Một trong những câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất trong năm 2003 là những thông tin về máy ảnh số (digital camera). Trong bài này, chúng tôi sẽ tóm tắt với quý độc giả những điều cần biết để có thể mua một digital camera rẻ tiền và đáp ứng được nhu cầu.

1) Nên mua máy ảnh số hay máy ảnh thường?

Khác với máy ảnh thường, máy ảnh số không dùng phim. Máy ảnh số ghi lại hình ảnh bằng cách dùng một bộ nhạy cảm ánh sáng điện tử (electric light sensor), gọi tắt là CCD. Ánh sáng ghi nhận bởi CCD được chuyển thành dữ liệu số và được lưu trữ như một hồ sơ điện toán. Chúng ta có thể xem hồ sơ này dưới dạng một hình ảnh ngay trên máy ảnh hay trên máy điện toán. Hồ sơ này cũng có thể được biên tập (edit) lại cho vừa ý (cắt xén, ráp thêm hình, làm sáng hơn... ). Cố nhiên, nó cũng có thể được in ra trên giấy ảnh.

Lợi thế của máy ảnh số là không cần phim, không cần tráng phim. Thành ra, ngay sau khi chụp xong ta có thể gởi ngay tức khắc lên một Web site hay gởi cho một người quen. Vì không mất tiền phim và không phải chờ đợi tráng phim, và rọi ảnh nên một người sử dụng máy ảnh số học cách chụp hình mau hơn, làm quen với những tiện nghi của máy nhanh hơn. Khi chụp ảnh, ta có thể xem qua những hình đã chụp và nếu có hình nào đó không ưng ý ta có thể xóa đi.

Trừ trường hợp bạn đã là một nhiếp ảnh gia hoặc đã sử dụng máy ảnh thường rất thành thạo, chúng tôi nghĩ là bạn nên mua máy ảnh số.

2) Pixel là gì? Nên mua máy bao nhiêu mega pixels?

Chúng ta hãy làm thử thí nghiệm sau để hiểu pixel là gì?

  • Lấy một miếng giấy hình chữ nhật (kích cỡ bao nhiêu cũng được - A4 chẳng hạn).
  • Dùng viết chì gạch những đường thẳng để chia miếng giấy thành 10 hàng, 10 cột đều nhau. Như vậy chúng ta đã chia miếng giấy thành 100 ô. Mỗi ô như thế người ta gọi là một pixel.
  • Bây giờ, dùng compa vẽ một vòng tròn lớn hết cỡ có thể trên miếng giấy. Chúng ta sẽ tô đen tất cả những pixel nào mà vòng tròn đi qua.
  • Khi giơ lên xem, chúng ta có một vòng tròn nhưng nó không "nét", không trơn tru.


Lập lại thí nghiệm trên, nhưng chia miếng giấy thành 20 hàng, 20 cột, tức là 400 pixels. Chúng ta so sánh hai vòng tròn thì sẽ thấy ngay vòng thứ hai "nét" hơn, trơn tru hơn vòng thứ nhất.

Một tấm hình cũng vậy. Nó được cấu tạo từ các pixels. Càng nhiều pixels hình càng nét. Tuy nhiên, càng nhiều pixels thì máy càng đắt tiền. Thành ra, nên tùy mục đích sử dụng mà mua.

Nếu bạn chỉ muốn chụp để xem trên computer, hầu hết các digital camera đang bán trên thị trường đều dùng được. Mua cái nào cũng OK hết. Chỉ còn phải lưu ý độ zoom và battery. Bạn hãy xem tấm hình bên cạnh, độ phân giải (resolution) của nó là 450 x 300 pixels. Trong khi một digital camera hạng chót trên thị trường hiện nay là 1.3 Mega Pixel cũng có thể cho bạn những tấm hình với độ phân giải 1280 x 960 pixels.

Như vậy, nếu bạn chỉ muốn chụp để xem trên computer thì mua cái nào cũng OK, nhưng lẽ dĩ nhiên, các máy digital có độ nhuyễn lớn tức là pixels cao hiện tại thì kĩ thuật ánh sáng và ống kính cũng tinh vi hơn, hình chụp chắc chắn là đẹp hơn những máy có pixels nhỏ được chế tạo vài năm trước đây.

Nếu bạn muốn chụp để xem trên computer và đôi khi lại muốn in ra như máy chụp hình thường thì bạn tính như sau:

1.3 Mega Pixel chỉ bảo đảm độ nét cho hình nhỏ hơn hay tối đa là 5 x 7 inches (12.5 x 17.5 cm). Nếu coi trên màn hình computer thì độ phân giải không quá 1280 x 960.

2.1 Mega Pixel chỉ bảo đảm độ nét cho hình nhỏ hơn hay tối đa là 8 x 10 inches (20 x 25 cm). Nếu coi trên màn hình computer thì độ phân giải không quá 1600 x 1200.

3.3 Mega Pixel chỉ bảo đảm độ nét cho hình nhỏ hơn hay tối đa là 8 x 10 inches (20 x 25 cm). Nếu coi trên màn hình computer thì độ phân giải không quá 2048 x 1536.

4.1 Mega Pixel chỉ bảo đảm độ nét cho hình nhỏ hơn hay tối đa là 11 x 14 inches (27.5 x 35 cm). Nếu coi trên màn hình computer thì độ phân giải không quá 2272 x 1704.

3) Zoom

Độ zoom rất quan trọng khi ta cần chụp những tấm ảnh mà không thể tới gần được. Thí dụ, trong thánh lễ mà ta cứ chạy lên chạy xuống để chụp hình thì mất đi sự trang nghiêm của thánh lễ và làm người ta chia trí đi. Với máy có độ zoom cao ta có thể chụp được những hình ở xa mà vẫn thấy rõ từng chi tiết.

Trên các máy hình ngày nay người ta thường ghi độ zoom quang học (optical zoom) và độ zoom số (digital zoom). Nhiều nhà sản xuất còn mánh lới hơn khi ghi total zoom (optical zoom + digital zoom). Khi mua máy, bạn không nên để ý gì đến digital zoom cả mà chỉ tính optical zoom mà thôi.

Để hiểu digital zoom là gì, xin đưa ra một ví dụ. Bạn có một hình với 400 x 300 pixels chụp trong một buổi tiệc. Bạn không hoàn toàn hài lòng với tấm hình đó. Bạn chỉ muốn lấy một phần của tấm hình trong đó có hình bạn. Phần hình đó có kích thước 200 x 200 pixels. Nói cách khác, phần hình bạn muốn lấy chỉ là 1/3 của tấm hình nguyên thủy. Với máy có digital zoom là 3x (nhân 3), bạn có thể chọn phần hình đó. Máy sẽ khuếch đại từ 200 x 200 pixels lên 400 x 300 pixels. Trong số 12000 pixels thì có 4000 pixels là thứ thiệt, 8000 pixels khác do nhu liệu điện toán "đoán ra" (từ chuyên môn gọi là interpolate). Hiệu ứng của nó cũng giống như zoom vậy nhưng độ nét thì không bảo đảm.

Khi mua máy bạn NÊN chú ý đặc biệt đến đến optical zoom của máy hơn là chú ý đến digital zoom. Vì độ optical zoom mới là zoom thứ thiệt, còn digital zoom có thể dùng Photoshop để biến đổi sau khi chụp hình.

Bạn cũng có thể tăng độ zoom của máy bằng cách dùng telephoto gắn vào trước ống kính (Tuy nhiên, những máy digital rẻ tiền thì không có đặc tính này). Telephoto thường khá rẻ. Có thứ chỉ vài chục Mỹ kim. Tuy nhiên, bạn phải hỏi kỹ vì có những máy bạn sẽ không bao giờ gắn được telephoto.

Muốn chụp được những hình đẹp, bạn nên mua những máy cho phép bạn chỉnh độ zoom theo ý muốn, tức là ở nhiều mức zoom khác nhau.

4) Vấn đề battery

Một trong những lý do ta mua digital camera thay vì máy ảnh thường là vì ta muốn tiết kiệm tiền phim. Tuy nhiên, bạn hãy coi chừng nhiều khi tiền pin còn mắc hơn tiền phim vì digital camera hút pin mau lắm.

Tốt nhất là bạn mua loại digital camera mà pin của nó có thể sạc lại được (rechargeable batteries). Đồng thời phải có đồ sạc đi kèm với máy (máy sạc cho nhiều loại pin rất đắt tiền).

Loại pin tốt nhất hiện nay là Info Lithium vì vừa nhẹ vừa dùng được lâu. Kế đó là loại pin NiMH (Nickel Metal Hydride). Chỉ nên mua hai loại đó.

Một vấn đề nữa là ống nhắm (viewfinder). Đa số digital camera có ống nhắm giống như máy chụp hình thường. Tuy nhiên, có những máy bạn chỉ có thể nhắm bằng cách xem trên một màn hình tinh thể lỏng (LCD). Không nên mua loại đó vì nó hút pin mau lắm. Nếu muốn bạn có thể mua máy vừa có ống nhắm thường vừa có màn hình LCD và chỉ nên xem bằng LCD khi bạn chắc là đủ pin.

5) Burst rate là gì ?

Sau khi bạn nhấn nút chụp. Digital camera phải ghi hình dưới dạng một hồ sơ (file) trong memory card hay là dĩa floppy. Thao tác này cần một thời gian để thực hiện. Trong thời gian đó bạn không chụp được nữa. Chỉ số burst rate nhằm thông báo cho bạn biết máy cần thời gian bao lâu để ghi một tấm hình.

Nhiều máy mới có thêm RAM (Random Access Memory) để dùng như một bộ đệm (buffer). Với những máy này bạn có thể chụp một số hình liên tục trước khi phải chờ 10-20 giây để chuyển từ bộ đệm sang kho lưu trữ.

6) Kho lưu trữ hình

Khi bạn chụp hình, các hình sẽ được lưu trên kho lưu trữ hình. Thông thường là một memory card hay một dĩa mềm (floppy). Đừng mua loại có dĩa mềm vì mỗi dĩa chứa chỉ được 1 hay 2 tấm hình ở độ phân giải cao. Mất công thay dĩa liên tục rất phiền toái.

Số lượng hình có thể chứa được tùy thuộc vào kích thước của kho lưu trữ và tùy thuộc vào độ phân giải của mỗi tấm hình. Thí dụ tiêu biểu là với một máy 2 Mega Pixel có memory card 8 MB. Nếu chụp ở độ phân giải cao nhất (best quality) thì chỉ lưu được 8 tới 10 tấm thôi. Nhưng với độ phân giải thấp hơn (better quality) có thể lưu trữ tới 40 tấm. Và với độ phân giải thấp nhất (good quality) có thể lưu trữ tới 100 tấm.

Khi về đến nhà, chúng ta download những hình ảnh từ máy ảnh vào computer. Sau đó, có thể xóa đi những hình ảnh trong memory card để chụp những hình khác.

Khi mua một máy digital camera, bạn nên xem là cái memory card bao nhiêu MB (mega bytes). Nếu cần chụp nhiều, bạn cũng có thể mua thêm các memory card khác như các loại CompactFlash, Smartmedia với những kích thước khác nhau 64MB, 128MB, 256MB.... tùy túi tiền. Khi chụp đầy, bạn có thể thay memory card khác vào để chụp tiếp.

7) Chỉnh độ sáng, độ tương phản

Sau khi đã download các hình từ máy ảnh vào computer, ta có thể chỉnh độ sáng, độ tương phản và hàng loạt các tác động khác bằng cách dùng các nhu liệu chuyên nghiệp như Adobe Photoshop.

Tuy nhiên, thông thường mà nói ta chỉ cần chỉnh độ sáng, độ tương phản. Bạn có thể làm điều này dễ dàng bằng cách dùng một nhu liệu không tốn tiền của VietCatholic là VCatPhoto.

Với nhu liệu này, bạn cũng có thể lưu trữ các hình chụp dưới dạng những album để dễ tìm kiếm. Bạn cũng có thể viết chữ lên hình. Và còn nhiều ứng dụng khác nữa.

Muốn biết thêm về VCatPhoto, xin coi ở đây. http://vietcatholic.com/news/html/news11725.htm