Vua Abdullah II của Jordan đã lên tiếng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô về nhận xét ngài đã đưa ra trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Colombo sang Manila hôm 15 tháng Giêng.

Đức Tổng Giám Mục Maroun Lahham, đại diện Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem, tại Jordan nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm Thứ Năm 22 tháng Giêng như sau:

"Vua Abdullah đã nhắc lại rõ ràng những lời của Đức Giáo Hoàng theo đó tự do ngôn luận là một quyền, và trong một số trường hợp thậm chí còn là một nghĩa vụ, nhưng đồng thời nó cũng có giới hạn, và không thể xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của người khác. Quốc vương Abdullah II khẳng định đây là những nhận xét rất tích cực "

Thủ tướng Anh David Cameron là một trong những người không đồng ý với Đức Thánh Cha. Ông nói rằng tự do ngôn luận không thể có giới hạn và có thể đi xa đến mức sỉ nhục bất cứ ai.

Ông nói: "Tôi là một Kitô hữu. Nhưng nếu có ai nói điều gì đó tấn công Chúa Giêsu, tôi có thể cảm thấy khó chịu, nhưng trong một xã hội tự do, tôi không có quyền trả thù người ta. Chúng ta phải chấp nhận rằng những tờ báo, và tạp chí có thể xuất bản những điều gây khó chịu cho một số người miễn là nó hợp với luật pháp."

Vua Abdullah đã lên án chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và nói rằng những người thực hiện các cuộc tấn công, chẳng hạn như tại tòa soạn báo Charlie Hebdo, không đại diện cho Hồi giáo chân chính. Đồng thời, ông cũng nói rằng danh tiếng của người Hồi giáo phải được bảo vệ. Vua Abdullah đã là một trong 40 nhà lãnh đạo thế giới tham gia cuộc tuần hành ở Paris để thể hiện tình đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Sau khi Charlie Hebdo vẽ một bức họa châm biếm tiên tri Muhammad trong ấn bản đầu tiên của mình sau cuộc tấn công khủng bố, Vua Abdullah mạnh mẽ lên án quyết định này là "một sự xúc phạm đến tình cảm của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi."

Đó là một "sự thiếu trách nhiệm, một hành động thiếu thận trọng và thiếu suy nghĩ".

Bức họa châm biếm tiên tri Muhammad đã kích động hàng loạt những cuộc biểu tình của người Hồi Giáo trên toàn thế giới. Đặc biệt, nghiêm trọng là tại thủ đô Niamey của Niger. 45 nhà thờ đã bị tấn công và đốt cháy, 10 Kitô hữu bị giết trong các vụ tấn công.