ĐỨNG VỮNG D ƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta cầu nguyện cho hết mọi người đứng vững dưới chân Thập Giá như Đức Maria.

Đứng vững là một trạng thái chịu đựng. Vì ai can đảm, ai có ý chí thì người đó mới đứng vững được. Nhưng đứng vững dưới chân Thập Giá mới là điều khó nhất. Bởi lẽ, ngay cả các thánh Tông Đồ, những người được sống với Đức Giê-su, thế mà khi Thầy tử nạn, chỉ còn thấy có một mình Gio-an đứng dưới chân Thập Giá với Đức Maria (Ga 19,26). Điều này cho thấy, đứng dưới chân Thập giá là hình ảnh của trung thành, là hình ảnh của chí khí, và cũng là hình ảnh của muôn vàn ơn phúc. Thật vậy, từ trên Thập Giá, Đức Giê-su đã phó Gio-an cho Đức Mẹ (x.Ga 19,27). Rồi, Đức Giê-su cũng phó Đức Mẹ cho Gio-an (x. Ga 19,26). Đây là một sự trao đổi thật kỳ lạ. Một sự trao đổi không cân đối, nhưng được cộng thêm bởi tình thương vô biên trên Thập giá và từ tình thương vô biên ấy đã biến Gio-an được trở thành con của Đức Mẹ, và trao phó Đức Mẹ cho Gio-an. Từ đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Hội Thánh đã được trao phó cho Đức Trinh Nữ Maria.

Khi trao Đức Maria cho Gio-an, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta thấy Đức Maria là gương mặt của Hội Thánh, là hiền thê của Đức Ki-tô. Đó là gương mặt “Một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”(Ep 5,27). Đức Maria càng trở nên hiên ngang tuyệt vời khi đứng dưới chân Thập giá. Nơi đây, người ta nhìn thấy hình ảnh của một người mẹ, không những chứng kiến con mình hấp hối, mà còn giơ tay đón lấy xác con được tháo xuống từ Thập Giá. Hình ảnh ấy im lặng nhưng thấu tới trời và không có những tiếng rên la, than vãn, nhưng là một sự hiệp thông sâu xa để chuyển thành ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Với một nguồn ơn lớn lao như thế, Đức Mẹ Sầu Bi luôn gắn liền với Thập Giá. Nếu Thập Giá được giương cao trên đồi Golgotha thì hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi đứng vững dưới chân Thập giá là những hình ảnh đi liền với nhau. Thập Giá là biểu tượng của Ơn Cứu Độ thì Đức Mẹ Sầu Bi cũng trở thành hình ảnh Đồng Công Cứu Chuộc. Thập Giá đã trở thành hiến tế cứu độ cho muôn dân thì Đức Maria dưới chân Thập giá đem lại cho Giáo Hội một sức sống mới, sức sống được kín múc từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu, và từ đó Máu và Nước chảy ra. Hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi đứng vững dưới chân Thập Giá cho chúng ta thấy những nét đẹp siêu nhiên và những nét đẹp tự nhiên. Siêu nhiên bởi vì Mẹ đã đón nhận thánh ý Chúa ngay từ giây phút đầu tiên: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời Sứ thần truyền” (Lc 1,38). Có thể nói, với Đức Trinh Nữ Maria thì lời Sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai, lời trăng trối của Đức Giê-su, những lời cuối cùng trên Thập Giá, tất cả là một. Đức Maria đón nhận những lời truyền tin thì cũng đón nhận những lời Con Mẹ trăng trối trên Thập Giá: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga, 19,26). Đây là những hình ảnh đan kết giữa siêu nhiên với tự nhiên. Người ta thấy một Con Thiên Chúa lại chết trên đồi Can-vê. Người ta thấy một người Mẹ Thiên Chúa lại có thể đau thương vì “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Vậy mà thay vì những lời và những cử chỉ thì sự im lặng đứng vững của Đức Mẹ đã nói lên tất cả. Mẹ đã đón nhận tất cả Hội Thánh trong con người của Gio-an. Mẹ đã dâng tất cả Hội Thánh trong những lời cầu nguyện âm thầm dưới chân Thập Giá. Mẹ đã đón nhận Con Mẹ vào ngày Truyền Tin, vào ngày Giáng Sinh, thì Mẹ cũng đón nhận xác con Mẹ vào ngày tử nạn. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy hình ảnh của một người mẹ không chỉ là nhẹ nhàng với những niềm vui nhưng là một người mẹ biết đón nhận tất cả những cay đắng và hy sinh hiến tế.

Noi gương Đức Mẹ Sầu Bi không phải là chúng ta đủ can đảm đón nhận những đau khổ của bao người, nhưng là trong chính cuộc đời của mình cũng thấm đẫm những đau khổ, hy sinh. Có điều, những người không biết thánh hóa, không biết sống theo gương của Đức Maria thì đã phàn nàn, kêu trách, đổ lỗi, chẳng khác gì họ đem tất cả những công phúc đổ xuống s ông. Bởi vậy, hình ảnh Đức Maria Sầu Bi đứng dưới chân Thập Giá đem lại cho mỗi người chúng ta một sức sống nội tâm để có thể đứng vững trong một cuộc đời đau khổ, hy sinh của mình và để có thể kiên vững với thời gian. khi Chúa Giê-su trao phó Gio-an cho Đức Mẹ, Giáo Hội cũng nhắc chúng ta hãy đến gần Thập Giá với Đức Maria, vì Gioan là hình ảnh của Hội Thánh chúng ta. Những người con của Mẹ hãy kiên vững trong những đau khổ và hy sinh, bởi chính trong đau khổ và hy sinh cũng như phong ba, bão tố ập xuống trên ngôi nhà của cuộc đời thì mới biết rõ nhà nào xây trên đá và nhà nào xây trên cát; chính trong đau khổ mà người ta thấy được những hình ảnh đẹp đẽ, tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria, cũng như của những người con của Mẹ.

Lửa thử vàng, gian nan thử đức (tục ngữ), Đức Maria Sầu Bi vẫn mãi là những mô phạm cho tất cả những ai muốn đi theo con đường của Thập Giá, của Hiến Tế hy sinh. Chúng ta cầu chúc cho các hiền mẫu hãy kiên vững như Đức Maria dưới chân Thập Giá, và là Thập Giá trong cuộc đời mình, để mỗi người vừa chu toàn bổn phận của những người mẹ trong gia đình, vừa chu toàn những công việc chung mà Giáo Hội trao phó cho họ. Tin Mừng cho thấy còn một số phụ nữ đạo đức đã đi theo Chúa từ buổi ban đầu, từ Galilea, họ cũng đứng dưới chân Thập Giá (x.Ga 19,25). Hy vọng trong số những người phụ nữ ấy, thấp thoáng qua mọi thời đại chúng ta nhìn thấy các hiền mẫu của gia đình chúng ta, để họ cũng theo gương Đức Mẹ và các phụ nữ đạo đức đứng vững dưới chân Thập Giá.

Từ đây, chúng ta hiểu ý nghĩa Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ làm cho chúng ta đứng vững mạnh mẽ, chứ không phải những sự thương khó giập vùi cuộc đời con người. Cầu chúc cho mọi người không phải là nhận được nhiều đau khổ, bởi cuộc đời của mỗi người đã có quá nhiều đau khổ, và bản chất cuộc đời nơi trần gian này cũng đã làm họ đau khổ quá nhiều rồi. Nhưng chúng ta cầu chúc cho mọi người biết thánh hóa, và biết noi gương Đức Mẹ để đứng vững dưới chân Thập Giá. Một khi đứng vững dưới chân Thập Giá, họ sẽ là những người mạnh mẽ bước đi trong ân sủng và tình yêu thương, trong hy sinh và hiến tế; trong dấn thân và phục vụ, trong quảng đại vì Nước Chúa.

Chúng ta tin chắc rằng, nếu mỗi một hội đoàn, mỗi gia đình và mỗi người cũng đều tiến bước vững vàng trong gian khó như Đức Maria dưới chân Thập Giá thì đó là con đường dẫn tới sự sống đời đời, con đường của tình yêu Chúa trải dài trước mắt chúng ta và sẽ đi dọc cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Chiều nay tang tóc u mờ
Can–vê tim Mẹ gươm vừa đâm thâu.
Đồi cao Thập giá cắm sâu
Giêsu Con Mẹ gục đầu tắt hơi.
Bóng ai in giữa khung trời
Dưới chân Thập giá treo người con yêu.
Tiếng ai nấc nghẹn bóng chiều
Lệ nhoà theo cảnh tiêu điều hoàng hôn.
Vâng, từ chính cảnh u buồn
Con nhìn thấy Mẹ ngàn muôn dịu dàng.
Ánh lên muôn vẻ Thiên đàng
Toả ra muôn vẻ hiên ngang tuyệt vời!
Chiều nay nối đất với trời
Sầu bi, Thánh giá sáng ngời tình thương.
Lời cầu con quyện trầm hương
Dâng lên kính Mẹ lưỡi gươm thấu lòng.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc