Người lao động di cư hưởng lợi dự án nước sạch của dòng Salesian

Saigòn (UCAN) – Nước sạch đang có giá rất cao trong thành phố này, nhưng hàng trăm người lao động di cư và người nghèo được lấy nước sạch miễn phí tại một nhà thờ của dòng Salesian.

Từ đầu tháng Giêng, theo báo chí trong nước, nhiều người trong quận Thủ Đức của thành phố Saigòn đã mua nước với giá từ 60.000-70.000 đồng một khối, một số người phải trả tới 100.000 đồng. Giá nước tại các trạm cấp nước của nhà nước là 5.000 đồng, nhưng nguồn cung cấp ở những nơi này có giới hạn.

Vào mùa khô, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5, người dân ở đây phải mua nước sạch, vì nước giếng ở đây có lượng phèn cao. Quận này là nơi tập trung các khu công nghiệp tuyển dụng hàng trăm ngàn lao động di cư từ các tỉnh khác đến.

Tuy nhiên, Maria Nguyễn Thị Huệ, làm cho một công ty giày dép Đài Loan, lấy hai thùng nước uống 20 lít tại nhà thờ của dòng Salesian và dùng xe gắn máy chở về nhà trọ cách đó 2,5 km.

Trong khi khiêng hai thùng nước vào nhà trọ gần đây, chị Huê,̣19 tuổi, cho UCA News biết chị và ba người bạn cùng phòng đã dùng nước sạch miễn phí của nhà thờ từ năm ngoái.

Người nữ lao động quê ở Hà Tỉnh cho biết, vì khu chị ở không có nước máy, nên 600 người lao động di cư sống trong 200 phòng gần nhà trọ của chị phải lấy nước ở tu viện.

Những người ở trọ này không thể uống nước giếng, vì nó bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật và kim loại nặng từ các nhà máy gần đó. Chị cho biết, nước "vẫn còn có mùi tanh ngay cả sau khi nấu sôi", vì thế họ chỉ dùng để tắm giặt. Tuy nhiên, một số người bị các bệnh ngoài da.

Chị Huệ, kiếm được 800.000 đồng một tháng và ở chung phòng với ba người khác, dành dụm được tiền nhờ nhà thờ. Trước đây chị mua một thùng nước 20 lít mất 10.000 đồng. Chị cho biết đôi khi chị không có đủ tiền để mua nước, và nhiều người cố tiết kiệm tiền bằng cách uống ít nước lại.

Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Thiệu cho UCA News biết dự án của dòng Salesian cung cấp "10.000 lít nước uống một ngày cho người nghèo, chủ yếu là người lao động di cư, để cải thiện sức khỏe cho họ và giúp họ phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa".

Nước được lấy từ giếng sâu 60 mét và trữ trong bốn thùng cao tám mét, theo cha Thiệu. Nước được lọc sạch bằng tia cực tím và xả qua sáu cái vòi nước do nhà thờ lắp đặt. Có một tấm bảng bên cạnh các vòi nước này viết "nước uống tinh khiết". Vị linh mục 40 tuổi lưu ý, hàng trăm người xếp hàng lấy nước uống bằng các thùng nhựa từ 7g 30 sáng đến 9g 30 tối vào các ngày trong tuần trừ chủ nhật.

Chị Bùi Thị Diễm, 33 tuổi, quê ở Đồng Tháp, cách một ngày đến lấy nước một lần. Chị cho UCA News biết chị phải mất 30 phút để lấy 40 lít nước uống cho chị và sáu người bà con sống chung trong một căn phòng rộng 36 mét vuông cách nhà thờ hai kilômét.

Chị Diễm, một Phật tử làm ôsin từ năm 1997, cho biết những người đến nhà thờ lấy nước đối xử tử tế với nhau. Họ khiêng nước cho nhau và giúp đỡ phụ nữ. Các tu sĩ dòng Salesian cũng dành thời gian nói chuyện với những người đang lấy nước hay đang đợi trong hàng.

Chín tu sĩ dòng Salesian phục vụ 1.000 giáo dân của giáo xứ Xuân Hiệp và 6.000 người lao động di cư Công giáo. Vào ngày Chúa nhật có sáu Thánh lễ tại nhà thờ có 800 chỗ ngồi ở phường Linh Xuân của quận này. Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội 1.710 kilômét về phía nam.

Cha Thiệu cho biết, giáo xứ của ngài còn tổ chức các lớp giáo lý tiền hôn nhân, và các lớp học cầu nguyện, múa hát và đàn cho người lao động di cư. Giáo xứ tổ chức các buổi trình diễn văn hóa và thi đấu thể thao vào Giáng sinh, Phục sinh và các lễ hội khác.

Vị linh mục khẳng định, nhà thờ "may mắn có được nguồn nước sạch hiếm có, cần chia sẻ với người khác". Dự án bắt đầu năm 2003 là một cách giúp đỡ 180.000 người lao động di cư trong quận này của Giáo hội địa phương.

Khi viếng thăm các bệnh viện địa phương, vị linh mục là thư ký Ủy ban Mục vụ Di dân của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, có nhiều người bị sỏi thận và bị bệnh trĩ, có thể là do không uống đủ nước.

Ngài thêm rằng các công ty còn hạn chế thời gian nghỉ giải lao và đi vệ sinh của công nhân để tận dụng tối đa giờ làm việc của họ. Chỗ nghỉ giải lao thì dơ bẩn và cách xa nơi làm việc, vì thế công nhân không có đủ thời gian để uống nước.

Cha Thiệu dạy truyền thông xã hội tại một học viện của dòng Salesian, cho biết dự án này là cách truyền giáo. Nó thu hút người ngoài Công giáo đến nhà thờ và làm cho họ quen với các hoạt động của Giáo hội, đặc biệt là khi họ thấy giáo dân tham dự phụng vụ và cầu nguyện.

Trước đây, Nguyễn Thị Kim Khanh 28 tuổi, một người vô thần, không dám tới nhà thờ. Nhưng "nay tôi xem nhà thờ như nhà mình", chị nói sau khi lấy nước ở đó mỗi ngày. Thỉnh thoảng chị tham dự Thánh lễ với các bạn hay nghỉ ngơi trong sân nhà thờ.

Quê ở Nghệ An, chị Khanh đến làm việc cho một công ty giày dép từ năm 2003. Chị đã tham dự các hoạt động do dòng Salesian tổ chức, trong đó có khóa học may, một năm nay. Chị phát biểu với UCA News: "Các linh mục, nữ tu và giáo dân ở đây đối xử với tôi rất tốt. Tôi sẵn sàng chia sẻ vui buồn với họ, vì ở đây tôi không có người thân".

Chị Khanh cho biết, nhiều người tin rằng uống nước của nhà dòng thì tốt hơn vì đó là nước thánh, có thể cải thiện sức khỏe và mang lại may mắn. Một số người giàu có còn lái xe hơi đến nhà thờ và xếp hàng lấy nước chung với người nghèo.

Theo thống kê của ủy ban mục vụ di dân tổng giáo phận, tính đến tháng 4-2006 thành phố này có 150.000 người Công giáo trong số 2.000.000 lao động di cư.