(Bujumbura 31/12/2003).
Đức Cha Pierre Christophe trong thánh lễ
Lễ an táng Đức Tổng Giám Mục Michael Courtney, sứ thần Tòa Thánh tại Burundi, người đã bị phiến quân sát hại hôm thứ Hai 29/12/2003, đã diễn ra vào lúc 11:10h sáng, giờ địa phương, ngày 31/12/2003 tại nhà thờ Chánh Tòa Nữ Vương Thế Giới tại thủ đô Bujumbura của Burundi.

Thánh lễ đã do vị đặc sứ của Đức Thánh Cha là Đức Tổng Giám Mục Pierre Christophe, sứ thần Tòa Thánh tại Uganda (hiện được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm sứ thần Tòa Thánh tại Burundi) chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có các Giám Mục và hàng trăm linh mục tại Burundi, trước sự tham dự của khoảng 1500 tín hữu, trong đó có tổng thống Domitien Ndayzeye, cựu tổng thống Pierre Buyoya, các vị chủ tịch Quốc Hội lưỡng viện, và các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn tại Burundi. Nhà thờ đã đông chật người.

Trong thánh lễ không có linh cửu của Đức Tổng Giám Mục Michael Courtney. Linh cửu của ngài đang trên đường ra sân bay để kịp đưa về an táng tại quê nhà (Ái Nhĩ Lan). Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Pierre Christophe đã đọc một số đoạn trong thư mục vụ chuẩn bị cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2004 của Đức Tổng Giám Mục Michael Courtney được tìm thấy trong computer của ngài. Trong thư mục vụ này, Đức Cha Courtney đặc biệt nhấn mạnh rằng "Sự tôn trọng các hiệp định được ký kết giữa các bên lâm chiến là cần thiết cho nền hòa bình tại Burundi".

Đức Cha Simon Ntamwana
Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Simon Ntamwana, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Burundi đã lên tiếng tố giác phiến quân Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia đã sát hại đức sứ thần Tòa Thánh. Tuyên bố chiều ngày 30/12/2003, sau cuộc họp với Đức Tổng Giám Mục Pierre Christophe, Đức Cha Ntamwana cho biết "Theo cách thức Đức Tổng Giám Mục Courtney bị sát hại, tôi nói thẳng rằng đây là một cuộc hành quyết. Vụ này xảy ra trong một vùng có nhiều xáo trộn và chúng tôi đã nhận được nhiều chứng từ của dân chúng trong vùng. Những lời kêu gọi được lặp đi lặp lại nhiều lần của đức sứ thần Tòa Thánh gởi tới lực lượng Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia mời gọi từ bỏ con đường bạo lực và những phản ứng từ phía phiến quân này chứng tỏ rằng, theo ý tôi, không còn cần phải tìm thủ phạm nào khác hơn ngoài Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia".

Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Burundi bác bỏ lời tuyên bố của Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia theo đó chính quân đội Burundi đã sát hại đức sứ thần Tòa Thánh. Ngài nói: "Từ khi cuộc nội chiến bắt đầu hồi năm 1993, tôi chưa hề thấy quân đội truy nã ai trong một chiếc xe. Đó không phải là chiến thuật của quân đội. Đàng khác quân đội không bao giờ chặn đức sứ thần ít nhất là trong thời gian gần đây".

Sau lời tuyên bố trên đây của Đức Cha chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Burundi, phát ngôn viên của Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia là Pasteur Habimana đã đưa ra lệnh tối hậu đòi Đức Cha Ntamwana phải rời bỏ Burundi. Ông nói: "Chúng tôi tha thiết yêu cầu Giáo Hội Công Giáo, và Tòa Thánh hãy tìm một nước khác để đón nhận Đức Cha Ntamwana trong những ngày tới đây. Chúng tôi rất rõ ràng và nghiêm chỉnh về vấn đề này. Đức Cha có 30 ngày để rời bỏ Burundi và không thể kéo dài hơn".

Bình luận về lời tuyên bố của Pasteur Habimana, một vị đại sứ cho biết "Phiến quân Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia đang ở trong một vòng xoáy trôn ốc của sự mất tự chủ".

Eugene Nindorera, một vị cựu bộ trưởng nhận định rằng "Với tối hậu thư này Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia đang nhúng sâu vào chàm. Điều này chứng tỏ rằng họ sẵn sàng giết bất cứ ai không nói cùng một giọng điệu với họ".

Cuộc nội chiến kéo dài một thập niên qua đã bắt đầu từ việc một nhóm quân nhân người Tutsi thiểu số đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của tổng thống Melchior Ndadaye, một người thuộc bộ tộc Hutu (chiếm đa số tại Burundi). Cuộc chiến này đã gây thiệt mạng cho 300,000 người.

Giáo Hội Công Giáo đã dấn thân tích cực trong việc đề cao tinh thần đối thoại và hòa giải dân tộc. Đến nay, quân đội Burundi, dưới sự lãnh đạo của người Tutsi thiểu số đã ký được các hiệp định hòa bình với các nhóm phiến quân. Nhiều đơn vị phiến quân đã buông súng hoặc gia nhập vào quân đội chính phủ. Thành quả lớn lao nhất là việc ký được hiệp định hòa bình với nhóm Lực Lượng Bảo Vệ Dân Chủ (FDD) hôm 16/11/2003. Đây là nhóm phiến quân lớn nhất tại Burundi. Tuy nhiên, nhóm Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia (FNL) nhất quyết không chịu thương thảo.

Sau khi xảy ra vụ sát hại đức sứ thần Tòa Thánh hôm thứ Hai 29/12/2003 tại một địa điểm cách Bujumbura 40 km về phía Nam, nhiều lần Pasteur Habimana đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm vụ ám sát này. Ông tuyên bố: “Chúng tôi trịnh trọng thề hứa với nhân dân Burundi rằng chúng tôi đã không tổ chức cuộc phục kích vị Sứ Thần Tòa Thánh Vatican”. Tuy nhiên, ít người tin lời nói của mục sư Habimana là thật vì nguyên nhân vụ hành quyết này đã quá rõ: Đức sứ thần Tòa Thánh Michael Courtney đã dấn thân tích cực trong việc đem lại hòa bình cho Burundi, một điều mà FNL không muốn hay chưa muốn thấy xảy ra.

Burundi hiện có 6 triệu dân. 62% theo Công Giáo. 5% theo Tin Lành và 10% theo Hồi Giáo. Số còn lại đa số theo đạo thờ linh vật.