Tạp chí mạng The Pillar, ngày 27 tháng 10 năm 2023 tường trình rằng: Các đại biểu tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị sẽ bắt đầu tranh luận vào tối thứ Năm về đề xuất sửa đổi của họ đối với một dự thảo “tường trình tổng hợp” nhằm tóm tắt cuộc họp kéo dài một tháng của họ ở Rome - và đưa ra các khuyến nghị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc thực hiện “tính đồng nghị” trong đời sống của Giáo Hội.



Sau khi các đề xuất sửa đổi được 365 đại biểu bỏ phiếu của thượng hội đồng xem xét, bản văn dự kiến sẽ được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu trước khi cuộc họp thượng hội đồng bế mạc vào tối thứ Bảy.

Tường trình dự thảo, mà The Pillar có được một bản sao, bao gồm một số phần có thể gây tranh cãi - bao gồm các vấn đề về khái niệm thần học của cảm thức đức tin, cùng với các phần đề cập đến các phương thức chăm sóc mục vụ của Giáo hội, trách nhiệm giải trình của giám mục, và các triển vọng thừa nhận phụ nữ vào chức phó tế.



Bản dự thảo dài khoảng 40 trang nhằm mục đích tóm tắt “kinh nghiệm của một Giáo hội đang học hỏi phong cách đồng nghị”, vốn thường được định nghĩa như một cách tiếp cận để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa thông qua lời cầu nguyện và cuộc đàm luận chung giữa các tín hữu.

Bản dự thảo giải thích: “Chúng tôi đã đáp lại lời mời chấp nhận một nhận thức mới về chiều kích đồng nghị của Giáo hội. Hành trình đồng nghị của Giáo hội hướng tới Vương quốc, Vương quốc sẽ được hoàn thành trọn vẹn khi Thiên Chúa là tất cả trong tất cả”.

Bản dự thảo đã có một cái nhìn rộng rãi về “tính đồng nghị”.

Bản dự thảo giải thích, “Theo nghĩa rộng nhất, tính đồng nghị có thể được hiểu là bước đi của các Kitô hữu với Chúa Kitô hướng tới Vương quốc, cùng với toàn thể nhân loại. Định hướng của nó là hướng tới sứ mệnh, và việc thực hành nó bao gồm việc tụ họp lại ở mọi bình diện của đời sống giáo hội”.

Nó nói thêm, “Ở đây, như một cách diễn tả việc Chúa Kitô hiện diện và sống động trong Thánh Thần, chúng ta lắng nghe nhau, tham gia đối thoại, phân định cộng đồng, xây dựng sự đồng thuận và đưa ra quyết định trong tinh thần đồng trách nhiệm dị biệt hóa”.

“Sự phong phú và sâu sắc của tiến trình đồng nghị cho thấy giá trị của việc mở rộng sự tham gia, vượt qua những trở ngại đối với sự tham gia đã xuất hiện cho đến nay, cũng như cảm thức nghi ngờ và sợ hãi”.

Tuy nhiên, “Giáo hội không suy gẫm về cấu hình đồng nghị của mình để đặt mình vào trung tâm của việc công bố, nhưng để thực hiện tốt nhất… việc phục vụ của mình đối với Vương quốc của Thiên Chúa”.

Bản dự thảo “tường trình tổng hợp” đưa ra một số gợi ý để tích hợp tính đồng nghị vào đời sống của Giáo hội - một số trong đó dự kiến sẽ nhận được sự phản đối từ những người tham gia thượng hội đồng.

Cụ thể nhất, tài liệu đề nghị rằng các hội đồng giám mục nên bầu ra một “thượng hội đồng giám mục thường trực để hỗ trợ thừa tác vụ Phêrô”.

Đề nghị đó sẽ là một sự thay đổi so với cơ cấu hiện tại của thượng hội đồng giám mục, trong đó các giám mục được triệu tập đến Rome trên cơ sở đặc biệt để cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về các vấn đề đặc thù. Không rõ liệu Đức Giáo Hoàng có chấp nhận đề nghị đó hay không, vì Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên cảnh cáo chống lại thái độ nghị viện trong việc thực thi tính đồng nghị, một thái độ có thể trở nên dễ xảy ra hơn trong một hội đồng thượng hội đồng được bầu và liên tiếp gồm các đại biểu thường trực.

Bản dự thảo cũng đề nghị việc du nhập “các hội nghị lục địa” để thúc đẩy sự tham gia liên tục giữa các giáo sĩ và giáo dân từ các nước láng giềng, đồng thời kêu gọi “sự hoán cải bản thân sang tính đồng nghị truyền giáo” nơi người Công Giáo.



Dù một số đại biểu cho biết họ không có đủ thời gian để đọc kỹ bản dự thảo trước khi đưa ra tranh luận, vẫn có những vấn đề có thể sẽ được đề xuất sửa đổi trong những ngày cuối cùng của thượng hội đồng.

Các nguồn tin nói với The Pillar rằng một số đại biểu tại Thượng Hội đồng dự kiến sẽ đặt câu hỏi về một phần của bản dự thảo liên quan đến “sự phân định của Giáo hội đối với các vấn đề gây tranh cãi”.

Về một số vấn đề đạo đức và mục vụ được nêu ra liên quan đến Thượng Hội đồng trong những năm gần đây, bản dự thảo nói rằng cần phải thảo luận thêm, vì đã có sự tham gia hạn chế về các chủ đề đó trong chính cuộc họp.

Đề cập đến các vấn đề “liên quan đến bản sắc giới tính và khuynh hướng tình dục, sự kết thúc của cuộc sống, hoàn cảnh hôn nhân khó khăn và các vấn đề đạo đức liên quan đến trí khôn nhân tạo”, tài liệu kêu gọi “các sáng kiến giúp phân định chung về các vấn đề gây tranh cãi, tín lý, mục vụ và đạo đức”.

Nhưng một số đại biểu đã nói rằng phần này không đề cập đầy đủ đến việc viện dẫn giáo huấn huấn quyền của Giáo hội về những “vấn đề gây tranh cãi” đó và dường như có ý gièm pha huấn quyền khi chỉ trích triển vọng “ẩn náu trong sự thoải mái của các công thức có sẵn”.

Các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng cho biết một số đại biểu lo ngại về đề xuất “nhận diện các điều kiện giúp cho việc nghiên cứu thần học và văn hóa có thể thực hiện được, lấy kinh nghiệm hàng ngày của dân Chúa làm điểm khởi đầu”.

Cách tiếp cận thần học đang gây tranh cãi giữa các giám mục vì một số người nói rằng điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu thần học phải là sự mặc khải của Thiên Chúa, sau đó được áp dụng vào kinh nghiệm của người Công Giáo. Một số nhà thần học đã nhấn mạnh rằng điểm khởi đầu của kinh nghiệm, chứ không phải là mặc khải, có thể dễ dàng dẫn đến một cách tiếp cận tương đối hóa đối với lý luận đạo đức.

The Pillar cho biết, vẫn còn các đại biểu khác bày tỏ sự thất vọng rằng bản dự thảo thượng hội đồng không có lập trường vững chắc hơn về các vấn đề đạo đức gây tranh cãi được nêu ra liên quan đến thượng hội đồng - trong số đó có các đại biểu đã bày tỏ hy vọng rằng thượng hội đồng có thể thúc đẩy triển vọng ban phép lành phụng vụ cho các cặp đồng tính, một vấn đề đang gây tranh cãi trong Giáo hội.



Theo các nguồn tin thân cận với tiến trình này, một số đại biểu dự kiến sẽ bác bỏ việc đề cập đến cảm thức đức tin của Giáo hội trong văn bản, mà bản dự thảo nói rằng “có tính chất tương tự nào đó với các thực tại thần linh và khả năng nắm bắt những gì phù hợp với chân lý đức tin một cách trực quan.”

Bản văn cho biết: “Các tiến trình đồng nghị nâng cao hồng ân này và giúp xác minh sự hiện hữu của đồng thuận đó nơi các tín hữu (consensus fidelium), vốn là một tiêu chuẩn chắc chắn để xác định liệu một tín lý hoặc thực hành đặc thù có thuộc về đức tin tông truyền hay không”.

Nhưng theo báo cáo, một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại rằng định nghĩa của bản dự thảo khác với tín lý Công Giáo về chủ đề này trong những điểm chính.

Một số giám mục cho rằng bản văn không đề cập đến vai trò của Huấn quyền trong việc đánh giá niềm tin của những người Công Giáo đặc thù. Những người khác nói rằng trong khi bản dự thảo gợi ý rằng một mẫu đại diện của người Công Giáo có thể chứng minh tính chính thống của một số tuyên bố về mặt tín lý, thì Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nói rằng khái niệm cảm thức đức tin chỉ có thể được viện dẫn khi “toàn thể dân Chúa… từ các giám mục đến người tín hữu cuối cùng… thể hiện sự đồng thuận phổ quát về các vấn đề đức tin và luân lý.”

Các nguồn tin nói rằng một số giám mục sẵn sàng thúc giục sửa đổi bản dự thảo, có thể thúc giục rằng nếu tài liệu đề cập đến cảm thức đức tin, thì nó sẽ rút ra từ Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, và từ một bản văn năm 2014 về chủ đề này của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Giám mục Daniel Flores, một đại biểu của Thượng Hội đồng, đã bày tỏ sự dè dặt với The Pillar vào tháng 11 năm ngoái về triển vọng áp dụng khái niệm thần học về cảm thức đức tin vào công việc của Thượng hội đồng.

Đức Cha Flores giải thích: “Tôi không nghĩ cảm thức đức tin có thể dễ dàng được đánh giá về mặt thần học”.

“Tôi không nghĩ các Giáo phụ hiểu điều đó theo cách đó. Đó là điều được thể hiện trong thực hành của Giáo hội, trong lời cầu nguyện của Giáo hội, trong cách Giáo hội đáp lại một cách tự phát trước một thách thức. … Phản ứng tự phát của anh em nhà Macabê trước lời kêu gọi làm ô uế chính mình - từ chối điều đó, đó là cảm thức đức tin, đó là biểu hiện của đức tin.”



Theo các nguồn khác, một số đại biểu cũng đang mong đợi triển vọng sửa đổi các đề xuất nhằm phát triển “các cơ cấu và diễn trình xem xét thường xuyên công việc của giám mục [giáo phận]”, nhằm củng cố quyền lực của tổng giám mục giáo đô đối với các giám mục giáo phận phụ thuộc trong tỉnh của ngài, và nhằm được thấy các sứ thần giáo hoàng thường xuyên được đánh giá bởi các giám mục giáo phận tại các vùng lãnh thổ nơi họ phục vụ.

Một số người nói rằng vấn đề ở đây là việc Công đồng Vatican II nhấn mạnh vào thẩm quyền của giám mục giáo phận – trong khi các đại biểu khác nói rằng trách nhiệm giải trình và cải cách của các giám mục là những vấn đề quan trọng, được nêu ra bởi các cuộc tham vấn thượng hội đồng địa phương trên khắp thế giới.

Cũng có khả năng là một số đại biểu sẽ phản đối hai đề nghị trong bản văn về việc thành lập các ủy ban để tiếp tục làm việc về tính đồng nghị. Một đề nghị là văn phòng thư ký Thượng Hội đồng “thành lập một ủy ban gồm các nhà thần học để được giao nhiệm vụ tiến hành công việc làm sáng tỏ thuật ngữ” liên quan đến tính đồng nghị.

Một đề nghị khác là thành lập một “ủy ban đặc biệt gồm các chuyên gia” để làm rõ “những hệ luận giáo luật của quan điểm đồng nghị”.

Nhưng theo các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng, một số giám mục đề nghị rằng nếu các ủy ban đó được thành lập, thì các thành viên nên được đề cử bởi các hội đồng giám mục - thay vì do Vatican bổ nhiệm - để đảm bảo tính đại diện thần học cho các quan điểm về các giám mục giáo phận ở nhiều phần khác nhau trên thế giới.

Các nguồn tin cho biết họ mong đợi sự ủng hộ rộng rãi của các đại biểu đối với các đề nghị thành lập các hội đồng mục vụ giáo xứ và giáo phận bắt buộc, vốn đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, cũng như các đề xuất để có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào việc đào tạo linh mục.

Không rõ liệu các đại biểu Thượng Hội đồng có tranh luận về một phần của bản dự thảo nói rằng “các quan điểm khác nhau đã được bày tỏ liên quan đến việc phụ nữ tiếp cận mục vụ phó tế hay không” - ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra các tiêu đề trong tuần này về những bình luận dường như loại trừ triển vọng này.

Dự thảo nói rằng “đối với một số người, bước này sẽ không thể chấp nhận được vì họ coi đó là sự gián đoạn với Truyền thống. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trao cho phụ nữ chức phó tế sẽ khôi phục việc thực hành của Giáo hội sơ khai. Tuy nhiên, những người khác vẫn coi đó là một phản ứng thích hợp và cần thiết trước những dấu chỉ của thời đại, trung thành với Truyền thống, và là một phản ứng sẽ tìm thấy tiếng vang trong tâm hồn của nhiều người đang tìm kiếm nguồn năng lực và sức sống mới trong Giáo hội.”

Các nguồn tin thân cận với Thượng Hội đồng nói rằng mặc dù phần đó chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng nó không phản ảnh kinh nghiệm của họ, rằng một số rất nhỏ đại biểu đã lên tiếng ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ, trong khi các lập luận chống lại ý tưởng này nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.



Cuộc tranh luận về đề xuất sửa đổi bản tường trình dự kiến vào tối thứ Năm và sẽ có nhiều sự xem xét hơn đối với những sửa đổi đó vào thứ Bảy.

Theo các viên chức Vatican, một tài liệu cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào tối thứ Bảy.