Tiến sĩ Angela Franks là một nhà thần học, diễn giả, nhà văn và là mẹ của sáu đứa con. Bà phục vụ với tư cách là Giáo sư Thần học tại Chủng viện St. John ở Boston và là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Viện Abigail Adams ở Cambridge. Bà giữ mục Đời Sống và Phẩm Giá cho tạp chí Church Life Journal của Đại học Notre Dame. Trên tạp chí The Thomist số 87, bà có bài “Jesus the Way and Synodality” (https://whatweneednow.substack.com/p/jesus-the-way-and-synodality):



Khi tôi được yêu cầu viết về tính đồng nghị cho The Thomist, một tạp chí học thuật, tôi đã cố gắng từ chối. Tôi đã không say mê theo dõi các diễn biến, nhưng tôi đã lưu ý rất nhiều xã hội học, nói chung thuộc loại thế phẩm chất lượng kém, cũng như sự vắng mặt rõ rệt của tên Chúa Giêsu Kitô ở đó.

Tuy nhiên, chủ bút đã thắng thế, và vì tội lỗi của mình, tôi quyết định có một cái nhìn mới về chủ đề này. Tôi lấy điểm khởi đầu của mình từ từ nguyên của chữ synod, như một con đường (hodos) cùng đi với nhau (syn). Khi thăm dò chữ “con đường” trong Kinh thánh, tôi đã phát hiện ra một số hướng dẫn quan trọng để hiểu về tính đồng nghị, vốn đã vươn lên bình diện Kitô giáo thực sự (trái ngược với bình diện xã hội học đơn thuần). Trong tiểu luận này, tôi sẽ tóm tắt những hướng dẫn đó.

I. Người nhắc đến chữ “con đường” rõ ràng nhất là chính Chúa Kitô, Đấng là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Nhưng chữ “con đường” lần đầu tiên được tìm thấy trong Kinh thánh tiếng Do Thái, nói về đường lối chính trực của Thiên Chúa, được ban cho dân Israel trong luật pháp của Người. “Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1:6). “Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng, lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng” (Is 26:7). Ngôn ngữ này được phát triển trong Tân Ước. “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính...” (Mt 21:32). “Chúng đã bỏ con đường ngay thẳng mà lạc lối, đi theo con đường của Balaam, con trai Bôsô, là kẻ ưa thích được trả tiền công vì làm điều ác…” (2 Pr 2:15). “Con đường ngay thẳng” hay “con đường công chính” gắn liền với việc tuân theo lề luật của Thiên Chúa. ““Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14).

Chúa Kitô tiếp thu những lời khuyên dạy này về sự công chính và kết nối chúng với Bản vị của Người; bây giờ con đường công chính không chỉ là vấn đề tuân theo lề luật của Thiên Chúa mà là đi theo Con Đường là chính Người. Ngay cả những người Pharisiêu cũng thừa nhận rằng Chúa Giêsu “thành thật và [dạy] đường lối của Thiên Chúa phù hợp với sự thật” (Mt 22:16), nhưng Người còn hơn thế nữa: Người chính là Đường.

Tính triệt để của tuyên bố này thậm chí có thể được hiểu rõ hơn bằng cách nhìn vào bối cảnh của Gioan 14, trong đó, Chúa Giêsu tự xưng là Đường.

Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường [hodon] rồi” (Ga 14:1–4)

Đến đây, chúng ta (đã biết phần cuối câu chuyện) có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang nói về con đường Thập Giá, Phục Sinh và Lên Trời của Người. Nhưng Tôma, với đặc sủng nói to lên những gì người khác nghĩ, đã thúc đẩy câu chuyện diễn ra một cách đáng ngạc nhiên.

Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu; làm sao chúng con biết được đường đi [hodon]?” Chúa Giêsu nói với ông: “Thầy là đường [Egō eimi hē hodos], là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy thì các con cũng biết Cha Thầy; ngay từ bây giờ, các con biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:5–7).

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng câu 4 và 6 giải thích lẫn nhau. Con-đường-Chúa-Giêsu-đi cũng là một với chính Người. Người là Con-đường-Người-đi, khi Người đích thân đi tới Chúa Cha. Chúa Giêsu không chỉ là con đường cho chúng ta, theo nghĩa một tấm gương để chúng ta noi theo (dù Người cũng là như vậy). Chính Người là con đường. Người là một danh từ nhưng theo một nghĩa nào đó, Người cũng là một động từ, là chính việc bước đi.

Tuyên bố này đơn giản là không thể hiểu được - như các Tông đồ dường như nhận thấy - nếu không hiểu một nền thần học Ba Ngôi nào đó (vì vậy hãy thắt dây an toàn). Theo Thánh Tôma Aquinô, Các Ngôi trong Ba Ngôi là “những mối quan hệ tồn hữu”. Để hiểu điều này, bạn cần biết sự phân biệt do Aristốt đưa ra giữa bản thể và những tùy thể. Như Thánh Tôma giải thích về Aristốt, các bản thể tự hiện hữu, như “một hữu thể” hoặc “điều này”. Nói cách khác, là con ruồi giấm này, là con người đó, là cây phong này. Tốt, nhưng điều gì không “tự hiện hữu” như “điều này”? Chà, đối với một số người có thể là “accidents”.

Đối với các triết gia, “accidents” không có nghĩa là làm rơi ly cà phê hay đụng xe. “Accidents” (tùy thể) là một điều gì đó phụ thuộc vào một bản thể để hiện hữu. Màu sắc chẳng hạn: cây phong này chuyển sang màu vàng vào mùa thu. Nhưng màu vàng không phải là thứ bạn hướng tới, hay là bạn phải mất một ngày để đi tham quan. (“Cuối tuần này bạn làm gì?” “Ồ, tôi đang lái xe lên để xem màu vàng.” “mà, màu vàng chứ?”) Bạn không nhìn vào màu vàng; bạn nhìn vào những thứ màu vàng. Màu sắc, giống như màu vàng, chỉ hiện hữu trong sự vật, tức là trong các bản thể. Vì vậy, màu sắc không “tự hiện hữu” mà chỉ hiện hữu “trong sự vật” - trong các bản thể mà cách tự hiện hữu đặc thù của chúng còn được gọi là tồn hữu (subsisting). Các bản thể tồn hữu, trong khi các tùy thể hiện hữu nơi hữu thể khác.

Các mối liên hệ đều là tùy thể; bạn không gặp tình phụ tử, thay vào đó bạn gặp những con người (bản thể!) là những người cha (các mối liên hệ). Ngoại lệ chứng tỏ quy luật, ngoại lệ đó là… Ba Ngôi. Trong Thiên Chúa, có những mối liên hệ hành động như những bản thể, bởi vì những mối liên hệ này tồn hữu. Nói cách khác, Chúa Cha không phải là một người (rất, rất, rất) to lớn nào đó đồng thời cũng là một người cha. Tư cách cha trong Thiên Chúa không phải là một tùy thể. Thực ra, không có gì nơi Thiên Chúa là tùy thể cả; Người hoàn toàn đơn giản. Như Thánh Tôma nói, “bất cứ điều gì ở trong Thiên Chúa đều là Thiên Chúa”. Điều ở trong chúng ta là tùy thể – mối liên hệ – trong Thiên Chúa đơn giản là chính Người. Thiên Chúa không có tình yêu (như chúng ta); Người chính là tình yêu, đồng nhất với tình yêu (xem I Ga 4:8).

Như vậy, Thiên Chúa Cha tự sinh ra chính mình, từ thuở đời đời, sinh ra Chúa Con và thở ra Chúa Thánh Thần. Đây không phải là những hành động rời rạc mà đơn giản là đồng nhất với chính Thiên Chúa Cha. Theo nghĩa đó, khía cạnh “động từ” và khía cạnh “danh từ” của Ba Ngôi—Việc hành động và việc hiện hữu của Các Vị—đơn giản là đồng nhất.

Cũng vậy, Chúa Con đơn giản mối liên hệ làm con (filiation), được Chúa Cha sinh ra và là việc thổi ra Chúa Thánh Thần. Nhưng còn một điều khác về Chúa Con: Người nhập thể thành Chúa Giêsu Kitô bằng cách mang lấy bản chất con người vào Ngôi vị của Người. Như là Thần-nhân, Chúa Giêsu nói với Tôma rằng Người là con đường mà ngài sẽ đi. Người có thể như vậy chính vì từ đời đời Người là sự tiếp nhận vĩnh viễn quyền làm con từ Chúa Cha. Như đoạn Gioan 14 tiếp tục, “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:12).

Joseph Ratzinger gọi đây là “hữu thể xuất hành” của Chúa Giêsu; tôi gọi nó là bản chất-véctơ của Chúa Kitô. Toàn bộ sự hiện hữu của Chúa Giêsu là con đường dẫn tới Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian và sẽ về cùng Chúa Cha (Ga 14:28), Người vừa là Đấng được sai đi vừa là chính Con đường của sai đi và bước đi.

Chúng ta dường như đang ở rất xa “tính đồng nghị”. Và quả thực, đó có thể là một phần của vấn đề. Hodos mà Chúa Giêsu xem ra dường như quá xa vời với tâm trí của mọi người khi họ viết và nói về tính đồng nghị. Tuy nhiên, để trở thành Kitô hữu trọn vẹn, chúng ta phải thừa nhận rằng bất cứ “con đường” nào của tính đồng nghị đều phải bắt nguồn từ Chúa Kitô là Đường, trong Người mà chúng ta là Kitô hữu phải “sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:28).

Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để đồng hình đồng dạng, một cách xa xôi, với việc Chúa Con đến và đi từ và tới Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21); và phù hợp với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần: “[Chúa Giêsu nói:] 'Như Kinh thánh đã nói: “Sông nước sống sẽ chảy ra từ lòng người tin.”' Bây giờ, Người nói điều này về Chúa Thánh Thần, Đấng mà những người tin vào Người phải đón nhận…” (Ga 7:38–39). Như Ratzinger lưu ý, “Trở thành một Kitô hữu có nghĩa là giống như Chúa Con, trở thành một người con; nghĩa là không đứng một mình và trong chính mình, mà sống hoàn toàn cởi mở trong tư thế ‘từ’ và ‘hướng tới’”.

Có lẽ vì lý do này mà Giáo hội của các Tông đồ đã nhanh chóng được gọi là “con đường” [đạo] (Cv 9:2). Giáo Hội hiện hữu để là con đường dẫn tới Con Đường là Chúa Kitô. Ở đây, tất cả ngôn ngữ Cựu Ước về “con đường công chính” đều tìm thấy vị trí của nó trong Giáo hội, bởi vì người Do Thái biết rằng không phải mọi con đường đều phù hợp với đường lối của Thiên Chúa. “Chúa phán thế này: Này Ta đặt trước mặt các ngươi con đường sống và con đường chết” (Grm 21:8; xem Đnl 30:15). Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trích dẫn Is 59:8: “Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc hoạ. Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an” (Rm 3:15-17). Bối cảnh trong thư Rôma 3 nhằm nhấn mạnh rằng tất cả đều thiếu sót và cần có sự cứu chuộc do máu Chúa Kitô. Chỉ trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm được con đường bình an, bởi vì chỉ trong Chúa Kitô mới có sự cứu rỗi (xem Cv 4:12).



Theo Người đòi hỏi một lối sống nhất định. “Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người (I Tx 4:7–8). Thân xác của người Kitô hữu là một phần của thân thể Chúa Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần (xem I Cr 6:17–19). “Vì bạn đã được mua bằng một giá đắt; vậy hãy lấy thân xác mình mà tôn vinh Thiên Chúa” (I Cr 6:20). Như Israel vốn biết, Giáo hội cũng lặp lại rằng có con đường công chính và con đường chết chóc.

Thánh Phaolô đã đích thân trải nghiệm điều này, đã trải qua cả hai con đường. Ngay sau khi nhận được những lá thư để bách hại Giáo hội, những người “của Con Đường” (tēs Hodou, Cv 9:2), chính ngài, như Ananias đã cho thấy, là người nhận được sự hiện ra của Chúa ở “trên đường” (en tē hodō, 9:17) đến Đamát. Điều được dự định là cuộc hành trình đi đến cái chết của Giáo hội lại trở thành cuộc hành trình dẫn đến sự sống cho Thánh Phaolô và cho các dân tộc, trong lòng con đường giáo hội được đại diện bởi Ananias, người chữa lành và rửa tội cho ngài, và bởi Barnabas, người biện hộ cho ngài (xem 9:27). Thánh Phaolô viết và hành động như ngài đã làm một phần là để bảo vệ các bước đi của Giáo Hội non trẻ, để Giáo Hội có thể vững bước đi trên con đường dẫn tới Con Đường.

Như thế, bất cứ phiên bản nào của tính đồng nghị nếu bỏ qua cả Chúa Kitô là Đường Đi lẫn đời sống luân lý là con đường dẫn đến Người đều không đạt đến bình diện syn-hodos, con đường cùng nhau bước đi.

Nhưng còn việc lắng nghe, sự đa dạng và sự đồng hành, những khẩu hiệu được lặp đi lặp lại thì sao? Chúng thích ứng ra sao? Trên thực tế, Gioan 14 cũng giúp chúng ta hiểu được chúng. Câu 2 nói đến việc có nhiều chỗ ở trong nhà Cha. Theo truyền thống, khía cạnh này của Giáo hội được thể hiện bằng một “dấu hiệu” của Giáo hội, đó là “tính Công Giáo” hay “tính phổ quát”. Giáo Hội Công Giáo không phải là một tổ chức dựa trên địa lý, quốc gia hay giai cấp; nó dành cho tất cả mọi người, ở mọi thời điểm và địa điểm. Kitô giáo dành cho “tất cả các dân tộc” (Mt 28:19), và Chúa Kitô ở với chúng ta “mọi ngày” (Mt 28:20).

Như Hans Urs von Balthasar đã nói, mỗi Kitô hữu, nhờ phép rửa, nhận được “một nhiệm vụ và sứ mạng thuộc về mình chứ không thuộc về ai khác”. Trên thực tế, Balthasar lập luận, sứ mệnh này là bí quyết dẫn tới bản sắc mỗi con người. Nó chứa đựng “ý tưởng sâu sắc nhất về bản ngã họ - mà nếu không thì sẽ không thể khám phá được.”

Những sứ mệnh này có thể bao gồm việc tạo ra các linh đạo và tổ chức mới, như lịch sử của Giáo hội đã chứng minh rõ ràng. Đức Hồng Y Ratzinger nói rằng những hình thức mới này “là câu trả lời của Chúa Thánh Thần cho những hoàn cảnh đang thay đổi trong đó Giáo hội đang sống”. Những hình thức mới này xuất hiện từ bên dưới thay vì bị áp đặt về mặt hành chính từ bên trên. “Chúng phải được trao cho chúng ta, và chúng đã được trao. Chúng ta chỉ cần lưu ý đến chúng: bằng ơn biện phân …” Nói cách khác, sự biện phân liên quan đến tính xác thực của một sứ mạng như được đo lường bằng mặc khải và sự thánh thiện. Phong trào hay nền linh đạo mới này có phải là con đường đi đến Con Đường không? Hay nó dẫn đi xa khỏi Con Đường?

Nói cách khác, việc biện phân không phải là vấn đề hỏi xem liệu một nẻo đường hay quan điểm đặc thù có phù hợp với tôi hay không. Đúng hơn vấn đề phải hỏi là liệu nó có khiến tôi trở nên giống Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần hơn hay không, và Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta rằng việc phù hợp với Chúa Kitô là phù hợp với việc đóng đinh [cruciformity]. Chúng ta phải hoàn thành những đau khổ của Chúa Kitô (xem Cl 1:24) trong xác thịt của chính mình (xem Gl 6:17), như một việc đặt cọc cho sự phục sinh của xác thịt đó theo gương Chúa Kitô (xem I Cr 15:20).

Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết thêm rằng việc truyền giáo nhằm xây dựng thân thể của Chúa Kitô, là Giáo hội. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (I Cr 12:4–7; xem thêm I Cr 14:4, 12). Những đặc sủng này phải được Giáo hội kiểm nghiệm. “Hãy kiểm tra mọi sự : điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (I Tx 5:21–22).

Một tiêu chuẩn mà Giáo hội đưa ra đối với các phong trào mới là liệu chúng có phù hợp với “sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiểu biết về Con Thiên Chúa” hay không (Eph 4:13). Chỉ nhờ sự hiệp nhất đó mà sự hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô mới được duy trì, để nó có thể “sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Eph 4:15–16).

Do đó, lạc giáo làm tổn hại đến sự hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô, nhưng lạc giáo đồng thời làm tổn hại đến sự đa dạng thực sự của các sứ vụ của giáo hội. Do đó, nghịch lý thay, nếu không có sự hiệp nhất thì nhiệm thể của Chúa Kitô cũng sẽ thiếu sự đa dạng! Một cơ thể với tất cả các bộ phận của nó phải thống nhất để sống. Nếu không, Balthasar khẳng định, “sẽ không có cơ thể sống mà chỉ có sự khác biệt tuyệt đối”, các bộ phận riêng lẻ của cơ thể - bàn tay này, cơ quan kia - bị cắt khỏi toàn thể, không có sự sống và cuối cùng là thối rữa. Chức vụ trong Giáo hội, chẳng hạn như Huấn quyền, hiện hữu để phục vụ sự hiệp nhất này, và đôi khi điều đó có nghĩa là Giáo hội phải nói không với một Kitô hữu nào đó cứ khăng khăng đòi tính chân chính cho việc biện phân của họ. Balthasar viết,

“Chính chức vụ của Giáo hội giành lấy những tiêu chuẩn riêng của từng cá nhân và giao chúng cho Chúa của Giáo hội, bảo đảm rằng kinh nghiệm về tình yêu của Giáo hội sẽ vượt lên trên chính nó theo hướng tình yêu của Chúa Kitô (với tư cách là Đầu của Giáo hội) và sẽ vượt qua mọi tính chủ quan của nó và đạt tới tính khách quan của tình yêu ‘tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13:7)”.

Như thế, chức vụ trong Giáo hội phải lưu ý đến sự đa dạng thực sự của các sứ mệnh trong thân thể, như những điều ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi bất cứ nơi nào Người muốn, và nó phải kéo tất cả các Kitô hữu ra khỏi tầm nhìn giới hạn của họ để đạt tới một bình diện giáo hội thực sự phổ quát.

Lumen Gentium của Công đồng Vatican II cho chúng ta biết rằng nhiệm vụ cổ vũ sự hiệp nhất của Giáo hội, trong căn bản, thuộc về Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, mỗi giám mục là nguyên tắc và nền tảng của sự hiệp nhất trong giáo phận của mình. Những vai trò định chế này cũng là các đặc sủng, nghĩa là các ơn của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng thân thể. Chúng không phải là sự áp đặt của con người đối với quyền tự do của các thành viên Giáo hội, mặc dù chúng có thể xuất hiện hoặc thậm chí được thực hiện theo cách đó; không có gì bảo đảm rằng các thành viên của hàng giáo phẩm, kể cả Đức Giáo Hoàng, sẽ không sai lầm trong hoạt động củng cố hoặc đàn áp các phong trào và đặc sủng của giáo hội. Khả thể này là kết quả tất yếu của khía cạnh con người của Giáo hội. Nhưng chúng ta không thể đáp lại khả thể này bằng cách bác bỏ toàn bộ cấu trúc. Đúng hơn, chúng ta phải tin tưởng rằng sự quan phòng của Chúa Cha sẽ bảo đảm để những sứ mệnh đích thực sẽ được hoàn thành, hy vọng bởi người Kitô hữu đã nhận sứ mệnh, nhưng có lẽ theo một cách khác, bởi một người khác, có thể ở một thời đại khác. Sứ mệnh quan trọng hơn thành tích cá nhân của người được giao nó. “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (I Cr 3:6–8).

Tôi tin rằng những điểm này phác họa một tầm nhìn thực sự của Kitô giáo về tính đồng nghị, chứ không phải là một tầm nhìn xã hội học kém tiêu chuẩn. Con Đường là Chúa Kitô, Đấng là con đường Người sẽ đi, nghĩa là từ và về với Chúa Cha. Giáo Hội là con đường đi đến Con Đường này và Giáo Hội phải kêu gọi chúng ta đi vào con đường công chính để chúng ta có thể “di chuyển” trong Con Đường là Chúa Kitô. Tính đồng nghị, như một sự suy tư về tính đa dạng của các sứ mệnh trong sự hiệp nhất của Giáo hội - tính Công Giáo của Giáo hội - có thể nhắc nhở chúng ta về quá trình biện phân thực sự về sứ mệnh, vốn đòi hỏi việc xây dựng thân thể của Chúa Kitô, là Giáo hội.

Liệu Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị có phản ảnh những sự thật này không? Chà, tôi không phải là thầy bói, và chắc chắn có những dấu hiệu đáng nản lòng. Nhưng nếu chúng ta thực sự lắng nghe, các Kitô hữu có thể nghe được câu trả lời của Chúa Kitô: Egō eimi hē hodos, “Ta là Đường.” Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta phương tiện, nếu chúng ta chấp nhận chúng, để tìm thấy hữu thể của mình và “di chuyển” trong Con Đường đó.