Tư liệu Thánh Kinh (24): Thực phẩm và luật về thực phẩm

Đối với người bình thường, thực phẩm và áo quần bao giờ cũng là hai ưu tư chính. Chúa Giê-su từng phán: “Đừng lo lắng kiếm đâu ra thức ăn, thức uống, hay quần áo mặc”. Vì Người biết con người dễ lo lắng khi họ không đủ phương tiện để sống.

Thời Cựu Ước, phần lớn người Ít-ra-en sống nhờ hai nhu yếu phẩm trên. Chính vì thế, địch thù của họ luôn tấn công họ trong mùa gặt hái. Nếu mùa màng bị tàn phá, họ không thể sống còn được. Thời Ghít-ôn, ‘bất cứ lúc nào dân Ít-ra-en gieo được hạt lúa, người Ma-đi-an đều đến… tấn công họ… và tiêu hủy mùa màng của họ…’ (Tl 6:3-4). Mưa không thuận, hạn hán, và những loài gây hại như cào cào đều làm cho mùa màng không chắc chắn. Đói kém vì thế được coi như chuyện bình thường trong cuộc sống. Không lạ gì dân Ít-ra-en luôn trông mong một hoàng kim thời đại sẽ đến trong đó mọi người được sống dư thừa.

Có nhiều nguồn cung cấp thực phẩm: chính yếu vẫn là lúa gạo, rau trái. Bánh mì là thức ăn căn bản của mọi người. Trong Kinh Lạy Cha, chữ ‘bánh’tượng trưng cho thực phẩm nói chung. Và Chúa Giê-su tự gọi mình là ‘Bánh sự sống’, có nghĩa là lương thực nuôi sống.

Bánh Ăn: Bánh lúa mạch, thứ bánh đứa bé trai trao cho Chúa Giê-su cùng với 5 con cá (Ga 6:9), có lẽ là thứ bánh thông dụng hơn cả. Lúa mì cho ta thứ bột tốt nhất, cũng khá thông dụng.

Hạt lúa trước nhất được sàng trong những chiếc thúng nông để loại các hạt lép và những hạt độc như hạt lồng vực từng mọc lẫn và trông rất giống với lúa. Rồi người ta mang hạt ra xay. Thuở sơ khai, người ta xay bằng cách chà giữa hai phiến đá, một lớn một nhỏ. Sau này, người ta xay bằng hai phiến đá cối xay. Phiến bên dưới cố định; phiến bên trên quay quanh trên phiến kia.Mỗi lần nướng, người ta trộn 40 lít bột (Mt 13:33) với nước (đôi khi với dầu olive) cho thành bột dẻo, rồi dùng một miếng bột đã lên men từ mẻ bánh trước nhào vào số bột mới rồi để đó cho phồng lên. Trước khi nướng, một phần bột được để dành làm men cho mẻ bánh sau. Bánh được nướng thành những chiếc bánh dẹp. Ăn thì ngon lúc nóng, nhưng mau khô cứng. Bắp nướng lửa là một thực phẩm phổ thông khác. Trong những dịp đặc biệt, họ nướng cả bánh ngọt nữa.

Rau Trái: Trái cây là loại thực phẩm khác. Nho không phải chỉ dùng để uống. Nhiều khi người ta ăn tươi lúc hái hay phơi khô để dành. Vả cũng được ăn tươi, phơi khô hay ép thành bánh. Khi A-vi-ga-gin cung cấp thực phẩm cho quân của Đa-vít, ta thấy có ‘một trăm bánh nho khô và hai trăm bánh vả khô’ (1S 25:18). Loại thực phẩm này rất hữu ích lúc đi đường xa. Tiên tri I-sai-a bảo phải dùng bột vả để chữa vết phỏng cho vua Khít-ki-gia (Is 38:21).

Chà là (dates) tuy không được kể đích danh trong Thánh Kinh, nhưng chắc chắn có được trồng. Vì đám đông đã dùng lá cây này đón chào Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem một tuần trước khi Người thụ nạn. Chà là cũng được dùng làm nước chấm bánh mì trong Lễ Vượt Qua. Thực ra, nước chấm này làm bằng chà là, vả, nho và dấm.

Trái ô-liu cũng ăn được, ăn tươi vào tháng 10, hay dầm trong muối. Nhưng sản phẩm quan trọng nhất do ô-liu là dầu dùng nấu ăn. Hạt lựu, hạnh đào và hồ trăn (pistachio) cũng sẵn. Đến thời Tân Ước, còn có thêm cam quít.

Rau tươi có mùa. Đậu (beans, lentils & peas) được phơi khô và trữ trong lọ. Hành và củ kiệu, dưa quả và dưa leo cũng sẵn. Rau dùng nấu xúp. Ê-xau đổi quyền trưởng nam lấy một chén xúp đậu đỏ (St 25:29-34). Các sản phẩm nông trại cũng có. Bơ không được dùng nhiều vì khó trữ trong khí hậu nóng. Nhưng phó-mát và gia-ua thì khá phổ biến. Sang thời Tân Ước, người ta còn nuôi gà mái và chần trứng trong dầu ô-liu.

Thịt Cá: Người ta ít ăn thịt. Thịt trừu và thịt dê phổ biến nhất. Người ta cũng bắt chim làm thịt. Nhưng nhà giầu thường ăn thịt chiên, bê và bò. Thịt thường được nấu. Thịt chiên được nướng trong Lễ Vượt Qua chỉ là ngoại lệ. Nhà thường dân chỉ ăn thịt trong những dịp đặc biệt như tiệc mừng hay tiếp khách hoặc lễ đạo. Trong những dịp này, cả gia đình họp nhau lại ăn con vật đã dâng làm hy lễ như dấu chỉ sự làm hòa với Chúa. Chắc một điều cá là thực phẩm quan trọng thời Tân Ước. (Ít nhất 7 trong số 12 môn đệ Chúa Giê-su là ngư phủ). Cá nhỏ được phơi khô, ướp muối và ăn với bánh mì, như trong trình thuật cho 5 ngàn người ăn. Hay được nướng trên đống lửa ngoài trời và ăn tươi như trong bữa ăn sáng Chúa dọn cho các môn đệ của Người (Ga 21).

Đồ Ướp Ngọt và Gia Vị: Người Do Thái không có đường. Mật lấy từ ong rừng là đồ ướp ngọt chính (xem chuyện Giô-na-than trong 1S 14:25-27, và chuyện Sam-sôn trong Tl 14:8). Một loại ‘mật ong’ khác có thể chế ra bằng cách nấu chà là với đậu châu chấu thành một thứ xirô.

Đồ gia vị cũng quan trọng. Muối cục rất sẵn tại vùng tây nam Biển Chết. Cũng có thể chế muối bằng cách để bốc hơi. Lớp ngoài muối cục thường dơ và cứng. Lớp ấy không có vị gì và thường dùng để trải sân đền thờ trong mùa ướt để khỏi trơn.

Muối được dùng để làm gia vị cho thực phẩm, nhưng còn quan trọng hơn nữa trong việc bảo quản nó. Thời Tân Ước, kỹ nghệ chính tại vùng Mác-da-la, trên bờ Hồ Ga-li-lê, là kỹ nghệ ướp muối cá. Bạc hà, thìa là và loại thìa là Ai Cập (cummin) cũng được dùng đem lại cho thực phẩm một thứ hương vị nhiều người ưa thích. Xem thêm Meals.

Luật Về Thực Phẩm: Cựu Ước đưa ra những luật lệ nghiêm nhặt về thực phẩm: cái gì được ăn cái gì không được ăn. Luật chung là có thể ăn con vật nào nhai lại và có móng sẻ, ngoại trừ heo. Chỉ được ăn loại cá nào có vây và vẩy. Nhiều loại chim không được ăn đặc biệt là những loài ăn thịt rữa. Luật cũng buộc phải lấy hết máu khỏi con thịt trước khi nấu nướng, và không được nấu chung hay ăn chung những món làm bằng thịt và sữa.

Hai điều luật trên cho thấy người Do Thái không được ăn uống tại nhà những người không phải là Do Thái, nơi những hạn chế trên không được tuân giữ. Đến thời Tân Ước, chúng đem lại chia rẽ giữa các Ki-tô hữu gốc Do Thái và gốc dân ngoại. Thánh Phao-lô phải dạy các Ki-tô hữu tại Cô-rin-tô rằng họ được tự do về phương diện này. Cũng thời Tân Ước, một gia đình theo giáo huấn Biệt Phái không được mua hay ăn thực phẩm đã được giết tại các đền thờ ngoại giáo làm của lễ. Trong ba ngày trước ngày lễ, họ không được mua bất cứ thực phẩm nào từ một người không phải là Do Thái.

Lý do của những ngăn cấm trên chưa bao giờ được giải thích. Có thể đó là cách Thiên Chúa muốn bảo vệ sức khỏe của dân Người. Cũng có thể đó là cách tránh việc đối xử tàn tệ với thú vật: như luật ngăn cấm không được nấu thịt con vật con trong sữa con vật mẹ; và việc phải lấy hết máu khỏi con thịt trước khi nấu nướng là để ngăn cản thói quen cắt chân con vật sống để làm thịt. Hay cũng có thể đã được đưa ra vì những lý do hoàn toàn có tính ‘tôn giáo’. Chắc chắn đó là trường hợp cấm không được ăn các đồ đã cúng thần ngoại giáo. Ta không biết chắc lý do của từng trường hợp cụ thể. (Lv 11; 17:10-16).

Bữa ăn: Trong nhà người nghèo, các bữa ăn khá đơn giản. Không có bữa ăn sáng chính thức. Nếu có ăn gì chăng nữa, thì cũng chỉ là một hai món mang theo ăn trên đường đi làm. Bữa ăn giữa ngày thường gồm bánh mì và ô-liu, và có lẽ một ít trái cây. Bữa ăn tối thường có rau hầm, dùng bánh mì làm muỗng chấm vào một tô đựng chung. Cả gia đình cùng ăn bữa ăn này, và nếu có khách khứa đặc biệt, thì có thể có thịt thêm vào nồi. Gia đình ngồi xuống sàn dùng bữa.

Các gia đình khá giả thì có khác. Ở đấy, có nhiều món ăn cầu kỳ hơn với thật nhiều thịt. Thời Tân Ước, khách nằm trên ghế dài xếp quanh 3 phía chiếc bàn vuông. Không phải chỉ có một món mà là rất nhiều món được dọn lên.

Một bữa liên hoan của La Mã, hay theo lối La Mã, thường gồm những phần sau: trước nhất là các món ăn chơi, với rượu nho pha mật. Sau đó, là ba món ăn chính dọn trên khay. Khách ăn bằng ngón tay, dù họ có dùng muỗng để ăn những món như canh. Trong các bữa ăn của người La Mã, sau 3 món ăn chính này, thực phẩm được ném vào lửa làm biểu tượng cho ‘hy lễ’ hay một thứ ‘tạ ơn’ gì đó. Cuối cùng, bánh trái được dọn lên để tráng miệng. Sau tráng miệng, người ta còn uống rượu và dự tiêu khiển nữa. Yếu tố ‘tôn giáo’, tức việc dâng cúng các thần, là một trong những lý do khiến người Do Thái không bao giờ ngồi ăn với người ngoại giáo. Luật lệ nghiêm ngặt của Do Thái về ăn uống là lý do khác (xem dưới). Nhưng Thiên Chúa cho thánh Phê-rô thấy một thị kiến cho thấy các ranh giới cũ giữa Do Thái và không Do Thái cần được bẻ gẫy: Ki-tô hữu thuộc bất cứ quốc tịch nào cũng đều thuộc về một gia đình.

Trong các gia đình du mục hay ở lều, du khách luôn luôn được hoan nghênh lưu lại 3 ngày 4 tiếng! khoảng thời gian dài đủ để chủ nhà nghĩ là ông ta cạn lương thực. Những khoanh bánh mì dẹp, và sữa, thường là bữa ăn căn bản. Trong suốt thời gian lưu lại, du khách được coi là thành viên của gia đình. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều dạy về tầm quan trọng của việc hiếu khách. Như tác giả thư Do Thái từng viết: ‘Hãy nhớ hoan nghênh khách lạ nơi nhà anh chị em’ (Dt 13:2).