất, không có những điều ấy, thì họ coi như đã…chết rồi, thì làm sao mà hiểu được niềm vui của các ngài chứ? Như vậy, vui vẻ trong tinh thần là trong những thử thách gian lao, trong những đau buồn cùng cực, trong thất bại ê chề….. thì người truyền giáo cũng luôn sáng lên nét mặt vui vẻ, phấn khởi của người môn đệ Chúa.

Các nữ tu truyền giáo của thế kỷ 21 càng phải vui vẻ luôn luôn, mà sự vui ve này không hệ tại vật chất, không hệ tại tình cảm, cũng chẳng hệ tại thời tiết nắng mưa, bởi vì tất cả những điều ấy là “hư không”, là “đuổi theo gió”, là “bắt bóng”, là gì nữa nhĩ, là… như khói lam chiều, không tồn tại lâu dài, trên nét mặt các chị em phải luôn nở nụ cười khả ái khi bị hiểu lầm, khi bị thất bại, khi người ta không hiêu việc mình làm…… Các chị phải xác tín điều này, tất cả những việc làm của các chị nếu làm vì danh dự cá nhân, nếu làm vì để được khen, được chiếu cố mà vui vẻ, thì đó chỉ là một sự vui vẻ chóng qua, vì lời khen của người đời như khói như mây, và như thế, các chị em sẽ phải luôn buồn mãi. Nhưng nếu vì Chúa mà các chị em chu toàn được công tác giao phó, thì dù cho thành công hay thất bại, các chị em cũng sẽ được niềm vui trọn vẹn, vì mình đã làm vì Chúa, mà đã là trọn vẹn thì lâu dài, mà niềm vui lâu dài thì chỉ có ở nơi Thiên Chúa mà thôi.

Ra đi truyền giáo, là đi ra chiến trường, mà trên thế gian này từ xưa đến nay, chưa hề được nghe nói đi ra chiến trường là sung sướng là hạnh phúc bao giờ cả, bởi vì phải đối mặt với quân thù và sự chết thì cầm chắc trong tay, làm sao mà sung sướng được chứ? Do đó, khi phải đối diện với quân thù (quân thù của các nữ tu truyền giáo là : buồn phiền, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, và có khi nhớ bồ nữa, đau khổ vì hiểu lầm, thất bại, bệnh tật, học tiếng tàu khó… ) các chị em cần phải nhớ lời của Chúa Giêsu : “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của thày ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” ( Ga 15,11).

b. Vui vẻ“Làm người phục vụ”

Thì cũng như là vui vẻ trong khi phục vụ, đều như nhau, cuộc đời của cha Vincent Lebbe lấy phục vụ làm gốc, mà phục vụ lớn nhất là vui vẻ, bởi vì vui vẻ “làm người phục vụ” có lúc lại quên đi hưởng thụ cá nhân, đó là ăn uống.. Đúng như vậy, tôi đã nhiều lần tham dự trại huấn luyện của các hướng đạo sinh tại Sài gòn, tôi thấy các anh chị trưởng trong ban huấn luyện, mặc dù rất mệt, nói không ra tiếng (vì giảng khoá, vì hát hò…), bụng đói meo vì lo cho các trại sinh nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều tỏa ra nét vui vẻ, tươi cười, sung sướng bởi vì họ đang phục vụ, đang đào tạo những con người có ích cho Giáo hội và cho xã hội.

Không ai thích làm việc và cộng tác với người mà cả ngày lầm lì không nói không cười, và cũng chẳng ai thân thiện với những người cau có, khi phục vụ, vui vẻ khi phục vụ không những làm cho chúng ta quên đi cái mệt nhọc, mà còn làm cho người khác cảm thấy thoải mái, vui vẻ cộng tác với chúng ta hơn.

Người vui vẻ là người luôn giữ vẻ mặt tươi cười, lạc quan, làm cho người khác thêm tin tưởng vào họ, và cảm thấy tâm hồn bình an khi làm việc với họ.

Trong cộng đoàn, nếu có một thành viên cả ngày ủ rũ, vẻ mặt buồn bã và cau có, thì cộng đoàn ấy như khuôn mặt đẹp đẽ của một cô gái mà lại có một vết thẹo dài trên trán, khiến cho người khác nhìn mà tiếc cho cô ta, cũng vậy, phục vụ tha nhân mà khuôn mặt cau có như bị… mất của thì chẳng khác chi nói với họ: “đi chỗ khác, đi chỗ khác, đừng làm phiền tôi nưã!”

Vui vẻ làm người phục vụ, là hiệu quả của những người theo Chúa, họ chính là những nhà truyền giáo của hôm qua, hôm nay, và ngày mai, họ loan báo một tin vui cho moị người: “Đức Kitô là Thiên Chúa, đấng cưú độ trần gian đã đến rồi, Ngài đã làm người, chiụ chết trên cây thập giá, đã được mai táng trong mồ, nhưng ba ngày sau đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha…”. Không ai loan báo tin vui mà khuôn mặt lại như đi đưa đám ma, nhưng trái lại, khuôn mặt họ, cả tâm hồn và thân xác con người họ toát lên một niềm vui khôn tả.

Các nữ tu truyền giáo của thế kỷ 21 cũng như thế, các chị em đang ra đi loan báo tin vui cưú độ cho một dân tộc, mà họ đã quá thoả mãn vật chất, với hưởng thụ, họ cũng có một niềm vui do họ tìm được trong chính vật chất, danh vọng, những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm với những cuốn băng video sex 100 %, nhưng những cái vui vẻ này không đem lại hạnh phúc cho họ, bởi vì sau đó, họ lại càng thấy tâm hồn buồn chán hơn, trống rỗng hơn vì cái vui vẻ giả tạo. Vì vậy, khi các chị em loan báo tin vui cũng là phục vụ với một khuôn mặt vui vẻ, dễ thương, khả ái thì ai lại không thích không muốn đến gần để nghe chứ’; bởi vì niềm vui do các chị em đem lại cho họ, không phát xuất từ kiểu cách bộ điệu bên ngoài của các chị em, mà là phát xuất từ trong con tim, trong những tâm hồn quảng đại, tràn đầy niềm vui của Thiên Chúa.

ChaVincent Lebbe đã áp dụng tâm lý học vào trong “luôn vui vẻ” : “Hành vi cũng ảnh hưởng đến tinh thần và tư tưởng. Theo nguyên tắc này, luôn luôn mỉm cười, dù cho mĩm cười gắng gượng, cũng có thể làm bớt đi sự buồn khổ trong lòng, khơi dậy tâm tình vui vẻ, khích dậy hành động phấn khởi, Ngài nói : “ Không biết mỉm cươì là ngu xuẩn, là tự làm khổ mình, đã buồn lại buồn thêm, là tự ngược đãi mình”. Không ai muốn mình là người ngu xuẩn, nhưng người ta thường tự ngược đãi mình bằng những cau có, những buồn rầu nhăn nhó khó chiụ.

Vui vẻ “ làm người phục vụ”, không ai khác hơn là các nữ tu truyền giáo Việt Nam của thiên niên kỷ thứ 3 này.

******

Trên đây là 3 cương lĩnh tinh thần ta đức của cha Vincent Lebbe, hoặc là nói tinh thần truyền giáo cũng chẳng sao cả, là kinh nghiệm của 40 năm truyền giáo cho người Trung Quốc tại Trung Quốc vào giữa năm 1901- 1940 của thế kỷ 20. Tinh thần tu đức này rất mới và rất hưũ hiệu cho thời đại của chúng ta, hy vọng một tương lai truyền giáo huy hoàng của các nữ tu Việt Nam được dọi khắp đất nơi trên thế giới này.

THẾ KỶ 21

NIỀM VUI, LO ÂU VÀ HY VỌNG


“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô.”( Gaudim et Spes)

Vui vì chúng ta đã sống … thọ đến năm 2000 để nhìn thấy những thay đổi, biến chuyển trên điạ cầu thế kỷ 21; vui là vì “chúng ta sống thọ được 2 thế kỷ” và chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy ánh bình minh của ngàn năm thứ ba ló dạng, không phải ở phương đông, mà là ở ngay trong cuộc sống của chúng ta.

Hy vọng của chúng ta, thì cũng như hy vọng của những người khác mà thôi, đó là mong cho mọi người được hạnh phúc và thế giới có hoà bình thật sự.

Năm nay (1999) có thể nói là muà vọng của thiên niên kỷ thứ ba, cũng như người Do Thái ngày xưa trông đợi Đấng cưú thế như thế nào thì hôm nay nhân loại cung đang khát khao hoà bình như thế. Nhưng hoà bình lâu dài không phải là kí kết cấm thử bom hạt nhân, không phải là tiêu diệt những tên độc tài, diệt chủng, cũng chẳng phải là làm cho nền kinh tế phát triển, nhưng một nền hoà bình lâu dài, trường cữu phải được bắt nguồn từ Thiên Chúa, từ trong tâm hồn của những con người thiện chí tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Giáo hội đang nỗ lực tìm mọi phương thế, mọi phương tiện có thể để làm cho nhân loại nhích lại gần với nhau hơn, và gần 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu vị sứ giả hoà bình do giáo hội sai đi loan báo tin mừng cho moị dân tộc, họ đã ra đi và gặp rất nhiều thử thách, thử thách bởi người bản xứ, thử thách bởi phong thổ, bởi phong tục tập quán, và những thử thách do các anh chị em trong cộng đoàn mang lại… nhưng họ đã vượt qua, và đã thành công. Giáo hội chúa đã và đang sai phái những con cái của mình theo mọi thời đại ra đi để tiếp tục làm công việc rao giảng tin mừng cho mọi dân tộc.

Giáo hội là men giưã trần thế, cho nên, giáo hội đã mau mắn nhạy cảm từng nhu cầu của các dân tộc trên thế giới, để làm cho thế giới nhận ra hoà bình chân chính chính là phải bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, đấng cưú chuộc nhân loại.

Và hôm nay, thời điểm “muà vọng của thiên niên kỷ thứ ba”, giáo hội cũng đã sai phái các nữ tu Việt Nam lên đường truyền giáo, trong mọi lãnh vực chuyên môn của hội dòng (dạy học, bệnh viện, nhà hưu dưỡng). Các chị em ra đi mang tâm trạng của một cô dâu về nhà chồng, không biết mình có được hạnh phúc không, nhưng đó không phải là bi quan, mà là một lo âu thường tình của con người, nhưng trong những lo âu ấy chính Thiên Chúa là Đấng đã mời gọi và sai phái các chị em đã lo liệu tất cả, Ngài chỉ yêu cầu các nữ tu của Ngài một điều: phó thác mọi sự cho Ngài.

Vì vậy, các chị em phải tâm niệm trong lòng rằng : “Tôi là một nữ tu truyền giáo, nghĩa là một chiến sĩ của phúc âm, mà là chiến sĩ phúc âm của thế kỷ 21 đầy cám dỗ và thử thách, những cám dỗ và thử thách này ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chị em: vật chất, tình cảm, thú vui…

Xã hội càng văn minh, nhân loại càng hưởng thụ, càng hưởng thụ thì càng xa dần tôn giáo, một điển hình trong đất nước Việt Nam của chúng ta: càng cấm đạo, càng khó dễ với đạo, thì người ta càng đến với đạo, người công giáo giữ đạo tốt hơn, ngày lễ giáng sinh của những năm 1980 tại Sài Gòn, mọi nhà thờ đều chật cứng người là người, nhưng đến những năm 1990 về sau, thì nhà thờ càng ít người, vì các thanh niên nam nữ bận đi nhảy đầm, đi ăn réveilon, bận đi coi phim, bận đi đến những câu lạc bộ vui chơi náo nhiệt hơn đến nhà thờ… cũng vậy, đi truyền giáo ở những nơi có nền kinh tế cao, giàu có sung túc, có lúc vì muốn hội nhập văn hoá, cùng hoà đồng với họ, mà các chị em đi dần vào những cạm bẫy của vật chất, của tình cảm mà không biết.

Thế kỷ 21,

Hoà bình hay chiến tranh,

Lo âu hay vui mừng,

Không ai biết được, nhưng nhân loại vẫn hân hoan đón chào nó, như đón nàng tiên của hoà bình.

Thế kỷ 21,

Hoà bình hay chiến tranh, không ai biết cả.

Nhưng giáo hội Chúa vẫn tồn tại, dù chiến tranh hạt nhân

Dù chiến tranh huỷ diệt,

Giáo hội Chúa vẫn phát triển, Lời Chúa vẫn bay cao, chạy nhanh

Đến với các dân tộc, các quốc gia.

Bởi vì,

Qua moị thời đại, moị thế kỷ

Đều có những tâm hồn thiết tha với ơn gọi truyền giáo,

Với sứ mệnh “ra đi” theo “kiểu Phaolô” :

Như thánh Phanxicô Xavier, như linh mục Vincent Lebbe, như mẹ Têrêsa Cacutta…

Và như,

Các nữ tu Việt nam

Với ơn goị truyền giáo của mình.

Hãnh diện thay, tốt đẹp thay,

Giống nòi của các thánh tử đạo Việt nam

Đã anh dũng ra đi, và trở nên những tông đồ nhiệt thành của thế kỷ 21 này.

Giữ trọn niềm tin, yêu và hy vọng, đó là tâm trạng của những người đang yêu và được yêu.

Các nữ tu truyền giáo, là những người đang yêu và được yêu, các chị em đã vì tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy mà yêu thương mảnh đất truyền giáo này, và lòng chân thành của các chị em sẽ được họ đáp trả.

Niềm tin làm cho các chị em trở nên trưởng thành hơn trong mọi công việc, các chị em sẽ không còn cảm thấy tự ti vì mảnh đất này quá mới lạ với mình, nhưng các chị em sẽ tự tin (mà không tự kiêu) mình hơn, chủ động hơn và năng nổ trong các công tác, trong học hành hơn.

Yêu thì làm cho các nữ tu có nhiều sáng kiến hơn, thúc đẩy chị em phát huy những ý kiến, những cách làm mới lạ đã làm cho công việc truyền giáo ngày càng cải tiến, ngày có bộ mặt yêu thương huynh đệ, tỉ muội hơn. Cũng giống như một chàng trai yêu một cô gái, anh ta tự nhiên biết làm thơ để tặng nàng, tự nhiên nghĩ ra những điều mới lạ để tặng người yêu… mà thường ngày anh ta chẳng biết gì cả. Tất cả những phát huy sáng kiến của chị em đều bắt nguồn từ Thiên Chúa là tình yêu.

Hy vọng là hiệu quả của tin và yêu, hay nói cách khác, tin và yêu làm cho người ta có hy vọng. Là ánh sáng loé lên trong bóng tối cuộc đời, đối với các nữ tu truyền giáo, hy vọng chính là con đường, là cái cầu (cầu khỉ, cầu gỗ,cầu xi măng cốt sắt…) để đưa chị em đến với tâm hồn trong niềm tin và yêu thương, dù cho con đường có nhiều sỏi đá, dù cho con đường có nhiều gập ghềnh khó đi, nhưng vì các chị đã tin và yêu nên các hị có hy vọng.

Tin + yêu= hy vọng.

Hy vọng= tin + yêu

Cuộc đời truyền giáo là cuộc đời tin, yêu, hy vọng, cho nên khi nhìn một nữ tu truyền giáo, thì người ta cũng nhìn thấy tin, yêu, hy vọng trên con người của các chị em.

Và đây chính là những sứ giả hoà bình của thế kỷ 21 và cũng là của thiên niên kỷ thứ 3.

LỜI KẾT

Nhìn các nữ tu Việt nam trên xứ truyền giáo này, nếu không tiếp xúc trực tiếp với các chị em thì không ai biết các cô nữ tu trẻ này là người đồng hương của chúng ta, các chị em đã thích nghi mau lẹ của hoàn cảnh, phong tục tập quán điạ phương, sẵn với trí thông minh, cần cù trong lao động học tập, các nữ tu Việt nam đã nhanh chóng học ngôn ngữ của người bản xứ từ những chiếc áo dòng đen “cố hưũ” muà nắng cũng như muà mưa, lạnh cũng như nóng ở Việt Nam, các cô nữ tu trẻ này đã thích nghi cho phù hợp như các dòng tu nữ khác trên xứ truyền giáo này, muà đông thì mặc áo dòng màu đen, muà nắng thì mặc màu trắng với tượng thánh giá trước ngực đẹp và môden chẳng khác chi dòng tu địa phương, đó là một thích nghi cũng chính đáng và hợp thời nhất mà tôi đã thấy.

Và các nữ tu Việt Nam của các dòng điạ phương (trên vùng đất truyền giáo) thì cũng thế, các chị em đã rất thích nghi, đã cùng với các nữ tu điạ phương sinh hoạt, học tập, rất là dân điạ phương, đây là một việc đáng mừng cho giáo hội Việt Nam và cho Giáo Hội toàn cầu mà các chị em đang đến để truyền giáo.

Các nữ tu truyền giáo này còn rất trẻ tuổi đời và tuổi tu, nhưng có lẽ vì thế, mà có nhiều ưu điểm hơn: thông minh, nhanh nhen, hoạt bát, thích nghi và dễ thương, lại còn đẹp nữa, đây là những yếu tố ưu điểm bên ngoài, còn về phương diện tu đức, trẻ cũng là một cái đáng lo, bởi vì ma quỷ rất xảo quyệt, chúng ta cố tránh nó, nó càng cám dỗ chúng ta, cái gì chúng ta thề hưá từ bỏ, nó càng đem ra để mê hoặc chúng ta, và có khi, cái mê hoặc này rất là có lý. Cho nên, phải cảnh giác đề phòng luôn để khỏi sa trước cám dỗ : “Anh em hãy canh cầu nguyện, để khoỉ lâm vào cơn cám dỗ, và tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26, 41), có biết bao nhiêu linh mục, các tu sĩ nam nữ đã từ bỏ ơn goị của Chúa để đi theo tiếng goị của thế gian chỉ vì ỷ lại mình, chỉ vì luôn tự biện hộ cho hành vi “hội nhập văn hoá” với moị người của mình (những người đã làm linh mục hay các tu sĩ đã khấn trọn đời, mà hoàn tục, thì thế gian goị họ là đi theo tiếng gọi của ma quỷ, chứ không phải là tiếng gọi của thế gian), chẳng hạn như các vị ấy nói : sinh hoạt với thanh niên thì phải như chúng nó, là đi chơi nhậu nhẹt với chúng nó từ tối đến sáng, mà trong lúc đó không cần thiết có sự hiện diện của linh mục hay một tu sĩ; hoặc nói đi thăm giáo dân mà ngày nào cũng đi, bỏ cả giờ kinh chung với cộng đoàn, bỏ cả giờ cơm thân mật với cộng đoàn, để rồi trở thành thói quen khi không có thời giờ thăm gia đình giáo dân thì cũng kiếm cớ đi trong giờ giấc ấy giống như nghiện cà phê vậy, lâu ngày trở thành thói quen mà thôi, đến khi không có thì cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, làm cho tinh thần không sảng khoái, hay cau có và cảm thấy chán đời, thế thôi.

Vì khuyết điểm rất trẻ trên của các nữ tu trẻ, mà tôi xin mạng phép đề nghị với các nữ tu truyền giáo Việt Nam, các kinh nghiệm nho nhỏ của bản thân đã thực hiện từ khi xác định được ơn goị của mình (trong những năm tháng giúp xứ tại tổng giáo phận thành phố Hồ chí minh) cho đến nay:

Cầu nguyện luôn, làm cho nó trở thành thói quen của mình, cụ thể là viếng thánh thể mỗi ngày (mau là 10 phút, lâu là 30 phút)

Luôn đến với Đức Maria và lần hạt mân côi.

Tham dự thánh lễ Misa.

Cùng nhau đọc phụng vụ giờ kinh, kinh sáng, kinh chiều và kinh tối( nếu được ).

Tự kiểm thảo mình 30 phút mỗi tối trước khi ngủ (sau khi học hành, làm viẹc riêng tư xong, thì ngồi ngay tại bàn học trong phòng riêng của mình)

Mặc dù ở trong dòng tu mỗi nữ tu đều được huấn luyện các phương pháp cầu nguyện, và ngay trong đời sống phục vụ, công tác truyền giáo trong thực tế, mỗi cá nhân của chị em cũng có thể tự tìm cho mình một cách thức cầu nguyện mà không cản trở công việc truyền giáo của mình và của cộng đoàn, tuy nhiên, học hỏi kinh nghiệm của người khác, vẫn là con đường dễ nhớ nhất vậy.

PHỤ LỤC

Các chị em đừng quên, nếu nơi điạ phương các chị em đến truyền giáo, mà có các linh mục, các tu sĩ người Việt nam cũng đang truyền giáo ở đó, các chị em nên tham dự các buổi họp mặt chung của các anh chị em của chúng ta được tổ chức một năm hai ba lần.

Buổi họp mặt này rất ích lợi cho mỗi chị em, vì:

Kết thân tình thân ái của các chị em với nhau.

Cùng nhau chia sẻ công tác truyền giáo, mục vụ cho nhau, để công việc mục vụ của mỗi người được dồi dào thêm.

Nâng đỡ tinh thần của mỗi người sau những ngày tháng mệt nhọc, vì công tác mục vụ và học hỏi nơi nhà thờ nơi bệnh viện, trường học…

Bởi vì, nếu chúng ta không quan tâm đến anh chị đồng hương của mình, thì làm sao có thể nói là quan tâm đến nhưng người xa lạ mà chúng ta đang truyền giáo, do đó, nếu các anh chị ẹm sống độc lập, không lệ thuộc trực tiếp vào một bề trên người bản xứ, thì nếu được, tất cả chị em nên tham dự các buổi họp mặt (hoặc luân phiên)

Nhưng nếu các chị em nhập vào một dòng bản xứ thì can “khơi thông” với bề trên mục đích buổi họp mặt, nhưng nhân đức vâng lời phải được đặt trên tất cả.

Còn nếu các chị em ( hoặc các nam tu sĩ bất cứ dòng nào) đang còn thời kỳ tập sinh, thì tuyệt đối không được phép xin đi, vì năm tập thứ nhất là năm tập nhặt, theo giáo luật rất là quan trọng cho cả cuộc sống người tu sĩ sau này, các chị em (anh em) nên cầu nguyện hiệp thông cho buổi họp mặt của các anh chị em mình là được rồi.

Đừng nói là tôi đang truyền giáo cho người bản xứ thì tôi phải sống chết với họ, đương nhiên tất cả những người truyền giáo đều sống chết trên mảnh đất mà mình truyền giáo, nhưng không một ai làm “bộ mặt lạnh lùng” với người đồng hương đang cùng mình gặt hái trên cánh đồng truyền giáo.

Hơn nữa, buổi họp mặt không phải là ngày nào cũng họp mặt hoặc tuần nào cũng họp mặt, mà là một năm chỉ có một hai lần thì không thể nói là : nếu tôi đi họp mặt thì “con chiên” của tôi sẽ chết đói Lời Chúa; hoặc nói : nếu đi họp mặt với anh chị em đồng hương thì tôi quên mất tiếng Tàu !

*****************************

Tập sách nhỏ “Nữ tu Việt nam với ơn goị truyền giáo của thế kỷ 21” xin kết thúc ở đây, mặc dù còn rất nhiều điều khác muốn chia sẻ trong cuộc sống tu trì với moị người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh tử đạo Việt Nam./.

Tác giả.

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb