Những hiểu biết chính xác về Đức Giêsu (2)

(Tiếp theo)

Đời sống hoạt động công khai của Đức Giêsu

Theo trình thuật của Tân Ước, sau khi nghe tin ông Gioan Tẩy Giả bị cầm tù, Đức Giêsu đã đi đến miền Ga-li-lê-a và từ đây Người bắt đầu các hoạt động công khai, loan báo Tin Mừng Cứu Sống của Nước Trời, Người kều gọi: „Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.“(x. Mt 4,12.17).

Các Môn đệ Đức Giêsu

Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống công khai của Người, Đức Giêsu đã kêu mời một số người tham gia cộng tác với Người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng (Mc 1,14-20). Họ quả thực là những người Môn đệ của Chúa, – ít nhất là bảy mươi hai người (Lc 10,1) –, những người đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong Giáo Hội buổi sơ khai. Và để thực hiện sứ mệnh tông đồ ấy, các Môn đệ cũng cần phải bắt chước Người là rời bỏ gia đình, nghề nghiệp và gia sản của cải (Mc 10,28-31) và cả vũ khí hay các phương tiện khác họ cũng không được mang theo khi đi rao giảng Nước Trời. Cũng như Người, các Môn đệ phải sống hòa đồng với hết mọi người dân thường, đặc biệt với những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân và những người bị bỏ rơi,v.v… để an ủi và giúp đỡ họ; chữa lành những người bệnh tật, xua đuổi ma quỷ ra khỏi những người bị chúng hãm hại dày vò và chúc lành cho mọi người. Khi vào thăm bất cứ nhà nào họ đều cầu chúc ơn trợ giúp của Thiên Chúa cho cả gia đình ấy qua lời chúc bình an „Shalom!“

Khi vâng lệnh Chúa đi rao giảng Nước Trời cho mọi người khắp nơi mà không hề mang theo tiền bạc của cải cũng như vũ khí trong người, lại chỉ cư xử nhã nhặn thân thiện với hết mọi người và chúc „Shalom“, chúc bình an cho họ như thế, các Môn đệ đã nhận được cảm tình và sự giúp đỡ về mặt vật chất của dân chúng.(35)

Theo nhà thần học và đông phương học Geza Vermes,(36) Đức Giêsu và các Môn đệ đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi „phong trào đặc sủng“ vào thời bấy giờ tại Ga-li-lê-a với những nhà „ngoại cảm“ rất đặc biệt. Chính ông Chanina Ben Dosa (khoảng 40-75), một người thuộc phong trào Chassidismus, một phong trào thuộc Do-thái giáo, chủ trương tuân giữ các luật lệ Tora một cách nghiêm nhặt, đã từng tổ chức việc săn sóc những người già cả neo đơn và những người vô gia cư nghèo khổ cũng như chữa bệnh một cách ngoại thường bằng sự cầu nguyện và công bố Kinh Thánh.(37)

Nhưng trong số các Môn đệ đã tự nguyện theo Người, Đức Giêsu đã trạch tuyển riêng ra mười hai vị để các ngài ngày đêm luôn sống sát cánh bên Người, đồng hành và chia sẻ với Người mọi vui buồn, mọi thao thức, mọi nhọc nhằn âu lo và nhất là mọi tin tưởng hy vọng vào sự an bài của Thiên Chúa trong sứ mệnh được giao phó. Người gọi nhóm Mười Hai này là Tông đồ. Người cho việc tuyển chọn này là một vấn đề vô cùng quan trọng, vì đây là mười hai cột trụ, là mười hai tảng đá góc tường cho tòa nhà Giáo Hội, mà Người sẽ xây dựng lên. Vì thế, Người đã thức cầu nguyện suốt cả đêm để thỉnh ý Chúa Cha trước khi quyết định. Tên các ngài gồm có: Ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.”(Lc 6,12-16.)

Theo ý kiến James H. Charlesworth, Mục sư Tin Lành thuộc giáo phái Mê-thô-đít và là giáo sư về ngôn ngữ Kinh Thánh, việc Đức Giêsu chọn nhóm mười hai Tông Đồ là muốn nhấn mạnh đến những đòi hỏi cải tổ chính trị và xã hội bất bạo động của Người trong xã hội Do-thái, những đòi hỏi mà vào lúc bấy giờ người ta thường gọi là „Thời đại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thứ hai“, không tách biệt khỏi các mục đích tôn giáo của người Do-thái. Vì theo Di Chúc của các Tổ Phụ và các sử liệu khác, việc Đức Giêsu lựa chọn mười hai trong số các Môn đệ làm Tông đồ là muốn nhắc đến mười hai Chi tộc Ít-ra-en. Những chi tộc đó sẽ thống trị trái đất, một khi Thiên Chúa tái thiết nền độc lập của con cái Ít-ra-en.(38)

Trong thực tế, ý kiến này không sai, nếu được hiểu theo quan điểm thần học, tức mười hai vị Tông đồ, đại diện cho mười hai Chi tộc con cái Ít-ra-en, đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa và sai đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng Cứu Rỗi của Thầy Chí Thánh hầu thiết lập một nước Ít-ra-en mới, tức Giáo Hội, bao gồm mọi dân tộc trên toàn thế giới. Vâng, Giáo Hội của Chúa, nước Ít-ra-en mới, đã, đang và sẽ “thống trị” toàn thế giới, nhưng không bằng con đường chính trị đầy tham vọng theo cách thức trần thế, mà là bằng con đường dấn thân phục vụ vô vị lợi cho hết mọi người, không phân biệt, với tất cả sự công bình, tình yêu thương và lòng khoan dung của Nước Trời.

Tương quan với Gioan Tẩy Giả

Sự kiện Đức Giêsu được Gioan tẩy Giả làm phép rửa tại sông Gióc-đan là biến cố lịch sử, vì qua biến cố đó Người khởi đầu cuộc các hoạt động công khai rao giảng Nước Trời. Dựa theo trình thuật của Phúc Âm Thánh Mát-thêu (3,7-12) và Phúc Âm thánh Luca (3,7tt) người ta có thể cho rằng ông Gioan Tẩy Giả, vốn xuất thân từ một gia đình Tư Tế (Lc 1,5), là vị Ngôn sứ của những cảnh báo nghiêm khắc, của ngày thế mạt.

Chính bản thân ngài, Gioan Tẩy Giả cũng sống một đời khổ hạnh bất thường trong một nơi hoang địa (Lc 1,80), kiêng khem tất cả, không thịt thà, không uống các thứ nước có chất men, và cả đến râu tóc cũng không hề cắt xén.(39) Ngài rao giảng và làm phép rửa cho dân chúng để họ được tha tội, nhưng với điều kiện là họ phải xưng thú tội lỗi mình và cải thiện cuộc sống. Sử gia Josephus đánh giá phép rửa của Gioan Tẩy Giả mang tính cách nghi thức tẩy rửa quen thuộc của người Do-thái.(40)

Dựa theo trình thuật của Phúc Âm thánh Mác-cô (1,14tt) chúng ta biết được Đức Giêsu đã khởi sự công việc rao giảng Tin Mừng của Người sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị bạo vương Hê-rô-đê cầm tù. Tuy Đức Giêsu hoàn toàn độc lập với ông Gioan Tẩy Giả, chứ không phài là người kế vị hay Môn đệ của ông này, nhưng nội dung Tin Mừng mà Người rao giảng cũng gần tương tự như sứ điệp thánh Gioan đã rao truyền trước đó. Người cũng kêu mời dân chúng hãy ăn năn, cải thiện cuộc sống, trở lại đường ngay lẽ phải,(41) cảnh cáo họ trước án phạt nặng nề sẽ dành cho những ai cố chấp sống trong tội lỗi, chứ không chịu phục thiện, cải tà quy chánh (Lc 12,49; Mt 3,10).(42) Nhưng khác với ông Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu không luôn luôn đòi hỏi các Môn đệ của Người nhất thiết phải sống đời chay tịnh và khổ chế một cách quá khắt khe; trái lại, Người thường ngồi chung bàn với cả những người Do-thái mà theo Luật Tora là tầng lớp „dơ bẩn“, không được hưởng ơn cứu rỗi.(Mc 2,16-19). Người cũng không sống trong hoang địa như ông Gioan Tẩy Giả, nhưng Người rảo khắp mọi nơi, đi đến với tất cả những người Do-thái cũng như ngoại kiều bị khinh bỉ, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội và nói cho họ biết Thiên Chúa luôn yêu thương họ và luôn mở rộng vòng tay đón tiếp và cứu rỗi họ.(43)

Đức Giêsu đồng hóa Gioan Tẩy Giả với Ngôn sứ Ê-li-a (Mc 9,13), mà người Do-thái luôn mong đợi sự trở lại của vị đại Ngôn sứ này trước ngày phán xét chung, một cuộc phán xét đáng kinh sợ mà các vị Ngôn sứ của Chúa đã loan báo (Ml 3,1; Lc 7,24-28). Vì thế, Người cũng đồng ý là phép rửa của Gioan Tẩy Giả có tác dụng cứu vớt con người trước cuộc phán xét sau cùng ấy.44 (Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 133–140.)

Có lẽ Đức Giêsu cũng hay biết việc bạo vương Hê-rô-đê ra lệnh xử tử ông Gioan Tẩy Giả (Mc 6,17tt). Hơn nữa, theo truyền thống Kinh Thánh, thì một vị Ngôn sứ bị sát hại bởi các bạo quyền và kẻ ác là một điều hầu như không thể tránh, vì „nói thật mất lòng“ hay „trung ngôn nghịch nhỉ.“(45) Đây là một điều mà Đức Giêsu đã biết rất rõ. Vâng, Người biết rằng khi Người rao giảng Tin Mừng của tình yêu thương và sự thật Nước Trời, đồng thời gay gắt kết án sự bất công, giả dối và bạo lực, v.v… Người cũng sẽ không tránh được hậu quả tồi tệ như vị Tiền Hô của Người hay các vị Ngôn sứ khác đã phải trải qua (Lc 13,32-35; Lc 20,9-19)(46) Theo trình thuật của Phúc Âm thánh Mác-cô (Mc 11,27-33) thì sau đó không lâu, để khẳng định trước những đối thủ của Người ở Giê-ru-sa-lem là Người có toàn quyền tha tội cũng như việc Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã liên kết với phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả như một điều kiện để họ nhận được câu trả lời của Người. Đồng thời qua đó, Người cũng muốn khẳng định giá trị phép rửa cũng như vai trò Ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả.(47)

Tương quan với nhóm Biệt Phái

Các nhóm Biệt Phái và Luật sĩ được đề cập tới trong các bản Phúc Âm thường được coi là những người ưa moi móc và phê bình chỉ trích quan điểm của Đức Giêsu và của các Môn đệ của Người. Họ bất bình trước việc Người tự quyền tha tội cho kẻ khác (Mc 2,7), họ phản đối việc Người ngồi ăn chung bàn với những người họ cho là „dơ bẩn“ mà họ cô lập khỏi các sinh hoạt xã hội, như những người làm nghề thu thuế và những người tội lỗi (Mc 2,16) và cả việc các Môn đệ Người ăn uống bình thường, chứ không ăn chay như họ (Mc 2,18). Do đó, họ tỏ thái độ coi khinh Người và ghép người vào thành phần „ăn nhậu.“ (Lc 7,31-35.)

Họ đã đặc biệt tức giận khi thấy Đức Giêsu chữa lành các kẻ tật nguyền đau ốm vào cả Ngày Sabbat, ngày Lễ Nghỉ của người Do-thái, và cho đó là một xúc phạm đến Ngày Thánh Sabbat của Thiên Chúa (Mc 3,1-4). Theo lệnh Chúa truyền cho ông Mô-sê, tội xúc phạm Ngày Sabbat sẽ bị xử ném đá. (Xh 31,14tt; Ds 15,32-35.) Vì thế, họ đã âm mưu với các đồ đệ của bạo vương Hê-rô-đê để ám hại Người. (Mc 3,6). Nhóm họ cũng đã từng tìm cách ném đá Đức Giêsu, khi nghe Người tự cho mình đứng trên cả ông Áp-ra-ham và ông Mô-sê, những vị Tổ phụ cao cả của họ. (Ga 8,59 và 10,31.39).

Nhưng nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng những trình thuật này thiếu tính cách lịch sử, vì trong thực tế nhóm Biệt Phái không bao giờ hòa hợp hay giao tiếp thân thiện với nhóm các Luật sĩ hay với các đồ đệ của Hê-rô-đê. Những bản văn trình thuật cuộc thương khó của Chúa cũng không hề nhắc đến những xung đột giữa Người và nhóm Biệt Phái về vấn đề Ngày Sabbat. Vì thế, họ cho rằng những trình thuật này có lẽ chỉ có liên quan đến những biến cố xảy ra tại Ga-li-lê-a, khi những đối thủ của Đức Giêsu ở Giê-ru-sa-lem âm mưu sát hại Người. (Mc 11,18; 12,13; x. Ga 11,47; 18,3)(48)

Trong khi đó, những trình thuật khác của Tân Ước lại rất gần gũi với lịch sử, ví dụ trong Phúc Âm thánh Mác-cô (2,23tt) Đức Giêsu đã biện minh cho hành động các Môn đệ Người bứt lúa ăn vào Ngày Sabbat khi họ đi dọc đường và đói, vì trong trường hợp người ta quá đói thì việc làm đó được phép và không bị coi là lỗi Ngày Sabbat, vì theo Người việc cứu mạng sống con người quan trọng hơn việc giữ luật.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng không phải tất cả nhóm Biệt Phái luôn chống báng và tẩy chay Đức Giêsu. Nhiều người trong họ rất kính trọng và có cảm tình với các giáo huấn của Người, nên đã từng mời Người đến nhà mình dùng cơm. (Lc 7,36; 11,37.) Một Luật sĩ ở Giê-ru-sa-lem còn nhất trí với Người và cho rằng tất cả mọi Giới Răn Thiên Chúa được tóm tắt lại trong hai Giới Răn trọng yếu duy nhất là „mến Chúa và yêu người.“ Sự tóm lược này hoàn toàn phù hợp với truyền thống Do-thái. Cả việc mong đợi Nước Thiên Chúa và niềm xác tín về sự sống lại của những người đã qua đời đều trùng hợp với quan điểm giáo lý của nhóm Biệt Phái. Hơn thế nữa, họ còn tìm cách cứu Đức Giêsu thoát khỏi sự lùng bắt của bạo vương Hê-rô-đê, (Lc 13,31-32) và nhất là một người trong họ đã lo việc táng xác Người. (Ga 19,39).

Theo nhiều nhà khảo cứu Kinh Thánh ngày nay cho rằng trên thực tế Đức Giêsu gần gũi với nhóm Biệt Phái nhiều hơn tất cả những đơn vị người Do-thái khác vào lúc bấy giờ. Tuy thế, họ vẫn được coi là những đối thủ của Đức Giêsu, và vấn đề được giải mã sau biến cố Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị quân Rôma phá hủy vào năm 70 SCN, vì sau đó nhóm Biệt Phái chính là những người giữ vai trò lãnh đạo trong Do-thái giáo. Người Do-thái và các Kitô hữu phân biệt lẫn nhau và cùng nhìn nhận điều đó qua những văn thư hay sách vở của họ trong quá khứ, chứ ngày nay cả hai phía cùng tiến gần và sát cánh với nhau đặc biệt trong các công trình nghiên cứu Kinh Thánh. Đó là một điểm son mà chắc chắn sẽ được Trời Cao chúc phúc.(49)

Tương quan với nhóm Xa-đốc

Những đối thủ nặng ký nhất của Đức Giêsu ở Giê-ru-sa-lem là nhóm Xa-đốc, vốn được đào tạo theo văn hóa Hy-lạp và là tầng lớp giàu có. Với cương vị là những người thừa kế chức Tư Tế của Chi tộc Lê-vi, họ phụ trách việc trông coi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Như đã trình bày trong phần I về lịch sử Ít-ra-en, Chi tộc Lê-vi là Chi tộc duy nhất trong mười hai Chi tộc Ít-ra-en không được chia đất đai, nên việc dâng cúng vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, mà tất cả mọi người Do-thái đều phải tuân giữ, là nguồn thu nhập chính thức và hợp pháp của họ, và đồng thời là yếu tố kinh tế quan trọng cho toàn xứ Pa-lét-ti-na lúc bấy giờ.(50) Nhóm Xa-đốc đề cử vị Thượng Tế, tức người nắm giữ vai trò tối cao trong các quyết định thuộc lãnh vực tế tự trong Đền Thờ Thiên Chúa. (Đnl 17,8-13).

Nhưng từ thế kỷ VI SCN, vai trò những vị Thượng Tế đều do nhà cầm quyền Rôma đề cử, chỉ định hay truất phế. Vị Thượng Tế có trách nhiệm phải giúp đỡ nhà cầm quyền Rôma giữ gìn an ninh trong toàn xứ Giu-đê-a và Sy-ri-a. Bù lại họ được phép thu thuế Đền Thờ mà tất cả mọi người Do-thái đều phải nộp, quản trị việc tế tự trong Đền Thờ, được phép lập một đội quân canh giữ Đền Thờ có trang bị khí giới và được phép kết án những sai phạm trong vấn đề tế tự thuộc phạm vi Đền Thờ, nhưng không được phép kết án tử cho bất cứ ai, vì vấn đề này hoàn toàn thuộc nhà cầm quyền Rôma mà thôi.(51) Và tuy ảnh hưởng của họ trong xã hội Do-thái lúc bấy giờ tương đối khiêm tốn, nhưng họ cũng duy trì ổn định được vấn đề thu thuế cho Đền Thờ và các luật lệ tế tự.

Đối với Đức Giêsu, trên nguyên tắc Người không hề phủ nhận vai trò các vị Tư Tế trong Đền Thờ, trái lại Người luôn tôn trọng quyền bính của họ. Bằng chứng là khi chữa lành một bệnh nhân tại Ga-li-lê-a, Người đã sai người đó đến trình diện các vị Tư Tế theo luật dạy, để các ngài chứng thực người ấy đã lành bệnh và cho anh ta được tái hòa nhập vào cuộc sống xã hội.(Mc 1,44). Người cũng nhìn nhận công cuộc dâng cúng của dân chúng vào Đền Thờ qua việc Người đã khen ngợi hành động dâng cúng của một bà góa vượt trội hơn những gì mà các người giàu có đã làm cho Đền Thờ Thiên Chúa. (Mc 12,41). Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, việc tha thứ và sống hài hòa với những người khác trong cuộc sống hằng ngày còn quan trọng hơn cả việc dâng cúng của lễ vào Đền Thờ. (Mt 5,23-24.)

Tương quan với nhóm Xê-lốt

Đức Giêsu bước vào cuộc sống công khai trong một tình trạng xã hội đầy căng thẳng cả về mặt tôn giáo lẫn chính trị của đất nước vào lúc bấy giờ. Ở Ga-li-lê-a, cựu vương quốc Ít-ra-en phía bắc trước kia, đã từ bao thế hệ qua luôn có những nhóm giải phóng quân lập chiến khu chống lại chính quyền bảo hộ ngoại bang. Kể từ thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên (SCN) khi nhóm Giu-đa Ga-li-le-út nổi lên chống việc nộp thuế cho chính quyền bảo hộ bị đánh dẹp, lại liên tiếp có nhiều nhóm dân quân giải phóng khác nổi dậy chống lại sự đô hộ của quân Rôma bằng tất cả mọi phương tiện. Họ căm thù chính quyền đô hộ và tìm cách phá bỏ cả những hình ảnh của hoàng đế Rôma, những biểu tượng của quân lính và của các quan chức đô hộ. Nhiều cảm tử quân còn dùng dao ám sát các quan chức Rôma. Ngày nay người ta gọi nhóm này là Xê-lốt (Zeloten) và có nghĩa là „những người nhiệt thành“, hay „những người quá khích“, còn xưa kia quân Rôma và nhà sử học thân Rôma Josephus lại khinh bỉ gọi họ là những „tên cướp“ hay những „kẻ sát nhân.“(52)

Giữa một bầu không khí ngột ngạt và đầy bạo động như thế, Đức Giêsu công bố cho tất cả mọi người Do-thái sứ điệp cánh chung về Nước Thiên Chúa đang đến gần. Qua đó, Người đã công khai kêu mời chấm dứt sự thống trị của bạo lực. Mọi hoạt động của Người đều nhằm thiết lập Nước Thiên Chúa, nhằm mang lại sự bình an cho tất cả mọi tâm hồn. Qua việc chữa lành các thứ bệnh tật cho dân chúng và việc truyền bá tinh thần bất bạo động cũng như việc thiết lập sự an bình trong cuộc sống xã hội, Đức Giêsu muốn hoán cải cả những bạo quyền chỉ biết áp bức và bóc lột dân (Mc 10,42).

Vì thế, cũng như nhóm Xê-lốt, Người đã gọi ông vua bù nhìn Hê-rô-đê An-ti-pát là „cáo già.“ Trong lần chữa lành một người bị quỷ ám tại thành phố Ghê-ra-sa, nơi có căn cứ quân sự vĩ đại của chính quyền đô hộ đồn trú, ma quỷ đã tự xưng mình là „binh đoàn“ và xin phép Người được nhập vào đàn heo đang lúc nhúc gần đó, nếu Người trục xuất nó ra khỏi người đang bị nó nhập, và rồi cả đàn heo đều nhảy xuống biển chết hết (Mc 5,1-20). Qua sự kiện đó, có lẽ Đức Giêsu muốn ám chỉ và cảnh cáo quân lính đô hộ Rôma rồi đây cũng sẽ bị tước đoạt mọi quyền lực.(53) Bởi vì, người Do-thái vốn coi loài heo là con vật dơ bẩn, còn người Rôma cùng thời lại sử dụng thịt heo để dâng cúng các vị thần linh của họ và họ cũng sử dụng hình ảnh con heo làm biểu tượng cho đạo binh của họ nữa.

Tiếp đến, tuy Đức Giêsu rao giảng sự bất bạo động, nhưng Người không phủ nhận quyền tự vệ chính đáng của mỗi người. Do đó, trước khi Người và các Môn đệ lên đường tiến về Giê-ru-sa-lem và phải vượt qua hàng trăm cây số đường bộ với bao nguy hiểm đang rình rập, nên chẳng những Người cho phép các Môn đệ được sắm sửa một số khí giới tùy thân tối thiểu, mà Người còn bảo họ: „Ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua.“ (Lc 22,36.)(54)

Qua bài ca Ngợi khen Magnificat của Đức Maria (Lc 1,46-55.) và sự tung hô chào mừng của khách hành hương thập phương dành cho Đức Giêsu khi Người long trọng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (Mc 11,9-10), nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã cho rằng sự kiện đó mang một chiều kích chính trị tượng trưng hay gián tiếp của công cuộc rao giảng Nước Trời của Người.(55) Bởi vậy, một vài người trong số các Môn đệ của Người trước kia từng thuộc nhóm Xê-lốt, như Si-mon Xê-lốt (Lc 6,15).(56)

Nhưng hoàn toàn khác với nhóm Xê-lốt, Đức Giêsu kêu mời cả những người thu thuế, những người phục vụ cho chính quyền đô hộ Rôma, mà quan niệm người Do-thái lúc bấy giờ vẫn cho là những người „dơ bẩn“, làm Môn đệ của Người và Người cũng thường là khách mời của những người này. (Mc 2,14tt.) Dĩ nhiên với mục đích là để biến đổi cuộc sống cũng như thái độ của họ đối với những người nghèo khổ. (Lc 19,1-10).

Đồng thời cũng khác với những người chỉ muốn kết án những kẻ không đồng quan điểm với họ bằng bạo lực, Đức Giêsu lại mời gọi mọi người hãy thương yêu kẻ thù và cứu giúp cả những người làm hại mình. (Mt, 5,38-48.) Đây là điểm son của Tin Mừng Đức Giêsu, của tôn chỉ và giáo lý Kitô giáo, mà không một tôn giáo nào khác có được.

Đối với nhóm Xê-lốt, những đồng tiền đang lưu hành được chạm khắc hình hoàng đế Rôma là một xúc phạm đến luật cấm của Kinh Thánh trong việc vẽ, đúc hay tạc các tượng ảnh.(Xh 20,4tt.) Đó là lý do khiến họ từ chối việc nộp thuế cho Rôma. Trong khi đó, Đức Giêsu lại hành động rất hợp lý trong vấn đề thuế má. Người hoàn toàn chống lại tất cả mọi bất công và áp bức, nhưng Người lại luôn tôn trọng trật tự hiện hành của xã hội trần thế. Quan điểm của Đức Giêsu về vấn đề này được thể hiện trong một câu phát biểu vô cùng sâu sắc, hợp lý và thời danh của Người: „Của Xê-da hãy trả cho Xê-da; của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa.“ Mc 12,17.)

Qua câu nói của Người trong Phúc Âm thánh Mát-thêu: „Không ai có thể làm tôi hai chủ được, hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được“ (6,24), Đức Giêsu đòi hỏi toàn diện con người – linh hồn, thể xác, tư tưởng, lời nói và hành động, v.v… – phải hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Một số người cho rằng sự đòi hỏi này có thể được hiểu là sự từ chối nộp thuế cho hoàng đế, nhưng sự quyết định là của người nghe. Tuy nhiên, các Thánh Sử đã bác bỏ sự diễn giải câu nói của Chúa một cách tùy tiện như thế.(Lc 23,2tt.)(57)

Những hoạt động của Đức Giêsu có tạo ra những phản ứng mang tính cách chính trị hay không, thì chính cuộc tử nạn thập giá của Người vào một Ngày Đại Lễ của người Do-thái là câu trả lời cho sự thắc mắc đó. Một số nghiên cứu gần đây về các hoạt động của Đức Giêsu, thì cho rằng Người có tham dự một phần nào đó vào phong trào nổi dậy của nhóm Xê-lốt người Do-thái và qua đó họ cho rằng sự kết cục đầy đau thương của Người là một hậu quả tất yếu không thể tránh được cho các hành động của Người.(58) Nhưng đa số các nhà chuyên môn về Kinh Thánh Tân Ước người Đức kỳ cựu, thì quả quyết rằng những hoạt động của Đức Giêsu hoàn toàn không dính dáng gì đến chính trị. Việc xử tử Người với tội danh „tự cho mình là vua Do-thái“ là cả một bất công, một sự sai lầm lịch sử.(59)

(Trích trong: Lm JB. Nguyễn Hữu Thy: Tôi Đi Hành Hường Thánh Địa Ít-ra-en, Trier 2014, trang 91-107)

Chú thích

35. Gerd Theißen: Soziologie der Jesusbewegung. Ein Beitrag zur Entstehungsgeschichte des Urchristentums. (1977) Christian Kaiser, 7. Auflage. Gütersloh 1997 (1. A. 1979), ISBN 3-579-05035-4; được trích dẫn trong: Wolfgang Reinbold: Propaganda und Mission im ältesten Christentum: Eine Untersuchung zu den Modalitäten der Ausbreitung der frühen Kirche. Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 2000, ISBN 3-525-53872-3, trang 226-240.

36. Geza Vermes (1924-2013) người Anh gốc Do-thái, cùng với cha mẹ ông đã trở lại đạo Công Giáo và ông đã được chịu chức Linh Mục. Nhưng vì bất mãn với Giáo Hội, ông đã không những rời bỏ Công Giáo nhưng còn đánh mất cả đức tin Kitô giáo và trở lại Do-thái giáo.

37. Géza Vermès: Jesus the Jew: a historian's reading of the Gospels. SCM Press, 1983, trang73ff.; Gerd Theißen, Anette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 278).

38. James H. Charlesworth: The Historical Jesus, An Essential Guide. Nashville 2008, trang 107.

39. H. H. Schader: Nasiraios. In: Gerhard Kittel (Hrsg.): Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament Bd. IV, Sp. 879–884.

40. Flavius Josephus: Antiquitates 18, 116–119; Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 184–191.

41. Josef Ernst: Johannes der Täufer: Interpretation, Geschichte, Wirkungsgeschichte. Walter de Gruyter, Berlin 1989, trang 156tt.

42. Martin Karrer: Jesus Christus im Neuen Testament. Göttingen 1998, trang 267.

43. Jürgen Becker: Jesus von Nazaret, Berlin 1996, trang 99.

44. Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 133–140.

45. x. bài viết với tựa đề Johannes der Täufer II. In: Theologische Realenzyklopädie Band 17, Walther de Gruyter, Berlin 1988, trang 177.

46. (Joachim Jeremias: Der Opfertod Jesu Christi. In: Bertold Klappert: Diskussion um Kreuz und Auferstehung, Aussaat Verlag, Wuppertal 1967, ISBN 3-7615-4661-0, trang 179tt).; Jens Schröter: Jesus von Nazaret. Leipzig 2006, trang 272 f.

47. Jostein Adna: Jesu Stellung zum Tempel: Die Tempelaktion und das Tempelwort als Ausdruck seiner messianischen Sendung. Mohr/Siebeck, Tübingen 2000, trang 292tt.

48. Lorenz Oberlinner: Todeserwartung und Todesgewißheit Jesu. Zum Problem einer historischen Begründung. Katholisches Bibelwerk, Stuttgart 1980, trang 64 tt.

49. Klaus Berger: Jesus als Pharisäer und frühe Christen als Pharisäer. NT30 1988), trang 231–262; John P. Meier: A Marginal Jew: Rethinking the Historical Jesus Band 3, Bantam Doubleday Dell Publishing Group, 2001, ISBN 0-385-46993-4, trang 289–388; Hyam Maccoby: Jesus the Pharisee, SCM Press, 2003, ISBN 0-334-02914-7.

50. Christoph Niemand: Jesus und sein Weg zum Kreuz. Stuttgart 2007, trang 234.

51. Peter Egger: „Crucifixus Sub Pontio Pilato“. Das „Crimen“ Jesu von Nazareth im Spannungsfeld römischer und jüdischer Verwaltungs- und Rechtsstrukturen. Münster 1997, trang 202.

52. Martin Hengel: Die Zeloten: Untersuchungen zur jüdischen Freiheitsbewegung in der Zeit von Herodes I. bis 70 n. Chr. Mohr Siebeck, 3., durchgesehene und ergänzte Auflage, Tübingen 2012, ISBN 3-16-150776-2, trang 390; Otto Michel, Otto Betz: Josephus-Studien. Vandenhoeck und Ruprecht, 1974, ISBN 3-525-53553-8, các trang 176 và 189.

53. Wolfgang Stegemann: Jesus und seine Zeit. 2010, trang 37.

54. Martin Karrer: Jesus Christus im Neuen Testament. 1998, trang 275.

55. Gerd Theißen: Die politische Dimension des Wirkens Jesu. trong: Gerd Theißen (Hrsg.): Jesus in neuen Kontexten, trang 118 tt.

56. Gerd Theißen, Annette Merz: Der historische Jesus. Ein Lehrbuch. Göttingen 2001, trang 167.) và có lẽ cả Si-mon Phêrô và Giu-đa Ít-ka-ri-ốt. (Jürgen Moltmann: Der gekreuzigte Gott. München 1972, ISBN 3-459-00828-8, trang 132.

57. Martin Karrer: Jesus Christus im Neuen Testament. trang 268.

58. x. Samuel George Frederick Brandon: Jesus and the Zealots. 1967; Martin Hengel: War Jesus revolutionär?, 1970; Oscar Cullmann: Jesus und die Revolutionäre seiner Zeit, 1970; Hyam Maccoby: Jesus und der jüdische.

59. Rudolf Bultmann: Das Verhältnis der urchristlichen Glaubensbotschaft zum historischen Jesus. 1960).