Vai trò lý trí theo quan điểm của Immanuel Kant

Cuộc tọa đàm về chủ đề „Tôn giáo của lý trí và đức tin Mặc Khải“ do giáo sư triết gia Norbert Fischer chủ trì tại đại học Mainz/Đức quốc vừa qua, đã đưa ra thảo luận sôi nổi dưới lăng kính triết học duy lý của Immanuel Kant về những đề tài khá thời sự và nhạy cảm: Đức tin lý trí với những lý chứng triết học thực tiễn có tương quan thế nào với đức tin Mặc Khải; và từ đó người ta đã triển khai các giai đoạn quan trọng khác của những cuộc trao đổi về chủ đề trên khởi đầu từ nhóm triết gia Khắc Kỷ Stoa(1) và cho đến thời đại chúng ta ngày hôm nay.

Trong bài giới thiệu của ông, giáo sư Norbert Fischer đã nhấn mạnh rằng khi còn sinh thời Kant đã từng nỗ lực đưa ra một ý niệm tổng quát về lý trí, khi ông đầy xác tín trình bày trong khoa siêu hình học phê bình của ông rằng „con người là một hữu thể mang tính chất siêu hình học, luân lý và tín ngưỡng như đã được nêu lên trong ba vấn nạn to lớn của con người, đó là: Tôi có thể biết được gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì?“ Khác hẳn với những vấn đề khác, trước hết những khuynh hướng đòi phải được giải thích có tác dụng rất mạnh mẽ, theo Kant thì „cách thức suy tư rõ ràng minh bạch“ cần phải được định hướng theo tương quan cần thiết của tất cả những nhận thức về „những mục đích chính yếu và tối thượng của lý trí con người“, tức „những mục đích nhất thiết phải thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người!“

Trong tác phẩm „Die Religion in den Grenzen der bloßen Vernunft“ _ (Tôn giáo trong giới hạn của lý trí thuần tuý) của ông, Kant đã sử dụng hình ảnh trực tiếp thuộc hai lãnh vực ấy để trình bày sự tương quan giữa tôn giáo của Mặc Khải và tôn giáo của lý trí. Mặc Khải có thể „hiểu được tôn giáo của lý trí thuần tuý ít là trong chính mình“, nhưng tôn giáo của lý trí không thể bao gồm các dữ kiện lịch sử của Mặc Khải được. Norbert Fischer cho rằng qua cách thức đó, Kant đã nỗ lực tìm củng cố „chân lý nội tại“ của đức tin trong Thánh Kinh với sự trợ lực của lý trí và để bảo đảm nền tảng của „đức tin“ trước chủ nghĩa duy phi lý và „chủ nghĩa tương đối.“ Norbert Fischer phát biểu: „Kant đã liên kết đức tin Kitô giáo với lý trí và đã thẳng thắn gọi Kitô giáo là một „tôn giáo huyền nhiệm“, một tôn giáo đã trở nên phong phú ngay trong những tính chất bình dị nhất; và nhờ thế, triết học với ý niệm về luân lý đạo đức càng thêm tính chất đồng thuận và thuần tuý hơn là chính nền triết học có thể hiện thực được.“

Như đã được đề cập tới trong ba vấn nạn ở trên, điều đó đã cho thấy „sự thu hút của lý trí“ về vấn nạn nền tảng của triết học Kant, làm thế nào để người ta có thể hiểu được sự thống nhất của lý trí ấy trong khi phải đối mặt với nhị nguyên tính của thực tại, tức cảm tính và lý trí?

Mặc Khải dưới chiều kích lý trí

Chính cả khi Kant không bằng lòng dừng lại trong lý thuyết về những ý tưởng tiết chế của lý trí và những định đề của lý trí thực hành, nhưng tiếp tục phát huy những phương diện khác trong sự phê bình khả năng phê phán và trong Opus Postumum, thì trong sự nhận thức về việc nêu lên những vấn nạn liên quan đến triết học tôn giáo của ông, Kant vẫn đem liên kết với những lý thuyết ấy.

Giáo sư Friedo Ricken SJ. (München) nhìn thấy sự căng thẳng giằng co giữa Mặc Khải và tôn giáo lý trí (thuần tuý luân lý) trong triết học Kant như là một „tương quan có rất nhiều khác biệt về phương tiện và mục đích.“ Diễn tiến của sự tiếp thu Mặc Khải qua lý trí thì luôn được bỏ ngỏ, chứ không kết thúc, dù đối với Kant „hệ thống lý trí thuần túy của tôn giáo“ tự thay đổi chính mình qua sự giải thích mang tính cách phê bình của Mặc Khải hay không.

Giáo sư Rudolf Langthaler tại Học viện triết-thần học Công Giáo Wien/Áo quốc đã trình bày lý trí thực hành theo quan điểm Kant có thể được „soi sáng“ bởi „các giáo huấn đạo đức“ như thế nào. Ông đề cập đến một sự „tự giới hạn của lý trí qua nhiều cấp bậc“, trong đó lý trí thực hành lại „càng đề cao thêm“ đức tin của lý trí thuần tuý và „chấp nhận một cách đầy tin tưởng“ sự bổ túc siêu nhiên vào đức tin của lý trí.

Theo giáo sư Bernd Dörflinger thuộc Đại Học Trier thì sự phê bình của Kant không nhằm chống lại tất cả những cảm thức tín ngưỡng, nhưng chỉ chống lại những cảm thức không phù hợp với quan điểm tôn trọng luật luân lý như là nền tảng của lý thuyết về định đề(2), nhưng tìm cách đòi hỏi sự ảnh hưởng thiêng liêng ở bên ngoài luân lý. Chẳng hạn nhà thần học tin lành Spener (1635-1705) đã cho rằng con người sẽ tìm gặp được sự trợ lực của ơn thánh khi biết thật lòng ăn năn hối cải tội lỗi.

Cũng vì thế, theo Kant, tội nguyên tổ đã tạo nên một chiếc cầu nối liền giữa tôn giáo Mặc Khải và tôn giáo của lý trí nói chung. Các giáo án của ông về tôn giáo triết học ở đại học cũng được gắn liền với quan điểm ấy, vì Kant coi hành động đó như là „công tác mục vụ mang màu sắc triết học cho tầng lớp trí thức.“

Chúng ta biết rằng khi Kant đem đối chiếu giữa một đức tin lý trí mang tính cách triết học với một đức tin Mặc Khải như thế, thì theo thói quen cố hữu của ông, ông đã bàn luận rất lâu trước đó về triết học và thần học Kitô giáo. Dĩ nhiên vẫn quanh quẩn trong quan điểm triết học của ông.

Vấn nạn được sôi động trở lại trong thế kỷ XX

Trong cuộc tọa đàm tại đại học Mainz nói trên, các giai đoạn khác nhau của sự tranh cãi về Kant đã được đưa ra thảo luận: Nền thần học mang tính chất triết học duy lý của phái Khắc Kỷ vốn nỗ lực chuyển đổi thần thoại (Mythos) hoàn toàn thành thần đạo (Logos) đã được giáo sư Maximilian Forschner ĐH Erlang-Nürnberg đưa ra ánh sáng. Còn giáo sư Günther Pöltner thuộc ĐH Wien/Áo đã trình bày một cách tống quát sự tương quan giữa lý trí và Mặc Khải theo quan điểm thánh Thomas Aquinô. Nhưng qua sự sắp xếp thứ tự các nguyên lý của hai môn khoa học này một cách hệ thống hóa rất có thể đưa tới nguy cơ làm hiểu lầm là đánh giá „một sự việc được coi là thật có giá trị hơn một thực tại thượng đỉnh“. Trong khi đó nữ giáo sư Martina Roesner cũng thuộc ĐH Wien đã đưa ra một phê phán rất đáng ghi nhận là bà đã coi Meister Eckhart „thực sự hợp lý hơn là Immanuel Kant khi ông loại bỏ quan niệm về một sự tương quan với những thực tại cụ thể mang tính cách thuần lịch sử và ngoại tại cũng như tư tưởng về một mục đích khách quan và siêu nghiệm không những ra khỏi lý chứng thuộc lý trí về luân lý, nhưng còn ra khỏi lãnh vực đức tin Kitô giáo nữa.“

Ba nhà tư tưởng thời danh của thế kỷ XX được đề cập tới trong cuộc tọa đàm – Blondel, Heidegger và Ricoeurs – mặc dù mỗi người theo một cách thế riêng, đã mang ra thảo luận chiều kích hiện sinh của sự đồng thuận của đức tin thuộc lý trí, và sau cuộc thế giới chiến II cả ba nhà tư tưởng đã bày tỏ sự kính trọng đặc biệt của mình đối với nền thần học Công Giáo. Qua sự trình bày của giáo sư Peter Reifenberg thuộc ĐH Mainz, người ta biết được rằng triết gia người Pháp Maurice Blondel (1861-1949) đã phác họa dưới danh xưng „tác động“ một „sự hộ giáo“ của Kitô giáo từ „nội tại tính“ của „trạng thái phi tự nhiên“ của con người, trong đó luôn bao hàm tính chất siêu nghiệm.

Còn nữ giáo sư Svetlana Konacheva đến từ ĐH Moskau/Nga đã giải thích những biên chú mang tính chất chú giải kinh điển trong phần kết luận những suy tư sau cùng của Heidegger(3), một phần kết luận mà theo bà đã tránh né sự tương đồng với siêu hình học Kitô giáo thời cổ đại và thay vì điều đó thì lại nêu tên các triết gia tiền Socrate và các nhà thi sĩ.

Thuật chú giải kinh điển tôn giáo của triết gia người Pháp Paul Ricoeur (1913-2005) về những „biểu tượng thuần lý“ như sau: Với tư cách là „triết gia Kitô giáo“, ông hoàn toàn phân biệt rõ ràng giữa triết học và đức tin. Vì thế, Ricoeur đòi hỏi những bản văn Kinh Thánh phải được nhìn nhận và được đọc như là những „Lưu Ký“ đã mặc khải „những chân lý nền tảng về con người“ cũng như „trách nhiệm của con người với tư cách là một chủ thể suy tư độc lập“.

Nói tóm lại, mỗi con người đều được Tạo Hóa ban cho một lý trí như một khả năng để biết phân biệt phải-trái, chân-giả, tốt-xấu, v.v… ngay khi Người dựng nên họ. Vì thế, tự bản chất, lý trí là một khả năng nội tại trong mỗi người. Tuy nhiên, lý trí lại không lệ thuộc con người, nó hành động độc lập với con người. Lý trí là trọng tài và hướng dẫn viên cho mọi suy tư, hành động và lời nói của con người.

Đối với Immanuel Kant, tôn giáo là một thực tại huyền nhiệm và ông luôn tôn trọng và xác tín niềm tin tôn giáo của mình. Nhưng dựa vào bản chất của lý trí, Kant muốn lý trí phải đóng một vai trò chủ chốt trong niềm tin tôn giáo ấy, vì lý trí thuần tuý là con đường dẫn ta tới chân lý. Qua đó, Kant tìm cách lôi kéo tính chất huyền nhiệm hoặc siêu nghiệm, hay nói đúng hơn: tính chất siêu nhiên, của tôn giáo xuống ngồi chung cùng hàng ghế với các ý thức hệ tư tưởng siêu hình của lý trí thuần tuý. Theo tư tưởng Kant, tôn giáo có giá trị nội tại, vì nó mang lại những giá trị luân lý thực dụng, tức giúp cho con người có được những định hướng chân chính về luân lý để đạt tới một cuộc sống tốt trong xã hội. Còn khi tôn giáo hoàn toàn được nhìn dưới khía cạnh thuần tuý „tôn giáo“, tức khi được xét về lãnh vực thần thiêng siêu việt của nó, thì theo Kant đó là cả một đại dương mà ta không có thuyền bè để đi lại trên đó. Nhưng nếu một đức tin tôn giáo chỉ được nhìn nhận có giá trị trong phạm vi luân lý đạo đức thực dụng, thì đức tin ấy chắc chắn sẽ đánh mất dần tính chất siêu việt của mình để trở thành đức tin của lý trí.

Thật ra một quan điểm như thế là không sai, nhưng hoàn toàn quá thiếu sót. Phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo không chỉ giới hạn trên các thực tại cụ thể hữu hình, nhưng trên cả các thực tại siêu nhiên, tức những thực tại vượt lên trên các phạm trù hiểu biết của lý trí.

Trên thực tế, đức tin Kitô giáo và lý trí không hề phủ nhận lẫn nhau. Trái lại, cả hai cùng đồng hành với nhau và cùng tương trợ cho nhau. Nhưng phạm vi hoạt động của lý trí được giới hạn trong những phạm trù khả tri của trí năng, trong khi đó đức tin Kitô giáo vượt lên trên những phạm trù của trí năng để vươn tới lãnh vực thuần tuý siêu nghiệm, hay nói đúng hơn: vươn tới những thực tại siêu nhiên, những thực tại mà tự bản chất của mình lý trí bất khả đạt tới được. Nói cách khác, chỉ có tôn giáo hay đức tin mặc khải mà thôi, và đức tin mặc khải ấy vừa cần sự củng cố của lý trí và vừa soi sáng cho lý trí, nhưng tuyệt đối không thể có một tôn giáo hay một đức tin lý trí được.

Lm Nguyễn Hữu Thy

________________

1. Stoa (trong tiếng Hy-lạp là Στοά) được coi là một trong những học thuyết triết học có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử Tây Phương. Thực ra, tên đầy đủ của Stoa (trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là στοὰ ποικίλη „Tiền sảnh căn phòng được minh họa“) liên quan đến một căn phòng hội họp lộ thiên có các hàng cột chạy dài tại Agora ở thủ đô Athen/Hy-lạp, một nơi mà triết gia Zenon Kition vào khoảng 300 năm trước Chúa giáng sinh thường dùng để dạy triết học. Điểm đặc biệt của triết học nhóm khắc kỷ là vũ trụ quan của họ. Họ chủ trương vũ trụ là một toàn diện thống nhất, và từ tính chất toàn diện ấy làm nảy sinh một nguyên lý phổ quát điều khiển tất cả các hiện tượng cũng như các tương quan trong thiên nhiên. Đối với nhóm Khắc Kỷ thì từng cá thể chỉ thực sự có lý hữu khi chúng nhìn nhận và hoàn thành vị trí của mình trong trật tự ấy, tức khi chúng biết chấp nhận số phận của mình qua việc hiện thực sự tự làm chủ được cảm năng của mình và nỗ lực đạt tới sự minh triết bằng một thái độ thanh thản và một tâm hồn an bình.

2. Kant đề cao lòng biết ơn, sự vâng phục, và sự khiêm tốn.

3. Tức biến cố, lãnh vực cân phân, sự hiện đến của Thiên Chúa.