Ngày 07-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 07/06/2020

Bài Ðọc I: Xh 34, 4b-6. 8-9

"Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân hậu".

Trích sách Xuất Hành.

Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.

Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 13, 11-13

"Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 3, 16-18

"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:49 07/06/2020

46. Trên chặng đường cuộc sống của chúng ta đầy tràn những Thánh Giá, để cho chúng ta kết hợp với Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá.

(Thánh John Eudes)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.140194

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:53 07/06/2020
42. KHĂN TRÙM ĐẦU CỦA ÔNG CHỦ NHÀ GIÀU

Ông chủ đất giàu có lấy cái khăn trùm đầu của mình và kêu người chăn trâu đem đi phơi nắng, người chăn trâu đem cái khăn móc trên sừng con trâu để phơi.

Con trâu ấy xuống suối uống nước, nhìn thấy trên sừng của mình phản chiếu lại cái khăn trùm đầu thì kinh khiếp, cất cao bốn vó phóng chạy.

Người chăn trâu vội vàng đuổi theo, hể nhìn thấy người liền hỏi:

- “Có thấy cái khăn móc trên sừng con trâu không? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 42:

Ở đời, con người ta hơn nhau là do cái trí óc.

Người có trí thì hỏi có thấy con trâu chạy qua đây không để tìm con trâu, người không trí thì tìm hỏi cái khăn, bởi vì người ta biết con trâu chứ không biết cái khăn móc trên sừng con trâu...

Mục đích sống ở đời của người Ki-tô hữu là tìm và nhận biết Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo dựng muôn loài, chứ không phải là sống để tìm kiếm những thứ nay còn mai mất, mà thứ nay con mai mất thì giống như cái khăn móc trên sừng con trâu rơi chỗ nào cũng chẳng hay biết.

Có nhiều người ngoại giáo ngạc nhiên khi nhìn thấy người Ki-tô hữu đầu tắt mặt tối đi tìm kiếm danh vọng vật chất mà quên đi lễ ngày chủ nhật và tham gia cử hành các bí tích, họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy có người Ki-tô hữu cùng với họ đi hỏi chuyện tương lai nơi các ông đồng bà bóng...!?

Chiếc khăn của ông chủ móc trên sừng trâu không thể quý bằng con trâu, tìm tòi hiểu biết các môn thiên văn địa lý mà không nhận ra Thiên Chúa trong vũ trụ để tìm kiếm Ngài, thì cũng chẳng khác chi bỏ con trâu để hỏi tìm cái khăn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.140194

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha khuyến khích thành lập Hiệp Hội Giáo dục nhằm nâng đỡ lẫn nhau tìm ra ý nghĩa cuộc sống
Thanh Quảng sdb
06:29 07/06/2020
Đức Thánh Cha khuyến khích thành lập Hiệp Hội Giáo dục nhằm nâng đỡ lẫn nhau tìm ra ý nghĩa cuộc sống

Trong một thông điệp video được phát tán ra hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ Hiệp hội Giáo dục hãy tham gia cuộc họp trực tuyến được tổ chức nhân dịp Ngày hội về Môi trường Thế giới.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Ngày môi trường thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 6, để đánh dấu các lễ hội hàng năm, Thánh bộ lo về Hiệp hội Giáo dục đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến qui tụ các bạn trẻ, phụ huynh và các thầy cô... Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bằng video đến cho cuộc họp nhằm hỗ trợ và khuyến khích các thành viên...

ĐTC nói: Sau nhiều năm chúng ta đã từng thao thức về một vấn đề, một vấn đề sẽ mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui đó là một cộng đồng bạn hữu, một cộng đồng anh chị em.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về Hiệp Hội Giáo dục đã bắt đầu bằng một chương trình ngoài kế hoạch, giữa hai giáo chức đang đối diện với một cuộc khủng hoảng. ĐTC nói thêm nhiều khi cái cuộc khủng hoảng đó phát xuất từ một lãnh vự bạo lực, ngược lại việc giáo dục thường mời gọi con người xích lại gần nhau, đem lại ý nghĩa và do đó tạo ra những nét đẹp.

Khủng hoảng và Nét đẹp

Đức Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hành trình học hỏi và gặp gỡ mang lại cho tâm trí chúng ta ba hình ảnh đẹp: “Lời kẻ khùng” trong tác phẩm (Con đường) La Strada của Fellini; cuộc kêu gọi thánh Mathêu của Caravaggio; và chuyện “Thằng khùng” của Dostoevsky. Những câu chuyện này, theo Đức Thánh Cha, là những câu chuyện nói về một cuộc khủng hoảng, vì trong cả ba câu chuyện đều đề cập tới “trọng trách của con người đang bị áp lực!”

Đức Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích cuộc khủng hoảng có thể đè bẹp chúng ta, nhưng cũng mở ra cho chúng ta một lời gọi vươn lên. Đó là lý do tại sao các cuộc khủng hoảng, không có lạc quan nào thì rất nguy hiểm: bởi vì nó làm cho con người mất phương hướng. ĐTC nói mọi người đừng bao giờ để mình rơi vào khủng hoảng này! ngay cả khi họ cảm thấy mình nhỏ bé và đơn độc!

Trong cuộc khủng hoảng, nỗi sợ hãi xâm chiếm chúng ta! Nó khiến chúng ta tự khép mình lại, chúng ta thấy mình trống rỗng, mất hy vọng và không còn gì lạc quan tươi vui nữa! Cho nên, Đức Thánh Cha Phanxicô trích lại lời của văn hào Dostoyevsky “cái đẹp sẽ cứu thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại rằng: Hiệp hội Giáo dục được sinh ra từ những cuộc khủng khoảng! Nhưng tổ chức không chống lại một nền văn hóa nào, cũng không chùn tay cáo chung! Thay vào đó, tổ chức trổi dậy và lắng nghe tiếng lòng của những người trẻ.

Giáo dục

Đức Thánh Cha nói: “Giáo dục không chỉ là học biết về các sự vật”. Nhưng giáo dục là biết “lắng nghe” để tạo ra văn hóa và sống văn hóa. ĐTC nhấn mạnh: nếu giáo dục không giúp biết lắng nghe, sáng tạo và sống nhân phẩm con người, thì nó không được coi là giáo dục.

Theo Đức Thánh Cha thì giáo dục phải làm sao tạo lập được sự hài hòa trong ngôn ngữ với tư duy cảm xúc và hành động, và ngôn ngữ diễn tả được điều mà tâm trí con người suy tư, trái tim con người rung cảm và đôi tay con người hành động...

Cộng đồng quốc tế gặp gỡ

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngài thấy các sinh viên và thầy cô của nhiều quốc gia khác cùng nhau học tập, giao du và cùng nhau sinh hoạt tại các trường sở, và ĐTC cho cái trải nghiệm này giống như một cây ô liu, tạo ra một một điểm đồng qui giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

ĐTC cho hay việc trao đổi những ước mơ của trẻ thơ và thanh thiếu niên với những người lớn là điều cần thiết được xảy ra. Nếu không, thì sẽ “không còn nguồn cội, không có lịch sử, không có vận mệnh, không có sự phát triển và không có tương lai”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở cho các sinh viên rằng cùng một cuộc đời đã sinh ra chúng ta, và nó hướng chúng ta tạo ra những thế giới khác. Do đó, mọi người đều là những học trò của các thực tại, của ngôn ngữ và của niềm tin, và những gì chúng ta học được không phải là một đối vật, mà là Cuộc sống.

Những lời khích lệ

Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người phấn đấu tiến tới nhưng đừng quên ba chữ này: lòng biết ơn, ý nghĩa và nét đẹp.

Đức Thánh Cha nói giống như các thầy cô nơi trường lớp, những người không kho kho giữ lấy cái học vấn cho họ, ngược lại họ cho đi một cách tự nguyện! Chúng ta hãy tiếp tục gieo vãi và gặt hái, hãy ra đi và mỉm cười, trong khi đối diện với rủi ro, hầu vượt qua được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào!

Hiệp hội Giáo dục

Hiệp hội Giáo dục là một tổ chức quốc tế nhằm mục đích giúp con người đạt được sự một sự thành toàn của việc giáo dục, bao gồm các sáng kiến kỹ thuật, thể thao và nghệ thuật nhằm thăng tiến nền giáo dục và văn hóa.

Hiệp hội này liên kết các công cuộc giáo dục của 190 quốc gia, bao gồm khoảng nửa triệu trường học và nhiều mạng lưới giáo dục khác nhau.
 
Tiệp Khắc: Tượng Đức Mẹ bị giật sập năm 1918 nay được dựng lại.
Nguyễn Long Thao
09:58 07/06/2020
Một bức tượng Đức Mẹ Maria tại thủ đô Tiệp Khắc gây tranh cãi giữa người vô thần và Công Giáo đã bị giật sập vào năm 1918. Nay sau hơn một thế kỷ tượng đã được dựng lại.

Nguyên thuỷ tượng Đức Mẹ được dựng vào giữa thế kỷ 17 dưới thời hoàng đế Ferdinand III. Đến năm 1918, sau khi đế quốc Áo-Hung sụp đổ, quốc gia Tiệp Khăc thành lập, quần chúng vô thần giập sập bức tượng đã hiện diện tại quảng trường thủ đô Tiệp Khắc gần 300 năm.

Jan Bradna, nhà điêu khắc học thuật, nhà phục chế và là thành viên của Hiệp hội phục hồi tượng Đức Mẹ cho biết: chính người dân Prague muốn dựng lại bức này.

Bức tượng mới là một bản sao bằng sa thạch giống như bản gốc. Tượng đươc mạ vàng được đặt trên cột cao 50 feet tức khoảng 16m. Hiện nay tượng đã được dựng lên trước nhà thờ thủ đô Prague.

Theo truyền thuyết, người đứng đầu vụ giập sập bức tượng vào năm 1918 là nhà văn Franta Sauer đã khích động quần chúng đến giật sập bức tượng. Đến khi gần chết ông này đã xin tha thứ hành động của mình.

Tuy nhiên, một điêu khắc gia Petr Vana trong nhóm phục hồi bức tượng cho rằng truyền thuyết trên đây không đúng sự thật vì người dân Tiệp Khắc không hận thù gì về bức tượng Đức Mẹ.

Chủ trương phục hồi bức tượng bắt đầu từ năm 1990. Tiến trình gặp rất nhiều trở ngại về mặt pháp lý vì Công Hòa Czech có nhiều người vô thần và người Tin Lành chống lại việc đặt lại bức tượng. Thậm chí có cả chuyện ẩu đả trên quảng trường giữa người ủng hộ và người chống đối việc dựng tượng.

Cuối cùng hội đồng thành phố Prague đã cấp phép cho dựng lại bức tượng Đức Mẹ đã hiện diện nơi đây gần 300 năm trước.

Nguyễn Long Thao
 
Tin vui: Không còn ai nhiễm coronavirus tại Vatican
Đặng Tự Do
16:08 07/06/2020

Hôm thứ Bẩy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết không còn trường hợp dương tính nào trong số các nhân viên tại Vatican, sau khi bệnh nhân cuối cùng đã thử nghiệm âm tính vào đầu tháng Sáu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết kể từ ngày 6 tháng 6, không còn bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào trong số các nhân viên của quốc gia thành Vatican và giáo triều Rôma.

“Sáng nay, người cuối cùng được báo cáo là nhiễm bệnh trong vài tuần qua cũng đã thử nghiệm âm tính với COVID-19, ” ông Bruni cho biết. “Từ ngày hôm nay, không có trường hợp dương tính với coronavirus nào trong số các nhân viên của Tòa thánh và tại quốc gia Thành Vatican.”

Vatican đã chứng kiến trường hợp coronavirus đầu tiên vào ngày 6 tháng 3. Đầu tháng 5, ông Bruni đã báo cáo trường hợp dương tính thứ 12 trong số các nhân viên.

Ông Bruni cho biết vào thời điểm đó, nhân viên thứ 12 đã làm việc từ xa kể từ đầu tháng 3 và đã tự cô lập khi các triệu chứng bắt đầu phát triển.

Vào cuối tháng 3, Vatican tuyên bố đã thử nghiệm 170 nhân viên Tòa Thánh đối với coronavirus, tất cả đều cho kết quả âm tính, đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô và những người làm việc gần nhất với ngài hoàn toàn không nhiễm virus quái ác này.

Sau ba tháng đóng cửa, Bảo tàng Vatican đã mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 6. Các khách du lịch đã có thể viếng viện bảo tàng chỉ cần đặt vé trước và phải đeo khẩu trang y tế, cũng như phải kiểm tra nhiệt độ ở lối vào.

Việc mở cửa Bảo tàng Vatican diễn ra chỉ hai ngày trước khi Ý mở lại biên giới với du khách Âu châu, và dỡ bỏ yêu cầu cách ly trong 14 ngày khi đặt chân đến Ý.

Đền Thờ Thánh Phêrô đã mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 18 tháng 5 sau khi được vệ sinh và khử trùng kỹ lưỡng. Thánh lễ công khai được nối lại ở Ý cùng ngày trong các điều kiện nghiêm ngặt.

Du khách đến Đền Thờ Thánh Phêrô phải trải qua việc kiểm tra nhiệt độ và đeo khẩu trang y tế.

Ý đã có tổng cộng hơn 234, 000 trường hợp nhiễm coronavirus, và gần 34, 000 người đã chết.


Source:Catholic News Agency

 
Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
16:14 07/06/2020

Hàng chục ngàn người đã tập trung tại các thành phố rất xa Hoa Kỳ để bày tỏ sự tức giận về cái chết của George Floyd, một dấu hiệu cho thấy phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đang bùng lên mạnh mẽ với những lời kêu gọi rộng rãi hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Á châu, Úc châu và Âu châu.

Tại Berlin, cảnh sát cho biết 15, 000 người đã tập trung trong một cuộc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Alexander của thủ đô Đức, những người biểu tình đã hô vang tên của Floyd và giương cao những tấm bảng với các khẩu hiệu như “Ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát” và “Tôi không thể thở được”.

Cảnh sát đã bắn hơi cay khi những người biểu tình ném chai và đá vào cảnh sát ở thành phố cảng phía nam của Pháp nhằm chống lại sự lạm dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.

Những người biểu tình quỳ xuống trước các sĩ quan chống bạo động, phát biểu và hô vang trước khi lên đường diễu hành qua thành phố. Nhưng ở đoạn cuối, cuộc tuần hành đã kết thúc trong hỗn loạn với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tại Úc, ba vụ bắt giữ được thực hiện trong các cuộc biểu tình ở Sydney ngày thứ Bẩy, với sự tham dự của đám đông khổng lồ khoảng 20, 000 người.

Chính quyền Úc âu lo các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tranh đấu cho người thổ dân.

Thật vậy, tổ chức GetUp, “Hãy đứng lên”, chuyên đòi công lý cho người Thổ dân đang thu góp các tài liệu từ người Thổ dân bị ngược đãi hoặc là nạn nhân của cảnh sát. Chỉ tại tiểu bang Queensland, họ đã gom được 433 vụ và nhóm này đã tổ chức buổi cầu nguyện thắp lên 433 ngọn nến cho 433 nạn nhân!

Họ cho rằng bên Hoa kỳ chỉ có một ông George Floyd, còn ở Úc có tới 433 nạn nhân là thổ dân đã chết vì sự tàn bạo của cảnh sát.

Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy, các công tố viên cho biết hai nhân viên cảnh sát Buffalo bị buộc tội tấn công vào một người cao niên, sau khi một đoạn video cho thấy họ đẩy một người biểu tình 75 tuổi trong một cuộc biểu tình.

Robert McCabe và Aaron Torgalski đã không nhận tội đối với cáo buộc tấn công cấp hai. Họ đã được thả ra mà không cần đóng tiền tại ngoại hầu tra.

Các viên chức cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác không lương vào hôm thứ Sáu sau khi một đoàn làm phim truyền hình ghi được cuộc đối đầu trước khi gần kết thúc cuộc biểu tình.

McCabe, 32 tuổi và Torgalski, 39 tuổi, “vượt qua ranh giới” khi họ đẩy người đàn ông quá mạnh khiến ông ta ngã về phía sau và đập đầu vào vỉa hè.

Martin Gugino đã tiếp cận với các viên chức cảnh sát trước khi bị hai người xô xuống đất.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông được xác định là Martin Gugino đang tiếp cận một hàng sĩ quan đội mũ bảo hiểm cầm dùi cui khi họ biểu tình từ Quảng trường Niagara vào khoảng thời gian giới nghiêm 8 giờ tối.

Các viên chức cảnh sát đẩy Gugino về phía sau, và anh ta đập đầu vào vỉa hè. Máu đổ khi các cảnh sát đi qua. Một người cảnh sát cúi xuống để kiểm tra người đàn ông bị thương như thế nào nhưng một người khác hối thúc anh ta đi tiếp.


Source:Washington Post

 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, kết luận
Vũ Văn An
16:56 07/06/2020
5. KẾT LUẬN: TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG NHIỆM CỤC BÍ TÍCH

183. [Tính hữu hình bí tích của ơn thánh]. Nhiệm cục bí tích, như một nhiệm cục nhập thể, tự nó đòi cho ơn thánh một tính hữu hình nào đó. Giáo hội, người thừa kế và tiếp tục công trình của Chúa Kitô, thiết lập ra dấu hiệu hữu hình này trong lịch sử. Ý nghĩa của nó không bị giản lược vào việc cung cấp phương tiện cứu rỗi cho chính các tín hữu. Nó làm cho ơn thánh cứu rỗi của Thiên Chúa hữu hình trong thế giới. Nếu Giáo hội có ngày biến đi, tính hữu hình lịch sử của ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ tan biến. Vì lý do này, chính Giáo hội trở thành người phục vụ mọi người. Giáo hội là phương tiện và là công cụ công bố sự hiện diện trong lịch sử của kế hoạch cứu độ phổ quát nơi Chúa Giêsu Kitô. Mỗi Kitô hữu tham gia vào sứ mệnh này của Giáo hội, một sứ mệnh được mỗi bí tích củng cố theo cách riêng của nó. Trong mỗi bí tích đều có việc lãnh nhận ơn phúc của Thiên Chúa; có một sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và một sứ mệnh giáo hội vì sự sống của thế giới.

184. Vì lãnh vực bí tích qui chiếu vào tính hữu hình bề ngoài và có thể kiểm chứng được, nên khi quyền lãnh nhận bí tích bị từ chối, như trong trường hợp những người ly dị và tái hôn hoặc những người khác, không thể từ đó rút ra kết luận nào về sự thật toàn diện liên quan đến phẩm chất đức tin của người đó. Các Kitô hữu của các giáo phái Kitô giáo khác không trọn vẹn hiệp thông bí tích hữu hình với Giáo Hội Công Giáo, do việc dai dẳng có những dị biệt sâu xa về tín lý và lối sống Kitô giáo. Vì lý do này, việc cử hành bí tích không làm cho việc hiệp thông trọn vẹn trở thành hữu hình [231]. Tuy nhiên, trên nguyên tắc, không nên loại trừ việc này là sự kết hợp với Chúa Kitô của các Kitô hữu ngoài Công Giáo, qua đức ái và cầu nguyện, có thể mạnh mẽ hơn so với sự kết hợp của người Công Giáo, bất chấp sự kiện này: người Công Giáo được hưởng sự viên mãn khách quan của các phương tiện cứu rỗi. Như phụng vụ vốn khẳng định, sự phán xét tối hậu về phẩm chất đức tin của mỗi người chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi: “mà Chúa đã biết đức tin và lòng sùng kính của họ” [232].

185. [Tăng trưởng, thời kỳ dự tòng]. Đức tin, như một nhân đức, là một thực tại năng động. Nó có thể lớn lên, củng cố và trưởng thành; nhưng cũng trải nghiệm những điều ngược lại. Thời gian dự tòng (catechumenate) giúp việc lãnh nhận các bí tích với một đức tin có ý thức hơn về điều được lãnh nhận và về cam kết bản thân của người ta đối với nó. Đức ái mục vụ sẽ phải quyết định các phương thức cụ thể cho thời kỳ dự tòng theo bí tích đang bàn và những người yêu cầu lãnh nhận nó, có tính đến phẩm chất và cường độ của môi trường tôn giáo mà từ đó họ xuất phát. Việc đào tạo các giáo lý viên và chứng từ cuộc sống của họ là điều rất quan yếu. Mặt khác, chính việc lãnh nhận bí tích, với cam kết mà nó hàm ngụ, mời gọi chúng ta tiếp tục thời kỳ dự tòng, qua việc dạy giáo lý dẫn vào huyền nhiệm (mystagogical catechesis), chắc chắn sau khi lãnh nhận các bí tích khai tâm và hôn nhân. Sự lớn lên trong đức tin và một loại thời kỳ dự tòng liên tục được cung ứng một cách khéo léo trong một số điều gọi là các phong trào giáo hội mới. Trong đó, có việc xã hội hóa đạt được trong đức tin và trong việc thuộc về giáo hội. Hơn nữa, trong đó, chiều kích bí tích của đức tin được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ, khi nhấn mạnh đến việc lãnh nhận ơn phúc, thờ lạy Chúa, năng lãnh nhận các bí tích, nhấn mạnh trên hết đến mọi ơn phúc bất khả thu hồi của Thiên Chúa, những ơn phúc gắn kết ơn thánh của Người vào các bí tích mà không bắt chúng tủy thuộc sự hoàn hảo của các thừa tác viên hoặc công đức của những người lãnh nhận chúng. Họ được củng cố theo chiều dọc của tính bí tích, vì họ không dựa vào chính họ để làm chứng theo chiều ngang trước mặt thế giới, việc ơn thánh của Thiên Chúa đã đi vào sự yếu đuối như thế nào (2 Cr 12: 9).

186. [Việc được lồng vào nhiệm cục bí tích nhờ đức tin và các bí tích]. Việc lồng các Kitô hữu vào nhiệm cục bí tích diễn ra nhờ đức tin và các bí tích. Các bí tích cung ứng cho những người mong muốn nó và được chuẩn bị thỏa đáng một điều có giá trị như lời cam kết được sự sống đời đời và được Chúa Kitô gần gũi yêu thương.

187. Trong việc thể hiện nhiệm cục bí tích, hiểu như việc khai mở mầu nhiệm nhập thể và luận lý học của nó, mầu nhiệm vượt qua được nêu bật như đỉnh cao trong đó tình yêu được thể hiện đến tột đỉnh (Ga 13: 1; 15:13). Người Kitô hữu, qua bí tích rửa tội (bí tích đức tin) được tháp nhập vào mầu nhiệm này, tham gia vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu một cách bí tích (Rm 6: 3-4); và đồng thời, họ trở thành viên đá sống động của Giáo hội. Do đó, đời sống Kitô hữu bắt đầu với việc được lồng vào tâm điểm thiết yếu của nhiệm cục bí tích.

188. Mầu nhiệm Chúa Kitô bao gồm trong hồng phúc Thần khí của Người, như hồng phúc vĩ đại của Đấng Phục sinh. Trong ngày lễ Ngũ tuần, với việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ở đỉnh cao kết cấu của chính mình, Giáo hội nhận thức đầy đủ mình được ban ơn và được sai đi thi hành một sứ mệnh phổ quát. Kitô hữu được tháp nhập vào biến cố Ngũ Tuần qua các bí tích khai tâm, với việc củng cố đức tin và trách nhiệm của mình cả đối nội trong cộng đồng giáo hội lẫn đối ngoại như “một môn đệ truyền giáo”.

189. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dự ứng bằng cử chỉ và lời nói ý nghĩa của cả cuộc đời và mầu nhiệm của Người: thân thể Người được cho đi và máu Người đã đổ ra cho “nhiều người”. Trong Bí tích Thánh Thể, một lần nữa, Kitô hữu lãnh nhận ơn phúc của Chúa, ơn phúc mà họ chấp nhận một cách minh nhiên như vậy trong tiếng thưa “Amen”, để tiếp tục là một chi thể tích cực của nhiệm thể Chúa Kitô đang hiện diện trong thế giới.

190. Động lực của nhiệm cục bí tích có thể được hiểu như là giao ước của Thiên Chúa với dân Người, một hình ảnh không xa lạ gì với ý nghĩa phu thê. Trong toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô, việc đổi mới dứt khoát và không thể thu hồi của giao ước Thiên Chúa với dân Người diễn ra qua Chúa Kitô. Vợ chồng Kitô hữu, khi kết hôn “trong Chúa’, đã trở thành một dấu hiệu minh chứng cho tình yêu vốn chủ trì mối tương quan của Chúa Kitô với Giáo hội.

191. Với đời sống, cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã mang đến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, một ơn cứu rỗi bao gồm ơn tha thứ tội lỗi, hòa giải với Thiên Chúa và hòa giải giữa anh chị em bằng cách phá đổ bức tường ngăn cách (Eph 2: 4-6, 11-14). Khi Kitô hữu mâu thuẫn với ý nghĩa của Tin Mừng và việc theo chân Chúa Kitô, bằng cách lãnh nhận bí tích thống hối với một đức tin sám hối, họ được giao hòa với Thiên Chúa và với Giáo hội. Như vậy, nếu một mặt Giáo hội được đổi mới, người được tha thứ sẽ trở thành một đại sứ của ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.

192. Chúa Giêsu đã tiếp cận nhiều người bệnh, an ủi họ, chữa lành cho họ và tha thứ tội lỗi của họ. Ai lãnh nhận xức dầu được kết hiệp một cách bí tích với Chúa Kitô vào một lúc khi sức mạnh của bệnh tật và cái chết xem ra như chiến thắng, để tuyên xưng bằng đức tin chiến thắng của Chúa Kitô và niềm hy vọng được sống đời đời.

193. Chúa Giêsu tập hợp xung quanh Người một nhóm môn đệ và tín hữu, những người mà Người đang giáo huấn trong các mầu nhiệm của nước Thiên Chúa và biểu lộ mầu nhiệm về bản thân Người. Những ai lấy đức tin đáp lại lời kêu gọi của Chúa và lãnh nhận bí tích Truyền chức Thánh được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, như Đầu và Mục tử, tiếp tục loan báo Tin Mừng, lãnh đạo cộng đồng giống Đấng Chăn Chiên Nhân Lành và dâng hiến lễ sống động và thánh thiện.

194. [Bản chất bí tích của đức tin]. Nhiệm cục thần linh của ơn cứu rỗi bắt đầu với việc sáng thế, được hiện thực hóa trong lịch sử và tiến tới sự hoàn thành vĩnh cửu. Tuy nhiên, không phải mọi cái nhìn vào lịch sử đều nắm bắt được trong đó sự hiện diện của hành động Thiên Chúa; chẳng hạn, nó có thể không nắm bắt được việc rời khỏi Ai Cập là cuộc giải thoát do Thiên Chúa thực hiện. Tương tự như vậy, người ta có thể biết rằng Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hoặc Người bị đóng đinh, nhưng chỉ có cái nhìn của đức tin mới nhận ra trong các phép lạ dấu chỉ bản chất thiên sai của Người (x. Lc 7: 18-23) và thiên tính của Người (x. Mt 14:33; Lc 5: 8; Ga 5), chứ không phải sức mạnh của Ben Giê Búp (x. Mc 3, 22); hoặc nó có thể không nắm bắt được việc trên thập giá, ơn tha tội đã diễn ra (x. Mt 27: 39-44), cùng với việc hòa giải với Thiên Chúa (2 Cô 5: 18-20) chứ không phải chỉ là một cuộc hành quyết.

195. Do đó, theo Thánh Augustinô và Origen [233], chúng ta có thể phân biệt điều chúng ta có thể gọi là cái nhìn chỉ có tính lịch sử về các biến cố của lịch sử cứu độ. Nó có đặc điểm tự giới hạn vào việc nhận thức các biến cố, dành tính đáng tin cho các nhân chứng thuật lại chúng, mà không nắm được ý nghĩa lịch sử - cứu rỗi của chúng. Tuy nhiên, một ánh mắt thích hợp với đức tin, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, không những biết các biến cố lịch sử trong tính vật chất lịch sử của chúng, mà còn nhận thấy ở chúng bản chất cứu rỗi của chúng. Nói cách khác, ánh mắt này thâm nhập vào thực tại bí tích đích thực của những gì đang xảy ra. Bằng cách nắm bắt tính hữu hình của biến cố lịch sử, nó tri nhận được chiều sâu của ơn thánh đang hiện diện và hành động trong những biến cố này. Hình thức đức tin này, đúng là đức tin Kitô giáo, chịu trách nhiệm không những việc nắm bắt sự hiện diện của hành động thần thiêng trong lịch sử hữu hình, mà cả khả năng tri nhận được mối liên kết của những biến cố này với niềm hy vọng được sự sống đời sau. Do đó, loại đức tin này không những chỉ tin vào sự sống đời đời, vào Thiên Chúa Ba Ngôi và vào Chúa Kitô, Chúa chúng ta, mà còn là loại đức tin riêng của những người nhìn nhận Đấng Phục sinh trong các lần hiện ra. Không có đức tin này, lịch sử không có hình thức của một nhiệm cục cứu rỗi thần linh; nó được giải quyết trong sự tích lũy của các sự kiện mà ý nghĩa của nó rất khó để phân định; dù sao, nó được gán cho từ bên ngoài. Tuy nhiên, với ơn phúc đức tin, ý nghĩa của dòng biến cố lịch sử nằm ở ý nghĩa mà chính Thiên Chúa ban cho chúng: nhiệm cục thần linh chủ trì và cai quản lịch sử, dẫn nó đến sự sống đời đời. Nói tóm lại, vì nhiệm cục thần linh Ba Ngôi có bản chất bí tích, đức tin Kitô giáo có tính bí tích chân chính.

Kỳ sau: Các ghi chú
 
Uy tín của Giáo Hội có thể bị phương hại nặng nề khi chúng ta cố làm hài lòng Tập Cận Bình
Đặng Tự Do
17:27 07/06/2020
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định về sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc đối với người Công Giáo tại Hoa Lục và những người đấu tranh cho dân chủ tại Hương Cảng. Ông lo ngại rằng nếu Tòa Thánh yên lặng trước những bách hại này trong cố gắng làm hài lòng Tập Cận Bình, việc truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc hậu cộng sản sẽ rất khó khăn.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The Vatican’s Choice: Jimmy Lai or Xi Jinping?

George Weigel

Lựa chọn của Vatican: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?




Vào giữa tháng Năm, đại đế Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch phớt lờ cơ quan lập pháp Hương Cảng và áp đặt “luật an ninh quốc gia mới” đối với thuộc địa cũ này của Anh. Trên danh nghĩa, luật an ninh mới của Trung Quốc là nhằm bảo vệ Hương Cảng khỏi “những kẻ ly khai”, “những kẻ khủng bố”, và “ảnh hưởng của nước ngoài”. Tuy nhiên, những biện pháp mới này trên thực tế được thiết kế để kiềm chế những người nam nữ dũng cảm trong phong trào dân chủ sôi nổi ở Hương Cảng, những người đã phải gánh chịu ngày càng thê thảm những chính sách độc tài của Bắc Kinh trong một thời gian dài. Với một thế giới đang bị phân tâm bởi virus Vũ Hán - là dịch bệnh đã lây lan khắp thế giới vì sự vụng về và xảo trá của bọn cầm quyền Trung Quốc - chế độ Tập Cận Bình ngày càng tàn bạo rõ ràng nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để đàn áp những người dân Hương Cảng còn trân trọng tự do và cố gắng bảo vệ nó.

Màn trình diễn mới nhất này về ý định của Bắc Kinh, nhằm thực thi quyền lực cộng sản ở Hương Cảng trùng với cuộc đàn áp gần đây nhất người bạn tôi, là Jimmy Lai.

Jimmy và tôi chỉ mới gặp nhau một lần. Nhưng từ lâu tôi đã cảm thấy có mối quan hệ họ hàng với người Công Giáo này, một người cải đạo, là người trước hết đã đặt khối tài sản đáng kể của mình vào việc hỗ trợ các hoạt động quan trọng của Công Giáo và hiện đang mạo hiểm mọi sự để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hương Cảng. Bị bắt vào tháng Hai, và một lần nữa vào tháng Tư, Jimmy Lai đã bị buộc tội giúp tổ chức và lãnh đạo các cuộc biểu tình trái phép. Việc anh ta đứng trong hàng ngũ tiên phong biểu tình ủng hộ dân chủ là đúng. Nhưng vấn đề là, tại sao những người cộng sản Trung Quốc lại coi các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ các quyền tự do mà Bắc Kinh long trọng hứa hẹn bảo vệ là phản quốc?

Vào cuối tháng 5, những kẻ côn đồ ở Bắc Kinh đã tung ra một loạt các vụ đàn áp khác: vụ án của Jimmy Lai đã được chuyển đến một tòa án có thể đưa ra án tù 5 năm cho người đàn ông 72 tuổi này, hoặc thậm chí là một loạt các bản án liên tiếp. Chúng ta chẳng thể mong đợi điều gì khác hơn từ một chế độ đã cố gắng phá sản tờ báo dân chủ của Jimmy, là tờ Apple Daily, bằng cách gây áp lực cho cả các công ty Trung Quốc lẫn các công ty quốc tế không được quảng cáo trên tờ báo đó. Thật đáng xấu hổ, quá nhiều người đã phải cúi đầu trước những áp lực đó, và một bài báo gần đây của Wall Street Journal đã đưa ra một phúc trình rằng Apple Daily hiện đã bị cắt khỏi 65% thị trường quảng cáo Hương Cảng. Bắc Kinh, một mặt cố gắng trấn an cộng đồng các doanh nhân rằng mọi thứ sẽ ổn, mặt khác lại cảnh báo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như các nhà ngoại giao và các nhà báo, không được “tham gia vào lực lượng chống Trung Quốc trong việc chê bai hay bôi nhọ” luật an ninh quốc gia mới.

Chế độ Tập Cận Bình muốn thế giới nghĩ rằng chúng là một chế độ rất ổn định, nhưng thực tế có lẽ không phải như thế. Một chế độ vững như bàn thạch không cần phải tăng cường sự đàn áp, như Bắc Kinh đã làm trong vài năm nay. Hơn nữa, việc chụp mũ tất cả những lời chỉ trích Tập Cận Bình là chống Trung Quốc cho thấy đó không phải là một chế độ tự tin về tính hợp pháp và ổn định của nó. Những chiến thuật như thế có vẻ vụng về; chúng cho thấy sự lo lắng đến mức đổ mồ hôi hột, chứ không phải là một sự bình tĩnh tự tin.

Nỗ lực phá vỡ phong trào dân chủ Hương Cảng là một khía cạnh trong một chiến dịch đàn áp rộng lớn bao gồm cả các cộng đồng tôn giáo Trung Quốc tại Hoa Lục. Một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn còn ở trong các trại tập trung ở Tân Cương, nơi họ đang được cải tạo. Nhà thờ Tin lành đang bị đe dọa liên tục. Và các biện pháp đàn áp tiếp tục được thực hiện đối với người Công Giáo và các nhà thờ của họ, bất chấp thỏa thuận gần hai năm - và vẫn còn bí mật - giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Thỏa thuận đó, đã cho đảng cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc đề cử các giám mục. Đó là một thỏa thuận mà Vatican đã từ bỏ rất nhiều để đổi lấy những lời hứa hẹn suông. Những người Công Giáo Trung Quốc không theo đường lối do đảng cộng sản Trung Quốc vạch ra vẫn bị đàn áp. Những ảnh hưởng của mối giao hảo đáng tiếc này đối với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc tương lai, hy vọng là một Trung Quốc hậu cộng sản, không cho thấy một dấu hiệu tích cực nào.

Trên khắp thế giới, những tiếng nói đã được gióng lên để ủng hộ những người biểu tình dân chủ dũng cảm ở Hương Cảng. Có ai nghe được tiếng nói của Tòa Thánh chưa? Tôi và nhiều người khác chẳng hề nghe thấy. Phải chăng những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người đang được thực hiện bởi các quan chức Vatican trong hậu trường ở Bắc Kinh và Rôma? Người ta có thể hy vọng như vậy. Nhưng nếu chính sách hiện tại của Tòa Thánh về Trung Quốc là một sự tái hiện của chính sách Ostpolitik thất bại ở trung và đông Âu trong những năm 1970, thì có nhiều khả năng những quan chức đó đang thờ ơ và hoàn toàn không có hiệu quả.

Với một trong những con cái Công Giáo can đảm nhất hiện đang bị giam cầm và đối mặt với những gì có thể đe dọa đến tính mạng, Vatican giờ đây phải đối diện với một lựa chọn rõ ràng: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?


Source:The First Things
 
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của Ngài với các nạn nhân của cơn đại dịch
Thanh Quảng sdb
18:38 07/06/2020
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của Ngài với các nạn nhân của cơn đại dịch

Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi đọc kinh Truyền Tin, đã cầu nguyện cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn đại dịch coronavirus. Ngài cũng nhắc tháng Sáu, tháng dành riêng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

(Tin Vatican)

Trong lời chào mừng các tín hữu đang tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô nói sự hiện diện của anh chị em tại Quảng trường hôm nay là một dấu chỉ cho thấy thời gian đại dịch đã kết thúc ở Ý, mặc dù vẫn cần phải tuân thủ các quy tắc y tế một cách cẩn thận.

ĐTC nhắc nhở cho những người đang qui tụ tại Quảng trường "hãy cẩn thận, đừng háo thắng quá sớm".

Đức Thánh Cha cũng khuyên họ nên tuân thủ các quy tắc y tế một cách cẩn thận, "bởi đó là những quy tắc giúp chúng ta ngăn chặn sự lây lan của con vi khuẩn quái ác Covid-19!

Đức Thánh Cha nhắc nhở ở một số quốc gia, con virut khủng khiếp này vẫn tiếp tục lan tỏa mà thứ sáu tuần trước, tại một quốc gia, cứ mỗi một phút là có một người chết! Thật là kinh hòang!

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với những đất nước đó, với các bệnh nhân và gia đình của họ và với tất cả những ai đang miệt mài chăm sóc họ.

Thánh Tâm Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ tháng Sáu được dành riêng tôn kính Thánh tâm Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói, đây là một sự sùng kính kết hợp giữa sự thần bí với lòng tôn sùng bình dân của ngưới tín hữu.

Thật vậy, Đức Thánh Cha nói, Trái tim Chúa Giêsu và Con người của Ngài là suối nguồn mà chúng ta có thể chạy tới nương tựa vào lòng thương xót, sự tha thứ và lòng từ ái của Chúa. Chúng ta có thể rút ra được những cảm nghiệm ấy từ Tin Mừng cho thấy mọi hoạt động của Chúa Giêsu đều qui hướng về tình yêu, một tình yêu của Chúa Cha.

Chúng ta cũng có thể làm như vậy qua việc tôn sùng Thánh Thể, nơi tình yêu Chúa tỏ hiện trong Bí tích. Và rồi trái tim chúng ta cũng được thấm nhuần tình yêu Chúa để yêu thương, sống nhân hậu giống Chúa...
 
Chúc mừng thầy sư huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam được Bề trên cả bổ nhiệm làm người đảm trách Cựu Học Viên Salesian Thế giới
Thanh Quảng sdb
22:41 07/06/2020
Chúc mừng thầy sư huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam được Bề trên cả bổ nhiệm làm người đảm trách Cựu Học Viên Salesian Thế giới

Roma ngày 6 tháng 6 năm 2020 - qua Thông cáo báo chí ANS (Thông tấn xã Salesian), Cha Bề Trên cả Angel Artime ngày 5 tháng 6 năm 2020 đã quyết định bổ nhiệm các đại diện cấp thế giới phụ trách các nhóm trong đại Gia đình Salesian gồm có:

Linh mục Joan Lluis Playa – phụ trách Chí nguyện Don Bosco (VDB) và Cộng tác viên (CDB)

Linh mục Alejandro Guevara (Linh hướng của Gia đình Salesian (ADMA)

Linh mục Luigi Cameroni là Thỉnh cáo viên (lo về các tiến trình phong thánh cho các thành viên trong Gia đình Salêdiêng)

Thầy Sư Huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam (Đặc trách Cựu Học Viên Don Bosco Thế giới)

Trong thông cáo báo chí, Cha Bề trên cả đã giới thiệu thầy Dominic Nam là một người có kinh nghiệm rộng rãi cả về châu Âu, đặc biệt nước Ý và là một người Á châu, nên thầy có đầy đủ kinh nghiệm về văn hóa và truyền thống Á Châu. Cha bề trên cả cho hay: Ý định của ngài là tránh một sự Âu châu hóa hoặc Tây phương hóa các sinh hoạt của Gia đình Salesian; đúng hơn, ngài muốn có một sắc thái phổ quát hơn, và cũng dành một chỗ quan yếu cho ơn gọi Sư huynh trong Tu hội Salesian cũng như trong đại Gia đình Salesian, đặc biệt là hai nhóm chính là Cựu học viên và Cộng tác viên."

Xin chúc mừng Thầy Sư Huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam trong sứ vụ mới và cầu chúc thầy thành công trong việc liên kết và hoạt động của thành phần Cựu học viên Thế giới theo như tinh thần và ước muốn của cha thánh Gioan Bosco.

Thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, 47 tuổi, sinh ra tại TP HCM, gia nhập đệ tử và nhà tập Salesian ở Ba thôn, Thành phố Hồ Chí Minh (1998) và trải qua quá trình hình đào luyện ở Á châu - Chương trình sau Tập viện ở Đà Lạt và Phi - chuyên môn tại các học viện ở Cebu và Paranaque Phi. Sau đó học chuyên ngành tại Venezia, Ý và làm việc trong Tòa soạn Báo chí tại Vatican từ năm 2006-2016.

Sau khi về lại Việt Nam năm 2016, Thầy đã đảm trách Trung tâm huấn nghiệp: chuyên môn về nhà hàng-khách sạn “Anrê Maisen” tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong tỉnh dòng Salesian Việt Nam-Mông Cổ, thầy từng là Điều phối viên các Sư Huynh và là người đứng đầu tổ chức Đại hội Sư Huynh Salesian vùng Nam Á và Châu Đại Dương (EAO) lần thứ 7 ở K'Long vào tháng 8 năm 2018.

Tháng Hai-Tháng Ba vừa qua, thầy tham dự Tổng Hội Salesian lần thứ 28 với tư cách là Đại biểu của tỉnh dòng Việt Nam-Mông Cổ tại Valdocco thành phố Torino.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót – Tháng 06: Cầu cho những người đau khổ.
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:21 07/06/2020
Sau những ngày tháng vì đại dịch Covid-19, các hoạt động tôn giáo như cử hành Thánh Lễ, hành hương phải ngưng lại, thì chiều ngày Thứ Sáu 5/6, Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót đầu tiên sau đại dịch đã được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc cử hành với sự tham dự đông đảo và sốt sắng của các hội viên Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận, đặc biệt là Hạt Hòa Thanh.

Có chứng kiến sự đông đảo của mọi người, cũng như nhìn thấy những ánh mắt thành khẩn kêu cầu Lòng Chúa Thương Xót trong lời kinh cầu, khi cùng tham dự Chặng Đàng Thánh Giá, mới thấy được cơn khát tâm linh của bao người, mới chạm được phần nào bao nỗi khổ đau của từng người, và của mọi người.

Xem Hình

Sau giờ Lần Chuỗi Kính Lòng Thương Xót của Chúa, cộng đoàn đã tham dự suy niệm Chặng Đàng Thánh Giá do Cha Giuse Trần Phú Sơn, Đặc Trách Gia đình Lòng Chúa Thương Xót của Giáo Phận, chủ sự. Chính nơi mỗi chặng Đàng Thánh Giá, từng người không chỉ cảm nếm tình yêu tuyệt vời tuôn chảy từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch của lòng thương xót, mà còn là nguồn động lực thôi thúc mỗi hội viên của Hiệp hội cố gắng sống thánh giá đời mình trong hy sinh và tạ ơn như Thánh Nữ Faustine đã từng thưa với Chúa.

16g00, đoàn rước Kiệu Cung nghinh Tượng Lòng Chúa Thương Xót cùng nghi thức xông hương bàn thờ và Tượng Thánh đã khởi đầu Thánh Lễ Trọng Thể Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu do Đức Cha Giáo phận chủ tế. Như ý lễ Đức Cha mời gọi, Thánh Lễ được cử hành chiều nay “trước hết là để tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ đã gìn giữ Giáo phận được bình an trong đại dịch Covid-19”, đồng thời, cũng là để “cầu nguyện cho những người đau khổ” trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của họ. Với những ý cầu nguyện này, chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhận lời, đoái thương, khi có sự hiệp nhất trong Thánh lễ biểu lộ qua việc đồng tế Thánh Lễ với Vị Chủ Chăn của quý Cha Quản hạt các Hạt Xuân Lộc, Hạt Hòa Thanh, Cha Đặc Trách Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận và Giáo hạt Hòa Thanh, quý Cha, và đặc biệt là những hội viên, giáo dân cùng hiện diện.

Bên cạnh đó, đây cũng là Thánh Lễ của lời tạ ơn, của niềm vui vì sau gần bốn tháng do ảnh hưởng của đại dịch virus corona, các hội viên của Hiệp Hội Lòng Chúa Thương Xót Giáo phận đã có thể trở lại các sinh hoạt, hành hương, kính viếng, tham dự Thánh Lễ đặc biệt Kính Lòng Chúa thương xót hằng tháng theo kế hoạch. Vì thế, trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Cha Giuse, Đặc Trách Hiệp Hội đã thay mặt các hội viên, cộng đoàn dâng lên Đức Cha Giáo phận lời ngỏ của niềm vui, khi được Đức Cha đến gặp gỡ, dâng Thánh Lễ cho Hiệp hội.

Trong tâm tình suy niệm bài Tin Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (Gioan 19, 31-37) Đức Cha Giuse đã chia sẻ với cộng đoàn về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người qua hình ảnh “máu và nước” chảy ra từ cạnh sườn Người trong những giây phút cuối cùng của cuộc tử nạn khi bị treo trên cây thập giá.

Nơi Thánh Tâm, Chúa Giêsu đã trao tặng cho con người cách trọn vẹn tình yêu của Người. Từ hình ảnh nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, sau khi bị người lính đâm thấu, Đức Cha nói rằng “đó là những giọt máu cuối cùng trong trái tim Chúa Giêsu chảy ra…Chảy hết! Đó là hình ảnh yêu thương cách trọn vẹn mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người…Chúa trao tặng hết, cho hết, chẳng giữ lại gì.” Đức Cha khẳng định “giọt máu cuối cùng ấy là tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu dành cho chúng ta”. Từ hình ảnh linh thánh ấy, Đức Cha mời gọi mọi người “cần phải chạy đến với Chúa Giêsu để xin, để được hưởng sự tha thứ.” Ngay cả khi chúng ta không đi được, chúng ta hãy cố lết đến với Người, để đụng chạm đến sự tha thứ của Chúa. Đừng ngại!” Để rồi, như Đức Cha chia sẻ, khi đã có cảm nghiệm của sự đụng chạm đến tình yêu tha thứ của Chúa dành cho cá nhân, điều này sẽ thúc đẩy chúng ta chia sẻ “sự đụng chạm” này đến với người khác.

Nước chảy ra từ cạnh sườn: ý nghĩa của sự trao ban nguồn sống thần linh cho con người là ý suy niệm thứ hai trong bài giảng của Đức Cha. Nếu máu là biểu tượng của tình yêu, thì nước là biểu tượng của sự sống. “Nước chảy ra từ trái tim Thiên Chúa làm người, nên không chỉ ban sức sống cho con người, nhưng là sức sống thần linh”, để rồi- như Đức Cha suy niệm- ngay cả trong những khi yếu đuối nhất, con người vẫn có đó một nguồn sống thần linh ban cho họ, được kín múc từ nơi cạnh sườn Chúa Giêsu, từ nơi Thiên Chúa, làm nên mạch sống cho cuộc đời tín hữu. Thế nên, Đức Cha một lần nữa lại nhấn mạnh lời mời gọi, “Anh chị em hãy tìm đến sức sống của Chúa trong cuộc đời của anh chị em. Xin hãy tìm đến Lòng Thương xót của Chúa!”

Để rồi, như Đức Cha chia sẻ, khi đã đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, được xức dầu thơm quí giá là tình yêu Thiên Chúa, được tha thứ, được nâng dậy từ những yếu đuối bản thân, tội lỗi, chúng ta “hãy ra về đem dầu thơm ấy xức lại cho người khác”, trước tiên là cho những người trong gia đình, sau đó, là đến những người khác.

Thánh Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, suối nguồn của lòng thương xót do Đức Cha Giáo phận cùng quý Cha cử hành, tựa như cơn mưa mát rượi chiều ngày hôm ấy, đã và đang làm nhẹ mát bao nỗi đau khổ của nhiều người, hy vọng và tín thác hơn vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.

Đó không chỉ là cơn mưa của niềm vui trong khí trời oi ả, nhưng cũng một cơn mưa của niềm vui tinh thần mà như Đức Cha Giáo phận chia sẻ với cộng đoàn trước khi ban phép lành cuối lễ. “Hôm nay, tôi rất vui khi gặp lại anh chị em… Vui vì sau những ngày đại dịch Covid-19, Thiên Chúa đã gìn giữ chúng ta bình an, để tôi có thể gặp lại mọi người…Vui vì được gặp thấy các hội viên của Hiệp hội Lòng Chúa Thương xót của Giáo phận, của Hạt Hòa Thanh nơi đây…Vui vì thấy sự khao khát đụng chạm đến tình yêu, lòng thương xót của Chúa của ông bà anh chị em, mà tôi có thể “cảm nhận” khi mọi người cố gắng chạm đến tôi – như là hiện thân của lòng Chúa thương xót.” Tiếp theo những chia sẻ cảm xúc, Đức Cha cũng cám ơn quý Cha Quản hạt, Cha Đặc trách Giuse, quý Cha đã cùng đồng tế để nài xin Lòng Thương Xót của Chúa xuống trên những người đang đau khổ cả về tinh thần lẫn vật chất, đặc biệt những người đang bị đè nặng bởi tội lỗi.

Riêng với Hội Lòng Thương Xót Hạt Hòa Thanh, phụ trách ngày sinh hoạt định kỳ của tháng 6- Đức Cha không chỉ cám ơn họ vì đã cộng tác cho ngày sinh hoạt, hành hương này, nhưng còn mời gọi họ hãy sống lòng thương xót cách cụ thể với anh chị em di dân, là khu vực tập trung đông người di dân đến sinh sống làm việc.

Đồng thời, Đức Cha Giáo Phận cũng mời gọi anh chị em hiệp thông với chương trình “Tuần Lễ Tạ Ơn” của Giáo Phận sẽ bắt đầu từ Thứ Tư 10-17/6/2020. “Tuần lễ Tạ ơn” vì Thiên Chúa và Mẹ Maria đã gìn giữ đất nước, giáo phận và mọi người vượt qua được đại dịch bệnh vừa qua.

Tin và hình ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
VietCatholic TV
Giấc mơ chung của các vị Giáo hoàng và Martin Luther King
Giáo Hội Năm Châu
03:50 07/06/2020


Giấc mơ chung của các vị Giáo hoàng và Martin Luther King



Giấc mơ được toàn quyền bình đẳng cho những người Mỹ gốc Phi châu tại Hoa Kỳ đã được sự đồng thuận của các vị Giáo hoàng, từ thánh Giáo hoàng Phaolô VI cho đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện nay. Các ngài đã coi Tiến sĩ Martin Luther King Jr. như một tấm gương sáng trong cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền bình đẳng này.

(Tin Vatican - Alessandro Gisotti)

Cái chết bi thảm của anh George Floyd cho thấy rõ rằng giấc mơ của Mục sư Martin Luther King vẫn còn là con đường dài để được thực hiện trọn vẹn.

Thật vậy bài diễn văn lịch sử “tôi có một giấc mơ”, được nhà lãnh đạo phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 - 57 năm trước - tiếp tục vang vọng trên môi miệng và trong trái tim của những người tranh đấu cho công lý và nhân phẩm của cộng đồng người Mỹ gốc Phi châu và qua đó, cho tất cả các nhóm thiểu số ở mọi nơi, thuộc mọi thời đại.

Đó là giấc mơ được ăn rễ sâu trong Tin Mừng và từ sức mạnh giải phóng của tình yêu Thiên Chúa, mà chúng ta có thể tìm thấy nơi các vị Giáo hoàng đương đại...

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI



Người đầu tiên là Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, người đã tiếp mục sư Tin lành Baptist Luther King tại Vatican ngày 18 tháng 9 năm 1964 và khích lệ ông tiếp tục con đường đấu tranh ôn hòa chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Bốn năm sau, cũng chính vị thánh Giáo hoàng này đã nhận được hung tin về vụ thảm sát tiến sĩ mục sư Martin Luther King Jr. vào ngày 4 tháng 4 năm 1968 tại Memphis, tiểu bang Tennessee. Ba ngày sau, vào Chủ nhật Lễ Lá, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cầu nguyện và nêu gương của nhân vật đã đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình với những lời lẽ phi thường.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cầu nguyện: chớ gì cái tội ác này được trổ sinh hoa trái: Không ghen ghét, không oán thù! Và Ngài kêu gọi hãy có sự bình đẳng cho mọi công dân sống trong cùng một đất nước vĩ đại và cao quý Hoa kỳ. Và thay vào đó, là một mục đích chung mới của sự tha thứ, hòa bình, hòa giải, trong sự bình đẳng của quyền tự do và công lý thay cho sự phân biệt đối xử và đấu tranh bất công hiện nay. Nỗi đau của chúng ta sẽ trở nên đậm hơn và đáng sợ hơn, nếu có những phản ứng bạo động, làm mất trật tự, vì cái chết bi thảm của vị Mục sư khả kính gây ra. Nhưng hy vọng của chúng ta được bừng lên khi chúng ta nhìn thấy những người có trách nhiệm và những ai có một trái tim chân chính sẽ làm dấy lên những ước muốn và cam kết giúp cho các cuộc đấu tranh chủng tộc được dịu lại, luật pháp và các định chế phù hợp với một nền văn minh hiện đại và huynh đệ Kitô hữu được bừng lên qua cái chết của Mục sư King."

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II



Hai mươi năm sau, vào ngày 12 tháng 9 năm 1987, một thánh Giáo hoàng khác đã làm sống lại giấc mơ của nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi châu này. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du đến New Orleans, trong cuộc gặp gỡ với Cộng đồng người Công Giáo da đen của thành phố. Đức Karol Wojtyla đã nhắc lại cuộc hành trình dài, đầy gian khổ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi châu, để vượt qua được những bất công và giải phóng chính mình khỏi gánh nặng của áp bức.

Trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của các bạn trước chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và áp bức, Ngài nhấn mạnh, chính Thiên Chúa đã hướng dẫn các bạn tiến bước trên con đường dẫn tới hòa bình. Trước những chứng nhân lịch sử, những người tranh đấu ôn hòa không bạo lực, sẽ được ghi nhớ mãi trong lịch sử của quốc gia này, như một tượng đài danh dự cho cộng đồng da đen của đất nước Hoa Kỳ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về vai trò quan trọng của người Kitô giáo, mà Mục sư Martin Luther King Jr. đã giữ một vai trò trọng yếu trong việc góp phần cải thiện tôn trọng, cải thiện đúng đắn dành người Mỹ da đen và sự bình đẳng trong xã hội Mỹ đương đại.

Cũng như thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nêu lên mối quan hệ đặc biệt trong nhãn quan Kitô giáo về tình huynh đệ của con người mà vị Mục sư khả kính King đã dóng lên từ tiểu bang Atlanta cho đến khi Ngài bị ám sát! Đó là một chuỗi dài tranh đấu trong niềm tin được giải thoát cùng với Chúa Kitô.

Vị Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI



Giấc mơ này cũng được Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI nhắc đến, trong chuyến tông du đến thủ đô Washington vào ngày 16 tháng 4 năm 2008, khi ngài nhấn mạnh rằng niềm tin vào Thiên Chúa đã là nguồn cảm hứng bất tận và thúc đẩy Mục sư Martin Luther King Jr. tranh đấu chống lại chế độ nô lệ và đòi hỏi quyền bình đẳng cho người dân.

Vị nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI đã xác quyết những lời đó trong hai ngày thăm viếng, khi Ngài có dịp gặp gỡ người con gái của Mục sư King là cô Bernice Albertine, trong chuyến tông du tham dự cuộc họp đại kết liên tôn ở New York.

Với Giáo hoàng Phanxicô



Bảy năm sau: lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo hoàng đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ trong một phiên họp quốc gia.

Tại thủ đô Hoa thịnh đốn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có bài phát biểu về tinh thần của đất nước Hoa Kỳ. ĐTC nói đây là một quốc gia được coi là tuyệt vời khi (...) nó nuôi dưỡng một nền văn hóa cho phép mọi người có toàn quyền 'ước mơ' cho tất cả anh chị em của mình, như Mục sư Martin Luther King Jr đã làm.

Đối với Đức Giáo Hoàng, giấc mơ đó của người Kitô giáo là tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, thúc đẩy khơi dậy những gì sâu sắc và chân thật nhất trong cuộc sống của một người dân. Và, như Mục sư King đã giảng dậy trong nhiều dịp, Ngài nhấn mạnh đến những giấc mơ kiểu này không phải để an phận cho chính bản thân mình, mà là dẫn ta đến hành động, tham gia và dấn thân.

Cũng như các vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã gặp gỡ người con gái của Mục sư Luther King, bản thân cô cũng là một nhà hoạt động cho quyền lợi người dân. Lần gặp gỡ với cô Bernice Albertine được diễn ra tại Vatican ngày 12 tháng 3 năm 2018. Cuộc tiếp kiến riêng này mang một ý nghĩa lớn, vì nó diễn ra ba tuần trước ngày kỷ niệm 50 năm ngày Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát!

Như Đức Giáo Hoàng đã viết trong Thông điệp về Ngày Hòa bình Thế giới năm 2017, Mục sư Martin Luther King Jr. đã đạt được những thành công chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khó quên!

Cách thức đưa tới thành quả đạt cũng như những kết quả của mục đích đều được thực hiện một cách dứt khoát và kiên định qua sự bất bạo động, đã tạo ra những thành quả rất ấn tượng.

Ngược lại, như ĐTC đã chia sẻ trong buổi triều yết vào sáng thứ Tư (3/6/20) nhắc lại lời của Mục sư Luther King giảng thuyết tại Atlanta rằng “chẳng có gì thu tích được bằng bạo lực, ngoại trừ những mất mát!”
 
Biểu tình lan rộng trên thế giới. Đức Hồng Y Nhiếp Chính cử hành lễ cầu nguyện cho anh George Floyd
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:05 07/06/2020

1. Tin vui: Không còn ai nhiễm coronavirus tại Vatican

Hôm thứ Bẩy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết không còn trường hợp dương tính nào trong số các nhân viên tại Vatican, sau khi bệnh nhân cuối cùng đã thử nghiệm âm tính vào đầu tháng Sáu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết kể từ ngày 6 tháng 6, không còn bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào trong số các nhân viên của quốc gia thành Vatican và giáo triều Rôma.

“Sáng nay, người cuối cùng được báo cáo là nhiễm bệnh trong vài tuần qua cũng đã thử nghiệm âm tính với COVID-19, ” ông Bruni cho biết. “Từ ngày hôm nay, không có trường hợp dương tính với coronavirus nào trong số các nhân viên của Tòa thánh và tại quốc gia Thành Vatican.”

Vatican đã chứng kiến trường hợp coronavirus đầu tiên vào ngày 6 tháng 3. Đầu tháng 5, ông Bruni đã báo cáo trường hợp dương tính thứ 12 trong số các nhân viên.

Ông Bruni cho biết vào thời điểm đó, nhân viên thứ 12 đã làm việc từ xa kể từ đầu tháng 3 và đã tự cô lập khi các triệu chứng bắt đầu phát triển.

Vào cuối tháng 3, Vatican tuyên bố đã thử nghiệm 170 nhân viên Tòa Thánh đối với coronavirus, tất cả đều cho kết quả âm tính, đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô và những người làm việc gần nhất với ngài hoàn toàn không nhiễm virus quái ác này.

Sau ba tháng đóng cửa, Bảo tàng Vatican đã mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 6. Các khách du lịch đã có thể viếng viện bảo tàng chỉ cần đặt vé trước và phải đeo khẩu trang y tế, cũng như phải kiểm tra nhiệt độ ở lối vào.

Việc mở cửa Bảo tàng Vatican diễn ra chỉ hai ngày trước khi Ý mở lại biên giới với du khách Âu châu, và dỡ bỏ yêu cầu cách ly trong 14 ngày khi đặt chân đến Ý.

Đền Thờ Thánh Phêrô đã mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 18 tháng 5 sau khi được vệ sinh và khử trùng kỹ lưỡng. Thánh lễ công khai được nối lại ở Ý cùng ngày trong các điều kiện nghiêm ngặt.

Du khách đến Đền Thờ Thánh Phêrô phải trải qua việc kiểm tra nhiệt độ và đeo khẩu trang y tế.

Ý đã có tổng cộng hơn 234, 000 trường hợp nhiễm coronavirus, và gần 34, 000 người đã chết.


Source:Catholic News Agency

2. Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra trên toàn thế giới

Hàng chục ngàn người đã tập trung tại các thành phố rất xa Hoa Kỳ để bày tỏ sự tức giận về cái chết của George Floyd, một dấu hiệu cho thấy phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đang bùng lên mạnh mẽ với những lời kêu gọi rộng rãi hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Á châu, Úc châu và Âu châu.

Tại Berlin, cảnh sát cho biết 15, 000 người đã tập trung trong một cuộc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Alexander của thủ đô Đức, những người biểu tình đã hô vang tên của Floyd và giương cao những tấm bảng với các khẩu hiệu như “Ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát” và “Tôi không thể thở được”.

Cảnh sát đã bắn hơi cay khi những người biểu tình ném chai và đá vào cảnh sát ở thành phố cảng phía nam của Pháp nhằm chống lại sự lạm dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.

Những người biểu tình quỳ xuống trước các sĩ quan chống bạo động, phát biểu và hô vang trước khi lên đường diễu hành qua thành phố. Nhưng ở đoạn cuối, cuộc tuần hành đã kết thúc trong hỗn loạn với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tại Úc, ba vụ bắt giữ được thực hiện trong các cuộc biểu tình ở Sydney ngày thứ Bẩy, với sự tham dự của đám đông khổng lồ khoảng 20, 000 người.

Chính quyền Úc âu lo các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tranh đấu cho người thổ dân.

Thật vậy, tổ chức GetUp, “Hãy đứng lên”, chuyên đòi công lý cho người Thổ dân đang thu góp các tài liệu từ người Thổ dân bị ngược đãi hoặc là nạn nhân của cảnh sát. Chỉ tại tiểu bang Queensland, họ đã gom được 433 vụ và nhóm này đã tổ chức buổi cầu nguyện thắp lên 433 ngọn nến cho 433 nạn nhân!

Họ cho rằng bên Hoa kỳ chỉ có một ông George Floyd, còn ở Úc có tới 433 nạn nhân là thổ dân đã chết vì sự tàn bạo của cảnh sát.

Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy, các công tố viên cho biết hai nhân viên cảnh sát Buffalo bị buộc tội tấn công vào một người cao niên, sau khi một đoạn video cho thấy họ đẩy một người biểu tình 75 tuổi trong một cuộc biểu tình.

Robert McCabe và Aaron Torgalski đã không nhận tội đối với cáo buộc tấn công cấp hai. Họ đã được thả ra mà không cần đóng tiền tại ngoại hầu tra.

Các viên chức cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác không lương vào hôm thứ Sáu sau khi một đoàn làm phim truyền hình ghi được cuộc đối đầu trước khi gần kết thúc cuộc biểu tình.

McCabe, 32 tuổi và Torgalski, 39 tuổi, “vượt qua ranh giới” khi họ đẩy người đàn ông quá mạnh khiến ông ta ngã về phía sau và đập đầu vào vỉa hè.

Martin Gugino đã tiếp cận với các viên chức cảnh sát trước khi bị hai người xô xuống đất.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông được xác định là Martin Gugino đang tiếp cận một hàng sĩ quan đội mũ bảo hiểm cầm dùi cui khi họ biểu tình từ Quảng trường Niagara vào khoảng thời gian giới nghiêm 8 giờ tối.

Các viên chức cảnh sát đẩy Gugino về phía sau, và anh ta đập đầu vào vỉa hè. Máu đổ khi các cảnh sát đi qua. Một người cảnh sát cúi xuống để kiểm tra người đàn ông bị thương như thế nào nhưng một người khác hối thúc anh ta đi tiếp.


Source:Washington Post

3. Đức Hồng Y Nhiếp Chính cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho anh George Floyd và Hoa Kỳ
Rôma đã tham gia vào con số ngày càng nhiều các thành phố trên khắp thế giới tưởng niệm cái chết của George Floyd, người da đen tại Minneapolis chết thảm vì sự tàn bạo của cảnh sát. Cái chết của anh trong những ngày qua đã được nhớ đến tại Thành phố vĩnh cửu trong các buổi cầu nguyện và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và loại trừ xã hội.

Trong một lời buổi cầu nguyện canh thức vào tối thứ Sáu do cộng đồng Thánh Egidio tổ chức với chủ đề cầu cho sự “chung sống hoà bình” tại Mỹ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, là Hồng Y Nhiếp Chính và cũng là Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống đã dâng lời cầu nguyện cho Floyd, và gọi ông là “người ngay thẳng.”

“Chúng ta cầu nguyện cho anh ấy, cho gia đình anh, nhưng chúng ta cũng cầu nguyện tối nay cho Hoa Kỳ, cho tất cả mọi dân tộc, để họ tìm thấy bình an, thanh thản và sự hiểu biết lẫn nhau” như một dấu chỉ bảo đảm sự gần gũi của Giáo Hội Công Giáo đối với tất cả những người phải gánh chịu bạo lực và phân biệt đối xử ở Mỹ

Mặc dù sinh ra ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y Farrell đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Washington, Hoa Kỳ từ năm 2002 đến 2007 và giám mục Dallas từ 2007 đến 2016, khi ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho trách vụ tại Vatican.

Đề cập đến một số cuộc biểu tình đã kết thúc trong bạo lực và phá hoại, Đức Hồng Y để lên tiếng cầu xin cho “tất cả các bạo lực trên đường phố Hoa Kỳ ngưng lại, mọi hình thái phân biệt chủng tộc phải được khắc phục và công lý được khẳng định, và người dân tại Hoa Kỳ có thể trở lại các sinh hoạt trong thanh thản và hòa bình, là điều cần thiết trong một thời điểm khó khăn như hiện nay.”

Đêm cầu nguyện vào hôm thứ Sáu đã được tổ chức sau cái chết của Floyd gần hai tuần trước, và các cuộc biểu tình toàn cầu đã xảy ra sau đó. Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã qua đời khi bị cảnh sát bắt giữ sau khi một viên chức cảnh sát quỳ trên cổ và lưng anh trong 8 phút 46 giây, bất chấp lời cầu xin của Floyd là anh ta không thể thở được.

Cộng đoàn Thánh Egidio, là một nhóm giáo dân tích cực dấn thân cổ vũ các học thuyết công bằng xã hội của Giáo hội, rất được Đức Thánh Cha yêu thích. Ngài cũng đã nhắc đến vụ của anh George Floyd trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư.

Buổi cầu nguyện vào tối thứ Sáu, được phát trực tiếp từ nhà thờ Santa Maria in Trastevere, là một trong những cử hành Phụng Vụ chính thức đầu tiên được tổ chức sau khi các hạn chế vì coronavirus được dỡ bỏ ở Ý. Nhà thờ đầy người tham dự và buổi cầu nguyện này có sự tham gia của một số nhân vật và đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh, mặc dù vẫn phải tuân theo các quy định về khoảng cách xã hội và phải đeo khẩu trang y tế.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Farrell nhớ lại phong trào dân quyền Hoa Kỳ trong những thập niên 1960 và 70, và nói rằng trong lúc người ta có khuynh hướng nghĩ rằng “sau nhiều năm dài chiến đấu cho dân quyền và bình đẳng chủng tộc, sự bất công trong quá khứ sẽ không thể lặp lại nữa.”

“Nhưng chúng ta phải chứng kiến với nỗi buồn rằng không phải là như thế. Hòa bình xã hội và chung sống huynh đệ trong các công dân không bao giờ có thể được coi là chuyện đương nhiên.” Ngài nhấn mạnh rằng các phong trào xã hội chống lại các hình thái phân biệt chủng tộc trong những năm 1960 “chắc chắn đã để lại một dấu ấn sâu sắc” trong lương tâm quốc gia, nhưng vẫn “chưa giải quyết dứt khoát tất cả các vấn đề.”

“Xã hội huynh đệ luôn luôn phải được xây dựng một lần nữa, nó không bao giờ có thể đạt được một lần dứt khoát là xong và giữ nguyên tình trạng ổn định như thế, bởi vì trái tim con người luôn luôn gần gũi một cách thân mật với tính ích kỷ và thường xuyên bị ô nhiễm bởi tội lỗi. Bất công mới, bạo lực mới, áp bức mới, luôn nảy sinh.” Trong bối cảnh như thế, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải trao ban cho thế giới các giá trị của Tin Mừng.

Mỗi người được rửa tội, phải trở nên một “đền thờ của Thiên Chúa” trong đó không có chỗ cho hận thù và sự khinh miệt người khác.

Ghi nhận rằng Hoa Kỳ từ khi mới được thành lập đã là một quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo, Đức Hồng Y Farrell chỉ ra các nguyên tắc sáng lập của dân tộc Hoa Kỳ, trong đó bao gồm “sự bình đẳng của tất cả mọi người, các quyền bất khả xâm phạm đối với cuộc sống và tự do mà Đấng Tạo Hóa ban cho tất cả mọi người, khoan dung, chung sống hòa bình, cơ hội bình đẳng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc phải dành cho tất cả mọi người.”

“Những lý tưởng này được ghi khắc trong DNA của Hoa Kỳ và là một phần của hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ không gì khác hơn là bản dịch các học thuyết xã hội Kitô giáo sang ngôn ngữ của pháp luật dân sự.”

“Đó là lý do tại sao mỗi khi các Kitô hữu chúng ta làm cho những giáo huấn của Chúa Giêsu được mọi người biết đến, là chúng ta đang giúp đỡ tất cả đồng bào chúng ta trở về với lý tưởng đích thực của đất nước chúng ta, hiến pháp và pháp luật của chúng ta, ” Đức Hồng Y nói, và lưu ý cách thức trong Phúc Âm Chúa Giêsu đối xử với tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, liên kết chính trị hoặc địa vị xã hội và kinh tế.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Farrell cũng than thở về một thực tế tồn tại ngay cả giữa các Kitô hữu, “cách suy nghĩ méo mó cũng có thể xâm nhập, dẫn chúng ta đến với tư tưởng phe phái, giữ khoảng cách với những kẻ thuộc về phía bên kia: những người giàu xa cách người nghèo, những người trí thức kỳ thị người ít học, người cấp tiến chống lại những người bảo thủ, người da trắng chống lại người da đen.”

Khi tách biệt với những người khác, “chúng ta hoàn toàn mất đi nhận thức về chiều kích phổ quát của thông điệp Chúa Kitô hoặc thậm chí kết thúc với việc đồng hóa đức tin Kitô của chúng ta với tầm nhìn ý thức hệ của phe phái mà chúng ta đã chấp nhận.”

Ngài kêu gọi các Kitô hữu phải gắn bó với khái niệm Tin Mừng theo đó “tất cả mọi người là một trong Chúa Giêsu Kitô” để thúc đẩy tốt hơn lợi ích xã hội, “tránh tầm nhìn cục bộ và ý thức hệ”

Ngoài các buổi cầu nguyện, cái chết của Floyd còn được ghi nhận với nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Ý, một quốc gia cũng có vấn đề với các định kiến chủng tộc và đôi khi các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp da đen vẫn bị la ó khi họ ra sân.

Tại Rôma, trong khi buổi cầu nguyện vào hôm thứ Sáu đang diễn ra, một cuộc biểu tình ngồi cũng được tổ chức tại quảng trường thành phố Piazza Barberini, một khu phố gần Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ý.

Các cuộc biểu tình tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ở Napoli và tại Florence gần Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, và tại Milan trước nhà ga xe lửa chính của thành phố.

Trong bài giảng hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Farrell đã lên tiếng chống lại bạo lực trong một số cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ, và nói rằng “người ta không thể hy vọng sẽ thúc đẩy hòa bình xã hội thông qua bạo lực, người ta không thể vượt qua bất công bằng cách gây ra các bất công và tội ác khác thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với những gì mình mong muốn tố cáo.”

Kêu gọi mọi người không nên “mù quáng trút hết cảm xúc tức giận và thất vọng lên những người vô tội, ” Đức Hồng Y nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng “một cái gì đó còn sót lại như một thiện ích lâu dài cho tất cả mọi người và được xây dựng trên các nguyên tắc của tình huynh đệ, trong tinh thần thượng tôn pháp luật và xứng đáng với nhân phẩm”.

“Nói cách khác, tấn công và các cử chỉ khinh mạn, cướp bóc và bạo lực chẳng dẫn đến điều gì tốt cho tương lai. Vì lý do này người Kitô hữu chúng ta không được trốn tránh trong sợ hãi, ngược lại, chính trong những khoảnh khắc căng thẳng xã hội kinh hoàng và tế nhị này, chúng ta phải dám lên tiếng vì những lợi ích thực sự và lâu dài với mong muốn cổ vũ cho sự bình đẳng, tôn trọng và công bằng.”

Để kết luận, Đức Hồng Y Farrell cầu xin Thiên Chúa “ghé mắt nhìn tất cả các nạn nhân vô tội đã chết vì sự bất công và phân biệt chủng tộc, ” và cầu nguyện rằng “máu của họ giúp cho dân tộc thân yêu của chúng ta biết xây dựng một xã hội thực sự hòa bình và huynh đệ.”


Source:Crux

 
Thánh Ca
Thánh Ca: Ngọn Nến Lung Linh- Sáng tác: Thế Thông
Đa Minh Rosa Lima
02:37 07/06/2020