Phỏng vấn ông George Monbiot về ”chế độ thực dân kinh tế” của một số nước đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc

Trong 2 năm qua cuộc ”chạy đua sang Phi châu” nhằm sản xuất thực phẩm để xuất cảng ra ngoài Phi châu đã dồn dập gia tăng vận tốc. Giới quan sát viên quốc tế ghi nhận nó cống hiến cho các dân tộc phi châu nhiều khả thể, nhưng cũng khiến cho họ phải chịu nhiều lệ thuộc các quốc gia đầu tư, và phải đương đầu với nhiều hậu qủa tiêu cực khác, trong đó có nạn ô nhiễm môi sinh và tật bệnh.

Mới đây Học viện quốc tế môi sinh và phát triển, Ngân qũy quốc tế phát triển nông nghiệp và tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã công bố một bản nghiên cứu thực hiện tại các nước Etiopia, Ghana, Mali, Kenya, Madagascar, Mozambic, Sudan và Zambia. Theo đó phong trào mua đất canh tác bên Phi châu ngày càng lớn mạnh. Sự kiện các nhà doanh thương ngoại quốc sang mua đất bên Phi châu để canh tác và xuất cảng các loại ngũ cốc và sản phẩm lương thực có thể tạo cơ may cho các dân tộc bản địa phi châu có công ăn việc làm và có các cơ cấu hạ tầng, gia tăng khả năng sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có thể gây ra các thiệt hại rất to lớn, nếu các dân tộc địa phương bị loại trừ khỏi các quyết định phân chia đất đai, và quyền sở hữu của họ không được bảo vệ thích đáng. Thật vậy, vì bản tường trình cho biết có nhiều quốc gia phi châu không có đủ các cơ cấu, kể cả luật lệ để bảo vệ quyền lợi của các nông dân bản xứ và không chú ý tới các lợi lộc và các phương tiện sống còn của người dân, đến độ người ta đã phải nói đến ”chế độ tân thực dân thực phẩm”.

Điển hình như tại Sudan người Nam Hàn hiện kiểm soát tới 1,7 triệu mẫu đất trồng lúa mì. Cũng tại Sudan các Vương quốc Arập Thống Nhất đang đầu tư trồng 959.000 mẫu tây lúa mì, khoai tây và đậu. Trong khi đó A rập Sauđi đang trải dài sự kiểm soát của mình trên 1,2 triệu mẫu đất tại Tanzania.

Các đầu tư vào lãnh vực trồng ngũ cốc để chế tạo xăng sinh học lại còn có số vốn lớn hơn nữa. Trung Quốc hiện kiểm soát 6,9 triệu mẫu đất của Cộng Hòa dân chủ Congo, và đây là đồn điền trồng dừa nước để ép dầu lớn nhất thế giới. Hiện nay Trung Quốc cũng đang thương lượng để thuê hay mua 2 triệu mẫu đất tại Zambia để trồng cây jatropa, là một trong các loại cây tốt nhất cho việc chế xăng sinh học. Bên cạnh đó các hãng xưởng Anh quốc kiểm soát các vùng đất rộng lớn tại Angola, Mozambic, Nigeria và Tanzania.

Tình trạng ”tân thực dân kinh tế và thực phẩm” này khiến cho Trung Quốc bỏ ra 5 tỷ mỹ kim cho các chương trình đầu tư bên Phi châu, trong đó có 30 triệu dành cho việc sản xuất thực phẩm. Ấn Độ cũng đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho các sản phẩm nông nghiệp tại Etiopia. Trong năm nay người ta dự trù số vốn đầu tư sẽ gia tăng gấp đôi. Trong ba năm qua, các nước Phi châu đã bán đi diện tích đất đai trồng trọt rộng bằng diện tích nước Đức, tức là khoảng từ 15 đến 20 triệu mẫu tây đất, với giá 20-30 triệu mỹ kim.

Hằng năm Phi châu xuất cảng 27% các sản phẩm của mình sang Á châu, chủ yếu là Trung Quốc. Trong 5 năm qua việc xuất cảng này đã gia tăng gấp ba, trong khi 1,6 % là số sản phẩm Phi châu nhập cảng từ Á châu.

Ấn Độ và Trung Quốc hiện là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Phi châu. Trước đó thì Trung Quốc và Ấn Độ đã thi nhau sang Phi châu mua dầu lửa và các thứ quặng mỏ khác, cần thiết cho sự phát triển kinh tế của họ. Thật thế, từ nhiều thập niên qua Trung Quốc đã kiểm soát một phần quan trọng trong việc sản xuất năng lượng địa phương: chẳng hạn hai nước Sudam và Zimbabwe cung cấp cho Trung Quốc 15% tổng số lượng dầu hỏa cần thiết cho các nhu cầu gia tăng của Trung Quốc trong việc sản xuất lương thực và hàng hóa. Việc đầu tư sản xuất lương thực tại Phi châu hiện nay chỉ là một bước tiến khác nữa theo sau nỗ lực kiếm tìm các tài nguyên thiên nhiên và các lợi lộc tham lam vô độ của Trung Quốc.

Giờ đây hai cường quốc kinh tế Á châu này lại thi đua khai thác đất đai và nhân công rẻ mạt của Phi châu để cung cấp thực phẩm cho gần 2,5 tỷ dân của mình, đồng thời cũng là để tìm thị trường tiêu thụ đủ mọi thứ sản phẩm do hai nước chế tạo. Theo nhiều chuyên viên kinh tế, khác với Trung Quốc đang phải tính sổ với cảnh thiếu nguồn nước để tưới đồng ruộng ngày càng gia tăng, Ấn Độ không có nhu cầu cấp thiết tìm đất đai canh tác nơi khác. Tuy nhiên chính quyền Ấn và các hãng xưởng đã tăng cường việc xâm lăng đất đai nước ngoài, với mục đích dành đất đai trong nước cho các công tác sản xuất khác. Vì thế năm ngoái hàng chục hãng xưởng được chính quyền tài trợ đã đầu tư 2 tỷ mỹ kim cho việc thuê đất bên Etiopia và xây cất các hệ thống sản xuất trà, đường và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

Tuy nhiên hai cường quốc kinh tế đang lên này còn nhắm nhiều thị trường tiêu thụ khác nữa, trong đó có các quốc gia Á châu, kể cả Việt Nam. Tuy không ai nói ra nhưng hiện nay Việt Nam bị nhà nước cộng sản Bắc Kinh coi như là một tỉnh xa của mình. Ảnh hưởng của Trung Quốc lộ hiện ngay trên việc dùng từ vựng thường ngày, trong cuộc sống kinh tế thương mại và nhất là chính trị nữa. Không phải tự dưng mà Trung Quốc lấn thêm được đất, chiếm thêm được biển và xâm lăng hai đảo Hoàng Đa và Trường Sa của Việt Nam. Cũng không phải tình cờ mà Trung Quốc lại đựơc tự do khai thác bauxít trên vùng Tây Nguyên mà không phải đấu thầu, và tự do đem hàng chục ngàn nhân viên vào Việt Nam mà không gặp khó khăn.

Theo cái nhìn của giới quan sát viên ngoại quốc nguy cơ ô nhiễm môi sinh và tất cả các hệ lụy vô cùng tai hại của nó trên đất đai, nguồn nước và con người sẽ rất to lớn. Các chất độc sẽ làm chết hết cá sông ngòi và gây ra hàng trăm thứ tật bệnh cho súc vật và con người. Nhất là với đường lối thực dân của Trung Quốc, vụ khai thác báu xít này sẽ là một đe dọa trực tiếp và nặng nề đối với nền độc lập và quyền tự quyết của Việt Nam. Còn hơn thế nữa từ Tây Nguyên là xương sống của Việt Nam Trung Quốc nhìn xuống đồng bằng và muốn chiếm hữu và khai thác mỏ dầu hỏa khổng lồ ở thềm lục địa Việt Nam. Đây là lý do chính khiến cho Trung Quốc đã vẽ ”bản đồ cướp biển” và phổ biến khắp nơi trên thế giới từ nhiều thập niên qua, mà vẫn không bị Việt Nam hay quốc tế lên tiếng phản kháng. Các vụ đàn áp giáo dân Hà nội trong hai vụ đất Tòa Khâm Sứ và đất Thái Hà chỉ là chính trị ”đà điểu dấu đầu dưới cát” để khỏi thấy hiểm nguy, và đánh lạc hướng dư luận trước nạn mất nước gần kề.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông George Monbiot, người Anh, nhà báo và là nhà hoạt động chính trị, chuyên viên nghiên cứu các đề tài môi sinh, về chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm nói trên.

Hỏi: Thưa ông Monbiot, ông định nghĩa việc các quốc gia khác sử dụng đất đai của các nước Phi châu là ”chủ nghĩa thuộc địa thực phẩm”. Thế ông dựa trên các giả thiết nào để đưa ra định nghĩa như vậy?

Đáp: Chúng ta hãy lấy thí dụ từ vài nước Trung Đông đã ký các thỏa hiệp ngầm với các nước Phi châu trong đó có Sudan và Etiopia làm bằng chứng. Bên Phi châu người ta đã cho thuê các vùng đất rộng mênh mông để xây dựng các nông trại có khi rộng tới 100.000 mẫu tây, mà người thuê có toàn quyền kiểm soát. Và khi làm như thế, ngay cả khi quốc gia chủ có gặp đói kém đi nữa, thì giới chủ khai thác vẫn có thể xuất cảng thực phẩm về quốc gia gốc của họ, mà không có trách nhiệm nào đối với các dân tộc địa phương.

Hỏi: Ông không cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc có đông dân nhất thế giới đang cần tìm đất đai để canh tác hay sao?

Đáp: Trên thế giới cũng có số người đông gần như thế, đang phải đau khổ vì thiếu dinh dưỡng và vì bệnh mập phì. Ngày nay chúng ta sản xuất nhiều lương thực hơn, nhưng đồng thời cũng nhận thấy nạn thiếu thực phẩm chưa từng có từ 25 năm qua. Và nạn thiếu thực phẩm hiện xảy ra hầu như khắp nơi. Không thể tin được sự kiện thiếu lương thực, vì thực tế là trong các năm qua việc sản xuất lương thực được giữ ở mức cao hơn mức phát triển dân số.

Cuộc khủng hoảng này không dính dáng gì tới các khả năng của Trái Đất có thể cung cấp dư thừa lương thực cho chúng ta, nhưng trái lại nó là kết qủa của một quan niệm lệch lạc về thị trường, và việc không có khả năng cụ thể hóa các lựa chọn kinh tế và cũng là các lựa chọn dân số nữa.

Hỏi: Như thế ông giải thích nạn thiếu thực phẩm trên thị trường và che dấu giá cả như thế nào?

Đáp: Với việc đầu cơ tích trữ. Thu hoạch năm 2007 đã đạt mức kỷ lục với 2,1 tỷ tấn ngũ cốc, nhưng chỉ có 1 tỷ tấn được dành cho các nhu cầu thực phẩm, trong khi số còn lại được dùng để sản xuất xăng sinh học. Trong khi có hàng trăm triệu người chết đói mà lại dùng ngũ cốc để chế xăng sinh học, để cho hoạt động của các nhà máy: đó là một tội phạm chống lại nhân loại. Và tội phạm này vẫn tiếp tục.

Hỏi: Như thế có nghĩa là chính các sản xuất kỹ nghệ lại gián tiếp làm nảy sinh ra một hình thức thực dân mới và tàn bạo trên thế giới ngày nay, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Và không chỉ có thế. Sự thực là các thói quen của người dân trong các nước giầu liên quan tới thực phẩm còn có một vai trò nghiêm trọng hơn nữa đối với các sản phẩm lương thực. Chẳng hạn việc gia tăng các sinh hoạt chăn nuôi vượt qúa sức gia tăng của dân số thế giới. Trong 30 năm nữa số lượng thực phẩm dùng để nuôi súc vật sẽ vượt qúa số lượng thực phẩm dành để nuôi sống con người. Trong một nghĩa nào đó người dân các nước giầu được nuôi dưỡng qúa đầy đủ với lương thực bắt nguồn từ thịt súc vật, lại là nguyên do gây ra nạn đói trên thế giới, cũng như các bệnh tật và các hậu qủa nguy hiểm của nó đối với phần còn lại của nhân loại.

(Avvenire 29-5-2009)