Giáo Điểm Trung Mang, Giáo Phận Đà Nẵng.

Trung Mang là địa danh của xã Ba, thuộc huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam. Từ Đà Nẵng lên Trung Mang, du khách phải vượt qua khoảng 60 cây số trên đường tỉnh lộ 14G. Người ta có thể đi theo xa lộ Hoàng Văn Thái khi đến gần Bà Nà thì rẻ trái để vào con đường 14G, tiến lên khu du lịch sinh thái Thần Tài, rồi Suối Hoa…và Lái Thiêu. Hoặc đi theo con đường Túy Loan lên. Sau khi vượt qua con dốc Kiền, quí vị đã bắt đầu đi vào địa giới xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Qua khỏi dốc Kiền chừng 4 cây số là chúng ta đến Giáo Điểm Truyền giáo Trung Mang, thuộc xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh cung đường miền núi này, du khách sẽ say mê thỏa thích nhìn ngắm những đồi chè Trung Mang thoai thoải, trải dài đến ngút ngàn, giữa núi rừng nguyên sơ, như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng và sinh động. Đồi chè Trung Mang thuộc nông trường Quyết Thắng (xã Ba, huyện miền núi Đông Giang). Nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách để phóng tầm nhìn ngút ngàn tươi mát và say mê săn tìm những bức hình kỷ niệm đầy thơ mộng. Du khách mê du lịch miền núi ngang qua đây không thể bỏ qua những đồi chè Trung Mang xinh tươi này. Nếu du khách qua đây vào đúng dịp những búp chè non vừa nhô lên, hoặc đúng lúc những đóa hoa chè trắng tinh nở rộ, thì chắc chắn đồi chè Trung Mang sẽ làm ngây ngất và say đắm lòng người. Có nhiều bạn trẻ thích chọn nơi này để chụp những bức hình cưới thật lãng mạng và độc đáo, theo phong cách Hàn quốc.

Trung Mang còn nỗi danh về loại chim cảnh “Chào mào Trung Mang”.Chào mào Trung Mang có chất giọng độc đáo mà không có nơi nào sánh kịp.

Khi đến trụ sở UBND xã Ba, chúng ta rẻ vào con hẻm ở bên trái, chừng 50m, là chúng ta đến Giáo điểm truyền giáo Trung Mang. Đây là vùng rừng núi bạt ngàn với khí hậu rất dễ chịu. Những đêm hè nóng bức ở thành phố, nhưng ở Trung Mang người ta phải đắp mền vì lạnh. Giáo điểm truyền giáo Trung Mang do linh mục Giuse Đỗ Xuân Hướng đã kỳ công tạo dựng. Trung Mang là khu sinh sống của đồng bào Cà Tu, nơi đây chưa bao giờ có bóng dáng người Công Giáo, cũng như chưa bao giờ có hình ảnh của ngôi nhà nguyện hay thánh đường. Thế rồi Chúa đã muốn bóng dáng Thánh giá của Ngài phải được vươn cao nơi đây, nên có một số di dân từ các tỉnh phía bắc như Ninh Bình, Nam Định, vào vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp như khai thác vàng ( Sông Vàng ), trồng rừng, chăn nuôi…trong số đó có nhiều người Công Giáo. Ban đầu họ tìm đến Giáo xứ Đông Vinh để tham dự thánh lễ các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Từ Trung Mang về Đông Vinh khoảng chừng 20 cây số.

Đông Vinh cách TP Đà Nẵng gần 40km về phía tây. Đông Vinh thuộc thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, giáp ranh với huyện Đông Giang, của Quảng Nam. Đông Vinh đã có từ rất xa xưa, do một số giáo dân, trốn tránh bách hại, lên trú ẩn nơi thâm sâu cùng cốc này. Trong thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp, nhà thờ đã bị phá hủy, giáo dân phải ly tán khắp nơi để tránh bom đạn. Sau khi đất nước hòa bình, giáo dân Đông Vinh mới lần hồi quay về quê Cha đất Tổ là ăn sinh sống, và họ cũng đã góp công góp sức xây dựng lại một ngôi nhà nguyện bé nhỏ, tạm bợ, để có nơi sớm tối đọc kinh cầu nguyện với nhau. Thời trước giáo dân Đông Vinh phải xuống tận Giáo xứ Lệ Sơn để dự lễ Chúa Nhật, lễ trọng. Sau này khi có Giáo xứ Thạch Nham thì Đông Vinh trở thành một Giáo họ của Thạch Nham.

Đầu tháng 9 năm 2010, ĐGM Giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, đã bổ nhiệm Linh mục Jos.M. Đỗ Xuân Hướng, phó xứ Thạch Nham, về làm quản nhiệm ( chuẩn Cha sở ) tiên khởi Giáo họ Đông Vinh. Đến lễ Giáng Sinh năm 2010, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã chính thức trao thẩm quyền quản nhiệm Giáo họ biệp lập Đông Vinh, được tách ra từ giáo xứ Thạch Nham, cho Cha Giuse Đỗ Xuân Hướng. Đông Vinh là một Giáo họ miền núi rừng, xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn, không có bất cứ một cơ sở vật chất nào, nhà thờ tạm bợ bé nhỏ, không nhà xứ, không nơi sinh hoạt … giáo dân lại quá khó nghèo, cuộc sống nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, cũng chỉ đắp đỗi qua ngày. Tuy nhiên Giáo họ Đông Vinh là một Giáo họ đầy hứa hẹn, vì cánh đồng truyền giáo rất bao la, hai huyện giáp ranh là Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam là vùng toàn lương dân, và dân tộc Cà Tu.

Đến năm 2013, kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận Đà Nẵng, Đức cha Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã nâng những giáo họ biệt lập lên thành giáo xứ để cho giáo phận có đủ 50 giáo xứ, nên giáo họ biệt lập Đông Vinh cũng được nâng thành giáo xứ Đông Vinh, và cha quản nhiệm Giuse Đỗ Xuân Hướng cũng được nâng lên là quản xứ tiên khởi của giáo xứ Đông Vinh.

Kể từ đó Cha Giuse Đỗ Xuân Hướng tìm mọi cách để mở rộng nước Chúa.

Trước hết, Cha thấy con chiên phải lặn lội trên 20 cây số để về Đông Vinh dự lễ, nhất là những ngày mưa gió, với cung đường núi rừng dốc dác, quanh co, thật là khổ sở và hiểm nguy. Từ đó Cha Hướng cố công vượt qua những khó khăn vất vã để đến tận nơi cử hành thánh lễ cho anh chị em. Ban đầu thật gian nan khốn khổ, phải mượn tạm nhà giáo dân để cử hành thánh lễ chui một cách âm thầm lén lút. Giáo dân đi lễ phải cất hết giày dép không để ngoài cửa vì sợ người ta thấy tập trung đông người. Nhưng rồi cũng không sao lén lút mãi được, nên bị địa phương cấm cách. Cha Đỗ Xuân Hướng phải tìm mọi cách để duy trì thánh lễ tại nơi đây cho anh chị em đỡ vất vã và mất công về tận Đông Vinh dự lễ. Với ơn Chúa, đần dần cha cũng đã minh chứng cho chính quyền biết rằng đạo Chúa sẽ đem lại cho con người cuộc sống tốt lành hơn, cho xã hội an vui hơn, nên chính quyền sở tại cũng hiểu ra và không còn gây khó dễ nữa. Từ đó cha chạy vạy để có thể mua một vài ngôi nhà tư nhân để làm nơi cầu nguyện cho cộng đoàn. Tất cả là hồng ân, hiện nay giáo điểm truyền giáo Trung Mang đã có một ngôi nhà nguyện tuy nhỏ nhưng cũng khang trang đầy đủ, bên cạnh đó là ngôi nhà xứ năm gian toàn bằng gỗ kiền khiền làm nơi hội họp, học hỏi giáo lý, tiếp đón khách tham quan; Nhưng cái được lớn nhất là hiện nay là chính quyền đã công nhận giáo điểm Trung Mang là nơi thờ tự của Giáo hội.…Với cái nhìn đầy lạc quan của cha quản xứ Đông Vinh, ngài nói: Hiện nay khu vực Trung Mang này có đến 5000 mét vuông đất, đủ để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, và các công trình phụ trợ, nhưng chưa có tài chánh. Giáo điểm truyền giáo Trung Mang hiện đã có đầy đủ cơ cấu tổ chức; Có ban hành giáo, có ca đoàn, có ban lễ sinh, có ban phụng vụ… Giáo đân hiện nay đã lên gần 100 tín hữu. Đặc biệt tinh thần phục vụ nhà Chúa của giáo dân rất cao, lòng đạo đức cũng tuyệt vời. Cha quản xứ và cha phó xứ Đông Vinh cứ thay phiên nhau lên ở tại đây để làm công tác mục vụ và dâng Thánh lễ hằng ngày cho giáo dân. Chúng tôi thấy thánh lễ thường ngày mà có đến 30 % giáo dân tham dự, đó là một tín hiệu đáng mừng. Với nhiệt huyết truyền giáo của Cha quản xứ Đông Vinh, Giuse Đỗ Xuân Hướng, với lòng đạo đức và tinh thần phục vụ rất cao của anh chị em giáo dân, tôi tin chắc rằng Giáo điểm truyền giáo Trung Mang sẽ ngày càng thăng tiến, càng đem Tin Mừng đến cho nhiều anh chị em lương dân chung quanh. Để Trung Mang sớm “lớn lên” chúng tôi thấy cần phải có sự quan tâm giúp đỡ của Đấng Bản quyền, của mọi người trong Giáo phận, để đem lại cho Trung Mang diện mạo mới, sức sống mới hầu đem nhiều linh hồn về với Chúa.

Giáo điểm Trung Mang ngày mồng 8 tết Kỷ Hợi – 2019

Duy Trà Phạm Cảnh Đáng

.